Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

CẮT NGHĨA TỔNG LUẬN THẦN HỌC CHO CÁC THIẾU NHI – BÀI 11

Administrator
2023-11-08 12:55 UTC+7 57
BÀI 11:  PHẢI CHĂNG THIÊN CHÚA Ở BÊN NGOÀI THỜI GIAN? Một phẩm tính khác của Thiên Chúa liên quan trực tiếp đến sự bất biến của Ngài là Thiên Chúa ở bên ngoài thời gian, hay nói cách khác Thiên Chúa trường tồn vĩnh cửu. Đối với chúng ta, đây quả thực là một […]

BÀI 11:  PHẢI CHĂNG THIÊN CHÚA Ở BÊN NGOÀI THỜI GIAN?

Một phẩm tính khác của Thiên Chúa liên quan trực tiếp đến sự bất biến của Ngài là Thiên Chúa ở bên ngoài thời gian, hay nói cách khác Thiên Chúa trường tồn vĩnh cửu. Đối với chúng ta, đây quả thực là một khái niệm khó hiểu bởi vì chính sự hiện hữu của chúng ta dựa vào thời gian. Thời gian và sự thay đổi liên quan trực tiếp với nhau. Con người thay đổi theo thời gian. Tất cả mọi thay đổi nơi con người đều mang dấu tích của thời gian. Thời gian dần trôi, chúng ta già đi. Bốn mùa thay đổi, kiếp người cũng đổi thay. Trong thế giới con người, không gì có thể diễn ra bên ngoài thời gian.

Chúng ta hiện hữu trong thời gian, vậy bạn có thể hiểu được cái gì hiện hữu bên ngoài thời gian không? Thiên Chúa là Đấng tuyệt hảo. Ngài không cần phải thay đổi vị trí của mình bởi vì Người ở khắp mọi nơi. Thiên Chúa cũng không bao giờ bị tác động để phải hành động vì Thiên Chúa là một tác động thuần tuý hoàn hảo. Thiên Chúa ở bên ngoài thời gian, bởi vì Ngài không bị thời gian tác dụng.. Nếu một Thiên Chúa ở trong thời gian thì Ngài là Đấng thay đổi, và như thế là trái ngược với tính bất biến của Ngài.

Bởi vì Thiên Chúa ở bên ngoài thời gian cho nên Ngài không không nhìn thế giới theo một thứ tự liên tục (đi từ điểm này sang điểm kế tiếp), nhưng Thiên Chúa nhìn mọi sự quá khứ, hiện tại, và tương lai trong một hiện tại vĩnh cửu. Đây quả thực là một khái niệm rất khó hiểu đối với con người; vì thế mà Ngài là Thiên Chúa, còn chúng ta thì không như vậy!

THÁNH TÔMA NÓI GÌ?

Với câu hỏi Thiên Chúa có vĩnh cửu không, thánh Tôma đã trả lời rằng: Khái niệm về sự vĩnh cửu đi theo khái niệm về sự bất biến, đã được bàn trong bài trước. Tương tự, khái niệm về thời gian thì đi theo khái niệm về chuyển động. Bởi vì Thiên Chúa là hoàn toàn bất biến cho nên sự vĩnh cửu cũng là một phẩm tính của Ngài. Thiên Chúa không những là vĩnh cửu, mà Người còn là sự vĩnh cửu của chính mình. Trong khi không vật nào là chính kỳ gian của nó, vì nó không phải chính sự hiện hữu của nó. Còn Thiên Chúa là chính sự hiện hữu bất biến của mình, và vì vậy Ngài Thiên Chúa là bản tính riêng của mình cũng như là sự vĩnh cửu riêng của mình. (ST I, q.10, a.2)

SINH HOẠT THIẾU NHI

Trò chơi sinh hoạt này cần ít nhất hai người tham gia và một chiếc đồng hồ tính giờ.

Hãy đi vào một căn phòng nhỏ. Trong đó có các vật dụng như đồ nội thất hoặc những vật dụng trang trí… Trong thời gian được cho phép là 3 phút, mỗi người chơi phải chú ý tất cả chi tiết và vị trí của đồ vật trong căn phòng này. Tiếp đến, tất cả ra ngoài và một người sẽ thay đổi 10 đồ vật trong căn phòng này và phải ghi chú lại để nhớ. Ví dụ: bạn có thể di chuyển bức tranh qua từ bàn làm việc qua bàn uống trà, lật ngược một cuốn sách… Sự thay đổi không nên quá dễ hoặc quá khó để nhận thấy. Sau đó, những người chơi được mời trở lại căn phòng. Mỗi người có 2 phút để quan sát và ghi nhớ trong đầu tất cả những sự thay đổi ấy. Hết 2 phút, bắt đầu từ người bé tuổi nhất sẽ trả lời. Mỗi câu trả lời đúng được một điểm. Trò chơi tiếp tục cho đến khi 10 sự thay đổi đều được phát hiện. Người có đáp án đúng nhiều nhất là người chiến thắng.

Trò chơi này giúp bạn liên kết yếu tố thời gian khi bạn chăm chú quan sát với sự thay đổi của các đồ vật diễn ra trong khoảng thời gian đó. Đầu tiên bạn thấy bức tranh ở bàn làm việc, nhưng sau đó bạn thấy nó ở bàn uống trà. Bạn hãy rút ra ý nghĩa trong mối quan hệ giữa thời gian và sự thay đổi. Cả hai điều đó phải là phẩm tính của Thiên Chúa không?

PHIÊU LƯU NGOÀI TRỜI

Đã đến lúc chúng ta tổ chức một cuộc thi chạy đua ngoài trời rồi! Bạn hãy chọn một khoảng cách thích hợp (khoảng 100 mét), ấn định rõ ràng vạch xuất phát và vạch đích. Bạn cũng cần thêm thiết bị đếm giờ để đo thời gian cho mỗi lần chạy.

Tốt nhất hãy chạy từng người. Một người khác làm “trọng tài” để tính thời gian. Bạn hãy cố gắng biến cuộc chạy này thành một cuộc thi đua đầy ắp tiếng cười nhé!

Sau khi mọi người đều đã chạy, bạn đừng tiết lộ cho ai biết họ đã mất bao nhiêu lâu để chạy về đích và ai sẽ là người thắng cuộc. Khi không thấy công bố, một cách tự nhiên những người tham dự sẽ thắc mắc. Và bây giờ bạn đã có cơ hội để liên kết trò chơi với ý nghĩa bài học của chúng ta rồi.

Bạn hãy nói về mối quan hệ giữa chuyển động, khoảng cách và thời gian. Nếu được bạn hãy tính luôn cả vận tốc của từng người bằng cách chia khoảng cách đường đua với thời gian mà một người cần để hoàn thành chặng đường đó. Qua hoạt động này bạn có thể diễn giải thêm về nội dung bài học của chúng ta nhé!

NGẪM NGHĨ

Bạn có thấy đầu mình bắt đầu quay cuồng khi bạn cố gắng thấu hiểu những phẩm tính của Thiên Chúa qua những bài chúng ta đã học không? Nếu “Có” thì tôi gửi lời chúc mừng đến bạn được rồi. Điều này có nghĩa là bạn đang rất chăm chú và tập trung vào những bài học của chúng ta. Bạn không ngừng suy ngẫm về sự hoàn hảo của Thiên Chúa. Sự thật là có rất nhiều người đã không dành đủ thời gian để “vật lộn” với những chân lý về bản tính của Thiên Chúa. Bạn biết đấy, bản tính của Thiên Chúa thì vượt xa bản tính của chúng ta. Hầu hết chúng ta cũng không thiết tha và cố gắng để tìm hiểu Thiên Chúa là ai. Nếu chúng ta khát khao để sống với Thiên Chúa mãi mãi, ngay bây giờ chúng ta hãy nghĩ về Ngài và tìm kiếm Ngài trong từng ngày sống của chúng ta. Bạn có thể nghĩ được cách nào giúp chúng ta có thể dành thời gian cho Chúa nhiều hơn không?

Bạn thân mến, chúng ta không bao giờ có được sự hiểu biết hoàn toàn về Thiên Chúa, thậm chí cả khi bạn ở trên thiên đàng bạn cũng không thể làm được điều đó. Lý do là nếu bạn có thể hiểu biết hoàn toàn về Thiên Chúa, thì bạn đã trở thành Thiên Chúa rồi! Nhưng bằng sự nghiên cứu học tập, bằng việc suy niệm và cầu nguyện liên lỉ và nhờ ân sủng mà Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên chúng ta, thì chúng ta có thể hiểu biết Ngài một cách tốt nhất mà tâm trí giới hạn của chúng ta có thể hiểu. Thế nên thay vì thất vọng khi cảm thấy Thiên Chúa thật khó hiểu, bạn hãy hoan ca vì chúng ta đều tôn thờ một Thiên Chúa cao sang tuyệt mỹ. Ngài trổi vượt xa chúng ta và rất đáng được phụng thờ. Ngược lại, nếu Thiên Chúa hoàn toàn dễ hiểu thì đó là một tình trạng “báo động”. Bởi vì chúng ta sẽ không bao giờ thấy Thiên Chúa là một mầu nhiệm cao vời nữa.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, con khát khao được hiểu biết Chúa và được sống với Chúa mãi mãi. Con biết rằng nơi con còn nhiều giới hạn khiến con không thể hiểu biết Chúa cách tỏ tường. Xin cho con hiểu biết Chúa nhiều như Chúa muốn, xin ban cho con ơn khôn ngoan để con tìm kiếm Chúa bằng sự sôi nổi và lửa nhiệt thành. Amen.