Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

CẮT NGHĨA TỔNG LUẬN THẦN HỌC CHO CÁC THIẾU NHI – BÀI 5

Administrator
2023-09-29 00:06 UTC+7 57
BÀI 5: THIÊN CHÚA ĐƠN THUẦN HAY PHỨC HỢP? Khi chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu và thế giới mà Thiên Chúa đã tạo ra, có lẽ bạn đã bắt đầu yêu mến Thiên Chúa và say mê với công trình tạo dựng của Ngài nhiều hơn rồi. Bây giờ chúng ta hãy bắt đầu […]

BÀI 5: THIÊN CHÚA ĐƠN THUẦN HAY PHỨC HỢP?

Khi chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu và thế giới mà Thiên Chúa đã tạo ra, có lẽ bạn đã bắt đầu yêu mến Thiên Chúa và say mê với công trình tạo dựng của Ngài nhiều hơn rồi. Bây giờ chúng ta hãy bắt đầu những bài học có nội dung bàn về bản tính và những phẩm tính khác nhau của Thiên Chúa.

Thiên Chúa, Đấng là Nguyên nhân cho tất cả những hiệu quả mà chúng ta nhìn thấy, cũng chính là Đấng mà chúng ta khao khát được nhận biết và mến yêu mãi mãi. Bạn hãy cố gắng khơi gợi nơi tâm hồn mình khát vọng về Thiên Chúa mỗi ngày một nhiều hơn. Khát vọng này được cụ thể hoá bằng ước muốn được hiểu biết Thiên Chúa, được cảm nghiệm Thiên Chúa rõ ràng hơn trong từng khoảnh khắc của cuộc đời.

Có bao giờ bạn từng hỏi Thiên Chúa đơn thuần hay phức hợp? Có lẽ Thiên Chúa tương đối phức hợp bởi vì Thiên Chúa phải biết nhiều điều, phải phúc đáp cho nhiều lời cầu nguyện và phải hiện diện ở mọi nơi mọi lúc trên địa cầu này. Tuy nhiên, thánh Tôma lại dạy rằng thay vì phức tạp, thì Thiên Chúa hoàn toàn đơn giản và chính con người chúng ta mới là thứ phức tạp hơn nhiều. Vậy thì điều gì khiến Thiên Chúa trở nên đơn thuần như thế?

Sự đơn thuần của Thiên Chúa dựa trên định nghĩa Thiên Chúa “không phải là thứ gì đó” hơn là cách định nghĩa Thiên Chúa “là thứ gì đó”; và Thiên Chúa “không có thứ gì đó” hơn là suy nghĩ về việc Thiên Chúa “có cái gì” đó.

Chẳng hạn, Thiên Chúa là Thần Khí, và vì thế Ngài không có thân xác, không có các chi thể. Ngài không được tạo ra bởi bất cứ ai và bất cứ điều gì. Thiên Chúa không bị chi phối bởi một quy luật hay một điều gì đó. Thiên Chúa không bị giới hạn trong không gian và thời gian. Thiên Chúa không bị tác động bởi bất cứ điều gì vì Người là Nguyên nhân Tối thượng. Những yếu tố “không phải” và “không có” ấy cho chúng ta thấy đơn nhất tính nơi Thiên Chúa.

Thiên Chúa là Nguyên nhân Tối thượng. Đây là luận chứng thứ hai trong năm luận chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa theo thánh Tôma. Tất cả mọi thứ trong thế giới đều có một nguyên nhân, như chúng ta đã học trong bài học trước, vì nguyên nhân ngày phải có một nguyên nhân khác và nguyên nhân đó cũng phải có một nguyên nhân khác nữa. Nhưng chúng ta không thể truy ngược lại mãi. Vì vậy phải tồn tại từ ngàn đời một Hữu thể mà không có một nguyên nhân nào khác, không còn bị tác động, là nguyên nhân của tất cả mọi thứ. Và đó là Thiên Chúa, một Nguyên nhân không có nguyên nhân.

Đến đây, thiết nghĩ chúng ta cũng cần hiểu một vài thuật ngữ triết học – thần học mà Thánh Tôma đã sử dụng trong Tổng luận Thần học.

“Yếu tính” là bản chất cốt lõi của một sự vật, nhờ đó mà sự vật là chính nó và qua đó con người có thể nhận biết được chính sự vật ấy.

“Mô thể” là nguyên lý thống nhất của hữu thể. Nó được hiểu như là bản chất hay yếu tính của sự vật, mà qua đó bằng trí tuệ con người có thể nhận biết hữu thể đó là gì.

“Chất thể” là cái làm cho sự vật chiếm một không gian, là yếu tố kiến tạo lên thực tại vật chất hay khả giác.

THÁNH TÔMA NÓI GÌ?

Với câu hỏi Thiên Chúa có hoàn toàn đơn thuần không, thánh Tôma đã trả lời rằng: Sự đơn thuần tuyệt đối của Thiên Chúa được thể hiện ở rất nhiều cách thức. Đầu tiên, không có sự cấu thành của các thành phần về lượng trong Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa không có cơ thể. Ngài cũng không có sự kết hợp của chất thể và mô thể. Yếu tính của Thiên Chúa không khác biệt với sự hiện hữu của Người. Nơi Thiên Chúa không có sự hỗn hợp giữa giống và dị biệt, cũng không có sự hỗn hợp của chủ thể và tuỳ thể. Vì vậy Thiên Chúa không phải là sự hỗn hợp nhưng hoàn toàn đơn thuần. Thứ hai, bởi vì mỗi hợp vật được cấu thành từ nhiều thành phần khác thì đi sau các bộ phận cấu thành nên chúng và phụ thuộc vào các bộ phận cấu thành nên chúng; mà Thiên Chúa lại là hữu thể đệ nhất. Thứ ba, bởi vì mỗi hợp vật đều có nguyên nhân, mà bản thân những vật khác nhau thì không thể hợp nhất được trừ khi có một vật nào khác khiến chúng hợp nhất. Nhưng chẳng ai tạo nên Thiên Chúa, Thiên Chúa không có nguyên nhân tạo nên Ngài bởi vì Ngài là nguyên nhân tác thành đệ nhất. Thứ tư, bởi vì trong mỗi vật được tạo nên bởi nhiều thành phần thì sẽ có tiềm thể tính và hiện thể tính, nhưng điều này lại không thể áp dụng cho Thiên Chúa. (ST I, q3, a7)

SINH HOẠT THIẾU NHI

Vì bài học này chúng ta nói về sự đơn thuần của Thiên Chúa nên chúng ta sẽ thực hiện một trò sinh hoạt cũng đơn giản. Hãy lấy vài quả bong bóng và xem bạn nhỏ nào có thể thổi quả bong bóng to nhất và nhanh nhất. Phần thú vị của trò sinh hoạt này là bạn hãy tổ chức một cuộc thi để xem các bạn nhỏ ai sẽ là người giữ cho quả bong bóng bay lơ lửng trên không lâu nhất bằng cách dùng miệng thổi hơi bên dưới. Chắc chắn, bạn cũng có thể nghĩ ra một trò sinh hoạt vui hơn với những quả bong bóng này.

Sau trò sinh hoạt này, chúng ta có một cuộc thảo luận nhỏ. Bạn hãy hỏi các em nhỏ để xem các em có thể kể ra điểm khác nhau giữa quả bong bóng vừa được thôi lên với Thiên Chúa dựa trên bài học của chúng ta hay không? Hoặc bạn có thể đặt những câu hỏi gợi ý sau đây nhé.

Có ai tạo ra quả bong bóng này không? Bạn có biết quả bong bóng được làm bằng chất liệu gì không? (hỗn hợp nhựa cao su, phẩm màu, và các hoá chất…) Nếu không thổi hơi vào, thì quả bong bóng bay lơ lửng ấy có tồn tại hay không? Bây giờ chúng ta cùng nghĩ về Thiên Chúa nhé! Có ai tạo ra Thiên Chúa không? Thiên Chúa có được tạo lên từ vật chất gì không? Thiên Chúa có chịu một ai đó tác động lên mình hay không? Ví dụ như quả bong bóng bay lơ lửng là hiệu quả của việc bị tác động (thổi hơi) ở bên dưới.

Chắc chắn qua vài câu hỏi trên chúng ta thấy được sự khác biệt rất lớn. Điều đó nói cho chúng ta biết về sự đơn thuần của Thiên Chúa. Không ai tạo nên Thiên Chúa. Không có thành phần vật chất nào cấu tạo nên Thiên Chúa. Không có bất kỳ một nguyên nhân nào tác động lên Thiên Chúa. Bây giờ, nếu có thể bạn hãy tiếp tục kể ra sự khác biệt để thấy được sự đơn thuần của Thiên Chúa một cách rõ ràng hơn nhé.

PHIÊU LƯU NGOÀI TRỜI

Một trong những cách thức mà chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa là quan sát của thế giới được Ngài tạo dựng. Chúng ta chú ý để tìm xem thụ tạo có điểm giống và khác với Thiên Chúa như thế nào? Thiên Chúa siêu vượt trên tâm trí của chúng ta. Thiên Chúa cũng siêu vượt và khác biệt với thế giới mà Ngài tạo dựng. Nhưng nơi mỗi thụ tạo đều mang một sự tốt lành và vẻ đẹp của Thiên Chúa.

Bạn hãy đến một công viên nhiều cây xanh, hay một khúc sông êm đềm, nơi bạn có thể quan sát những sinh vật trong tự nhiên. Hãy chú ý đến những sinh vật này và xem chúng có hình dáng và hoạt động như thế nào. Tiếp theo, dựa vào những gì chúng ta đã học về tính đơn thuần của Thiên Chúa, hãy viết xuống hoặc thảo luận cùng nhau để xem những loài Chúa dựng nên khác với Chúa ở điểm nào?

Bạn có thể nhận thấy tất cả những gì chúng ta quan sát thấy, dù là hàng cây xanh mướt, hay những chú cá vẫy mình làm tung bọt nước thì đều có một cơ thể, hoặc được cấu tạo bởi một loại vật chất nào đó. Nhưng bạn thấy rằng Thiên Chúa thì không có cơ thể, hay bất cứ điều gì để chúng ta có thể cảm nhận Ngài bằng giác quan. Đó là điểm khác biệt. Đó là sự đơn thuần của Thiên Chúa khác với sự phức tạp nơi thụ tạo, cần phải có các bộ phận, các thành phần cấu tạo… Còn rất nhiều những ví dụ khác, bạn hãy nghĩ thêm một vài ví dụ nữa và bắt đầu cuộc thảo luận về sự đơn thuần của Thiên Chúa nhé!

NGẪM NGHĨ

Bạn có thể tưởng tượng rằng mình sẽ như thế nào nếu không có cơ thể, không có chuyển động và chẳng cần ai sinh ra? Đó hầu như là chuyện không thể bởi vì chúng ta đều là một phần của vũ trụ được tạo dựng. Nhưng điều gì xảy ra nếu thân thể của chúng ta bất động, không còn di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, không phải ăn uống, không phải ngủ nghỉ và thức dậy? Nếu bạn có thể hình dung ra điều này, có thể bạn sẽ hiểu được phần nào tính đơn thuần của Thiên Chúa.

Nhưng bạn có biết, đối với những người có đức tin, thì linh hồn của những tín hữu đã qua đời và hiện đang trên thiên đàng được gọi là những “linh hồn tách biệt”. Điều này có nghĩa rằng những người trên thiên đàng chỉ có linh hồn mà không còn thân xác. Chúng ta sẽ tìm hiểu về vấn đề linh hồn tách biệt khỏi thân xác trong cuốn tiếp theo. Nhưng bạn nên biết rằng mặc dù họ ở trên thiên đàng nhưng họ vẫn nhớ rằng mình từng có một thân xác. Bởi vì thân xác của chúng ta tuyệt đẹp và là một phần tất yếu của bản tính con người. Cả thân xác và linh hồn đều có thể ở trên trần gian và trên thiên đàng. Linh hồn và thân xác tách biệt nhau là điều không thuận với bản tính của con người. Trong những bài học trước chúng ta biết rằng con người có thể nhận biết Thiên Chúa thông qua giác quan, mà giác quan lại là phần rất quan trọng của thân xác.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, con biết rằng khi còn sống trên trần gian này con không thể hiểu biết Chúa một cách trọn vẹn. Xin Chúa hãy giúp con, để con luôn khao khát được hiểu biết Chúa hơn qua lời cầu nguyện của con, qua công việc con làm, và qua việc học hỏi tìm hiểu Chúa của con. Xin cho con hiểu được Chúa là một sự đơn giản hoàn hảo nhất. Amen.