Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Đâu Là Ý Nghĩa Uyên Nguyên Của Sự Cứu Độ?

Administrator
2018-09-23 09:00 UTC+7 24
Rikk Watts[1]   Tôi luôn bị giằng co bởi ý tưởng đâu là ý nghĩa để trở thành một Kitô hữu. Đấy không phải vì tôi không nghĩ có Thiên Chúa thật sự. Tôi được lớn lên trong môi trường của Giáo Hội Ngũ Tuần. Trước kia tôi biết Thiên Chúa là thật, nhưng có […]


Rikk Watts[1]

 

Tôi luôn bị giằng co bởi ý tưởng đâu là ý nghĩa để trở thành một Kitô hữu. Đấy không phải vì tôi không nghĩ có Thiên Chúa thật sự. Tôi được lớn lên trong môi trường của Giáo Hội Ngũ Tuần. Trước kia tôi biết Thiên Chúa là thật, nhưng có một vài cảm thức sai lệch giữa cảm nghiệm Kitô giáo của tôi và thế giới nhân sinh xung quanh tôi. Càng đi nhiều, tôi càng nhận ra rằng đối với nhiều người Kitô hữu có một cảm thức sâu thẳm đến độ không biết vì sao chúng ta ở đây.

Theo truyền thống của tôi, mục tiêu chính của Kitô hữu là cần thoát khỏi thế gian này càng sớm càng tốt, để chúng ta làm những cuốn phim về điều đó giống như cuốn “Để Lại Đằng Sau”. Tuy nhiên chúng ta cần tự vấn rằng, “đâu là ý nghĩa uyên nguyên của sự cứu độ?” Tôi nhớ khi tôi còn làm việc cho IBM, thì điều này thường bị chế nhạo. Một biểu ngữtrong phòng ngủ của một người bạn có đề, “Giêsu, vị cứu tinh tiên phong của dân tộc”. Thoạt tiên tôi nhớ điều này làm mình thực sự bị xúc phạm rất lớn, nhưng với thời gian, tôi bắt đầu tự hỏi liệu chúng ta đã bất xứng với điều đó. Vì sau khi tôi bình tâm lại, tôi bắt đầu ngộ ra kiểu ngôn ngữ ấy có vẻ rất lạ đối với con người ở cuối thế kỷ thứ 20 hay đầu thế kỷ thứ 21.

Chính lúc tìm hiểu một vài bài trên báo của Craig Evans về tầm ảnh hưởng tư tưởng chính trị của người La mã bằng phần mở đầu của Tin Mừng Marcô, thì trong đầu tôi bắt đầu lóe lên rằng chúng ta đang sử dụng một hạn từ mà thực sự không hề ám chỉ đến ý nghĩa đằng sau đó. Thực vậy, “Đấng Cứu Độ” là một thuật ngữ chính trị được ưa chuộng. Có một đoạn miêu tả nổi tiếng (the Priene Inscription) về Hoàng đế Xeda Augusto:

Điều này dường như tốt cho dân Hy Lạp thuộc Châu Á và theo ý kiến của Đấng Tối Cao để nói lên rằng: vì Thượng Đế, vốn đã đặt trật tự lên mọi sự vật và quan tâm đặc biệt đến đời sống của chúng ta, đã đặt để một điều tốt đẹp nhất đó là ban tặng cho chúng ta Augusto, người mà Thượng đế đã đổ đầy đức hạnh để ông có thể giúp ích cho nhân loại, gửi ông đến như một đấng cứu thế, cả cho chúng ta lẫn con cháu của chúng ta, để chấm dứt chiến tranh, và bình ổn mọi sự. Do đó, khi xuất hiện, Xeda tỏ ra trổi vượt ngoài sự mong đợi của chúng ta, và xuất chúng hơn các bậc hào kiệt tiền bối khác, dù không để lại cho hậu thế bất kỳ hy họng nào về điều phi thường mà ông đã làm; sự ra đời của thần Augusto đánh dấu một khởi đầu tin mừng về sự xuất hiện của mình…”.

Đoạn văn này tiếp tục nói lên những lời biết ơn về sự xuất hiện của Augusto.

Bây giờ tôi muốn các bạn để ý đến một vài ngôn từ ở đây. Chẳng ai nói về việc lên thiên đàng. Chẳng ai nói về những tội được tha. Từ “cứu độ” phải dính dáng đến những sự thay đổi cụ thể những sinh mệnh và thế giới nơi con người của thế kỷ đầu tiên đã sống và tìm kiếm để nuôi dưỡng gia đình của họ. Điều này chẳng có gì lạ. Được Đấng cứu tinh cứu mang một ý nghĩa kinh tế và chính trị thời thượng. Nó là một từ của đời sống thường nhật, và được đặt sát một cách tinh tế với tước hiệu “ân nhân”. Augusto được xem như là vị cứu tinh của dân tộc vì điều ông đã làm, đó là phục hồi nền hòa bình cho đế quốc.

Với tôi, lúc này, dường như chúng ta đã mắc phải một sự nhầm lẫn mà ngày nay hẳn không một nhà truyền giáo thực thụ nào sẽ phạm phải – chúng ta đã chẳng đoái hoài gì với từ này và đã đánh mất đi ý nghĩa của nó. Có lẽ chúng ta nên đi tìm hiểu ý nghĩa của từ ấy và suy nghĩ về sự thay đổi của nó, nếu không chúng ta phải tìm một băng rôn khác thay cho “Giêsu, vị cứu tinh Tiên phong của Dân Tộc”.

Tìm hiểu hạn từ cứu độ

Vậy đâu là ý nghĩa uyên nguyên của hạn từ cứu độ? Chúng ta hãy đi tìm những hình ảnh trong Sách Sáng Thế để hiểu được hạn từ cứu độ. Với truyền thống của tôi, chúng tôi đã dành nhiều thời gian để nói về sự cứu độ nhưng lại không thực sự hiểu tại sao Thiên Chúa quan tâm đến điều đó trước tiên. Tại sao Người muốn cứu độ chúng ta bằng mọi cách? Tất nhiên, điều đó cho thấy bạn không thể thực sự nói về sự cứu độ cho đến khi bạn nói về tạo dựng. Có một lý do khởi đi từ Sách Sáng Thế.

Một trong những điểm chính của khái niệm tạo dựng trong Kinh Thánh của người Do Thái là dùng những kiểu nói sau đây: “kiến tạo trái đất… các cột trời… các cái xà của những căn phòng cao sang của Thiên Chúa… các tầng trời trải rộng giống như một chiếc vòm (hay một cái lều)… các cửa sổ của thiên đàng… các nhà kho…”. Đây là kiểu nói của ngôn ngữ kiến trúc. Khái niệm xuyên suốt trong Kinh Thánh Do Thái xem tạo dựng như là một kiểu kiến trúc xây dựng. Vậy điều này thuộc kiểu kiến thiết nào đây?

Ngày nay chúng ta thực sự coi trọng nền văn hóa, đến độ chúng ta muốn tập trung vào cách thức mà ngôn ngữ được sử dụng trong các nền văn hóa xung quanh. Ở nhiều truyền thống cổ xưa gần phía đông việc tạo dựng được xem như là việc của thần linh xây dựng lên cung điện của họ. Đây không phải là một ý tưởng mới. Từ ngữ cung điện trong Do Thái giống như từ được dùng cho đền thờ. Chúng ta để ý trong Is 66,1: “Trời là ngai của ta, và đất là bệ dưới chân ta”. Bạn kiếm đâu ra ngai vàng và cái bệ đây? Trong cung điện. Bạn gọi cái gì là cung điện không phải của vua mà là của một vị thần linh nào đó? Bạn gọi đó là đền thờ.

Bây giờ chúng ta hoàn toàn vui sướng nhìn thấy thiên đàng như là đền thờ của Thiên Chúa, như ý tứ của câu Isaia trên cho thấy trái đất là bệ dưới chân người, trái đất cũng ở ngay đó trong chính căn phòng cung điện ấy. Ngay sau đó, Người tiếp: “Đâu là ngôi nhà mà các ngươi xây cho ta?”. Và theo ngôn ngữ gợi tưởng trong St 2,2 – 3: “Đâu là nơi ta có thể nghỉ ngơi?”. Đây chính xác là thứ ngôn ngữ vốn được vọng lại vào ngày thứ bảy, khi nói đến việc Giavê nghỉ ngơi trong cung điện, trong căn lều vũ trụ bao la của người. Đây cũng là nhãn giới của người Do Thái ở thế kỷ đầu. Josephus nói về đền thờ bằng những hạn từ vũ trụ. Philo tiếp tục diễn giải rằng toàn bộ vũ trụ phải được xem như là cao nhất và đích thực là đền thờ của Thiên Chúa.

Bạn nghĩ như thế nào về việc tạo dựng? Bạn biết gì về đền thờ? Đó có phải là nơi thánh thiêng không? Tuy nhiên, khi bạn nghĩ về tạo dựng, liệu bạn có nghĩ nó như là một nơi thánh thiêng không? Đáng tiếc thay, khi chúng ta nói những thứ như thế có thể là một kiểu phản ứng tự động, “Đây là Kỷ Nguyên Mới”. Dầu đúng hay không, Kinh Thánh đã viết như thế. Đấy chính là một sự xác tín mãnh liệt về thế giới thụ tạo.

Với tôi, dường như chúng ta đã sống quá lâu trong truyền thống Platon vốn đã hạ thấp tính thiện hảo của thế giới hữu hình. Thiên Chúa còn lấy làm vui mừng với cây gỗ. Thật lạ kỳ. Có một vài điều gì đó là lạ xảy ra ở mức độ hạ nguyên tử. Những thứ ở hai nơi cùng một thời điểm. Chúng có những động thái rất kỳ lạ. Có lẽ thật đúng khi nói rằng Thiên Chúa của mọi thụ tạo nhờ lời của Người đã sắp đặt trật tự này và Người yêu mến chúng. “Điều đó thì tốt đẹp”. Theo truyền thống của tôi, chúng tôi tin lý do duy nhất Thiên Chúa đã tạo nên là để phá hủy nó; thế nên, chúng ta thoát khỏi đây càng sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Niềm vui này là một niềm hy vọng lớn lao. Quả thật hơi sốc để nhận ra rằng đang khi chúng ta tìm cách đi lên thì cũng là lúc Đức Giêsu trên đường tìm xuống với chúng ta!

Một điều chưa từng có là bảy lần trong Sách Sáng Thế Thiên Chúa nói: “Điều ấy là tốt đẹp”; cuối cùng Người nói: “rất là tốt đẹp”. Chúng ta để ý Gioan 3,16 có nói: “vì Thiên Chúa yêu đến nỗi…” không phải linh hồn của chúng ta, thậm chí không phải con người, nhưng là vũ trụ này. Tôi có yêu vũ trụ này chăng? Tôi bắt đầu nhận ra – tất nhiên tôi đang có vấn đề khi là một Kitô hữu, vì tôi thực sự chẳng hiểu cách mà Thiên Chúa nghĩ về thế giới của Người.

Mang Hình ảnh Thiên Chúa

Còn Adam và Eva trong tất cả điều này thì sao? Điều gì cuối cùng được đặt để trong đền thờ? Đấy là hình ảnh của thần thánh. Trong chương 1 sách Sáng Thế, Thiên Chúa tạo nên điều gì cuối cùng? Đó chính là hình ảnh Thiên Chúa: “Giờ chúng ta hãy tạo ra con người – nam và nữ – giống hình ảnh ta” (St. 1,26 – 27). Tất cả đều nhắm đến việc tạo thành con người mang hình ảnh ấy và đặt để họ vào khu Vườn Eden.

Một vài nét đặc trưng nảy sinh từ ngôn ngữ hình ảnh này. Một là chúng ta không thể lẩn tránh thân xác này. Bất cứ điều gì khác mà “hình ảnh” ám chỉ, thì đều có dính dáng đến thân xác của ta. Chúng ta phải hiểu rằng các hình ảnh trong thế giới cổ đại không bao giờ có ý đằng tả sự xuất hiện của thần linh. Khi dân Israel đúc con bê vàng (nếu điều có ý ám chỉ đến hình ảnh Giavê), thì điều đó không cho rằng Giavê đi bằng bốn chân trên thiên đường. Không phải thế. Các hình ảnh ấy phác họa nên tính năng và những tính chất của thần linh. Chúng là những lối diễn tả tượng hình, nếu bạn thích, thay vì những hình tượng. Lý do mà bạn chọn con bê con là vì nó biểu tượng cho sức mạnh và uy lực.

Cách nào đấy thân xác của ta thì tối quan trọng. Thực tại ấy nói lên một điều gì đó mà nó ám chỉ đến hình ảnh của Thiên Chúa trong đền thờ mà Người đã tạo dựng cho chúng ta. Một trong những thứ đó là chúng ta có thể đưa ra những dấu hiệu đối nhau hoàn toàn. Điều này cho chúng ta một cách khéo léo để giúp chúng ta bắt chước Giavê trong vương quốc nhỏ bé của vũ trụ mà Người đã tặng cho chúng ta bằng việc thực hiện công trình tạo dựng của Người. Khác với những đối tượng vô tri, những hình ảnh này được chính cuộc sống của thần linh cư ngụ và trở thành chính điểm nhấn của sự hiện hữu của Người trên trần gian này. Đó là điều mà nó muốn ám chỉ đến nhân tính, theo nhãn quan của Kinh Thánh.

Chúng ta đang sống hình ảnh của Giavê, Đấng Tạo dựng. Người đã thổi hơi để làm sống động hình ảnh ấy và sau cùng đã để thần khí ngụ vào đó.[2] Việc của chúng ta là cần bắt chước Người – và đó là điều Adam và Eva đã làm. Hai ông bà đã làm công việc trong vườn Eden và bảo vệ nó, bảo vệ chốn thánh thiêng ấy. Bắt chước Thiên Chúa bằng những hoạt động sáng tạo của Người, có thể nói rằng, những vị thần linh bé nhỏ đã cung kính trước Giavê Thiên Chúa, và bắt chước Người.

Điều gì đang xảy ra ở đây vậy? Một phần có một cuộc bút chiến chống lại sự sùng bái ngẫu tượng. Chúng ta không xây dựng những đền thờ cho Giavê, Đấng đã tạo một cái cho chúng ta và điều ấy được gọi là tạo dựng. Chúng ta không tạo Giavê bằng hình ảnh của chúng ta, nhưng người tạo chúng ta bằng hình ảnh của Người. Chúng ta không mở mắt và tai của Người. Người cho chúng ta ánh sáng và thính giác, và sau cùng thổi hơi của Người vào chúng ta. Chúng ta cũng chẳng cho người điều gì cả, trái lại Người cung cấp đầy đủ cho chúng ta trong khu vườn Eden, có nghĩa là “ánh sáng”.

Tính cách của Thiên Chúa và niềm vui của con người

Thiên Chúa như thế nào? Một niềm vui tròn đầy là tiêu biểu cho đời sống Kitô hữu, như chúng ta đã thấy trong thư gửi tín hữu Philipphê. Con người được giao cho vườn Eden và vì Thiên Chúa Đấng là nguồn vui tròn hảo! Nếu bạn quên điều đấy, thì điều đâu tiên mà Đức Giêsu đã làm trong Tin Mừng của Gioan – có tính thần học nhất trong các sách Tin Mừng – là hóa nước thành rượu, tới 600 lít lận. Ồ, Nietzche đã hiểu điều đó đấy chứ! Hẳn chúng ta không thể gặp những tai ương khủng khiếp vào thời của ta nếu giáo hội Lu – ti đã thực sự hiểu tạo dựng như vườn Eden và điểm chính của Tin Mừng Gioan cũng như một việc làm kỳ diệu đang mở ra. Thiên Chúa không phải là kháng thể. Người ban tặng chúng ta những tặng phẩm tốt đẹp, đó là vườn Eden. Tất nhiên, tác giả thánh thi có thể thốt lên rằng, “con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gi mà Chúa phải bận tâm… ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên?” (Tv 8). Là người (Lewis đã nói như thế) là một tặng phẩm kỳ diệu. Đấy là một sự vinh quang.

Người ta hay nói, “tôi làm những chuyện như thế này – chẳng hạn thay trắng đổi đen – vì tôi chỉ là người thôi mà. Không – ngàn lần không phải vậy”. Chúng ta làm những việc chuyện này chuyện kia không phải chúng ta là người mà vì chúng ta làm người chưa đủ. Đó là điều mà cái này muốn nhắm đến. Được tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, là một hữu thể mặc lấy xác phàm là một điều vinh quang diệu kỳ. Cầu Chúa giúp ta để mắt nhận ra điều này.

Sách Sáng Thế chương 1 không nói về việc Thiên Chúa tạo dựng trong bao lâu. Điểm chính yếu là đền thờ cung điện của Người được xây lên để cho loài người. Vấn đề là chuyện đã xảy ra trong vườn Eden. Khi Adam và Eva ăn trái cây biết lành biết dữ, thì về cơ bản đó là sự đòi quyền tự trị, một sự khước từ sự thật, một ước muốn kiểm soát. điều đó là sự phá hủy hôn phối và xã hội của ta – một cuộc sống tự trị, nơi mà vấn đề là sự kiểm sóat và chúng ta không còn sự tin tưởng. Chúng ta chối từ bản tính mỏng dòn, nhưng chúng ta đang tôn thờ một Thiên Chúa Đấng không phải là một loại thạch tròn toả ra sự thiêng thánh ở một nơi nào đó. Không, đầu tiên và trước hết Người là một cộng đoàn các ngôi vị. Điều này thật thiết thân, và bạn không thể có tương quan nào mà không bị tổn thương, không có sự tin tưởng, và thiếu tính tự nguyện hầu khỏi phải kiểm soát.

Tôi nghĩ rằng câu chuyện vườn địa đàng là thế đó. Và điều gì xảy ra? Cái khoảnh khắc mà chúng ta từ chối rằng chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và chính chúng ta quyết định việc làm người thì có ý nghĩa gì, khi đó chúng ta từ chối mọi thứ chúng ta làm. Nếu một người mang ảnh từ chối người mà nó mang lấy hình ảnh của người ấy thì nó sẽ là gì? Đó chính là sự huỷ diệt – “ngày nào ngươi làm điều này, chắc chắn ngươi sẽ chết”. Thực tế, điều đó đã xảy ra – nỗi buồn thảm đã trút xuống đêm trường của Cain, Lamech, người có hai vợ (một người thì không đủ cho ông – ai đó đã lăng mạ ông và ông đã giết nó), xuống trên những con trai của các thần linh, những kẻ cũng chọn có nhiều phụ nữ (vợ?). Sự bất công đưa đến bạo loạn, và họ đã tự gọi mình là “những đứa con trai của Thần Thánh”, bởi thế tính kiêu ngạo của họ được thổi phồng lên thành cơn giận dữ.

Cuộc tạo thành được hạn định trên tất cả những điều này, và nó đã sa ngã đến mức đổ nát. Vì sao vậy? Bởi lẽ người mang ảnh không còn thực hiện công việc của anh ta là canh giữ và lao động, bởi anh không còn biết anh là ai nữa. Hữu thể nhân linh được xác định để biết chúng ta là ai qua việc nhìn vào chính khuôn mặt nhân loại. Nhưng chỉ khi nhìn ngắm chính dung nhan Thiên Chúa, chúng ta mới biết con người là gì. Đối với các học giả và các mục sư, đó là sứ vụ của chúng ta. Ngày Chúa nhật là để giúp cho các sinh viên và các giáo đoàn thấy được dung mạo của Thiên Chúa. Đó là điều sẽ biến đổi họ.

Vườn Eden mới

Thế là Adam và Eva rời khỏi vườn. Hãy nhận biết việc này – họ được che đậy khi ra đi. Tôi không chắc điều này cho thấy một chút gì việc chuẩn bị trước cho cuộc hy tế – đúng hơn nó cho thấy việc phục trang có một ý nghĩa quan trọng như thế nào trong thế giới cổ đại vốn khác xa đối với chúng ta. Chẳng hạn, việc mặc những loại y phục nào đó cho thấy sự ưng thuận hay thu nhận các quyền lực ngai vàng. Vua Đavít đã cởi bỏ áo choàng trước nhan Đức Chúa. Điều đó mang một ý nghĩa – hành động ấy bày tỏ cho biết ai là vua. Adam và Eva ra đi chỉ với một tấm che thân nhỏ không xứng đáng với phẩm giá của họ, và Giavê Thiên Chúa đã làm gì? Qua hành động cao cả đầy ân sủng và lòng thương xót, Thiên Chúa đã che phủ cho họ. Theo ngôn ngữ Sêmít cổ, từ “che phủ” có nghĩa là lên ngôi. Khi những kẻ nổi loạn rời khỏi khu vườn, Giavê đã che phủ họ như một cách thức của sự khẳng định ấy. “Ta đã tạo dựng nơi này cho ngươi – và bởi cạm bẫy hay thử thách này, ta sẽ đón ngươi về lại đây. Nơi này dành cho ngươi”.

Cuộc xuất hành khỏi Ai cập đã nói lên tất cả điều này. Israel đã đến trong cảnh tối tăm. Một cơn gió thổi mạnh trên biển như bão tố. Ánh sáng xuất hiện khi Giavê ngự đến trong cột lửa cháy. Biển phân làm hai nửa để lộ chỗ đất khô. Bạn đã từng thấy điều này trước đây bao giờ chưa? Bạn nghĩ xem dân Israel đã lấy từ đâu ra câu truyện Sáng Thế chương 1 này? Khi họ đứng trên bờ Biển Đỏ, Biển Sậy, Biển Hỗn Mang, nơi cư ngụ của thuỷ quái, ở đó, họ đã khám phá ra không phải chính Tar hay Atton, những thần linh của Ai cập, những kẻ đã đè nát đám dân nhỏ bé này. Không, nhưng chính là Giavê, Đấng đã đưa dân ra khỏi Ai cập trong cuộc sáng tạo mới.

Người đã mang họ đến một Eden mới – đất Canaan, nơi tràn trề sữa và mật. Điều gì đã xảy ra cho Israel trong quá trình này? Đức Giêsu không phải là người đầu tiên được gọi là “Con Thiên Chúa” trong Kinh Thánh. Thiên Chúa đã nói với Pharaô qua Môsê rằng “Con đầu lòng của Ta là Israel” (Xh 4,22). Bấy giờ, điều đó không có nghĩa rằng Israel là thần thánh – cũng không mang ý nghĩa của ngôn ngữ trong tương quan đối với con cái.

Đó là một thứ ngôn ngữ Khôn Ngoan – những đứa con trai con gái ngoan ngoãn luôn bắt chước cha mẹ chúng. Đây là việc tái định hình nhân tính con người theo hình ảnh Thiên Chúa; một phần của việc đưa chúng ta trở lại khu vườn.

Khi chấp nhận luật Torah, là Israel đã từ bỏ quyết định muốn được tự trị của Adam và Eva. Thập Điều loại bỏ sự tồn tại của việc tự trị. Khi chấp nhận giới luật, Israel nói rằng, “Chúng tôi tín thác vào Đức Chúa và vâng phục Người”. Hãy lắng nghe Thánh vịnh 19: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời…”. Điều ấy nghe như tiếng vang từ tâm ý và thế là quyết định từ bỏ sự đánh giá của Eva về cây biết lành biết dữ (St 3,6). Bởi vậy lời đáp trả đó là Israel sẽ khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống không bởi việc vươn đến cái cây ấy một cách tự trị, nhưng bởi việc chấp nhận luật Torah này. Như vậy là chúng ta bắt đầu để có được sự hình thành hình ảnh Thiên Chúa.

Đó là lý do vì sao bạn phải va chạm với ngôn ngữ trong Ezekiel 1, qua đó vị ngôn sứ đối chiếu việc trang hoàng của Israel dành cho tượng thần với việc Thiên Chúa điểm trang cho Israel. Cho đến lúc đó chúng ta biết rằng Israel là tôn giáo duy nhất thời bấy giờ không có ảnh tượng trong đền thờ. Trong thế giới cổ đại, các đền thờ của người Ai cập thật sự là bản đồ của vũ trụ này; trong các đền thờ, họ trang điểm và thờ cúng các thần mỗi buổi bình minh. Nhưng bạn không có những ảnh tượng như vậy trong đền thờ của Israel. Crispin Fletcher – louis đã cho thấy rằng y phục của vị thượng tế quả thật rất gần với y phục của các ngẫu tượng được thờ cúng nơi các đền thờ ngoại giáo. Bời thế bạn hiểu vị thượng tế của Israel như là “hình ảnh” duy nhất trong đền của Giavê. Tại sao thế? Bởi vị thượng tế trong nơi Cực Thánh làm khuôn mẫu cho sự kêu cầu của Israel như một vương quốc tư tế của Giavê (Xh 19,6) đang sinh sống nơi đất thánh, điện thờ của họ, một Eden mới. Ở mức độ vũ trụ vĩ mô, cuộc Sáng Tạo là cung điện thờ của Thiên Chúa và Israel nghĩa là hình ảnh của Thiên Chúa, là tư tế giữa Thiên Chúa và thế giới còn lại, vì phúc lành của các quốc gia.

Thực tại nhập thể

Giống như Đức Vua vĩ đại đã ngự trị nơi cung điện đền thờ khổng lồ của Người trong ngày nghỉ Sabat, thì dân Người cũng thể hiện thực tại này, sống động nơi ngôi đền rộng lớn hơn thuộc trái đất này. Họ nghỉ ngơi vào ngày Sabat, giữ ngày này thật thánh thiêng vừa để ghi nhớ nguồn gốc ngày Sabat vừa để hưởng trước vận mệnh Thiên Chúa dành cho cung điện đền thờ này mà Người đã xây lên, và đã bảy lần công bố là thiện hảo.

Là một vương quốc tư tế, những kẻ gắn bó với đường lối của Giavê dành cho con người và vui hưởng sự hiện diện riêng tư của Giavê, dân Israel có phận vụ gì? Từ chỗ là gương mẫu cho việc làm người như thế nào cho đến việc trông chừng các dân nước, những người sẽ trông vào họ và nói rằng “Thật là những người khôn ngoan làm sao!”. Điều này nảy sinh một câu hỏi thú vị: khi giờ phút cuối cùng đến, phòng thương mại, hay thị trưởng hoặc chính phủ của bạn đề cập đến giáo hội của bạn và nói: “Chúng tôi đang dõi theo bạn – hãy dạy cho chúng tôi làm người như thế nào?”. Nếu điều đó không xảy ra thì thật thuận tiện để trở thành một Kitô hữu. Là một người mang hình ảnh của Giavê nghĩa là trông giống như Người, và phản ánh sự công bằng, ngay thẳng và lòng trắc ẩn của Giavê – đó là mới là tiêu điểm.

Tất nhiên, một trong những hàm ý của việc được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa đó là mọi hành động lăng mạ chống lại hình ảnh của một vì vua là hành động phản bội cao nhất. Vì thế, mọi hành động lăng mạ chống lại một hữu thể nhân linh khác là hành động năng nhất chống lại Thiên Chúa. Đây không phải là vấn đề tôi đến nhà thờ thường xuyên như thế nào, tôi học hỏi giáo lý tốt ra sao hay liệu rằng tôi có nói xuất thần hơn tất cả các bạn đây hay không. Vấn đề quan trọng đó là tôi cư xử với mọi người thế nào, và Đức Giêsu biết điều ấy. Đâu là những giới răn? Chỉ có hai điều này là “yêu mến Thiên Chúa”“yêu người thân cận như chính mình”. Đó là lý do mà nhờ đó chúng ta được cứu độ!

Việc hoàn lại hình ảnh Thiên Chúa và sự phục hồi công trình tạo dựng của Người là tiêu điểm, nhưng Israel đã đánh mất điều này, họ lạc mất phương hướng. Vì sao vậy? Bởi họ bắt đầu yêu quý phúc lành hơn con người. Hãy lắng nghe ngôn sứ Isaia trong những chương sách đầu. Iarael có kiến trúc thờ phượng nguy nga – không phí tổn dư thừa – và đội ngũ phụng tự sáng giá. Họ có những buổi hội họp cầu nguyện và thậm chí còn ăn chay nữa. Những người dân này đã cùng nhau làm như vậy, một cách chắc chắn, và Thiên Chúa đã phán gì?: “Ai đã mời các người vào hà Ta để làm trò huyên náo? Ta phát ốm đến chết được vì những hội đồng phụng tự hoành tráng của ngươi. Ta đã ngán ngẩm vì những hội họp của các ngươi”. Vì sao vậy? Bởi những kiến trúc nhà thờ này không được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa, cả việc thờ phượng cũng không, cả buổi gặp gỡ cầu nguyện cũng không, và ngay cả việc ăn chay cũng vậy. Chỉ có một thứ được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Bạn muốn thờ phượng Thiên Chúa chứ? Vậy bạn hãy phục trang, ăn uống, trú ngụ, chăm sóc hình ảnh của Người. Điều đó có nghĩa là được cứu độ. Thánh Giacobe nói rằng: “Đừng ngây thơ về việc có đức tin. Hãy để tôi thấy đức tin ấy qua việc bạn làm”.

Thật không ngạc nhiên khi hai tác giả Vincent Carrol và David Schiflett của quyển sách có tựa “Công giáo trong cuộc thử thách” [“Christianity on Trial”, (San Francisco: Encounter Books, 2002)] đề cập rằng, một trong những yếu tố then chốt trong cuộc chuyển đổi của Đế quốc Rôma là sự khoan hồng rộng lượng đến lạ thường dành cho các Kitô hữu. Chúng ta đứng ở đâu trong tương quan với điều này? Một vài người trong chúng ta tích trữ tiền siken cho điều sai trái. Bạn không thể mang theo nó bên mình. Tại sao bạn không đầu tư nó vào một cái gì đó vốn sẽ thay đổi đời sống của con người? Đó là cái xe hơi mới cáu bạn đang dự tính tậu lấy – bạn có thật sự cần nó, có phải nó quan trọng đối với bạn hơn là trang bị cho người trẻ công việc làm của vương quốc? Một thứ tội lỗi rất lớn mà do ảnh hưởng của phương tây chúng ta không đề cập đến đó là sự tham lam của chúng ta, vốn cùng một bản chất với việc thờ ngẫu tượng – bởi vì chúng ta đặt thứ vớ vẩn ấy lên trước con người. Không có điều gì là sai trái với một chiếc xe hơi xinh xắn và những tài sản khác, nhưng con tim của chúng ta ở đâu khi nói đến vương quốc? Israel đã yêu những thứ vớ vẩn ấy hơn là con người. Thật đáng thú vị để xem điều gì xảy ra.

Hãy nhớ lại tất cả thứ ngôn ngữ nói về ngẫu tượng. Những kẻ thờ lạy các tượng thần (Tv 115,135) sẽ trở nên như chúng vậy, có mắt mà không nhìn thấy, có tai mà không nghe chi, có miệng mà chẳng thể nói. Chúng ta cũng thấy điều tương tự như vậy trong Isaia chương 5 về sáu lời sấm tai ương (5,8.11.18.20.21). Chúng quả là được lấy làm mẫu – ba tai ương lớn, ba tai ương nhỏ (như trong St 1). Nó kết thúc với mặt đất không có ánh sáng mà chỉ là bóng tối giữa tiếng gầm vang như của biển (5,30) – một hình ảnh mà đối với tâm trí tôi, vọng lại sự hỗn độn trước cuộc sáng tạo lúc khởi đầu. Nói khác đi, sáu tai ương trong chương năm xuất hiện như là sự vọng lại đầy mỉa mai của sáu ngày sáng tạo nhưng với lời tác động của Giavê thay cho sự phá hủy trật tự thiện hảo của miền đất cư ngụ là Eden mới của Israel.

Ngay sau sự kiện này, bạn gặp thấy chính mình trong một đền thờ (Is 6). Ẩn ý của Kinh Thánh về sự sáng tạo này là gì? Chính là Đền thờ đấy! Điều gì xảy ra trong đền thờ này? Isaia được trao cho một sứ vụ: “Hãy dạy bảo chúng, thấy điều chúng không thể thấy, nghe điều chúng không thể nghe”. Điều gì sẽ đến? Cuộc tái tạo thật mỉa mai của Israel theo hình ảnh của tượng thần mà họ thờ lạy – và điều ấy đưa đến sự huỷ diệt họ. Israel trở nên thật giống với Pharaô. Cướp đoạt quần áo, thực phẩm, chỗ nương tựa thiết yếu của một người đồng bào Israel nào đó là từ chối thờ phượng Thiên Chúa.

Vào thế kỷ thứ tư (nếu dự kiện của tôi là đúng) Hội Thánh Rôma muốn thực hiện việc ăn chay đều đặn để họ có thể ăn bớt lại, cung cấp một triệu khẩu phần mỗi năm. Tu viện ở Cluny đã nuôi ăn 17000 người mỗi năm. Và điều này này là gì? Sự cứu độ liên quan đến điều này – bởi vì vật chất là một vấn đề. Thân xác này là một vấn đề. Nó là một phần trong việc mang lấy hình ảnh. Chính thái độ theo Platon của chúng ta khiến chúng ta đơn giản nghĩ rằng chỉ có linh hồn cần được cứu độ. Thật ngạc nhiên cách nói “cứu độ linh hồn” hiếm chừng nào. Dù sao đi nữa, nó không mang tính Kitô giáo một chút nào. Điều này dường như liên hệ đến sự bất tử của linh hồn, nhưng đó không phải là học thuyết Kitô giáo. Thiên Chúa đã tạo dựng những hữu thể có thân xác, Người sẽ trả lại thân xác cho chúng, Người nghĩ rằng thân xác là một ý tưởng tuyệt vời. Khi chúng ta được phục sinh, chúng ta sẽ có thân xác và chúng sẽ thật đặc biệt, nếu như thân xác được phục sinh của Đức Giêsu và diễn từ của thánh Phaolô về “thân thể có thần khí” (1 Cr 15,44) là bất cứ chỉ dẫn nào.

Mặt đất trở nên bị nguyền rủa và thành hoang mạc – chính nơi đó đánh mất sự sáng tạo, đánh mất hình ảnh thánh. Nhưng bởi vì Thiên Chúa yêu nơi này, người sẽ không bỏ rơi dân người trong sự đày ải, tha hương. Người hứa mang lại một cuộc trở về. Người đã không sáng tạo quả đất mà để ra hoang vu (Is 45,18) và Người sẽ mang dân Người trở về. Đó là điều mà Ezekiel chương 37 nói đến – cuộc phục sinh của cái chết, thân xác và thần khí, Việc phục hồi của hình ảnh và sự trú ngụ trong Thánh Thần. Mang họ trở lại như những hữu thể nhân linh chân thật, bắt chước Thiên Chúa qua hình ảnh mà học được dựng nên.

Đức Giêsu – sự Sáng tạo và cuộc Xuất hành

Tôi muốn gợi lên một cách chính xác điểm nhấn của Đức Giêsu trong sứ vụ của Người. Những điểm chung nhất Đức Giêsu làm là gì? Người đã mở mắt, mở tai, mở miệng, phục hồi tứ chi. Người cho dân chúng ăn trong hoang địa và bắt biển cả phải vâng phục – bạn đã thấy những điều ấy trước đây ở đâu? Không phải đó là cuộc xuất hành chứ? Những lần cho ăn trong hoang mạc và quyền năng của Đức Giêsu vượt trên biển cả cũng gợi nhắc lại cuộc xuất hành và cùng với rượu dự phòng kỳ diệu (Am 9,13; Ge 4,18) và những mẻ cá thật nhiều (Ez 47,9tt), chứng tỏ cho hoạt động sáng tạo mới của Giavê giữa dân Người. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi các tác giả Tin mừng nói về những hành động phi thường, những dấu chỉ, những công việc – nói một cách chính xác là ngôn ngữ của sự sáng tạo à cuộc xuất hành (Tv 65,6; 101,25; Dt 3,24; 4,34; Tv 106,8; 44,1).

Khi Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ, Người đã gọi mười hai môn đệ; điều này không có gì ngạc nhiên đối với chính người vừa mới xuyên qua nước, Thánh Thần đã ngự xuống trên người và đã gọi người là “Con yêu dấu của Ta” – rồi đẩy người vào trong hoang địa bốn mươi ngày. Bạn có biết người được gọi là Con Thiên Chúa, người đã xuyên qua nước vào trong hoang mạc không? Israel đấy! Đây là sự tạo lập một nhân tính mới. Vì thế bây giờ trong Đức Giêsu, chúng ta thấy một Thiên Chúa, Đấng ngự giữa chúng ta như Con Thiên Chúa, chính là Thiên Chúa, nhưng Người cũng là Con Người. Làm thế nào bạn có thể đặt hai điều ấy lại với nhau? Chúng ta vật lộn với điều này – làm thế một Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người? Đó là vấn đề cho những người theo học thuyết Platon, Parménide, Héraclite, nhưng nó không là vấn đề cho chúng ta bởi chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa. Hẳn bạn mong mỏi điều gì khác chăng? Đó là định mệnh của các loài thọ tạo. Người đến giữa và chỉ cho chúng ta thấy ý nghĩa của nó – một sự vinh dự lớn nhất là một con người.

Cái đe dọa rất lớn đối với những câu chuyện nguyên tổ trong nền văn hóa ngày nay là họ phỉ báng con người. Họ nói rằng: “các ngươi (bạn) tồn tại là một sự ngẫu nhiên, là những kẻ lập dị… các ngươi chẳng phải là những con người cuối cùng… các ngươi chẳng có ý nghĩa gì cả”. Chúng ta cảm thấy lo lắng khi con cái chúng ta đã xử sự đúng y như vậy. Những người lớn tuổi mà không quan tâm đến con cái cảm thấy lo ngại bởi vì có nhiều công ty, chẳng hạn như công ty Enron, đã làm những gì họ làm và điều đó làm tổn thương chúng ta. Thật đáng xấu hổ cho chúng ta.

Đức Giêsu chọn gọi 12 tông đồ đi theo Người và họ đã đáp lời Người. Người giảng dạy trên núi. Tuy nhiên, không giống như ngọn núi trong Sách Xuất Hành nơi người ta đã rào quanh chân núi bởi vì những ai muốn lên núi phải thanh khiết cách hoàn hảo. Trong Tin mừng Matthew không có hàng rào nào bao quanh ngọn núi. Mọi người có thể lên đó. Ngay sau khi Đức Giêsu dạy thập điều tuyệt hảo – chứ không phải điều dị hợm mà là những lời dạy phục hồi tha tính nơi chúng ta .

Sự phục hồi nhân tính

Đối với tôi, đây là điều bao hàm tất cả. Cứu độ không phải là sự chối bỏ con người nhưng đó là một sự hồi phục. Bạn và tôi sẽ không bao giờ là người khi chúng ta chỉ sống thiên về tinh thần và ngược lại. Đó là một chuyện kể. Câu chuyện này trích trong Tân Ước. Đức Giêsu thực sự là hình ảnh Chúa Cha – Thiên Chúa vô hình, là Adam mới và là thượng tế tối cao của chúng ta. Hãy xem ý nghĩa điều này! Đấng tạo ra hình ảnh một vị thượng tế tối cao theo kiểu các thượng tế của Israel. Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta và trong chúng ta. Thiên Chúa trong Đức Kitô đã dùng ánh sáng để chiếu soi đêm tối (trước đây bạn đã nghe điều này ở đâu?), biến đổi chúng ta từ vinh dự này đến vinh dự khác và một tinh thần giống Đức Giêsu. Chúng ta ở trong Đức Giêsu, là thành viên của Hội thánh và là chi thể của Đức Kitô. Chúng ta thực sự nằm trong sự quan phòng của Thánh Thần, và không gì bằng sự hiên diện của Thiên Chúa trên trái đất này.

Bàn về nhân học ở mức độ cao hơn. Đây là điều quan trọng mà thánh Phaolô nhấn mạnh. Thánh nhân nắm được ý nghĩa điều chúng ta được gọi mời. Đoạn 3,26 trong thư Galát thực sự là một đoạn có tính cơ bản nhất, đoạn này được viết khoảng năm 300 thế kỷ thứ nhất, trong một thế giới đàn ông có quyền trên phụ nữ, ông chủ nắm quyền hành trên nô lệ, người Do Thái và người Hy Lạp xúc phạm nhau vì bên nào cũng xem mình là tốt đẹp hơn bên kia. Thánh Phaolô đã nói gì?: “Trong Đức Kitô không còn đàn ông hay đàn bà, Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do”. Thật khó mà tìm được một phát biểu nào có tính cơ bản hơn phát biểu trên, và đó là nhãn quan của Kitô giáo.

Bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu về những gì là quan trọng, nhưng đừng quên rằng điều quan trọng nhất là sự cư ngụ của Thánh Thần. Nhưng điều này thường là vấn đề khó giải quyết của chúng ta. Chúng ta sẽ nghiêng về thái cực này hoặc thái cực kia, bằng một sự nhấn mạnh về một vài kiểu chiều kích tâm linh mang tính cá nhân hoặc một vài kiểu gắn kết với hành động xã hội; và chúng ta chấm dứt việc tạo ra các sai lầm. Cả hai khía cạnh đó phải được đòi hỏi. Đó là điểm cao nhất mà Thần Khí ngự đến. Đó cũng là điều mà Tin mừng và Tân Ước nói đến. Bạn có thể phạm những tội, theo Cựu Ước thì được tha nhưng bộ luật Torah không thể làm những điều như Thánh Thần thực hiện. Các tiên tri cũng biết điều đó và nói rằng: “Ta sẽ viết luật dựa trên tâm hồn các ngươi…”. Chúng ta là những con người thuộc Thần Khí. Những ai bước theo Thần Khí thực sự là con cái Thiên Chúa, sống theo hình ảnh của Người. Đó là lý do tại sao trong thư Galát hoa quả của Thần Khí chính là thiên tính được biểu lộ trong chúng ta và không gì hơn được điều này, hồng ân của Thần Khí là chính Thiên Chúa đang thực hiện. Họ đã làm gì? Phục hồi lại nhân tính!

Vận mạng của thụ tạo

Bây giờ là ý kiến cuối cùng của tôi. Nếu bạn quan sát Đức Giêsu làm, sẽ thấy rằng điều Ngài muốn nhắm vào không phải là sự phục hồi thọ tạo vì đó chẳng phải là điều quan trọng. Vì Đức Giêsu nhận biết điều then chốt của tất cả những điều này. Thánh Phaolô cũng biết như vậy. Bạn nhận ra rằng số phận của thụ tạo không bị tiêu tan hoàn toàn. Rm 8, 18 cho thấy vận mạng là gì – đó chính sự cứu chuộc thọ tạo. Điều cốt yếu của sự cứu chuộc mà bạn và tôi được mặc khải là tất cả chúng ta là con cái Thiên Chúa nhờ sống với Thần Khí trong từng giai đoạn. Điều này trông như thế nào? Hãy nhìn lên Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá. Chính điều này đã thay đổi cả thế giới. Nếu bạn tìm hiểu về lịch sử của các Kitô hữu tiên khởi, một điều họ đã làm rất đúng – bắt chước Đức Giêsu.

Đoạn 21 trong sách Khải Huyền cho thấy – chúng ta sẽ không lên trời. Ý tưởng này xâm nhập vào Giáo hội khoảng thế kỷ thứ hai và ba từ những người theo phái Platon, những người không thể hình dung rằng Thiên Chúa luôn quan tâm thế giới. Thiên Chúa phán rằng, “thật tốt, thật tốt, thật tốt, …”. Người yêu thế gian đến nỗi ban chính con của người để giao hòa thế giới với chính Người. Đọc lại Khải Huyền 21 thấy rằng thiên đàng đến rồi. Đó là lý do tại sao nó được gọi là Giêrusalem mới.

Có cái gì đó rất lạ nơi thành Giêrusalem mới này – ở đây không còn đền thờ nữa. Hơn thế, nó là một khối vuông. Hình dạng khối vuông thì có ý nghĩa gì trong Cựu Ước? Đó là nơi cực thánh trong nhà tạm và cũng là nơi cực thánh trong đền thờ. Không có một đền thờ nào trong thành Giêrusalem mới này, bởi vì thành Giêrusalem mới này chính là đền thờ. Không, đền thờ có tiền đình dành cho dân ngoại, dành cho đàn ông, cho phụ nữ và tất cả những gì được ghi chép theo thư Galát 3. Không toàn thành phố chính là nơi Cực thánh! Và nó thật vĩ đại. Trong thế kỷ thứ nhất, kích thước của thế giới theo người thời đó chỉ 12000 stadia mỗi chiều (khoảng 1500 dặm)?

Toàn thể thọ tạo sẽ là Đền Thánh. Thánh Gioan nói rằng Thiên Chúa sẽ đến và ngụ giữa chúng ta, tất cả chúng ta sẽ trở thành dân của Người, lời tuyên bố này được thánh nhân lấy từ phần kết trong sách Xuất hành. Và điều này không có gì ngạc nhiên nếu chúng ta đọc chương 1 sách Sáng Thế. Người yêu thế giới này và các thụ tạo Người đã làm ra. Để được cứu độ phải sống một tình yêu cụ thể với mọi người trong cuộc sống này. Đây là thời điểm của bạn. Hãy nắm lấy ngay thời gian!

 

 


[1] Tiến sĩ Rikk Watt là Giáo sư trợ giảng Tân Ước tại trường đại học Regent, Vancouver, và lấy bằng thạc sĩ ở Chủng viện Thần học Gordon Conwell và tiến sĩ triết của trường đại học Cambrige. Ngài đã dạy tại Đại học Wycliffe và La Trobe (Úc) và là tác giả cuốn Isaiah’s New Exodus in Mark (Baker, 2000), Jesus and the Mighty Deeds of Yahweh, (Baker forthcoming) và nhiều tạp chí, tùy bút, từ điển, và nhiều bài phê bình. Bài viết này là một bài diễn văn ngắn được phát biểu tại đại học Victoria, Melbourne Australia năm 2002. Bản đầy đủ, hoàn chỉnh của bài diễn văn này được in thành tùy bút với tựa đề Đâu là ý nghĩa uyên nguyên của hạn từ cứu độ? do John Stackhouse biên tập (Baker Academic, a division Baker Book House Company, 2002. Bài viết này được in với sự cho phép của nhà xuất bản).

[2] Chúng ta bắt đầu nhận ra rằng: điểm trọng tâm của Tân Ước không phải ‘Đức Kitô chết vì tội’ –điều đó quan trọng, nhưng không phải là căn cốt.