ĐỨC MARIA: TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI
(MARIA UNO SPECCHIO PER LA CHIESA)
Tác giả: Raniro Cantalamessa
Chuyển ngữ: Nhóm linh mục DaLat
***
***
DẪN NHẬP: ÐỨC MARIA – BỨC THƯ VIẾT BỞI NGÓN TAY THIÊN CHÚA
PHẦN I: ÐỨC MARIA – TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI TRONG NHẬP THỂ
PHẦN II: ĐỨC MARIA – TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI TRONG MẦU NHIỆM VƯỢT QUA
***
CHƯƠNG IV: “NÀY BÀ, GIỮA TÔI VÀ BÀ CÓ VIỆC GÌ”
CHƯƠNG V: “ĐỨNG BÊN KHỔ GIÁ CHÚA GIÊSU, CÓ MARIA MẸ NGÀI”
CHƯƠNG VI: “HỠI BÀ, NÀY LÀ CON BÀ!”
ĐỨC MARIA: MẸ CÁC TÍN HỮU
Trong chương này, chúng ta suy tư phần thứ hai đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan: “Vậy Ðức Giêsu thấy Mẹ Ngài và môn đệ Ngài yêu mến đứng bên cạnh, thì Ngài nói với Mẹ: “Hỡi Bà, này là con Bà”. Ðoạn lại nói với môn đệ: “Này là Mẹ con!”. Và từ giờ đó, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình” (Ga 19,26-27).
Trong phần suy nghĩ về Ðức Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta đã chiêm ngắm Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa; trong suy tư về Ðức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta muốn chiêm ngắm Ðức Maria là Mẹ các tín hữu và là Mẹ chúng ta.
I. “MỖI NGƯỜI HÃY SỐNG THEO ÂN SỦNG ĐÃ LÃNH NHẬN”
Chúng ta cần xác định ngay từ đầu rằng, hai tước hiệu hay hai chân lý được bàn đến không nằm trên cùng một bình diện. “Mẹ Thiên Chúa” là một tước hiệu được định tín cách long trọng, dựa trên mẫu tính thực (maternité réelle) chứ không chỉ trên mẫu tính tinh thần (maternité spirituelle); tước hiệu này liên hệ cách chặt chẽ và tất yếu với chân lý trung tâm của đức tin chúng ta, chân lý đó là: Ðức Giêsu là Thiên Chúa và là người trong chỉ cùng một ngôi vị. Tước hiệu này được chấp nhận trong toàn Giáo Hội. “Mẹ các tín hữu” hay “Mẹ chúng ta” liên hệ đến mẫu tính tinh thần. Mối liên hệ với chân lý trung tâm của Kinh Tin Kính ít chặt chẽ hơn. Không thể nói rằng, trong Kitô giáo, tước hiệu này đã được đón nhận “khắp nơi, mọi thời và bởi mọi người”. Nó biểu thị giáo lý và lòng đạo đức của một số Giáo Hội, đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo, nhưng không phải chỉ Giáo Hội Công Giáo mà thôi.
Thánh Augustin giúp chúng ta phân biệt rõ những dị đồng giữa hai vai trò làm Mẹ của Ðức Maria: “Ðức Maria, về mặt thể xác, chỉ là Mẹ Ðức Kitô, trong khi về mặt tinh thần, bởi Người đã thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, nên Người là chị em và là Mẹ Ðức Giêsu, là Mẹ về mặt tinh thần, nhưng Người không đóng vai trò đó đối với Ðầu là chính Ðấng Cứu Thế, mà đúng hơn, Người là con của Ðầu xét về mặt tinh thần. Người chắc chắn là Mẹ về mặt tinh thần của các chi thể là chúng ta, bởi lẽ Mẹ đã cộng tác, bằng lòng mến, vào việc sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội, những chi thể của Ðầu”.[1]
Sự khác biệt giữa hai tước hiệu của Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ các tín hữu, được nhấn mạnh như thế cho thấy rằng, đối với tước hiệu thứ hai là tước hiệu phản ánh lòng đạo đức, sùng kính hơn là tín lý, thì việc chấp nhận một sự tự do nào đó đối với tước hiệu này giữa các Giáo Hội Kitô là điều có thể, thậm chí, là đúng đắn nữa. Dù vẫn dựa trên Lời Chúa, nhưng đó không phải là một hệ quả buộc mọi người phải chấp nhận với cùng một mức độ mạnh mẽ, cùng một mức độ hiển nhiên. Trong phần suy niệm ở đây, chúng ta mong muốn khám phá ra tất cả sự phong phú hàm chứa trong tước hiệu này, và xem ơn sủng nào của Ðức Kitô, được biểu lộ qua tước hiệu đó: làm như thế chúng ta không những thêm cho Ðức Maria một vinh dự nữa, mà chính chúng ta cũng được xây dựng trong đức tin và được tăng triển trong việc noi theo Ðức Kitô. Phần suy niệm còn nhằm làm cho anh em Tin Lành hiểu được tước hiệu này cũng như ý nghĩa của nó theo như người Công Giáo chúng ta hiểu, vì anh em Tin Lành khó có thể chấp nhận tước hiệu này cũng như một số tước hiệu khác nói lên sự tham dự tích cực của Ðức Maria vào ơn cứu chuộc và vào đời sống của Giáo Hội, ngay cả trong hiện tại.Phải chăng đây là lúc cần nhắc lại một đoạn Kinh Thánh về sự phân phối các ân lộc, hay các đoàn sủng (charismes) trong Thân Mình Ðức Kitô: “Mỗi người tùy theo ân lộc đã được, hãy lợi dụng mà phục vụ nhau như những người quản lý giỏi giang về ân sủng muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1Pr 4,10). Lời này không chỉ áp dụng cho những nhân vật đặc biệt trong Giáo Hội, mà còn áp dụng cho những nhóm, những trào lưu khác nhau, cho các truyền thống hình thành trong lòng Giáo Hội. Như thế, ý nghĩa của bản văn sẽ là: mỗi Giáo Hội, tùy theo ân lộc đã được, hãy lợi dụng mà phục vụ nhau như những người quản lý giỏi giang về ân sủng quá sức lớn lao và sung mãn đến nỗi không thể rút lại thành độc “dạng”.
Một số hình thức tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria là một đoàn sủng, một ơn đặc biệt cho Giáo Hội Công Giáo được Giáo Hội Chính Thống chia sẻ phần lớn. Các Giáo Hội này cần phải duy trì và phát triển những hình thức đặc biệt đó để các Kitô hữu khác cũng được hưởng nhờ, nhưng không vì thế mà đòi buộc họ phải chấp nhận thực hành như thế. Các Giáo Hội Cải Cách lại được ân huệ đặc biệt đào sâu Lời Kinh Thánh theo một cách thức nào đó, và ngày nay các Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống đang được hưởng nhờ.
Dựa vào Lời Chúa mà chúng ta vừa nhắc đến, có hai đòi hỏi đề ra cho chúng ta: trước hết, hãy sống ơn sủng đã lãnh nhận, làm cho nó sinh hoa kết quả, và sau đó đưa ra phục vụ tha nhân. Ðây chính là điều chúng tôi đề nghị thực hiện. Với cách nhìn như thế, tước hiệu Ðức Maria “Mẹ các tín hữu” tuy không phải là điều bắt buộc mọi người phải chấp nhận, nhưng tầm quan trọng của nó đối với chúng ta không vì thế mà suy giảm đi chút nào. Theo một nghĩa nào đó, nó còn tăng thêm phần quan trọng: chúng ta cũng chịu trách nhiệm về ân sủng đó đối với các anh em khác.
II. “MỌI NGƯỜI CHÚNG TA ĐỀU SINH RA TẠI ĐÓ”
Tương tự như mẫu tính thể lý, mẫu tính tinh thần thể hiện qua hai giai đoạn và hai hành vi: thụ thai và sinh hạ. Mỗi giai đoạn tự nó không đủ. Ðức Maria đã trải qua hai giai đoạn đó. Người đã thụ thai và sinh hạ chúng ta cách thiêng liêng. Người đã thụ thai chúng ta, nghĩa là đã đón nhận chúng ta trong tâm hồn của Người, khi mà có thể ngay lúc Truyền Tin và chắc chắn về sau, lúc Ðức Giêsu dần dần tiến tới trong sứ mạng của Ngài, Người khám phá ra rằng Con của mình không phải như những đứa con khác, nghĩa là một cá nhân riêng lẻ, nhưng là “Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29), và chung quanh Ngài, một “số sót” tập hợp lại, làm thành một cộng đoàn.
Ðể tìm một hình ảnh tương tự, tuy chưa đúng tầm mức, tâm trí chúng ta nghĩ đến những bà mẹ của các Linh Mục sáng lập hoạt động từ thiện, chẳng hạn như bà mẹ của Don Bosco, thấy những nhóm “bạn nhỏ”, “tụi nhóc đáng thương” kéo đến nhà mình ngày một đông, do chính con mình cầm đầu, lặng lẽ, không cần giải thích nhiều, các bà mẹ đó bắt đầu tự thích ứng với những đòi hỏi mới và bảo đảm cơm ăn, chốn ở, phí tổn nuôi dưỡng cho những đứa trẻ mới đến đó, như thể chúng là con ruột của mình.
Trong trường hợp Ðức Maria, điều đó còn sâu xa hơn rất nhiều. Về những kẻ mới đến này, những người mà Ðức Giêsu gọi là “anh em, chị em và Mẹ Ta”. Ngài nói: “Những gì các ngươi làm (cho cơm ăn,áo mặc, thăm viếng) cho một trong anh em hèn mọn nhất của Ta là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Ðức Maria, trong thời gian đó, khi nghe hoặc được biết Con mình đã nói: “Hãy đến với Ta, hết thảy những ai lao đao vác nặng” (Mt 11,28) hẳn Người hiểu rằng, mình không thể lánh mặt hay từ chối đón nhận làm con tất cả những kẻ được Con mình mời đến, nếu không, Người sẽ không còn là Mẹ của Ngài về mặt tinh thần nữa.
Ðó là thời gian thụ thai, thời gian nói lên tiếng “xin vâng” của tâm hồn. Dưới chân Thập Giá là giờ sinh hạ, Ðức Giêsu nói với Mẹ Ngài bằng tiếng “Hỡi Bà”. Tuy không thể khẳng định chắc chắn, nhưng vì biết thánh sử Gioan thường nói theo lối ẩn dụ, biểu trưng, gợi nhắc, nên chúng ta có thể nói rằng, lời này liên quan đến điều Ðức Giêsu từng nói: “Ðàn bà sinh con thì ưu phiền vì giờ của Bà đã đến”. Lời đó còn ám chỉ đến những gì sách Khải Huyền nói về người đàn bà, ở đây trước tiên là Giáo Hội, cộng đoàn Giao Ước Mới, sinh ra con người mới và thế giới mới, thì Ðức Maria được bao gồm trong đó trước hết, như là sự khởi đầu và là người đại diện cho cộng đoàn tín hữu đó. Giáo Hội đã sớm nhận ra mối quan hệ gần gũi giữa Ðức Maria và người đàn bà khi nhìn Ðức Maria như là Eva mới, “Mẹ của chúng sinh mới”.[2]
Giờ đây chúng ta nhìn vào bản văn của Gioan, xem ngài có thể soi sáng về điểm này như thế nào. Lời của Ðức Giêsu nói với Ðức Maria “Hỡi Bà, này là con Bà”, và với Gioan “Này là Mẹ con” trước tiên có một nghĩa trực tiếp và cụ thể. Chúng ta không nên vội lướt qua ý nghĩa trực tiếp này: Ở đây ta khám phá thấy một khía cạnh quan trọng trong hành trình thiêng liêng của Mẹ Thiên Chúa. Một lần nữa, ta thấy Người như khách kiều cư lữ thứ trong thế giới này, không mái ấm, không nơi ở thực sự là của mình trên trần gian. Người để cho Thiên Chúa “đặt định” thời gian sinh Con, khi Lời Chúa đặt Người vào trong hoàn cảnh hoàn toàn cô đơn trước mọi người, Thiên Chúa yêu cầu Giuse đón nhận Ðức Maria: “Giuse, con của Ðavít, ngươi chớ sợ cưới Maria vợ ngươi về nhà” (Mt 1,20). Tỉnh giấc, Giuse đã đem Người về nhà mình. Giờ đây, lúc Con chết, một lần nữa Người lại đơn độc trong cuộc đời. Thiên Chúa yêu cầu Gioan đem Người về nhà mình và “Gioan từ giờ ấy đã lãnh lấy Bà về nhà mình”. Maria quả là người phụ nữ lênh đênh, không bám vào đâu cả, từ đầu đến cuối, Người để cho Thiên Chúa quyết định cuộc đời mình. Ðối với chúng ta, Người như hiện thân của nghèo khó, “Ðức Bà Nghèo Khó”.
Tuy nhiên, điều này chưa phải đã nói hết ý nghĩa cảnh tượng đó. Khoa chú giải hiện đại, nhờ những tiến bộ lớn lao trong hiểu biết về ngôn ngữ cũng như về những kiểu diễn tả của Tin Mừng thứ IV, đã xác tín về điều đó còn hơn thời các Giáo Phụ. Nếu chỉ dùng một chìa khóa duy nhất để hiểu đoạn văn này, coi đó như những lời trăn trối cuối cùng thì, như người ta nói, bản văn trở thành như “một con cá bắt ra khỏi nước”, không hòa hợp với văn mạch. Ðối với Gioan, giờ chết là Giờ tôn vinh Ðức Giêsu, Giờ hoàn tất trọn vẹn Kinh Thánh, hoàn tất mọi sự. Ngay trước những lời liên quan đến Ðức Maria, Gioan nói đến tước hiệu “Vua dân Do Thái” với ám chỉ rõ ràng đến nghĩa tiên tri và nghĩa viên mãn của nó. Ngài nói đến chiếc áo chùng không có đường khâu (x. Ga 19,23), gợi lại chiếc áo chùng của Vị Thượng Tế, vì áo đó cũng được dệt liền mảnh (Xh 28,31), và gợi lại sự hoàn tất lời tiên tri. Ngay sau những lời đó, ta đọc thấy Ðức Giêsu “phó thác Thần Khí”, nghĩa là Ngài tắt thở nhưng cũng có nghĩa là Ngài sai Thánh Thần, như lời ghi chú tiếp theo sau về máu và nước chảy ra từ cạnh sườn cho thấy rõ điều đó. Thư thứ Nhất của thánh Gioan làm sáng tỏ: “Có ba nhân chứng: Thần Khí, nước và máu” (1Ga 5,7-8). Cạnh sườn khai mở ám chỉ lời tiên tri Ezekiel: nước hằng sống trào ra từ bên hông Ðền Thờ Mới (x. Ed 47,1tt). Chính Ðức Giêsu từng nói về thân mình Ngài bị phá hủy như về Ðền Thờ Mới (x. Ga 2,19tt).
Toàn văn mạch cho thấy rõ, bản văn sẽ bị giải thích cách gượng ép nếu người ta chỉ muốn thấy trong đó một nghĩa riêng tư, cá nhân, thay vì, cùng với lối chú giải truyền thống, nhận ra rằng bản văn mang một nghĩa phổ quát, nghĩa Giáo Hội rõ rệt hơn, có liên hệ với khuôn mặt người “đàn bà” trong Sáng Thế 3,15 và trong Khải Huyền 12. Nghĩa Giáo Hội của bản văn đó là: người môn đệ ở đây không chỉ là Gioan, nhưng là người môn đệ, trong tư cách là môn đệ Ðức Giêsu, thực tế là mọi môn đệ. Ðức Giêsu trong cơn hấp hối trao họ cho Ðức Maria để họ nên con của Người, và trao Ðức Maria cho họ, để Người nên Mẹ của họ.
Lời của Ðức Giêsu có khi mô tả một thực tại đã có, mạc khải điều đang hiện diện; có khi ngược lại, Lời của Ngài sáng tạo, làm cho hiện hữu điều mà nó diễn tả. Những lời của Ðức Giêsu lúc hấp hối nói với Maria và với Gioan thuộc vào loại thứ hai này. Khi nói: “Này là Mình Thầy”. Ðức Giêsu biến bánh trở thành Thân Mình Ngài. Cũng thế – tuy vẫn có tất cả những khác biệt – khi nói: “Này là Mẹ con” và “Này là con Bà”, Ðức Giêsu đã làm cho Ðức Maria nên Mẹ của Gioan, và Gioan nên con của Ðức Maria. Ðức Giêsu không công bố vai trò làm Mẹ mới của Ðức Maria, nhưng đã thiết lập vai trò làm Mẹ đó. Vai trò làm Mẹ này không bởi Ðức Maria, nhưng bởi Lời Chúa, không dựa trên công phúc, nhưng là trên ân sủng.
Như thế, dưới chân Thập Giá, Ðức Maria xuất hiện như là Nữ Tử Sion, sau khi chịu tang các con mình, đã được Thiên Chúa ban cho một dòng dõi mới, không theo xác thịt nhưng theo Thần Khí, một dòng dõi đông hơn dòng dõi ban đầu. Ðây là điều mà một thánh vịnh được phụng vụ áp dụng cho Ðức Maria nói lên: “Kìa xứ Philitinh, thành Tyr cùng miền Ethiopi, tại đó kẻ này người nọ đã sinh ra”. Nhưng về Sion, người ta có thể nói: “Người người sinh tại đó”. Chúa ghi vào sổ bộ các dân: “Kẻ này người nọ đều sinh ra tại đó” (Tv 87,2tt). Ðúng vậy: tất cả chúng ta đều sinh ra tại đó, mọi người đã sinh ra. Về tôi, về bạn.
Phải chăng chúng ta đã không “được tái sinh nhờ Lời Hằng Sống và vĩnh cửu của Thiên Chúa” (x. 1Pr 1,23)?. Phải chăng chúng ta đã không sinh ra “do bởi Thiên Chúa” (Ga 1,13)?. Không tái sinh “bởi nước và Thần Khí” (Ga 5)?. Hẳn rồi! Nhưng điều đó không loại trừ việc chúng ta còn được sinh ra bởi lòng tin và nỗi đau khổ của Ðức Maria, theo một nghĩa khác, nghĩa tùng phục và nghĩa dụng cụ. Nếu Thánh Phaolô, là tôi tớ và là tông đồ của Ðức Kitô, có thể nói với các tín hữu của ngài: “Nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em trong Ðức Giêsu Kitô” (1Cr 4,15), thì Ðức Maria còn có lý gấp mấy để nói như thế, vì Người là Mẹ của họ: “Này con cái của tôi, những kẻ tôi đã phải quặn đau mà sinh ra” (Ga 4,19)?. Ai có thể nói lời đó của thánh Tông Ðồ đúng hơn Ðức Maria? Người sinh chúng ta “một lần nữa” dưới chân Thập Giá, bởi lẽ Người đã sinh chúng ta lần đầu tiên, không phải trong quặn đau mà là trong vui mừng khi Người sinh cho đời “Lời Hằng Sống và vĩnh cửu” là Ðức Kitô, trong Ngài, chúng ta được tái sinh.
Các Lời Thiên Chúa hứa không liên hệ đến những điều trừu tượng, đến các thành phố hay các bức tường, nhưng dành cho những con người cụ thể mà các biểu tượng hay hình ảnh biểu thị. Vậy nếu liên hệ đến những con người cụ thể thì những lời đó ứng nghiệm nơi ai rõ ràng nhất nếu không phải là nơi Ðức Maria, Nữ Tử Sion khiêm hạ, khởi đầu của “số sót”, ngay cả trên bình diện niên biểu – những người mà Thánh Phaolô nói: “Các lời hứa đã được dành cho họ” (x. Rm 11,5tt)?
Vậy, như chúng ta đã áp dụng cho Ðức Maria khúc Ai ca về Sion bị tàn phá, phải uống chén nghĩa nộ của Thiên Chúa, giờ đây, tin vào khả năng chứa đựng và sự phong phú vô cùng của Lời Chúa, vốn vượt xa các lược đồ chú giải, chúng ta áp dụng cho Ðức Maria bài ca Sion được tái thiết sau lưu đày. Tròn mắt kinh ngạc khi nhìn thấy những đứa con mới của mình, Người kêu lên: “Những người ấy ai đã dưỡng dục” (Is 49,21)?.Áp dụng như thế không phải là chủ quan mà là khách quan, vì không dựa trên việc Ðức Maria lúc bấy giờ có nghĩ hay không nghĩ đến những lời ấy, do sự sắp xếp của Thiên Chúa, đã được thực hiện cách khách quan nơi Ðức Maria. Nhận ra được điều này là nhờ cách đọc Kinh Thánh theo Thần Khí (lecture spirituelle), thực hiện trong Giáo Hội và cùng với Giáo Hội. Nếu không đặt mình trong điều kiện như thế, người ta sẽ không thể khám phá ra điều đó. Mất đi Thần Khí, người ta đành thỏa mãn với văn tự. Khoa giải thích hiện đại đã đưa ra một nguyên tắc rất hay: để hiểu một bản văn, người ta không thể không kể đến những gì mà nó tạo ra cũng như những âm vang nó có được trong lịch sử (Wirkungsgeschichte). Nguyên tắc này càng có giá trị hơn đới với các bản văn Kinh Thánh: người ta chỉ có thể hiểu được các bản văn đó trong nội dung toàn thể cũng như các khả năng tiềm tàng của chúng nhờ tất cả những gì chúng đã tạo ra trong lịch sử, trước hết là nơi Israel và sau đó là nơi Giáo Hội, nhờ ánh sáng và sức sống mà chúng làm tỏa phát. Ðiều này rất đúng, nhất là đối với những lời Kinh Thánh như chúng ta đang tìm hiểu. “Lịch sử các ứng nghiệm” (histoire des réalisations) này được Giáo Hội gọi là truyền thống.
III. TỔNG HỢP VỀ ÐỨC MARIA CỦA CÔNG ÐỒNG VATICAN II
Công Ðồng Vatican II đã đem lại một lối diễn đạt mới cho giáo lý Công Giáo truyền thống về Ðức Maria, Mẹ các tín hữu. Giáo huấn về Ðức Maria được lồng vào một khung cảnh rộng lớn hơn, qua đó Ðức Maria được đặt vào trong lịch sử cứu độ và trong mầu nhiệm Ðức Kitô: “Vì muôn đời, Ðức Nữ Trinh đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Và theo chương trình của Chúa Quan Phòng trên trần gian, Ngài đã trở nên Mẹ cao trọng của Ðấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tớ khiêm hạ của Chúa vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong Ðền Thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên Thập Giá. Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta”.[3] Và Công Ðồng lưu tâm xác định ý nghĩa vai trò làm Mẹ này của Ðức Maria: “Vai trò làm Mẹ của Ðức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Ðức Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Ðức Nữ Trinh trên nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết khách thể nào, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô. Ảnh hưởng nương tựa và hoàn toàn tùy thuộc vào sự trung gian của Chúa Kitô, nguồn mạch mọi quyền lực của ảnh hưởng đó. Nhưng ảnh hưởng này không làm cản trở gì, trái lại còn giúp đỡ các tín hữu kết hiệp trực tiếp với Chúa Kitô”.[4]
Bên cạnh tước hiệu Mẹ Thiên Chúa và Mẹ các tín hữu, một phạm trù căn bản khác được Công Ðồng sử dụng để minh họa vai trò của Ðức Maria, đó là phạm trù mẫu mực hay hình bóng: “Ðức Trinh Nữ, nhờ ân huệ và sứ mệnh làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó Ngài được hiệp nhất với Con là Ðấng Cứu Chuộc, và nhờ các ơn và nhiệm vụ đặc biệt khác, Ngài còn kết hiệp mật thiết với Giáo Hội, như thánh Ambroise đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái, và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô”.[5]
Nhờ những bản văn này soi sáng và qua những gì chúng ta đã nói cho đến lúc này, chúng ta có thể tóm tắt mối quan hệ kép của Ðức Maria với Ðức Giêsu và với Giáo Hội. Với Ðức Giêsu, Người là “Mẹ và là môn đệ”. Với Giáo Hội, Người là “Mẹ và là Thầy”, nghĩa là mẫu mực, khuôn mặt gương mẫu. Người quả thực có thể nói như thánh Phaolô, và còn hơn Phaolô nữa: “Anh em hãy theo gương tôi, cũng như tôi đối với Ðức Kitô” (1Cr 11,1). Người quả là mẫu mực của chúng ta vì Người là môn đệ và là người noi theo Ðức Kitô cách hoàn hảo.
Ðiểm hết sức mới mẻ của giáo huấn về Ðức Maria chính là vị trí mà nó được lồng vào: hiến chế tín lý về Giáo Hội. Làm được điều này, tuy không phải là không gặp những đau khổ, xâu xé như vẫn luôn xảy ra trong những trường hợp như vậy, Cồng Ðồng quả đã thực hiện một canh tân sâu xa về Thánh Mẫu học so với các thế kỷ trước. Khảo luận thần học về Ðức Maria không còn là một đề tài riêng lẻ, cách biệt, như thể nó chiếm một vị trí trung gian giữa Ðức Kitô và Giáo Hội, nhưng được đưa trở lại vào lãnh vực Giáo Hội như vào thời các Giáo Phụ. Thánh Augustin từng nói đến điều đó: Ðức Maria là chi thể tuyệt hảo của Giáo Hội, nhưng là một trong các chi thể của Giáo Hội chứ không phải là người ở bên ngoài hay bên trên Giáo Hội: “Ðức Maria thánh thiện, Ðức Maria đầy phúc, nhưng Giáo Hội quan trọng hơn Ðức Maria. Vì sao? Vì Ðức Maria là một phần của Giáo Hội, một chi thể thánh thiện, tuyệt vời, trỗi vượt trên mọi chi thể khác, thế nhưng vẫn là một chi thể của toàn thân thể. Nếu là một chi thể của toàn thân thì thân thể hiển nhiên quan trọng hơn một chi thể”.[6]
Tuy vậy, Giáo Hội vẫn làm nổi bật vai trò làm Mẹ Ðức Kitô như là mối quan hệ độc nhất vô nhị mà phần còn lại của Giáo Hội không tham dự vào. Chương bàn về điểm này mang tựa đề: “Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội”. Việc xác định rõ ràng như thế có tầm quan trọng của nó: không những trong mầu nhiệm Giáo Hội, mà cả trong mầu nhiệm Ðức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể.
Ngay sau Công Ðồng, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã khai triển chủ đề mẫu tính của Ðức Maria, Mẹ các tín hữu. Ngài gán cho Ðức Maria tước hiệu Mẹ Giáo Hội cách minh nhiên và long trọng: “Vì vinh danh Ðức Maria và vì niềm an ủi của chúng ta, chúng tôi tôn xưng Ðức Trinh Nữ Maria Rất Thánh là Mẹ Giáo Hội, nghĩa là Mẹ của toàn Dân Chúa, của tín hữu cũng như của các mục tử, những người gọi Ngài là Mẹ rất mến yêu. Và chúng tôi mong muốn từ nay, với tước hiệu rất dịu êm này. Ðức Trinh Nữ sẽ càng được toàn dân Kitô giáo tôn kính và khấn cầu hơn nữa”.[7]
IV. ÐỨC MARIA: MẸ CÁC TÍN HỮU TRONG VIỄN TƯỢNG ĐẠI KẾT
Giờ đây, chúng ta cố gắng tìm hiểu rõ hơn tước hiệu Mẹ các tín hữu và Mẹ Giáo Hội của Ðức Maria khởi từ một số mẫu gương trong Kinh Thánh, với hy vọng làm cho anh em Tin Lành hiểu được niềm tin này của Giáo Hội Công Giáo, không còn cảm thấy đó là điều gây vấp phạm.
Trước hết, tôi muốn làm sáng tỏ nguyên lý căn bản cho những suy tư dưới đây. Như chúng ta đã thấy, Ðức Maria được đặt vào trong Giáo Hội cách căn bản, vì thế những phạm trù, những khẳng định Kinh Thánh được dùng để soi sáng vấn đề là những phạm trù, khẳng định liên quan đến những con người làm thành Giáo Hội, và được áp dụng cho Ðức Maria theo nghĩa mạnh hơn (a fortiori), hơn là những bản văn liên quan đến các ngôi vị Thiên Chúa hay Ðức Kitô được áp dụng cho Ðức Maria bằng cách “giảm trừ”. Chẳng hạn, để hiểu cách chính xác khái niệm tế nhị về sự trung gian của Ðức Maria trong công trình cứu độ, chúng ta khởi đi từ trung gian của thụ tạo, trung gian từ dưới (médiation par le bas), như trung gian của Abraham, của thánh Phaolô, của các tông đồ hơn là khởi đi từ trung gian thần nhân của Ðức Kitô (médiation humano-divine) và đó là điều hữu ích và hợp thời hơn. Khoảng cách lớn nhất không phải là khoảng cách giữa Ðức Maria với phần còn lại của Giáo Hội, mà là khoảng cách giữa một bên là Ðức Maria và Giáo Hội, với bên kia là Ðức Kitô và Ba Ngôi, hoặc khoảng cách giữa các thụ tạo với Ðấng Sáng Tạo. Xây dựng một Kitô học “từ dưới” (une Christologie par le bas), khởi từ con người thay vì từ Thiên Chúa là điều bất khả, thậm chí là nguy hiểm nữa, vì “không ai có thể lên trời ngoài Ðấng từ trời xuống” (x. Ga 13,13). Không ai có thể xin cho Ðức Kitô phẩm vị Thiên Chúa, nếu ngay từ đầu Ngài không là Thiên Chúa. Người ta trở thành người chứ không trở thành Thiên Chúa được. Ngược lại, cố gắng xây dựng một Thánh Mẫu học từ dưới là điều có thể được, ngay cả là đúng đắn nữa. Ðã có một thời người ta dùng phương pháp diễn dịch để suy diễn ra tất cả các tước hiệu của Ðức Maria khởi từ một nguyên lý tín lý, chẳng hạn như “Ðầy ân sủng”, hoặc “Mẹ Thiên Chúa”. Nhưng dưới ánh sáng hiến chế của Công Ðồng Vatican II, chúng ta có thể đi con đường khác, dùng phương pháp qui nạp, khởi từ Lời Chúa.Loại suy từ dưới (analogie par le bas) đầu tiên mà Kinh Thánh đưa ra về Ðức Maria là loại suy từ Abraham. Chúng ta đã so sánh thoáng qua Abraham với Ðức Maria rất nhiều lần. Ðây là lúc chúng ta sử dụng so sánh đó cách thấu đáo hơn. Trong Tân Ước, một điều lưu ý là Ðức Kitô không bao giờ được gọi là Abraham mới, trong khi Ngài nhận được tước hiệu Isaac mới, Giacob mới, Moses mới, Aaron mới,.v.v… Isaac con của Abraham mới đúng là hình bóng của Ðức Kitô. Abraham không có nét tương ứng với Ðức Kitô mà là với Ðức Maria. Bởi được đặt làm Cha trong đức tin, ông là người tiêu biểu về đức tin: trong Tân Ước, điều này không hề được qui cho Ðức Giêsu nhưng lại rất đúng với Ðức Maria, khi Người được tuyên bố là có phúc bởi đã tin (x. Lc 1,45).
Sự so sánh giữa đức tin của Abraham với đức tin của Ðức Maria được phác họa trong chính trình thuật về truyền tin. Ðức Maria lưu ý thiên thần về tình trạng sống trinh khiết của mình, một tình trạng ngược lại với lời hứa. Người nhận được cùng một câu trả lời như Abraham sau khi Sara nêu cùng một nhận xét về sự già nua, son sẻ của mình. Sự đồng nhất giữa hai câu trả lời càng rõ hơn nữa trong bản LXX: “Với Thiên Chúa, nào có gì lại là không có thể” (x. Lc 1,37; Kn 18,14).[8]
Sự tương ứng còn nổi bật hơn nữa qua các sự kiện. Cuộc đời Abraham được đánh dấu bởi hai hành vi lớn của đức tin. Trước hết, bởi tin, Abraham đã tin tưởng vào Lời Thiên Chúa hứa rằng ông sẽ có một con trai, mặc dầu “ông đã nhìn đến thân xác chết cằn của mình và lòng dạ tàn cỗi của Sara” (Rm 4,19; Dt 11,11). Sau đó, “Bởi tin, Abraham đã hiến dâng Isaac khi Thiên Chúa thử lòng, và ông tiến dâng đứa con một, ông là người đã đón nhận các lời hứa” (Dt 11,170). Như thế, Abraham đã tin khi Thiên Chúa ban cho ông một con trai và ông đã tin khi Thiên Chúa cất đi của ông người con ấy.
Cuộc đời của Ðức Maria cũng thế, chúng ta cũng thấy có hai hành vi lớn lao của đức tin. Mặc dầu đang sống trinh khiết, Ðức Maria đã tin khi Thiên Chúa loan báo cho Người về một người con sẽ sinh ra, người con đó sẽ là kẻ thừa hưởng mọi lời hứa. Sau đó, Maria đã tin khi Thiên Chúa đòi Người tham dự vào cuộc hiến tế Người Con mà Ngài đã ban cho Mẹ. Ở đây, mọi ánh sáng đều tắt ngấm, con người thực sự đi vào trong đêm tối đức tin. Thiên Chúa dường như tiền hậu bất nhất, Người như quên đi các lời hứa của Người. Người nói: “Ngài sẽ làm lớn và được gọi là Con của Ðấng Tối Cao”, thế mà ngược lại, Ngài đã bị nghiền tán dưới đòn roi và nhục mạ. Người nói: “Ngài sẽ làm vua trên nhà Giacob cho đến đời đời”, vậy mà Ngài đã bị đóng đinh Thập Giá! Ðức Maria phải hy vọng cho đến cùng, bởi Người cũng phải tiến bước trong đức tin, trong lòng cậy trông, chứ không phải trong thị kiến hy vọng Thiên Chúa sẽ can thiệp, dòng sự việc sẽ đổi thay. Mẹ đã hy vọng điều đó sau khi Chúa bị bắt, rồi trước mặt Philato, trước khi bản án được tuyên bố, và trên đồi Golgotha, trước khi mũi đinh đầu tiên đóng vào thân thể, hy vọng đến tận giây phút Chúa gục đầu, trút hơi thở cuối cùng. Thế nhưng vẫn không có gì cả!
So với Abraham, Ðức Maria bị đòi hỏi hơn rất nhiều. Với Abraham, Thiên Chúa đã can thiệp vào giây phút cuối cùng, dung mạng cho Isaac. Với Ðức Maria, Người đã vượt qua cái ranh giới không thể quay trở lại là cái chết. Chúng ta hãy lưu ý sự khác biệt này giữa Cựu Ước Và Tân Ước; “Abraham nắm lấy con dao nhưng đã được lại Isaac. Sự việc thực ra không nghiệt ngã. Tột điểm của tấn kịch nằm trong sự thử thách nhưng sau đó là niềm vui sướng được lại mạng sống. Trong Tân Ước thì hoàn toàn khác. Không phải một lưỡi gươm treo sợi tóc, lơ lững trên đầu Ðức Maria để thử xem Người có thể kiên vững trong sự vâng phục của đức tin không, lưỡi gươm đã thực sự đâm thấu, làm tan vỡ trái tim của Mẹ, nhưng cũng nhờ đó mà Mẹ có được một bảo đảm về vĩnh cửu: điều mà Abraham không có được”.[9]
Có thể rút ra kết luận nào từ tất cả những điều đó? Nếu, do những việc ông làm, Abraham đã được xứng danh hiệu là “cha” (x. Lc 16,24): “cha của chúng ta hết thảy”, trong Kinh Thánh nghĩa là của mọi tín hữu (x. Rm 4,16), thì việc gọi Ðức Maria là “Mẹ của chúng ta hết thảy”, Mẹ của mọi tín hữu, có gì lạ lùng đâu? Abraham nhận được tước hiệu đó không phải lúc sinh tiền mà là về sau, khi dân tộc ông suy tư, nghiền ngẫm lại đức tin của ông. Ðức Maria cũng vậy, Người nhận được tước hiệu này là do suy tư về sau của dân tộc Người là Giáo Hội, lúc Người còn sống, Kinh Thánh chỉ cho biết rằng Người đã tin các lời Chúa phán cùng Người sẽ được thực hiện. Tước hiệu của Abraham “cha các kẻ tin” được ghi trong Kinh Thánh và vì thế buộc mọi người nhìn nhận, không phải bàn cãi. Một tước hiệu như vậy, khi Giáo Hội gán cho Ðức Maria, hẳn cũng phải được tôn trọng, sùng kính, ít ra là cùng một mức độ như thế, và chúng ta thấy tước hiệu đó cũng dựa vào chính Kinh Thánh một cách hết sức chắc chắn.
So sánh giữa Abraham và Ðức Maria giúp chúng ta hiểu sâu hơn, không chỉ dừng lại ở tước hiệu, mà còn có thể đi vào nội dung và ý nghĩa của nó. Mẹ các tín hữu phải chăng là một tước hiệu danh dự, hay còn điều gì hơn thế nữa? Khi chú giải đoạn Kinh Thánh Thiên Chúa nói với Abraham: “Nơi ngươi mọi tông tộc trên trần sẽ được chúc phúc” (Kn 12,3), Calvin chú giải theo nghĩa “Abraham không phải chỉ là khuôn mẫu, là vị thầy, mà còn là nguyên nhân của sự chúc phúc”.[10] Cũng theo nghĩa này, một nhà chú giải Tin Lành thời nay viết: “Người ta tự hỏi, phải chăng những lời này chỉ có ý khẳng định rằng Abraham sẽ trở nên một loại công thức chúc lành, và lời chúc lành mà ông được hưởng trở thành điển hình. Nhưng, theo quan điểm của khoa chú giải, việc giới hạn một mệnh đề được sắp xếp kỹ lưỡng và có một văn phong rất cao nhã như vậy vào một nghĩa độc nhất và yếu nhất là một việc sai lầm. Vì thế, cần phải trở lại với lối chú giải truyền thống, hiểu lời nói của Giavê “như một lệnh truyền đối với lịch sử” (B. Jacob). Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Abraham được dành cho vai trò làm trung gian cho sự chúc phúc đối với mọi thế hệ trên trần gian”.[11]
Tất cả những điều này giúp chúng ta rất nhiều để hiểu được những điều Truyền Thống nói về Ðức Maria, kể từ thánh Irenée: Người không phải chỉ là một “mẫu gương” về sự chúc phúc và ơn cứu độ, mà một cách nào đó còn là “nguyên nhân” của ơn cứu độ, tất nhiên là nguyên nhân phụ thuộc và dụng cụ hoàn toàn tùy thuộc ân sủng và ý muốn của Thiên Chúa. Vai trò làm Mẹ của Ðức Maria đối với Giáo Hội không phải chỉ mang tính cách danh dự, hay chỉ là một kiểu nói. Thánh Irenée viết: “Vậy, cũng như Eva vì bất tuân đã trở thành nguyên nhân sự chết cho bà và cho tất cả nhân loại, cũng thế Ðức Maria., vì vâng phục, đã trở nên “nguyên nhân ơn cứu độ” cho Người và cho toàn thể nhân loại”.[12]
Anh em Tin Lành thân mến, những lời: “Mọi đời sẽ khen tôi có phúc” (Lc 1,48), không phải chúng tôi, những người Công Giáo, đã đưa vào Kinh Thánh mà chính là Chúa Thánh Thần. Những lời đó lại không cần phải được coi như “một lệnh truyền của Thiên Chúa đối với lịch sử”, như những lời với Abraham: “Nơi ngươi, mọi dòng tộc trên trần sẽ được chúc phúc” hay sao? Nếu người ta nhìn nhận Abraham có một vai trò “trung gian”, thì tại sao lại không nhìn nhận như thế, và còn đúng lý hơn thế đối với Ðức Maria?
Ta không thể nói rằng, một trung gian thực sự như trung gian của Abraham chỉ có giá trị trong nhiệm cục Cựu Ước chứ không có giá trị trong nhiệm cục Tân Ước, vì từ nay chúng ta đã có Ðấng Trung Gian độc nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, một người, là Ðức Giêsu Kitô (x. 1Tm 2,5). Không thể nói như vậy được, bởi lẽ vai trò trung gian độc nhất của Ðức Kitô cũng hoạt động, trong Giao Ước Mới, xuyên qua những trung gian thụ tạo và nhân loại, do chính Ngài thiết lập, chẳng hạn sự trung gian của các dấu Bí Tích, hay qua con người các tông đồ.
Không nên hiểu những nhận xét này theo kiểu suy nghĩ của kẻ muốn nói với người khác: “Ex ore tuo te judico”, “ta cứ lời ngươi mà xét xử ngươi”. Ðúng hơn, những nhận xét này muốn cho thấy rằng anh em Tin Lành, nhờ cảm thức đặc biệt về Kinh Thánh, có thể mang lại một sự đóng góp không thể thay thế cho việc xây dựng đức tin chung, kể cả trong những gì liên quan đến Ðức Maria. Nói khác đi chúng nói lên một lời mời gọi, một mong muốn hiệp thông hơn là một phán đoán về sự nhất quán hay không nhất quán. Quả thực, chính trên lãnh vực Kinh Thánh mà người Công Giáo và Tin Lành sẽ có thể tìm được sự hiệp thông trọn vẹn, ngay cả trong những gì liên quan đến Ðức Maria, đó là điều ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Quả vậy, nếu theo một nghĩa Ðức Maria là thành phần của Giáo Hội và Công Ðồng Vatican II đã đưa Người vào trong hiến chế về Giáo Hội một cách hợp lý, chặt chẽ, thì theo một nghĩa khác, Người còn là một chương quan trọng của Kinh Thánh, của Lời Chúa và cần phải được giải thích dựa vào hiến chế về mạc Khải, Dei Verbum. Thánh Grégoire Cả nói: “Thiên Chúa dạy chúng ta khi thì bằng lời, khi thì bằng các công trình”.[13] Một đoạn trong Dei Verbum giải thích công cuộc mạc khải cũng theo chiều hướng này; công cuộc mạc khải được thực hiện bằng hai cách: bằng hành động và bằng lời nói (gestis verbisque).[14]
Như thế, một thực tế rõ ràng trong Kinh Thánh được làm sáng tỏ, đó là: Kinh Thánh không chỉ gồm những lời nói mà còn là những hành động, những hành vi mang tính biểu trưng, hoặc ngay cả những cuộc đời mà tự chúng đã mang tính tiên tri. Ðức Maria là một trong những cuộc đời mang tính tiên tri này, và xét dưới khía cạnh đó thì Ðức Maria là dụng cụ mạc khải, không những và không phải vì những gì Người là. Ðức Maria, theo cung cách của mình, là một “lời hữu hình”, một lời “bằng hành động”, giống như thánh Augustin định nghĩa dấu chỉ Bí Tích.[15]
Sau Abraham, loại suy từ dưới thứ hai là loại suy từ các tông đồ. Thư gửi tín hữu Ephesus nói, các tín hữu “được xây cao lên trên nền móng là các tông đồ và tiên tri, mà đỉnh góc chính là Ðức Kitô Giêsu” (Ep 2,20). Làm sao các tông đồ và tiên tri có thể là “nền móng”, vì đã có viết rằng: “Về nền móng thì không ai có thể đặt cái khác, ngoài nền móng đã đặt rồi, tức là Ðức Giêsu Kitô” (1Cr 3,11)?. Câu trả lời thật đơn giản: việc được “xây nền” trên ai đó có thể quan niệm theo nhiều cách khác nhau. Nếu ta có thể được “xây nền” trên các tông đồ, vì các ngài là những người đầu tiên truyền lại cho chúng ta lời sự sống, thì chẳng lẽ chúng ta lại không thể nói như thế và còn hơn thế, rằng chúng ta được “xây nền” trên Ðức Maria và được “sinh” bởi Ðức Maria, vì Người đã truyền lại cho chúng ta chính tác giả của Lời và truyền lại không phải cho Giáo Hội này hay Giáo Hội kia như mỗi một tông đồ, mà là cho toàn thế giới.
Thiên Chúa, Ðấng đã không khinh màng việc kêu gọi các thụ tạo cả nam lẫn nữ, cộng tác với Ngài trong việc trao ban sự sống tự nhiên, thì hẳn Ngài có thể, nếu Ngài muốn, kêu gọi một thụ tạo là Ðức Maria cũng như kêu gọi mọi người, theo cách khác, cộng tác với Ngài trong việc trao ban sự sống siêu nhiên, trở thành “dụng cụ của ân sủng” Ngài. Ðược kêu gọi như thế, thụ tạo vẫn không là gì trước mắt Thiên Chúa, tất cả hoàn toàn là ân sủng và chỉ là ân sủng mà thôi. Chúng ta hãy tránh, ngay cả khi muốn bảo vệ tính siêu việt của Ngài, mang một ý tưởng “chật hẹp” tầm thường về Thiên Chúa, ý tưởng về một Thiên Chúa “ghen tương”, ghen tương không theo nghĩa Kinh Thánh mà là ganh ghét theo nghĩa phàm nhân, như thần linh của người Hy Lạp. Sự “cả ghen” của Thiên Chúa trong Kinh Thánh nhắm vào các ngẫu tượng chứ không nhằm đến các dụng cụ, các trung gian của Ngài.
Thật là khích lệ khi khám phá thấy rằng, ngay cả những nhà khai sáng phong trào Cải Cách cũng đã nhìn nhận tước hiệu và đặc quyền làm Mẹ của Ðức Maria, Mẹ theo nghĩa Mẹ của chúng ta và Mẹ của ơn cứu độ. Chúng ta hãy nghe Luther trong một bài giảng lễ Giáng Sinh: “Niềm an ủi và lòng nhân hậu dư tràn của Thiên Chúa là thế này: khi tin, con người có thể tự vinh vang về niềm hạnh phúc quí giá đến nhường ấy, được Ðức Maria thực sự làm Mẹ, Ðức Kitô làm Anh và Thiên Chúa làm Cha của mình. Nếu bạn tin như thế thì bây giờ bạn thực sự được nghỉ ngơi nơi lòng Ðức Trinh Nữ Maria và bạn là con chí ái của Người”.[16]
Zwingli, trong một bài giảng vào năm 1524, đã gọi Ðức Maria là “Maria Trinh Nữ vẹn tuyền, Mẹ ơn cứu độ chúng ta”. Ông thêm rằng, ông đã không bao giờ “suy nghĩ và cũng không dạy hay khẳng định công khai điều gì báng bổ, làm ô danh, bất xứng hay xấu xa” [17] về Ðức Maria.
Nếu vậy, tại sao chúng ta lại đi đến tình trạng hiện tại trong đó anh em Tin Lành cảm thấy khó chịu đối với Ðức Maria như thế? Tại sao lại đi đến mức, có một số nhóm nhỏ bên lề cho mình có trách nhiệm phải hạ thấp Ðức Maria, liên tục tấn công người Công Giáo về điểm này và quên đi tất cả những gì Kinh Thánh nói về Ðức Maria? Những gì xảy ra đối với Ðức Maria phần nào giống với những gì đã xảy đến đối với giáo lý về Bí tích Thánh Thể. Ðiều lẽ ra phải là những dấu chỉ và là những tác tố mạnh mẽ nhất của sự hiệp nhất và với Bí tích Thánh Thể, là chính Bí Tích của sự hiệp nhất, lại đã thành nhiều trở ngại nổi bật nhất, trở thành những nguyên nhân lớn nhất gây ra sự bất đồng.
Tôi không có tham vọng đưa ra giải đáp cho những vấn nạn đó: mong muốn duy nhất của tôi là chỉ ra con đường mà, theo tôi nghĩ, có thể giúp vượt ra khỏi tình trạng đáng buồn này về Ðức Maria. Con đường này đi qua một cử chỉ thành thực về phía chúng ta, những người Công Giáo, biết nhìn nhận rằng, thường ra nhất là trong những thế kỷ cuối này, chúng ta đã góp phần quyết định trong việc làm cho Ðức Maria trở thành không thể chấp nhận được đối với anh em Tin Lành. Chúng ta tôn kính Ðức Maria đôi khi một cách quá đáng, thiếu suy nghĩ, thận trọng, nhất là không đặt sự sùng kính đó vào trong một khuôn khổ Kinh Thánh rõ ràng, để làm nổi bật vai trò phụ thuộc của Ðức Maria đối với Lời Chúa, với Chúa Thánh Thần và với chính Ðức Giêsu. Thánh Mẫu học của những thế kỷ cuối cùng này đã trở thành một xưởng thường xuyên chế tạo các tước hiệu mới, các việc sùng kính mới, mà thường là để chống lại anh em Tin Lành, đôi khi dùng chính Ðức Maria – Người Mẹ chung – như vũ khí chống lại họ. Công Ðồng Vatican II đã chống lại khuynh hướng này đúng lúc. Công Ðồng khuyên các tín hữu “phải hết sức cẩn thận tránh xa mọi lời nói hay cử chỉ có thể làm cho các anh em ly khai hay các anh em khác có thể hiểu sai giáo lý đích thực của Giáo Hội”. Công Ðồng nhắc các tín hữu nhớ rằng “lòng sùng kính đích thực không hệ tại chút nào trong những tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở một sự dễ tin phù phiếm”.[18]
Về phía anh em Tin Lành, tôi thiết nghĩ cần phải ghi nhận rằng, trong thái độ của họ đối với Ðức Maria, không phải chỉ có cuộc luận chiến bài Công Giáo gây ra ảnh hưởng tiêu cực, mà còn có cả thuyết duy lý nữa. Ðức Maria không phải là một ý niệm mà là một con người cụ thể, một phụ nữ, và vì thế không thể dễ dàng bị “lý thuyết hóa” hay bị giản lược thành một nguyên lý trừu tượng. Người là hình tượng (icóne) về sự đơn giản của Thiên Chúa. Vì thế, trong một bầu khí bị chủ thuyết duy lý cực đoan chế ngự. Ðức Maria không thể không bị loại ra khỏi chân trời thần học.
Một người phái Luther, hết sức gắn bó với đức tin của mình, sau khi đọc lại những bản văn của Luther, đã tràn đầy niềm kính phục đối với Ðức Trinh Nữ Maria, bà viết: “Khi đọc những lời này của Luther, một người mà cho đến tận cuối đời, đã tôn kính, thánh hóa các ngày lễ về Ðức Maria và mỗi ngày hát lên lời kinh Magnificat, chúng ta cảm thấy mình, nói chung, đã rời xa thái độ đúng đắn đối với Người đến như thế nào, thái độ mà Luther đã chỉ ra cho chúng ta dựa trên nền tảng Kinh Thánh. chúng ta thấy mình, những người Tin Lành đã để cho chủ nghĩa duy lý nhấn chìm đến thế nào. Thuyết duy lý đã hoàn toàn không hiểu một chút gì mầu nhiệm về sự thánh thiện của Thiên Chúa. Con người duy lý muốn thấu triệt tất cả, và điều gì họ không có khả năng hiểu thì họ loại bỏ. Chủ nghĩa duy lý, vì chỉ chấp nhận điều gì có thể hiểu được bằng lý trí, nên khi thể hiện ra ngoài, nó đã loại các ngày lễ về Ðức Maria và tất cả những gì liên quan ra khỏi Giáo Hội Tin Lành. Nó làm mất đi ý thức về các quy chiếu Kinh Thánh về Ðức Maria. Ngay cả hôm nay, chúng ta còn đang phải gánh chịu di sản đó. Nếu qua câu nói: “Sau Ðức Kitô, Mẹ là châu báu quý giá nhất trong tất cả Kitô giáo, không bao giờ ngợi ca cho đủ”, Luther muốn khắc sâu lời ca ngợi đó vào trong tâm khảm chúng ta, thì phần tôi, tôi phải thú nhận mình thuộc vào số những người, suốt bao nhiêu năm tháng cuộc đời đã không làm điều đó, đã không màng đến điều mà Kinh Thánh nói: “Này từ đây, mọi thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,48). Tôi đã không đặt mình vào số những thế hệ đó”.[19]
Ðây không phải là một tiếng nói đơn độc. Sau Công Ðồng, nhiều nhà thần học thuộc nhiều chân trời khác nhau của Tin Lành phái Luther, Cải Cách, Anh Giáo, Tin Lành, Ngũ Tuần đã có cùng một tiếng nói như vậy. Một người trong số họ, khi tham chiếu các bản văn Công Ðồng, đã viết: “Người Công Giáo phải đi dặm đường đầu tiên trong nỗ lực khôi phục lại một trình thuật thần học đúng đắn về Ðức Maria. Người tin Lành có bổn phận phải đi dặm thứ hai trong việc, cùng với anh em Công Giáo, chú tâm xem xét những gì Tân Ước nói cho chúng ta về vị trí của Ðức Maria trong đức tin Kitô giáo” (R. McAfee Brown). Một thần học gia Tin Lành khác viết: “Ðức Kitô là Adam thứ hai, là CON NGƯỜI MỚI, và chúng ta đã được tháp nhập vào Ngài để nên thành phần của nhân tính toàn thể (humanité totale) của Ngài. Nếu điều đó có nghĩa là chúng ta được nhận vào trong mối tương quan không những với Ngài mà còn với Ðấng mà từ đó Ngài đã nhận lấy xác phàm, thì như vậy, Ðức Maria không còn chỉ là Mẹ của Ngài, Người còn trở thành Mẹ của chúng ta”. “Vì lợi ích của chính mình, Giáo Hội Tin Lành (chrétienté évanggélique) cần có mối liên hệ với Mẹ Chúa chúng ta và với toàn thể các thánh, một mối liên hệ phải rõ ràng tích cực hơn những gì mà Giáo Hội dạy cho đến nay” (J. C. de Satgé). Một vị khác nữa viết: “Có lẽ, việc xem xét lại ý nghĩa của Ðức Maria sẽ có thể là một khía cạnh trong cuộc Hoán Cải lớn lao hơn mà Giáo Hội Tin Lành, trong những thời gian sống mãnh liệt nhất của mình, đã luôn luôn tìm kiếm” (J. A. Ross Mackenzie).
Bầu không khí mới mẻ này về Ðức Maria đã tạo điều kiện cho “Hội Ðại Kết về Ðức Trinh Nữ Maria” (Société Oecuménique de la Bienheureuse Vierge Marie) nảy sinh và phát triển rộng, nhất là ở các nước nói tiếng Anh, trong hội này, các nhà thần học, mục sư thuộc nhiều Giáo Hội Kitô khác nhau hội họp lại để cùng suy tư, đối chiếu các quan điểm về vai trò của Ðức Maria trong lịch sử cứu độ và trong Giáo Hội.[20]
Những suy tư này cho phép chúng ta ấp ủ niềm hy vọng: một ngày nào đó không xa, người Công Giáo và Tin Lành sẽ không còn chia rẽ, mà là được hợp nhất với nhau nhờ Ðức Maria trong cùng một niềm tôn kính đối với Người, một sự tôn kính có thể là khác trong các hình thức, trong sự diễn tả, nhưng đồng tâm nhất trí trong việc nhìn nhận Người là Mẹ Thiên Chúa, và theo một nghĩa khác, là Mẹ các tín hữu. Mừng sinh nhật của Hài Nhi mà hoàn toàn quên bẵng Người Mẹ đã sinh Hài Nhi đó cho thế gian thì liệu có đúng đắn không? Liệu có đúng với đạo làm Kitô hữu và thậm chí, đơn giản hơn, có đúng với đạo làm người không? Và nhất là, Ðức Kitô mà chúng ta loan báo, có thực là Lời thành xác phàm, là Vị Thiên Chúa đã đi vào trong lịch sử, muôn sự đều tương tự với chúng ta: trong sự sinh ra, cuộc sống và cái chết của Ngài nữa chăng?
V. TỪ GIỜ ẤY MÔN ĐỆ ĐÃ NHẬN LẤY NGƯỜI VỀ NHÀ MÌNH
Như phương pháp đã đề ra, đây là lúc chúng ta chuyển từ sự chiêm ngắm một tước hiệu, hay một giai đoạn cuộc đời Ðức Maria sang sự noi gương thực hành, xem Ðức Maria như là hình bóng và là tấm gương của Giáo Hội. Trong chương này, chúng ta chiêm ngắm Ðức Maria trong vai trò là “Mẹ chúng ta”, thế nên việc áp dụng thực hành thuộc vào loại đặc biệt. Hiển nhiên nó không hệ tại ở việc noi theo Ðức Maria mà là ở việc đón nhận Người. Chúng ta hãy bắt chước Gioan, lãnh lấy Ðức Maria vào trong cuộc đời chúng ta, ngay từ hôm nay. Tất cả vấn đề là ở đó.
Câu: “Và môn đệ đã lĩnh lấy Bà về nhà mình” (els tu ídin) trong nguyên bản có thể có hai nghĩa, và tất nhiên phải bảo tồn cả hai nghĩa đó. Môn đệ đã lĩnh lấy Bà “về nhà mình” và môn đệ đã nhận Bà “vào số những gì mình quí giá nhất”.Người ta rất ít nghĩ đến tất cả sự phong phú của câu văn thật ngắn ngủi đó. Nó chứa đựng bên trong một tin có tầm quan trọng lớn lao và được bảo đảm về mặt lịch sử, bởi nó được chính người có liên quan viết ra. Ðức Maria đã sống những năm cuối đời với Gioan. Những điều chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng thứ IV, về Ðức Maria ở Cana xứ Galilee và dưới chân Thập Giá, thì đã được người sống dưới cùng một mái nhà với Ðức Maria viết ra. Quả không thể không nhìn nhận có mối liên hệ chặt chẽ, nếu không muốn nói là đồng nhất, giữa “người môn đệ Chúa Giêsu yêu” và tác giả Tin Mừng thứ IV. Câu: “Và Lời đã thành xác phàm” được viết bởi người đã sống dưới cùng một mái nhà với Ðức Maria, Ðấng mà điều nhiệm lạ đó đã thành sự nơi lòng mình, hay ít ra là được viết bởi người đã quen biết, năng lui tới với Ðức Maria.
Ðược Ðức Maria ở với mình, nơi nhà mình ngày đêm, ai có thể nói được điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với người môn đệ Chúa yêu? Ðược cầu nguyện với Người, dùng bữa với Người, có Người ở trước mặt như thính giả khi người môn đệ đó nói với các tín hữu, được cùng với Người cử hành mầu nhiệm của Chúa? Ðức Maria sống kề cận người môn đệ Chúa yêu như vậy, chẳng lẽ lại không có ảnh hưởng nào đến công việc suy tư, đào sâu lâu dài, đưa đến việc biên soạn Tin Mừng thứ IV hay sao? Thời xưa, dường như Origène ít ra đã trực giác được bí ẩn nằm trong vấn đề đó. Các nhà thông thái, các nhà phê bình Tin Mừng thứ IV, kể cả các người tìm về các nguồn hình thành Tin Mừng thứ IV, thường cũng không chú ý đến điều đó.
Origène viết: “Khởi đầu của các Tin Mừng là Tin Mừng Gioan, không ai có thể hiểu được nghĩa thâm sâu của nó nếu người đó không tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu và không lãnh nhận Ðức Maria làm Mẹ mình từ Ðức Giêsu, nhưng, để là một Gioan khác thì, như Gioan, phải trở nên người được Ðức Giêsu chỉ đến như là chính Ðức Giêsu. Bởi chưng nếu theo những người có ý kiến lành thánh về Ðức Maria, không ai khác là con của Ðức Maria ngoài Ðức Giêsu và nếu Ðức Giêsu đã nói với Mẹ Ngài: “Này là con Bà” chứ không nói: “Này, cả người đó nữa cũng là con Bà”, thì như thế, Ngài như thể muốn nói: “Này, người này là Giêsu mà Bà đã sinh ra”. Quả vậy, người đã đạt tới sự hoàn hảo thì không còn sống nữa mà là Ðức Kitô sống trong người đó (x. Gl 2,20), và vì Ðức Kitô sống trong người đó nên mới có lời nói với Ðức Maria về người đó: “Này là con Bà, Ðức Kitô”.[21] Bản văn này cho thấy Origène dựa vào giáo lý về nhiệm thể và về người Kitô hữu hoàn hảo như là một Ðức Kitô khác để giải thích lời Ðức Giêsu hấp hối, là lời nói không những với Gioan mà là với mọi môn đệ.
Chúng ta đặt thêm câu hỏi: việc lãnh lấy Ðức Maria về nhà mình có ý nghĩa đối với chúng ta cụ thể như thế nào? Tôi thiết tưởng đây là lúc để nói về cốt lõi lành mạnh, giản dị của linh đạo Monfort về niềm tín thác vào Ðức Maria: “Thực hiện mọi hành động nhờ Ðức Maria, với Ðức Maria, trong Ðức Maria, ngõ hầu thực hiện chúng cách hoàn hảo hơn nhờ Ðức Giêsu, với Ðức Giêsu, trong Ðức Giêsu và vì Ðức Giêsu”. “Cần phải phó thác theo tinh thần của Ðức Maria để được thúc đẩy và dẫn dắt theo cách thức Người muốn. Phải tự đặt mình trong đôi tay trinh khiết của Người, như một dụng cụ trong tay người thợ, như chiếc đàn “luýt” (luth) trong tay người nhạc công tài tình. Phải buông mình phó thác cho Người như viên đá ném vào biển cả: điều này thực hiện cách đơn giản, trong một khoảnh khắc bằng chỉ một liếc mắt của tâm trí, một chuyển động nhỏ của ý chí hay bằng môi miệng”.[22]
Nhưng, như thế phải chăng là tiếm đoạt vị trí của Chúa Thánh Thần trong đời sống Kitô hữu, vì chính Thánh Thần mới là Ðấng chúng ta phải “để cho Ngài dẫn dắt” (x. Ga 5,18), chính Ngài mới là Ðấng chúng ta phải để cho hoạt động và nguyện cầu trong chúng ta (Rm 8,26), để ta được nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô? Kinh Thánh lại đã không viết rằng người Kitô hữu phải làm mọi sự “trong Thánh Thần” sao? Trong một số hình thức tôn sùng Ðức Maria trước Công Ðồng, người ta thấy có việc gán những chức năng riêng biệt của Chúa Thánh Thần cho Ðức Maria [23] (Monfort đã tránh được) và điều này không phải là không nguy hại. Sở dĩ như thế là vì thiếu một ý thức sáng suốt và tích cực về vai trò và vị trí của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Ðức Maria là một trong những phương thế ưu việt mà Chúa Thánh Thần dùng để dẫn dắt các tâm hồn và dẫn đưa họ đến chỗ nên giống Ðức Kitô, bởi lẽ Ðức Maria là thành phần của Lời Chúa, chính bản thân Người là một lời bằng hành động (parole en action) của Thiên Chúa. Câu “ad Jesum per Mariam”, “nhờ Ðức Maria tới Ðức Giêsu”, phải được hiểu theo nghĩa Chúa Thánh Thần dùng Ðức Maria để dẫn đưa chúng ta tới Ðức Giêsu thì mới có thể chấp nhận được. “Trung gian thụ tạo” (médiation crée) của Ðức Maria, giữa Ðức Giêsu và chúng ta, sẽ tìm lại được tất cả hiệu lực của nó nếu được hiểu như là phương tiện của “trung gian bất thụ tạo” (médiation incrée) là Chúa Thánh Thần.
Chúng ta cần đến một loại suy từ dưới để hiểu điều này rõ hơn. Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu hãy xem những gì ngài làm và thấy ngài làm như thế nào thì hãy thi hành như vậy: “Các điều anh em đã thụ giáo, đã chịu lấy, đã nghe và thấy nơi tôi, anh em hãy đem thi hành” (Pl 4,9). Và chắc chắn Phaolô không có ý đặt mình vào vị trí của Chúa Thánh Thần, ngài chỉ đơn giản nghĩ rằng noi theo ngài là trợ giúp Thần Khí Thiên Chúa (x. 1Cr 7,40). Ðiều này càng đúng với Ðức Maria hơn và giải thích cho ý nghĩa của câu “làm tất cả với Ðức Maria và như Ðức Maria”.
Một loại suy khác có thể được, lần này là từ trên, đó là Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Ðức Maria không đồng nhất với Khôn Ngoan của Thiên Chúa, vì Khôn Ngoan của Thiên Chúa là Lời hoặc Thần Khí thì đúng hơn. Tuy nhiên Ðức Maria được Giáo Hội, Latin cũng như Chính Thống, nhìn như là “Ngai Tòa Khôn Ngoan” (Tòa Ðấng Khôn Ngoan), như là người được Khôn Ngoan nắn đúc. Theo nghĩa phát sinh này, người Kitô hữu có thể nói về Ðức Maria những điều mà người môn đệ nói về Khôn Ngoan trong Cựu Ước: “Vậy tôi đã quyết cưới lấy Khôn Ngoan để cùng chung sống, biết rằng Khôn Ngoan sẽ là cố vấn đường lành, là nguồn an ủi trong tư lự phiền sầu. Khôn Ngoan biết rõ điều đẹp ý Người, sự gì ngay chính chiếu theo các lịnh Người truyền” (Kng 8, 9; 9, 9).
Lãnh lấy Ðức Maria về nhà mình, theo nghĩa thiêng liêng là như thế; lãnh nhận Người như bạn đồng hành, như người cố vấn, biết rằng Người biết rõ hơn chúng ta đâu là những mong muốn của Thiên Chúa về chúng ta. Nếu chúng ta tập hỏi ý kiến, tập lắng nghe Người trong mọi sự thì Người sẽ thực sự trở thành vị nữ tôn sư trác tuyệt của chúng ta về các đường lối của Thiên Chúa dạy dỗ chúng ta cách âm thầm lặng lẽ, thâm sâu trong tâm hồn. Sau đây là chứng từ sống thực sự kinh nghiệm đó với Ðức Maria: “Từ ít lâu nay, tâm hồn tôi nảy sinh niềm khao khát ngày càng dành nhiều chỗ hơn cho Ðức Maria trong cuộc đời tôi, và thậm chí, tôi cảm thấy thích thú được mời Người sống lại trong tôi tình yêu của Người dành cho Ðức Giêsu, cho Ba Ngôi Thiên Chúa, sống lại niềm thinh lặng và kinh nguyện của Người. Tôi tự hiến cho Người với bao niềm tin tưởng, để trở thành một không gian cụ thể, trong đó Người có thể đi xuống và lại sống trên trần gian, tôi tự hiến cho người để trở thành sự tiếp nối con người của Mẹ nơi trần thế. Chính vì vậy, tôi cảm thấy mình phải biến thành khoảng trống, hố sâu, thành niềm trông đợi Thiên Chúa, với tấm lòng và tâm trí đắm nhìn vào Ðức Maria”.
Có lẽ phải nói thêm rằng, dù hiểu như thế, đời sống với Ðức Maria không phải là con đường tất yếu và độc nhất, buộc mọi người phải chấp nhận. Nếu Chúa Thánh Thần dẫn dắt một số tâm hồn bằng phương thế tuyệt hảo đó, thì chính Ngài cũng có thể dẫn dắt một số tâm hồn khác bằng những phương thế khác, như bằng Kinh Thánh, là Lời Chúa viết thành văn, và cũng phải được đọc với Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn như trong “lectio divina” (đọc chiêm niệm). Vì vậy, dù mang lại lợi ích, vẫn nên không tuyệt đối hóa thực hành này (sống với Ðức Maria). Trong một vài trường hợp, nó có thể kéo dài cả cuộc đời. Thông thường hơn, nó có thể giúp nuôi dưỡng, dẫn dắt một tâm hồn trong một giai đoạn sống, giúp cho tâm hồn hoàn thành một chặng đường và sau đó nhường chỗ để Thiên Chúa dẫn dắt theo cách khác. Là vì Thiên Chúa không chỉ dùng một phương pháp để dẫn dắt mọi tâm hồn, cũng không dẫn dắt mỗi tâm hồn luôn luôn với cùng một phương pháp. Có những điều mà trong quá khứ đã là nguồn sáng lớn lao, mạch nước dồi dào cho tâm hồn mỗi lần đến kín múc, nhưng rồi đến một lúc nó tắt ngấm và cạn kiệt, đó là điều rất thường xảy ra. Lúc bấy giờ tâm hồn phải biết nhu thuận, chấp nhận thay đổi nguồn nuôi dưỡng, chứ không đòi hỏi Thiên Chúa phải thay đổi đường lối của Người.
Vì thế, nếu dựa vào lòng sùng kính của mình đối với Ðức Maria, hoặc dựa trên một số hình thức cá biệt của lòng sùng kính này để phê phán chỉ trích anh em là một thói quen rất xấu. Một Linh Mục trong suốt nhiều năm hoặc ngay cả không bao giờ nói về Chúa Cha, Chúa Thánh Thần thì có thể chẳng ai lấy làm điều khó coi hoặc tức giận. Ấy thế mà một Linh Mục nào đó giảng hai ba bài mà không nêu tên Ðức Maria thì có thể, và thực sự đã xảy ra, là Linh Mục đó lãnh lấy những lời khiển trách và bị kết án là không yêu mến Ðức Maria.
Lịch sử linh đạo Kitô giáo cho thấy hoạt động mẫu tử của Ðức Maria, mặc dầu hướng đến mọi tín hữu, nhưng trong một số thời, một số nơi, hoạt động đó rất dè dặt, kín đáo và hầu như hoàn toàn ẩn giấu, chẳng hạn như trong linh đạo các Giáo Phụ sa mạc, và nơi một số nhà thần bí, trong đó có Gioan Thánh Giá. Ở điểm này cũng vậy, chúng ta cần phải được áp dụng nguyên tắc được nhắc đến ở trong phần Ðại Kết: “Mỗi người tùy theo ân lộc đã được, hãy lợi dụng mà phục vụ nhau, như những người quản lý giỏi giang về ân sủng muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1Pr 4,10).
VI. “SỰ CAN TRƯỜNG MÀ NGƯỜI ĐÃ CHỨNG TỎ”
Trước khi kết thúc phần chiêm ngắm về Ðức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua, tôi muốn trở lại đôi chút về chủ đề Ðức Maria, khuôn mẫu của đức tin và đức cậy. Có những giờ phút trong cuộc đời chúng ta cần có được một đức tin và một đức cậy nhỏ của Ðức Maria. Ðó là những giờ phút Thiên Chúa như không còn lắng nghe lời chúng ta kêu cầu, những lúc có thể nói Ngài đã quay đi và rút lời, lúc Ngài để cho chúng ta phải chịu hết thất bại này đến thất bại khác, và quanh ta quyền lực của bóng tối như chiếu thẳng trên mọi mặt, bóng tối vây phủ trên ta, như thưở ấy có tối tăm xảy đến “trên toàn cõi đất” (Mt 27,45). Lúc mà, như lời thánh vịnh, dường như “Thiên Chúa đã quên thương xót, vì giận hờn mà khép kín từ tâm” (Tv 77,10). Khi những giây phút như thế xảy đến với bạn, bạn hãy nhớ lại lòng tin của Ðức Maria, và bạn hãy kêu lên như nhiều người khác đã từng làm: “Lạy Cha, con không còn hiểu nổi Cha, nhưng con tín thác nơi Cha!”.
Có thể trong giờ phút đó, Thiên Chúa đòi chúng ta hiến tế “Isaac” nghĩa là hy sinh con người, hoặc sự vật, dự định, công trình thiết lập, hoặc chức vụ mà chúng ta hết sức quí báu, những điều do chính Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta trước kia và chúng ta cũng đã cống hiến tất cả đời sống của mình để làm việc, phục vụ cho những điều đó. Ðây là cơ hội Thiên Chúa dành cho chúng ta để chúng ta chứng tỏ cho Ngài thấy, đối với chúng ta, Thiên Chúa quí giá hơn tất cả, quí giá hơn cả những ân huệ Ngài ban, quí hơn công việc mà chúng ta làm cho Ngài. Thiên Chúa thử thách Ðức Maria trên đồi Golgotha như đã thử thách dân Ngài trong sa mạc là “để thử cho biết đáy lòng của Người như thế nào” (x. Tl 8,2), và nơi tấm lòng của Ðức Maria, Ngài lại tìm thấy tiếng “xin vâng”, tiếng “amen” của ngày Truyền Tin còn nguyên vẹn, thậm chí còn mạnh mẽ hơn thế nữa. Trong những giờ phút như vậy, liệu Ngài có thể gặp thấy tấm lòng chúng ta cũng sẵn sàng thưa lên với Ngài tiếng “xin vâng” và “amen” như thế không. Khi đứng “bên khổ giá Ðức Giêsu”, Ðức Maria như thể luôn thầm thì: “Này con đây! Con đang ở đây, lạy Thiên Chúa của con; con luôn sống vì Ngài”. Nếu nói theo phương diện loài người, Ðức Maria hẳn có rất nhiều lý do để kêu lên với Thiên Chúa: “Người đã lừa dối tôi!”, hay như tiên tri Gieremia ngày kia đã kêu: “Người đã dụ dỗ tôi, lạy Giavê, và tôi đã để mình bị dụ!” (x. Gr 20,7), và rất nhiều lý do để chạy trốn khỏi đồi Golgotha, nhưng ngược lại, Ðức Maria đã không chạy trốn, Người vẫn “đứng đó” trong thinh lặng. Khi hành động như thế, Người đã trở nên vị tử đạo (martyre, chứng nhân) của lòng tin, trở nên chứng nhân tuyệt mức của lòng tín thác vào Thiên Chúa, theo sau Con của Người.Thiên Chúa phán với Abraham: “Vì ngươi đã làm điều ấy, và đã không từ chối với Ta con một ngươi, thì Ta sẽ ban phúc, chúc lành cho ngươi, Ta sẽ làm cho dòng giống ngươi nên đông đúc… Ta sẽ cho ngươi trở thành cha của hằng hà sa số dân tộc” (Khôn Ngoan 17,5; 22,16tt). Giờ đây Ngài cũng nói với Ðức Maria như thế và còn hơn thế rất nhiều: “Ta sẽ cho ngươi trở thành mẹ của hằng hà sa số dân tộc, Mẹ của Giáo Hội Ta! Nhờ danh ngươi mà mọi thị tộc trên trần sẽ được chúc phúc. Mọi đời sẽ khen ngươi có phúc!”.
Chính vì thế, như dân Israel trong những lúc bị thử thách nặng nề nhất đã thưa cùng Thiên Chúa: “Xin Người nhớ lại Abraham, cha chúng tôi”, thì chúng ta cũng có thể thưa: “Xin Người nhớ lại Maria, Mẹ chúng tôi!”. Và cũng như họ đã thưa với Thiên Chúa: “Xin đừng rút lại lòng nhân của Người với chúng tôi, vì Abraham kẻ Người yêu mến” (Dn 3,35), chúng ta có thể thưa với Ngài: “Xin đừng rút lại lòng nhân của Người với chúng tôi, vì Maria, kẻ Người yêu mến!”.
Như chúng ta đã thấy trong chương trước, Ðức Maria đã kết hiệp với Con của Người trong tôn thờ Thánh Ý Chúa Cha, qua đó Người đã thực hiện ơn gọi là “hình bóng của Giáo Hội” đến mức hoàn hảo. Bây giờ Người đang đứng đó chờ đợi chúng ta. Về Ðức Kitô, đã có lời viết rằng: “Ngài sẽ hấp hối cho đến ngày tận thế đừng ngủ mê trong thời gian đó”.[24] Nếu Ðức Kitô hấp hối trên Thập Giá cho đến ngày tận thế, điều này rất đúng dù chúng ta không thấu hiểu, vậy suốt thời gian đó Ðức Maria có thể ở đâu nếu không phải là ở với Ngài “bên khổ giá”?. đây chính là nơi Người mời gọi và hẹn gặp các tâm hồn quảng đại để họ kết hợp với Người trong sự tôn thờ Thánh Ý Chúa Cha. Tôn thờ Thánh Ý Chúa Cha ngay cả khi không thấu hiểu được. Ðừng để Mẹ đứng đó một mình. Ðức Maria hiểu rằng chính đó là những gì lớn lao nhất mà chúng ta có thể thực hành được trong cuộc đời chúng ta, thực hiện ít ra một lần trước khi lìa đời. Ðiều này không miễn trừ hay ngăn cản chúng ta trong việc tìm cách làm dịu bớt nỗi đau khổ cụ thể của những người sống quanh ta, những nỗi đau của toàn thế giới. Ngược lại, chính ở đó mà chúng ta trở nên ân cần, chăm chú hơn, bởi lẽ chúng ta đã nên một với tấm lòng của Thiên Chúa. Chính vì là “Mẹ khổ đau” (Mère des douleurs) mà Ðức Maria cũng là “Ðấng an ủi người đau khổ”.
Kinh Thánh viết, khi bà Giudita trở về nhà sau khi đã liều mạng sống để cứu dân tộc mình, dân thành chạy ra đón, và Vị Thượng Tế lên tiếng chúc phúc cho bà: “Hỡi con, phúc cho con nơi Thiên Chúa Tối Cao, hơn mọi người nữ trên trần. Quả thực, lòng trông cậy của con đời đời sẽ không rời khỏi lòng những ai nhớ đến sức mạnh Thiên Chúa” (Gdt 13,18tt). Chúng ta cũng nói lên với Ðức Maria những lời như thế: phúc cho Người giữa mọi phụ nữ! Lòng cậy trông, sự can trường và niềm tín thác mà Người đã chứng tỏ mãi mãi sẽ không bao giờ bị xóa mờ trong tâm khảm và ký ức của Giáo Hội!
Chúng ta có thể thâu tóm sự tham dự của Ðức Maria vào mầu nhiệm Vượt Qua bằng cách áp dụng cho Người những lời mà thánh Phaolô đã dùng để thâu tóm mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Kitô, tuy nhiên vẫn phải giữ những khác biệt tất yếu:
“Ðức Maria, Người phận là Mẹ Thiên Chúa
Nhưng đã không nghĩ phải giằng cho được
Mối liên hệ độc nhất của mình với Thiên Chúa
Song Người đã hủy mình ra không
Lãnh lấy phận tớ nữ
Và với dáng vẻ của Người,
Người tương tự như bao phụ nữ khác
Người đã sống trong sự ẩn thân, khiêm hạ
Vâng phục Thiên Chúa cho đến cái chết của Con mình
Và là cái chết trên Thập Giá.
Bởi vậy Thiên Chúa đã siêu tôn Người
Và ban cho Người một danh hiệu,
Vượt trên mọi danh hiệu
Sau danh hiệu của Ðức Giêsu
Hầu trước danh hiệu của Ðức Maria
Mọi gối đều phải bái quỳ
Chốn hoằng thiên, trên địa cầu, dưới gầm đất
Và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng
Maria là Mẹ Chúa
Mà làm vinh quang cho Thiên Chúa Cha. Amen!”.
[1]Saint Augustine, La sainte virginité 5-6: PL 40, pp. 399.
[2]Thánh Irenée đã nhận ra điều đó, mà ngài là môn đệ của Polycarpe, và vị này lại là môn đệ của Gioan.
[3] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, n. 61.
[4]Ibid., n. 60.
[5]Ibid., n. 63.
[6]Saint Augustine, Sermons 72A: Denis 25, 7; Misc. Agost. 1, pp. 163.
[7]Paul VI, Discours de clôture de la troisième période du concile: AAS 56, 1964, pp. 1016.
[8]Cf. M. Thurian, Marie, mère du Seigneur, figure de l’Église, Taizé, 1963, pp. 98s.
[9]S. Kierkegaard, Journal X, 4: A 572.
[10]Calvin, Le livre de la Genèse, Genève 1961, pp. 195.
[11]G. Von Rad, Das erste bush Moses, Genesis, Ch. II, 18, Gottingen 1972.
[12]Saint Iréné, Contre les hérésies III, 22, 44: SCh 211. pp. 442.
[13]Saint Grégoire le Grand, Homélies sur les Evangile XVII, 1 (PL 76, 1139).
[14] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum, n. 2.
[15]Saint Augustine, Sur L’Évangile de Jean 80, 3: CC 36, pp. 529.
[16]Luther, Kinchenpostille (éd. Weimar, 10, 1. P. 73).
[17]Zwingli, Predigt von der Gottgebarerin Maria, Dans Zwingli Hauptschripten, der prediger I Zurich, 1940, pp. 159.
[18] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, n. 67.
[19]Basilea Schlink, Maria, der Weg der Mutter des herrn, Darmstadt, 1982, pp. 149-152.
[20]Cf. E. R. Carroll, Understanding the Mother of Jésus, Dublin, 1979.
[21]Origène, Commentaire sur l’Évangile de Jean 1, 6, 23: SCh 120 pp. 70-72.
[22]Saint L. Grignion de Montfort, Traité de la vraie dévotion à Marie, n. 257-259 (Oeuvres complètes, Paris, 1966, pp. 660s).
[23]Cf. H. Muhlen, Una mystica persona (11, 92), Paderborn, 1967.
[24]B. Pascal, Le mystère de Jésus (Pensées, 553, Brunschvicg).