Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Đức Trinh Nữ Maria, Từ Mẹ Thiên Chúa Đến Mẹ Các Dân Tộc

Administrator
2018-09-23 08:37 UTC+7 30
  ĐỨC TRINH NỮ MARIA, TỪ MẸ THIÊN CHÚA ĐẾN MẸ CÁC DÂN TỘC  HÌNH TƯỢNG MẸ MARIA HÔM QUA VÀ NGÀY MAI   Đức Maria là một thiếu nữ Do Thái, điều ấy đã rõ. Nhưng từ khi cố trinh nữ ấy đã chấp thuận làm Mẹ Đấng Cứu Thế Giêsu Kitô qua tiếng Fiat […]


 

ĐỨC TRINH NỮ MARIA, TỪ MẸ THIÊN CHÚA ĐẾN MẸ CÁC DÂN TỘC 

HÌNH TƯỢNG MẸ MARIA HÔM QUA VÀ NGÀY MAI

 

Đức Maria là một thiếu nữ Do Thái, điều ấy đã rõ. Nhưng từ khi cố trinh nữ ấy đã chấp thuận làm Mẹ Đấng Cứu Thế Giêsu Kitô qua tiếng Fiat “Xin Vâng”, cuộc đời cô đã chuyển sang một khúc quanh quan trọng. Người được mang danh hiệu Mẹ Đấng Cứu Thế ( Mater Redemptoris ) và còn hơn nữa Mẹ Thiên Chúa (Theotokos), Mẹ Đức Chúa Trời, bởi  vì người con Mẹ cưu mang và sinh hạ chính là Ngôi Hai Thiên Chúa. Công đồng Êphêsô năm 431 đã xác định niềm tin đó một lần cho mãi mãi. Ai không tin, không còn thuộc về Giáo hội Công giáo.

Kể từ đó “ Muôn thế hệ sẽ khen tôi có phúc vì Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả”. Để cụ thể hóa tình yêu với Mẹ Thiên Chúa , nhiều thánh đường đã được dâng kính Mẹ như vương cung thánh đường Đức Maria Cả tại Rôma được xây dựng năm 356. Cùng với các thánh điện hình tượng Đức Maria đã được các nghệ sĩ sáng tác. Tác phẩm cổ xưa nhất về Mẹ Maria là hình vẽ tại hang toại đạo ( catacombe )thánh Priscilla tại Rô ma. Hình ảnh Mẹ bồng Chúa Giêsu và tiên tri Isaia đứng bên cạnh muốn nhắc lại lời sấm ngôn : Trinh nữ thụ thai . Bức vẽ được thực hiện khoảng năm 50 đến 150, có thể dưới sự chứng kiến của các tông đồ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MẸ MARIA HANG TOẠI ĐẠO THÁNH PRISCILLA,  RÔMA. KHOẢNG  NĂM 50- 150.

 

MẸ CHO CHÚA GIÊ SU BÚ MỚM GALAKTOTROPHOUSSA

Kế tiếp là những bức họa gọi là Galaktotrophoussa. Gala là sữa, trophein cho bú, nuôi sữa. Trinh nữ cho con bú , tiếng La tinh Virgo Lactans, tiếng Nga  Mlekopitatelniza bắt nguồn từ vùng sa mạc Sinai kể lại việc Mẹ đưa con lánh nạn sang Ai Cập, thời gian con còn  bú sữa. Hình ảnh nầy sau phổ biến khắp vùng Tiểu Á. Như vậy cả Đế quốc “By zan tin” bên Đông và Rôma phía Tây đều diển tả hình tượng Mẹ Thiên Chúa nhất là sau công đồng Ê phêsô 431. Khi Đế quốc Rô ma sụp đổ  các nước “ man di” Tây Âu vừa cải đạo như Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh.. đã từ bỏ các nữ thần cổ xưa và đua nhau yêu kính Mẹ Maria suốt thời Trung cổ và cho  đến thế kỷ 21 nầy. Không thể nào thống kê được bao nhiều tác phẩm kiến trúc, thi ca, hội họa, điêu khắc … mà các dân tộc nầy dành cho Mẹ Maria. Chỉ chiêm ngắm và tìm hiểu Đền thờ Đức Bà Paris, hay Chartres; những họa phẩm của Fra Angelico, Raphael.. cũng đủ thấy đức tin của họ. Cũng nhờ các nước nầy mà  Tin mừng Chúa Ki tô được loan truyền khắp thế giới vì thế ảnh hưởng ảnh tượng công giáo theo cung cách Âu Châu tràn ngập các xứ truyền giáo Mỹ Châu, Phi Châu, Á Châu.

 

MẸ LỘ ĐỨC, PHÁP.

Trong một thời gian dài, hình tượng Đức Mẹ xuất xứ từ Tây Âu độc chiếm trong các nhà thờ và các gia đình công giáo. Mẹ Maria da hồng trắng, tóc nâu vàng, mắt xanh đã in sâu vào tâm trí mọi giáo dân. Vì thế, trước mắt các dân tộc bị thực dân Tây Âu áp bức, Chúa Giêsu , các thánh và Mẹ Maria,  Giáo hội công giáo cũng bị vạ lây là “ đồng chủng, đồng đạo nên đồng tình,  đồng lỏa” với quân xâm lược. Những nhà thờ rập khuôn mẫu quốc, tượng thờ cũng vậy khiến người công giáo bị coi là mất gốc, bỏ ông bỏ bà, xa lạ với quê hương tổ quốc mình.

Sau thế chiến thứ nhất, khi các ông Tây Âu Kitô giáo, cùng là môn đệ Chúa Kitô quên lời Chúa dạy “ Người ta cứ dấu nầy mà nhận biết anh em là môn đệ thầy là hãy yêu thương nhau” gây ra chiến tranh , chém giết nhau không thương tiếc. Giáo Hội công giáo qua các vị Giáo Hoàng Biển Đức 15 và Piô 11 thấy cần cải tổ cuộc sống Giáo hội tại các xứ truyền giáo đã bị các thế lực thực dân làm hoen ố hình ảnh. Một cuộc canh tân đã được khởi sự, Tòa Thánh  nâng đỡ các Giáo hội địa phương ý thức hơn về sứ mạng với đồng bào và quê hương mình. Âm nhạc, văn chương, kiến trúc, hội họa…tại các xứ truyền giáo bắt đầu phá tung những rào cản dể hội nhập vào nền văn hóa bản địa. Nhiều nhà thờ mới được xây dựng theo truyền thống quê hương và hình tượng Mẹ Thiên Chúa cũng được trình bày trong y phục và khuôn mặt dân tộc mình. Giai đoạn đầu không phải mọi người dễ dàng chấp nhận khi hình ảnh Đức Mẹ, Chúa Giêsu , các thánh đã được Âu hóa hàng bao thế kỷ.

 
 
 

Thật ra, hình tượng Mẹ Maria theo cung cách các dân tộc đã có từ lâu như đã nói qua các nước Trung, Đông Âu, qua các tượng Đức Mẹ da đen đây đó , hay Đức Mẹ Guadalupe của người Da đỏ, nhưng số lượng còn quá khiêm tốn. Đến thế kỷ 20, có thể gọi là thế kỷ mà  hình tượng Mẹ Maria được dân tộc hóa phong phú nhất..

 
 

 

Tại Á Châu, hình tượng Mẹ Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc …bắt đầu xuất hiện và được mến mộ. Tại Phi Châu, nhiều nghệ sĩ mạnh dạn sáng tác Mẹ và Chúa Giêsu da đen như chủng tộc mình.

 
 
 
 
 

MẸ HÀN QUỐC.

MẸ CAMPUCHIA. ẢNH  TRƯỜNG THĂNG SIEMREAP 2011.

Riêng tại Việt Nam phải đợi đến thập niên 30, 40 của thế kỷ 20 mới xuất hiện những hình tượng Mẹ Việt Nam  thường được sáng tác bởi những anh em tân tòng như Họa sĩ Celso -Léon  Lê Văn Đệ , còn thường là không công giáo như các bức Giáng Sinh 1941 của Danh họa Nguyễn Gia Trí  và tác phẩm cùng tên 1942  của  Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Chù,  Bức Nữ vương Hòa Bình của Nam Phong vào nữa thế kỷ 20…

 
 

Sau công đồng Vatican 2, một phong trào “ về nguồn” được khơi dậy với bao nhạc khúc mang âm hương quê hương, những thánh đường có dấu ấn dân tộc và đây đó một số tác phẩm hội họa điêu khắc mang dáng dấp mẹ Việt.

Chúng ta có thể kể ra Mẹ Việt Nam của họa sĩ Văn Nhân được cần đá tại Vương cung Thánh đường Truyền Tin ờ Nazareth, Israel, Đức Mẹ La Vang khăn vành, áo dài , mới đây nhất là Đức Mẹ Việt Nam được Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn “ phát động” ..nên dược gọi là “Dức Mẹ của Đức Hồng Y”.

 

MẸ VIỆT NAM THEO HỌA SĨ  VĂN NHÂN VÀ MẸ THÁI LAN

TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG TRUYỀN TIN THÀNH NAZARETH, ISRAEL.

 
 
 
 

MẸ VIỆT NAM TẠI NHÀ THỜ PHÚ HẠNH, SÀI GÒN, THEO MẪU GỌI LÀ ” ĐỨC MẸ ĐỨC HỒNG Y”.

 

Cho đến nay không ai tổng kết được các tác phầm về Mẹ Maria mang hình tượng dân tộc Việt.  Đa số các Đấng Bản quyền xem ra còn dè dặt, làm dịp cho nhiều bài viết công kích hình tượng hóa Mẹ Maria Việt Nam xuất hiện đó dây, đặc biệt nhắm vào tượng Mẹ La Vang. Họ lập luận Mẹ Maria là Do Thái…nên Mẹ Maria phải như những tượng ảnh xưa nay…Họ có biết đâu hình tượng Mẹ Maria mình tôn kính là một  phụ nữ mang “ gen” Tây Âu nhiều hơn là Do Thái, một người Á Châu.

Chỉ công kích suông mà chẳng đóng góp gì cho nền nghệ thuật thánh Việt Nam, hỏi chuyện đó có nên không? Trong khi đó dựa vào những văn bản công đồng và Tòa thánh, các nghệ sĩ đang âm thầm sáng tác hình tượng Mẹ Maria Việt Nam Trung, Nam, Bắc và tiến sang Mẹ các dân tộc anh em Tây Nguyên và Tây Bắc, không chỉ có áo dài cung đình, quan họ hay bà ba, quần dài mà còn váy, áo Tây Nguyên và Hmong nữa. Hãy đến Đà Lạt thăm Mẹ K’hor, hãy đến Sapa thăm Mẹ Hmong… Sắp tới xin các nghệ nhân các dân tộc anh em hãy mạnh dạn sáng tác Mẹ Maria theo hình ảnh dân tộc mình. Thật hạnh phúc khi được chiêm ngưởng Mẹ Việt Nam không chỉ là người Kinh mà còn 53 dân tộc anh em khác nữa.

 
 

Ước mong các vị chủ chăn và giáo dân khắp thế giới cách riêng Giáo hội Việt Nam  can đảm dấn thân vào chương trình hội nhập văn hóa không thể đảo ngược được nữa. Chậm trể là gây thiệt hại không thể lường như đã được chứng minh qua lịch sử Giáo Hội Việt Nam…đang tiến gần đến ngày kỷ niệm 400 năm mà nhìn lại về hội nhập văn hóa dân tộc “ chẳng được bao nhiêu”. Các nghệ sĩ nghệ nhân công giáo hãy can đảm sáng tác những ca khúc âm hưởng dân tộc, các kiến trúc sư hãy sáng tạo những công trình đậm đà bản sắc quê hương; các nhiếp ảnh gia, điêu khắc gia, họa sĩ còn chần chờ gì nữa; các tiểu thuyết gia, thi sĩ, tác giả kịch bản, đạo diễn điện ảnh công giáo Việt Nam  …còn ngái ngủ à! Văn hóa dân tộc không làm giảm đi lòng mến Chúa , yêu người của đạo thánh mà chỉ giúp thăng hoa cuộc sống đức tin và dễ dàng đem Tin mừng đến với những tâm hồn thiện chí.

Riêng về Mẹ Maria, Mẹ các dân tộc ( Mary, Mother of all people, Marie, Mère des nations) ước mong các nghệ sĩ chúng ta hãy yêu mến Người cụ thể bằng cách cống hiến cho Giáo hội Việt Nam nhiều sáng tác mới giúp mọi người tri ân và yêu mến “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời” nhiều, nhiều hơn nữa! 

Hội An ngày 25 tháng Hoa năm 2011.

Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.

 

ĐỨC MẸ ” QUAN HỌ”  TRONG ĐỀ TÀI THÁNH GIA VIỆT NAM.

Ý TƯỞNG ĐỨC CHA PHAO LÔ TỊNH NGUYỄN BÌNH TĨNH, ĐÀ NẴNG, 2005.

 

MẸ LÊN NƯƠNG. 

HÌNH TƯỢNG ĐỨC MẸ H’MONG.

LM ANTÔN TRƯỜNG THĂNG SÁNG TÁC.

7/2015.