GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
SUY TƯ THẦN HỌC TRONG BỐI CẢNH Á CHÂU [1]
Chuyển dịch: Ngô Minh
***
***
A. NHẬP ĐỀ
1. Người ta bảo rằng những đổi thay đã xẩy ra tại Á Châu trong khoảng 50 năm vừa qua, thì cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, quan trọng hơn hẳn những bước phát triển của 500 năm lịch sử trước đây. Nhận định như vậy, dù có lẽ là hơi quá đáng, nhưng không phải là không trung thực nói lên điểm nòng cốt của sự thật.
2. Những đổi thay to lớn ấy cũng chỉ là một phần của những thăng trầm lịch sử hiện đang xảy đến trong thời đại chúng ta. Riêng tại Á Châu, chúng tôi đã phải trải qua nhiều năm trời hỗn loạn trong thời Thế chiến thứ hai, rồi tiếp đến là giai đoạn kết thúc thời thực dân: các “nước mới” đã thành hình, và cái gọi là “ý thức về Thế Giới Thứ Ba” đã lộ diện nổi bật; sau đó, đã có hai “thập niên mở mang phát triển” —1960-1980 — với các làn sóng khổ đau và hy vọng đối nghịch nhau, làm cho hai thực trạng này càng sôi động thêm. Hiện nay, chứng cớ ngày càng hiển nhiên cho thấy rằng “thế giới mới của Á Châu” đang hình thành, như một khu vực mỗi ngày một quan trọng hơn của địa cầu và của một gia đình nhân loại ngày càng tùy thuộc vào lẫn nhau hơn. Có một nghi vấn làm cho người ta phải tự hỏi đi hỏi lại, đó là: Có phải Á Châu đã thực sự trở thành sân khấu cho cuộc diễn xuất một chương mới của lịch sử nhân loại rồi hay không?
3. Chắc hẳn là một khi “dưới chân đất đã động”, thì sớm muộn gì Hội Thánh Đức Kitô tại Á châu, và các Giáo Hội Địa Phương đang cùng nhau làm nên Dân Chúa tại phần đất này của thế giới, cũng sẽ không khỏi cảm thấy “nền móng chuyển rung” ngay từ giữa lòng cuộc sống của chính mình. Nếu tại Á Châu, một “thế giới mới” đang thực sự ló dạng, thì các trào lưu, cả hỗn loạn náo động lẫn mang đầy hứa hẹn, hiện đang tuôn chảy vào giữa thời đại mới này, tất cũng sẽ dâng lên tràn ngập ở giữa đời sống của các cộng đồng kitô tại Á Châu. Và dĩ nhiên là các luồng tư tưởng ấy sẽ chất vấn Tin Mừng và Hội Thánh, được gặp thấy qua dạng thức mà chúng ta đã học biết. Đối với chúng tôi, suy tư kitô giáo và việc nghiên cứu thần học phải nẩy sinh lên từ chốn này, vì chính tại đây chúng tôi gặp được lịch sử “đang lên” của các dân tộc chúng tôi.
4.Các Giám mục Á châu đã có dịp hội họp với nhau nhiều lân, kể từ khi chừng 200 vị đã gặp gỡ với Đức Phaôlô VI, vào tháng 12 năm 1970, tại Manila, trong dịp Đức Giáo Hoàng thăm Á Châu lần đầu tiên. Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu (Federation of Asian Bishops Conferences: FABC) cũng đã được thành lập trong thời đó. Cuộc họp đầu tiên tại Đài Bắc (1974) và các cuộc họp khác, cùng hàng loạt các khóa hội thảo và đơn vị nghiên cứu, đã từ từ nắn đúc nên một bầu khí cộng đồng cho những suy tư và những mối quan tâm chung. Các cuộc hội họp này đã giữ vai trò giống như những buổi “bắt mạch” có định kỳ nhằm phát hiện những quan hệ liên đới giữa các biến chuyển đổi thay của lịch sử và cuộc sống của Hội Thánh tại các Giáo Hội Địa Phương rải rác trong khắp vùng này.
5. Suốt trong hành trình lịch sử với những đổi thay to lớn, và ngay cả giữa những biến động đột ngột, mối quan tâm của những người kitô và các Giáo Hội Địa Phương cũng vẫn không ngừng quy hướng về với sứ mệnh của Hội Thánh. Các mối quan tâm khác (đối với cộng đoàn và tinh thần hợp tác, đối với thừa tác vụ, đối với hoạt động xã hội và chính trị, đối với công tác đối thoại, việc phát triển và nổ lực giải phóng, đối với việc đào tạo và việc trao quyền cho giáo dân, v.v.) đều phải rút ra từ chính sứ mệnh ấy, lý tồn tại và bối cảnh sinh hoạt của mình. Đúng thế, vì theo một ý nghĩa rất sâu sắc, Hội Thánh chính là sứ mệnh: Hội Thánh tiếp tục gánh vác sứ mệnh của Thiên Chúa trong Đức Kitô ở giữa lòng lịch sử nhân loại, và làm nhiệm tích của Đức Kitô cũng như của tác vụ cứu chuộc Ngài đã mang lại trong thế giới. Thái độ quan tâm như thế đối với sứ mệnh của mình, khiến Hội Thánh cảm thấy cần phải suy tư về chính mình. Câu hỏi mà Đức Phaolô VI coi là chủ yếu đối với Công đồng Vaticanô II, cũng đã trở thành câu hỏi then chốt đối với Hội Thánh tại Á Châu: “Này Hội Thánh, Hội Thánh sẽ nghĩ gì về chính mình?” (Ecclesia, quid dicis de te ipsa ?)
Bản tuyên ngôn về việc rao giảng Tin Mừng của FABC I (cuộc họp đầu tiên của các Giám mục Á châu, 1974) đã phối hợp mọi cố gắng để minh định lại sứ mệnh của Hội Thánh ở trong một bối cảnh cụ thể, tức là ở vào tư thế phải ứng đáp “những khát vọng tìm kiếm tiềm ẩn sâu kín nơi tâm lòng của những anh chị em chúng ta” đang sống tại Á Châu ngày nay. Có lẽ điểm chủ yếu của văn kiện vừa kể, đã được nói lên trong đoạn sau đây:
“Muốn rao giảng Tin Mừng tại Á Châu hôm nay, thì cần phải làm cho sứ điệp và cuộc sống của Đức Kitô thực sự “nhập thể” vào trong tâm trí và đời sống của các dân tộc chúng ta. Thế nên, ở vào thời điểm này của lịch sử chúng ta, công tác cần phải lưu tâm đầu tiên trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng là việc xây dựng một Giáo Hội Địa Phương thực sự”. (FABC I,9).
6. Các Giáo Hội Địa Phương Á Châu nhận ra ngày càng rõ hơn rằng, muốn củng cố công cuộc truyền giáo cách cụ thể, muốn dấn thân vào những tác vụ hiện đại, thì cần phải có những Giáo Hội Địa Phương thực sự đóng vai thủ xướng và chủ động trong công tác loan báo Tin Mừng, chứ không còn đơn thuần thụ động tiếp nhận một nền kitô giáo Tây phương đang thời bành trướng truyền giáo, tức là không còn tiếp tục một mực “sao y bản chánh” Giáo Hội Âu Châu với những hình thái, những tác vụ và những kiểu mẫu thần học phát nguyên từ môi trường thực tế của chúng và chịu ảnh hưởng sâu đậm của những điều kiện lịch sử Âu Châu. Các “Giáo Hội mới” phải bừng dậy và mạnh mẽ dấn bước đi vào môi trường sống quanh mình; và trong tiến trình ấy, các Giáo Hội mới phải thật sự trở thành Hội Thánh đích thực, ngay tại ở chỗ thời gian và không gian đang gặp nhau để tạo nên thời điểm này của lịch sử. Là để cho muôn dân, thì từ tận trong thực thể xương thịt của mình, Hội Thánh cũng phải trở thành cho chúng ta, thực sự là Hội Thánh của mỗi một dân tộc chúng ta. Bằng không, Hội Thánh chẳng có thể thông dự vào trong những gì đang nảy sinh ra tại các đất nước chúng ta, nơi các quê hương chúng ta, trong thế giới mới này của Á Châu.
Nếu đếm số năm, thì sẽ thấy các Giáo Hội Địa Phương tại Á Châu (ít ra một số lớn) không còn phải là “trẻ”. Nếu có cái gì mới mẻ trẻ trung nơi họ, thì đó chính là một ý thức mới, một ước vọng và một ý muốn mới: muốn trở thành Hội Thánh thực sự. Nhưng phải là một Hội Thánh sống động ở trong và cho giây phút lịch sử hiện tại đây, ngay ở giữa lòng các dân tộc này và trong bối cảnh của những bước phát triển mau lẹ đang xảy đến cho cuộc sống cũng như cho các nền văn hoá của họ. Các cộng đồng địa phương phản ánh cho thấy “những hoài vọng mới, những ước mơ mới, những sáng tác mới” đang bừng nở ra chung quanh họ. Họ biết các điều mới ấy đang hoặc sẽ tiến hành, dù là với thành công hay thất bại, chậm hay nhanh, cùng với hay không biết đến Phúc Âm, và dù có Hội Thánh tham dự hay không. Đối với họ, đây là giờ phút của triệu tập và của thách đố; và đó cũng là cái kairos đối với hết thảy chúng ta.
7. Toàn bộ các cộng đồng kitô tại Á Châu này chưa chiếm tới 2% của dân số trong vùng. Trừ Phi Luật Tân ra, là nước có 83% tín hữu công giáo và 89% tín hữu kitô trong số 60 triệu dân, tại các nước khác, người kitô chỉ là những thiểu số rất nhỏ. Ở Á Châu, Hội Thánh thật sự là một đoàn chiên nhỏ, pusillus grex, một thiểu số hết sức nhỏ bé ở giữa một biển người mênh mông bát ngát theo những tín ngưỡng khác hoặc thuộc nhiều truyền thống tôn giáo khác. Bởi đó, các Giám mục và các người lãnh đạo mục vụ, các nhà thần học hoặc các quan sát viên ở Á Châu, đã nhiều lần nhận định cho rằng trong thời hậu thuộc địa, Hội Thánh tại đây đã lâm vào một tình trạng hầu như không thể hiểu nổi đối với các giáo hữu Tây phương, và như thế là bởi một số lý do lịch sử.
8. Ngoài thực trạng đa dạng tôn giáo này, và dính liền với thực trạng này, khắp nơi còn có rất nhiều nền văn hóa khác nhau. Các cộng đồng kitô thường bị coi là ngoại lai, vì người ta cầm họ như là những tổ chức du nhập từ các nước ngoài vào, cũng như bởi vì họ có tín ngưỡng tôn giáo, và nhiều khi cả văn hóa nữa, khác với các cộng đồng sống chung quanh. Nhiều chánh phủ coi họ như là những lãnh vực ngoại lai, với những ý thức hệ Tây phương, với những thủ lãnh vâng theo chỉ thị của các thế lực nước ngoài, và với lối sống mô phỏng theo kiểu mẫu Tây phương. Đồng bào của họ thường nghĩ rằng các kitô hữu không quan tâm gì nhiều đến các phong trào dân tộc và những lo âu của nước nhà mình. Có thực tâm hay không thì đó là một chuyện khác; nhưng sự việc là nhiều khi họ cũng tố cáo đồng bào kitô là không chịu chia sẻ những nguyện vọng của các chính nghĩa quốc gia và các nhóm ái quốc, cũng như không biết ưu tư cho đủ đối với các nhu cầu và các khổ đau, đối với tình trạng bị áp bức và bóc lột của quần chúng không kitô, bởi vì họ vẫn còn liên hệ với những ai còn đang cố tiếp tục kéo dài cuộc bóc lột bằng hình thức đô hộ kinh tế.
10. Khác với các cộng đồng kitô Tây phương, Hội Thánh ở Á Châu và các Giáo Hội Địa Phương tại đây không có những “thời đại kitô” để mà nhìn lại. Đối với đa số các Giáo Hội Á Châu, “Truyền thống” thường chỉ là lịch sử xa lạ của Hội Thánh tại các lục địa và của các dân tộc khác, ít hoặc không dính dự gì với kinh nghiệm và lịch sử của mình cũng như của dân tộc mình cả.
11. Chính vì đang đứng ở giữa tình cảnh vừa phác họa trên đây, nên chúng tôi cảm thấy cần phải dốc toàn tâm toàn lực vào việc suy tư thần học về Giáo Hội Địa Phương tại Á Châu hiện nay. Ngoài một vài nét phác họa khái quát về các “Giáo Hội trẻ” (ecclesiae novellae ) đọc thấy ở trong sắc lệnh Ad Gentes (chương 3), Công đồng Vaticanô II đã không khai triển rộng về đề tài này, bởi lẽ thời ấy – ít nhất là trong thập kỷ 1960, – hình như đó không phải là mối băn khoăn cấp thiết đối với các Giáo Hội Địa Phương Tây phương.
12. Tuy nhiên, đối với chúng tôi, những “Giáo Hội trẻ” tại Á Châu, việc cần phải suy tư về lĩnh vực thần học này cho sâu xa hơn, là một công tác cấp thiết. Từ nhiều năm nay, cả các Giám mục lẫn các nhà thần học đều đã ý thức được rằng vấn đề này là một trong những mối quan tâm bách thiết nhất cần phải làm cho các cộng đồng kitô chúng tôi thấu hiểu. Chỉ những ai không sống đụng chạm với những khát vọng, trông chờ của các dân tộc và của cộng đồng chúng tôi, thì mới không nắm được hoặc là không cảm nhận ra nổi mối quan tâm kia mà thôi: đúng họ là những “ngoại kiều” sống ở giữa chúng tôi.
13. Chính FABC (Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu) đã yêu cầu chúng tôi, là một nhóm các thần học gia, dành ưu tiên suy tư cho đề tài nghiên cứu này. Như vậy, đây là đề tài đầu tiên được Uỷ Ban Cố Vấn Thần Học (Theological Advisory Commission: TAC ) của FABC bàn đến, cũng ngay trong buổi họp đầu tiên, nhóm hồi mùa xuân 1986, tại Hồng Kông.14. Sau gần năm năm (1986-1990), khi việc nghiên cứu đang tiến hành và ngày càng nắm chắc được điểm chủ chốt hơn, chúng tôi bắt đầu nhận ra rằng chủ đề “Giáo Hội Địa Phương” cần phải được coi như là một cố gắng để thấu hiểu về cách thức một cộng đồng đức tin “tự hiện thực hóa chính mình” trong tư thế là Hội Thánh. Hiểu biết Giáo Hội Địa Phương là hiểu biết quá trình phát sinh Giáo Hội (ecclesiogenesis ) tại một nơi, vào một lúc, ở trong một nền văn hóa cụ thể.
Chúng tôi cũng ý thức rằng dự án và tiến trình này là một phương thức khác để tìm hiểu về công tác hội nhập văn hóa. Thực ra, đối với chúng tôi là những người đang sống trong các Giáo Hội Địa Phương tại Á Châu, công tác hội nhập văn hóa đồng nghĩa với nổ lực “tự hiện thực hóa” của Hội Thánh tại một nơi. Thành thử, chúng tôi đã đưa điểm nhận định sáng suốt này vào trong tài liệu nghiên cứu của chúng tôi đây. Đó là điểm nhận định mà càng tiến tới trong nổ lực tìm hiểu, thì chúng tôi càng nhận ra rõ hơn, qua cách nghiên cứu các thực tại lịch sử theo bối cảnh riêng và theo như kinh nghiệm chúng tôi nắm được. Thực vậy, suốt năm năm bàn luận, chúng tôi đã cố gắng đi từ những thực tại cụ thể và kinh nghiệm thực tế để nghiên cứu, chứ không phải chỉ biết giở trò múa rối với những ý niệm lý thuyết trên mây.
15. Chúng tôi xin giới thiệu tài liệu này như là cố gắng đầu tiên của chúng tôi để tiến hành một cuộc nghiên cứu thần học về “Giáo Hội Địa Phương trong bối cảnh Á Châu”. Trước hết, xin nói rõ rằng ở đây chúng tôi không chủ ý nhắm một điều gì ngoài việc mở ra một cuộc đối thoại với những ai cùng chia sẻ những quan tâm và khát vọng như chúng tôi. Thần học về Giáo Hội Địa Phương còn đang ở trong thời phôi thai, và như thế không những ở Á Châu thôi, mà còn ở trong Hội Thánh trên khắp thế giới nữa. Những nhà thần học để tâm suy tư và viết về đề tài này thì không phải là nhiều, và nếu chỉ ghi lại những tác phẩm thực sự đáng kể, thì thư mục về chủ đề này cũng không có là mấy. Nhiều Giám mục Á Châu đã yêu cầu chúng tôi khởi công cho tiến trình học hỏi và bàn luận này. Các luận đề sau đây là những hoa trái đầu mùa của công việc chúng tôi. Chúng tôi chỉ hy vọng là chúng sẽ gióng lên được một lời mời gọi và thối thúc những người khác đang sống trong các Giáo Hội Địa Phương Á châu, để họ cũng biết dành ưu tư cho vấn đề mà tiếp tục công tác chúng tôi đã bắt đầu, trong cùng một tinh thần như chúng tôi đã có khi thăm dò về đề tài – nghĩa là chỉ nóng lòng mong ước làm sao để tìm cho ra sự thật, – nhằm nói lên niềm hy vọng hỷ hoan vào một tương lai đầy hứa hẹn cho Hội Thánh tại các đất nước và giữa các dân tộc của chúng tôi.
B. LUẬN ĐỀ VỀ GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
I. GIẢI NGHĨA CÁC TỪ NGỮ
Giáo Hội Địa Phương phát tích từ cuộc gặp gỡ giữa một dân tộc với Tin Mừng. Và đã là một dân tộc thì thế tất phải sinh sống ở trong một bối cảnh văn hóa cụ thể. Nếu thế thì trước hết, cần phải giải nghĩa các từ ngữ căn bản gặp thấy trong cách đặt vấn đề như vừa nói; đó là các từ ngữ: “Tin Mừng”, “văn hóa” và “Giáo Hội Địa Phương”.
1. Tin Mừng
Từ ngữ “Tin Mừng” hay “Phúc Âm” có nghĩa là “tin tốt” (evangelion ). Đây là từ mà ngôn ngữ của Tân Ước đã mượn từ Cựu Ước, nhưng với một ý nghĩa đặc biệt mà chính từ ấy cũng đã hàm ngụ, đó là: loan báo ơn cứu độ (Is 40, 1f), loan báo ơn giải phóng (Is 61,1f) và sự việc Nước Thiên Chúa đang đến (Is 52,7).
a. Tin Mừng về Vương Quốc Sự Sống
Đức Giêsu đã đến rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa; Ngài nói: “Thời kỳ đã mãn và Nước Trời đã đến gần” (Mc 1,14-15). Ngài “được xức dầu tấn phong để đi loan báo Tin Mừng cho những kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18tt). Lời loan báo Đức Giêsu ra đời được nhắc đến như là một tin lành cứu độ (x. Lc 2,10-11). Vì thế, trong Tân Ước, Phúc Âm là tin lành về tình trạng giải phóng, về ơn cứu độ và về Nước Trời. Gioan không dùng danh từ “Tin Mừng”. Ngài thay thế các từ ngữ “vương quốc Thiên Chúa” và “cứu độ” bằng từ “sự sống” (xem Ga 3,16-17). Đức Giêsu nói: “Tôi đến để cho mọi người được sống và được sống dồi dào” (Ga 10,10).
b. Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô
Tin Mừng cũng được đồng nhất hóa với chính Đức Giêsu. Chính bản thân của sứ giả đã trở nên trung tâm điểm của Tin Mừng. Phúc Âm là chính Đức Giêsu (Mc 1,1). Nơi Ngài, Nước của Thiên Chúa đã tỏ hiện (Mt 12,28). Người nào bỏ mọi sự vì Đức Giêsu và vì Tin Mừng, thì sẽ được thưởng gấp trăm lần ngay ở đời này (Mc 10,30).
Trong Công Vụ Tông Đồ và các thư Thánh Phaolô, việc đồng nhất hóa này còn được khai triển rộng hơn. Tin Mừng trở thành “tin mừng về Đức Giêsu” (Cv 8,35; 17,18), “về Chúa Giêsu” (Cv 11,20; Rm 1,3tt), “về danh Đức Giêsu Kitô” (Cv 8,12), “về Đức Kitô” (Rm 15,19tt; 2Cr 2,12), và “về vinh quang của Đức Kitô” (2Cr 4,4). Cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu trở thành trung tâm điểm của Tin Mừng (1Cr 15,1-5).
c. Tin Mừng là Lời nói (Ngôn từ) mà cũng là Chứng từ
Trong các văn bản của Gioan, việc đồng nhất hóa Tin Mừng với Đức Giêsu được diễn tả bằng các từ “Lời” và “Chứng tá”. Kinh nghiệm về Tin Mừng được miêu tả như là kinh nghiệm về “Lời sự sống” (1Ga 1,1). Chính Đức Giêsu đã đến để “làm chứng” cho Sự Thật (Lời) (Ga 18,37); và nếu tín hữu có được kinh nghiệm về Lời qua hành động công bố, thì cũng chính là nhờ ở sự việc “làm chứng” (1Ga 1,2).
d. Tin Mừng như là Ân sủng, Thần Khí và Quyền năng
Cộng đồng kitô tiên khởi có kinh nghiệm về Tin Mừng như là ơn tha thứ và ân lộc ban Thần Khí (Cv 2,38; 3,26; 10,43; 13,38; 17,30). Đó chính là kinh nghiệm về ơn cứu độ, được mô tả như là tin lành “bình an” do Đức Giêsu Kitô mang đến (Cv 10,36). Đối với Phaolô, Tin Mừng là quyền năng cứu độ, tức là quyền năng của Thiên Chúa để cứu rỗi tất cả những ai có lòng tin (Rm 1,16), là sức mạnh cứu độ Thiên Chúa đã tung ra trong thế giới loài người để cứu rỗi mhững ai có lòng tin. Vì vậy, Tin Mừng được công bố không những bằng lời nói mà cả với quyền năng và Thần Khí nữa (1Tx 1,5). Tin Mừng là phổ quát qua lời mời gọi gửi đến cho hết thảy mọi người và qua sự việc được áp dụng “cho bất cứ ai có lòng tin” – cả Do thái lẫn Hy lạp (Rm 1,16).
e. Tin Mừng như là Mầu nhiệm
Tin Mừng là mầu nhiệm (mysterion ), tức là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: giữ kín từ muôn thuở (1Cr 2,7), và đã được mạc khải và thể hiện trong và qua Đức Giêsu Kitô (1Cr 2,1-2). Tầm trọng yếu toàn diện của mầu nhiệm này nằm ở chỗ nó là một kế hoạch liên quan tới toàn thể vũ trụ trong thời viên mãn, và nhắm tới tiêu đích quy tập vạn vật trên trời cũng như dưới đất vào trong Ngài (Ep 1,9-10). Do đó, Tin Mừng cần phải được loan báo qua hình thức đối thoại, nghĩa là như một cuộc gặp gỡ giữa thực trạng biểu hiện của mầu nhiệm này ở giữa dòng lịch sử qua mạc khải Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Kitô, và sự hiện diện của mầu nhiệm ấy ở trong những gì khác mà vũ trụ vén mở cho thấy.
f. Hội Thánh: Hiện thân của Tin Mừng
Tin Mừng ấy, — hoặc là quyền năng của Thiên Chúa để cứu rỗi, là Nước Thiên Chúa, hay là sự sống viên mãn, — đã hoạt động nơi Đức Giêsu nhờ Thần Khí: khởi đầu từ thời Ngài công khai rao giảng , với các phép lạ là những dấu chỉ của Tin Mừng này (Mt 12,28); rồi tiếp đó, đã hoạt động một cách quyết liệt qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Sinh thời, Đức Kitô là hiện thân của Tin Mừng tỏ lộ một cách cụ thể trong lời rao giảng, lối sống và thái dộ dấn thân của Ngài. Qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài, Đức Giêsu Kitô đã trở thành Thần Khí đầy sức sống và ban sự sống (1Cr 15,45). Như vậy, Tin Mừng mà Đức Kitô là hiện thân, đã trở thành một sức mạnh hiện diện ở giữa tất cả những ai tin vào các giá trị như chân lý, tự do và công bằng; các giá trị này làm chứng về sự hiện diện của Nước Trời ở giữa loài người. Chính Tin Mừng ấy, chính quyền lực cứu rỗi ấy của Thiên, đang được thể hiện ở trong Hội Thánh, tức là ở trong cộng đồng các tín hữu, nhờ Thần Khí của Đức Kitô (Thiên Chúa). Như thế, Hội Thánh ngày nay đang giữ vai trò làm hiện thân cho Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô giữa lịch sử loài người. Do đó, Hội Thánh là “môi trường” để làm công tác loan báo Tin Mừng (Phúc âm hóa).
2. Văn Hóa
Có hàng trăm cách để định nghĩa văn hóa. Dù vậy, không một định nghĩa nào đã thành công trong việc đưa ra một ý niệm đầy đủ bao gồm toàn bộ thực tại phức tạp của cái thường được gọi là văn hóa. Cho nên, Công đồng chung Vaticanô II đã chọn phương thức mô tả hơn là cố định nghĩa văn hóa cho chính xác (xem Gaudium et Spes , 53). Trong văn kiện về Giáo Hội Địa Phương này, chúng tôi không theo một định nghĩa nhất định nào về văn hóa cả, song sẽ hiểu văn hóa theo cách mô tả của Vaticanô II, và theo hiện tình khảo cứu của khoa nhân chủng học. Và chúng tôi sẽ nhìn văn hóa từ bốn góc cạnh như sẽ trình bày dưới đây. Nếu được phối hợp lại, thì những cách nhìn này sẽ giúp chúng ta có được một ý niệm khái quát về cái thường được gọi là văn hóa.
a. Văn hóa như là việc bồi dưỡng tinh thần nhân loại
Trong các ngôn ngữ gốc Latinh, từ văn hóa (cultura/culture ) phát nguyên bởi từ cultura , có nghĩa là trồng trọt, như thấy trong trường hợp các chữ “ agriculture” (nông nghiệp), “ horticulture ” (kỹ thuật làm vườn),v.v… Quan niệm cổ điển coi văn hóa như là tiến trình nội tâm của việc con người trau giồi hoặc uốn nắn trí tuệ cùng các năng lực tâm linh khác; và vì thế, văn hóa được coi như là một cái gì trực tiếp liên hệ với đời sống tri thức, với nghệ thuật, văn học, và các khoa nhân văn, vv… Dĩ nhiên, theo quan niệm này, văn hóa chỉ được áp dụng cho những cá nhân, những từng lớp hoặc dân tộc ưu tú và có học thức, khác hẳn với dân chúng vô học, bán khai, lạc hậu. Hơn nữa, một cách nào đó, văn hóa còn bao hàm cả tính chất phổ quát và trường tồn. Những cá nhân và những nhóm cần phải khép mình vào trong các kiểu mẫu và mô hình được coi là có văn hóa. Quan niệm cổ điển này đã xuất hiện tại Âu Châu trong thời Phục hưng và thế kỷ “Ánh sáng” (tk 18), và đã giữ được ưu thế rất lâu, nghĩa là cho đến thời gian gần đây. Đó cũng là quan niệm về văn hóa đã từng đi sát cánh với công cuộc truyền giáo trong thời thuộc địa. Rao giảng Tin Mừng cũng bao hàm công cuộc mang văn hóa tới cho các dân tộc và các quốc gia, và chính sứ mệnh kitô cũng đã được coi như là “sứ mệnh văn minh hóa”.
b. Quan niệm văn hóa theo kinh nghiệm
Văn hóa không phải là đặc quyền của một ít cá nhân hoặc dân tộc. Không có dân tộc nào mà không có văn hóa. Nói tới văn hóa tức là nói tới các truyền thống, tập quán, phong tục và tổ chức của một dân tộc. Các khoa nhân chủng học và xã hội học đã nêu bật sự kiện này: văn hóa là một thực tại phát sinh từ kinh nghiệm, và không chỉ liên hệ tới tâm trí và các tiến trình bên trong của trí tuệ mà thôi, nhưng còn liên quan tới cả các tiến trình bên ngoài ở giữa cuộc sống xã của một dân tộc nữa. Theo ý nghĩa này, văn hóa là “toàn bộ tổng hợp ấy, bao gồm kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, tục lệ cùng bất cứ khả năng và thói quen nào mà con người thu thập được trong tư cách là thành phần của một xã hội”. Lối nhìn văn hóa như thế là một lối nhìn rộng mở để đón mọi hình thức khác biệt và đa dạng. Toàn thể nhân loại có thể được coi như là một đại gia đình của các dân tộc, trong đó mỗi dân nước giữ nguyên phong tục, truyền thống, tín ngưỡng, công trình mỹ thuật,.v.v… riêng của mình.
c. Chiều kích tượng trưng của văn hóa
Văn hóa bao hàm không những các truyền thống, những cách cư xử, v.v., mà còn cả những biểu tượng, ý niệm, giá trị, ngôn ngữ, ý nghĩa nữa. Những phong tục, truyền thống và tổ chức của một dân tộc hàm ngụ hoặc tiêu biểu cho các giá trị, tư tưởng và quan niệm của dân tộc ấy. Nhờ thế, việc giao tiếp hoặc thấu hiểu nhau mới có thể trở thành sâu đậm thiết cốt hơn giữa nội bộ những nhóm hoặc những dân tộc có cùng một văn hóa chung. Về phương diện này, văn hóa “biểu thị một thứ mô dạng được truyền lưu theo dòng lịch sử và được coi là mực thước cho ý nghĩa tiềm ẩn ở nơi các biểu tượng, và đồng thời cũng biểu thị một hệ thống quan niệm diễn đạt theo hình thức tượng trưng, thừa kế từ các thế hệ trước, nhờ đó con người có thể trao đổi, lưu truyền và mở rộng kiến thức cùng thái độ của mình đối với cuộc sống”.
Theo ý nghĩa này, văn hóa gắn bó rất mật thiết với tôn giáo. Đặc biệt tại Á châu là nơi các hình thức và các biểu hiện của văn hóa đều mang viễn ảnh, quan niệm, cả đến những giá trị cùng biểu tượng nữa, của tôn giáo, và lấy đó làm căn bản cũng như làm nguyên lý hợp thức cho sự có mặt của mình.
d. Quan niệm xã hội như là một thực tại văn hóa
Có thể coi chính xã hội như là một hệ thống văn hóa. Vì cách tổ chức và quản trị của một xã hội, cách phát triển kinh tế, cách thức các phần tử xã hội trao đổi với nhau,.v.v…, thường là những gì xuất phát từ đặc tính văn hóa và thiên tư của một dân tộc. Vì vậy, tách biệt đà phát triển kinh tế và công tác cai quản chính trị ra khỏi nền văn hóa của dân tộc, thì sẽ gây ra những hậu quả tác hại trầm trọng, như lịch sử và kinh nghiệm đã chứng tỏ cho thấy, nhất là trong Thế giới thứ ba hiện nay. Có một sự thật đã được minh chứng, đó là: bao lâu văn hóa chưa đổi thay, thì không thể có một thay đổi hữu hiệu và lâu bền trong một xã hội được. Chính vì vậy, những thời gian gần đây, văn hóa đã trở thành vấn đề chính yếu trong mọi lãnh vực cuộc sống xã hội.
Dĩ nhiên là bốn cách nhìn và bốn phương thức tìm hiểu về văn hóa trình bày trên đây, bổ túc cho lẫn nhau. Có thể kết luận rằng, rốt cuộc, văn hóa chỉ là cách sống cụ thể của con người ở giữa một dân tộc, một nhóm hoặc một quốc gia nhất định. Trong khi đó, bản sắc loài người (humanum ) lại tiềm ẩn dưới mọi hình thức văn hóa, làm mối dây nối kết để mọi nền văn hóa có thể gặp gỡ lẫn nhau. Và bất cứ nền văn hóa cá biệt nào cũng đều biểu lộ sắc thái phong phú của bản sắc loài người trong một cách kiểu có một không hai.
3. Giáo Hội Địa Phương
Công đồng Vaticanô II đã không dùng cùng một thứ từ ngữ nhất định khi đề cập đến những hình thái địa phương của Hội Thánh. Thành ngữ “Giáo Hội cá biệt” (Particular Church ) được dùng đến 24 lần — 12 lần ám chỉ đến các giáo phận, còn các lần khác thì để chỉ những nhóm các Giáo Hội thuộc cùng một tổ chức, chẳng hạn như là thuộc cùng một loại lễ chế (xem HN14; ĐP 2-4,10,16, 17,19). Từ ngữ “Giáo Hội Địa Phương” (Local Church ) được dùng 8 lần để chỉ hoặc là giáo phận, hay là các nhóm Giáo Hội, và cả đến giáo xứ nữa. Số 14 trong Sắc Lệnh về Hiệp Nhất dùng các từ “cá biệt” và “địa phương” như là những từ đồng nghĩa, để chỉ những nhóm các Giáo Hội Đông phương, đặc biệt là các Giáo Hội Thượng phụ.
Trong Bộ Giáo luật mới, “ ecclesia particularis ” luôn luôn có nghĩa là giáo phận. Cả từ ngữ ecclesia localis (“Giáo hội Địa Phương”) lẫn ecclesia universalis (“Giáo Hội Hoàn Vũ” đã không có mặt trong bộ Giáo luật; văn kiện này thường dùng hoặc là cách nói “toàn thể Hội Thánh” (thỉnh thoảng chỉ nói là “Hội Thánh”) hoặc là danh xưng “Giáo Hội cá biệt”.[2] Bộ Giáo luật cũng phân biệt “Giáo Hội Latinh” với các Giáo Hội khác, được gọi là “các Giáo Hội lễ chế có luật riêng” (ecclesiae sui juris ); có người đề nghị nên dịch thành ngữ này ra “Giáo Hội tự trị”. Còn “lễ chế” thì bộ Giáo luật định nghĩa là “di sản phụng vụ, thần học, tu đức và pháp chế, với những nét khác biệt về văn hóa và hoàn cảnh lịch sử của một dân tộc; di sản ấy được diễn đạt theo cách thức sống đạo riêng của mỗi Giáo hội với quy luật riêng của mình” (Schema Codicis Juris Canonici Orientalis , 1988, Cn. 27,2).
Dùng từ ngữ một cách thiếu thống nhất như vậy có thể gây ra một số khó khăn. Có những thần học gia đề nghị là nên đơn thuần đi theo cách nói của Giáo luật; họ gọi giáo phận “Giáo Hội cá biệt”, và dùng từ ngữ ” Giáo Hội địa phương” để chỉ các hình thức cụ thể khác của Giáo Hội. Có người khác lại chủ trương rằng các nhà thần học không cần gì mà phải chịu ràng buộc bởi cách dùng từ mới của Giáo luật, như là “Giáo Hội cá biệt” chẳng hạn, và họ đồng ý dùng thành ngữ “Giáo Hội địa phương”, rồi khi cần thì nói rõ là danh từ ấy dùng để chỉ một giáo phận, một giáo xứ, một cộng đồng kitô nhỏ, hoặc là một nhóm các địa phận.
Phía đằng sau việc lựa chọn các từ ngữ này, còn có cả một vấn đề thần học quan trọng: những điều kiện xã hội và văn hóa sẽ ảnh hưởng cho tới mức nào vào trong việc thần học định nghĩa một hình thức địa phương của Hội Thánh? Dựa theo đường lối của cha Henri de Lubac và Bộ giáo luật mới, Ủy Ban Thần học Quốc tế chủ trương rằng tiêu chí (criterion ) để xác định bản sắc của một Giáo Hội cá biệt (tức là một giáo phận), là một tiêu chí “thần học tự bản chất nó” (essentially theological ); còn tiêu chí để định nghĩa một Giáo Hội địa phương (tức là một tổ chức các Giáo hội cá biệt), chỉ mang tính chất “chủ yếu là văn hóa xã hội” mà thôi (xem H.de Lubac, L”unique Eglise du Christ , Paris, Centurion 1985, 33).
Liên quan đến ý kiến trên đây, có hai điểm đòi phải giữ thái độ dè dặt. Thứ nhất: cách đặt hai từ ngữ “thần học” và “xã hội/văn hóa” ngang nhau trên cán cân so sánh, có thể làm cho hiểu rằng bản sắc xã hội/văn hóa chẳng có một ý nghĩa nào trong bình diện thần học cả; điều này sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến khoa giáo hội học, và có thể cần phải được đặt lại vấn đề. Thứ hai: nếu thường xuyên dùng từ ngữ “Giáo Hội cá biệt” để chỉ một giáo phận nhằm phân biệt với “Giáo Hội Hoàn Vũ”, thì có thể gây ra cảm tưởng cho rằng công giáo tính của Giáo Hội cá biệt nằm đâu xa ở phía ngoài. Cũng vậy, từ ngữ “Giáo Hội Hoàn Vũ” dùng để phân biệt với “Giáo Hội cá biệt”, có thể gây ra hiểu lầm về phổ quát tính của Giáo Hội Hoàn Vũ, vì sẽ bị coi như là một tổ chức siêu quốc gia hay quốc tế.
Vì những lý do như thế nên chúng tôi đã quyết định dùng một cách thường xuyên thành ngữ “ Giáo Hội Địa Phương ” (Local Church ) trong văn kiện này; nếu cần, thì chúng tôi sẽ chỉ rõ đối với các trường hợp ứng dụng cụ thể khác.
Để chỉ những gì thường được gọi là “lễ chế” (Rites ), chúng tôi sẽ theo cách nói của các Hội đồng Giám mục Ấn độ, cũng như của các thần học gia các ngài, mà dùng từ ngữ “ các Giáo Hội Cá Thể ” (Individual Churches ).
4. Lời chú dẫn các luận đề
Để việc nghiên cứu văn kiện này được dễ dàng, xin nói thêm một vài lời về phương thức tiến hành, về cách tổ chức và thứ tự của các luận đề sau đây.
Đầu tiên là những viễn ảnh căn bản của Kinh Thánh về Giáo Hội Địa Phương (luận đề 1-4): có thể coi đó là nền móng của văn kiện.
Tiếp đó là những luận đề có tính cách kinh nghiệm và hiện sinh. Như vậy, tài liệu này không bắt đầu với việc định nghĩa Giáo Hội Địa Phương, rồi sau đó đem áp dụng định nghĩa ấy cho các Giáo Hội ở trong những môi trường với nhiều đặc nét văn hóa khác nhau của Á châu; trái lại, chúng tôi cố gắng nghiên cứu thực trạng của Giáo Hội Địa Phương như là một thực tại phát sinh từ cuộc gặp gỡ giữa Tin Mừng và văn hóa của một dân tộc (luận đề 5-9).
Các suy tư về công trình hội nhập văn hóa — một công trình tiến hành theo mẫu mực của mầu nhiệm Nhập Thể — sẽ tìm hiểu về cuộc gặp gỡ của Giáo Hội Địa Phương với toàn bộ bối cảnh của chính nơi Giáo Hội sinh sống: bối cảnh này tất nhiên phải bao gồm cả những thực tại xã hội, kinh tế và chính trị nữa. Dựa theo phương pháp học, các luận đề sẽ khởi đầu đi từ kinh nghiệm, từ những suy tư về kinh nghiệm, và sau đó, sẽ cố gắng tìm hiểu cho biết Giáo Hội Địa Phương là gì.
Trong bước kế tiếp, các luận đề sẽ lấy lại giáo huấn của Vaticanô II, và thử đưa ra một ý niệm thần học về bản chất, về các cấu tố và các đặc điểm cũng như về cuộc sống và sứ mạng của Giáo Hội Địa Phương (luận đề 10-14).
Trong phần kết thúc tài liệu, sẽ có một luận đề cuối cùng (số 15) bàn đến một vấn đề quan trọng và hiện đang làm đề tài cho nhiều cuộc bàn thảo: đó là vấn đề các Hội Đồng Giám Mục.
Những suy tư thần học và những luận đề nêu lên trong văn kiện này không nhằm một đích nào ngoài chủ đích thuần túy mục vụ: nghĩa là để giúp các thành phần trong Hội Thánh — các Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân — thấu hiểu cho rõ hơn, cảm nghiệm cho sâu đậm hơn, làm chứng và truyền thụ cho đắc lực hơn, mầu nhiệm về Giáo Hội Địa Phương, với toàn bộ thực tại thiêng liêng cũng như với bản sắc “trần tục” hết sức cụ thể đâm rễ sâu vào trong môi trường sống của chính Giáo Hội. Và cũng là để mở đường cho công tác hiện tại hóa Giáo Hội Địa Phương ngay tại trong bối cảnh của toàn bộ thực tại cuộc sống, trong đó Giáo Hội có bổn phận phải rao giảng Tin Mừng và hoàn tất sứ mệnh của mình ở giữa lòng lịch sử con người. Vì thế, phần cuối của văn kiện sẽ đề ra một số hệ luận và những lời nhắn nhủ có tính cách mục vụ, kỳ vọng rằng nhờ đó mà các suy tư kia sẽ được thể hiện qua hành động và lề lối hoạt động.
* Lưu ý : Ở đây, chúng tôi không trình dịch Phần D của văn kiện, tức là Phần mang tựa đề Những hệ quả mục vụ và những lời nhắn nhủ.
—————
[1] Các “Luận đề về Giáo Hội Địa Phương” này đã do Ủy Ban Cố Vấn Thần Học của Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) soạn thảo ra. Tất cả các Hội Đồng Giám Mục thuộc FABC đều có đại diện làm thành viên trong Ủy Ban vừa nói. Tài liệu giới thiệu các Luận đề này là thành quả của cuộc nghiên cứu và bàn thảo mà các thành viên của Ủy Ban và các nhà thần học khác đã tiến hành suốt trong năm năm, và cuối cùng đã chấp thuận trong lần Ủy Ban họp tại Hồng Kông hồi tháng tư năm 1990. Các Luận đề chỉ nhằm mục đích đề ra một số điểm căn bản làm nền tảng chung cho các cuộc liên tục trao đổi và bàn thảo rộng lớn hơn với các chủ chăn và các thần học gia. Các thành viên của Ủy Ban Cố Vấn Thần Học ước mong nhận được những ý kiến nhận định của các quý vị đọc Luận đề, nhằm đẩy mạnh đà suy tư thần học cũng như mục vụ trong Hội Thánh. Xin gửi các ý kiến nhận định về FABC, 16 Caine Road, Hong Kong.
[2] Bộ Giáo Luật bằng tiếng Việt, do Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ xuất bản (1987), dịch ecclesia particularis bằng Giáo hội địa phương