Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Linh hồn

Văn phòng Học Viện
2024-11-13 11:00 UTC+7 554
"Linh hồn" không chỉ là chủ đề của tôn giáo khác nhau nhưng còn được bàn dưới nhiều nhãn quan truyền thống văn hóa khác nhau ở mọi thời đại. Bài viết này chỉ giới hạn vào vài suy tư về bản tính linh hồn, cùng với nguồn gốc của nó dựa theo truyền thống Kitô giáo. Trước khi đi vào các phân tích theo Thần học Kitô giáo, bài viết lược qua các các khái niệm lịch sử về linh hồn dưới các nhãn quan văn hóa Đông - Tây và trong Lịch sử Triết học.

LINH HỒN

Phan Tấn Thành

(trích Đời sống tâm linh – tập 8)

I. Khái niệm

     A. Từ ngữ: 1/ Hán Việt. 2/ Hy-lạp Latinh. 3/ Do thái

     B. Tương quan xác hồn trong lịch sử triết học

II. Thần học Kitô giáo

     A. Bản tính

     B. Nguồn gốc

     C. Linh hồn bất tử

-----------

Thánh Tôma Aquinô thú nhận rằng bàn về linh hồn không phải là chuyện đơn giản, bởi vì đòi hỏi một cuộc khảo sát tinh vi[1]. Đành rằng những ai chỉ giới hạn tầm nhìn vào thế giới hiện tại và thực nghiệm (cái gì có thể quan sát và đo lường) thì không muốn đả động đến những gì vô hình vô tượng, không thể kiểm chứng bằng dụng cụ máy móc; nhưng ngay các triết học duy tâm và các tôn giáo cũng không nhất trí với nhau khi bàn về bản chất của linh hồn. Thậm chí hạn từ “linh hồn” trong Kinh thánh cũng có nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong mục này, sau khi lược qua vài quan niệm lịch sử về linh hồn, chúng tôi chỉ giới hạn vào vài suy tư về bản tính linh hồn, cùng với nguồn gốc của nó dựa theo truyền thống Kitô giáo[2].

I. Khái niệm

A. Từ ngữ

Một trong những khó khăn khi bàn về linh hồn bắt nguồn từ việc sử dụng từ ngữ với những ý nghĩa khác biệt. Từ “hồn” mang nhiều ý nghĩa trong văn hóa các dân tộc, và ngay cả trong Kinh Thánh. Đồng thời, bên cạnh từ “hồn”, chúng ta gặp thấy nhiều từ ngữ tương đương như là “tinh thần, tâm linh, tâm hồn, sinh khí”.

Chúng ta hãy bắt đầu từ quan niệm cổ điển ở Việt Nam, rồi sẽ qua các tiếng Tây phương.

1/ Hán Việt

- Hồn theo chiết tự, gồm bởi bộ “vân” (mây) và “quỷ” (ma); thật khó biết được nguyên nghĩa như thế nào. Dù sao, khi bàn về “nguyên lý sự sống” (principe vital) trong con người, linh mục Léopold Cadière ghi nhận rằng quan điểm nhân học cổ truyền Việt Nam khá phức tạp, bởi vì gồm nhiều yếu tố: hồn, phách, vóc, vía, vệ, hơi, khí. Ngoài ra, con người không chỉ có một hồn nhưng “ba hồn, bảy hoặc chín vía”[3]. Ngoài ra, hồn không chỉ áp dụng cho loài người mà còn được áp dụng cho một tập thể (chẳng hạn: hồn nước, quốc hồn), hoặc cho sông, núi.

2/ Hy-Lạp và Latinh

“Linh hồn” trong tiếng Việt tương đương với anima tiếng Latinh và psychê tiếng Hy-Lạp.

- Anima / animus (tiếng Latinh) gốc bởi tiếng Hy-Lạp ánemos là gió hoặc hơi thở (xem ra cùng gốc tiếng Phạn atman là hơi thở). Nên biết rằng anima không chỉ có nghĩa là “linh hồn” nhưng còn có nghĩa là “nguyên ủy chuyển động”; căn gốc của những từ animare, animatio (linh hoạt), animalis (động vật).

- Theo ông Plato, nguyên ngữ của psyche tiếng Hy-Lạp là anapsycho có nghĩa là làm nguội đi; còn ông Aristote cho rằng bởi katapsyxis cũng có nghĩa là làm nguội. Nên nhắc lại theo nguyên ngữ, sanh từ psychologia có nghĩa là “luận bàn về linh hồn”, tuy ngày nay thường được dịch là tâm-lý-học.

- Spiritus (tiếng Latinh) gốc bởi động từ spirare có nghĩa là thở; nguồn gốc của pneuma (tiếng Hy-Lạp) cũng mang ý nghĩa tương tự (do động từ pnéo = thở).

3/ Do thái

Danh từ tương đương với animanephes, theo nguyên nghĩa cũng là hơi thở (hay cổ họng). Danh từ tương đương với spiritusruah, có nghĩa hơi thở (hoặc gió). Tư tưởng Do thái nói đến ba yếu tố nơi con người: “khí - hồn - xác”. Nói cho đúng, đây không phải là ba yếu tố cấu thành nên con người nhưng là ba chiều kích của con người. Con người vừa là “khí” (thần khí) bởi vì sống trong tương quan với Thiên Chúa, vừa là “hồn” bởi vì là sinh vật có cảm xúc, vừa là “xác” bởi vì sống tương quan với tha nhân.

B. Tương quan hồn - xác trong lịch sử triết học

Điểm qua các từ ngữ, chúng ta đã nhận thấy rằng khái niệm sơ đẳng nhất về linh hồn là “hơi thở”, dấu chỉ của sự sống. Bao lâu còn thở thì còn sống, và “trút hơi thở cuối cùng” là chết. Nhưng sau cái chết còn gì nữa không? Có thể quả quyết rằng cái “hơi thở” vẫn tồn tại sau khi lìa xác không? Phải chăng “hơi thở” chỉ là một “cơn gió” thoảng qua, hay là một thực thể bền vững?

Những câu hỏi vừa rồi mới chỉ là khởi điểm cho sự suy tư về linh hồn. Cuộc truy tầm sẽ còn tiếp tục với những câu hỏi khác nữa: linh hồn là gì? có mấy linh hồn? tương quan giữa hồn và xác như thế nào?

Có rất nhiều giải đáp cho những câu hỏi vừa nêu. Các ý kiến liên quan đến bản tính linh hồn thường được phân làm hai nhóm chính: “nhất nguyên” (monismus) hay “nhị nguyên” (dualismus), nghĩa là chấp nhận chỉ có một nguyên uỷ hay là hai nguyên ủy ở nơi con người[4]. Trong mỗi nhóm ta còn thấy nhiều ý kiến khác biệt không nhỏ.

1/ Khuynh hướng “nhất nguyên” chỉ nhìn nhận một nguyên ủy nơi con người là thân xác, chứ không chấp nhận nguyên uỷ tinh thần.

Khuynh hướng nhất nguyên thường được đặt tên là “duy vật” (materialismus), bởi vì chỉ chấp nhận thực thể vật chất mà thôi. Tuy nhiên sự đồng hóa như vậy không đúng hoàn toàn. Các ý kiến được xếp vào nhóm “duy vật” không phải bởi vì họ coi con người cũng ngang hàng với loài đất đá (vật chất). Không phải thế; họ cũng nhận rằng con người là một sinh vật, nhưng họ cho rằng sự sống nơi con người không khác với thảo mộc và động vật: con người không có một nguyên uỷ sự sống nào khác biệt với thân xác.

Trong lịch sử, khuynh hướng “nhất nguyên” mang nhiều hình dạng.

- Nhiều triết gia cổ điển Hy-Lạp và La-tinh như các ông Leucippus, Democritus, Epicurus, Lucretius đã coi con người như là một hợp thể gồm bởi nhiều nguyên tử, và đến lúc nào đó thì tan rã hết. Trường phái Stoa coi linh hồn với xác cũng là một.

- Vào thời cận đại, bên Tây phương, ông Thomas Hobbes (1588-1679) coi linh hồn là một thứ thân xác tinh vi. Julien de La Mettrie (1709-17510 coi linh hồn như động cơ của bộ máy con người. Đối với ông Hippolyte Taine (1828-1893), đầu óc tiết ra tư tưởng cũng giống như gan tiết ra mật. Từ những tiền đề như vậy, các sinh hoạt tâm linh (tâm lý thực nghiệm) được giải thích những một chuỗi hiện tượng tâm sinh lý liên kết với nhau. Danh từ “linh hồn” được thay thế bằng “tâm não” (mind).

Nên biết là khuynh hướng nhất nguyên thường được đồng hoá với thuyết duy vật; tuy nhiên đôi khi một vài chủ trương của thuyết duy tâm (như của Averroes, Fichte, Schelling) cũng được xếp vào khuynh hướng nhất nguyên, bởi vì họ chỉ nhìn nhận một “Tinh Thần phổ quát” trong vũ trụ (hoặc Đại Ngã) chứ không nhìn nhận linh hồn ở nơi mỗi cá nhân[5]. Tiếc rằng đôi khi người ta rơi từ thái cực này sang thái cực khác. Hegel cho rằng chỉ có Tinh Thần tuyệt đối mới thực hữu (chứ không có tinh thần nơi cá thể); đối lại, Marx chủ trương chỉ có Vật chất tuyệt đối mới thực hữu, và ông cảm thấy không cần đặt lại vấn đề tinh thần cá thể nữa bởi vì đã được ông Hegel giải quyết rồi. Theo Marx, giá trị của con người nằm ở lao động, nhờ đó nó góp phần vào việc biến đổi vũ trụ.

2/ Khuynh hướng “nhị nguyên” chủ trương rằng ở nơi con người, ngoài thân xác còn “tinh thần” nữa. Tuy nhiên có nhiều quan niệm về “tinh thần”, cách riêng khi bàn về mối tương quan với thân xác: a) Có thuyết cho rằng hồn và xác là hai nguyên tố độc lập với nhau; b) có thuyết chủ trương rằng hồn xác tuy là hai yếu tố khác biệt nhưng lệ thuộc lẫn nhau.

a) Những ý kiến chủ trương sự độc lập giữa hồn và xác đã gặp thấy nơi các triết gia Hy-Lạp cổ thời cũng như vài triết gia cận đại.

- Vào thời xưa, bên Hy-Lạp, ông Plato cho rằng linh hồn đã hiện hữu ở muôn thuở và sau đó bị nhốt trong thân xác. Linh hồn đã có những ý tưởng trước khi nhập vào thân xác. Tương quan giữa hồn và xác được ví như người lái với chiếc xe, hoặc như hoa tiêu lái con tàu. Linh hồn không những là phần tinh anh của con người, nhưng nói được là cốt lõi của con người. Thân xác chỉ là đồ phụ tùng; thân xác là cái tù của linh hồn. Người ta đã đưa ra hai nguyên nhân để giải thích chủ trương ông Plato: thứ nhất, nguyên nhân đạo đức, ông thấy rằng con người ôm ấp ước ao được hạnh phúc tuyệt đối, không thể đạt được ở đời này; thứ hai, ông thấy rằng con người có những tư tưởng không bắt nguồn từ cảm nghiệm. Vì thế phải kết luận rằng linh hồn một nguồn gốc trên tầng trời cao thẳm.

- Vào thời cận đại, các ông Descartes và Malebranche chủ trương sự biệt lập giữa hồn và xác. Linh hồn không ảnh hưởng gì đến thân xác.

b) Trái với ông Platô, ông Aristote tuy nhìn nhận hai nguyên uỷ nơi con người, nhưng chúng lệ thuộc lẫn nhau. Linh hồn không có tư tưởng bẩm sinh, nhưng các ý tưởng được thành hình nhờ công tác khái-quát-hóa của trí tuệ dựa trên những dữ kiện của giác quan. Tuy lệ thuộc vào thân xác trong lãnh vực nhận thức, nhung linh hồn có những sinh hoạt biệt lập; cách riêng linh hồn có thuộc tính thiêng liêng và bất tử. Thuyết của ông Aristote được đặt tên là “hylemorphismus” (mô chất thuyết) bởi vì hồn được quan niệm như là  “mô thể” (forma) và xác như “chất thể” (materia); cả hai kết hợp với nhau làm nên con người.

- Thánh Tôma Aquinô đã chấp nhận thuyết của Aristote và đã gây ảnh hưởng lâu dài trên triết học Kitô giáo. Nên biết thánh Tôma đã phân biệt “linh hồn” và “tinh thần” như thế này: “hồn” (anima) có thể áp dụng cho mọi sinh vật, còn “tinh thần” (spiritus) chỉ áp dụng cho loài người[6]. Linh hồn không chỉ là “mô thể” của con người mà còn là mô thể của thân xác nữa (forma corporis). Nhờ linh hồn mà thân xác trở nên thân thể của con người (khác với xác của thú vật). Dưới cái nhìn của thánh Tôma, tuy con người gồm bởi hai nguyên ủy là hồn và xác, nhưng chúng liên kết chặt chẽ với nhau, đến nỗi sau khi lìa đời, linh hồn vẫn nhớ nhung người bạn của mình. Theo thánh Tôma (De malo, q.5, a.5), tuy sự phục sinh thân xác là một hồng ân của Thiên Chúa, nhưng nó cũng đáp ứng với một khát vọng tự nhiên của con người.

 - Vào thời nay, trường phái hiện-tượng-luận cũng chủ trương sự hợp nhất của hai nguyên uỷ nơi con người: hai nguyên uỷ liên kết mật thiết đến nỗi có thể khẳng định rằng con người là “tinh thần nhập thể” (tinh thần có xác) hoặc là “thể xác tinh anh” (thể xác linh thiêng).

II. Thần học Kitô giáo         

Trong Kinh thánh, từ ngữ “linh hồn” không mang một ý nghĩa đồng nhất. Đừng kể quan niệm Do thái về ba chiều kích “khí-hồn-xác” nơi con người, danh từ “linh hồn” còn mang nhiều nghĩa khác nhau (xc. GLCG số 363). Đôi khi “linh hồn” có nghĩa là “mạng sống” (thí dụ Mt 16,25: “được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì?”; Mt 10,26: “hãy sợ Đấng giết cả xác cả hồn”); đôi khi “linh hồn” có nghĩa là “tôi”, chẳng hạn như Đức Maria dâng lời chúc tụng “linh hồn ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1,46), đang khi ông trọc phú tự nhủ “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm; thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12,19). Linh hồn có thể ăn cũng như thân xác có thể mặc (xc Mt 6,25). Dù sao, Kinh thánh không quan tâm đến cấu tạo nội tại của con người cho bằng đến tương quan của con người với Thiên Chúa. Con người nhận “sinh khí” hoặc “linh hồn” từ Thiên Chúa (St 2,7; Tv 104,29). Vì thế con người cần phải duy trì sự thông hiệp với Chúa là nguồn sống: nếu lìa bỏ Chúa thì con người sẽ chết.

Trên đường rao giảng Tin mừng, các giáo phụ đã du nhập những quan niệm nhân học của văn hóa Hy-Lạp. Phần lớn các giáo phụ chịu ảnh hưởng của ông Plato; mãi đến thời Trung cổ các triết gia Kitô giáo mới nghiêng theo ông Aristote.

A. Bản tính linh hồn

Mặc dù chịu ảnh hưởng của nhiều trào lưu triết học khác nhau, nhưng các giáo phụ và các nhà thần học đều nhìn nhận sự hiện hữu của linh hồn. Linh hồn khác biệt với thân xác. Mỗi người có một linh hồn (chứ không có “linh hồn chung” cho cả nhân loại). Linh hồn được tạo dựng trong thời gian, chứ không hiện hữu từ muôn thuở. Linh hồn thiêng liêng và bất tử.

Đạo lý của Giáo hội về linh hồn được xác định tại công đồng Latêranô IV (năm 1215), Firenze (năm 1442), và Latêranô V (năm 1513).

Cũng nên biết là triết học Hy-Lạp nói đến ba cấp độ của hồn nơi con người: sinh hồn - giác hồn - linh hồn. Sau nhiều cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà thần học, công đồng Vienne (năm 1312) tuyên bố rằng ở nơi con người linh hồn là mô hình và giữ các chức năng của sinh hồn và giác hồn.

Trong một văn kiện liên quan đến vài chân lý cánh chung (ngày 17/5/1979), Bộ Giáo lý đức tin lưu ý rằng danh từ “linh hồn” được hiểu theo nhiều nghĩa kể cả trong Kinh thánh, nhưng điều quan trọng là danh từ này được xem là thích hợp hơn cả để diễn tả chủ thể nhận thức và ước muốn nơi con người. Yếu tố này tồn tại sau khi chết.

Thiết tưởng nên lưu ý là mỗi lần nghĩ đến “linh hồn” (chẳng hạn hồn của người chết), tuy chấp nhận rằng nó “thiêng liêng” nghĩa là không có hình thù, nhưng đầu óc chúng ta vẫn hình dung nó với một hình thể giống như thân xác (cũng có đầu mình chân tay), tựa như âm bản của thân xác (chẳng hạn như các bức tranh vẽ các linh hồn trong luyện ngục). Đó là một lối hình dung lệch lạc, bởi vì linh hồn không có hình thù, không có chiều dài chiều cao. Chúng ta chỉ có thể nói rằng bản tính linh hồn nằm ở cái “tôi” làm chủ thể của các hành động nhận thức và ước muốn (tư tưởng, tình yêu, tự do): tôi là chủ động của các hành vi đó, và chịu trách nhiệm về chúng. Cái “tôi” không chỉ là động cơ của bộ máy thân thể, hoạt động kiểu như một cái máy tính dựa theo một lập trình, nhưng nó có khả năng “phản tỉnh”, nghĩ về chính mình. Linh hồn là một chủ thể của các quan năng lý trí và ý chí.

B. Nguồn gốc linh hồn

Những suy tư về linh hồn không chỉ dừng lại ở bản tính của nó và mối liên hệ với thân xác, nhưng còn mở rộng đến nguồn gốc và kết thúc của nó nữa: linh hồn hiện hữu từ lúc nào? linh hồn còn tồn tại sau khi con người tắt thở không?

Về nguồn gốc của linh hồn, đã có nhiều quan điểm trong lịch sử triết học và thần học. Đừng kể những ý kiến phủ nhận linh hồn hoặc cho rằng linh hồn tiến hóa từ vật chất, ta có thể ghi nhận ba khuynh hướng chính trong lịch sử triết học: linh hồn do cha mẹ sinh ra; linh hồn phát xuất từ Thiên Chúa; linh hồn được Thiên Chúa tạo dựng.

1/ Linh hồn được truyền thụ từ cha mẹ: cha mẹ sinh con cái, cả thể chất lẫn linh hồn (generationismus). Ông Tertullianus đại diện cho thuyết này.

2/ Linh hồn phát xuất (emanationismus) từ Đấng Tối cao, được gọi là Logos (phái Stoa), Nhất (phái Tân Plato), Tinh Thần, Brahman.

3/ Linh hồn do Thiên Chúa tạo dựng (creationismus). Khuynh hướng này cũng có hai phái:

- Một phái cho rằng tất cả các linh hồn được tạo dựng ngay từ nguyên thủy (creatio simultanea, hoặc: prae-existentialismus). Linh hồn được dựng nên không phải để kết hợp với thân xác: việc kết hợp với thân xác là một hình phạt do tội lỗi của linh hồn (chủ trương của thuyết ngộ giáo, Origène, Priscilla)

- Một phái cho rằng linh hồn được Thiên Chúa tạo dựng (creatio individualis) lúc hình thành thân xác. Đây là đạo lý của thánh Tôma Aquinô (Summa Theologica I, q.118, a.2) và được Giáo hội công giáo nhìn nhận (DS 361s.; 685; 1440; 2015; 3896).

Nhiều triết gia cũng chấp nhận rằng linh hồn không do cha mẹ sinh ra: xét vì linh hồn có những sinh hoạt tinh thần cao hơn vật chất, cho nên không thể nào được sinh sản từ vật chất. Những người hữu thần không cảm thấy khó khăn trong việc nhìn nhận nguồn gốc linh hồn do Thiên Chúa tạo dựng. Cuộc tranh luận nằm ở chỗ: dựng lên từ lúc nào? Sự tạo dựng từ nguyên thủy xem ra trái nghịch với kinh nghiệm. Sự tạo dựng vào lúc hình thành mỗi cá nhân xem ra hợp lý hơn. Tuy nhiên, các nhà thần học vẫn còn tranh cãi về thời điểm chính xác: vào chính lúc thụ thai, hay vào một thời gian sau?

Dù sao, một hệ luận cụ thể của đạo lý Kitô giáo là sự sống con người bắt đầu từ lúc thụ thai, vì thế phải tôn trọng sự sống của các thai nhi. Sự phá thai là một trọng tội cũng như sự sát nhân (GLCG 2270-2271).

C. Linh hồn bất tử

Người ta có thể tranh luận bất tận về nguồn gốc sự sống, về sự bình đẳng về nhân quyền, nhất là quyền sống, nhưng có một sự bình đẳng mà ai ai cũng cúi đầu chấp nhận: đó là cái chết. Tất cả mọi người đều phải chết, từ nhà tỉ phú cho đến tên ăn mày, từ những người lực lưỡng hùng mạnh cho đến những người yếu ớt tàn tật.

Có lẽ con chó không đặt câu hỏi: tại sao tôi phải chết? Dù sao, chó chết thì hết chuyện, nhưng con người thì lại băn khoăn muốn biết chuyện gì xảy ra sau khi chết nữa. Trong việc xác định sự tiến hóa từ loài vật đến loài người, có nhà bác học đã lấy tiêu chuẩn là sự an táng và tôn kính người chết, một điều không thấy nơi loài vật[7].

Thần thoại các dân tộc đã đưa ra nhiều lối giải thích về nguồn gốc cái chết, bởi vì cái chết xem ra trái ngược với bản tính con người. Còn các tôn giáo và các triết gia thì bận tâm nhiều hơn với thân phận con người sau khi chết. Bên cạnh tâm trạng an phận sinh ký tử quy (sống gửi thác về : sống là ở gửi tạm, chết là trở về nơi cũ của mình), hầu hết các tôn giáo đều tin rằng cuộc sống vẫn tiếp tục bên kia cái chết: linh hồn bất tử, mặc dù không thể xác định là ở đâu. Về điểm này, nên ghi nhận một luồng tư tưởng khá phổ thông trong lịch sử đó là thuyết luân hồi, theo đó linh hồn còn đầu thai vào kiếp khác để đền tội cho đến chừng nào được thanh sạch mới thôi.

Từ thời cổ, nhiều triết gia Hy-Lạp và Latinh (Socrates, Plato, Pythagoras, Marcus Aurelius, Seneca, Cicero), đã cố gắng dùng lý lẽ để chứng minh linh hồn bất tử: dựa trên bản tính đơn thuần và thiêng liêng của linh hồn, không bị chi phối bởi luật tàn tạ của vật chất.

Trong Kinh thánh Cựu ước, người ta tin rằng vấn đề thưởng phạt xảy ra ở trên đời này: ở hiền thì gặp lành (nghĩa là con cháu đầy đàn, của cải sung túc), ở ác thì gặp họa (tai ương lận đận); sau khi chết, thì cả người lành hoặc kẻ dữ đều xuống cõi âm (sheol), nơi tối tăm và cuộc sống tẻ lạnh. Mãi đến lúc gần bước sang thời Tân ước, mới có tư tưởng phân biệt số phận kẻ lành kẻ dữ ở bên kia thế giới: người lành thì về với Chúa (xc. Kn 2,23-24; 15,3). Dù sao tư tưởng nổi bật trong Tân ước là niềm tin vào sự phục sinh vào lúc Chúa Quang lâm (xc. 1Cr 15, 23-24). Tuy nhiên, Tân ước không quan tâm đến vấn đề cánh chung cá nhân, nghĩa là số phận của các tín hữu từ khi chết cho đến ngày Quang lâm.

Kế thừa truyền thống Do thái, các Kitô hữu đầu tiên cầu nguyện cho tín hữu đã qua đời. Cách riêng họ tin rằng những ai đã hy sinh mạng sống vì Chúa Kitô thì được Người đón tiếp vào thiên đàng, giống như người trộm lành trên thập giá (Lc 23,43), giống như ông Têphanô (Cv 7,59), giống như thánh Phaolô (Pl 1,23). Nhờ tiếp xúc với văn hóa Hy-Lạp, các giáo phụ giải thích rằng linh hồn người ngay lành thì bất tử và được hưởng hạnh phúc bất tận. Ta có thể nhận thấy đây là thành quả tốt đẹp của cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí. Triết học Hy-Lạp cung cấp khái niệm “linh hồn thiêng liêng bất tử”, nhưng không giải quyết được vấn đề linh hồn hiện hữu như thế nào sau khi ra khỏi thân xác. Đức tin trả lời rằng các linh hồn về với Chúa, họ “ở trong tay Chúa” (GLCG 997). Đạo lý về linh hồn bất tử được công đồng Laterano V định tín (19-12-1513) và được sách Giáo lý Hội thánh Công giáo trích dẫn ở số 366.

Niềm tin vào sự sống vĩnh cửu mang lại niềm hy vọng cho chúng ta. Con người mang một khát vọng trường sinh. Đức tin trả lời rằng nỗi khát vọng đó không phải là hão huyền, nhưng thực hiện được dựa trên lời Chúa hứa.

Có người trách rằng các tín đồ chỉ mong chờ hạnh phúc ở đời sau, mà lãng quên hạnh phúc đời này. Họ sống trong mơ tưởng vào tương lai hậu thế, thay vì dồn nỗ lực để xây dựng thế giới này được tốt đẹp hơn. Nhưng thử hỏi: nếu cắt đứt niềm hy vọng vào đời sau, thì liệu con người sẽ sống vui tươi an bình hơn không, đứng trước bao nhiêu nỗi bất công chèn ép trên đời này?

Dù sao, công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh rằng niềm hy vọng vào tương lai vĩnh cửu không làm suy giảm, trái lại tăng thêm nghị lực cho cuộc xây dựng thế giới hiện tại, khi biết rằng những việc tốt lành mà ta xây cất sẽ tồn tại. Đaọ lý này được lặp lại nhiều lần trong sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo (số 1049-1050; 2820).

Tuy nhiên cũng nên biết rằng lòng xác tín về sự sống vĩnh cửu không đánh tan những lo lắng buồn sầu khi nghĩ đến cái chết của bản thân hay của người thân thuộc. Chính đức Giêsu cũng đã xúc động trước cái chết của đứa con một của bà goá thành Naim, trước cái chết của anh bạn Ladarô, và trước cái chết của mình, mặc dù biết rằng sau ba ngày thì sẽ được phục sinh.

Trên thực tế, điều này không những giúp ta đừng ngỡ ngàng trước những tâm tình nổi lên khi đối diện với cái chết, nhưng cũng chấp nhận “mầu nhiệm cái chết” như công đồng Vaticanô II đã viết ở số 18 hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”. Giáo hội không khuyến khích chúng ta đi tìm cái chết để chóng về với Chúa. Sự tự tử là một tội đã đành, mà cả toan tính “trợ tử” cũng bị bài bác (GLCG 2276-2283)

 



[1] “diligens et subtilis inquisitio” Summa Theologica, I, q.87,1. Thánh Tôma bàn về linh hồn con người trong nhiều tác phẩm, đặc biệt Summa Theologica, I qq.75-90.

[2] Paul O’Callaghan, Anima, in: Dizionario Interdisciplinare di Scienza e Fede (a cura di Giuseppe Tanzella-Nitti e Alberto Strumia), Città Nuova Roma, 2002, vol.I, p.84-101.

[3] Léopold Cadière, Philosophie populaire vietnamienne. Anthropologie. Les principes vitaux, in: Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, Paris, École Française d'Extrême-Orient, tome 3, réimpr. 1992 p.167-205.

[4] Nên lưu ý là trong lịch sử triết học, các từ ngữ “nhất nguyên” và “nhị nguyên” có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau, tùy theo mạch văn. “Nhất nguyên” có thể hiểu về lý thuyết chủ trương rằng Thượng đế và vũ trụ cũng là một (như vậy là không chấp nhận chân lý về sự tạo dựng). “Nhị nguyên” có thể hiểu về lý thuyết về sự hiện hữu của hai nguyên ủy cai quản vũ trụ: Thiện và Ác, nguồn gốc của mọi sự thiện và ác trên đời này.

[5] Chúng ta cảm thấy lúng túng khi bàn về Phật giáo. Có ý kiến cho rằng Phật giáo không nhìn nhận “linh hồn” (Vô ngã); nhưng thử hỏi: cái gì tồn tại sau khi chết, và luân chuyển từ kiếp này sang kiếp khác để đền tội? Ý kiến khác cho rằng nên hiểu “vô ngã” (anatta) theo nghĩa tu đức chứ không theo nghĩa siêu hình (xc. Đời sống tâm linh tập I, trang 309-310). Đức Phật dạy ta đừng nên bám vào cái “hư ngã” nhưng hãy đi tìm cái “thực ngã”. Chúa Giêsu đã chẳng dạy các môn đệ hãy “từ bỏ mình”,“ghét mình”, “bỏ mạng sống mình” để đi theo Người đấy ư? (Xc Lc 17,33; Ga 12,25)

[6] “Anima rationalis et anima est et spiritus. Dicitur esse anima secundum illud quod est sibi commune et aliis animalibus, quod est vitam corpori dare ... sed spiritus dicitur secundum illud quod est proprium sibi et non aliis animalibus, quod scilicet habeat virtutem intelletivam immaterialem” (Sum. Theol., q.76, a.1, ad 1m).

[7] Xc. D. de Sonneville-Bordes, Les religions de la préhistoire, in: L’Anthropologie 69 (1965) 381-384.