Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Mạc Khải Và Dấu Lạ (Révélation et Miracle)

Administrator
2018-09-23 09:04 UTC+7 28
Nguyên tác: Révélation et Miracle Chuyển ngữ: Huynh Công     Có một số Kitô hữu cho rằng dấu lạ là chuyện lỗi thời, và một số khác lại quá thích thú với những điều lạ lùng giả tạo, như xiếc, xảo thuật, ảo thuật chẳng hạn. Đó là hai thái cực đối nghịch nhau. […]


Nguyên tác: Révélation et Miracle

Chuyển ngữ: Huynh Công

 

 

Có một số Kitô hữu cho rằng dấu lạ là chuyện lỗi thời, và một số khác lại quá thích thú với những điều lạ lùng giả tạo, như xiếc, xảo thuật, ảo thuật chẳng hạn. Đó là hai thái cực đối nghịch nhau. Dường như chúng ta chỉ nhìn thấy nơi mỗi dấu lạ một thách đố luật tự nhiên mà quên mất vai trò của chúng như “những dấu chỉ trí khôn con người có thể hiểu”?

Để đức tin và lý trí có thể hòa hợp với nhau cùng với sự trợ lực bên trong của Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa đã muốn dùng những bằng chứng ngoại tại của mạc khải tức là những biến cố thiên linh, và nhất là các dấu lạ và các ngôn sứ. Những bằng chứng ấy vừa diễn tả cách tuyệt diệu quyền năng và hiểu biết vô cùng của Thiên Chúa, vừa là những dấu chỉ rất chắc chắn của mạc khải, thích hợp với trí khôn mọi người”.

Đoạn văn trên của Công đồng Vatican II muốn xác định dấu lạ là những bằng chứng, những biến cố, những dấu chỉ xuất phát từ Thiên Chúa để đảm bảo cho giá trị của mạc khải. Vì thế, dấu lạ có nhiệm vụ xác định rõ “xuất xứ của đạo Kitô do tự Thiên Chúa” tức là nói lên sự chuẩn nhận của Thiên Chúa, dấu ấn của Thiên Chúa đóng trên chứng từ về Người. Công đồng căn cứ trên Tin mừng Máccô (16,20): “Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Tuy nhiên, khi nhấn mạnh đến vai trò củng cố của dấu lạ, Công đồng không loại trừ các chức năng khác của dấu lạ. Giáo hội vẫn thường xác quyết điều này nhưng không phủ nhận điều kia.

Để hiểu rõ vấn đề này, chúng ta cần dựa vào Phúc âm. Dưới ánh sáng của Phúc âm, dấu lạ có nhiều chức năng khác nhau, đồng thời xác định vai trò của dấu lạ trong mạc khải Kitô giáo. Như thế, dấu lạ là:

– Dấu chỉ “yêu thương” (agape) của Thiên Chúa,

– Dấu chỉ Nước Cứu Thế đến,

– Dấu chỉ việc Thiên Chúa sai đi,

– Dấu chỉ về vinh quang của Chúa Kitô

– Mạc khải về Mầu Nhiệm Ba Ngôi

– Tiên trưng bí tích cứu độ

– Dấu chỉ cuộc biến đổi của thế giới cánh chung

1. Dấu Chỉ “Yêu Thương” Của Thiên Chúa

Chúa Kitô hạ mình xuống với con người, tự nó đã là một hành vi cứu thế, một hồng ân cho con người. Chính trong Chúa Kitô “lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta đã được biểu lộ” (Tt 3,4). Chúa Kitô là Lời Yêu Thương của Thiên Chúa gửi cho nhân loại, nên qua Chúa Kitô, ta thấy rõ Thiên Chúa yêu thương ta biết bao. Các dấu lạ Chúa Kitô, ta thấy rõ Thiên Chúa yêu thương ta biết bao. Các dấu lạ Chúa Kitô làm lại chính là những dấu chỉ lòng Chúa “yêu thương” nhân loại, một lòng mến thương sống động và đấy trắc ẩn ban xuống cho nhân loại lầm than. Người đã làm các dấu lạ dưới nhiều cách thế:

– Khi thì chính Người đã làm các dấu lạ trước cả những lời kêu xin của con người: hóa bánh ra nhiều (Mc 6,34; 8,1-3); phục sinh con trai bà góa thành Naim (Lc 7,13), chữa người bại tay (Lc 6,6-7); chữa người đàn bà còng lưng (Lc 13,11-12); chữa người bất toại (Ga 5,5-9);…

– Khi thì người làm dấu lạ theo lời con người kêu xin, như một lời đáp trả đối với lòng tin của họ: chữa người mù thành Giêricô (Mt 20,29-34); chữa con gái người đàn bà xứ Canaan (Mt 15,21-28); chữa người phong hủi (Mc 1,40-41);…

– Nơi khác, con người chỉ cần biểu lộ lòng tin của họ qua việc chạm đến tua áo của Người là họ được lành bệnh: Người phụ nữ bị băng huyết (Mc 5,27); các dân cư miền Giênêsaret (Mt 14,36);…

2. Dấu Chỉ Nước Cứu Thế Đến

Kỷ nguyên Cứu Thế được ghi dấu bằng các dấu lạ: “Bấy giờ, mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ rao hò” (Is 35,5-6; 20,18). “Bấy giờ các vong nhân sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên” (Is 26,19).

Chúa Kitô xuất hiện, Người đến để thực hiện những lời ngôn sứ. Các ngôn sứ quan niệm kỷ nguyên cứu thế sẽ lại có vô số các dấu lạ đã được thực hiện trong cuộc xuất hành xưa. Bằng các dấu lạ, Người “làm cho lời Kinh thánh nên trọn” và Người thực là Đấng thiên sai muôn dân trông đợi (Lc 4,16-22).

– Chúa Kitô đến, Người chữa lành mọi tật bệnh và khử trừ ma quỉ để chứng minh Nước Cứu Thế đến. “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” để cứu chữa và giải thoát con người bị ma quỷ kiềm chế (Cv 10,38).

– Các tông đồ cũng được “Chúa Kitô ban cho quyền rao giảng, chữa lành và trừ quỷ” (Mt 10,1; Mc 3,14; Lc 9,1).

Theo quan niệm Do thái, nguyên nhân của bệnh tật và cái chết là tội lỗi. Satan thủ lãnh đã bàng trướng vương quốc mình bằng bệnh tật và cái chết trên con người; Chúa Kitô đến, Người chữa lành và phục sinh thân xác – những biểu hiện bên ngoài – để chứng tỏ Người chữa lành và phục sinh phần hồn và có quyền trên Satan và tiêu diệt sức bàng trướng của nó. Cuộc đời Người luôn biểu lộ một sức mạnh chống lại quyền lực Satan dưới mọi hình thức. Nước Chúa đến tiêu diệt nước Satan. Dấu lạ chữa lành và phục sinh “cho thấy” Nước Cứu Thế đến và Chúa Kitô chính là Đấng Cứu Thế.

3. Dấu Chỉ Việc Thiên Chúa Sai Đi

Dấu chỉ chứng thực việc sai đi là do Thiên Chúa, mọi sứ mạng đều phát xuất tự Thiên Chúa. Dấu lạ khi ấy là tín thư bảo chứng của vị sứ giả. Môsê trong Cựu ước cũng đã xin Chúa cho các dấu lạ để chứng thực mình được “Thiên Chúa ở cùng”“do Thiên Chúa sai đi” để “dân tin và nghe lời ông” (Xh 4,1). Dân Do thái “tin vào Đức Chúa, và tôi trung của Người là Môsê” vì chứng kiến các dấu lạ (Xh 14,31). Như thế, dấu lạ cũng xác định vị sứ ngôn nào thật sự do Thiên Chúa gửi tới.

Cũng thế, Chúa Kitô đến, Người cũng làm các dấu lạ để minh chứng mình đến tự Thiên Chúa, đên với quyền năng của Thiên Chúa. Mọi hành động và ý định của Người được các dấu lạ chứng thực là do Thiên Chúa (Ga 2,17; 6,30); chữa người bất toại (Mc 2,10); phục sinh Nazarô (Ga 11,41-42).

Tin mừng Gioan nói rõ: “Chứng kiến các dấu lạ Chúa Giêsu làm, nhiều người tin vào Người” (Ga 2,23). Nicôđêmô nhận rằng “Chúa Kitô phải đến từ Thiên Chúa” vì không ai làm được những dấu lạ Người làm “nếu Thiên Chúa không ở với Người” (Ga 3,2). Người mù bấm sinh trả lời các người biệt phái “nếu không phải là Người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9,33).

Các Tông đồ cũng thấy. Các vị được Chúa Kitô ban cho quyền làm dấu lạ để làm chứng cho lời rao giảng của các vị (Cv 4,3) củng cố lời và đối tượng rao giảng là Chúa Kitô phục sinh đồng thời cứu độ những ai tin vào Người.

4. Dấu Chỉ Về Vinh Quang Của Chúa Kitô

Các dấu lạ Chúa Kitô làm không chỉ là những dấu chỉ bình thường biểu hiện một sứ giả bình thường, mà còn là “những việc làm” của Chúa Con, là “bằng chứng” của Chúa Cha và Đấng còn lớn hơn cả Giona và Salomon, hơn cả Môsê và Êlia, hơn cả Đavít và Gioan Tẩy Giả,… Người trổi vượt hơn các vị sứ ngôn khác. Vì thế, các dấu lạ Người làm còn chứng thực Thiên tính nơi Người, Người làm với cương vị là con Thiên Chúa, bằng với Chúa Cha, thông phần hiểu biết và quyền năng sung mãn với Chúa Cha. Các dấu lạ chứng thực Người là con Thiên Chúa hằng sống.

Chúa Cha “yêu thương Chúa Con và đã giao mọi sự trong tay Người” (Ga 3,35), nên dấu lạ Người là những dấu chỉ bên ngoài, biểu lộ việc chuẩn nhận của Chúa Cha. Khi đó, dấu lạ là chứng từ của Cha đã giao cho Tôi để Tôi hoàn thành, chính những việc “Tôi làm đó làm chứng cho Tôi là Chúa Cha đã sai Tôi” (Ga 5,36-37; 10,25).

Dó đó, hãy tin vào Chúa Kitô, nếu không tin vì lời Người thì ít là tin vào các việc Người làm (Ga 10,37-38). Đây cũng là bằng chứng buộc tội dân Do thái: “giả như Thầy không làm giữa họ những việc không một ai khác đã làm, họ đã không có tội. Nhưng nay, họ thấy rồi mà vẫn ghét cả Thầy lẫn Cha Thầy” (Ga 15,24; 9,41).

Vậy nên, dấu lạ có thể coi là việc “của Chúa Kitô làm để dẫn đưa con người đến nhận biết Người chính là Con Thiên Chúa. Đấng đang sống và hoạt động giữa họ. Người mạc khải cho nhân loại biết địa vị làm con vinh hiển của Người” (Ga 1,14; 2,11.49). Người ở giữa họ với “quyền lực của Đức Chúa và biểu lộ quyền lực ấy qua các dấu lạ”.

5. Mạc Khải Về Mầu Nhiệm Ba Ngôi

Theo Phúc âm thứ tư, các dấu lạ – xét như việc làm của Chúa Kitô; chẳng những là ấn dấu của Chúa Cha xuống trên Lời Chúa Con mà là dấu chỉ dẫn ta đến gần với chính mầu nhiệm Ba Ngôi. Các việc Chúa Con làm chính là việc của Chúa Cha, các việc chung cho cả hai ngôi vị ấy mạc khải cho ta biết sự hợp nhất thâm sâu đá nối kết hai ngôi lại.

– Việc của Cha là của Con: Chúa Cha khởi đầu mọi sự (Ga 5,19-20, 30; 14,10) và ủy thác cho Chúa Con việc hoàn tất (Ga 5,36) vì cũng như Chúa Cha làm cho kẻ chết chỗi dậy và bạn sự sống cho họ thế nào, thì “Chúa Con cũng ban sự sống cho ai tùy ý” (Ga 5,21). “Những việc Chúa Cha đã giao cho Tôi để Tôi hoàn thành” (Ga 5,36).

– Các dấu lạ tỏ hiện việc Cha ở trong Con và Con ở trong Cha hợp nhất trong cùng một Thánh Thần. Chúa Kitô nói với thánh Philipphê: “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?… Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình”. (Ga 14,10-11; 10, 37-38), “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30; 17,11.22). Những dấu lạ Chúa Giêsu làm chính là những kỳ công của Thiên Chúa (Magnalia Dei), chứng thực giữa Chúa Cha và Chúa Con có một mối liên hệ thâm sâu, hiệp nhất bền chặt, đó là chứng từ về Thiên Chúa ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần.

6. Tiên Trưng Bí Tích Cứu Độ

Không thể giản lược dấu lạ vào một giá trị cố định hay có tính cách pháp lý nào; làm thế là phản bội lại Thánh kinh. Dấu lạ tự nó phải gắn liền với một sứ điệp. Thánh Augustinô nhận định: “Ta hãy tra vấn xem dấu lạ nói gì về Chúa Kitô, bởi vì đối với ai hiểu dấu lạ thì dấu lạ cũng có tiếng nói riêng của nó. Vì thực ra, Chúa Kitô chỉ là Ngôi Lời Thiên Chúa nên mỗi hành vi của Ngôi Lời cũng là lời ngỏ cùng chúng ta”.

Chúa Kitô xuất hiện, Người khai mở một thế giới ân sủng, thực hiện một cuộc cách mạng mới, cách mạng bằng cây thập tự. Qua các dấu lạ, Người muốn biểu hiện việc biến đổi thực sự, một công cuộc canh tân toàn vẹn.

– Trong Phúc âm Nhất lãm, dấu lạ tiên trưng những kỳ công của ân sủng. Dấu lạ mẻ cá lạ lùng tiên trưng việc bàng trướng thiêng liêng của Giáo hội nhờ việc Phúc âm hóa: “Từ nay, anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5,10). Dấu lạ chữa người bất toại nêu rõ hành vi cứu thế của Chúa Kitô: chữa phần xác tiên trưng cho việc cứu thoát phần hồn: “con đã được tha tội rồi”. “Một là bảo người bại liệt: ‘con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi’, điều nào dễ hơn” (Mc 2,9). Điều đó cho thấy chính phần cứu chữa phần hồn còn quan trọng và ưu tiên hơn việc chữa bệnh phần xác. Dấu lạ chữa người bệnh phong (Mc 1,40-45) tiên trưng việc trở về với cộng đoàn Dân Chúa. Bệnh phong làm con người phải xa lìa khỏi xã hội loài người thì tội lỗi cũng khiến họ không thể gia nhập cộng đoàn Dân Chúa. Ngoài ra, khi thực hiện các dấu lạ, Chúa Kitô đã đặt tay hay các Tông đồ dùng dầu mà xức là hình ảnh tiên trung các bí tích sau này Giáo hội làm nhân danh Chúa Kitô (Mc 16,18; Gc 5,14-16).

Trong Tin mừng Gioan – Tin mừng của dấu chỉ – ta còn thấy rõ: dấu lạ hóa bánh ra nhiều, dấu lạ biến nước thành rượu tại Cana, dấu lạ phục sinh Nadarô… đều là hình ảnh tiên trưng (préfiguratifs) của bí tích.

Như vậy, qua các dấu lạ, Chúa Kitô muốn gửi gắm một hồng ân cứu thoát đến cho nhân loại. Người muốn dùng các dấu lạ như là một chuẩn bị cho một sứ điệp, sứ điệp cứu rỗi. Dấu lạ lúc đó chỉ còn là một tiên trưng, nó cách khác, nó như một hình ảnh báo trước một nội dung phong phú khác. Quả thực, Chúa Kitô đến để cứu chuộc nhân loại và để cứu thoát khỏi tội, trả lại địa vị làm Con phải đứng hàng đầu.

7. Dấu Chỉ Cuộc Biến Đổi Của Thế Giới Cánh Chung

Điểm sau cùng, dấu lạ là dấu chỉ tiên trưng việc biến đổi của thân xác con người và của vũ trụ vật chất trong thời sau hết.

– Dấu chỉ việc giải thoát và phục sinh thân xác. Chúa Kitô là mẫu mực của ta. Người đã phục sinh nên “là trưởng tử giữa các người chết” (Gl 1,18)“vị khơi nguồn sự sống” (Cv 3,15), vì thế, chắc chắn trong ngày sau hết, thân xác ta phải được hiển dương. “Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt, và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (1Cr 15,53). Chúa Kitô phục sinh tiêu biểu cho việc phục sinh tiêu biểu cho việc phục sinh của ta vì “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21). Như vậy, chắc chắn khi mọi sự hoàn tất, thì thân xác sẽ được biến đổi trong vinh quang.

– Dấu chỉ việc cứu chuộc cả hoàn vũ. Theo Thánh kinh, con người và vũ trụ gắn liền với nhau mật thiết. Vũ trụ đã mang dấu vết của con người nên nếu đã thông phần tội lỗi với con người thì cũng dự phần vào việc cứu chuộc con người. Con người và vũ trụ vốn hài hòa với nhau nhưng tội lỗi đã làm mất đi sự hài hòa vốn có ấy. Chúa Kitô đến, bằng cái chết và phục sinh của Người, đã tái lập sự hài hòa đó. Sự hài hòa giữa Thiên Chúa và con người quyết định sự hài hòa giữa con người và vũ trụ. Chúa Kitô xuất hiện, thiết lập lại cho con người khung cảnh của vườn địa đàng xưa. Việc Người khiến biển và gió tuân phục (Mc 4,39), việc Người hóa bánh ra nhiều (Mc 6,30-45) và việc các tông đồ “cầm rắn và uống phải thuốc độc cũng không bị hại” (Mc 16,17-18),… tất cả đều chứng tỏ một uy quyền vượt trên mọi sức mạnh thiên nhiên, tiên trưng việc biến đổi của thế giới cánh chung.

Thánh Phaolô trong thư Rôma (8,19-21) nêu rõ: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người”“muôn loài thọ tạo vẫn còn niềm trông cậy…, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang”. Như thế, hoàn vũ không bị hủy diệt nhưng sẽ biến đổi và được hiển dương dù tầm trí của ta không được hiểu.

Hơn nữa, những chương cuối của sách Khải huyền lấy lại những cương đầu của sách Sáng thế về một “trời mới đất mới” sẽ đến (Kh 21,1; 2Pr 3,12-13)“sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (Kh 21,4). Các dấu lạ Chúa Kitô làm là hình ảnh tiên trưng cho những biến đổi ấy và chính nơi Chúa Kitô, mọi sự sẽ được biến đổi và hiển dương, phục hồi lại tình trạng huy hoàng ban đầu, theo như nhận xét của thánh Ambrosio: “Thế giới được phục sinh trong Người, trời được phục sinh trong Người, đất được phục sinh trong Người, vì sẽ có một trời mới và đất mới”.

Nói chung, Thánh kinh cho ta thấy, dấu lạ trước hết biểu lộ tình thương của Thiên Chúa đối với nỗi tuyệt vọng của con người và qua các ngôn sứ, dấu lạ báo hiệu nước Thiên Chúa phải đến và Chúa Giêsu Nadaret chính là Đấng Messia muôn dân mong đợi. Có thể tóm tắt một vài chức năng quan yếu của dấu lạ trong mạc khải.

a/. Trước hết, dấu lạ minh chứng Chúa Kitô là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa và qua Người, Thiên Chúa hiện diện và sống động.

b/. Thứ đến, dấu lạ là bề mặt biểu hiện một nội dung bên trong. Nó gắn liền với một sứ điệp. Dấu lạ là mặt hữu hình của sứ điệp vô hình.

c/. Sau hết, dấu lạ là hình ảnh tiên trưng của một viễn ảnh: thân xác phục sinh, thế giới biến đổi.

Do đó, dấu lạ có nhiệm vụ chuẩn bị để đón nhận một sứ điệp và củng cố một sứ điệp, đồng thời tượng trưng cho một nội dung phong phú.

– Dấu lạ chuẩn bị đón nhận sứ điệp.

– Dấu lạ biểu lộ lòng từ tâm của Thiên Chúa – vì yêu thương, Thiên Chúa dùng dấu lạ như một thứ ngôn ngữ để ngỏ lời với con người và chuẩn bị con người lãnh nhận sứ điệp.

– Các dấu lạ Chúa Kitô thực hiện hầu hết là chữa lành và phục sinh. Đây là cử chỉ yêu thương, một lời chào hỏi đầu tiên dẫn đến một cuộc đối thoại thực sự. Dấu lạ khi ấy là lời mời gọi con người tiếp nhận sứ điệp, lắng nghe sứ điệp Tin mừng.

– Dấu lạ củng cố hay hợp thức hóa sứ điệp: Dấu lạ là dấu hiệu Thiên Chúa chuẩn nhận vị sứ giả và sứ điệp do sứ giả mang tới.

Đối với sứ điệp: “Đây là điều Thiên Chúa mới gọi ta tin”. Chúa dùng dấu lạ để làm chứng cho sứ điệp.

Đối với sứ giả: “Đây thực là Đấng Ta sai đến”. Dấu lạ nói lên xuất xứ của vị sứ giả.

Như vậy, dấu lạ là một bảo chứng chắc chắn cho mạc khải vì đó là dấu ấn Thiên Chúa đóng trên sứ điệp, xác định nguồn gốc của vị sứ giả cũng như sứ điệp. Chính Thiên Chúa cũng đã cho Chúa Kitô làm các dấu lạ để chứng thực địa vị Con Thiên Chúa của Người và giáo huấn của Người là chân thật. Như thế, dấu lạ vừa là một bảo chứng vừa thực hiện lời ngôn sứ.

8. Chức Năng Tượng Trưng Hay Biểu Tượng (function figurative ou symbolique) Của Dấu Lạ

Dấu lạ, xét như dấu chỉ việc Thiên Chúa chuẩn nhận, không thể sánh với một sứ điệp được diễn tả theo ngôn ngữ loài người; bởi vì dấu lạ không có tích cách xác định và phong phú như ngôn ngữ loài người. Vì chỉ có tính cách tượng trưng, dấu lạ biểu tượng một thực tại thâm sâu nào đó. Đây chính là chức năng siêu việt của dấu lạ; bởi vì, dấu lạ và sứ điệp liên hệ đến nhau. Nhờ dấu lạ, sứ điệp trở thành gần gũi với con người cũng như nhờ mạc khải, vũ trụ nên như một cánh vực gặp gỡ hiếm có giữa Thiên Chúa và con người. Đàng khác, nhờ dấu lạ, con người được đưa vào lãnh vực siêu nhiên, lãnh vực của ân sủng và bí tích. Dấu lạ mang tính cách “xác thịt” (charnelle) của sứ điệp “thiêng liêng” (Spirituelle). Có thể nói hầu hết các dấu lạ Chúa Kitô thực hiện đều là phản ánh, là biểu tượng cho kế hoạch Thiên Chúa cứu độ. Dấu lạ là mặt hữu hình của một thực tại vô hình. Việc chữa lành và phục sinh thân xác cũng là biểu tượng cho việc cứu thoát và phục sinh phần hồn. Và khi đó, dấu lạ và mạc khải chẳng qua chỉ là hai mặt hữu hình và vô hình của một mầu nhiệm.

Tóm lại, dấu lạ chuẩn bị cho mạc khải, minh xác mạc khải là lời của Thiên Chúa, là hình ảnh của mạc khải trong thế giới chúng ta. Ba chức năng ấy không thể chia tách nhau, mà ta cùng phục vụ cho cùng một thực tại.