Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Mầu Nhiệm Nhập Thể: Tình Yêu Trao Tặng Bản Thân Của Thiên Chúa

Administrator
2018-09-23 09:01 UTC+7 26
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P.   Dẫn nhập Mầu nhiệm nhập thể là một sự kiện độc nhất vô nhị trong toàn thể vũ trụ. Sự kiện độc nhất ấy dĩ nhiên là một sáng kiến độc đáo của Thiên Chúa, nhưng có lẽ không phải là một sáng kiến hoàn toàn “ngẫu hứng”. […]


Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P.

 

Dẫn nhập

Mầu nhiệm nhập thể là một sự kiện độc nhất vô nhị trong toàn thể vũ trụ. Sự kiện độc nhất ấy dĩ nhiên là một sáng kiến độc đáo của Thiên Chúa, nhưng có lẽ không phải là một sáng kiến hoàn toàn “ngẫu hứng”. Chúng ta cũng có thể khám phá ra nơi ấy một thứ “logic” mà, xét theo một khía cạnh nào đó, có thể nói như một hệ quả đương nhiên, hệ quả đương nhiên của tình yêu. Đó là thứ logic của kiểu yêu thương mang tính chất Thiên Chúa, mầu nhiệm nhập thể thật ra vẫn là đường nét quen thuộc của tình yêu Thiên Chúa: tình yêu trao tặng bản thân.

I. TRAO ĐỔI VÀ TRAO TẶNG

1. Giới hạn của “trao đổi”

Xã hội con người kỳ diệu hơn đời sống của con vật ở sự trao đổi. Trao đổi làm cho cuộc sống con người phong phú và phát triển. Việc mua bán đổi chác ấy được diễn ra trên nền tảng của một sự công bằng, và tính cách công bằng được thực hiện bằng cách “cân đong đo đếm” giá trị sản phẩm trao đổi của hai bên. Để làm được điều ấy, người ta phải thiết lập ra một “hệ đo lường” như một hệ quy đổi chung. Con gà và đồng tiền không có gì chung nhau, nhưng được quy đổi trong hệ thống giá trị kinh tế xã hội để có thể trao đổi cho nhau trong các phiên chợ. Giá trị của sự vật ấy được đánh giá theo một quy luật khách quan, mà đã “khách quan” thì cũng luôn luôn gạt bỏ những tình tiết “chủ quan”, nhưng là tình huống thật của cuộc sống thật. Quy đổi theo những tiêu chuẩn khách quan nghĩa là thiết lập một vận hành chung trên lý thuyết mà ít nhiều cũng phải loại bỏ những vận hành thật của những mảnh đời riêng.

Như K. Marx đã từng phân tích, trong các cuộc trao đổi luôn có một phần giá trị thặng dư. Đôi khi giá trị thặng dư trong cuộc trao đổi trở thành bất công một cách không thể chấp nhận được, đó là sự bóc lột. Tuy nhiên, cách phân tích của Marx có lẽ chưa đi đến được hết ý nghĩa của sự bất công, và vì thế mà không thể hóa giải bất công. Con người không ngừng đi tìm một thế giới công bằng hơn. Thế nhưng, nói cho cùng, xã hội con người không bao giờ có được một sự công bằng trọn vẹn. Hoặc đúng hơn, tất cả những bộ luật của nhân loại, tất cả những cuộc đấu tranh cho công bằng vĩ đại nhất trong lịch sử, thật ra cũng chỉ là một “chút đường” bỏ vào “bể muối” mênh mông của bất công. Một con người được cưu mang và được sinh ra, em bé ấy đã gánh chịu hoặc đã vô tình hưởng thụ nơi bản thân nó vô cùng những bất công của cuộc đời, bất công của thế hệ này với thế hệ kia trong dòng thời gian; bất công của nhóm người này với nhóm người kia theo không gian; bất công của lịch sử, bất công của dân tộc này với dân tộc kia, bất công của môi trường xã hội có từ thời ông bà tổ tiên của cháu bé; bất công của thành phố với nông thôn, bất công của người giầu với người nghèo, bất công của người có thế lực với những người dân đen; bất công của làng xóm, bất công của luật lệ xã hội, bất công ngay trong gia đình… Rồi trên hành trình cuộc đời, mỗi bước đi của em bé cũng đều được đan dệt trên những thành quả của bất công…

Dĩ nhiên là chúng ta không bao giờ được coi thường những nỗ lực đấu tranh cho công bằng, hoặc làm giảm nhẹ tầm quan trọng của những cuộc đấu tranh ấy. Nhận diện ra được đại dương của bất công là để không ai được quyền an thân trong hoàn cảnh may mắn nào đó của mình; không ai được quyền bào chữa cho mình khỏi chịu trách nhiệm trước những khổ đau của người khác; không ai được quyền sống theo kiểu “bàn tay sạch”, hoặc “đi cà khêu” giữa cuộc đời. Một ảo tưởng về sự công bằng cũng đã là một sự bất công; và cũng nguy hiểm chẳng kém gì chính sự bất công lu lù mà ai cũng thấy được.

Ngay cả khi nhân danh sự công bằng để đấu tranh với bất công thì cũng chỉ có ý nghĩa một cách tương đối. Bởi vì tự chính “chỗ đứng” mà ta cho là công bằng để đấu tranh, thật ra cũng chẳng công bằng. Suy cho đến ngọn nguồn, thì chỗ đứng nào cũng đã bị nhuốm bùn của bất công. Trong thực tế, đấu tranh chống bất công nhân danh công bằng, dựa vào luật pháp hay quyền con người, là điều cần làm trước mắt, nhưng chẳng thể là điều rốt ráo đến cùng được. Có thể nói được rằng, tất cả những thứ cách mạng nhằm “chia đều lợi tức”, “cào bằng”,… đều tránh được bất công này để rồi lại rơi vào một sự bất công khác. Thương trường thật sự cũng là một chiến trường mà chẳng mấy khi “cả hai bên cùng có lợi” một cách công bằng thật sự.

2. Sự kỳ diệu của “trao tặng”

Có khi ta đi ăn tiệc tại nhà một người bạn và gặp một món ăn không được ngon lắm. Nhưng khi đó, chủ nhà giới thiệu với ta: đây là “cây nhà lá vườn”. Điều đơn giản ấy tức khắc làm cho món ăn không ngon lành đó trở thành quí; vì như thế là ta được tham dự vào đời sống, được chia sẻ hành trình sống của gia chủ. Cũng thế, một món quà mọn, được dâng tặng với cả tấm lòng thành, sẻ trở nên quí giá; và người nhận được món quà ấy, nếu có đủ tấm lòng như một con người chân chính, sẽ đón nhận được tính cách quí giá ấy trong niềm vui. Thật ra, trong mức độ sống của con người, giá trị của một sự vật không hoàn toàn lệ thuộc vào giá trị tự thân của chính sự vật ấy, nhưng còn do ý nghĩa mà con người ban tặng cho nó. Đó là cách thức sống siêu việt của con người; nơi đó, người ta trao đổi tình nghĩa với nhau chứ không phải phân chia để hưởng thụ sản phẩm; nơi đó, chính tấm lòng của con người được gởi vào các sản phẩm là điều quan trọng hơn và đôi khi có thể làm cho các sản phẩm ấy trở nên tuyệt đối. Có lần báo chí đăng lại một câu chuyện có thật, trong đó kể chuyện một người chồng, trong khi cãi nhau với vợ và khi bà vợ giận dỗi quăng chịếc áo khoác ra khung cửa sổ của tòa nhà cao tầng, anh ta đã lao ra cửa để chụp lại chiếc áo đến nỗi suýt rơi xuống đất. Khi người ta hỏi tại sao lại mạo hiểm như thế vì một cái áo, anh ta trả lời đó là chiếc áo của mẹ tặng cho. Chiếc áo được trao tặng không phải là cái áo quí giá do chất liệu, do kỹ thuật, do giá cả; nhưng do tấm lòng của mẹ con hai người ấy với nhau.

Khác với trao đổi, bản chất của trao tặng không phải là sự trao đổi hai sự vật, nhưng là trao tặng bản thân cho nhau. Trong sự trao đổi, bao giờ cũng phải có sự phân biệt giữa “chủ thể trao đổi”“vật trao đổi”. Chủ thể trao đổi đứng bên ngoài vận hành trao đổi, họ chỉ dùng “vật trao đổi” như “thí bỏ” một sự vật để đấu tranh cho phần lợi của mình. Ngược lại, trong trao tặng, sản phẩm được trao tặng không tách rời khỏi người trao tặng; ngược lại, chính chủ thể đưa vào vật trao đổi một phần nào đó của bản thân mình, sản phẩm là sự bộc lộ chính tình nghĩa của người trao tặng. Trong trao tặng, “vật trao tặng”“chủ thể trao tặng” chẳng những không “lợi dụng”, không “thí bỏ” nhau, nhưng liên hệ với nhau trong cùng một dòng ý nghĩa.

Nguyên lý nền tảng của trao tặng không phải là sự công bằng, nhưng là tình nghĩa. Động lực vận hành của trao tặng không phải là hai bên cùng có lợi, nhưng là “mắc nợ nghĩa tình”. Từ một sự mua bán – đổi chác đến sự trao tặng, thật sự có một sự thay đổi ý nghĩa quan trọng. Cuộc đời, tự nó, đã đặt tất cả mọi người vào trong một tình trạng “mắc nợ” nhau quá nhiều. Trong cuộc sống ấy, người ta mà chỉ có thể “trả nợ đời” bằng một tâm tình “mắc nợ nghĩa tình”; và tâm tình ấy lại chính là nguyên lý của trao tặng.

II. TRAO TẶNG TRONG XÃ HỘI CON NGƯỜI

Con người được Thiên Chúa sáng tạo nên để sống với Chúa và sống với nhau. Đó là vận mạng sống trong yêu thương và sống vì tình yêu thương. Sứ mạng xây dựng thế giới yêu thương lớn hơn và bao hàm sứ mạng làm chủ trái đất. Trình thuật sách Sáng Thế cho thấy Adong được Chúa đặt vào vườn Địa Đàng để “đặt tên” cho muôn loài. Theo quan niệm của người Do thái, “đặt tên” nghĩa là làm chủ. Như thế, con người được trao nhiệm vụ làm chủ trái đất. Con người được quyền thống trị, khai thác, hưởng thụ mọi sản phẩm từ vũ trụ này. Tuy nhiên, Sách Thánh lại cho ta thấy, sau khi làm chủ tất cả mọi sự trong vườn địa đàng, Adong cảm thấy buồn vì không gặp được người trợ tá tương xứng. Rồi chỉ khi gặp được Evà thì ông mới kêu lên được tiếng reo vui của phận người(x.St 2,18-24). Đó là một bước nhảy con người cần phải vượt qua trên hành trình làm người; vượt qua từ niềm vui chiếm hữu sự vật, từ niềm vui làm chủ của cải, để đi đến niềm vui gặp gỡ con người với nhau trong yêu thương. Chưa làm được cuộc vượt qua này, con người chưa phải là kẻ trưởng thành. Chưa làm được cuộc vượt qua này, con người vẫn còn lẩn quẩn trong việc đi tìm sự sung sướng và chưa biết nếm cảm hạnh phúc đích thực. Như thế, theo quan điểm Kitô giáo, con người lao động, con người hưởng thụ, con người thống trị,… chưa phải là con người đích thực. Con người cần lao động, con người cần khai thác và hưởng dùng những sản phẩm của thiên nhiên, nhưng đó không phải là lẽ sống của con người mà chỉ là phương tiện để con người góp phần xây dựng tình yêu thương. Trong chính quá trình lao động ấy, con người được kêu gọi để cộng tác với nhau; và khi hoàn thành được sản phẩm, con người được kêu gọi để chia sẻ cho nhau những thành quả ấy. Như thế, sản phẩm có tính sự vật trong lao động chỉ có ý nghĩa khi được con người sử dụng trong tương quan yêu thương, nghĩa là sử dụng như món quà của tình nghĩa để trao tặng cho nhau.

Quả thật, mọi sản phẩm của con người, dù có được nắn nót đến đâu cũng không bao giờ có thể trở thành tuyệt đối, cho đến khi chúng trở thành một món quà để con người trao tặng cho nhau. Nếu không được trao tặng và lãnh nhận, những sản phẩm ấy, vẫn là những “vật liệu thô”, không đầy đủ ý nghĩa, không có giá trị tự thân. Ngược lại, một sản phẩm của con người, dù tầm thường đến đâu, khi được trao tặng với tấm lòng, nó hoàn thành ý nghĩa của nó, tức là trở nên nhịp cầu để con người đến với nhau; và nó chỉ trở nên quí giá thật sự khi người ta gặp được tấm lòng của nhau trong sản phẩm ấy. Con người ta chỉ sử dụng sự vật như phương tiện để diễn tả bản thân, chứ không được giản lược bản thân con người vào trong sự vật. Qui luật sống của con người là biết sử dụng vật chất như nhịp cầu để nối kết bản thân của mỗi người với bản thân của người khác. Khi ta thành tâm dâng tặng một món quà, món quà đó kkông còn là nó nữa, nhưng đã biến nên một giá trị nhân văn, đó là dâng tặng một phần bản thân của mình cho người khác.

“Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà đựơc cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: Chúng ta đã lãnh nhận thần khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. (Rm 8,19-23).

Như thế, cách thức chính yếu để con người thống trị vũ trụ không phải chỉ là khai thác vũ trụ, nhưng tiếp theo đó, còn là đưa nó vào thế giới nhân văn của con người, làm cho nó trở thành là phương tiện cho con người sống tình yêu thương với nhau. Dâng tặng chính là cách thức sử dụng sự vật; dâng tặng là làm trọn hảo mọi sự trong thế giới này; dâng tặng chính là đưa sự vật vào trong tương giao yêu thương của con người.

Tình nghĩa mới là động lực căn bản cho hành trình vươn lên của xã hội con người, chứ không phải một thứ lý trí công bằng, được đề cao quá đáng từ những thế kỷ trước ở Tây phương. Suy cho cùng của cuộc đời, muốn đấu tranh chống bất công tận gốc, phải nhân danh nguyên lý “mắc nợ nghĩa tình”. Suy cho cùng, không phải là một học thuyết xã hội dựa trên vật chất, nhưng phải là một thứ “đạo” dựa trên tình người mới có thể là động lực giải quyết tận căn đối với bất công. Chỉ nguyên lý mắc nợ nghĩa tình mới có thể thôi thúc một tình yêu hy sinh, một yếu tố không thể nào thiếu cho tâm hồn con người và ngay cả cho vận hành của xã hội loài người. Người ta có thể thấy rõ điều ấy trong “vận hành” của đời sống gia đình.

III. NHẬP THỂ: TÌNH YÊU TRAO TẶNG BẢN THÂN

Thật ra, bản chất của trao tặng luôn ít nhiều hướng tới sự trao tặng bản thân của mình cho người khác. Trao tặng không phải là trao đổi, nhưng là trao trao cho nhau điều mà không có gì có thể đổi lại được, đó là bản thân, đó là nghĩa tình, đó là tình thương bộc lộ trong sự liên đới, liên lụy với nhau,… “Của ít lòng nhiều”, đó không phải chỉ là cách thức “cười trừ” khi mà người ta không có gì đáng giá để trao tặng cho nhau, nhưng chính là ý nghĩa thâm sâu của phẩm giá con người.

Khi việc dâng tặng đạt đến mức độ trao tặng bản thân cho nhau, tức là khi ấy tặng phẩm là chính bản thân của người trao tặng, thì bản thân mỗi người sẽ là món quà vô giá mà con người có thể trao tặng cho nhau. Ngày tết, một người khách sang trọng có thể lì xì cho cô bé năm trăm ngàn đồng; trong khi đó, mẹ của bé chỉ lì xì cho con có mười ngàn đồng. Nhưng cô bé đừng tưởng rằng có thể đi theo người khách sang trọng đó để được sống sung sướng hơn. Vì năm trăm ngàn đồng của người khách là một món tiền lớn, nhưng là một món tiền “dư” và thường là món tiền không thể hơn được nữa. Trong khi đó, mười ngàn đồng của mẹ lại chính là bản thân của mẹ. Mẹ trao tặng cho con lúc này là mười ngàn đồng, nhưng lúc khác là cái bánh, lúc khác là tiền học, lúc khác và sự chăm sóc khi con bệnh,… tất cả nằm trong chiều hướng tiệm tiến của một sự dâng tặng chính bản thân của mẹ cho con. Mười ngàn đồng của mẹ, đó là một món quà biểu hiện tấm lòng và biểu hiện một sự dâng tặng chính bản thân, đó là món quà quí giá mà một người có tấm lòng không được quyền coi thường, không thể đánh giá theo qui luật thị trường.

Chắc hẳn rằng Bill Gate là người trao tặng nhiều hơn tất cả mọi người trên thế giới, khi ông tặng phần lớn tài sản của ông cho việc chữa bệnh ở Châu Phi và Châu Á. Đó là một nghĩa cử đáng quí; nghĩa cử của tấm lòng. Nhưng cũng phải nói thật rằng, ông vẫn còn giữ lại cho cuộc sống của mình số tiền đủ để sống trọn một cuộc đời trong sung sướng. Trong khi đó, đối với một đứa con, cha mẹ là trên hết, không phải vì cha mẹ đã trao tặng nhiều hơn Bill Gate, nhưng vì cha mẹ là người cho hết, trao tặng trọn vẹn, trao tặng chính bản thân mình. Một bà mẹ nghèo, gia sản chẳng có là bao, nhưng lại dám dùng tất cả để lo cho đứa con của bà được ăn học, được chữa bệnh, được vui chơi… Bà mẹ nghèo ấy không chỉ cho đi phần dư thừa, nhưng là cho đi chính bản thân mình. Do đó, đối với đứa con, không phải Bill Gate hay những nhà từ thiện lớn của thế giới, mà chính bà mẹ, bà mẹ tần tảo sớm hôm và bà mẹ hy sinh cả một đời mới là hình tượng cao đẹp nhất.

“Ngước mắt lên nhìn, Đức Giêsu thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà góa túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình (Lc 21,1-4).

Điều ấy chẳng những là một giá trị nhân văn, nhưng còn là chính ý nghĩa sâu xa của mặc khải Kitô giáo: Trong nhiệm cục mặc khải, Thiên Chúa mặc khải chính bản thân Ngài qua lời Chúa và Hành Động; và con người đón nhận hành động và lời nói của Ngài không phải chỉ như những “sự vật”, nhưng như chính bản thân của Chúa, như chính tình yêu của Chúa dành cho bản thân mình.

Nét độc đáo riêng biệt Thiên Chúa Yêu thương trong Kitô giáo là Thiên Chúa ban chính bản thân mình, điều đó được thể hiện trong mầu nhiệm nhập thể. Thiên Chúa Giavê trong Cựu Ước là không yên vị trong thế giới của Ngài như quan niệm về Thượng Đế của Người Hy Lạp, nhưng là một Thiên Chúa dấn thân, Thiên Chúa dính dáng và liên lụy vào dòng lịch sử của con người.

Thiên Chúa của Abraham, Isaác và Giacóp không phải là Thiên Chúa của các nhà bác học, B.Pascal đã nói như thế. Điều đó trước tiên diễn tả một Thiên Chúa của Lời Hứa trong dòng lịch sử ơn cứu độ là một Thiên Chúa khác hẳn Thiên Chúa của các triết gia Hy Lạp. Thiên Chúa của người Hy Lạp an vị trong thế giới riêng và không biết gì đến con người, lại càng không bao giờ chịu phiền lụy vì cuộc sống con người. Trong khi đó, Thiên Chúa của Lời Hứa là một Thiên Chúa dấn thân, đến độ trao ban chính Con Một của Ngài để chịu chết cho con người. Điều đó, người Hy Lạp cho là điên rồ.

“… Chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ”(1Cr 1,23).

Thiên Chúa bắt đầu dính dáng vào lịch sử của nhân loại ngay khi sáng tạo con người, đặc biệt khi Ngài hứa ban một “giòng dõi người nữ” (x. St 3,15); và điều đó được thực hiện chính thức trong dòng lịch sử khi Ngài chọn và gọi Abraham… Trải qua một dòng lịch sử thăng trầm trong mối hành trình dấn thấn, một cách nào đó, ta tạm nói như Chúa “tưởng bở”. Việc dính vào lịch sử, nói một cách con người, dã đưa Thiên Chúa vào cuộc thăng trầm của đời sống con người, gánh chịu những phiền lụy của cuộc lịch sử; nhưng đồng thời cũng là nơi Thiên Chúa thể hiện trọn vẹn bản chất yêu thương của Ngài. Tình yêu bao hàm dấn thân, nên Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa dấn thân, và yêu thương đến cùng cũng là dấn thân đến cùng.

Càng dấn thân vào hành trình lịch sử của con người, thì Thiên Chúa càng “hiểu ra”, hay đúng hơn càng bộc lộ khả năng cho đi nhiều hơn nữa… đến độ cho đi chính Con Một của Ngài. Thiên Chúa nhập thể và nhập thế. Mầu nhiệm nhập thể không dừng lại ở việc hiệp nhất “siêu hình” của bản tính Thiên Chúa với bản tính con người, nhưng là bước dứt khoát để đi vào hành trình nhập thế; nghĩa là đi vào hành trình lịch sử thăng trầm của đời sống con người. Khi cho đi chính Con Một, Thiên Chúa không còn là người ở ngoài vận mệnh của con người nữa. Thiên Chúa đã cho đi chính bản thân, nghĩa là Ngài công nhận tính tuyệt đối của bản thân, của vận mạng con người. Điều đó được diễn tả trong nhiều dụ ngôn, chẳng hạn dụ ngôn người chăn chiên dám từ bỏ chín mươi chín con chiên để đi tìm một con chiên lạc, dụ ngôn những người tá điền bất lương… Khi dâng tặng bản thân, dù là một ngôi vị tuyệt đối tự thân, Thiên Chúa đã đi vào con đường thể hiện tuyệt đối trong trao tặng và lãnh nhận; nghĩa là trong bình diện giá trị nhân văn, hay giá trị siêu việt. Đúng hơn chính việc Thiên Chúa công nhận tính tuyệt đối của con người, từ một phẩm giá tuyệt đối tại thân của Thiên Chúa, chính điều đó làm cho tính tuyệt đối của phẩm giá con người có được một nền tảng vững chắc, nền tảng nơi chính Thiên Chúa…

Thiên Chúa nhập thể, và chịu chết cho con người, ta có thể nói đó là kết luận “phải đến” của một hành vi dấn thân vì yêu thương. Trên nẻo đường đó, ta thấy bóng dáng của tính tuyệt đối của phẩm giá, tính “triệt để” đến cùng của ý nghĩa yêu thương chân chính.

Kết luận

Đã là mầu nhiệm thì con người chẳng có thể nào suy cho cùng được. Nhưng mầu nhiệm cao vời lại không phải là một cách cửa đóng kín không cho ai bước vào; mà ngược lại, mầu nhiệm đức tin Kitô giáo luôn là một mầu nhiệm của mạc khải, nghĩa là một chân trời bao la, mời gọi, rộng mở để con người có thể mặc sức tung hoành, khám phá mà không bao giờ có thể tát cạn được. Có thể nói được mầu nhiệm là một sự phong phú tự bản chất, nghĩa là luôn sống và luôn triển nở mà khi nào không còn phong phú và triển nở nữa thì mầu nhiệm cũng không còn là mình nữa.

Như thế, mầu nhiệm nhập thể cũng thực sự là chân trời bao la của hành trình yêu thương; hành trình “mầu nhiệm”, nghĩa là hành trình không bao giờ có thể hoàn tất nhưng luôn phong phú và mở ra mãi.