Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Trong Lịch Sử Giáo Hội

Administrator
2018-09-23 09:04 UTC+7 28
Bình Hòa, OP.   Tân Ước đã cho chúng ta vài dữ kiện về mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa. Đức Giê-su đã gọi Thiên Chúa của các tổ phụ, Thiên Chúa của Mô-sê là Cha. Thiên Chúa là cha của hết mọi người; nhưng Ngài là cha của Đức Giê-su một cách đặc biệt. […]


Bình Hòa, OP.

 

Tân Ước đã cho chúng ta vài dữ kiện về mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa. Đức Giê-su đã gọi Thiên Chúa của các tổ phụ, Thiên Chúa của Mô-sê là Cha. Thiên Chúa là cha của hết mọi người; nhưng Ngài là cha của Đức Giê-su một cách đặc biệt. Qua lời nói, hành động, cách xử sự, Đức Giê-su tỏ mình là Con Thiên Chúa. Sau khi Người chịu chết và sống lại, các môn đệ nhận ra mối liên hệ ấy chặt chẽ hơn nữa: Chúa Cha vì yêu thương nhân loại nên đã trao ban Con một mình, chịu chết cho con người và sống lại để ban sự sống mới cho con người. Đức Giê-su là Con Chúa, đã hiện hữu từ muôn thuở, và đã nhập thể ở với loài người để tỏ ra tình yêu và sự gần gũi của Thiên Chúa với con người. Cũng trong bối cảnh cứu chuộc và tình yêu ấy mà Tân Ước nói lên tác động của Thánh Thần.

Trong bài này, chúng ta hãy rảo qua lịch sử Giáo Hội, để xem chân lý về mầu nhiệm Thiên Chúa đã được trình bày như thế nào, đã gặp những khó khăn gì. Dĩ nhiên, khi nói tới khó khăn, chúng tôi không muốn nói tới những khó khăn thử thách của đời sống đức tin, chẳng hạn khi gặp đau khổ, khi thấy Thiên Chúa thinh lặng. Chính Đức Giê-su cũng đã nếm những khó khăn ấy trong vườn cây dầu và trên thập giá (“Abba, ba ơi, cái gì ba cũng làm được hết, xin hãy cất chén này xa con” Mc 14,36; “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ con?” Mc 15,34). Ở đây, chúng tôi muốn nói tới sự khó khăn khi trình bày chân lý về một Thiên Chúa duy nhất mà xem ra có tới ba mặt. Tân Ước đã trình bày đạo lý về ba vị trong bối cảnh lịch sử cứu độ. Các tín hữu tiên khởi cũng tuyên xưng đức tin ấy trong khung cảnh của lịch sử cứu độ: khi lĩnh nhận bí tích rửa tội, khi cử hành Thánh Thể. Tuy nhiên, sau khi đã chấp nhận lời giảng của các Thánh Tông Đồ cũng như lời tuyên xưng đức tin của Giáo Hội, người tín hữu sớm muộn gì cũng muốn đi sâu vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, đặc biệt khi phải đối chiếu với quan niệm về Thiên Chúa nơi các nền triết học, tôn giáo mà họ quen biết. Chúng ta hãy lượt qua thời các giáo phụ và thời Trung cổ.

I. THỜI GIÁO PHỤ

A. Chúng ta có thể vạch ra những lạc giáo sau đây

1) Một phần lớn các Ki-tô hữu tiên khởi đã hấp thụ đức tin về một Thiên Chúa duy nhất từ Do thái giáo. Họ muốn dung hòa các dữ kiện của Tân Ước với niềm tin về Thiên Chúa duy nhất, và chủ trương rằng chỉ cho Cha mới là Thiên Chúa: còn Đức Giê-su chỉ là người, rồi sau đó được Chúa nhận làm dưỡng tử. Ta có thể xếp trong khuynh hướng này nhiều thuyết khác nhau, tóm lại trong nhãn hiệu “độc nhất ngôi vị” (monarchianismus). Có người thì cho rằng Đức Giê-su được nhận làm con nuôi của Chúa (adoptionismus); có người thì cho rằng chỉ có một Thiên Chúa đã xuất hiện dưới nhiều thể thức khác nhau (modalismus của Sabeliô).

2) Những Ki-tô hữu chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy lạp (cách riêng là thuyết tân Platon) đồng hóa Đức Giê-su với “Hóa công” (Deimurgus) đến cứu con người khỏi vật chất; vị ấy không phải là Thiên Chúa, nhưng ở dưới quyền của Ngài. Vị ấy không thể làm người được, vì vật chất là cái gì xấu xa tội lỗi. Những thuyết này đưa tới lạc giáo ngộ đạo (gnosticismus) và ảo nhân (docetismus), khi họ cho rằng Đức Ki-tô không phải là người thật mà chỉ có hình dáng con người. Cũng do ảnh hưởng của thuyết tân Platon mà nảy ra lạc giáo A-ri-ô, theo đó Đức Ki-tô là thuộc cấp của Chúa Cha và phải lệ thuộc vào Cha (subordinatio-nismus).

3) Sau cùng, cũng phải nhắc tới một lạc giáo nữa cho rằng không phải chỉ có một Chúa mà là ba Chúa (tritheismus).

B. Để đáp lại các lạc thuyết vừa nói, Giáo Hội một đàng đã xác định đức tin Công Giáo qua các tín điều và các bản tuyên xưng đức tin. Đồng thời, các giáo phụ cũng sử dụng những tư tưởng triết học thời đại để diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa.

1) Ngoài những bản tuyên xưng đức tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần dùng khi cử hành bí tích rửa tội (cô đọng lại thành kinh tin kính), Giáo Hội còn long trọng tuyên xưng đức tin về thiên tính của Đức Ki-tô trong các Công Đồng Ni-xê-a (325), Ê-phê-sô (431), Can-xê-đô-ni-a (451); tuyên xưng về thiên tính của Thánh Thần ở Công Đồng Công-tan-ti-nô-pô-li I (381).

2) Khi phát biểu các công thức đức tin, các Công Đồng đã sử dụng những từ ngữ thần học mà một số giáo phụ đã đề nghị. Như chúng ta đã biết, Tân Ước chỉ trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa trong hoạt động cứu độ nhân loại (Chúa Cha sai Con một mình đến cứu chuộc nhân loại) nhưng không có đề cập tới những vấn đề liên hệ tới bản thể của Cha, Con, Thánh Thần, hoặc liên hệ tới tương quan hỗ tương giữa ba vị. Khi phải đối phó với các lạc giáo và các nền triết học, thì các giáo phụ mới bắt đầu tìm tòi những từ ngữ để diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa, làm sao duy trì chân lý về một Thiên Chúa duy nhất (chứ không phải là ba Chúa), nhưng đồng thời không hạ giá Đức Giê-su xuống hàng một thụ tạo. Thực vậy, khi phải đương đầu với các lạc giáo, các giáo phụ nhận thức rằng trọng tâm của đức tin Ki-tô giáo nằm ở chỗ Thiên Chúa không phải là một vị thần xa lạ trên chín tầng mây, nhưng là người rất gần gũi với chúng ta, đã chia sẻ kiếp sống nghèo hèn của chúng ta, đã chết vì chúng ta ngõ hầu cứu chúng ta khỏi chết và đưa chúng ta về với Thiên Chúa. Nếu Đức Giê-su không phải là Con Thiên Chúa, thì chúng ta mong gì sẽ được chia sẻ tình nghĩa tử với Chúa?

3) Có thể coi Téc-tu-li-a-nô (k.160 – k.220) như là nhà thần học đầu tiên đã cố gắng diễn đạt mối tương quan nội tại giữa Ba Vị. Téc-tu-li-a-nô đã dùng những hình ảnh khác nhau để phân biệt Cha, Con, Thánh Thần trong một Thiên Chúa duy nhất, khi so sánh ba vị như: gốc rễ – hoa – trái; mạch nước – dòng nước – suối; mặt trời – tia sáng – ánh sáng. Ba Vị có chung một bản thể (substantia), bản tính, nhưng chỉ khác nhau (phân biệt nhưng không khác biệt hay tách rời) qua sự phát hiện (species). Ba Vị khác nhau, nhưng lắng nghe nhau: ta gọi sự khác nhau là ngôi vị (persona). Mối liên hệ giữa ba ngôi vị được Téc-tu-li-a-nô giải thích qua từ “nhiệm xuất” (processio), một từ ngữ lấy của phái ngộ đạo, nhưng được hoàn chỉnh lại. Dù sao cũng không nên quên rằng khi trình bày tương quan nội tại giữa ba vị, Téc-tu-li-a-nô không bỏ qua chiều hướng cứu độ của mầu nhiệm này. – Đồng thời với Téc-tu-li-a-nô sống ở Bắc Phi, Ô-ri-gien một nhà thần học ở A-lê-xan-dri-a bên Ai cập (185 – 254/255) cũng đã có công đóng góp vào suy tư về liên hệ nội tại giữa Cha với Con: Con có cùng bản thể (ousia) với Cha, sinh bởi Cha từ đời đời. Công Đồng Ni-xê-a (325) đã định nghĩa Đức Giê-su Ki-tô, Con một Thiên Chúa, đồng bản thể (homo-ousios) với Cha.

4) Công cuộc suy tư thần học vẫn tiếp tục sau Công Đồng Ni-xê-a, đặc biệt nhờ ba nhà tiến sĩ Cap-pa-đo-xi-a: Ba-si-li-ô (330-379), Ghê-go-ri-ô Nít-sa (335-385), Ghê-go-ri-ô Na-xi-an-xê-nô (330-390), với sự phân biệt ba ngôi vị (hypostasis, persona) trong cùng một bản thể (ousia, substantia). Các vị này cũng đào sâu hơn vai trò của Thánh Thần trong tương quan giữa Cha với Con, chuẩn bị cho Công Đồng Công-tan-ti-nô-pô-li I (381), tuyên xưng Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống.

5) Nhà giáo phụ đã để lại ảnh hưởng sâu đậm hơn cả về thần học Chúa Ba Ngôi (ít là bên Tây phương) là thánh Âu-tinh, với tác phẩm “De Trinitate”. Tác giả đã để ra 25 năm để nghiên cứu, suy nghĩ và biên soạn sách này, gồm 15 quyển. Thánh Âu-tinh đã lục lọi tất cả những bản văn nói về mầu nhiệm Ba Ngôi trong Kinh thánh, cả Cựu ước lẫn Tân Ước. Kế đó, thánh nhân giải thích các hạn từ: bản thể (substantia), bản tính (essentia), ngôi vị (persona), tương đối (relativus). Tuy nhiên, tính cách độc đáo của Âu-tinh ở chỗ quay về nội tâm của con người, được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, để tìm những cách thức phát biểu mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Âu-tinh tìm ra những bộ ba nơi con người, thí dụ: người yêu – người được yêu – tình yêu; trí tuệ – ký ức – ý chí.

6) Để kết luận, ta có thể nói rằng vào cuối thời giáo phụ, thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi đã chuyển từ lịch sử cứu độ sang tương quan nội tại. Điển hình của sự chuyển hướng là các bản kinh Tin kính. Các bản kinh Tin kính cổ truyền được chia làm ba vế: Cha Đấng tạo thành trời đất; Đức Ki-tô Con Thiên Chúa nhập thể cứu chuộc nhân loại; Thánh thần thánh hóa Hội thánh. Còn Kinh tin kính tục gọi là của thánh A-ta-na-si-ô (bắt đầu bằng chữ “Quicumque”, ra đời cuối thế kỷ V) nhằm nhấn mạnh sự bình đẳng và tương đồng giữa Ba Ngôi về: Deus, Dominus, Increatus, Immensus, Aeternus – Thiên Chúa, Đức Chúa, Tạo Thành, Vô Biên, Vĩnh Hằng.

II. THỜI TRUNG CỔ

Như đã nói trên đây, những định tín của Giáo Hội về mầu nhiệm Thiên Chúa đã được ấn định vào những đại Công Đồng của thời giáo phụ. Sang thời Trung cổ, những tuyên tín không có tính cách quan trọng sánh với thời giáo phụ. Ta có thể ghi nhận Công Đồng La-tê-ra-nô IV (1215) chống lại thuyết nhị nguyên của phái An-bi-gien-sê (chủ trương có hai Chúa: Chúa Thiện và Chúa Dữ); Công Đồng Ly-on II (1274) và Phi-ren-xê (1439-1445) giải quyết những lối trình bày khác nhau giữa thần học Đông phương và Tây phương về mối tương quan giữa Thánh Thần với Cha và Con (vấn đề quen gọi là “Filioque”).

Về phía thần học, tác giả nổi bật hơn cả từ thời Trung cổ trở đi là thánh Tô-ma A-qui-nô. Thánh tiến sĩ đã trình bày về mầu nhiệm Thiên Chúa ở nhiều tác phẩm khác nhau, nhưng nhất là trong quyển “Tổng Luận Thần Học” **.

Chúng tôi chỉ ghi lại vài nguyên tắc về phương pháp:

(a) Một nguyên tác quan trọng khi nói về Thiên Chúa là đường lối loại suy (analogia): giữa Thiên Chúa với thực tại loài người có những điểm vừa giống nhau (xét vì Ngài là nguyên nhân của hết mọi loài hiện hữu) nhưng cũng có những điểm khác nhau (xét vì chúng ta là hữu thể bất toàn, còn Ngài thì thập toàn); vì vậy mà chúng ta có thể dùng những tư tưởng của thế giới này để hiểu biết phần nào những thực tại về Thiên Chúa.

(b) Khi nói đến mầu nhiệm Thiên Chúa, dựa vào Mạc Khải và đức tin Công Giáo, thánh Tô-ma quả quyết có một Thiên Chúa duy nhất, Chủ tể của muôn vật hữu hình và vô hình.

(c) Bàn đến mối liên hệ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, thánh Tô-ma lấy lại những từ ngữ mà các giáo phụ đã để lại, thí dụ: sự “xuất phát” (processio) của Lời và Thánh Thần từ Cha (được giải thích qua sự so sánh với hành vi hiểu biết và yêu mến); sự “tương giao” (relatio) như là nguồn gốc của sự phân biệt giữa Ba Ngôi; nhất là thánh Tô-ma đã xác định rõ rệt hơn khái niệm triết học về “ngôi vị” (persona).

(d) Khi nói đến tác động ngoại tại của Ba Ngôi, Tô-ma dựa vào Tân Ước để nói tới những lần phái đi (sai đi: missio): Con được Cha sai đến thế gian, Thánh Thần được Cha và Con sai đi. Cũng nên biết là ngoài sự hiện diện của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng và cứu chuộc, Tô-ma cũng còn nói tới sự hiện diện của Ba Ngôi trong tâm hồn tín hữu sống trong ơn nghĩa Chúa (quen gọi là “inhabitatio”).