Lm. Phêrô Lê Văn Chính
Nhập Thể, một ân huệ lớn lao dành cho con người. Ân huệ này do sáng kiến thật táo bạo và độc đáo từ phía Thiên Chúa. Sáng kiến này có một khởi đầu và dĩ nhiên có một kết cục như bất kỳ ai là người, là con người. Nhưng khởi đầu và kết cục trong thời gian và không gian nhất định và hữu hạn này lại trở thành một ngôn ngữ t́nh yêu thật trác tuyệt, bền vững và giá trị. Bởi sáng kiến này bắt nguồn từ tự do tự nguyện của chính Thiên Chúa là Chủ, mà vì yêu thương, rất yêu thương, chấp nhận “nhập thể” – làm người, sống kiếp phàm nhân – để nâng phận nô lệ của con người lên hàng con cái tự do, được sống và sống dồi dào.
Tin vui Con Thiên Chúa nhập thể làm người đã vang lên qua mọi thời đại với lời loan báo của các thiên thần với các mục đồng chăn giữ chiên cừu: “Này ta đem Tin Mừng cho các ngươi về một niềm vui to tát, tức là niềm vui cho toàn dân, là hôm nay, đã sinh ra cho các ngươi vì Cứu Chúa, tức là Đức Kitô Chúa, trong thành David. Và sự này làm dấu cho các ngươi: các ngươi sẽ gặp thấy một hài nhi mình vấn tã, đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,10-12). Ngược lại tiến trình của công cuộc rao giảng Tin Mừng của các tông đồ, công việc rao giảng ban đầu của Giáo Hội là rao giảng về mầu nhiệm khổ nạn và Phục sinh vinh quang của thầy Giêsu. Lời rao giảng này cũng là lời khẳng định Đức Giêsu Nazareth chịu đóng đinh và được Phục sinh trong quyền năng, Người chính là Chúa và là Đức Kitô, được phục sinh do bởi quyền năng của Cha và của Thánh Thần (Cv 2,22-36). Lời khẳng định sự kiện Phục sinh vinh quang mang lại ơn cứu độ của Đức Giêsu cũng là lời khẳng định sự kiện Người đã thực sự chết vì loài người chúng ta. Cuộc khổ nạn của người là cái chết tự hiến mang lại ơn tha thứ cho toàn dân. Đây chính là điểm chính yếu của lời rao giảng tông truyền: Thiên Chúa thực sự tha thứ cho con người qua cái chết của Đức Giêsu. Những khẳng định này đụng chạm tới những khẳng định về Thiên Chúa: Thiên Chúa từ nay được rao giảng là đã chết và đã phục sinh. Như thế, cũng có nghĩa là Thiên Chúa cũng đã được sinh hạ làm người và chia sẻ đời sống con người thực sự.
Giáo Hội vì thế không những rao giảng mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, nhưng còn rao giảng đời sống và giáo huấn của Người. Đời sống của Người thực sự là đời sống của một con người đầy quyền năng Thánh Thần, hằng luôn kết hợp mật thiết và thâm sâu với Cha và được thể hiện qua lời rao giảng đầy uy quyền cũng như qua những phép lạ thể hiện dấu chỉ của Triều đại Thiên Chúa. Sự hợp nhất này của Đức Giêsu với Chúa Cha là sự hợp nhất thần linh trong sự sống và tình yêu: “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”, cũng như sự hợp nhất này được thông truyền, chia sẻ trọn vẹn cho những ai yếu mến và giữ lời của Đức Giêsu: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến nó, và chúng ta sẽ đến với nó và sẽ đặt chỗ ở nơi mình nó” (Ga 14,11-23).
Trong ánh sáng của Thánh Thần, và qua sự tiếp xúc thực sự với Đức Giêsu Nazareth, các tông đồ nhận thức mầu nhiệm kết hiệp của thần tính và nhân tính nơi Đức Giêsu, con người thần linh, đầy tràn ân sủng và chân lý, Con Thiên Chúa. Các tông đồ lãnh hội chân lý toàn vẹn của mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể cứu độ của thầy Giêsu, vì các ngài đã được nghe nói bởi chính Đức Giêsu, được trở nên bạn hữu với Người, được chia sẻ sự hiểu biết thân mật, sâu xa về Thiên Chúa: “Các con là bạn hữu của Thầy. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ. Thầy gọi các con là bạn hữu, vì những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, Thầy đã tỏ cho các con biết” (Ga 15,14-15). Những tường thuật của Matthew, Luca về việc sinh hạ của Đức Giêsu bởi Đức Maria rong quyền năng Thánh Thần nhằm diễn tả niềm tin của các tông đồ về mầu nhiệm của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể. Ngôi Lời Thiên Chúa mặc lấy xác phàm, thực sự được sinh hạ, được trao ban cho loài người chúng ta. Điều đã được hứa cho các tổ phụ, cho Abraham, và qua các tiên tri giờ đây được hoàn tất vượt quá mọi dự đoán của chúng ta.
1. Sự thực của Hồng ân nhập thể: Thiên Chúa là Tình yêu và tự do
Nhập thể là Hồng ân. Hồng ân này đã diễn ra khiến cho con người ngỡ ngàng, đến mức độ không thể nào có thể tin được, bởi vì mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể đi ngược lại mọi lý lẽ, mọi quan niệm vốn có của con người về Thiên Chúa. Con người vốn quan niệm một Thiên Chúa toàn năng, toàn bích, hiện hữu vĩnh cửu trong ánh sáng siêu phàm. Ngược lại thân phận con người là thân phận của loài thụ tạo khả tử, thấp hèn. Làm sao Thiên Chúa vốn vĩnh cửu, lại có thể chấp nhận sinh hạ trong thời gian giới hạn của loài người được. Đã có những học thuyết cho rằng những trình thuật về giáng sinh của Matthew và Luca là những trình thuật có tính thần thoại, diễn tả ước mơ và dự phóng của con người. Những vấn nạn này khiến chúng ta đi ngược lại tiến trình nhập thể để chiêm ngắm từ công trình tạo dựng ban đầu tới công trình cứu độ hồng phúc mà nhập thể là điểm đến và sự viên mãn của thời gian. Những chặng đường của lịch sử đã đi qua làm sáng lên dự định của Thiên Chúa không ngừng lôi cuốn con người vào cuộc đối thoại của tình yêu và sự sống. Tất cả là hồng ân, Thiên Chúa thực sự đã ban tặng chính mình cho con người, một sự trao hiến không chút dè giữ, không chút ngại ngùng. Đứng trước hồng ân trao tặng lớn lao này, con người không thể lý luận trừu tượng để giải mã Thiên Chúa như một ẩn số toán học, nhưng con người bắt đầu đi vào huyền nhiệm và chiêm ngắm một Thiên Chúa tình yêu dấn thân trong lịch sử tội lỗi và bất toàn của con người. Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự, nhưng điều toàn năng nhất của một Thiên Chúa siêu việt là cho đi chính mình để đến với con người. Một điều vượt mọi dự đoán của con người, bởi con người vẫn nghĩ Thiên Chúa có thể cho con người một điều gì khác lớn lao nhất hơn là cho đi chính mình như một trẻ thơ.
Một cách bình thường, con đường nhận thức của con người là nhờ trí tuệ suy luận, thế nhưng con người chúng ta cũng nhận thấy rằng, khả năng của trí tuệ suy luận vẫn bị dừng lại trước huyền nhiệm. Để đi vào huyền nhiệm của tình yêu, cần có nhận thức khác. Đứng trước huyền nhiệm Thiên Chúa, vốn vượt quá nhận thức hữu hạn của con người, chúng ta không lý luận trừu tượng để hiểu biết về Thiên Chúa, nhưng chúng ta bắt đầu suy ngắm về công trình tạo dựng và cứu chuộc để suy gẫm về những gì mà Con Thiên Chúa đã làm trong lịch sử loài người chúng ta để hiểu biết về mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa.Thiên Chúa là Tình yêu và Tự do. Chính vì thế, hoạt động của Thiên Chúa cũng hoàn toàn là vì Tình yêu và đòi hỏi căn bản nhất của Tình yêu là Tụ do. Chính vì yêu thương và một cách rất tự do, vô cùng hào phóng và bất ngờ, Thiên Chúa đến với loài người, nâng đỡ, giải thoát con người để đưa con người đến sự sống sung mãn. Từ trong cái nhìn này, tất cả mời gọi chúng ta hãy bắt đầu chiêm ngắm từ công trình tạo dựng toàn bích của Thiên Chúa đến công trình nhập thể cứu chuộc đầy bất ngờ, những dấu chỉ của tình yêu và sự sống sung mãn của một ý định yêu thương từ vĩnh cửu. Tất cả là mầu nhiệm, khai mở tới vô biên của một dự định yêu thương muốn trao tặng và thông truyền cho con người chúng ta sự sống thần linh sung mãn.
Để đi vào trong ý định của Thiên Chúa, nếu chỉ nhìn diễn biến bên ngoài của thế giới thì không đủ, cần phải thâm nhập sâu xa vào tận bên trong, vào tận trái tim. Thiên Chúa làm một điều cao cả, đó là tự trao ban chính mình, bởi vì Người là Tình yêu và Hồng ân ban tặng. Thiên Chúa tự trao ban cách dư dật. Công trình tạo dựng, công trình cứu chuộc không phải là những cử chỉ máy móc, nhưng đó là những biểu lộ của Hồng ân Thiên Chúa, xuất hiện rực rỡ nhưng rất khiêm nhường nơi hình ảnh một trẻ thơ được sinh hạ trong máng cỏ, bên cạnh người mẹ dịu hiền Maria và người cha nhân loại khiêm tốn Giuse (Lc 2,16). Người ta chỉ hiểu hết sự thực của một trẻ thơ được ban tặng cho chúng ta khi đi hết con đường và nhìn lại. Chính từ hình ảnh của Giêsu Nazareth chịu chết trên thập giá, trong một buổi chiều thật ảm đạm, khi mà hầu như mọi người đều kết án Giêsu Nazareth trong sự thinh lặng của Thiên Chúa và rồi một cách hoàn toàn bất ngờ trong bình minh của ngày thứ nhất trong tuần, khi các môn đệ khám phá mồ trống và lời sứ thần loan báo Đấng Phục sinh. Từ trong ánh sáng của Tin Mừng Phục sinh, các môn đệ bắt đầu lĩnh hội ý nghĩa của Hồng ân nhập thể.
Tất cả đã được dự liệu theo kế hoạch khôn ngoan và yêu thương của Thiên Chúa của một tình yêu mạnh hơn sự chết, của một tình yêu đi đến cùng, của một tình yêu tạo dựng và cứu độ. Sách Thánh làm chứng cho sự hiểu biết về Hồng ân tự trao ban của Thiên Chúa, từ công trình tạo dựng ban đầu. Thực vậy, khi tạo dựng thế giới, Thiên Chúa nghĩ đến việc trao ban sự sống cho con người, được tạo dựng từ hư vô để bắt đầu hiện hữu trong thời gian. Sự hiện hữu của thế giới và con người trong thời gian là hồng ân của Thiên Chúa. Thành tựu của một Thiên Chúa chấp nhận ra khỏi chính mình để nâng con người được tạo dựng lên thông hiệp sự sống với Người. Trong công trình tạo dựng toàn mỹ toàn bích, Thiên Chúa đã làm cho ánh sáng xuyên qua bóng tối dày đặc, cho khoảng trống không mông quạnh bừng lên sự sống và làm xuất hiện cuộc đối thoại của tình yêu giữa Thiên Chúa và con người là kẻ được tạo dựng trong tình yêu.
Ngay từ khi cuộc đối thoại này của Thiên Chúa với con người bắt đầu thì những bóng tối của sự chết không ngừng bóp nghẹt và cản trở. Con người đã sa ngã, và ở dưới sức mạnh của sự chết. Thất bại này không làm chấm dứt cuộc đối thoại yêu thương của Thiên Chúa với con người. Thiên Chúa vẫn không ngừng thôi thúc và thực hiện cho đến cùng dự định yêu thương của mình. Thiên Chúa không ngừng ban Thánh Thần và Lời để thôi thúc những con người có khả năng đáp trả và đi vào cuộc đối thoại yêu thương với Người. Lịch sử cứu độ làm chứng cho dự định bền bỉ này của Thiên Chúa và khả năng của con người có thể đối thoại với Thiên Chúa và đi vào trong tương quan tình yêu ân sủng và sự sống với Người. Lịch sử cứu độ làm chứng dự định thành tín của Thiên Chúa và những đáp trả trong đức tin của những con người yếu hèn đã dám can đảm dấn thân theo đuổi cuộc đối thoại tình yêu này. Từ đoàn dân cảm nghiệm thân phận đau khổ của nô lệ tù đày ở Ai Cập và đã chấp nhận lên đường với Moses vào sa mạc đi đến đất hứa nơi họ được giao ước với Thiên Chúa, đến đoàn dân phải chịu lưu đày đau khổ và nhục nhã trên đất khách do bởi đã không còn trung thành với giao ước của Thiên Chúa, dầu vậy vẫn luôn hướng về Thiên Chúa trong niềm hy vọng vào lời hứa an ủi của Người. Tất cả làm chúng ta cảm nghiệm lịch sử của một tình yêu cứu độ, đầy những khó khăn nhưng cũng chất chứa nhiều hy vọng và cố gắng từ phía Thiên Chúa trung tín tới con người hằng được Thiên Chúa yêu thương gìn giữ.
Tình yêu chỉ có thể trao ban với điều kiện là được đón nhận, nhưng Tình yêu tuyệt đối cũng đã chấp nhận tự trao ban chính mình, cho đi đến mực độ bị từ chối. Tình yêu tuyệt đối yêu thương con người hết mực đến độ tự trao ban cho con người. Nhập thể là điểm đến của cuộc đối thoại yêu thương lâu dài bền bỉ này mà tội lỗi của con người không làm tắt đi tình yêu của Thiên Chúa, mà những sức mạnh của bóng tối sự chết không thắng được sức mạnh của tình yêu, để rồi được biểu lộ một cách mạnh mẽ và quyết định nơi một trẻ thơ được giáng sinh, vì “Hôm nay, Vua cứu thế được giáng sinh cho anh em” (Lc 2,11).
Ngày mà Thiên Chúa đã đến với trái đất của con người thì niềm vui được trọn vẹn, “thời gian tới hồi viên mãn”, “trái đất chúng ta đã sinh hoa trái” (Tv 85,13). Để cứu độ chúng ta, Con Thiên Chúa đã bước vào lịch sử nhân loại một cách quyết định, không vì lý do nào hơn là vì sự tự do của tình yêu Thiên Chúa. Có chăng những chặng đường mà dân Chúa đã đi qua và dấn thân theo đuổi là điều để Thiên Chúa đầy lòng xót thương, đến để lấp đầy những khoảng trống đợi chờ, để an ủi, để lau khô những dòng nước mắt đau khổ của con người như lời cầu xin Chúa mau đến của Isaia (x. Is 63-64).
Thánh Phaolô đã cảm nghiệm mạnh mẽ sự thành tựu của thời gian và hồng ân nghĩa tử lớn lao được ban tặng cho con người do bởi Hồng ân nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa: “Khi thời gian viên mãn đến, Thiên Chúa đã sai Con của Người, sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền Lề Luật, để cứu chuộc những kẻ ở dưới quyền Lề Luật, ngõ hầu ta được chịu lấy quyền nghĩa tử” (Gl 4,4). Thánh Phaolô đứng ở ngọn nguồn của Hồng ân nhập thể và hẹn chúng ta cùng đứng ở đỉnh cao của hồng ân này để hiểu hết tầm mức của ơn gọi làm con Thiên Chúa của chúng ta: chính Con Thiên Chúa đã tự hạ xuống hàng nô lệ để giải thoát những người nô lệ là chúng ta, và làm cho chúng ta trở nên những người con đầy yêu thương của Thiên Chúa. Đó là lời tóm của tất cả sự thực về Hồng ân nhập thể đã được thực hiện. Thánh Phaolô nhấn mạnh một cách trống trải, nói được là không kiểu cách, sự quảng đại đến lạ lùng của Thiên Chúa. Con Thiên Chúa, vốn là Thiên Chúa cao cả, đến với chúng ta, chia sẻ thân phận con người thấp hèn của chúng ta, được sinh bởi một người nữ, Người đã trở nên “đồ chúc dữ vì chúng ta” (Gl 3,13-14).
Như thế, hồng ân nhập thể cũng là lúc Con Thiên Chúa tự hạ để con người chúng ta được nâng lên. Nhập thể là điều kiện để Người sống kinh nghiệm của sự tự hạ. Sự tự hạ là hiến tế và là dấu chỉ của Tình yêu tự do của Người diễn tả tất cả sự siêu việt của quyền năng Thiên Chúa cho đi đến cùng chính bản thân mình để con người chúng ta, với bản tính yếu hèn hư hoại do tội lỗi, được đón nhận bản tính thần linh sung mãn của Thiên Chúa.
Nơi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, chúng ta chiêm ngắm một con người mới, con người tự do vô tận, có thể yêu thương đến tột cùng, ao ước nhìn thấy chúng ta được yêu thương. Không có Người, con người chúng ta không thể làm được gì. Tên Giêsu, nói lên tất cả dự định lớn lao này mà chúng ta được mời gọi đi vào. Đó là Thiên Chúa cứu độ (Mt 1,21), đó là Thiên Chúa chia sẻ thân phận loài người với con người mặc cho những bất toàn tội lỗi của con người. Người đưa chúng ta vào trong Tình yêu và tự do. Người phải đến chia sẻ với chúng ta như thế (Mt 2,15), để gặp gỡ chúng ta cho đến tận cùng đau khổ của kiếp người. Người phải trở nên như chúng ta để trao tặng cho chúng ta sự sống Thiên Chúa của Người. Thiên Chúa không thể yêu thương chúng ta từ bên ngoài, bằng một lời tuyên bố toàn năng. Nếu không thì đó không còn là Thiên Chúa của Đức Giêsu. Như thế, Người gặp gỡ chúng ta ở nơi thâm sâu nhất, không ngại ngùng, không sợ hãi phải hoà mình, lẫn lộn với chúng ta, ở với chúng ta. Như thế, con người chúng ta thực sự được yêu thương bởi vì Thiên Chúa thực sự tự trao ban bởi một tình yêu cho đi vô tận và không dè giữ. Hiện hữu của chúng ta vì thế không phải là một ảo tưởng, nhưng là được tham dự vào chính tình yêu và tự do của Thiên Chúa. Những gì mà chúng ta gọi là bản tính yếu hèn của chúng ta với những bất toàn, giới hạn và hư hỏng do tội, đã thực sự được đổi mới. Chính Con Thiên Chúa đến đổi mới con người chúng ta, làm cho chúng ta khám phá hình ành con người như Thiên Chúa muốn.
2. Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta
Cộng đoàn của Matthew đã thử hình dung nhập thể như là Hồng ân thực hiện và hoàn tất của lời hứa Thiên Chúa cho Dân người: sự kiện nhập thể làm sống lại những lời hứa mà hầu như người ta đã quên: “Này trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con và người ta sẽ gọi tên Ngài là Emmanuel, dịch được là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23 x. Is 7,14). Matthew đã thực sự thay thế chữ do thái “almah” (người đàn bà) bằng chữ Hy Lạp “parthenos” (trinh nữ), bởi vì thực tại lớn lao của hồng ân nhập thể làm cho người ta phải đọc lại lời hứa xưa và làm chứng về sự can thiệp lạ lùng và mạnh mẽ của Thiên Chúa trong dòng lịch sử bất toàn của con người. Hồng ân nhập thể là lúc thời gian được hoàn tất, là sự can thiệp chung cuộc và quyết định của Thiên Chúa để đến làm người và ở với dân người. Nhập thể là công trình của ân sủng Thánh Thần và Thiên Chúa thực sự lập cư và ở giữa con người. Lời sứ thần nhắn nhủ với Giuse, hình ảnh của những người công chính, là lời nhấn mạnh hoạt động của Thánh Thần, hoạt động của ân sủng để đưa tới công trình cứu độ: “Giuse, con của David, chớ sợ lấy Maria vợ ông: thai sinh nơi bà là do tự Thánh Thần, bà sẽ sinh con, và ông sẽ đặt tên cho người con là Giêsu, vì chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi” (Mt 1,20-21).
Như thế, Thiên Chúa đến ở với con người, người là Emmanuel, Người đã gặp được nơi cư trú giữa loài người và biểu lộ ơn cứu độ là công trình của ân sủng. Điều quan trọng trong những suy tư của cộng đoàn Matthew, đó là kinh nghiệm của đức tin và thực tại của hồng ân Thiên Chúa. Thực tại của hồng ân Thiên Chúa được nhấn mạnh ở điểm, đối với Thiên Chúa cứu độ, Người muốn dấn thân vào lịch sử và thế giới con người, cho đến tận cùng những thống khổ của con người, trở nên một trẻ thơ được sinh hạ, ở với con người, để gieo trồng trong đó tình yêu và hy vọng, để nói với con người Thiên Chúa không từ chối bất cứ điều gì với con người, không có biên giới nào dù là thánh thiêng nhất, có thể ngăn cản được tình yêu trao ban của Thiên Chúa, Tình yêu này vốn là tình yêu vĩnh cửu trong lòng mầu nhiệm Thiên Chúa, được trao tặng không chút dè giữ. Về phía con người, trước hồng ân bất ngờ của Thiên Chúa, kinh nghiệm đức tin mời gọi hãy mạnh dạn và can đảm để đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, bởi vì con người được Thiên Chúa yêu thương và tin tưởng. Giuse là hình ảnh người công chính trong đức tin, được mời gọi từ khước chính mình để mạo hiểm đi theo lời mời gọi của hồng ân Thiên Chúa nhập thể. Theo hình ảnh Thiên Chúa là hồng ân trao ban trọn vẹn, Giuse cũng phải chấp nhận từ khước phần riêng của mình để cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa. Đó là đón nhận quà tặng của Thiên Chúa bằng cách chu toàn trách nhiệm của mình trong chương trình của Thiên Chúa, trách nhiệm mà Thiên Chúa đã trở nên nhỏ bé để đặt mình nương tựa vào sức mạnh của ông. Vào mỗi giai đoạn của sứ vụ của Con Thiên Chúa nhập thể, như việc trốn sang Ai Cập và việc trở về Israel, định cư tại Nazareth. Vào mỗi lúc nhu vậy, Giuse thấy mình được trao phó cho sứ mạnh gìn giữ “con trẻ và Mẹ Người”. Giuse đã biết rõ như vậy, và ông đã đi vào trong sự thân mật của Thiên Chúa do bởi sự vâng phục của mình trước hồng ân Thiên Chúa.Cộng đoàn của Matthew cũng đã suy tư nhiều về Hồng ân nhập thể đối với Israel và thế giới. Qua hình ảnh ba nhà đạo sĩ đến kính viếng hài nhi Giêsu, cộng đoàn Matthew muốn biểu lộ Hồng ân nhập thể cũng là quà tặng cho thế giới, một thế giới vượt ra ngoài ranh giới hạn hẹp của Israel. Hình ảnh ngôi sao lạ và những đạo sĩ cùng với của cải tuôn đến Giêrusalem làm sống lại những lời tiên tri của Balaam chúc lành cho doanh trại Israel (Ds 24,17) và Thánh Vịnh mô tả những của cải muôn dân đổ về Giêrusalem (Tv 72,10-15, Is 49,23; Is 60,6). Sự hoảng loạn của Herod và của Giêrusalem, cùng với việc các con trẻ ở Bethlehem bị giết cùng với tiếng khóc của Rachel cho thấy thảm cảnh của con người đứng trước hồng ân Thiên Chúa. Con người vẫn mãi mãi đóng kín trong những ích kỷ hẹp hòi của mình và thảm cảnh chết chóc của con người, của trẻ thơ vô tội, của người mẹ mất con là thảm cảnh của sự tàn ác của con người do từ khước hồng ân Thiên Chúa. Những trẻ thơ vô tội bị giết do bởi bàn tay Herod, hình ảnh của những bạo vương, những nhà độc tài mù quáng khác muốn khai trừ mọi lời mời gọi của tình yêu Thiên Chúa, và như thế, họ tự đóng kín chính mình trong thái độ từ chối quyết liệt nhất. Thế nhưng, từ Ai Cập, Giuse vẫn có thể đem “Hài nhi và mẹ Người trở về đất Israel, vì những kẻ tìm hại tính mạnh Hài nhi đã chết rồi”. Chương trình của Thiên Chúa vẫn thành tựu, thắng vượt mọi trở ngại của con người ác độc. Hài nhi Giêsu đã lập cư ở thành Nazareth, Người thực sự sinh sống và lớn lên trên mảnh đất con người đến độ “người sẽ được gọi là Nazaréo”, tên của người đã dính liền với một địa danh của con người, làm chứng sự cắm rễ sâu xa của Thiên Chúa trong mãnh đất của con người.
3. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm
Cộng đoàn Luca đã diễn tả niềm vui đón nhận hồng ân nhập thể qua những dấu nhấn về việc Thiên Chúa tự trao ban chính mình, Thánh Thần Thiên Chúa được ban tặng, và niềm vui Đấng cứu thế được sinh hạ cho loài người tràn ngập không gian, nối kết niềm vui của thiên quốc với trần thế qua lời hát của các thiên thần. Thánh Thần và niềm vui là quà tặng của sự kiện con Thiên Chúa nhập thể cho Maria, người mang thai Chúa Cứu thế, và qua Maria, tới toàn thể Israel và mọi người. Hồng ân Chúa cứu thế giáng sinh được biểu lộ qua niềm vui của Thánh Thần được ban tặng dồi dào. Thánh Thần ngự xuống trên Maria, làm cho bà mang thai, rồi qua việc Maria thăm viếng, Thánh Thần được thông truyền Gioan trong lòng mẹ, đoạn cho Elisabeth, và rồi cho Zakharia là người cất tiếng nói tiên tri.
Maria vui mừng và đã cất tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa vì những điều lạ lùng Thiên Chúa thực hiện. Niềm vui lớn lao được cảm nghiệm là niềm vui cứu độ và giải thoát: “Hồn tôi tán dương Chúa, và thần khí tôi nhảy mừng Thiên Chúa, Cứu Chúa của tôi” (Lc 1,47). Elisabeth cũng cảm nghiệm hồng ân Thánh Thần trong tâm hồn, qua sự kiện con trẻ nhảy mừng trong lòng. Điều Elisabeth cảm nghiệm là niềm vui khôn tả dâng lên trong lòng khi được tiếp xúc với Đức Maria viếng thăm. Elisabeth nhận ra sự cao cả của Maria, người nữ đã tin, và nhất là hồng ân lớn lao của Thiên Chúa ban tặng mà Maria đang mang trong mình: Thiên Chúa ban cho con người chính Con một của mình: “Bởi đâu tôi được như thế này, là mẹ Chúa tôi đến với tôi? Vì này thoạt tiếng người chào vừa đến tai tôi, thì hài nhi trong dạ tôi nhảy mừng. Phúc cho người, là kẻ đã tin rằng viên thành sẽ đến cho mọi điều Chúa truyền dạy cho người” (Lc 1,43-45).Niềm vui của hồng ân nhập thể là niềm vui trong Thánh Thần, niềm vui cảm nghiệm được hồng phúc thực sự được Chúa viếng thăm. Sự thinh lặng của Thiên Chúa mang nhân tính làm trào vọt lên thành hành động tạ ơn trong tâm hồn các tín hữu, bắt đầu từ Maria. Thánh Luca thấy hồng ân nhập thể như những làn sóng đồng tâm khởi đi từ tâm hồn Maria, người thiếu nữ Sion. Khởi đi từ tâm hồn của Maria, Elisabeth, Zakharia, những người công chính được Thiên Chúa thăm viếng, thánh Luca nhận thấy hồng ân nhập thể là sự thực hiện và hoàn tất của giao ước, thực hiện đường lối của Thiên Chúa, bởi vì Người muốn khai mở “lòng thương xót của Người”, biểu lộ “lòng nhân nghĩa Người” cũng như “ra oai sức mạnh cánh tay Người”. Zakharia, Simeon đều cảm nghiệm hồng ân nhập thể diễn tả lòng thành tín của Thiên Chúa “cứu độ và thăm viếng dân người” là chúng ta, “những người đang ngồi trong tối tăm sự chết”. Simeon hiểu hồng ân nhập thể là chính ơn cứu độ cho Israel và cho mọi dân tộc, ông cảm nghiệm được niềm vui của Thánh Thần, bồng ẵm chính Đấng cứu độ trên tay mình để rồi diễn tả niềm vui dạt dào trong tâm hồn thành lời chúc tụng Thiên Chúa. Sự chờ đợi lâu dài giờ đây đã thành hiện thực, giấc mơ cứu độ đến bất ngờ quá làm cho niềm vui của ông tuôn trào dào dạt: “Giờ đây lạy Chúa, xin thả tôi tớ Người về, chiếu theo lời Người trong bình an. Bởi chưng mắt tôi đã thấy ơn Người cứu độ”. Bà Anna, một người phục vụ đền thờ suốt đời trong chay tịnh, từ nay thấy niềm vui của mình được tràn đầy. Bỗng chốc bà trở nên như người hôn thể rất trẻ trung đón tiếp trẻ thơ Giêsu làm hôn phu, Đấng cứu độ của mình.
Thiên Chúa thực sự tự trao ban cho trái đất của chúng ta và trái đất chúng ta thực sự đón tiếp Người. Chúng ta được lôi cuốn đi vào tình yêu và sự sống của Thiên Chúa. “Lời Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể”, quyền năng Thánh Thần đã làm cho từ trong lòng dạ của người trinh nữ Maria, sinh hạ người Con Thiên Chúa. Sự tự do của ân sủng Thánh Thần, sự trào dâng của sự Sống thần linh đã chiến thắng những bóng tối hỗn mang của sự chết. Cuộc đời chúng ta có ý nghĩa, niềm vui của chúng ta thực sự trọn vẹn bởi vì Đấng vô hạn được ban tặng cho chúng ta. Người đã nên một với thân xác nhân loại chúng ta. Người ta không thể tách lìa Người khỏi chúng ta. Hôn lễ Con Thiên Chúa đã được cử hành trong trái đất của chúng ta, nơi cung lòng của trinh nữ Maria, và rồi tiếp nối trong lòng những con người khác được Thiên Chúa yêu thương. Đây cũng là một lời đề nghị của tình yêu, lời đề nghị vẫn luôn được ngỏ với mỗi người trong thân mật của tình yêu dẫn đến sự kết hợp nhiệm mầu mang sức sống thần linh. Đấng vô hạn vén tỏ bí mật của trái tim Người. Hồng ân nhập thể cũng là Hồng ân của Tình yêu mời gọi.