ĐỨC MARIA: TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI
(MARIA UNO SPECCHIO PER LA CHIESA)
Tác giả: Raniro Cantalamessa
Chuyển ngữ: Nhóm linh mục DaLat
***
***
DẪN NHẬP: ÐỨC MARIA – BỨC THƯ VIẾT BỞI NGÓN TAY THIÊN CHÚA
PHẦN I: ÐỨC MARIA – TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI TRONG NHẬP THỂ
***
CHƯƠNG II: “PHÚC CHO NGƯỜI LÀ KẺ ĐÃ TIN”
CHƯƠNG III: “NGƯỜI SẼ THỤ THAI VÀ SINH CON TRAI”
MARIA: MẸ THIÊN CHÚA
Những “bước” chúng ta thực hiện theo dấu chân Ðức Maria tương ứng khá chính xác với diễn tiến lịch sử như đã được các Tin Mừng viết về cuộc đời của Người. Ngay từ phần đầu tiên này, chúng ta có thể nhận thấy rằng, chúng ta không chiêm ngắm Ðức Maria trong Mầu Nhiệm Nhập Thể một cách lờ mờ tổng quát, nhưng là trong những thời điểm cụ thể tạo nên biến cố Nhập Thể vĩ đại. Suy niệm về Ðức Maria “đầy ân sủng” đưa chúng ta đến Mầu Nhiệm Truyền Tin. Suy niệm về Ðức Maria, “Kẻ đã tin”, dẫn đến Mầu Nhiệm Thăm Viếng. Giờ đây, chúng ta suy gẫm Ðức Maria “Mẹ Thiên Chúa” vào ngày Giáng Sinh.
Quả thực, chính vào ngày Giáng Sinh, lúc “Bà đã sinh con đầu lòng” (Lc 2,7), chứ không phải trước đó, mà Ðức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa cách thực sự và trọn vẹn. Mẹ không phải là một tước hiệu như những tước hiệu khác, thêm vào bên ngoài mà không ăn sâu tận trong chính con người đó. Người ta chỉ trở nên người mẹ khi trải qua một loạt những kinh nghiệm, những kinh nghiệm đó để lại những dấu ấn mãi mãi và làm thay đổi không những hình dạng người phụ nữ mà cả ý thức của người đó về chính mình. Làm mẹ, là một trong những biến cố xảy đến “một lần mãi mãi”. Với chúng ta là Linh Mục, tôi nhớ lại lúc chịu chức, người ta nói: “Một khi làm Linh Mục thì mãi mãi là Linh Mục”, do ấn tích mà, theo giáo lý Công Giáo, Bí Tích Truyền Chức in trong linh hồn. Ðiều này hẳn càng đúng đối với người phụ nữ: một khi làm mẹ thì mãi mãi là mẹ. Trong trường hợp đó ấn tích không phải là một dấu vô hình mà biến cố để lại nơi tâm hồn hay trong thân xác, mà là một tạo vật, một hài nhi, mà phận của nó mãi mãi sống bên mẹ và gọi người đó là mẹ.
Khi nói về Ðức Maria, Kinh Thánh luôn làm nổi bật hai yếu tố hay hai thì căn bản mà ngay cả kinh nghiệm thông thường của con người cũng xem đó là những yếu tố chính cấu thành vai trò làm mẹ theo nghĩa đích thực và trọn vẹn. Ðó là sự thụ thai và sinh hạ: “Và này, nơi lòng dạ, người sẽ thụ thai và sinh con” (Lc 1,31). Trình thuật Matthew cũng nhấn mạnh hai khía cạnh đó: “Thai sinh” nơi Người do tự Thánh Thần và Người sẽ “sinh hạ” con trai (x. Mt 1,20tt). Tiên tri Isaia cũng dùng chính những từ ngữ đó trong lời tiên báo về sự việc: “Này cô nương sẽ thụ thai và sinh con” (Is 7,14). Khi nói rằng, chính vào ngày Giáng Sinh mà Ðức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa theo nghĩa trọn vẹn, là tôi muốn hiểu như thế. Về hai khía cạnh này, Giáo Hội Latin thường dùng tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” (Dei Genitrix), tước hiệu này làm nổi bật khía cạnh thứ nhất hơn. Còn tước hiệu “Theotókos” mà Giáo Hội Hy Lạp thường dùng, lại làm nổi bật khía cạnh thứ hai, là việc sinh hạ (“Tikto” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là tôi sinh hạ). Khía cạnh thứ nhất, sinh đẻ, tùy thuộc cả cha lẫn mẹ, còn sinh hạ chỉ thuộc về người mẹ.Mẹ Thiên Chúa: tước hiệu diễn tả một trong những mầu nhiệm và là một trong những nghịch lý sâu xa nhất của Kitô giáo đối với ký trí con người; một tước hiệu làm cho Phụng Vụ Giáo Hội chất đầy nỗi kinh ngạc sững sờ. Lấy lại nỗi ngạc nhiên của dân Cựu Ước lúc vinh quang Thiên Chúa đậu tại nơi Ðền Thánh dưới dạng đám mây (1R 8,27), Phụng Vụ cất lên: “Ðấng mà các tầng trời không thể chứa đựng đã khép mình nơi lòng dạ Người! Ngài đã làm người”.[1] Mẹ Thiên Chúa là tước hiệu thuộc tín lý cổ xưa nhất và quan trọng nhất dành cho Ðức Trinh Nữ Maria. Tín hiệu này đã được định tín tại Công Ðồng Ephesus như là chân lý mà mọi Kitô hữu phải tin. Nó là nền tảng cho tất cả sự cao cả lớn lao của Ðức Maria, là chính nguyên lý của Thánh Mẫu học. Do tước hiệu đó, Ðức Maria không những là đối tượng của lòng sùng kính mà còn là đối tượng của thần học. Nói khác đi, Ðức Maria đi vào trong chính suy tư về Thiên Chúa, vì chức vụ làm Mẹ Thiên Chúa của Ðức Maria có liên hệ trực tiếp đến Thiên Chúa. Tước hiệu này còn là một tước hiệu mang tính đại kết nhất, không những vì nó được định tín trong một Công Ðồng chung, mà còn vì đó là tước hiệu được tất cả các Giáo Hội Kitô, không phân biệt, chấp nhận, ít là trên nguyên tắc.
Chúng ta sẽ bàn về tín điều Ðức Maria “Mẹ Thiên Chúa”, trọng tâm giáo lý về Ðức Maria, theo ba cách hay ba thái độ khác nhau, và ba cách này chắc hẳn sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về trọng tâm đó. Chúng ta sẽ xét tín điều này dưới khía cạnh lịch sử, trong sự chiêm ngắm của đức tin và với áp dụng thực tế cho đời sống chúng ta.
I.- “NẾU AI KHÔNG TIN RẰNG ÐỨC MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA”: MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ XÉT VỀ HÌNH THÀNH TÍN ĐIỀU
Chúng ta không thấy Tân Ước minh nhiên dành tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” cho Ðức Maria. Tuy nhiên, trong đó ta thấy có những khẳng định, mà sau này, nhờ suy tư chăm chú của Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, chứng tỏ chân lý đó đã được manh nha trong Tân Ước. Như chúng ta đã biết, Tân Ước nói về Ðức Maria rằng, Người đã thụ thai và sinh một con trai, và đó là Con Ðấng Tối Cao, là Ðấng Thánh và là Con Thiên Chúa (x. Lc 1,31 – 32.35). Như thế, đối với các Tin Mừng, Maria là mẹ của một người con, người con đó chúng ta biết là Con Thiên Chúa. Maria thường được gọi là Mẹ của Ðức Giêsu, Mẹ của Chúa (x. Lc 1,43) hay đơn giản là “Mẹ” hoặc “Mẹ Ngài” (x. Ga 2,1-3). Giáo Hội, trong sự tiến triển của đức tin, làm sáng tỏ cho mình Giêsu là ai trước khi tìm hiểu Maria là mẹ của ai. Tất nhiên, không phải tới Công Ðồng Ephesus năm 431, Ðức Maria mới là Mẹ Thiên Chúa, cũng như không phải tới Công Ðồng Nicée 325, là Công Ðồng định tín Ðức Giêsu là Thiên Chúa thì Ngài mới bắt đầu là Thiên Chúa. Ngài đã là Thiên Chúa từ trước. Ðúng hơn, đó là thời điểm mà trong sự tiến triển và minh giải đức tin của mình, dưới sức ép của lạc giáo, Giáo Hội ý thức đầy đủ và xác định lập trường của mình về chân lý đó.
Việc khám phá ra một ngôi sao mới cũng tương tự như thế: không phải lúc ánh sáng của nó chiếu tới địa cầu và nhà quan sát thâu được thì lúc đó nó mới ra đời, nhưng nó đã hiện hữu từ trước, có thể từ cả hàng ngàn năm ánh sáng. Việc định tín của Công Ðồng là lúc ngọn đèn được đặt lên trụ đèn, tức là Kinh Tin Kính của Giáo Hội.
Trong tiến trình dẫn đến việc long trọng công bố Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta phân biệt ba giai đoạn chính.
1. Mẫu tính “thể lý” của Ðức Maria: Thời kỳ chống thuyết ngộ đạo
Lúc ban đầu và trong suốt thời kỳ mà cuộc chiến chống các lạc giáo ngộ đạo và ảo thân chi phối, mẫu tính của Ðức Maria được xem xét hầu như chỉ dưới khía cạnh thể lý. Các lạc giáo này phủ nhận việc Ðức Kitô có một thân xác nhân loại đích thực, hoặc nếu có thì thân xác đó không phải sinh bởi một người nữ, hay nếu sinh bởi một người nữ đi nữa, thì nó không thực sự là hoa quả do xác thịt, máu huyết của người nữ đó. Ðể chống lại chủ trương như thế, cần phải mạnh mẽ khẳng định rằng Giêsu thực sự là con của Ðức Maria và là “hoa quả lòng Người” (Lc 1,42), và rằng Maria thực sự và xét theo bản tính, là Mẹ của Ðức Giêsu. Là vì một số người theo lạc giáo vẫn công nhận Ðức Giêsu sinh bởi Ðức Maria, nhưng họ lại không nghĩ rằng Ngài đã được thụ thai trong lòng Ðức Maria, từ chính xác thịt của Ðức Maria: Ðức Kitô sinh “qua” Ðức Trinh Nữ, chứ không sinh “bởi” Ðức Trinh Nữ, vì “từ trời, Ngài được đưa vào lòng Ðức Trinh Nữ và Ngài ra khỏi đó như kiểu là đi qua hơn là một sinh sản thực sự. Ngài đến không phải bởi Ðức Trinh Nữ mà là qua Ðức Trinh Nữ, nên đối với Ngài, Ðức Trinh Nữ không phải là Mẹ mà là con đường”,[2] Ðức Maria “không mang thai Ðức Giêsu như là con mình nhưng như khách trọ của mình”.[3]
Mẫu tính của Ðức Maria, trong giai đoạn đầu tiên này, được dùng chủ yếu để chứng minh nhân tính đích thực của Ðức Giêsu. Ðiều khoản trong Kinh Tin Kính: “Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã sinh ra – Người đã mang lấy xác phàm – bởi Ðức Trinh Nữ Maria”. Ban đầu, bản văn này chỉ muốn khẳng định rằng Ðức Giêsu là Thiên Chúa và là người: Thiên Chúa, xét vì Ngài sinh ra theo Thần Khí, nghĩa là bởi Thiên Chúa, và là người, xét vì Ngài sinh ra theo xác phàm, nghĩa là bởi Ðức Maria.
2. Mẫu tính “siêu hình” của Ðức Maria: Thời kỳ tranh luận lớn về Kitô học
Tước hiệu “Theotókos”đã xuất hiện lần đầu tiên trong thời kỳ xa xưa đó, thời mà mẫu tính thực sự hay mẫu tính tự nhiên của Ðức Maria được khẳng định để chống lại phái ngộ đạo và ảo thân, và rồi, việc xử dụng tước hiệu này sẽ dẫn Giáo Hội đến chỗ khám phá ra mẫu tính thần linh sâu thẳm hơn, và chúng ta có thể gọi đó là mẫu tính siêu hình. Những tranh luận lớn về Kitô học thế kỷ V là nguyên lai của bước tiến triển này. Vấn đề trọng tâm về Ðức Giêsu Kitô lúc bấy giờ không còn là vấn đề nhân tính đích thực của Ngài mà là vấn đề về sự “duy nhất ngôi vị” của Ðức Kitô. Mẫu tính của Ðức Maria được hiểu không những trong sự qui chiếu về nhân tính của Ðức Kitô, mà đúng hơn qui chiếu về ngôi vị duy nhất của Ngôi lời làm người. Và bởi ngôi vị duy nhất đó sinh ra theo xác phàm không gì khác hơn là ngôi vị thần linh của Chúa Con nên Ðức Maria xuất hiện như là “Mẹ Thiên Chúa” đích thực.
Về điều này, chúng ta có thể xem những gì xảy đến với tư cách làm mẹ bình thường của con người như một ví dụ. Một người mẹ cho con mình thân xác, còn linh hồn trực tiếp do Thiên Chúa phú bẩm. Thế nhưng tôi không gọi là mẹ của thân xác tôi mà chỉ gọi là “mẹ tôi”, mẹ của tất cả con người tôi, bởi lẽ nơi tôi linh hồn và thân xác làm thành một bản tính độc nhất, chỉ một thực tại con người mà thôi. Cũng tương tự như thế, Ðức Maria phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa, dù rằng Người chỉ cho Ðức Giêsu nhân tính chứ không cho thần tính, vì nơi Ngài nhân tính và thần tính làm thành một ngôi vị duy nhất.
Mối liên hệ giữa Ðức Maria và Ðức Kitô không chỉ thuộc bình diện thể lý mà còn thuộc bình diện siêu hình. Ðiều này đặt Ðức Maria lên một đỉnh cao chất ngất, vì qua đó, Ðức Maria có một mối liên hệ độc nhất vô nhị với Chúa Cha. Tại Công Ðồng Ephesus, chân lý này mãi mãi trở thành một thủ đắc của Giáo Hội. Một bản văn được Công Ðồng này phê chuẩn tuyên bố: “Nếu ai không tuyên xưng rằng Thiên Chúa thực sự là Ðấng Emmanuel (và do đó) không tuyên xưng rằng Ðức Maria, vì sinh Ngôi Lời Thiên Chúa làm người theo xác phàm, là Theotókos, người đó phải vạ tuyệt thông”.[4] Lời tuyên bố của bản văn này đã khiến cho dân Ephesus, những người đang chờ các nghị phụ ra khỏi phòng họp Công Ðồng, reo mừng hớn hở và, với đèn đuốc trong tay, họ hát lên những bài thánh ca, tháp tùng các nghị phụ đến tận nơi ở của các vị. Lời công bố này làm dậy nên lòng sùng kính không ngơi đối với Mẹ Thiên Chúa, ở Ðông cũng như Tây phương. Các ngày lễ trong Phụng Vụ, các ảnh thánh (icónes), các thánh thi và vô số thánh đường được xây dựng để mừng kính Ðức Maria là sự biểu lộ hùng hồn lòng sùng kính đó.
3. Mẫu tính “tinh thần” của Ðức Maria: Cống hiến của Tây phương
Ðào sâu như vậy chưa phải đã đến mức tận cùng. Sau cấp độ thể lý, sau cấp độ siêu hình, còn một cấp độ khác cần phải khám phá về mẫu tính thần linh (chức làm Mẹ Thiên Chúa) của Ðức Maria. Trong các tranh luận Kitô học, tước hiệu “Theotókos”, mặc dầu là một tước hiệu về Ðức Maria, nhưng giá trị của nó được khẳng định nhằm đến ngôi vị Ðức Kitô hơn là vì con người Ðức Maria. Người ta vẫn chưa rút ra tất cả các hệ quả của tước hiệu đó đối với con người của Ðức Maria và nhất là sự thánh thiện vô song của Người. “Theotókos” thay vì là sự biểu lộ của đức tin và của lòng kính mến của Giáo Hội đối với Ðức Maria, lại có nguy cơ trở thành một vũ khí giữa các trào lưu thần học đối nghịch. Một chi tiết nhỏ đủ cho thấy rõ điều đó: khi cuộc tranh luận lên đến cực điểm, thánh Cyrille thành Giêrusalem đã chiến đấu như một mãnh sư để bảo vệ cho tước hiệu “Theotókos”; thế nhưng trên thực tế, trong số các Giáo Phụ, ngài lại là người buông ra một cung chói tai trong bản hòa tấu ca ngợi, tôn vinh sự thánh thiện của Ðức Maria. Ngài đứng vào số ít người gán cho Mẹ Chúa những yếu đuối và khiếm khuyết, nhất là trên đồi Golgotha. Theo sau Origène, Cyrille không thể nào chấp nhận được việc một phụ nữ, dù đó là Mẹ Ðức Giêsu, lại có thể có một đức tin và một lòng dũng cảm lớn lao hơn các tông đồ, là những người, tuy là bậc nam nhi, cũng đã phải chao đảo, rúng động trong cuộc Khổ Nạn.[5] Những kiểu suy nghĩ như vậy phát xuất từ sự đánh giá thấp phụ nữ khá phổ biến trong thế giới cổ thời. Ðiều đó cũng cho thấy rằng việc nhìn nhận mẫu tính thể lý hay siêu hình của Ðức Maria cũng chẳng lợi ích bao nhiêu nếu người ta không đồng thời biết nhìn nhận một mẫu tính tinh thần nơi Ðức Maria, mẫu tính đó không những ghi sâu nơi thân xác mà còn cả nơi tâm hồn.
Ðóng góp lớn lao của các văn sĩ Latin, nhất là thánh Augustin, chính là ở điểm này. Mẫu tính của Ðức Maria được trình bày như là mẫu tính trong đức tin, một mẫu tính tâm linh. Chúng ta thấy cả một bài thơ vĩ đại ca ngợi lòng tin của Ðức Maria. Trước lời của Ðức Giêsu: “Ai là Mẹ Ta?”, thánh Augustin đã gán cho Ðức Maria, ở mức độ cao nhất, mẫu tính tinh thần đó, tức là việc thi hành Thánh Ý Cha: “Ðức Trinh Nữ Maria, kẻ đã tin bằng lòng tin, đã thụ thai bằng lòng tin, đã được chọn để khai sinh ơn cứu độ nhân loại, kẻ đã được tạo thành bởi Ðức Kitô trước khi Ðức Kitô được tạo thành nơi Người, chẳng lẽ Người đã không thi hành Thánh Ý Cha? Chắc chắn Ðức Maria rất thánh đã thi hành Thánh Ý Cha, và vì thế, đối với Ðức Maria, việc làm môn đệ Ðức Kitô là điều lớn lao hơn so với việc làm Mẹ Ðức Kitô”.[6]
Như thế, mẫu tính thể lý và mẫu tính siêu hình của Ðức Maria được hoàn thành nhờ sự nhìn nhận về mẫu tính tinh thần hay mẫu tính của lòng tin, chính mẫu tính này đã khiến Ðức Maria trở thành nữ tử đầu tiên và là môn đệ ngoan hiền nhất của Ðức Kitô và, như thánh Augustin viết, là thụ tạo mà “vì vinh dự của Chúa, người ta thậm chí không nhắc đến khi nói về tội lỗi”.[7] Do mối quan hệ đặc biệt và độc nhất mà “mẫu tính thể lý” (maternité physique) hay “mẫu tính thực” (maternité réelle) tạo nên giữa Ðức Maria và Ðức Giêsu, giữa Ðức Maria với cả Ba Ngôi Thiên Chúa, nên mẫu tính đó xét cách khách quan, là và vẫn mãi là đặc quyền lớn lao nhất, khôn sánh. Nhưng, mẫu tính thể lý sở dĩ được như thế là vì nó có được lời giải đáp phát xuất từ tâm hồn (réponse subjective), trong lòng tin khiêm hạ của Ðức Maria. Với Eva, “làm mẹ chúng sinh” chắc chắn là một ưu quyền độc nhất vô nhị, nhưng vì không có lòng tin, điều đó chẳng ích lợi gì cho bà, hay nói đúng hơn, chính vì đó mà bà trở nên bất hạnh thay vì hạnh phúc.
II.- “CON CỦA CON MÌNH”: MỘT CÁCH CHIÊM NGẮM MẸ THIÊN CHÚA
Giờ đây, chúng ta tiếp cận tín điều Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, theo cách thứ hai: tiếp cận bằng chiêm niệm. Chiêm niệm không phải là tìm kiếm chân lý, nhưng là thưởng thức chân lý đã gặp được, thưởng nếm chiều sâu và sự phong phú của nó. Như đã có tác giả viết, các tín điều của Giáo Hội cổ thời giống như “những hoàng tử và những nàng công chúa kiều diễm thiếp ngủ trong lâu đài thần tiên; chỉ cần đánh thức là chúng chỗi dậy trong tất cả vẻ huy hoàng rực rỡ”.[8] Tín Ðiều Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa cũng nằm trong số đó: chúng ta có bổn phận phải làm cho nó sống động bằng hơi thở của Thánh Thần, vì Thần Khí ban lại sự sống, ngay cả cho những bộ xương khô. Tựa mặt trời mỗi ngày vẫn mọc lên trong tất cả ánh huy hoàng của nó, như trong buổi bình minh của tạo dựng và làm cho mắt phàm nhân được chan hòa ánh sáng, các chân lý đức tin cũng phải như thế mới có thể phát huy hiệu lực của chúng.
Một số icóne Ðông phương, như bức Trinh Nữ của Vladimir, hay Trinh Nữ Dịu Hiền, nếu có được trước mắt để chiêm ngắm trong phần suy niệm này thì rất tốt, vì đó là những khuôn mẫu tuyệt vời nhất cho việc chiêm ngắm Me Thiên Chúa. Giữa bức icóne về Mẹ Thiên Chúa và một bài giảng về Mẹ Thiên Chúa, có một sự tương đồng rất sâu xa. Dù là qua cái nhìn hay qua sự lắng nghe của lòng tin, cả hai đều phải làm cho mầu nhiệm vừa cổ xưa vừa luôn mới mẻ được lộ diện. Người vẽ icóne lắng đọng tâm hồn, cầu nguyện, ăn chay, không phải để sáng tạo ra một điều gì đó mới lã, độc đáo hay để khai triển một lối nhìn của riêng mình, nhưng là để có thể làm thực tại vô hình được định hình trong màu sắc. Nhà giảng thuyết cũng thế, phải đánh thức mầu nhiệm, làm cho mầu nhiệm trở thành thực tại sinh động, và để làm được như thế, người ấy phải giữ lấy truyền thống, tiếp nhận cả một di sản và thông tuyền di sản đó. Nếu có trích dẫn các Giáo Phụ, thi sĩ, triết gia, thì không phải vì chú trọng đến sự thông thái, mà vì các lời hằng sống của Thiên Chúa chỉ có thể thông truyền trong một môi trường sống động, như truyền thống và văn hóa. Giữa hai điều đó, icóne và bài giảng có sự trao đổi hỗ tương. Lời cần đến sự trợ giúp của màu sắc, như hiện tại tôi đang làm, nhưng màu sắc cũng cần sự trợ giúp của lời.Ở tất cả các icóne về Mẹ Thiên Chúa, phía trên hay bên cạnh, người ta luôn đọc thấy các quy tắc: “Mẹ Thiên Chúa”. Tại sao lại có quy tắc vẽ icóne lạ lùng như thế? Chẳng lẽ nghệ sĩ vẽ icóne lại nghĩ chúng ta có thể lầm và tưởng đó là một người phụ nữ khác chứ không phải là Ðức Maria? Chắc chắn là không. Câu ghi đó không nhằm làm cho người ta nhận ra nhân vật, vì đó là điều vô ích, nhưng nó công bố chân lý đức tin, bằng lời, bằng chữ viết. Ðó không phải là một “didascalie” (lời chỉ dẫn) mà là một “homologie” (lời xưng nhận), một lời tuyên xưng đức tin mà nghĩa của nó là: “Chúng tôi tin rằng người nữ này là Mẹ Thiên Chúa”.
Chúng ta hãy cố hướng nhìn về Mẹ Thiên Chúa bằng “một cái nhìn thư thái, thấm sâu, trìu mến và yên định (vì chiêm niệm là như thế)”. Nếu có thể, chúng ta hãy đặt ảnh thánh của Người trước mắt. Dần dần chúng ta sẽ khám phá thấy tước hiệu Mẹ Thiên Chúa thật là phong phú. Tước hiệu đó lần lượt nói cho chúng ta về Ðức Giêsu, về Thiên Chúa và về Ðức Maria.
III.- “MẸ THIÊN CHÚA” NÓI CHO CHÚNG TA VỀ ÐỨC GIÊSU
Mẹ Thiên Chúa ban đầu là tước hiệu liên hệ đến Ðức Giêsu nhiều hơn là Ðức Trinh Nữ Maria. Ðối với Ðức Giêsu, như chúng ta thấy, tước hiệu này chứng thực rằng Ngài “đích thực là người”: “Tại sao chúng ta nói Ðức Kitô là người nếu không phải vì Ngài sinh bởi Ðức Maria, một con người”.[9] Ngài là người không những xét về yếu tính, mà còn cả trong hiện hữu của Ngài, bởi lẽ Ngài muốn chia sẽ không những bản tính mà còn cả kinh nghiệm nữa. Ngài đã sống cuộc đời con người trong tất cả thực tại cụ thể của nó: “Thiên Chúa nói: người ta luôn nói đến Gương Chúa Giêsu. Ðó là sự bắt chước, con người muốn bắt chước Con của Thiên Chúa cách trung thực. Nhưng cuối cùng, đừng quên rằng Con Ta đã khởi đầu bằng việc bắt chước con người cách đặc biệt. Ðặc biệt trung thực. Một sự bắt chước tới mức trở nên đồng nhất hoàn toàn. Khi Người mặc lấy thân phận con người một cách quá trung thực, quá trọn vẹn. Khi Người bắt chước sinh ra một cách quá trung thực, quá trọn vẹn. Và bắt chước đau khổ. Và sống. Và chết”.[10] Ban đầu, khía cạnh người ta khó chấp nhận nhất nơi Ðức Kitô đó là việc Ngài được thụ thai và sinh hạ bởi một người nữ. Với một trong những người lạc giáo mà chúng ta đã nói đến trên đây, rùng mình trước ý tưởng về một Thiên Chúa “co lại trong dạ mẹ, sinh ra trong đau đớn, được rửa ráy và quấn tã”, Tertullien đã trả lời: “Ðó là vì Ðức Kitô yêu thương con người và cùng với con người, Ngài đã yêu mến cả cách con người sinh ra đời”.[11] Và ông còn nói thêm, sự sinh ra của một con người và nỗi đau đớn của người đàn bà lúc sinh con, đó là điều tự nhiên ta phải kính trọng, còn ngươi lại đi khinh thường. Thế ngươi đã sinh ra đời như thế nào?
Tiếp đến, tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” chứng thực Ðức Giêsu là “Thiên Chúa” chứ không phải chỉ là một con người, dù là một tiên tri vĩ đại nhất, bấy giờ mới có thể gọi Ðức Maria là “Mẹ Thiên Chúa”. Nếu không, người ta có thể gọi Người là Mẹ của Ðức Giêsu, Mẹ của Ðức Kitô, chứ không gọi là Mẹ Thiên Chúa. Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” như một cuốn sách chỉ dẫn, như người lính canh có nhiệm vụ giữ cho tước hiệu “Thiên Chúa” dành cho Ðức Giêsu không bị mất đi ý nghĩa của nó. Khi không còn nhìn nhận Ðức Giêsu là Thiên Chúa làm người thì tước hiệu Mẹ Thiên Chúa không còn chính đáng, thậm chí trở thành điều lộng ngôn, phạm thượng. Suy cho kỹ thì đây là tước hiệu duy nhất có thể loại bỏ mọi hàm hồ, nghi nghĩa về thần tính của Ðức Giêsu, bởi đây là người lính canh do chính bản tính đặt lên chứ không chỉ đơn thuần là suy tư triết học (như tước hiệu “homooùsios” – “đồng bản thể”).
Người ta có thể gọi Giêsu là Thiên Chúa, nhưng, như trong quá khứ và ngay cả ngày nay đáng tiếc là vẫn xảy ra, người ta hiểu chữ “Thiên Chúa” với những nội dung hết sức khác nhau: Giêsu là Thiên Chúa do được thừa nhận, được Thiên Chúa ngự bên trong (par inhabitation) hay chỉ là một cách nói (Dieu par manière de parler). Trong những trường hợp như thế, người ta không còn có thể tiếp tục gọi Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa nữa. Người chỉ là Mẹ Thiên Chúa nếu Ðức Giêsu là Thiên Chúa ngay từ lúc Ngài sinh ra bởi Người. Những gì xảy ra sau đó không còn liên hệ đến người mẹ trong tư cách là mẹ nữa. Không thể nói Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa nếu người ta hiểu chữ “Thiên Chúa” khác với những gì mà Giáo Hội muốn nói lên tại Công Ðồng Nicée và Chalcédoine.
Cuối cùng, liên hệ đến Ðức Giêsu, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa chứng thực rằng Ngài là Thiên Chúa và là người “trong cùng một ngôi vị”. Ðây là lý do chính khiến các nghị phụ Công Ðồng Ephesus chấp nhận tước hiệu này. Nó diễn tả sự hiệp nhất sâu xa giữa Thiên Chúa và con người thực hiện nơi Ðức Giêsu, nói lên cách thức mà Thiên Chúa kết hiệp với con người cũng như cách thức mà Ngài muốn con người hiệp nhất với Ngài, trong sự duy nhất thâm sâu nhất, sự duy nhất của ngôi vị. Như các Giáo Phụ đã nói, cung lòng Ðức Maria như chiếc “giường cưới” (lit nuptial) nơi hoàn tất hôn lễ giữa Thiên Chúa và nhân loại, là “máy dệt” dệt nên tấm áo hiệp nhất, là xưởng thợ (ergastérion), nơi thực hiện sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người.[12]
Nếu nơi Ðức Giêsu, nhân tính và thần tính kết hiệp với nhau chỉ bằng sự hiệp nhất luân lý chứ không phải hiệp nhất ngôi vị, như những người lạc giáo bị kết án ở Công Ðồng Ephesus chủ trương, thì người ta không thể gọi Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa, mà chỉ có thể gọi là Mẹ Ðức Kitô, “Chritotókos”, chứ không phải là “Theotókos”. “Các nghị phụ không sợ gọi Ðức Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, chắc chắn không phải vì bản tính của Ngôi Lời hay thần tính của Ngài phát xuất từ Ðức Maria, nhưng là vì chính bởi Ðức Maria mà thân xác thánh thiện của Ngài sinh ra, một thân xác được phú ban một linh hồn có lý trí và Ngôi Lời đã kết hiệp với thân xác đó đến mức, cùng với thân xác đó làm thành một ngôi vị duy nhất”.[13] Như thế, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa khác nào một thành trì để chống lại khuynh hướng biến Ðức Giêsu thành một ý niệm, một nhân vật theo vẻ bề ngoài (personnage) chứ không còn đúng thực là một ngôi vị (vraie personne), và đằng khác, chống lại sự phân cắt nhân tính khỏi thần tính nơi Ðức Giêsu, vì điều này sẽ khiến ơn cứu độ bị hủy hoại. Ðức Maria là người đã neo chặt Thiên Chúa vào trần gian, vào nhân loại, và bằng mẫu tính thần linh và nhân linh trọn vẹn vủa Người, Người đã làm cho Thiên Chúa mãi mãi trở thành Ðấng Emmanuel, vì Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, Người đã làm cho Ðức Kitô trở thành anh em của chúng ta.
IV.- “MẸ THIÊN CHÚA” NÓI CHO CHÚNG TA VỀ THIÊN CHÚA
Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa còn nói cho chúng ta về Thiên Chúa. Nó bộc lộ cho chúng ta khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa là Cha, con và Thánh Thần. Ngày hôm nay, có thể nói việc làm sáng tỏ khía cạnh này sẽ là điều hữu ích nhất và đúng thời nhất, giống như tước hiệu trên đã có ý nghĩa như thế nào trong thời gian xảy ra những tranh luận lớn vào thế kỷ thứ V. Quả vậy, ngày nay vấn đề trở nên triệt để hơn lúc bấy giờ. Nó liên quan đến Thiên Chúa theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ, rộng hơn gấp bội so với những khía cạnh riêng biệt nào đó của mầu nhiệm Kitô giáo. Vấn đề không còn là “nhất tính thuyết” (monophysisme) nữa mà là “vô thần thuyết” (athéisme).
Vậy tước hiệu của Ðức Maria nói cho chúng ta điều gì về Thiên Chúa? Trước tiên nói về sự “khiêm hạ” của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã muốn có một người mẹ, trong khi ngày nay, một số người đi đến chỗ cảm thấy rằng đối với con người, việc có một người mẹ là điều lạ lùng, thậm chí là điều xúc phạm, vì nó bao hàm sự lệ thuộc triệt để, và nói lên rằng con người không tự làm nên chính mình, không thể một mình xây dựng dự phóng của chính cuộc đời mình mà không nhờ đến ai!Tự bao giờ, con người vẫn tìm kiếm Thiên Chúa trên những đỉnh cao. Bằng nỗ lực tu đức hay tri thức, con người tìm cách xây dựng lên một thứ kim tự tháp, nghĩ rằng trên chóp đỉnh của nó, họ sẽ gặp được Thiên Chúa hay một điều tương đương, và trong một số tôn giáo thì đó là Hư Không. Con người không nhận ra rằng, Thiên Chúa đã đi xuống, đã đảo lộn kim tự tháp và đặt mình tận nền sâu để mang lấy tất cả, mang tất cả chúng ta trên Ngài. Thiên Chúa đã đến nơi cung lòng một người nữ trong âm thầm lặng lẽ. Quả thực phải nói rằng: điều đó đáng tin, chính vì đó là điều điên rồ. Ðiều đó chắc chắn, chính vì đó là điều bất khả; đó là việc của Thiên Chúa, vì nó không do loài người.[14] Tương phản biết bao với Thiên Chúa của các triết gia, quả như gáo nước lạnh dội vào lòng trí tự kiêu của con người và như lời mời gọi hãy sống khiêm hạ! Thiên Chúa xuống ngay giữa lòng vật chất, bởi lẽ mẹ, “mater”, phát xuất từ vật chất, “matière”, theo nghĩa cao quí nhất của từ ngữ, nghĩa là thực tại cụ thể. Vị Thiên Chúa thành xác phàm trong lòng một người nữ cũng chính là Ðấng mà sau đó đã hiện diện ngay giữa lòng vật chất của thế giới này, hiện diện trong Bí tích Thánh Thể: chỉ một và cùng một nhiệm cục, chỉ một và cùng một phong cách. Thánh Irenée đã có lý khi cho rằng, người nào không hiểu được việc Thiên Chúa sinh ra bởi Ðức Maria thì cũng không thể hiểu được Bí tích Thánh Thể.[15] Tất cả những điều này, hơn bất cứ lời lẽ nào, công bố rằng Thiên Chúa của người Kitô hữu là ân sủng, và người ta đón nhận được ân sủng đó bằng con đường dâng hiến chứ không phải bằng con đường chinh phục.
Khi chọn sinh ra bởi một người mẹ, để mạc khải chính mình ngài cho chúng ta, Thiên Chúa đã nhắc nhở con người mê muội – vốn xem là xấu điều không có gì xấu, còn chính điều xấu lại không nhận ra – biết rằng tất cả đều thanh sạch. Ngài công bố những gì Ngài tạo dựng nên đều là thánh thiện. Ngài thánh hóa và cứu chuộc không những “bản tính” theo nghĩa trừu tượng, mà cả sự “sinh ra” của con người cũng như tất cả thực tại của cuộc sống làm người.
Ðặc biệt, Thiên Chúa đã tỏ cho thấy phẩm giá của người phụ nữ: “Khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa đã sai Con của Người, sinh bởi người phụ nữ” (Ga 4,14). Nếu Thánh Phaolô viết: “Sinh bởi Maria”, thì hẳn người ta sẽ thấy đó chỉ là một chi tiết tiểu sử. Khi nói: “Sinh bởi một người nữ”, ngài đã làm cho khẳng định của mình mang một tầm mức phổ quát, rộng lớn. Nơi Ðức Maria, chính người phụ nữ, mỗi một phụ nữ được nâng lên tới một chiều cao không thể tưởng. Maria ở đây là người “Nữ”. Ngày nay, người ta thường xuyên nói đến việc thăng tiến phụ nữ, đó là một trong những dấu đẹp nhất, khích lệ nhất của thời đại chúng ta. Tuy nhiên, so với Thiên Chúa thì chúng ta đi quá trễ. Ngài đã đi trước tất cả chúng ta. Ngài tặng ban cho người phụ nữ một vinh dự đến mức chúng ta phải câm lặng và suy nghĩ về tội của mình.
V.- “MẸ THIÊN CHÚA” NÓI CHO CHÚNG TA VỀ ÐỨC MARIA
Cuối cùng, tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” nói cho chúng ta về Ðức Maria. Trong hoàn vũ này, Ðức Maria là người duy nhất có thể nói với Ðức Giêsu bằng chính lời của Chúa Cha: “Con là Con Ta, hôm nay Ta đã sinh ra Con!” (x. Tv 2,7; Dt 1,5). Thánh Ignatio thành Antiokia nhìn nhận Ðức Giêsu là “bởi Thiên Chúa và bởi Ðức Maria” [16] một cách thật đơn sơ, và hầu như ngài cũng không lường được tầm vóc mà ngài dành cho một tạo vật qua câu nói đó, như khi chúng ta nói về một người rằng người đó là con của ông này và của bà kia. Dante Alighieri đã tóm tắt hai nghịch lý về Ðức Maria, là “Trinh Nữ đồng thời là Mẹ” và là “Mẹ đồng thời là con” trong một câu thơ duy nhất: “Hỡi Trinh Mẫu, nữ tử của Con Bà”.[17]
Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, chỉ nguyên mình nó cũng đã đủ làm nên sự cao cả của Ðức Maria và biện minh cho vinh dự dành cho Mẹ. Ðôi lúc người ta trách người Công Giáo đã gán cho Ðức Maria một vinh dự và tầm quan trọng quá đáng. Cần phải nhìn nhận điều đó: lời trách cứ có thể đúng, ít là trong sự trình bày các sự việc. Thế những người ta lại không bao giờ nghĩ đến những gì Thiên Chúa đã thực hiện. Thiên Chúa đi sâu vào việc làm cho Ðức Maria được vinh dự khi cho Người trở thành Mẹ Thiên Chúa, đến nỗi không ai có thể làm hay nói gì hơn nữa, dù người đó, như chính Luther đã viết, có lưỡi nhiều như lá cỏ: “Khi gọi Người là Mẹ Thiên Chúa thì mọi vinh dự thuộc về Người đều được hàm chứa trong đó. Không ai có thể nói về Người hay nói với người điều gì lớn lao hơn nữa, dù người đó có lưỡi nhiều như lá cỏ, nhiều như sao trời, cát biển. Vì thế tâm hồn chúng ta cần phải suy nghĩ xem việc làm Mẹ Thiên Chúa có nghĩa là thế nào”.[18]Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa đặt Ðức Maria trong mối liên hệ độc nhất vô nhị với mỗi ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong mỗi lời kinh, thánh Francis thành Assise đã diễn tả điều đó như sau: “Lạy Ðức Thánh Trinh Nữ Maria, trong các phụ nữ trên đời, không có ai được giống như Mẹ: là ái nữ và là Nữ Tỳ của Vua chí cao, của Cha trên trời, là Mẹ của Chúa chúng con, Ðức Giêsu Kitô chí thánh, là Hiền Thê của Thánh Thần. xin cầu cùng Con chí thánh và chí ái của Mẹ, là Chúa và là Thầy của chúng con, cho chúng con”.[19]
Mẹ Thiên Chúa là một tước hiệu vĩnh viễn, mãi mãi không thay đổi, vì Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời vẫn còn mãi. Bởi chưng, nhân tính của Ðức Kitô, của Ðấng đã chết và giờ đây hằng sống (x. Kh 1,18) đang hiện hữu nơi Giêrusalem Thiên Quốc, và cả người nữ được nhìn nhận và được tôn kính như là Mẹ của Ngài cũng thế. Nếu Ðức Giêsu đã không thẹn mà gọi chúng ta là anh em của Ngài (x. Dt 2,11tt), thì chẳng lẽ bạn lại nghĩ rằng Ngài sẽ thẹn mà gọi Ðức Maria là Mẹ Ngài sao! Ðể chứng tỏ chân tính của mình và để biểu lộ sự độc lập của một Vì Thiên Chúa, Ngài chẳng cần phải phủ nhận việc mình đã có một người mẹ, như một số hiệp sĩ vĩ đại ngày nay muốn bảo vệ cho tự do con người.
Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” ngày nay còn là điểm gặp gỡ và là nền tảng chung cho mọi Kitô hữu, từ nền tảng đó chúng ta có thể tìm lại sự nhất trí về vị trí của Ðức Maria trong đức tin. Ðây là tín hiệu duy nhất mang tính đại kết, không những trên nguyên tắc vì đã được định tín trong một Công Ðồng chung, mà cả trên thực tế, vì nó được tất cả các Giáo Hội nhìn nhận. Chúng ta vừa thấy Luther có những suy nghĩ như thế nào. Trong một dịp khác, ông viết: “Tín điều khẳng định Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa đã có hiệu lực trong Giáo Hội ngay từ ban đầu, Công Ðồng Ephesus không định tín như một điều khoản mới, vì đó là một chân lý đã được xác lập trong Tin Mừng và trong Kinh Thánh. Những lời này (Lc 1,32; Ga 4,4) tuyên bố một cách hết sức quả quyết rằng Ðức Maria quả thật là Mẹ Thiên Chúa”.[20] Chúng tôi tin, dạy và tuyên xưng rằng, “Ðức Maria được gọi cách chính đáng là Mẹ Thiên Chúa và quả thật Người là như thế”,[21] đó là lời người ta đọc thấy trong một định tín đức tin được soạn sau khi ông mất. Một trong những người khởi xướng phong trào Cải Cách khác viết: “Theo nhận định của tôi, Ðức Maria được gọi là Mẹ Thiên Chúa, “Theotókos” thần linh, được tuyển chọn trước khi có đức tin”.[22] Phần Calvin thì viết: “Kinh Thánh minh nhiên cho chúng ta biết rằng Ðấng sẽ sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria sẽ được gọi là Con Thiên Chúa (Lc 1,32), và rằng chính Ðức Trinh Nữ là Mẹ của Chúa chúng ta”.[23]
Như thế, Mẹ Thiên Chúa, “Théotokos”, là tước hiệu mà chúng ta phải luôn qui chiếu về, đồng thời, như anh em Chính Thống đã làm rất đúng, phân biệt tước hiệu đó với vô vàn danh xưng, tước hiệu khác của Ðức Maria. Nếu tước hiệu này được tất cả các Giáo Hội coi trọng và thực sự làm nổi bật chứ không chỉ đơn thuần nhìn nhận như một chân lý thuộc tín lý, thì có lẽ đủ tạo nên sự duy nhất căn bản chung quanh Ðức Maria, thay vì là nguồn chia rẽ giữa các Kitô hữu, Ðức Maria trở thành nhân tố quan trọng nhất sau Chúa Thánh Thần, cho sự hiệp nhất tất cả các Kitô hữu (đại kết), bởi trong vai trò làm Mẹ, Người đã giúp “thâu họp con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một” (x. Ga 11,52). Với các Giáo Hội Tin Lành còn đang dè dặt đối với Ðức Maria (và như tôi đã nói, phần nào là do lỗi chúng ta), và mặc dù tôi nhìn nhận có sự khác biệt vô cùng giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần, nhưng tôi xin được lặp lại lời mà, một lúc nào đó, một Giáo Phụ đã kêu lên nhằm thúc giục những người đương thời vượt qua những do dự, nghi nan để tôn xưng thần tính trọn vẹn của Chúa Thánh Thần: “Cho tới bao giờ chúng ta còn để đèn dưới đáy thùng? Ðã đến lúc đặt đèn lên giá để nó chiếu sáng trong tất cả các Giáo Hội, trong tất cả các tâm hồn và trên toàn thế giới”.[24] Trong thời gian họp Công Ðồng Ephesus, một Giám Mục đã nói với các nghị phụ trong bài giảng lễ như sau: “Chúng ta đừng tước mất của Ðức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa vinh dự mà Mầu Nhiệm Nhập Thể đã trao cho Người. Tôn vinh thập giá ô nhục đã mang Ðức Kitô đồng thời với việc tôn vinh các bàn thờ, và làm cho thập giá đó rạng rỡ trên khuôn mặt Hội Thánh, rồi sau đó lại không muốn nhìn nhận vinh dự làm Mẹ Thiên Chúa của người đã tiếp nhận thần tính vì nhắm tới một việc thiện hảo lớn lao đến thế, chư huynh kính mến, đấy lại không là điều vô lý sao”.[25]
VI.- MẸ ÐỨC KITÔ: NOI THEO MẸ THIÊN CHÚA
Trên con đường bước theo Ðức Maria, phương thế tiến hành của chúng ta là chiêm ngắm mỗi “bước chân” mà Mẹ đã thực hiện, để rồi sau đó noi theo trong đời sống của mình. Nhưng làm sao noi theo Ðức Trinh Nữ Maria trong việc làm Mẹ Thiên Chúa? Ðức Maria có thể nào là “hình bóng của Giáo Hội”, nghĩa là khuôn mẫu của Giáo Hội, ngay cả về điểm này? Không những là có thể mà là còn chắc chắn nữa, như Origène, thánh Augustin, thánh Bernard, đã đi đến chỗ nói rằng, nếu không noi theo được thì tước hiệu của Ðức Maria sẽ chẳng có ích gì đối với họ. Origène nói: “Nếu Ðức Kitô sinh ra một lần bởi Ðức Maria tại Belem mà không sinh ra cả trong linh hồn tôi nhờ bởi đức tin, thì ích gì cho tôi?”.[26]
Chúng ta cần nhớ lại rằng, mẫu tính thần linh của Ðức Maria thực hiện trên hai bình diện, thể lý và tâm linh. Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa không những vì Người mang Ngài cách thể lý nơi lòng dạ mình, mà còn vì trước tiên Ngài đã thụ thai trong tâm hồn nhờ bởi đức tin. Hiển nhiên chúng ta không thể noi theo Ðức Maria theo nghĩa thứ nhất, sinh hạ Ðức Kitô một lần nữa, nhưng chúng ta có thể noi theo Người theo nghĩa thứ hai, nghĩa đức tin.Chính Ðức Giêsu đã khởi đầu áp dụng tín hiệu “Mẹ Ðức Kitô” cho Giáo Hội khi Ngài tuyên bố: “Mẹ Ta và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21; Mc 3, 31tt; Mt 12, 49). Thánh Augustin viết: “Tôi hiểu chúng ta là những anh em của Ðức Kitô, và các tín hữu, các phụ nữ thánh thiện là những chị em của Ðức Kitô. Nhưng có thể hiểu chúng ta là những người mẹ của Ðức Kitô theo nghĩa nào? Chúng ta có thể nói gì đây? Liệu chúng ta có dám gọi mình là Mẹ của Ðức Kitô? Hẳn đi chứ, hãy dám gọi mình là Mẹ Ðức Kitô! Quả vậy, tôi đã chẳng gọi anh em tất cả là những anh em của Ngài, rồi tôi lại không dám gọi anh em là Mẹ Ngài sao? Nhưng phủ nhận điều mà Ðức Kitô khẳng định thì tôi lại càng không dám. Nào, anh em rất yêu quí của tôi, anh em xem Giáo Hội là Hiền Thê của Ðức Kitô như thế nào, và đó là điều hiển nhiên. Ðiều khó hiểu hơn nhưng lại là sự thật, đó là Giáo Hội là Mẹ Ðức Kitô. Ðức Trinh Nữ Maria đi trước Giáo Hội như là hình bóng của Giáo Hội. Vậy, xin hỏi anh em, làm sao Ðức Maria là Mẹ Ðức Kitô, nếu không phải là vì Mẹ đã sinh ra các chi thể Ðức Kitô? Anh em, những người mà tôi đã hỏi: Ai sinh ra anh em? Anh em là chi thể của Ðức Kitô. Tôi nghe thấy tiếng từ lòng anh em: “Mẹ Giáo Hội chúng ta”, Người Mẹ thánh thiện, được ban vinh dự như Ðức Maria, sinh hạ mà vẫn còn khiết trinh. Vậy, các chi thể Ðức Kitô sinh hạ nhờ Thần Khí, như Ðức Trinh Nữ Maria đã sinh hạ Ðức Kitô từ lòng dạ mình: anh em sẽ trở nên Mẹ của Ðức Kitô là như thế. Ðây không phải là điều vượt quá khả năng của anh em, cũng không phải là điều không thể dung hợp với cương vị hiện tại của anh em; anh em đã trở nên những người con thì cũng hãy là những người mẹ”.[27]
Trong truyền thống, chân lý này được áp dụng theo hai mức độ bổ túc cho nhau. Mức độ thứ nhất, như trong bản văn vừa trích dẫn của thánh Augustin, ta thấy mẫu tính đó được thể hiện trong Giáo Hội xét như một toàn thể, xét như là “Bí tích phổ quát của ơn cứu độ”. Trong mức độ thứ hai, mẫu tính đó được thể hiện nơi mỗi cá nhân hay nơi mỗi kẻ tin. Công Ðồng Vatican II đứng trong viễn tượng thứ nhất khi viết: “Giáo Hội cũng được làm Mẹ, vì nhờ việc rao giảng và ban phép Thanh Tẩy, Giáo Hội sinh hạ những người con được thũ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh hạ ra do Thiên Chúa để họ lãnh nhận đời sống mới và bất diệt”.[28]
Nhưng trong tuyền thống, việc áp dụng riêng cho mỗi tâm hồn còn rõ ràng hơn. Thánh Ambroise viết: “Mỗi tâm hồn tin đều thụ thai và sinh hạ Ngôi Lời Thiên Chúa. Nếu theo xác phàm, chỉ có một người là Mẹ Ðức Kitô, thì theo đức tin, mọi tâm hồn đều sinh hạ Ðức Kitô khi đón nhận Lời Thiên Chúa”.[29] Bên Ðông phương, một Giáo Phụ khác lặp lại tương tự: “Ðức Kitô luôn sinh ra cách bí nhiệm nơi tâm hồn, bằng cách mang lấy thân xác của những kẻ đã được cứu và làm cho linh hồn sinh ra Ngài trở thành một người mẹ trinh khiết”.[30] Một tác giả thời Trung Cổ, một cách nào đó, đã tổng hợp các lối giải thích này, ông viết: “Ðức Maria và Giáo Hội là một người mẹ và là nhiều người mẹ, một trinh nữ và là nhiều trinh nữ”. Cả hai đều thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, không có sự lôi cuốn của xác thịt. Cả hai sinh con cái cho Thiên Chúa mà không vương tội. Một bên sinh hạ Ðầu cho Thân Mình, không hề mắc tội; một bên làm nảy sinh một Thân Mình cho Ðầu, qua việc tha tội. Cả hai đều là Mẹ Ðức Kitô, nhưng không bên nào sinh ra Ðức Kitô toàn thể mà không có bên kia. Vì thế, trong các Sách Thánh được Thiên Chúa linh hứng, đều nói cách tổng quát về Mẹ trinh khiết là Giáo Hội được áp dụng cách đặc biệt cho Ðức Maria là chính đáng, cũng thế, điều nói cách đặc biệt về Mẹ trinh khiết là Ðức Maria thì hiểu cách tổng quát về Mẹ trinh khiết là Giáo Hội. Cuối cùng, mỗi tâm hồn tín hữu theo thể cách riêng của mình, là Hiền Thê của Ngôi Lời Thiên Chúa, đồng thời là mẹ, là con gái và là chị em của Ðức Kitô, vừa trinh khiết vừa phong nhiêu. Như thế chính khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngôi Lời của Chúa Cha cùng lúc chỉ rõ Giáo Hội theo nghĩa phổ quát, Ðức Maria theo nghĩa hết sức đặc biệt, và mỗi tâm hồn tín hữu cách riêng biệt”.[31]
VII.- LÀM THẾ NÀO THỤ THAI VÀ SINH HẠ ÐỨC KITÔ MỘT LẦN NỮA
Giờ đây, chúng ta chú tâm đến việc áp dụng tước hiệu Mẹ Thiên Chúa vào những gì liên quan đến mỗi người chúng ta cách riêng biệt. Thử xem, chúng ta có thể trở thành Mẹ Ðức Giêsu trong đời sống cụ thể như thế nào. Ðây là giai đoạn áp dụng suy niệm này vào đời sống thiêng liêng.
Ðức Giêsu dạy chúng ta trở nên Mẹ của Ngài như thế nào? Qua hai việc: lắng nghe Lời và đem ra thực hành.
Ðể hiểu được điều này, chúng ta hãy nhớ lại Ðức Maria đã trở thành Mẹ bằng cách nào: bằng cách thực thi và sinh hạ Ðức Giêsu. Có hai cách làm mẹ bất toàn hoặc hai thứ cắt đứt vai trò làm mẹ: một thứ đã xa xưa và ai cũng biết đó là làm hư thai. Ðiều này xảy ra khi người ta thụ thai nhưng không sinh hạ, lý do là vì giữa thời gian đó, do những nguyên nhân tự nhiên hay do tội của con người mà thai nhi bị chết. Cho tới thời gian gần đây, đó là trường hợp duy nhất về mẫu tính bất toàn mà người ta biết tới. Ngày nay, chúng ta lại biết một trường hợp khác ngược lại, trường hợp sinh một đứa con nhưng không thụ thai người con đó. Ðây là trường hợp những hài nhi thụ thai trong ống nghiệm sau đó được đưa vào lòng một phụ nữ, hay trường hợp vô cùng đáng buồn và bi thảm hơn nữa đó là người ta cho mượn tử cung, trả tiền nếu cần, làm nơi tạm trú cho một sinh mạng đã được thụ thai nơi khác. Trong trường hợp này, đứa con mà người phụ nữ sinh ra không do từ xương thịt mình và không được thụ thai “trong tâm hồn trước khi được thụ thai trong thân xác người phụ nữ đó”. Lạ thay, thời xưa, chúng ta cũng đã thấy có những người lạc giáo nghĩ tương tự như thế về Ðức Maria, người “cho tạm trú” hơn là sinh ra Ðức Kitô, nguồn gốc thân xác của Ngài là ở trên cao, vì thế đối với Ngài, Ðức Maria là một “lối đi qua” hơn là một người “mẹ”.Khốn thay, hai tình huống đáng buồn đó lại gặp thấy cả trên bình diện thiêng liêng. Thụ thai mà không sinh hạ Ðức Giêsu, đó là đón nghe Lời mà không đem ra thực hành, kẻ làm hư bào thai hết lần này đến lần khác qua việc lập ra những dự định hoán cải để rồi sau đó quên bẵng mất, từ bỏ dự định giữa chừng, và cả những người xử sự với Lời Chúa như một kẻ ngắm xem vội vàng: anh ta soi gương xem mặt mày ra sao, soi rồi thì đi mất, mà quên ngay không nhớ mình thế nào (x. Lc 1,23-24). Nói tóm lại là kẻ có đức tin nhưng không có việc làm.
Ngược lại, sinh ra nhưng không thụ thai Ðức Kitô là kẻ thực hiện được rất nhiều việc ngay cả những việc lành, nhưng những việc đó không phát xuất từ tâm hồn, từ tình yêu đối với Thiên Chúa và từ một ý hướng ngay chính, mà đúng hơn là từ thói quen, thói giả hình, từ sự tìm kiếm vinh quang cho riêng mình, từ ý thích của mình hoặc chỉ vì sự thoả mãn do hoạt động mang lại. Nói chung là kẻ có việc làm nhưng không có đức tin.
Như vậy, trong hành trình của chúng ta, chúng ta đã đi tìm đến “vấn đề các việc lành”. Sau ân sủng của Thiên Chúa và sự đáp trả của con người, đã đến lúc nói đến các việc làm. Chúng ta hãy nghe phần tiếp theo bản văn của Thánh Tông Ðồ mà chúng ta đã gặp khi nói về ân sủng và đức tin: “Chính bởi ân sủng mà anh em đã được cứu, nhờ lòng tin, và lại không do từ anh em. Ðó là ơn Thiên Chúa ban; không phải do tự việc làm, để đừng có ai vênh vang tự đắc. Quả thật, ta là trước tác của Người đã được dựng nên trong Ðức Giêsu Kitô hầu làm các việc lành, con đường Thiên Chúa dọn trước cho ta đi” (Ep 2,8-10). Chúng ta là công trình của Thiên Chúa: đó là điều cốt yếu; công trình tốt lành mà chính Thiên Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, không phải là để chúng ta trong sự trơ lỳ, thụ động hay tệ hơn nữa, ở lỳ trong tội, nhưng là để chúng ta có khả năng, đến lượt mình thực hiện những việc lành, nhờ ân sủng và lòng tin, những việc mà Ngài đã chuẩn bị trước cho chúng ta và là những hoa quả của Thần Khí, những nhân đức Kitô giáo: hãm mình, các việc bác ái, cầu nguyện, lòng nhiệt thành hăng say mở rộng Nước Chúa.
Hành trình thiêng liêng của chúng ta sẽ bị ngưng lại ở điểm này và thậm chí như bị sẩy thai, nếu chúng ta không chấp nhận qui luật đó, nếu chúng ta không xem xét một cách nghiêm túc vấn đề đem Lời ra thực hành, nếu chúng ta không bao giờ đi từ sự chiêm ngắm sang việc noi theo Ðức Kitô. Như chúng ta đã thấy, chỉ thực hiện các việc lành thôi thì không đủ. Những việc đó chỉ “lành” khi chúng phát xuất từ tâm hồn, khi chúng được cưu mang trong lòng tin và bởi tình yêu đối với Thiên Chúa. Nói tóm lại, nếu ý hướng dẫn dắt chúng ta là ngay chính. Lời Kinh Thánh nói: “Phàm điều gì không do xác tín (conviction de foi) thì điều ấy là tội” (Rm 14,23).
Mối liên hệ giữa đức tin và việc làm là một vấn đề đòi hỏi hơn một trong những tổng hợp khó khăn lắm mới xây dựng nổi giữa các Kitô hữu, sau bao thế kỷ tranh luận giữa người Công Giáo và người Tin Lành. Giờ đây, sự nhất trí trên bình diện lý thuyết, thần học, hầu như đã hoàn toàn. Người ta biết rằng: chúng ta được cứu không phải “bởi” việc làm, nhưng chúng ta cũng không thể được cứu nếu “không có” việc làm. Chúng ta được công chính hóa bởi tin, nhưng chính đức tin lại thúc đẩy chúng ta đến việc làm, nếu ít ra chúng ta không muốn giống như đứa con trong ví dụ hai người con, đứa con vồn vã thưa vâng khi nghe cha bảo đi làm việc ngoài đồng nhưng sau lại không đi (x. Mt 21,28tt).
Tổng hợp này cần phải được thực hiện không những trên bình diện nghiên cứu thần học mà còn phải thực hiện cả trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Hẳn nhiên là phải khởi sự, nhưng vấn đề là từ đâu? Một triết gia phái Luther rất nổi tiếng hiện nay đã đề nghị khởi sự từ việc làm. Ông nêu lý do: “Nguyên lý việc làm thì đơn giản hơn là nguyên lý đức tin”.[32] Trên thực tế, đạt tới một thái độ tin chính thực đòi hỏi phải có một chiều sâu nội tâm và một tâm trí thuần khiết khó có thể đạt tới, mỗi thế hệ họa hoằn mới có vài người có thể đạt được. Ngược lại, khởi sự làm một điều gì đó, dù làm cách bất toàn, thì dễ dàng hơn. Khi từ bỏ mình, nếu người ta đã khởi sự thực hiện một điều gì đó thì sẽ dễ tin hơn. Triết gia nói trên tiếp tục: “Khi phải xử sự với một kẻ lười biếng, cứ nói thẳng với anh ta: Anh có thể cho biết các hành động của anh? Nếu anh ta cam đoan, thề thốt rằng tự trong “thâm tâm” sẵn sàng hy sinh mọi sự, rằng trong thâm tâm anh cảm thấy hoài mong được hát lên những bài thánh ca, được chay tịnh trong sự thinh lặng của một tu viện, trong khi cuộc sống bên ngoài của anh ta lại chạy tìm lợi lộc, thích chỗ danh dự nơi công hội, thì hãy nói với anh ta điều này (và đó là sự đơn giản): Không, anh bạn quí của tôi, xin lỗi, chúng tôi muốn biết các hành động của anh! Luther đã khám phá ra nguyên lý công chính hóa bởi tin: đó là điều chắc chắn, nhưng người ta dễ dàng quên rằng, triết gia đó viết tiếp, ông khám phá ra nguyên lý đó sau bao năm tập sống đời khổ hạnh nghiêm ngặt nhất trong tu viện, nếu không có thời gian tập lâu như thế thì liệu ông có khám phá ra nguyên lý đó không, ai mà biết được. Ngày nay rất nhiều người muốn khởi sự nơi mà Luther đã kết thúc”.
VIII.- HAI NGÀY LỄ CỦA HÀI NHI GIÊSU
Chúng ta đã xem xét trường hợp tiêu cực về mẫu tính bất toàn do thiếu lòng tin hay thiếu việc làm. Giờ đây chúng ta xét đến trường hợp tích cực về mẫu tính đích thực và trọn vẹn mà nhờ đó chúng ta được nên giống Ðức Maria. Thánh Francis Assise có một câu nói tóm tắt đầy đủ những điều tôi muốn làm sáng tỏ. Ngài nói: “Chúng ta là những người mẹ của Ðức Kitô khi chúng ta mang Ngài trong tâm hồn và trong thân xác chúng ta bằng tình yêu, bằng trung thành và sự thuần khiết của lương tâm, và chúng ta sinh ra Ngài bằng những hành vi tốt lành, những hành vi trở nên một ánh sáng, một gương mẫu cho tha nhân. Ôi thật là thành thiện và quí giá, thú vị và mọn hèn, đầy an ủi và êm ái, đáng mến và đáng ước ao, được có một người anh và một người con như thế: “Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta!”.[33] Thánh Phanxicô nói, chúng ta thụ thai Ðức Kitô khi chúng ta yêu mến Ngài trong sự chân thật của tâm hồn và bằng sự ngay thẳng của lương tâm, và chúng ta sinh ra Ngài khi chúng ta hoàn thành những việc thiện khiến Ngài được tỏ lộ cho mọi người. Ðiều này vọng lại lời của Ðức Giêsu: “Ánh sáng của các ngươi phải chói lọi trước mặt người ta, ngõ hầu họ thấy việc lành các ngươi làm mà tôn vinh Cha các ngươi, Ðấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
Thánh Bonaventure, môn đệ và là người con của vị Thánh Nghèo, đã khai triển chủ đề này trong một tiểu phẩm mang tựa đề: “Năm ngày lễ của Hài Nhi Giêsu”. Trong phần dẫn nhập, ngài kể lại việc, ngày kia, khi về ẩn nơi Alverne, ngài bỗng nhớ đến lời các thánh phụ nói rằng, linh hồn tận hiến cho Thiên Chúa, bởi ơn Chúa Thánh Thần và bởi quyền năng Ðấng Tối Cao, có thể thụ thai Ngôi Lời đáng chúc tụng và là Con Một của Chúa Cha cách thiêng liêng, có thể sinh hạ Ngài, đặt tên cho Ngài, bái thờ Ngài cùng với các đạo sĩ, và cuối cùng sung sướng dâng Ngài cho Thiên Chúa Cha trong Ðền Thờ.Trong năm giai đoạn hay năm ngày lễ về Hài Nhi Giêsu mà linh hồn cần phải sống lại, chắc hai giai đoạn đầu khiến chúng ta lưu ý nhất: thụ thai và sinh hạ.
Theo thánh Bonaventure, linh hồn thụ thai Ðức Giêsu khi không còn thoả mãn với đời sống mình đang sống, được thôi thúc bởi những cảm hứng thánh thiện, được thôi thúc bởi niềm khao khát thánh thiện, và cuối cùng cương quyết dứt ra khỏi những thói quen và những khuyết điểm của con người cũ, linh hồn như thụ thai cách thiêng liêng bởi ơn Chúa Thánh Thần và cưu mang quyết tâm sống một đời sống mới. Ðó chính là sự thụ thai Ðức Kitô! Một khi đã thụ thai, Con Thiên Chúa sẽ sinh ra trong tâm hồn chúng ta khi chúng ta lập tức đem ra thực hiện quyết tâm thánh thiện đó sau khi đã có sự biện biệt khôn ngoan, đã xin những lời khuyên thích đáng, và khấn xin Thiên Chúa trợ giúp khởi sự thực hiện những gì mình đã cưu mang lâu dài trong tâm trí nhưng đã luôn trì hoãn vì sợ mình bất lực.[34] Thiết tưởng cần phải nhấn mạnh đến một điểm: quyết tâm sống đời sống mới cần phải được diễn tả ra ngay, không chậm trễ và diễn tả bằng một hành vi cụ thể, bằng một sự thay đổi bên ngoài và có thể nhìn thấy được hết sức có thể, trong đời sống cũng như trong các thói quen của chúng ta. Nếu quyết định mà không chuyển qua hành động thì Ðức Giêsu được cưu mang nhưng không được sinh ra, và chúng ta nhận ra đó là một trong nhiều vụ phá thai trên bình diện thiêng liêng, và như thế người ta sẽ không bao giờ cử hành “ngày lễ thứ hai” của Hài Nhi Giêsu, tức là ngày lễ Giáng Sinh, Noel! Ðó sẽ là một trong rất nhiều sự trì hoãn có thể đã đánh dấu cuộc đời chúng ta, và là một trong những nguyên nhân chính khiến rất ít người đạt tới sự thánh thiện.
Nếu bạn quyết định thay đổi lối sống của bạn để gia nhập hạng người nghèo khó, khiêm hạ, là những người như Ðức Maria, chỉ tìm được nghĩa với Thiên Chúa mà không màng đến chuyện làm vui lòng người ta, thì bạn hãy trang bị cho mình lòng dũng cảm, vì bạn sẽ cần đến nó. Bạn sẽ phải đương đầu với hai hình thức cám dỗ. Như thánh Bonaventure nói, trước tiên những con người xác thịt thân cận với bạn sẽ đến nói với bạn: “Những gì anh muốn thực hiện là quá khó đấy, anh sẽ không bao giờ làm nổi đâu, anh sẽ làm tổn hại đến danh dự, danh giá chức nghiệp của mình đấy”. Khi Vượt Qua được những chướng ngại đó thì những người khác sẽ xuất hiện, những kẻ có vẻ là tốt lành, đạo đức, có thể là như vậy, nhưng họ không thực sự tin vào quyền năng của Thiên Chúa và Thần Khí Người. Những người đó sẽ bảo bạn rằng, nếu anh khởi sự sống theo lối đó, dành nhiều thời gian để cầu nguyện, tránh những chuyện tầm phào vô ích, làm các việc bác ái, lập tức anh sẽ được coi như một ông thánh, một người đạo đức thiêng liêng đấy, và vì anh quá hiểu rằng mình chưa được như thế, rốt cuộc anh sẽ trở thành một kẻ lừa bịp người khác, anh sẽ là một tên giả hình, anh sẽ kéo cơn thịnh nộ của Thiên Chúa xuống trên mình, bởi Ngài là Ðấng dò thấu tâm can. Trước tất cả những cơn cám dỗ đó, bạn hãy trả lời với tất cả lòng tin: “Không đâu, tay Giavê không quá ngắn đến nỗi không thể cứu độ!” (Is 59,1). Và như thể nổi giận với chính mình, bạn hãy kêu lên như Augustin lúc sắp trở lại: “Ðiều ông nọ bà kia được, tại sao tôi lại không? Si isti et istae, cur non ego?”.[35]
Tôi vừa trích dẫn thánh Augustin thêm một lần nữa. Tôi xin kết thúc phần này bằng một trong những lời của ngài mời gọi chúng ta hãy noi theo Mẹ Thiên Chúa: “Mẹ Ngài mang Ngài nơi lòng dạ mình, còn chúng ta mang Ngài nơi tâm hồn chúng ta. Ðức Trinh Nữ mang thai bởi việc Nhập Thể của Ðức Kitô, chớ gì chúng ta cũng được mang thai bởi lòng tin vào Ðức Kitô. Mẹ đã sinh Ðấng Cứu Thế, chớ gì chúng ta cũng sinh ơn cứu độ và lời ngợi ca. Chớ gì tâm hồn chúng ta không bị cằn cỗi mà trở nên phong nhiêu cho Thiên Chúa”.[36]
[1]Ancien répons de Noel.
[2]Tertullien, Contre les Valentiniens 27,1: CC 2, p. 772.
[3]Tertullien, Sur la chair de Christ 21,4: CC 2, p. 911.
[4]Saint Cyrille d’Alexandrie, Anathène I contre Nestorius, dans Enchiridion Symbolorum, cité, n. 252.
[5]Saint Cyrille d’Alexandrie, Sur l’Évangile de Jean XII, 19, 25-27: PG 74, 661 ss.
[6]Saint Augustin, Sermon 72A: Denis 25, 7; Miscellanea Agostiniana I, p. 162.
[7]Saint Augustin, Nature et gráce 36, 42: CSEL 60, p. 263.
[8]S. Kierkegaard, Journal IIA, 110.
[9]Tertullien, Sur la chair du Christ 5,6: CC 2, p. 881.
[10]Ch. Péguy, Le mystère des Saints Innocents, dans Oeuvres poétiques, op. Cit, p. 692.
[11]Tertullien, Sur la chair du Christ 4,3: CC2, p. 878.
[12]Saint Basile, Homélie sur la sainte génération du Christ 3: PG 31, pp. 1464; Proclus de Constantinople, Homélie sur la Mère de Dieu I: PG 65, pp. 681.
[13]Saint Cyrille d’Alexandrie, Lettre II à Nestorius: PG 77, pp. 448.
[14]Cf. Tertullien, Sur la chair du Christ 5,4: CC2, pp. 881.
[15]Saint Irénée, Contre les hérésies V, 2,3: Sch 153, pp. 34s.
[16]Saint Ignace d’Antioche, Lettre aux Ephésiens 7,2.
[17]Dante Alighieri, Paradis XXXIII, 1.
[18]Luther, Commentaire sur le Magnificat (éd. Weimar 7, pp. 572s).
[19]Saint Francois d’Assise, Office de la Passion du Seigneur. (Saint Francois d’Assise, Documents, Paris, 1968, pp. 158).
[20]Luther, Des conciles de l’Église (éd. Weimar 50, pp. 591s).
[21]Formule d’Entente de l’année 1577, art. 8,7.
[22]H. Zwingli, Expositio fidei, dans Zwingli, Hauptschriften der Theologe III, Zurich, 1948, pp. 329; Idem., Fidei ratio 6.
[23]Calvin, Institution de la religion chrétienne II, 14, 4.
[24]Saint Grégoire de Nazianze, Discours 12,6: PG 77, pp. 1472.
[25]Acace de Mélitène, Discours Augustin concile d’Éphèse: PG 77, pp. 1472.
[26]Cf. Origène, Commentaire sur l’Évangile de Luc 22,3: Sch 87, pp. 302.
[27]Saint Augustin, Sermon 72A: Denis 25, 8; misc. Agost, I, pp. 164.
[28] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, n. 64.
[29]Saint Ambroise, Sur l’Évangile selon Luc II, 26: CSEL 32, 4, pp. 55.
[30]Saint Maxime le Cofesseur, Commentaires sur le “Notre Père”: PG 90, pp. 889.
[31]Isaac de l’Étoile, Discours 51: PL 194, pp. 1863.
[32]S. Kierkegaard, Journal XI 2A, pp. 301.
[33]Saint Francois d’Assise, Lettre aux fidèles I: Documents, cité, pp. 106.
[34]Saint Bonaventure, Les cinq fètes de l’Enfant Jésus (éd. Quaracchi, 1949, pp. 207ss).
[35]Saint Augustin, Confessions VIII, 8, 19.
[36]Saint Augustin, Sermons 189,3: PL 38, pp. 1006.