Tác giả: Frank J. Matera Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn văn Am, SDB. Giáo hội đóng một vai trò quan trọng trong Tân Ước, ngay cả khi không được nói đến. Lý do thật giản đơn. Những tác giả của Tân Ước viết cho các cộng đoàn của các tín hữu. Do đó, Giáo […]
Tác giả: Frank J. Matera
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn văn Am, SDB.
Giáo hội đóng một vai trò quan trọng trong Tân Ước, ngay cả khi không được nói đến. Lý do thật giản đơn. Những tác giả của Tân Ước viết cho các cộng đoàn của các tín hữu. Do đó, Giáo hội đi trước và khai sinh ra Tân Ước. Dẫu nẩy sinh từ Tân Ước, Giáo hội phải liên tục được trở về lại tài liệu nền tảng này khi suy tư về chính nguồn gốc và chân tính của mình.
Những suy tư như thế có thể tiến hành theo nhiều cách. Chẳng hạn, người ta có thể dùng những bản văn ấy như những nguồn liệu lịch sử để khảo sát cách thức Giáo hội hiện hữu. Hoặc người ta lại có thể nhìn các bản văn ấy theo ánh sáng của lý thuyết xã hội hiện hành để học hỏi Giáo hội như một hiện tượng xã hội của thế kỷ thứ nhất. Hay, như tựa đề của bài viết này đề xuất, người ta có thể dùng những bản văn Tân Ước để khám phá những nền thần học của họ về Giáo hội.
Ngày nay nhiều nhà chú giải Tân Ước thừa nhận rằng Tân Ước chứa đựng nhiều nền thần học, không phải tất cả đều hài hòa với nhau bởi lẽ Tân Ước gồm chứa nhiều bản văn khác nhau do nhiều soạn giả khác nhau đáp ứng cho những hoàn cảnh khác nhau. Do vậy, có nhiều nền thần học về Giáo hội trong Tân Ước. Bài viết này chấp nhận tiền đề trên khi khảo sát những bản văn Tân Ước theo trật tự sau đây: (1) Bốn Phúc âm; (2) Công vụ tông đồ; (3) các thư Phaolô; (4) thư 1 Phêrô, thư Do Thái và Khải Huyền.
I. CỘNG ĐOÀN CỦA CÁC MÔN ĐỆ
Mặc dù từ ekklesia (Giáo hội) chỉ dùng có ba lần trong các Tin Mừng (Mt 16,18; 18,17 [hai lần]), những bản văn này không mất khỏi Giáo hội học. Chắc chắn mục tiêu tiên quyết của các bản văn này chính là công bố Tin Mừng bằng cách tường thuật lại câu chuyện của Đức Giêsu. Thế nhưng, mỗi đoạn văn ấy giả thiết và hàm ẩn một Giáo hội học.
Tin mừng Marcô có lẽ viết cho một công đoàn Kitô hữu gốc dân ngoại ở Roma trong thời kỳ chiến tranh Do Thái (60-70). Tin mừng này nhìn Giáo hội như một cộng đoàn của các môn đệ, trong đó sự phục vụ minh xác quyền lãnh đạo. Cộng đoàn này bị phân tán khi Đức Giêsu chết (14,27; 50). Nhưng rồi được quy tụ lại nhờ Đức Chúa phục sinh (16,7). Bây giờ cộng đoàn ấy trở thành cộng đoàn truyền giáo, rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc (13,10) đang khi chờ đợi ngày trở lại gần kề của Con Người (13,32-37).
Khởi đầu Tin Mừng, Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ tiên khởi (1,16-20). Sau này Ngài mời gọi 12 người để thành lập “Nhóm Mười Hai”, trong đó Phêrô, Giacôbê và Gioan (đôi khi là Anrê) tạo thành một vòng nhỏ hơn (5,37; 9,2; 13,3). Suốt cuốn Tin Mừng đó Đức Giêsu dạy dỗ nhóm Mười Hai rằng sự cao trọng hệ tại ở việc phục vụ người khác chứ không phải trong việc thi hành quyền bính (10,41-44). Vì thế, Giáo hội phải khuôn rập mình theo Con Người, Đấng đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ (10,45). Các phần tử của Giáo hội phải vác lấy thập giá (8,34) và phục vụ các nhu cầu của nhau (9,33-37).
Tin Mừng Matthêu dùng Tin Mừng Marcô như nguồn tư liệu căn bản và có chung nhiều chủ đề về Giáo hội. Viết cho cộng đoàn gồm những người Kitô hữu gốc Do Thái giáo và dân ngoại ở Antiokia miền Syria khoảng năm 85, Tin Mừng Matthêu trình bày một nền Giáo hội học được phát triển hơn của Marcô, đặc biệt dưới khía cạnh kỷ luật và cơ cấu.
Tin Mừng Matthêu nổi bật nhờ một loạt những diễn từ Chúa Giêsu nói cho các môn đệ: bài giảng trên núi (5-7); diễn từ về truyền giáo (10); diễn từ bằng các dụ ngôn (13); diễn từ về đời sống Giáo hội (18); và diễn từ cánh chung về việc Con Người trở lại (24-25). Thính giả được nhắm đến trong các diễn từ là cộng đoàn của Matthêu. Những diễn từ giống như những chỉ thị của Chúa Phục sinh cho Giáo hội của thời thánh Matthêu. Như thế, chúng vén lên nhiều điều về nền thần học của thánh Matthêu.
Bài giảng trên núi chẳng hạn, cho thấy rằng Matthêu hiểu Giáo hội như một cộng đoàn của các môn đệ, kiện toàn luật Môsê như đã được Đức Giêsu, Đấng Mêsia giải thích. Nhờ Đức Mêsia dạy dỗ, Giáo Hội đâm bông kết trái và thực thi đức công chính vượt xa đức công chính của các kinh sư và biệt phái (5,20). Do đó, Đức Giêsu đồng hóa môn đệ ngài với muối đất và ánh sáng thế gian (5,13-16).
Trong diễn từ về truyền giáo, Matthêu trình bày Giáo hội là truyền giáo. Hiển nhiên những chỉ thị nhắm đến những vị truyền giáo trong thời của Matthêu. Mặc dù Đức Giêsu chỉ giới hạn sứ mệnh của mình và sứ mệnh của các môn đệ cho các chiên lạc của nhà Israel (10,5-6), thì Đức Chúa Phục sinh lại trao phó cho Giáo hội sứ mệnh để tiếp nhận thêm môn đệ từ khắp mọi dân nước (28:18-20).
Với diễn từ bằng dụ ngôn như dụ ngôn cỏ lùng (13,24-30; 36-43) và dụ ngôn về chiếc lưới cho thấy rằng không phải ai nấy đều tốt lành trong công đoàn Matthêu. Giáo hội giống như một thửa vườn trong đó pha lẫn cỏ lùng và lúa tốt. Như Đức Giêsu đã cảnh cáo ở cuối bài giảng trên núi, trong Giáo hội có những ngôn sứ giả hiệu. Họ vốn gọi Ngài là “Chúa” nhưng không thực thi lời Ngài (7,15-23). Trong khi một số phần tử của cộng đoàn bị cám dỗ là tẩy trừ những người làm xấu như thế ra khỏi cộng đoàn, thì Đức Giêsu theo Matthêu lưu ý rằng, họ phải kiên nhẫn chờ đợi ngày thẩm xét khi Con Người sẽ sai các thiên thần của ngài tách biệt kẻ xấu khỏi người tốt (13,30; 40-42; 49).
Bởi vì trong Giáo hội có những thất bại, Đức Giêsu của Matthêu thiết lập một quy luật của cộng đoàn cho những môn đệ đã phạm tội và xa lạc (18,1-35). Trong trường hợp xúc phạm nặng ta phải riêng tư gặp gỡ phiá làm lỗi trước (18,5). Nếu thất bại, mới nại đến hai hay ba người khác (18,16). Nếu còn thất bại nữa, người ta sẽ nói cho Giáo hội (cộng đoàn, ekklesia, 18,17). Nếu vẫn thất bại, thì Giáo hội mới có thẩm quyền trên tội nhân, vì bất cứ điều gì Giáo hội trói hay buộc trên trần thì trên trời cũng trói hay buộc (18,18).
Diễn từ chung luận của Đức Giêsu chỉ dẫn Giáo Hội phải sống ra sao trong thời gian giữa cuộc phục sinh và cuộc trở lại của Ngài khi Con Người lên ngôi hiển trị. Giáo Hội không được để mình bị các ngôn sứ giả lừa dối hay bị các cuộc bách hại làm cho chưng hửng. Đúng hơn, Giáo hội phải rao giảng Tin Mừng về Vương quốc cho đến khi Con Người xuất hiện (24,4). Giáo hội phải tỉnh thức như các trinh nữ đợi chờ lang quân (25,1-13). Giáo hội cũng phải “chịu khó” như những đày tớ chờ đợi chủ về (25,14-30).
Nói tóm, những diễn từ cho thấy rằng Matthêu nhìn Giáo hội như một cộng đoàn được chỉ dạy trong đường công chính, có bản chất là truyền giáo, được ban quyền để giáo hóa các phần tử của mình đang khi mong đợi Con Người [đến], Đấng sẽ phân rẽ kẻ lành người xấu.
Khía cạnh nổi bật nhất của Giáo hội học theo Matthêu là mối phúc mà Đức Giêsu công bố trên Phêrô. Chỉ riêng Tin Mừng Matthêu mới ghi lại điều này :
Ông Simon Phêrô thưa : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Đức Giêsu nói với Ông: “Này Anh Simon con Ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16,17- 19)
Theo bản văn này, Matthêu trình bày Đức Giêsu là Đấng sáng lập Giáo hội – ekklesia; Đó là cộng đoàn của chính Ngài, với Phêrô là đá nền. Ekklesia này, Đức Giêsu coi là của chính Ngài (“Giáo Hội của Thày”) vì Ngài làm cho cộng đoàn này hiện hữu. Giáo Hội mang tính chất cánh chung bởi vì không gì, ngay cả quyền lực sự chết (“Cửa hoả ngục”), có thể thắng nổi. Còn Phêrô, chính là người mà trên đó tòa nhà được xây dựng, nhưng Đức Giêsu mới chính là Đấng sáng lập. Vì thế, Đức Giêsu ban cho ông chìa khóa vương quốc để điều gì Phêrô buộc và cởi trên trần cũng bị buộc và cỡi trên trời. Trong khi toàn cộng đoàn được trao ban một quyền năng tương tự (18,18-19), thì chỉ riêng Phêrô được ban quyền giữ chìa khoá, nói lên rằng ông có một vai trò độc đáo và thẩm quyền trong Giáo hội.
Nhưng đâu là mối liên hệ của ekklesia của Đức Giêsu với Israel? Một đàng, Matthêu nhìn rõ sự liên tục giữa Israel và Giáo Hội vì Đức Giêsu, Đấng Mêsia, đã thiết lập nên Giáo Hội. Đàng khác, Matthêu ý thức sâu sắc rằng phần lớn Israel đã không chấp nhận Đức Giêsu là Đức Mêsia. Vì thế, trong dụ ngôn về những người tá điền theo văn bản của Matthêu, Đức Giêsu cảnh cáo những nhà lãnh đạo tôn giáo rằng vương quốc Thiên Chúa sẽ bị cất khỏi họ và giao cho một dân tộc biết sinh hoa trái (21,43). Như vậy, Matthêu nghĩ rằng Giáo hội vừa khác biệt vừa tiếp nối, Israel lịch sử. Tiếp nối với Israel bởi vì Đức Mêsia sáng lập Giáo hội và khác biệt bởi vì Giáo hội bao gồm tất cả mọi dân tộc, mà không loại trừ Israel.
Tin mừng Luca mang nhiều nét về Giáo hội học ta đã thấy trong Marcô vì nó sử dụng Tin Mừng Marcô như một nguồn tư liệu. Tin mừng này được viết tiên vàn cho các độc giả dân ngoại khoảng năm 85; Tin Mừng này trình bày Giáo hội là cộng đoàn các môn đệ, một “đoàn chiên bé nhỏ” (12,32) có bản chất là truyền giáo và được nổi bật nhờ phục vụ khiêm tốn. Tuy thế, Luca khai triển khoa Giáo Hội của mình cách mới mẻ vì Tin Mừng của ngài chỉ là phần đầu của một tác phẩm gồm hai tập, Tin Mừng Luca – Công vụ Tông đồ.
Là một sử gia vốn cẩn thận truy cứu các nguồn tư liệu trong tầm tay, Luca cố gắng đưa ra một trình tự để các tín hữu tin chắc về những gì diễn ra từ thời Đức Giêsu cho đến thời của Giáo hội (1,1-4). Vì thế, Luca trình bày nguồn gốc của Giáo hội trong một viễn ảnh rộng lớn hơn; ông phân biệt rõ ràng hơn Marcô giữa thời gian của Đức Giêsu và thời gian của Giáo hội.
Tin Mừng tập trung vào thời của Đức Giêsu, và Luca rõ ràng trình bày ở đây hoàn thành (viên mãn) những niềm hy vọng của dân tộc Israel về Đấng Thiên sai (1,5-2,40). Tuy nhiên, vì Luca viết Tin Mừng với nhãn giới của cuốn thứ hai nữa, nên câu chuyện về Đức Giêsu bao trùm lên thời gian của Giáo hội. Chẳng hạn, vì Luca trình bày các tông đồ như những vị lãnh đạo cánh chung của Israel được tái thiết, nên Luca rõ ràng đồng hoá họ với nhóm Mười Hai (6,12-16). Tại bữa tiệc ly, sau khi Đức Giêsu dạy cho các kẻ theo Ngài tầm quan trong của sự phục vụ khiêm tốn (11,24-27), Ngài ban cho họ quyền cai trị và đoan hứa rằng họ sẽ ngồi trên tòa mà xét xử mười hai chi tộc Israel (22,28-30). Rồi Đức Giêsu nêu cao vai trò của Phêrô, người sau khi hoán cải ăn năn, sẽ kiện cường các anh em mình (22,31-34). Sau này, Đức Chúa phục sinh hiện ra cho các tông đồ và thiết lập họ thành những chứng nhân rao giảng cho muôn dân sự sám hối hầu được thứ tha tội khiên. Khi kết thúc Tin Mừng, cộng đoàn các môn đệ Chúa Giêsu sẵn sàng để trở thành Giáo hội.
Dù tiên vàn viết cho độc giả dân ngoại, Luca nhấn mạnh đến sự tiếp nối giữa Israel và cộng đoàn của những kẻ tin vào Đức Giêsu. Chẳng hạn, trình thuật thời thơ ấu cho thấy cách thức nào Thiên Chúa của Israel đã hoàn tất các lời hứa của Ngài cho những người Israel công chính như Zacaria và Elizabeth, Maria và Giuse, Simeon và Anna. Trong sách Công vụ tông đồ, Luca sẽ giải thích làm cách nào và tại sao dân ngoại đến định cư trong Giáo hội.
Tin Mừng Gioan tiên vàn quan tâm đến Kitô học. Tuy nhiên, các nhà chú giải có thể xác định nhiều điều về Giáo hội học từ câu chuyện mà tin mừng kể lại. Được viết độc lập với Tin Mừng Nhất lãm, hình thức hiện tại của Tin Mừng này, vốn đã được ấn hành vài lần trước đó, được soạn thảo khoảng cuối thế kỷ I và nhằm đến một cộng đoàn được kết hợp lại quanh một hình ảnh của người môn đệ mà Đức Giêsu yêu mến (13,23; 19,26; 20,2; 21,7.20).
Mặc dầu Tin Mừng thứ tư ám chỉ đến nhóm mười hai (6,70), nhưng Tin Mừng không để lại một tài liệu nào cho thấy Đức Giêsu kêu gọi họ. Điều này gợi ý rằng họ không đóng một vai trò cốt yếu theo nhãn quan của Gioan về Giáo Hội. Tuy nhiên, theo Ga 6,67-69, Phêrô đóng một vai trò quan trọng. Còn trong Ga 21,15-19, Đức Giêsu chỉ thị cho Phêrô phải chăm sóc các chiên của ngài. Dẫu vậy, phần lớn các nhà chú giải coi chương 21 là ấn bản muộn thời so với Tin Mừng. Nếu đúng là thế, bản văn có thể cho thấy một thời kỳ muộn hơn trong đời sống của cộng đoàn khi một số phần tử thấy rằng vai trò của Phêrô có ý nghĩa hơn trong Giáo hội.
Hai hình ảnh chủ trị Giáo hội học theo Gioan : chuồng chiên và cây nho. Trong Ga 10,1-18 Đức Giêsu dùng những ẩn dụ cửa và mục tử nhân lành để diễn tả mối tương giao của ngài với các môn đệ. Ngài là cổng mà các chiên phải đi qua để vào chuồng chiên (10,7. 9), còn các môn đệ là chiên của Ngài. Đức Giêsu cũng là Mục Tử Tốt Lành chết vì đàn chiên (10,11.15). Ngài cũng có những chiên khác chưa thuộc đàn này (10,16). Đọc những quan điểm về cộng đoàn của Gioan, câu này có thể quy chiếu đến những tín hữu không thuộc về quỹ đạo của Gioan.
Ga 15,1-10, dùng ẩn dụ cây nho và ngành để diễn tả mối tương giao mật thiết giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Ngài là cây nho thật; Cha Ngài là người trồng tỉa, còn các môn đệ là ngành. Chỉ khi nào họ sống trong Ngài và Ngài trong họ, họ mới sinh hoa trái. Dựa trên ẩn dụ này, người ta có thể diễn tả Giáo hội của Gioan là cộng đoàn có sự thông phần huyền nhiệm.
Thêm vào sự thông phần huyền nhiệm này, còn có những yếu tố khác trong Giáo hội học theo Gioan. Chẳng hạn, cộng đoàn này được Thánh Thần, Đấng An Ủi từ Cha sai đến nhân danh Đức Giêsu (14,26). Đấng An Ủi dạy dỗ và nhắc nhớ cho cộng đoàn mọi điều Đức Giêsu dạy (14,26). Cộng đoàn ấy coi thế gian (cosmos) như thù địch với mình và không đồng nhất với thế gian. Dầu sao, cộng đoàn ấy biết mình ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, vì như Cha đã sai ngài (17, 18), Đức Giêsu cũng sai các môn đệ vào trong thế gian. Do vậy, Giáo hội tự bản chất là truyền giáo, rộng mở trước dân ngoại (12,20-23), những người Samari (4,35-42), những người Do thái và với tất cả những ai tin rằng Đức Giêsu từ Cha đến. Cuối cùng, cộng đoàn này coi mình như cộng đoàn thờ phượng trong tinh thần và chân lý (4,21-24). Sự tôn thờ xưa cũ không còn thỏa mãn được nhu cầu của cộng đoàn, vì Đức Kitô phục sinh trở thành đền thờ của Thiên Chúa hằng sống (2,13-22).
Mặc dù mỗi tác giả Tin Mừng đều nhìn Giáo hội từ một quan điểm hơi khác nhau và trong đó Tin Mừng thứ tư rất khởi sắc, thì ta vẫn có thể rút ra những kết luận chung về Giáo hội từ những nền thần học của các Tin Mừng ấy. Trước hết, Giáo hội là cộng đoàn của các môn đệ mà Chúa Giêsu đã thiết lập. Trong khi Đức Chúa lúc sinh tiền trên trần kêu gọi những môn đệ đầu tiên, thì cộng đoàn các môn đệä tức là Giáo hội, được hình thành qua sự chết và phục sinh của Chúa Kitô. Thứ đến, Giáo hội là cộng đoàn cánh chung của những người mong đợi Đức Chúa sắp trở lại. Như cộng đoàn cánh chung, Giáo hội là đền thờ mới nơi đó các tín hữu phụng thờ trong tinh thần và chân lý. Thứ ba, Giáo hội tận bản chất là truyền giáo, bởi lẽ Đức Giêsu đã ủy thác cho Giáo hội sứ mệnh rao giảng cho mọi dân nước. Thứ tư, Giáo hội minh định uy quyền của mình theo nghĩa phục vụ theo gương của Đức Giêsu tự hiến cho đến chết. Cuối cùng, Phêrô và nhóm Mười Hai đóng một vai trò quan trọng trong Giáo hội theo Tin Mừng Nhất lãm và còn Môn Đệ Yêu Dấu [lại đóng vai trò quan trọng] theo Tin Mừng thứ tư.
II. ISRAEL ĐƯỢC KHÔI PHỤC
Giáo hội giữ vai trò trọng yếu trong Công Vụï hơn là trong các Tin Mừng bởi vì Công Vụ kể lại cách thức Tin Mừng được lan truyền sau khi Đức Giêsu chết và sống lại qua chứng từ của các tông đồ và những người tin vào Chúa Giêsu. Quả thế, ekklesia thường xuất hiện trong công vụ. Tuy nhiên, đó không phải là cách thức độc nhất mà Luca xác định cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.
Theo Công vụ, Giáo hội là công trình sáng tạo của Thánh Thần và hiện hũu vào ngày Ngũ Tuần (2,1-42). Chứ không phải mãi đến 5,11, Công vụ mới đồng hoá cộng đoàn của các tín hữu là Giáo Hội. Lý do có lẽ là Luca muốn trình bày Giáo hội trước hết như là một phần của Israel vốn hoán cải và được thanh tẩy nhân danh Đức Giêsu để được tha thứ tội khiên và nhận lãnh Chúa Thánh Thần (2,37-39). Giáo hội là Israel được tái thiết; và các thủ lãnh cánh chung của Giáo hội chính là Mười Hai Tông Đồ; Giáo hội không phải là Israel mới hay là một cộng đoàn tách biệt khỏi Israel. Vì vậy, trong những chương đầu của Công vụ, Luca hài lòng để trình bày Giáo hội là cộng đoàn các tín hữu thiết tha với giáo huấn của các tông đồ, sống hiệp thông (koinonia), bẻ bánh và cầu nguyện (2,42). Để mọi sự thành của chung (2,44) không ai trong họ túng thiếu (4,32-35). Như vậy, Giáo hội sơ khai hoàn thành lý tưởng hoàn hảo của đời sống cộng đồng.
Nhóm Mười Hai có vị trí trung tâm của cộng đoàn chứng tá cho sự phục sinh của Chúa và mời goị Israel thống hối (1,18. 21-22; 3,15; 5,33; 10,42). Khi mâu thuẫn nảy sinh giữa những người Do thái và Hy lạp trong cộng đoàn Giêrusalem, thì chính nhóm Mười Hai giải quyết chúng (6,1- 6). Khi nhóm Mười Hai nghe biết dân Samari tiếp nhận lời Chúa, họ sai Phêrô và Gioan đi khảo sát (8,14).
Sau khi đã minh chứng rằng cộng đoàn các tín hữu là Israel được tái thiết, Luca tập trung đến tính chất nổi bật của cộng đoàn mới này cũng như sự tăng trưởng diệu kỳ của nó giữa lương dân. Làm như thế, Luca dùng ekklesia thường xuyên hơn nhiều. Chẳng hạn, sau khi Stêphanô chết, Luca ghi nhận rằng một cơn bách hại khủng khiếp chụp xuống Giáo hội tại Giêrusalem và Phaolô đằng đằng sát khí với Giáo hội đi từ nhà này qua nhà nọ (8,1-3). Ở đây, ekklesia quy chiếu đến cộng đoàn Giêrusalem mà Luca đã trình bày như là Israel được khôi phục. Nhưng sau khi tường trình về việc Phaolô trở lại, Luca nói đến Giáo hội “khắp miền Giuđêa, đến Galilea, và Samari” (9,31); việc ấy cho thấy một điều gì đó hơn một cộng đoàn địa phương.
Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, Công Vụ áp dụng ekklesia cho cộng đoàn địa phương; Giữa đó cộng đoàn Giêrusalem chiếm chỗ danh dự. Vì thế, khi Giáo hội ở Giêrusalem nghe biết lời Chúa lan truyền giữa dân ngoại ở Antiokia, liền sai Barnaba đến khảo sát (11,22). Tuy vậy, cộng đoàn dân ngoại ở Antiôkia cũng được gọi là một Giáo hội, vàø Barnaba cùng Phaolô đóng vai trò then chốt trong đời sống và sứ mệnh của cộng đoàn ấy (11,26).
Giáo hội tại Antiokia, giống như Giáo hội đối tác là Giêrusalem, đều được Thánh Thần hướng dẫn. Barnaba và Phaolô được kể vào số những vị ngôn sứ và thày dạy (13,1-3). Được Thánh Thần sai phái đi (13,4), họ đảm nhận hành trình truyền giáo giữa các lương dân vì lợi ích của Giáo hội tại Antiôkia (13,4 – 14,28), và các cộng đoàn họ thiết lập cũng được gọi là các Giáo hội. Mỗi cộng đoàn có một vị niên trưởng (presbyteroi) đuợc Barnaba và Phaolô chỉ định (14,23). Do đó, Công Vụ truớc hết áp dụng ekklesia cho Giáo hội tại Giêrusalem, đoạn cho những tín hữu tại miền Giuđêa, Samaria và Galiêa, rồi cho cộng đoàn dân ngoại của miền Antôkia, và sau cùng cho các cộng đoàn được Phaolô và Barnaba thiết lập .
Tuy thế, cuộc hành trình truyền giáo của Barnaba và Phaolô khiến cho Giáo hội tại Giêrusalem gặp khủng hoảng. Dựa trên nền tảng nào mà các cộng đoàn dân ngoại của Antiôkia phải được chấp nhận để thông hiệp với Giáo hội ở Giêrusalem? Được Giáo hội tại Antiôkia sai phái đi, Phaolô và Barnaba trình bày trường hợp của các tín hữu từ lương dân cho Giáo hội tại Giêrusalem, các tông đồ và các niên trưởng (15,4). Vì đồng ý không gây khó dễ cho lương dân hơn nữa bằng cách đòi hỏi họ phải chịu cắt bì và tuân giữ trọn vẹn luật Môsê, các ngài ủy nhiệm cho Phaolô và Barnaba đến Giáo hội Antiokia công bố tin vui này (15,22). Nhờ đó, Giáo hội Giêrusalem mở rộng lối đường để thúc đẩy hoạt động truyền giáo giữa các dân ngoại.
Luca mô tả hoạt động truyền giáo của Phaolô trong Công vụ 1,36 – 19,20 (hành trình truyền giáo lần hai và ba của Phaolô), nhưng ông không minh định những cộng đoàn mà Phaolô thiết lập là các Giáo hội. Thay vào đó, Luca nói đến “các anh em,” “các môn đệ,” “các thánh,” “những kẻ đã tin,” “những kẻ theo đạo.” Điều này không muốn nói rằng Luca không coi những cộng đoàn này là Giáo hội như ông đã nói về các vị niên trưởng của Giáo hội Êphêsô (20,17). Đúng hơn, ông thay đổi ngữ vựng của mình để nhắc nhớ các độc giả rằng Giáo hội là cộng đoàn của các môn đệ, những người tin vào đức Chúa, theo một “đạo” dẫn đến ơn cứu độ cho những ai kêu khấn danh Đức Chúa. Hơn nữa, để cho thấy các cộng đoàn dân ngoại ở Tiểu Á và Hy lạp thông hiệp với Giáo hội Giêrusalem, Luca nói Phaolô thăm viếng Giáo hội Giêrusalem sau các cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai và lần ba (18,22; 21,17).
Lần cuối cùng Luca dùng từ ngữ ekklesia trong Công Vụ xẩy ra khi Phaolô nói bài giã biệt với các vị niên trưởng của Giáo hội Êphêsô. Đây có lẽ là lần quan trọng nhất (20,18-35). Gợi nhắc thừa tác vụ của mình giữa họ và cảnh giác họ về những gì có thể xẩy ra sau khi ngài ra đi, Phaolô nhắc nhớ các vị niên trưởng phải đề cao cảnh giác, chăm sóc đàn chiên mà Chúa Thánh Thần đã đặt họ làm những người giám hộ (episkopous) vì đó là “Giáo Hội của Thiên Chúa” được mua chuộc bằng máu của chính Con Ngài (20,28). Ở đây, “Giáo hội của Thiên Chúa” quy chiếu đến một cái gì đó khác hơn là cộng đoàn địa phương ở Giêrusalem, Antiôkia, hay Êphêsô. Đó là Giáo hội rải rắc khắp thế giới. Hơn nữa, Luca nhấn mạnh rằng Thiên Chúa mua chuộc Giáo hội bằng một giá cả là sự chết của chính Con Ngài. Do vậy, trong khi Giáo hội được khai sinh vào lễ Ngũ Tuần, thì cái chết của Chúa Kitô làm cho sự khai sinh này thành sự.
Thần học về Giáo hội trong Công Vụ mang tính chất tường thuật và miêu tả; tường thuật bởi vì nó kể lại câu chuyện của Giáo hội từ lúc sinh ở Giêrusalem cho đến khi tăng trưởng giữa lương dân ở Tiểu Á và Hy lạp; miêu tả bởi vì bằng nhiều cách Công Vụ trình bày Giáo hội : như một cộng đoàn của các môn đệ và anh em sống đời sống chung, như một dân tộc kêu cầu danh đức Chúa và theo một đạo dẫn đến ơn cứu độ. Giáo hội là Israel được khôi phục trong đó Thiên Chúa hoàn tất các lời hứa của ngài (2,16-21). Nhưng vì câu chuyện bày tỏ và lương dân đóng vai trò quan trọng hơn, ta thấy rõ ràng rằng có một phân cách nghiêm trọng giữa Israel được khôi phục và thành phần của Israel, đặc biệt là các vị lãnh đạo của Israel, vốn không tin vào Đức Giêsu là Đấng Mêsia.
Cuối cùng, các Giáo hội trong Công Vụ vừa có tính chất cơ cấu và đặc sủng. Một đàng có những vị niên trưởng trong Giáo hội ở Giêrusalem và trong các cộng đoàn của Phaolô trong hành trình truyền giáo; ngay từ những giai đoạn đầu của Giáo hội các tông đồ đóng vai trò bất khả thế. Đàng khác, Giáo hội cũng là một cộng đoàn đặc sủng được Thánh Thần hướng dẫn. Chính Ngài khai mào sứ mệnh cho dân ngoại (13,2) và hướng dẫn các hoạt động truyền giáo (16,7).
III. EKKLESIA, THÂN MÌNH CHÚA KITÔ, ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA
Các bản văn của Phaolô cung ứng một suy tư phong phú về Giáo hội. Không phải Phaolô chỉ là một trong những tư tưởng gia lỗi lạc của Tân Ước, nhưng chính bản chất của thừa tác vụ mà ngài đảm trách thúc bách ngài viết về những vấn đề liên quan đến bản chất của Giáo hội cùng những hàm ẩn của Giáo hội trong đời sống kitô hữu. Như thế, ta không ngạc nhiên rằng ekklesia được dùng 62 lần trong những lá thư được coi là của ngài; Đang khi đó từ ngữ này chỉ được dùng có ba lần trong Tin Mừng. Nhưng thêm vào việc sử dụng thường xuyên từ ngữ ekklesia, các thư Phaolo dùng những khái niệm khác để triển khai thần học về Giáo hội. Ẩn dụ hàng đầu chính là ẩn dụ Thân Mình Chúa Kitô, là sự đồng hoá cộng đoàn với đền thờ Thiên Chúa, và ông sử dụng ngôn ngữ về sự tuyển chọn và về gia đình để mô tả cộng đoàn Kitô hữu.
Tuy nhiên, nghiên cứu về Giáo hội học của Phaolô gặp phải một khó khăn vì Phaolô không viết tất cả các lá thư đã từøng được gán cho ngài. Hơn thế nữa, vì viết để trả lời những vấn đề và nghi vấn, ngài đã không có được một khoa Giáo hội được triển khai đầy đủ. Dẫu thế, các bút tích của Phaolô giả thiết một nền Giáo hội học khá sâu xa mà khởi đầu với từ ngữ ekklesia.
Trước khi mang một ý nghĩa tôn giáo trong các bản văn của Tân Ước thì hạn từ ekklesia trong văn chương trần tục Hy lạp chỉ định một cộng đồng gồm những con người tự do, có quyền bầu phiếu. Chẳng hạn, đây là cách thức được dùng trong Công Vụ 19,29.32. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh Hy Lạp, tức bản Bẩy Mươi, ekklesia thường dịch từ qahal, một hạn từ Do Thái dùng để chỉ cộng đoàn Israel mà Giavê quy tụ trong thời gian ở sa mạc. Nhóm chữ “Giáo hội của Thiên Chúa” trong Tân Ước mời gọi ta so sánh giữa cộng đoàn trong sa mạc này và cộng đoàn của những kẻ được kêu gọi trong Chúa Kitô.
Cách Phaolô dùng ekklesia rất đa dạng. Phần đa, từ ngữ này rõ ràng quy chiếu đến cộng đoàn địa phương của các Kitô hữu trong một thành phố hay một tỉnh. Chẳng hạn, Phaolô nói đến “Giáo hội tại Cesare” (Rm 16,1), “Giáo hội tại Galat” (Gl 1,2; 1 Cr 16,1), “Giáo hội bên Á Châu” (1 Cr 16,19), và “Giáo hội ở Macedonia” (2 Cor 8,1). Những lần khác ngài dùng chung chung hơn; ngài nói đến “tất cả các Giáo hội của dân ngoại” (Rm 16,4), “tất cả các Giáo hội của chúa Kitô” (Rm 16,16), “tất cả Giáo hội của các Thánh” (1 Cr 14,33), hay đơn giản, “tất cả mọi Giáo hội” (2 Cr 8,18; 11,28). Tuy thế, trong những trường hợp này, Phaolô rõ ràng nhắm dến các cộng đoàn điạ phương.
Những lần khác, ngài viết về Giáo hội tại một gia đình đặc thù. Thật vậy, ngài quen thuộc với Giáo hội tư gia của Prisca va Aquila (Rm 16,1-5; 1 Cr 16,19). Vào cuối thư Roma, ngài nói về Gaius, “người đã tiếp rước tôi và toàn Giáo hội” (Rm 16,23). Gaius là người chủ nhà của Phaolô tại Côrintô (nơi đó Phaolo viết thư Roma.) Có lẽ Giáo hội tại Côrintô cũng quy tụ tại nhà ông; Giáo hội ấy có lẽ chỉ mới gồm có một vài hộ khẩu như thể tại nhà của Prisca và Aquila.
Một vài bản văn của Phaolô nêu bật Giáo hội là một sự quy tụ. Chẳng hạn, khi nói về những lạm dụng trong tiệc Thánh Thể, thánh Phaolô viết, “khi anh em cùng nhau hội họp như Giáo hội” (1 Cor 11,18). Sau này, khi bàn đến vấn đề đặc sủng, ngài ghi nhận, “Vậy giả như cả cộng đoàn họp lại một nơi và mọi người đều nói các tiếng lạ. . .” (1 Cr 14,23). Sau này nữa, khi xét đến vai trò của phụ nữ trong cộng đoàn, Phaolô ra lệnh: “Nếu không có người giải thích, thì phải giữ thinh lặng trong cộng đoàn, mỗi người chỉ nói với mình và với Thiên Chúa thôi.” (1 Cr 14,28). Trong tất cả những bản văn này, ekklesia quy chiếu đến sự quy tụ hay tập họp của các thánh của Thiên Chúa, chứ không nói đến một nơi chốn hay thể chế. Ekklesia là cộng đoàn trong đó Thánh Thần tác động, ban phát ân sủng để xây dựng Giáo hội hiểu như là một cộng đoàn địa phương (1 Cr 14,4; 5,12).
Trong một vài trường hợp, Phaolô nói về “Giáo hội của Thiên Chúa,” “những Giáo hội của Thiên Chúa,” hay đơn giản “Giáo hội.” Nhưng ngài vẫn có cộng đoàn địa phương trước mắt. 1 Cr 15,9 và Gl 1,13 chẳng hạn, mô tả Phaolô như một người đã bắt bớ “Giáo hội của Thiên Chúa.” Có lẽ nó quy chiếu đến cộng đoàn Giáo hội Giêrusalem tiên khởi. Tuy thế trong 1 Cr 1,1 và 2 Cr 1,2, Phaolô tựa đề thư của ngài cho “Giáo hội của Thiên Chúa tại Côrintô,” như vậy ông gán cho cộng đoàn lương dân một tước hiệu danh dự mà nguyên thủy thuộc về Giáo hội Giêrusalem. Tước hiệu này cũng đứng đằng sau công thức ngắn hơn, “Giáo Hội” (1 Cr 6,4; 12,28; 14,5.12; Pl 3,6).
Trong 1 Cr 10,32 và 11,22, “Giáo hội của Thiên Chúa” có lẽ vẫn quy chiếu đến cộng đoàn địa phương tại Côrintô; tuy thế, ta bắt đầu khám phá nguồn gốc của một cách dùng khác biệt nữa, theo đó “Giáo hội của Thiên Chúa” có một ý nghĩa tổng quát hơn. Các tác giả thư Côlôssê và Êphêsô có thể đã cảm nhận điều này. Bởi vì, khi họ liên kết ý niệm của Phaolô về Giáo hội với ý niệm về Thân Mình Chúa Kitô; họ rõ ràng trình bày Giáo hội như là phổ quát trong viễn ảnh.
Ẩn dụ Thân mình Chúa Kitô vốn đóng một vai trò nổi bật trong thư Côlôsê và Êphêsô, lại chỉ xuất hiện trong hai thư khác của Phaolô, 1 Côrintô và Rôma. Nhưng vì thư Côlôsê và Êphêsô có lẽ được viết do những tác giả khác nhân danh Phaolô, chúng triển khai ý niệm về Giáo hội như là Thân Mình Chúa Kitô dựa trên nền tảng đã tìm thấy trong 1 Cr và Rm.
“Thân Mình Chúa Kitô” có thể quy chiếu đến thân thể chịu đóng đinh của Chúa Kitô (Rm 7,4) hay đến Thánh Thể của Chúa Kitô (1 Cr 10,16), nhưng trong 1 Cr 12,27 Phaolô rõ ràng liên kết nó với Giáo Hội Côrintô: “Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận”; như câu kế tiếp (1 Cr 12,28) xác định : “Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy . . .”
Phaolô không triển khai một nền thần học trừu tượng về Giáo hội xét như Thân Mình của Chúa Kitô. Đúng hơn, ngài dùng khái niệm này khi trả lời một số vấn đề tạo khó khăn cho Giáo hội Côrintô. Chẳng hạn, trong 1 Cr 1,14-22 thánh Phaolô cảnh cáo các thính giả rằng sự tham dự vào bàn tiệc của Chúa (Thánh Thể) và bàn tiệc của ma quỷ (thờ ngẫu thần) không thể đội trời chung. Để lý luận, ngài nhắc nhở dân thành Côrintô rằng Thánh thể là thông phần vào “Thân Mình Chúa Kitô.” Rồi ngài Giáo Hội nhận “bởi vì chỉ có một tấm bánh, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” (10,17).
Trong 1 Cr 12,12-26, Phaolô dùng ẩn dụ quen thuộc về thân mình để nhắc nhớ dân Côrintô rằng giống như thân mình có nhiều chi thể, và mỗi chi thể mỗi nhiệm vụ, thì cũng có nhiều ân huệ thiêng liêng trong Giáo Hội.
Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế tất cả chúng ta, là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. (1 Cr 12,12-13)
Sau khi giải thích thân thể con người phải đa dạng, Phaolô nói cho dân Côrintô rằng họ là thân mình của Chúa Kitô (12:27). Đoạn, khi dùng ekklesia lần đầu tiên với hình ảnh này, ngài liệt kê những thừa tác vụ và ân huệ khác nhau mà Thiên Chúa đã chỉ định cho Giáo hội (12,27-31).
Trong 1 Cr 12,12-31 và Rm 12,3-8, Phaolô nghĩ đến cộng đoàn địa phương khi ngài nói về Thân Mình của Chúa Kitô, và rõ ràng ngài dùng hình ảnh đó để nhấn mạnh những tài năng và chức vụ khác nhau trong cộng đoàn địa phương. Nhưng Giáo hội không chỉ giống như một thân mình. Đúng hơn, Giáo hội trở thành một thân mình trong Chúa Kitô bởi vì những phần tử của Giáo hội thông phần vào một Thân Mình Thánh Thể của Chúa Kitô (10,16). Phaolô giả thiết rằng ekklesia địa phương tham gia vào và thuộc về thân mình của Chúa Kitô bởi vì các chi thể của Giáo Hội được thanh tẩy thành thân minh Chúa Kitô (12,13) và chia sẻ Thánh thể của Ngài (10,16). Như những chi thể của thân mình Chúa Kitô, mỗi người có một chức năng khác nhau vì lợi ích chung.
Vì thế, khi Phaolô chất vấn cộng đoàn Côrintô đầy phe phái, “Hẳn Chúa Kitô bị phân rẽ ư?” (1 Cr 1,13), ngài nói về Giáo hội tại Côrintô. Và khi ngài cố khuyên can dân Côrintô rũ bỏ lối sống vô luân bằng cách nhắc nhớ cho họ rằng thân xác của họ là chi thể của Chúa Kitô (1 Cr 6,15). Ngài nói cho họ như nhưng chi thể của Giáo hội mà thân xác của họ là chi thể của Chúa Kitô.
Thư Côlôsê và Êphêsô triển khai hình ảnh thân mình theo những cách thức mới mẻ. Trước tiên, trong khi Phaolô nói về thân mình của Chúa Kitô, thì các tác giả của những bút tích này lại nói về Chúa Kitô là đầu (kephale) của thân mình, tức là Giáo hội (Cl 1,18; 2,19; Ep 1,22-23; 4,15-16; 5,23). Hình ảnh mới này cho phép dân Côlôssê và Êphêsô cắt nghĩa mối giao tiếp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội rõ ràng hơn Phaolô đã giải thích trong Rm 12 và 1 Cr 12. Chẳng hạn, thư Côlôsê ghi nhận rằng Giáo Hội được đầu, tức Chúa Kitô, nuôi dưỡng và lớn lên nhờ sự tăng trưởng đến từ Thiên Chúa (2,19). Cũng thế, thư Eâphêsô khích lệ độc giả lớn lên thành Chúa Kitô, Đấng là đầu, từ đó cả thân mình lớn lên (4,15-16). Thư Êphêsô cũng nối kết ẩn dụ đầu và thân mình với ẩn dụ về hôn nhân (5,22-33). Khi so sánh mối tương quan của Chúa Kitô và Giáo hội với mối tương giao vợ chồng, thư Ephêsô miêu tả Chúa Kitô là đầu của Giáo hội, thân mình ngài, vì chính Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc của Giáo hội. Bởi vì Chúa Kitô yêu thương Giáo hội và phó nộp mình vì Giáo hội để làm cho Giáo hội thánh thiện, nên Giáo hội phải tuỳ thuộc vào Chúa Kitô, đấng nuôi dưỡng và lo cho thân mình Ngài là Giáo hội.
Thứ đến, khi đồng hoá Giáo hội là thân mình của Chúa Kitô, thư Côlôssê và Êphêsô hiểu ekklesia theo một ý nghĩa tổng quát hơn Phaolô đã hiểu. Ekklesia bây giờ quy chiếu đến Giáo hội lan rộng phổ quát khắùp thế giới. Như vậy, Thiên Chúa bắt mọi sự lệ thuộc Chuá Kitô và làm Ngài thành đầu trên hết mọi sự vì Giáo hội vốn là thân mình của Chúa Kitô (Ep 1,22-23). Bù lại, Chúa Kitô tác tạo một nhân loại mới trong chính Ngài hầu ngài có thể giao hoà dân ngoại và Do Thái nên một thân mình nhờ thập giá (Ep 2,15-16). Vì vậy, Giáo hội là mẫu mực của công trình hoà giải của Chúa Kitô. Giáo Hội được đầy tràn sự “sung mãn” của Chúa Kitô, Đấng làm viên tròn mọi sự nhờ sự sung mãn của Thiên Chúa (1,23). Trong Giáo hội, Thiên Chúa mặc khải Mầu Nhiệm ẩn dấu từ muôn thế hệ, nhưng nay được tỏ bày cho các Tông Đồ và Ngôn Sứ “các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,6).
Tóm lại, trong thư Êphêsô và Côlôssê vì ẩn dụ thân mình Chúa Kitô tập trung mạnh mẽ hơn đến mối tương quan của Chúa Kitô và Giáo hội ngài, nên trọng tâm chuyển dời từ Giáo hội địa phương tới Giáo hội toàn cầu.
Đền thờ của Thiên Chúa cũng giống với ẩn dụ thân mình Chúa Kitô. Ý thức rằng những ai ở trong Đức Kitô là những người được kêu gọi, tuyển chọn, thánh hoá và biệt riêng để thờ phượng Thiên Chúa trong Thánh Thần, Phaolô coi cộng đoàn Kitô hữu như đền thờ của Thiên Chúa. Do đó, ngài nhắc nhớû cộng đoàn Côrintô rằng họ là đền thánh của Thiên Chúa bởi vì Thánh Thần Thiên Chúa ở trong họ (1 Cr 3,16-17). Là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống, các tín hữu khác biệt với những người không tin y như ánh sáng khác với bóng tối (2 Cr 6,16). Đang khi sử dụng hình ảnh tương tự, tác giả thư Êphêsô nhắc cho thính giả dân ngoại của mình rằng họ là “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (2,19). Được xây trên nền tảng của các tông đồ và ngôn sứ, có Chúa Kitô là đá góc, các tín hữu tăng trưởng thành ngôi đền thờ thánh thiện của Thiên Chúa (2,21).
Khoa Giáo hội của Phaolô có thể được khai triển theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, Phaolô diễn tả những ai tin vào Chuá Kitô như là những hậu duệ của Abraham (Gl 3,29), là sự cắt bì chân thật (Pl 3,3), là Israel của Thiên Chúa (Gl 6,16). Ngài cũng dùng ngôn ngữ về tình thân thuộc để nhấn mạnh ý niệm rằng cộng đoàn đức tin là gia đình mới trong Chúa Kitô (1 Tx 2,11). Tuy vậy những ảnh được bàn đến ở trên (ekklesia, thân mình Chúa Kitô, đền thờ Thiên Chúa) là những hình ảnh mạnh mẽ và bền vững của gia sản của thánh Phaolô.
IV. DÂN LỮ HÀNH CỦA THIÊN CHÚA TRONG CƠN BÁCH HẠI
Mặc dù không có mối tương quan nào xét theo bình diện văn chương giữa thư 1 Phêrô, Do thái và khải huyền, thì mỗi bút tích này có công dụng như một lời khích lệ luân lý cho các cộng đoàn của các tín hữu để họ kiên trì trong đức tin bất chấp mối de dọa là sự bách hại. Đúng vậy, những bút tích này nhấn mạnh đến Giáo hội như Dân Thiên Chúa trong cuộc lưu đầy (1 Phêrô), một cộng đoàn đang lữ hành tìm đến nơi an nghỉ ngày Sabbath của Giáo hội (Do thái), và một cộng đoàn bị bách hại; cộng đoàn này sẽ thông phần vào Giêrusalem trên trời sau khi làm chứng cho Con Chiên bị sát tế (Khải huyền).
Thư thứ nhất Phêrô không bao giờ dùng từ ngữ ekklesia, nhưng ý tưởng về Giáo hội là dân Thiên Chúa luôn là bối cảnh. Chẳng hạn, tác giả miêu tả những người luơng dân tiếp nhận đức tin trong lá thư này bằng ngôn ngữ vốn đã được áp dụng cho Israel thuở xưa. Họ là “còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1Pr 2,9, ám chỉ đến Xh 19,6 và Is 43,20 – 21). Đã một lần, họ không phải là dân chúa, nhưng nay họ trở thành Dân Thiên Chúa (1 Pr 2,10 ám chỉ đến Hs 1,9; 2,23).
Lý do cho địa vị mới này của họ chính là cái chết cứu độ của Chúa Kitô. Như dân Thiên Chúa họ được rẩy bằng máu của Chúa Kitô (1,2), giống như Israel được rẩy bằng máu khi đi vào giao ước với Thiên Chúa tại Sinai (Xh 24,7-8). Do đó, họ được chuộc lấy bằng “Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô” (1 Pr 1,19). Thật vậy, địa vị của họ như dân Thiên Chúa thật quan yếu đến nỗi các ngôn sứ của Israel đã dùng đến hình ảnh này khi tiên báo cuộc thương khó của Chúa Kitô (1,10-12).
Tác giả khích lệ những người tiếp nhận thư này để cho chính mình được Thiên Chúa xây dựng họ thành một ngôi đền thiêng liêng (oikos pneumatikos), một hàng tư tế thánh thiện, hầu họ có thể hiến dâng những của lễ thiêng liêng cho Thiên Chúa qua Chúa Kitô (2,5). Tảng đá góc của tòa nhà này chính là Chúa Kitô, và họ, như những “viên đá sống động”, phải để mình được xây thành ngôi nhà thiêng liêng này. Dầu thư không bao giờ dùng từ ngữ “đền thờ”, thì 1 Pâr dường như nhìn Giáo hội là một đền thờ của Thiên Chúa hằng sống, giống như 1 Cr 3,16-17 và Ep 2,21.
Tuy nhiên, khoa Giáo Hội của 1 Phêrô nhắm đến khích lệ đời sống luân lý. Nó nói đến những người nhận lãnh là những kẻ lưu đày (1,1; 2,11) ; thời hiện tại là thời gian lưu đầy (1,17). Suốt cuộc lưu đầy này, họ phải chịu khổ như Chúa Kitô nếu họ mong đạt được vinh quang mà họ đang vui hưởng bây giờ (3,13-18; 4,1.12-16). Thư 1 Phêrô hàm ẩn rằng mặc dù Giáo hội hiện đang lưu đầy, thì rốt cuộc Giáo hội là dân tư tế của Thiên Chúa và là toà nhà thiêng liêng hiến dâng những của lễ thiêng liêng cho Thiên Chúa.
Thư Do thái cũng là “một lời khuyến thiện” (13,22). Tuy nhiên, trong trường hợp này, lá thư cho thấy rằng cộng đoàn đã mất đi một nhiệt tình ban đầu nào đó (10,32-39; 12,3-13). Vì thế, thư Do Thái đảm trách một trong những cuộc tranh luận tinh vi về Kitô học của Tân Ước hầu nhắc gợi độc giả của mình rằng Chúa Kitô, vị thượng tế theo trật tự Melchisêđê, đã thực hiện một hy tế xá tội hoàn hảo, một lần và vĩnh viễn; Chúa Kitôø thiết lập một giao ước mới (4,14.10.18). Như thế, không có một sự sám hối lần thứ hai cho những ai muốn khước từ ân ban cứu độ cánh chung của Thiên Chúa (6,4-8; 10,26-31; 12,15-17).
Mặc dù thư Do thái tiên vàn quan tâm đến lời khuyến thiện và Kitô học, thì lá thư cũng mặc nhiên hàm chứa một khoa Giáo hội học; khoa Giáo hội này nhìn nhận Giáo hội là cộng đoàn các tín hữu giống với Israel xa xưa đang tìm vào nơi an nghỉ của Thiên Chúa. Tuy thế, cộng đoàn đó đã thất bại bởi vì đã cứng lòng và không lắng nghe tiếng Thiên Chúa (3,7- 4,13). Dẫu vậy, quan trọng hơn nữa đó là chức tư tế Lêvi không thể mang đến cho cộng đoàn sự hoàn thiện (7,11), cũng như những hy lễ của chức tư tế ấy nó không thích đáng để xoá tội (10,4).
Tuy nhiên, cộng đoàn Giáo Hội đến gần thành thánh của Thiên Chúa hằng sống là Giêrusalem thiên quốc (12,22) bởi vì vị thượng tế của Giáo Hội đã đi vào đền thờ trên trời (9,12) và trở thành đấng trung gian của một giao ứơc mới, và hoàn thành ơn tha thứ tội khiên (9,15). Đức Giêsu, Đấng tiên phong và hoàn thành đức tin (12,20), đã tỏ cho Giáo hội cách thức để đi vào cung thánh trên trời nơi đó chung cục Giáo hội đạt tới nơi an nghỉ của Thiên Chúa.
Đối với thư Do thái Giáo hội giống như cộng đoàn Israel trong hoang địa vì Giáo hội chưa đạt tới nơi an nghỉ của Thiên Chúa. Nhưng bởi vì vị “Mục Tử cao cả” của Giáo hội là Thượng Tế vĩnh cửu theo phẩm trật Melchisêđê, nên Giáo hội là cộng đoàn cánh chung của giao ước mới và đã kinh nghiệm ơn tha thứ tội khiên.
Sách Khải Huyền thuật lại một thị kiến của Chúa Kitô phục sinh cho Gioan, khi ông ở đảo Patmos (1,9). Nói cho “bẩy Giáo Hội ở Á châu” (1,4), sách Khải Huyền hiện thực chức năng của một công trình có tính chất ngôn sứ trong đó Đức Chúa phục sinh khuyên nhủ bẩy Giáo hội (2,1-3,22); và rồi, qua Gioan, nó cung ứng cho các Giáo hội đó một thị kiến về điều đang và sẽ xẩy ra. Như vậy, sách Khải huyền tập trung vào hai khía cạnh của đời sống Giáo hội : cuộc đấu tránh hiện tại của Giáo hội với thế lực sự dữ và cuộc chiến thắng cánh chung mà Con Chiên chiếm được cho Giáo hội qua cái chết của mình.
Những sứ điệp cho các Giáo hội ở Êphêsô, Smyrna, Pergamum, Thyatira, Sardis, Philadelphia, và Laodicêa giống với sắc chỉ của đức vua, và chúng cho thấy rằng Chúa Kitô phục sinh “biết” điều gì đang xảy ra trong các Giáo hội của ngài (2,2.9.13.19; 3,1.8.15). Chúng trình bày các Giáo hội trong tất cả sự yếu đuối của con người khi Chuá Kitô phục sinh duyệt xét hành vi của họ. Nhưng trong mọi trường hợp, những sứ điệp kết luận với một lời hứa về phần thưởng cho những ai sẽ chiến thắng trong cuộc chiến mà các Giáo hội bây giờ đang phải chịu đựng (2,7.11.17.26; 3,5.12.21). Bởi vì Chúa Kitô phục sinh đã chiến thắng, đã ngồi với Cha Ngài trên ngai vinh hiển, nên những ai chiến thắng sẽ hiển trị với Ngài (3,21). Theo Khải Huyền, Giáo hội phải tham dự vào cuộc chiến của Con Chiên nếu muốn thông phần chiến thắng của Ngài.
Cuộc chiến Giáo hội phải trải qua được miêu tả khi Gioan được mang lên tận trời, và Con Chiên mỡ cuộn giấy với bẩy ấn, đưa đến bẩy tiếng loa và bẩy chén (4,1-16-21). Cuộc bại trận của Satan và mãnh thú (17,1-20,15) đưa tới một bản miêu tả về Thành Thánh, Giêrusalem mới, Tân nương là Hiền thê của Con Chiên (21,9). Sách Khải Huyền không bao giờ minh nhiên đồng hoá Giáo hội với Tân nương của Chúa Kitô, như thư Êphêsô đã làm. Thật vậy, tất cả 20 lần quy chiếu tới ekklesia trong sách Khải Huyền đều dùng số nhiều và quy chiếu về bẩy Giáo hội bên Á châu. Tuy thế, giòng trình thuật của sách Khải Huyền chủ trương rằng Giêrusalem trên trời sẽ là nơi cu trú cho những ai chiến thắng cùng với Con Chiên. Do đó, định mệnh của Giáo hội chính là tân nương của Con Chiên.
Sách Khải Huyền, thư Do Thái, và 1 Phêrô là những tài liệu bị lãng quên trong khi học về Giáo hội. Tuy thế, mỗi văn kiện ấy chứng nhận về một cuộc đấu tranh mà Giáo hội phải chịu đựng nếu muốn vào vinh quang của mình.
V. KẾT LUẬN
Tân Ước có một số nền thần học về Giáo hội. Giữa tất cả những nền thần học có ý nghĩa hơn là những nền thần học trình bày Giáo hội như một cộng đoàn của các môn đệ, như một Israel được khôi phục, Giáo hội của Thiên Chúa, thân mình của Chúa Kitô, tân nương của Chúa Kitô, đền thờ của Thiên Chúa, và dân lữ hành của Thiên Chúa. Tuy nhiên, dầu những hình ảnh này thật phong phú, không một hình ảnh nào diễn tả xứng hợp mầu nhiệm Giáo hội. Dầu vậy, khi góp chung với nhau trong một thế căng thẳng sáng tạo, chúng thật sự phản ảnh vẻ chói sáng của Giáo hội.