Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thần Học Về Mặc Khải

Administrator
2018-09-23 09:04 UTC+7 27
Tấn Hứa   A. NHỮNG ĐUỜNG LỐI TRÌNH BÀY THẦN HỌC MẶC KHẢI (THMK) Một trong những đề tài quan trọng nhất của Thần học nền tảng đó là mạc khải (=MK). Có nhiều đường lối để trình này MK, tuy không phải tất cả đều đưa tới kết quả như nhau cả. I. Từ […]


Tấn Hứa

 

A. NHỮNG ĐUỜNG LỐI TRÌNH BÀY THẦN HỌC MẶC KHẢI (THMK)

Một trong những đề tài quan trọng nhất của Thần học nền tảng đó là mạc khải (=MK). Có nhiều đường lối để trình này MK, tuy không phải tất cả đều đưa tới kết quả như nhau cả.

I. Từ ngữ

Có lẽ đường lối đơn giản hơn cả là dựa vào tầm nguyên, nghĩa là đi tìm nguyên gốc của nó (mặc là gì ? khải là gì ?) Đó là đường lối khá thông dụng trong các từ điển thần học Thánh kinh, khi họ khảo sát những chỗ mà Sách thánh dùng các tiếng: “revelatio” (apocalypsis trong tiếng hy lạp), có nghĩa là: vén màn lên; hoặc tiếng “manifestatio” (epiphaneia), có nghĩa là: tỏ lộ. Tuy nhiên, con đường tầm nguyên không đem lại tất cả kết quả mong muốn, xét vì chính thánh Gioan, một người nói nhiều hơn cả đến vai trò của đức Ki-tô là kẻ MK Chúa Cha cho loài người, thì lại không dùng tiếng “apokalypsis” trong quyển Phúc âm thứ bốn.

Ngoài con đường tầm nguyên ra, Avery Dulles cho thấy rằng trong lịch sử đã có 5 khuôn mẫu (models) được xử dụng để trình bày MK.

1) MK được coi như là một mớ những đạo lý mà Chúa đã phán truyền. Khuôn mẫu này được xử dụng nhiều trong quá khứ, nhất là từ công đồng Vaticano I.

2) MK là những can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại, mang lại cho lịch sử một ý nghĩa cứu rỗi. Như ta sẽ thấy, đây là hướng đi của công đồng Vaticano II trong hiến chế về MK.

3) MK là cảm nghiệm thông hiệp với Thiên Chúa. Thiên Chúa thông ban mình cho linh hồn biết để cho Ngài hướng dẫn. Khuôn mẫu coi MK như là cảm nghiệm tâm tình được các tác giả quen gọi là “duy tân” (modernisme) vào đầu thế kỷ XX đề cao (Sabatier, Tyrrell).

4) Khuôn mẫu thứ bốn của một số nhà thần học Tin lành (K. Barth, R. Bultmann, E. Brunner) ví MK như là sự “tỏ lộ biện chứng” (manifestation dialectique): Thiên Chúa tỏ mình như là Đấng Siêu Việt, hoàn toàn cách biệt con người. Nói khác đi, Thiên Chúa vừa tỏ lộ lại vừa giấu ẩn.

5) Sau cùng, khuôn mẫu thứ năm coi MK như là bày tỏ cho con người biết ý nghĩa của cuộc đời: con người cần biết nhào nắn những biến cố lịch sử để thể hiện nước Chúa. Khuôn mẫu này xuất hiện nơi các tác giả thần học thực hành, cách riêng là thần học giải phóng.

II. Hiến chế Mạc Khải Vatican II

Thực ra, muốn có cái nhìn toàn diện về MK, thì không những phải tìm cách phối hợp tất cả 5 khuôn mẫu vừa nói nhưng còn cần phải xen vào một yếu tố khả dĩ kết hợp chúng. Dựa trên hiến chế về MK của công đồng Vaticano II, cha René Latourelle đả vạch ra 19 đặc điểm của MK Kitô. Nhưng chúng tôi chỉ tóm lại trong 5 điểm sau, tuy mỗi điểm mang kèm theo rất nhiều hệ luận. Năm đặc điểm là:

– Mặc khải diễn ra trong lịch sử;

– Trọng tâm là đức Ki-tô;

– Tính cách biện chứng của Thập giá;

– Mặc khải diễn ra như hồng ân;

– Đức Ki-tô mặc khải Thiên Chúa Ba Ngôi.

1. Mạc Khải Kitô có tính cách lịch sử

Có nghĩa là nó diễn ra qua những biến cố mà Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại. Biến cố độc đáo hơn cả là khi Ngài nhập thể nơi đức Giêsu. Tuy nhiên, nói đến tính cách lịch sử của MK ta cần phải ghi chú hai tính chất sau đây:

a/ Những biến cố chỉ có giá trị MK khi được một “lời” giải thích hay loan báo. Thực vậy, giả như không có lời tiên báo của Maisen, thì cuộc xuất hành của dân Do thái khỏi Ai cập không phải là một biến cố cứu độ của Thiên Chúa (Thiên Chúa tỏ bày lòng yêu thương và quyền năng của Ngài), mà chỉ là một hiện tượng di dân của một đám du mục. Chính vì vậy mà hiến chế Dei Verbum nói rằng: “MK diễn ra bằng lời nói và việc làm gắn chặt với nhau”.

b/ Chính nhờ lời giải thích như vậy mà ta khám phá ra tính chất khác, đó là: những lần Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử con người không phải là những hành vi lẻ tẻ, nhưng chúng hợp thành một kế hoạch, một chương trình mà các giáo phụ Đông phương gọi là “oikonomia” (économie: nhiệm cục). Chương trình ấy cũng được ví như đường lối sư phạm (pedagogia): Thiên Chúa chuẩn bị tâm trí con người từ từ để đón nhận lời của Ngài: từ những lời sơ khởi, mộc mạc cho tới lời toàn vẹn là đức Ki-tô, như ta đọc thấy ở đầu lá thư gửi dân Do thái: “Thuở xưa Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta nhiều lần nhiều cách… sau cùng trong những ngày này Ngài đã nói với chúng ta qua Người Con”.

2. Trung tâm Mạc Khải: Ngôi Lời Nhập Thể

Hiểu như vậy, ta phải nói tới đặc điểm thứ hai của MK Kitô, tức là: trung tâm của nó là đức Ki-tô, Ngôi Lời Nhập thể. Chúng ta có thể nhận thấy rất nhiều hệ luận trong đặc điểm này.

a/ Đức Ki-tô nói ta ta biết khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa: Ngài là Cha của chúng ta. Như chúng ta đã biết, đức Ki-tô bày tỏ chân dung của Thiên Chúa không những qua các lời giảng (các dụ ngôn), nhưng còn qua các việc làm, qua việc tiếp xúc với những người cần được hưởng tình thương: người ốm đau, tật nguyền, người sầu muộn vì tang tóc, người bị xã hội khinh chê ruồng bỏ. Hơn thế nữa, đức Giêsu còn mạc khải Thiên Chúa là cha qua việc cư xử với Ngài như người con thảo, kể cả trong giây phút xem ra đã bị bỏ rơi.

b/ Mặt khác, đức Ki-tô là Lời của Thiên Chúa nói với con người. Thiên Chúa đến gặp gỡ con người trong những điều kiện, môi trường sinh sống của nó: gia đình, công ăn việc làm. Nói khác đi, Thiên Chúa tỏ mình cho con người không những qua ngôn ngữ văn hóa của con người, nhưng còn tiếp nhận con người vào với Thiên Chúa nữa. Chính vì vậy mà trong Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” số 22, công đồng Vaticano II nói rằng: “đức Ki-tô không những mặc khải Thiên Chúa cho con người mà còn mặc khải con người cho con người nữa”, nghĩa là tỏ lộ ơn gọi cao quý của nó nữa.

3. Đỉnh cao Mạc Khải Kitô giáo

Tuy rằng đức Ki-tô thực hiện sứ mạng mặc khải bằng cả cuộc đời của mình, nhưng cao điểm của công trình là cuộc tử nạn và sống lại từ cõi chết. Qua cuộc tử nạn, ta có thể chứng kiến Thiên Chúa thương yêu ta biết bao vì đã trao ban chính Con Một cho ta. Qua sự Phục sinh của đức Ki-tô, ta thấy thành tựu lời hứa ban cho con người được vào hưởng hạnh phúc với Chúa. – Tuy nhiên, phải thú nhận rằng Thập giá làm nên tính cách “biện chứng” của MK: Thiên Chúa cao sang đã tỏ mình cho chúng ta qua những dấu quá hèn hạ, của một người thợ nghèo ở Nazareth, của một người bị kết án oan uổng bất công. Ngày hôm nay, chúng ta tiếp nhận MK qua lời giảng của Giáo hội, gồm nên bởi những con người xác phàm yếu đuối.

4. Ân sủng

Dù sao ta không thể bỏ qua một đặc điểm nữa của MK Kitô, đó là ân sủng. Thực vậy, tất cả tiến trình của MK từ đầu đến cuối diễn ra trong khung cảnh của tình yêu: chính do tình yêu dào dạt mà Chúa tỏ mình ra, nghĩa là trao ban mình cho con người, kêu gọi nó vào chia sẻ hạnh phúc với mình. Lời mời gọi ấy không phải chỉ diễn ra trong giòng những biến cố lịch sử ngoại tại, nhưng trong chính thâm tâm của mỗi người. Hậu nhiên Thiên Chúa mong đợi con người đáp lại lời mời tình yêu của Ngài cũng bằng lời yêu thương được diễn tả qua đức tin và lòng mến, đặc biệt là khi cầu nguyện.

5. Hiệp thông nội tại trong Ba Ngôi

Sau cùng, chúng ta không nên quên rằng Thiên Chúa mà đức Ki-tô đã mạc khải cho chúng ta là Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi vị. Chúng ta đựơc kêu mời vào chia sẻ sự thông hiệp nội tại với Ba vị mai sau trên trời, mà ngày nay chúng ta đang nếm trước nhờ ơn thánh sủng, nhờ đó linh hồn chúng ta trở nên cung điện của Ba vị.

Giáo huấn của công đồng Vaticano II về MK được tóm lại trong phần đầu của sách Giáo lý Hội thánh công giáo, từ số 50-73. Ta thấy sách Giáo lý đã lấy lại không những là đạo lý mà thậm chí cả cái sườn bài nữa. Điều này rõ rệt ở thứ tự của hai mục trong chương thứ hai, tức là: bản chất của MK và sự truyền thông MK, tương ứng với hai chương đầu của Hiến chế Dei Verbum. Có điều đáng lưu ý là khi bàn về các giai đoạn của lịch sử MK trước đức Ki-tô, sách Giáo lý đã xen thêm một chặng giữa sự MK cho nguyên tổ Adong và MK cho Abraham, đó là: giao ước với Noe. Hiến chế của công đồng Vaticano II không nói tới điểm đó; nhưng dựa theo một số giáo phụ, thần học hậu công đồng đã muốn đào sâu hơn. Việc bàn tới giao ước với Noe (mà sách Sáng thế chương 9 câu 16 gọi là “giao ứơc hằng cửu”) nhằm nói lên rằng tuy Thiên Chúa đã lập một giao ước riêng với dân Israel, nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài không có săn sóc chi tới các dân khác. Thực vậy, chính qua giao ước với Noe, Thiên Chúa đã tỏ ra ý định cứu chuộc hết mọi dân tộc và mọi thế hệ. Hơn thế nữa, ta cũng thấy rằng Chúa Kitô đã không thiếu lần khen ngợi lòng tin của dân ngoại, còn hơn là của dân Israel; và tác giả lá thư gửi người Hibá chương 11 đã ca ngợi đức tin của Enoch, Noe, Melkisedec. Hậu nhiên, các vị đó đáng được coi là người công chính; và dĩ nhiên không ai trở nên công chính trước mặt Chúa nếu không phải là do chính Chúa ban ơn cho. Và ta có thể coi nguồn ban ơn thánh này dựa trên giao ước với Noe. Không nói ai cũng biết, nhận xét này mang nhiều hệ luận quan trọng khi bàn về các giá trị cứu rỗi của những nhân vật, triết học hay luân lý của các dân tộc chưa được tiếp nhận MK Do thái và Kitô.

B. MẦU NHIỆM PHỤC SINH, NỀN TẢNG CỦA THẦN HỌC MẶC KHẢI

Đức Ki-tô, Lời của Thiên Chúa đến ở giữa loài người chúng ta để trình bày cho chúng ta khuôn mặt thực của Thiên Chúa, cũng như để tỏ cho chúng ta ơn gọi cao quý nhất của con người (con người được mời gọi thông dự vào bản tính Thiên Chúa). Đức Ki-tô đã chu toàn sứ mạng của mình bằng lời nói, việc làm, bằng cả lối sống, cả cuộc đời và nhất là bằng cuộc tử nạn và phục sinh. Trước đây, thần học hộ-giáo coi việc Phục sinh như là dấu ấn xác nhận sự chân thật của vai trò thiên sai của đức Ki-tô. Nhưng, dựa theo giáo huấn của công đồng Vaticano II, ngày nay thần học nền tảng coi biến cố Phục sinh như là cao điểm nhất của chương trình mặc khải.

1. Từ ngữ

Trước khi đi vào vấn đề, thiết tưởng nên lưu ý đến các từ ngữ mà Tân ước dùng để diễn tả biến cố Phục sinh của đức Ki-tô. Thường thì chúng ta quen hiểu Phục sinh (phục hồi lại sự sống) theo nghĩa là “sống lại từ cõi chết”. Thế nhưng sự sống lại của đức Ki-tô hoàn toàn khác với sự sống lại của những người khác, chẳng hạn như của ông Ladarô, xét vì ông này được sống lại nhưng rồi sau đó lại phải chết lần nữa, còn đức Ki-tô thì không thế: Ngài không bao giờ chết nữa. Nhưng sự khác biệt căn bản hơn nữa hệ tại chỗ Ladarô sống lại có nghĩa là trở lại cuộc sống ở trần thế này; còn đức Ki-tô thì không thế: sống lại không phải là trở lại cuộc sống ở trần gian, mà là đi vào sự sống của Thiên Chúa. Chính vì thế, để diễn tả tính cách độc đáo của sự sống lại của đức Ki-tô, Tân ước xử dụng những hạn từ khác nhau, tựa như: đức Ki-tô được “siêu tôn”, Ngài đi vào vinh quang của Thiên Chúa, Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa, Ngài được tôn làm Con Thiên Chúa, Ngài chiến thắng tử thần, Ngài là Đấng Hằng sống, v.v…

2. Biến cố Phục sinh với Tin mừng

Khi đọc Tông đồ công vụ và các thư của thánh Phaolô, chúng ta nhận thấy rằng trọng tâm của bài giảng của các thánh tông đồ dựa trên chính biến cố Phục sinh của đức Ki-tô: giả như đức Ki-tô không sống lại thì lời giảng của các ngài cũng như đức tin của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa. Thực vậy, sự Phục sinh của đức Ki-tô không phải chỉ ảnh hưởng tới bản thân của Ngài (theo nghĩa là xác nhận rằng Ngài thực là Đấng Thiên sai), nhưng còn liên hệ tới tất cả chúng ta nữa. Theo thánh Phaolô, giả như đức Ki-tô không sống lại thì chúng ta chưa được giao hòa với Thiên Chúa, tội lỗi và sự chết chưa bị hủy diệt; hậu nhiên, chúng ta sẽ vẫn còn sống trong tội lỗi với tất cả những hậu quả của nó, nghĩa là chúng ta không có hy vọng sẽ sống lại; thân phận chúng ta quả sẽ như trâu ngựa! May thay, sự thực khác hẳn: đức Ki-tô thực đã sống lại! Làm sao các tông đồ có thể quả quyết như vậy? Dựa vào đâu mà các vị xác tín rằng đức Ki-tô đã phục sinh?

3. Lý lẽ của niềm tin

Trải qua lịch sử, không thiếu những giả thuyết đã được đặt lên để giải thích lý do của niềm tin của các đồ đệ đức Ki-tô.

a) Ngay từ đầu, đã có người cho rằng chính các môn đệ đã giấu xác của Thầy mình ở nơi kín rồi rêu rao rằng ông ta sống lại. Nhưng giả thuyết này không vững, xét vì đâu có dễ gì mà lường gạt thiên hạ mãi được: không lẽ bao nhiêu mật thám của Do thái và Rôma không dò ra nơi cất giấu xác của ông Giêsu hay sao?

b) Giả thuyết khác thì cho rằng các môn đệ tụ họp nhau lại để an ủi nhau cho đỡ buồn; thế rồi họ sực nhớ lời Chúa hứa rằng Ngài sẽ sống lại; và rồi nảy ra một thứ ám thị tập thể: họ thâm tín rằng Thầy đã sống lại! Để trả lời cho giả thuyết này ta nên biết rằng các thứ ám thị không có bền lâu, và chắc chắn ít có mấy người sẵn sàng chịu tra tấn hay hy sinh mạng sống để bảo vệ cái ám thị của mình. Dù sao thì giả thuyết ám thị không có nền tảng khách quan. Thực vậy, Phúc âm cho ta thấy rằng các thánh tông đồ không có trông mong chờ đợi Chúa sống lại; cái chết ô nhục của Ngài đã làm cho các ông thất vọng đến nỗi cả khi nhìn thấy Ngài sống lại và hiện ra trước mắt, các ông vẫn không tin. Chính đức Ki-tô Phục sinh đã quở trách các ông vì thiếu lòng tin.

Vì thế muốn tìm sự giải thích hợp lý hơn cả về căn nguyên của lòng tin của các thánh tông đồ thay vì tạo ra giả thuyết xa vời, chúng ta hãy tìm trong chính các bản văn của Phúc âm. Ta thấy có hai dấu chỉ đưa các môn đệ tới việc tin rằng đức Giêsu đã sống lại:

– Sự kiện mộ trống;

– Những lần Chúa hiện ra.

– Cả hai cần được bổ túc cho nhau.

Thực vậy, nguyên sự kiện mồ trống có thể giải thích từ những nguyên do khác nhau, thí dụ như có người đã đến lấy trộm xác của Thầy lúc ban đêm, hoặc vì một cơn động đất đã cuộn thi hài mất tiêu. Còn chỉ nguyên sự hiện ra cũng có thể giải thích là do ảo ảnh gây ra. Nhưng nếu có đủ cả hai dấu chỉ hợp lại thì có đủ lý để tin hơn. Dù sao cần phải nhận rằng sự kiện Chúa hiện ra mạnh hơn là sự kiện mộ trống; cách riêng thánh Phaolô đã dựa vào việc đã gặp thấy Chúa hiện ra để xác quyết niềm tin của Hội thánh, như ta đọc thấy ở đầu chương 15 của thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô. Tuy nhiên, ta không nên quên rằng đó chỉ là hai “dấu chỉ” chứ không phải là hai “luận cứ thuần lý” dẫn tới đức tin. Thực vậy, Chúa Kitô không hiện ra với hết mọi người, cách riêng Ngài không hiện ra với những người đã xử tử Ngài (Herođe, Philato) mà chỉ hiện ra cho những môn đồ là những người sẵn sàng tin vào Ngài; thêm vào đó chính những người được Chúa hiện đến cũng không nhận ra Ngài tức khắc: họ ngỡ là thấy ma, hay là ông coi vườn hay một khách bộ hành. Nói khác đi, các môn đồ, ngoài hai dấu chỉ còn cần đến ánh sáng đức tin nữa thì mới có thể nhận ra Đức Ki-tô phục sinh được. Biến cố Phục sinh trở thành một mầu nhiệm của đức tin vậy. Đây cũng là sự khác biệt giữa sự sống lại của Ladarô và của đức Ki-tô: Ladarô sống lại như con người bằng xương bằng thịt và ai ai cũng có thể kiểm chứng được; còn đối với đức Ki-tô thì sự sống lại có nghĩa là đi vào vinh quang Thiên Chúa, và vì thế cần phải nhờ ánh sáng đức tin thì mới nhận ra.

4. Sự mặc khải của mầu nhiệm Phục sinh

Thần học hộ giáo cổ truyền coi sự Phục sinh như là cái triện ấn xác nhận rằng những gì đức Giêsu đã nói và đã làm là xác thực; còn ngày nay, thần học nền tảng coi sự Phục sinh như là tột đỉnh của việc mặc khải. Thế thì biến cố Phục sinh mặc khải cái gì?

a) Tiên vàn, sự phục sinh mặc khải rằng Thiên Chúa là Chúa của sự sống lại. Thánh Phaolô đã định nghĩa Thiên Chúa như là Đấng đã cho đức Ki-tô sống lại và cũng sẽ cho chúng ta sống lại với Người (Rm 8,11; 1 Cr 6,14; 2 Cr 4,14; Gl 1,1; 1 Tx 1,9-10; 4,14). Ta có thể coi đây là chân lý căn bản làm nền tảng cho những chân lý kế tiếp sau đây.

b) Sự phục sinh mặc khải bản ngã đích thực của đức Giêsu Kitô: Ngài thật là Con Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nhiều lần viết rằng chính nhờ sự phục sinh mà đức Ki-tô, người đầy tớ của Thiên Chúa được siêu tôn làm Con Thiên Chúa (Rm 1,3-4), được tuyên xưng làm Chúa (Kyrios: Rm 10,9; Pl 2,8-11). Phúc âm thuật lại rằng không những các môn đệ khi thấy Chúa phục sinh hiện đến thì phủ phục thờ lạy (Mt 28,9), nhưng còn ghi lại lời tuyên xưng của thánh Tôma tông đồ: “Lạy Chúa tôi và Thiên Chúa tôi!” (Ga 20,28).

c) Hơn thế nữa, sự phục sinh được gọi là một sự mặc khải không phải chỉ theo nghĩa là thông đạt bày tỏ những chân lý, nhưng còn thông đạt cho con người ơn thánh của Chúa nữa (ơn tha thứ, hòa giải) và nhất là thômg ban chính Chúa Thánh Thần, như bảo chứng của việc chúng ta được trở thành nghĩa tử của Chúa, cũng như bảo chứng của việc chúng ta sẽ được sống lại (Ga 20,22; Rm 1,4; 8,11.16-17). Sự phục sinh của đức Ki-tô trở nên hoa trái đầu mùa cho việc phục sinh của chúng ta: không những theo nghĩa là Ngài đã khai mào một kỷ nguyên mới cho chúng ta hy vọng có thể phục sinh, nhưng còn theo nghĩa là Ngài ban cho chúng ta mầm sống mới, tức là Thánh Thần của Ngài mà chúng ta lãnh nhận nhờ bí tích thánh tẩy và làm tăng trưởng nhờ bí tích Thánh thể và đời sống nhân đức.

Như thế, sự phục sinh mặc khải cho ta về Thiên Chúa cũng như mặc khải cho chúng ta về chính định mạng tương lai của con người và vũ trụ dựa theo kế hoạch của Thiên Chúa. Nên biết là trong sách Giáo Lý của Hội thánh Công giáo biến cố Phục sinh của đức Ki-tô được bàn tới không phải trong chương dành cho Mặc khải nhưng là trong phần chú giải Kinh Tin kính, từ số 638 đến số 658. Tuy nhiên chúng ta đừng quên rằng biến cố Phục sinh không những gắn liền với việc lên trời (số 659-667), mà còn gắn với biến cố Ngài sẽ trở lại trong vinh quang (số 668-682). Đó là chưa nói tới sự liên hệ với niềm tin rằng thân xác chúng ta cũng sẽ sống lại (số 988-1004), cũng như sự cử hành Mầu nhiệm Vượt qua trong phụng vụ và bí tích.