Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
“Thần khí luận” (hoặc “Thánh Linh học”) là một ngành thần học mới mẻ, chưa được đưa vào chương trình giảng dạy trong các học viện và chủng viện tại Việt Nam[1]. Vì thế, không lạ gì mà các sách viết về chủ đề này không được dồi dào[2], và dĩ nhiên là nội dung cũng không đồng nhất. Trong bài này, chúng tôi không có tham vọng trình bày khảo luận ngắn gọn về Thần khí luận, mà chỉ muốn điểm qua những vấn đề trong lịch sử thần học liên quan đến Thánh Linh, khởi đầu từ những tranh luận về “từ ngữ”, rồi đến “nhân vật” được biểu thị qua từ ngữ. Chúng tôi chia bài viết làm 5 phần: 1/ Tiền đề: từ ngữ. 2/ Kinh thánh. 3/ Thời các giáo phụ. 4/ Thần học Trung cổ. 5/ Thời cận đại và hiện đại.
I. Tiền đề. Từ ngữ. Spiritus nghĩa là gì?
“Thần khí luận” dịch từ thuật ngữ Pneumatologia, ghép bởi hai danh từ Hy-lạp Pneuma và logos. Việc dịch thuật “logos” không khó: có thể dịch là “luận” hoặc “học” cũng được. Còn pneuma thì sao? Pneuma tiếng Hy-lạp tương đương với spiritus tiếng Latinh (spirito tiếng Ý, spirit tiếng Anh, esprit tiếng Pháp, espiritu tiếng Tây ban nha). Trong tiếng Việt, Spiritus Santus (Ngôi Ba Thiên Chúa) được dịch bằng ba thuật ngữ: Thánh Thần, Thánh Linh, Thần Khí[3]. Dịch “Sanctus” là “thánh” thì coi như tạm ổn; nhưng phải dịch “spiritus” như thế nào? Phải chăng ba từ “thần” – “linh” – “khí” đều đồng nghĩa? Chắc hẳn là không rồi; bởi vì nếu dịch ngược lại sang tiếng Anh, thì kết quả sẽ là: “god” – “soul/spirit” – “air/breath”[4]. Thật vậy, danh từ spirit (tiếng Anh) mang nhiều nghĩa (cũng tựa như esprit tiếng Pháp và spiritus tiếng Latinh). Trước hết, chúng ta hãy điểm qua các ý nghĩa ấy trong ngôn ngữ thông thường, kế đó trong Kinh thánh.
A. Spiritus trong ngôn ngữ thông thường
Trong ngôn ngữ thường ngày, danh từ spirit (tiếng Anh) có nhiều nghĩa, và có thể dịch bằng nhiều từ khác nhau:
1/ Nếu hiểu về những thực thể trong vũ trụ, spirit (dùng ở số ít hoặc ở số nhiều) có thể ám chỉ các thần linh, thần thánh, tiên, quỷ thần, yêu tinh, sinh vật siêu tự nhiên[5]. Nói chung, đó là những thực thể vô hình, đối lại với thế giới vật chất, hữu hình.
2/ Nơi con người, spirit có thể hiểu là: tinh thần, tâm hồn,nghị lực, khí thế, nhiệt tình, tâm trạng, thái độ. Nói chung, đó là yếu tố khác với thể xác[6], được áp dụng không chỉ cho cá nhân mà đôi khi cho một tập thể, chẳng hạn “tinh thần dân tộc”, “tâm thức của thời đại”.
3/ Spirit cũng có thể áp dụng vào cách giải thích một bản văn, chẳng hạn như khi nói đến “tinh thần” của một bản luật, thì người ta muốn nói rằng cần tìm hiểu ý nghĩa hoặc dụng ý của nhà luật pháp khi soạn ra bản văn đó.
Tính từ spiritual thường được dịch là “thiêng liêng” (vô hình), “tinh thần” (chẳng hạn như: người lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo).
B. Spiritus trong Kinh thánh
Trong Kinh thánh, các từ rùak (רוח) trong tiếng Hip-ri của Cựu ước, pnèuma (πνεῦμα) trong tiếng Hy-lạp Tân ước có thể áp dụng cho nhiều thực thể khác nhau: hiện tượng thiên nhiên; đời sống của con người; Thiên Chúa.
1/ Ruak trong Cựu ước, có thể hiểu là:
– Gió (St 8,1), từ cấp độ hiu hiu cho đến cơn bão (Xh 14,21; 1V 19,11).
– Hơi thở, áp dụng cho con người (1 V, 1,5) và cho Thiên Chúa (Tv 33,6; Is 42,5).
– Sức sống, sinh khí (St 7,22; Ed 37,5).
– Nghị lực, tinh thần, tâm trạng, nhuệ khí của một con người (Đnl 34,9; Ds 14,24; Is 66,2).
– Thiên thần, loài linh thiêng; đôi khi cũng là tà thần (1 V 22,21).
– Thần khí của Thiên Chúa: được ban cho các vị lãnh đạo dân tộc hoặc ngôn sứ.
2/ Pneuma trong Tân ước
Nói chung, pneuma tiếng Hy-lạp cũng mang những nghĩa tương tự như ruak trong tiếng Hipri, nghĩa là: “gió” (Ga 3,8), “hơi thở” (Kh 13,15), “sức mạnh, nghị lực, sức sống” (2Tx 2,8; Kh 11,11), “tinh thần, tâm trạng” (2 Tm 1,7); “loài thiêng liêng” (hồn ma: Lc 24,39), kể cả “thần khí ô uế” (pneuma to akatharton: Mc 1,23.26; 3,11.31; 5,2).
Tuy nhiên, cần phải nêu bật vài điều mới mẻ khi từ ngữ pneuma được gắn với Thiên Chúa:
– Trước tiên, nên ghi nhận một thuật ngữ mới: spiritus sanctus (pneuma hagion).Trong bản văn Cựu ước Do-thái (TM), thuật ngữ này chỉ gặp 3 lần: Tv 51,13; Is 63,10.11; bản văn LXX còn thêm 2 lần nữa: Kn 1,5 và 9,17. Trong Tân ước, thuật ngữ này (pneuma hagion) xuất hiện 70 lần, nhưng không luôn luôn ám chỉ một “ngôi vị” (Thánh Linh), bởi vì tự nó, thuật ngữ có thể được hiểu như là “thần khí của sự thánh thiện” (x. Rm 1,4; 15,16; 1Cr 6,11; 1Pr 1,2), “thần khí thánh hóa” (x. 2Tx 2,13).
– Nhiều lần danh từ spiritus được ghép với Thiên Chúa: Spiritus Dei (Mt 12,28; 1Pr 4,14; 1 Cr 2,12) giống như trong Cựu ước; thêm vào đó là các thuật ngữ Spiritus Christi (Rm 8,9; 2Tx 2,8; Pl 1,19) hoặc Spiritus Filii (Gl 4,6). Phải chăng đó là một chủ thể? Phải hiểu như thế nào câu nói “Thiên Chúa là spiritus” (Ga 4,24)[7]?
– Điều rắc rối hơn nữa, là đôi khi danh từ pneuma (không đi kèm theo tính từ hoặc danh từ nào khác) có thể ám chỉ một ngôi vị (và phải viết hoa), chẳng hạn như khi nói Pneuma ngự trong chúng ta (Rm 8,11), cầu nguyện với chúng ta (Rm 8,26-27).
3/ Qua những nhận xét vừa rồi, chúng ta thấy vấn đề giải thích ý nghĩa của một đoạn văn không dễ dàng: khi nào ruak / pneuma ám chỉ một hiện tượng thiên nhiên, hoặc một thành phần trong con người, hoặc ngôi vị thần linh? Chúng tôi xin lấy một thí dụ từ Cựu ước Tv 51) và một thí dụ từ Tân ước (Rm ch.8)
– Trong thánh vịnh 51, từ ruak được dùng 4 lần, và được Nhóm Giờ kinh Phụng vụ chuyển dịch với ba hạn từ “tinh thần”, “thần khí”, “tâm thần”: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con” (câu 12-14)… “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát” (câu 19). Ruak là một yếu tố bên trong con người, hay là do Thiên Chúa ban? Dù sao, thiết tưởng không cần viết hoa.
– Trong đoạn văn Rm 8,9-11.14-16, chúng ta thấy tập trung nhiều từ spiritus, vừa có thể áp dụng cho Thiên Chúa, Đức Kitô, Thánh Linh, vừa có thể ám chỉ một yếu tố trong con người[8]; từ đó viết hoa hay viết thường là cả một vấn đề: “Anh em không ở trong xác thịt nhưng ở trong spiritus, bởi vì spiritus Dei ngự trong anh em. Ai không có spiritus Christi thì không thuộc về Đức Kitô. Nhưng nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dù thân thể anh em có phải chết vì tội, nhưng spiritus là sự sống vì sự công chính. Và nếu spiritus của Đấng đã làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết mà ngự trong anh em thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ cho thân thể hay chết của anh em được sống lại nhờ spiritus của Ngài đang ngự trong anh em. (…) Phàm ai được spiritus Dei hướng dẫn thì là con cái Thiên Chúa. Bởi vì anh em không nhận được spiritus của nô lệ khiến cho anh em phải rơi vào sợ sệt nữa; nhưng anh em đã nhận được spiritus filiationis, khiến cho anh em thốt lên Abba, Cha ơi! Chính spiritus chứng thực cho spiritus của chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa”. Nhóm Giờ Kinh Phụng vụ dịch là “Thần khí”, nhưng thiết tưởng có lúc dịch “thần trí” hoặc “tinh thần” cũng được.
II. Kinh thánh
Khi nêu lên những vấn đề đặt ra liên quan đến từ ngữ, chúng tôi muốn cho thấy phần nào sự khó khăn trong việc trình bày đạo lý về Thánh Linh trong Kinh thánh. Một đàng, không phải luôn luôn các đoạn văn nói đến ruak / pneuma đều ám chỉ hành động của Thiên Chúa, hoặc một ngôi vị Thiên Chúa. Đàng khác, như sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 694-701) đã ghi nhận, đôi khi Thánh Linh còn được Kinh thánh diễn tả qua các biểu tượng nữa, chẳng hạn như: nước, sự xức dầu, lửa, áng mây, ánh sáng, dấu ấn, bàn tay, ngón tay, chim bồ câu.
Trong mục này, chúng tôi muốn nói qua vài lối tiếp cận đặc biệt của Kinh thánh liên quan đến “Thần khí Chúa” (viết tắt TK).
A.Cựu ước
Như đã nói trên đây, ruak có thể mang nghĩa là gió, một hiện tượng thiên nhiên. Nhưng Thiên Chúa có thể dùng nó như khí cụ để cứu vớt dân Ngài, chẳng hạn như làn gió chắn nước khi Israel vượt qua biển Đỏ: Xh 14,21; Ds 11,31; Is 63,11-14), hay để trừng phạt dân (Ed 13,11). Chính vì thế, gió được coi như biểu tượng của việc Thiên Chúa xuất hiện, bày tỏ oai phong của Ngài (Ed 1,4; 1V 19,9; Đn 7,2).Một cách tương tự như vậy, nơi con người, ruak là hơi thở, sinh khí (Tv 31,6; 78,39; 146,4; G 9,18; 12,10;17,1; 19,17; Gv 3,21); nhưng sinh khí là do Chúa ban; nếu Chúa rút lại là con người chết (Tv 104,29-30).
Từ khung cảnh thiên nhiên và nhân sinh vừa nói, chúng ta thấy rằng sức sống của vũ trụ và của con người đều được coi như là tác động của Thiên Chúa. Vì thế, việc biểu thị Thiên Chúa như ruak (làn gió, hơi thở) xem ra khá tự nhiên. Từ đó có thuật ngữ ruak Yahweh, tạm dịch là “TK Thiên Chúa”. Tác động của Ngài không chỉ giới hạn vào sức sống tự nhiên ban cho vạn vật và cho con người, nhưng còn được áp dụng cách riêng vào lịch sử cứu rỗi của Israel. Ta có thể ghi nhận tác động của TK Thiên Chúa ở bốn thời điểm chính sau đây:
1/ Vào lúc tạo dựng. St 1,1-2: “Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”. Có thể hiểu hai nghĩa: + gió bão của Chúa thổi xuống trên mặt nước (tăng thêm vẻ hỗn mang); + TK của Thiên Chúa đã được phú ban ngay từ lúc tạo dựng, mang lại sinh khí cho muôn vật (đối chiếu với Tv 33,6; Is 32,15). TK Thiên Chúa không những là nguồn sinh khí của vạn vật nhưng nhất là ban sức sống cho con người (xc. St 2,7 đối chiếu với Tv 104,29, G 34,14-15).
2/ TK gợi lên những vị cứu tinh cho dân tộc Israel, chẳng hạn: Môsê (Ds 11,16.25), Giôsuê (Ds 27,18), Gêđêon (Tl 6,34), Samson (Tl 14,6.19).
3/ TK được ban cho các ngôn sứ, chẳng hạn: các cộng sự viên của ông Môsê (Ds 11,17.26), và đặc biệt cho các bậc đại ngôn sứ như Isaia (48,16), Êdêkiel (Ed 2,2; 11,5).
4/ TK sẽ được ban dồi dào cho đấng Mêsia (Is 11,1-3), cho người tôi tớ của Giavê (Is 42,1-4). TK cũng sẽ được đổ tràn trên toàn dân vào thời đấng Mêsia (Is 32,15-20; Ge 3,1-5). TK sẽ thanh tẩy tâm hồn và canh tân giao ước (Ed 36,23-28, đối chiếu với 11,14-21).
Tóm lại, TK được hiểu như sức mạnh của Giavê, nhưng có vài đoạn văn cho phép mường tượng như một chủ thể (persona), chẳng hạn như Kn 1,5-7 (TK trùng với Đức Khôn ngoan; xem thêm Kn 7,22-23 liệt kê 23 đặc tính của TK nơi đức Khôn ngoan)[9].
B.Tân ước
Khi nhận xét về từ ngữ, chúng ta thấy rằng danh từ pneuma có thể áp dụng cho thiên nhiên, con người, Thiên Chúa. Trong trường hợp thứ ba, thật khó xác định đó là “sức mạnh của Thiên Chúa”, hoặc một “ngôi vị của Thiên Chúa”; thêm vào đó, đôi khi pneuma cũng được áp dụng cho Đức Kitô. Ở đây, chúng tôi chỉ lựa chọn những đoạn văn được giả thiết nói về một ngôi vị Thiên Chúa, để nêu bật những nét nhấn đặc biệt của Tin mừng nhất lãm, Thánh Phaolô, Thánh Gioan. Nói chung, Tin mừng nhất lãm nói nhiều tới tác động của Thần Khí (viết tắt TK) trong sứ mạng ngôn sứ và cứu tinh của Đức Giêsu khi còn tại thế; còn Gioan, Phaolô và Tông đồ công vụ nhấn mạnh nhiều hơn tới TK như hồng ân được ban cho Hội thánh và các tín hữu do hệ quả của mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô.
1/ Tin mừng nhất lãm
Đặc trưng của các tác giả Tin mừng nhất lãm là nói đến tác động của TK trong cuộc đời của Đức Giêsu, cách riêng vào những hoàn cảnh sau đây:
– Cảnh truyền tin. Trinh nữ Maria thụ thai Đức Giêsu quyền năng của TK (Mt 1,20; Lc 1,35). Nên ghi nhận là theo Luca, TK cũng thánh hóa Gioan tẩy giả (Lc 1,15), thúc đẩy bà Elizabeth và ông Dacaria, cũng như ông Simêon và cụ bà Anna chúc tụng Thiên Chúa (Lc 1,41-43.67; 2,22.25.27.36-38).
– Ông Gioan Tẩy giả loan báo Đức Kitô sẽ làm “phép rửa trong TK” (Mt 3,11).
– TK đáp xuống Đức Giêsu lúc chịu phép rửa dưới hình chim bồ câu (Mt 3,13-17; Mc 1,8-12), chứng tỏ vai trò của vị cứu tinh và tôi tớ mà các ngôn sứ đã tiên báo (Is 11,2; 42,1): Người được xức dầu và được sai đi để mang tin mừng giải phóng cho người nghèo.
– TK đưa Đức Giêsu lên sa mạc để chịu cám dỗ (Mt 4,1; Mc 1,12; Lc 4,1). Đức Giêsu đã chiến thắng ma quỷ, lật ngược lại tình thế ban đầu khi mà tổ phụ Ađam đã bị ma quỷ lường gạt. Từ cuộc chiến thắng trên hoang địa, nhờ sức mạnh của TK, Đức Giêsu tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại sự đô hộ của Satan trên thế giới, nhất là nơi con người (Mc 1,27; Mt 4,10; 12,28; 16,23; Lc 11,20). Luca cũng cho biết là ma quỷ chuyên rình rập để tung ra cuộc giao chiến quyết tử vào hồi tử nạn (Lc 22,53).
– TK hướng dẫn tất cả sứ mạng của Đức Giêsu truyền giảng Tin mừng (Lc 4,16-30): Đức Giêsu quả thực là ngôn sứ bởi vì lời giảng của Ngài có uy lực (Mc 1,22.27). Luca còn nói tới tác động của TK trong việc cầu nguyện của Đức Kitô (3,21-22; 10,21) và trở thành đối tượng của lời cầu mai sau của các môn đệ.
– Đức Giêsu trừ tà do quyền năng của TK (Mt 12,28). Tội phạm nghịch TK thì không tha được (Mt 12,31-32; Mc 3,29; Lc 12,11-12).
– Chúa Giêsu hứa rằng TK sẽ soi sáng các môn đệ để làm chứng cho Đức Giêsu khi bị bắt bớ (Mt 10,20; Mc 13,11).
– Cách riêng, theo Luca, TK được hứa ban như món quà tặng[10] tốt mà Cha ban cho con cái (Lc 11,11-13). Lời hứa trao ban TK được lặp lại cách đặc biệt sau khi Đức Kitô phục sinh (Lc 24,49). Điều này diễn ra vào lễ Ngũ tuần được thuật lại ở sách Tông đồ công vụ (Cv 2,1-4), được coi như “Tin mừng của TK”, mô tả sự bành trướng của Hội thánh dưới sự hướng dẫn của TK. Trong sách Tông đồ công vụ, Luca đã trình bày vai trò của TK trong đời sống của Hội thánh với những nét tương tự như tác động của TK trong đời sống của Đức Giêsu trong Phúc âm. Cũng như trước đây TK đã đáp xuống Đức Giêsu vào lúc chịu phép rửa (Lc 3,21-22) để sai đi rao giảng Tin mừng cho hết mọi dân (Lc 4,16.25-27); nay TK cũng đáp xuống Hội thánh vào dịp lễ Ngũ tuần (Cv 2,1-4) để rao giảng Tin mừng dành cho hết mọi dân (Cv 2,14.39). Đối với người Do thái, lễ Ngũ tuần tưởng niệm giao ước Sinai; đối với Hội thánh, thì giao ước là chính TK được ban trong khung cảnh không kém uy nghi như trên núi Sinai (chớp sáng và lưỡi lửa Cv 2,2-3, gợi lại cảnh sấm chớp mô tả ở Xh chương 19-20). TK được ban như hồng ân của Đức Kitô phục sinh (Cv 2,33), nhằm hoàn tất các lời hứa của Thiên Chúa (Cv 1,4; Lc 24,49). TK được ban khi các môn đệ họp nhau cầu nguyện (Cv 1,14; 2,1). Sách Cv còn nói tới nhiều lần TK đã đến vào lúc cộng đồng đang cầu nguyện (4,31; 10,44-47).
TK không chỉ được ban vào lúc khai sinh cộng đoàn Hội thánh tại Giêrusalem, tại Êphêsô (19,5-6) và các nơi khác[11], nhưng Ngài còn đi kèm Hội thánh trong cuộc sống, khi hướng dẫn những bước đường truyền giáo (8,29.39) mở rộng tới biên cương mới (ch. 10; 15,28; 16,6), đặc biệt là những chuyến hành trình truyền giáo của Phaolô (13,2.4; 16,6; 20,22.23.28; 21,4.11); TK hỗ trợ Hội Thánh để làm chứng cho Đức Kitô bất chấp những đe loi, bắt bớ (1,8; 4,31; 5,32; 15,8; 28,31).
2/ Thánh Phaolô
Trong các tác phẩm Tân ước, từ spiritus xuất hiện nhiều nhất nơi các thư của thánh Phaolô (139 lần, kế đến là Luca với 109 lần). Đạo lý của thánh Tông đồ về TK rất phong phú nhưng cũng rất phức tạp, xét về từ ngữ cũng như về nội dung. Xét về từ ngữ, chúng ta thấy nhiều lối nói khác nhau: spiritus (pneuma), spiritus sanctus (pneuma agion), spiritus Dei (pneuma tou Theou), spiritus Filii (pneuma hyiou), spiritus Christi (pneuma Kristou).
a) Thành ngữ thần khí của Thiên Chúa đã được sử dụng trong Cựu ước (St 1,2; Tv 51,13; 139,7; Is 11,2; 61,1; Ed 2,2) để ám chỉ quyền năng của Thiên Chúa tỏ ra khi tạo dựng vũ trụ, khi canh tân nhân loại, khi gợi lên các ngôn sứ. Nhưng thánh Phaolô còn muốn thêm một nghĩa mới: TK của Thiên Chúa được hiểu như là một chủ thể, nhất là khi gọi là “Thần khí thánh” (Rm 5,5).
b) Mặt khác, thánh Phaolô còn sử dụng một từ ngữ có thể giải thích theo nhiều nghĩa, đó là: thần khí của Đức Kitô (2Tx 2,8; 2Cr 3,17b; Gl 4,6; Rm 8,9; Pl 1,19). Phải hiểu là một thực thể khác biệt với Đức Kitô (thần khí được ban nhờ Đức Kitô), hay phải hiểu: Đức Kitô là thần khí? Xem ra thánh Phaolô hiểu cả hai nghĩa:
– Có những đọan văn xem như TK không khác gì với Đức Kitô phục sinh. Thánh Phaolô quy gán những tác động như nhau cho Đức Kitô hoặc cho TK. Thí dụ: nhờ phép rửa, các tín hữu được ở trong Đức Kitô (1Cr 1,30; 2Cr 5,17) hay ở trong TK (Rm 8,9). Đối lại, Đức Kitô ở trong họ (Rm 8,10; 2Cr 13,5; Gl 2,20); TK cũng ở trong họ (Rm 8,9; 1Cr 3,16). Niềm vui của tín hữu được gọi là “trong Pneuma” (Rm 4,1) cũng như “trong Kyrios” (Pl 3,1; 4,10). Ta cũng nhận thấy kiểu nói tương tự như vậy khi đề cập tới các hồng ân cứu độ khác, tựa như: bình an (Rm 14,17 = Pl 4,7), tự do (2Cr 3,17 = Gl 2,4), vinh quang (2Cr 3,8 = Pl 4,19), sự sống (2Cr 3,6 = Rm 8,2; Rm 6,23 = Gl 5,25). Hơn thế nữa, ở đoạn văn 2Cr 3,17, ra như TK được đồng hóa với Đức Kitô: “Kyrios (Đức Kitô) là thần khí”.
– Đàng khác, có những đoạn văn và lối nói cho thấy rằng thánh Phaolô quan niệm Đức Kitô khác với TK. Thánh Phaolô gọi Đức Kitô là lẽ sống của mình (Pl 1,2; Gl 2,20; xc Cl 3,4) nhưng không nói như vậy về TK. Người tín hữu cần gắng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (Gl 4,19; Rm 8,29), nhưng không thấy nói như vậy về TK.
Đúng ra, giữa Đức Kitô và TK có một liên hệ chặt chẽ: Đức Kitô tác động qua TK (xc Rm 15,18); TK liên kết Đức Kitô với các tín hữu, và là nguyên ủy hợp nhất của hết các tín hữu (1Cr 12,13; xc Rm 8,9-11). Mặt khác, TK có những tác động chuyên biệt: chẳng hạn TK được coi như “trái đầu mùa” (Rm 8,23) hay bảo chứng (2Cr 1,22; 5,5) của ơn cứu rỗi, bởi vì TK ban cho chúng ta niềm xác tín về sự phục sinh.
c) Qua các đoạn văn vừa trưng dẫn, chúng ta có thể nhận thấy rằng thánh Phaolô bàn đến TK trong khung cảnh của lịch sử cứu độ: TK được gắn liền với công trình cứu độ của Đức Kitô. TK được ban cho tín hữu khi họ lãnh bí tích rửa tội, nghĩa là khi họ tin nhận Đức Kitô. Nhờ được tháp nhập vào thân thể với Đức Kitô, họ được thông phần vào chức phận làm nghĩa tử của Thiên Chúa. TK được ban như là dấu chứng của thân phận làm nghĩa tử (xc Gl 4,6; Rm 8,14-17). TK ngự nơi tín hữu như ở trong đền thờ (1Cr 3,16; 6,19; Rm 8,9-11). TK cầu nguyện trong tín hữu (Rm 8,26). Khi lãnh bí tích rửa tội, người tín hữu nhận lãnh TK như là “ấn tích” (xc 2Cr 1,22; Ep 1,13; 4,30): TK trở nên “bảo chứng” cho những hồng ân mà họ trông mong trong thời cánh chung, chẳng hạn như sự sống lại (Rm 8,11), sự đồng vinh hiển với Đức Kitô (Rm 8,32). Như vậy TK là nguyên ủy của đời sống mới của người tín hữu: từ nay họ hãy sống trong TK, họ hãy đi theo TK (Gl 5,25) và tiêu hủy các việc làm của xác thịt (Rm 8,5-8.12-13); họ hãy phát triển những hoa trái của TK: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (Gl 5,22)[12]. Dĩ nhiên, họ đừng làm phiền lòng TK ngự trong họ (Ep 4,30), đừng dập tắt TK (1Tx 5,19).
3/ Thánh Gioan
Nơi thánh Gioan, tính “ngôi vị” (persona) của TK rõ ràng hơn cả, cách riêng khi liên kết với tước hiệu Paraclitus. Trong Tin mừng thứ bốn, spiritus (pneuma) được dùng 57 lần, spiritus sanctus 3 lần (1,33; 14,26; 20,22). Đặc biệt tác giả sử dụng hai thuật ngữ trong bài giảng tại nhà Tiệc ly: Paraclitus (5 lần: 14,16.26; 15,26; 16,7) và Spiritus veritatis (3 lần:14,17; 15,26; 16,13). Paraclitus là một từ ngữ của giới pháp đình: kẻ “được gọi đến” (parakletos tiếng Hy-lạp, tương tự như ad-vocatus tiếng La-tinh) để bảo vệ che chở bị cáo, cũng như khích lệ nâng đỡ. Nơi thánh Gioan, Paraclitus không có nghĩa thụ động (được gọi đến), nhưng mang nghĩa chủ động: một kẻ đến gần để giúp đỡ, che chở, bảo vệ, bào chữa, ủi an, cố vấn. Spiritus veritatis (pneuma tês aletheias): TK chân lý. Theo thánh Gioan, Đức Giêsu là chân lý (14,6; 18,37) vì là mạc khải Thiên Chúa, nói lời chân lý (17,17). TK chân lý có nghĩa là thần khí của Đức Giêsu, giúp cho ta được “thấy và tin” mạc khải chân lý, tức là bản thân Đức Giêsu (16,13).
Trong khi Tin mừng nhất lãm nói đến TK tác động trên Đức Giêsu, thánh Gioan nhấn mạnh đến Chúa Giêsu là Đấng ban TK cho Giáo hội. Sau đây là những đoạn văn chính nói về TK:
– Chứng tá của ông Gioan Tẩy giả: TK đáp xuống trên Đức Giêsu, và ở lại với Người (1,32-33).
– Cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô: con người cần được tái sinh bằng nước và TK thì mới được vào Nước Chúa (3,3-5). Sự đối chiếu giữa xác thịt / TK (3,6; so sánh với 6,63). TK được ví với gió (3,7).
– Cuộc đối thoại với thiếu phụ Samaria: thờ phượng Thiên Chúa trong TK và sự thật (4,23). Thiên Chúa là TK (4,24).
– TK sẽ được ban với sự tôn vinh của Đức Kitô (7,39; 19,30). TK được ví như nước hằng sống.
– Năm lời hứa ở nhà Tiệc ly (14,16-17. 25-26; 15,26; 16,7-11.12-15). Những đoạn văn này không những bàn về chức năng của TK, nhưng nhất là trình bày TK như chủ thể (chứ không chỉ như là một động lực, sức mạnh). TK và Paraclitus gắn liền với nhau: ngài sẽ ở với các môn đệ, để dạy dỗ họ, để làm chứng cho Đức Kitô, để tố cáo tội của thế gian, để dẫn các môn đệ đến chân lý toàn vẹn.
4/ Từ thập giá và phục sinh
– 19,30: Sau khi đã nếm giấm, Đức Giêsu nói: “Mọi sự đã hoàn tất. Và Người gục đầu, trút thần khí”, tuy có thể hiểu là tắt thở, nhưng đúng ra nên hiểu là “Người trút, trao thần khí” (paredoken to pneuma: tradidit spiritum), nguồn sinh lực mới.
– 20,22-23: Đức Giêsu thổi trên các môn đệ và nói: “Hãy nhận lãnh Spiritus sanctus…” để tha tội.
Tóm lại, nơi thánh Gioan, TK xuất hiện như là một chủ thể tác động: ngài là hồng ân (tặng phẩm, x. 1 Ga 3,24) của Cha và của Đức Giêsu cho các môn đệ. Ngài có những tương quan với Chúa Cha, với Đức Giêsu, với các môn đệ.
1/ Với Thiên Chúa Cha: TK xuất phát từ Cha (15,26), được Cha phái đến các môn đệ (14,16; 26).
2/ Với Đức Giêsu. Đức Giêsu ban TK từ thập giá và phục sinh (Ga 19,30; 20,22). Đức Giêsu là Paraclitus. TK là Paraclitus thứ hai (14,26), được Đức Giêsu phái từ Cha (16,26; 16,7), đến với các môn đệ để nhắc nhớ họ những lời của Đức Giêsu và giúp họ thâm hiểu hơn những lời đó, dẫn họ đến chân lý toàn vẹn (16,13); để làm chứng cho Đức Giêsu trước mặt thế gian (15,26). Xem thêm 1Ga 5,5-8 (TK làm chứng cùng với nước và máu).
3/ Với các môn đệ của Đức Giêsu: TK ở lại với họ, ở trong họ (14,17), để dạy dỗ, nhắc nhở (14,26). Vai trò dạy dỗ: xem thêm 1Ga 2,20-27 (Thánh thần là thầy dạy nội tâm).
4/ Với thế gian, TK bắt bẻ tố cáo tội của thế gian: tội không tin. Vai trò của Paraclitus ở đây (Ga 16,11) không còn là biện hộ nữa, nhưng là công tố buộc tội, nhằm lật ngược những lời buộc tội Đức Giêsu trước đây.
5/ Ngoài ra, TK cũng được gắn liền với sự sống (6,63), nước hằng sống (7,37-38).
Như chúng ta đã thấy, TK tác động như một chủ thể: Ngài khác biệt với Cha và Đức Kitô; Ngài đến, ở lại, dạy dỗ, nhắc nhở, hướng dẫn, bắt bẻ, tố cáo.
Trong mục này, chúng ta nhận thấy sự tiến triển về mặc khải Thánh Linh, không những từ Cựu ước sang Tân ước, mà thậm chí từ Tin mừng nhất lãm đến các tác phẩm của thánh Gioan. Trong những mục kế tiếp, chúng ta sẽ theo dõi sự tiến triển đạo lý về Thánh Linh trong lịch sử Giáo Hội[13].
III. Thời các giáo phụ
Như chúng ta đã thấy, các bản văn Tân ước của pneuma không lúc nào cũng rõ nghĩa: phải chăng đó là một sức mạnh của Thiên Chúa, hay là một “ngôi vị” biệt lập? Vấn đề không đơn giản. Thật vậy, đức tin dạy rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất; vì thế không thể quan niệm một “chủ thể” nào nữa, nếu không muốn rơi vào thuyết đa thần! Thật ra, những cuộc tranh luận đầu tiên về mầu nhiệm Tam vị xoay quanh căn cước của Đức Giêsu, một nhân vật lịch sử mà mọi người đều biết; còn Thánh Linh thì vô hình, chẳng ai thấy hình dáng thế nào, cho nên cũng không gây thắc mắc bao nhiêu. Thánh Linh được Tân ước mô tả như là “hơi thở”, phần nào tiếp tục những hoạt động mà Cựu ước đã đề cập qua thuật ngữ “Thần khí của Yaweh”. Vì thế, mặc dù có công thức rửa tội “nhân danh Cha và Con và Thánh Linh” (Mt 28,19), nhưng việc nhìn nhận thiên tính của Con và Thánh Linh đã trải qua một tiến trình gay go và chậm chạp. Phải chờ đến công đồng Constantinopolis I (381), Hội thánh Công giáo mới khẳng định rõ rệt rằng “Thần khí là Đấng Thánh, là Chúa, Đấng ban sự sống”. Chúng ta hãy ôn lại vài mốc điểm của tiến trình này. Nên lưu ý là chúng tôi giới hạn vào khía cạnh “đạo lý” liên quan đến bản tính của Thánh Linh; lẽ ra cần phải nói thêm cả những “tác động” của Ngài, được biểu lộ qua đời sống của Hội thánh nữa. Thánh Linh không chỉ “phán dạy” qua huấn quyền, mà còn qua các “ngôn sứ”, qua các “thánh”, qua những “cảm nghiệm đức tin” của các tín hữu nữa.
A. Ba thế kỷ đầu tiên
Các giáo phụ trong những thế kỷ đầu tiên không quan tâm lắm đến vai trò của Thánh Linh, thậm chí có những giáo phụ (chẳng hạn thánh Giustinô) lẫn lộn giữa Thánh Linh với Lời, hoặc với Đức Khôn ngoan, hoặc với một thiên sứ. Dù thế nào đi nữa, trong một thế giới đa thần của văn hóa Hy-lạp và Roma, cần phải bảo vệ đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Trong bối cảnh ấy, cần phải loại trừ những cách hình dung ba chúa (tritheismus)[14] bởi vì trái ngược với đức tin. Không lạ gì mà có khuynh hướng coi “Cha-Con-Thánh Linh” như là ba dạng thức khác nhau của một Thiên Chúa (modalismus) chẳng hạn như ông Sabellius. Một khuynh hướng khác (chẳng hạn như ông Phaolô Samosata) chỉ nhận Cha mới thực sự là Thiên Chúa, còn Đức Kitô chỉ là một nhân vật thánh thiện, được Cha tuyên bố nhận làm nghĩa tử (ở sông Giorđan), vàxem thần khí chỉ là năng lực của Thiên Chúa. Ông Ariô cũng nằm trong khuynh hướng ấy. Theo ông, Đức Giêsu tuy là Logos, nhưng vẫn chỉ là thụ tạo, ở dưới Chúa Cha: do lòng vâng phục, Đức Giêsu sau khi phục sinh được đưa vào vinh quang, được tôn vinh làm con Thiên Chúa.
Chống lại quan điểm của ông Ariô, công đồng họp ở Nixêa năm 325 đã tuyên xưng rằng Đức Kitô là Con Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha. Tuy nhiên, tín biểu của công đồng Nixea chỉ dành cho Thánh Linh một câu ngắn ngủi để kết thúc (“et in Spiritum Sanctum”) chứ không đả động đến thiên tính của ngài.Như chúng ta đã biết, không phải tất cả các giám mục đều chấp nhận định tín của công đồng Nixêa, thậm chí phải nói rằng phe của Ariô (được sự ủng hộ của triều đình) thắng phe của công đồng Nixêa: thánh Athanasiô là nạn nhân điển hình của cuộc tranh chấp này, và phải trả giá bằng 5 lần phát lưu. Qua thư từ giữa thánh Athanasiô với giám mục Serapion, chúng ta biết rằng từ năm 360, phe Ariô mở rộng cuộc tranh luận sang Thánh Linh: họ coi Thánh Linh là thụ tạo, đồng hóa với các thiên sứ. Cũng vào thời gian ấy, một nhóm do Maxeđôniô lãnh đạo cũng phủ nhận thiên tính của Thánh Linh (được đặt tên là nhóm Pneumatomachi: những kẻ chống lại Thánh Linh.
Trong số những người bênh vực thiên tính của Thánh Linh, ta phải kể đến thánh Athanasiô và ba vị giáo phụ miền Cappađoxia, đó là: thánh Basiliô (329-379) và bào đệ là thánh Grêgoriô Nyssa (k.325-394), thánh Gregorio Nazianzenô (330-k.389).
B. Công đồng Constantinopolis I
Công đồng được triệu tập vào tháng 5 năm 381, và để lại bản tuyên xưng đức tin về Thánh Linh mà chúng ta đọc trong Thánh lễ các Chúa nhật, qua ba mệnh đề căn bản sau đây:
1/ Thánh Linh là Thiên Chúa: ngài được gọi bằng các danh xưng thuộc về Thiên Chúa: Đấng Thánh (aghion), Chủ thể (kyrion), ban sự sống (zoopoion).
2/ Nguồn gốc từ Thiên Chúa: ngài “phát xuất bởi Cha” (x. Ga 15,6), nghĩa là bắt nguồn từ thiên tính của Cha. (Sau này bên Tây phương sẽ thêm “và Con” như sẽ nói dưới đây).
3/ Do đó, ngài cũng được tôn kính ngang hàng với Cha và Con[15].
Tác động của Thánh Linh còn được đề cập trong hai mệnh đề khác nữa: một là khi nói đến mầu nhiệm Nhập Thể (“bởi Thánh Linh”); hai là khi nói đến tác động nơi các ngôn sứ (“Ngài phán dạy qua các ngôn sứ”), có lẽ vì muốn chống lại những lạc giáo không nhìn nhận các sách Cựu ước.
C. Sau công đồng Constantinopolis
Sau khi đã khẳng định thiên tính của Con và Thánh Linh, các giáo phụ bắt đầu tìm hiểu tương quan giữa ba vị. Các kinh Tin kính cổ điển được phát biểu theo lịch sử cứu độ: ba công trình tạo dựng, cứu chuộc, thánh hóa được quy gán cho Cha, Con, Thánh Linh. Các kinh Tin kính từ thế kỷ V (thí dụ: Fides Damasi, Clemens Trinitas, Quicumque)bắt đầu đào sâu tương quan nội tại giữa ba vị.
Đàng sau các tín biểu này, người ta nhận thấy ảnh hưởng của thánh Augustinô. Trong tác phẩm De Trinitate, tác giả cố gắng tìm hiểu điều gì làm nên sự duy nhất và khác biệt nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa duy nhất xét theo bản tính (essentia), nhưng khác biệt xét theo các tương quan (relationes)giữa các ngôi vị. Cả ba vị đều chung nhau về bản tính và các ưu phẩm (toàn năng, hằng hữu, đơn giản, vv), nhưng khác biệt do những mối tương quan (relations): Con phát xuất từ Cha (nhiệm sinh: generatio), Thánh Linh phát xuất từ Cha và Con (nhiệm xuy: spiratio).
Dựa theo những từ ngữ lấy từ Tân ước, Thánh Linh được nhìn như là “ân huệ” (donum: x.1Cr 12,11; Ga 4,10) và “tình yêu (amor: Rm 5,5). Thánh Linh không chỉ là ân huệ mà Thiên Chúa đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, nhưng trước đó, Thánh Linh là quà tặng của Cha và Con, tình yêu giữa Cha và Con: “Thánh Linh là tình yêu chung để Cha và Con yêu nhau” (caritas communis qua invicem se diligent Pater et Filius). Thánh Linh được nhìn như nguyên ủy thông hiệp giữa Ba Ngôi.
Mặt khác, tuy tập trung chú ý về tương quan nội tại giữa ba ngôi vị, nhưng thánh Augustinô cũng không bỏ qua tác động của ba vị trong kế hoạch cứu độ, cách riêng tác động của Thánh Linh trong các linh hồn qua bảy ân huệ.
IV Thời Trung cổ
Thời Trung cổ đã để lại vài dấu ấn quan trọng trong thần học về Thánh Linh, với những hệ quả không nhỏ trong đời sống Giáo hội. Dù sao, chúng ta không nên bỏ qua những thánh thi nổi tiếng kính Chúa Thánh Thần: Veni Creator Spiritus (“Xin ngự đến, Lạy Thánh Thần sáng tạo”, thánh thi Kinh Chiều Lễ Hiện Xuống, do tác giả vô danh, thế kỷ IX); Veni Sancte Spiritus (điệp ca Magnificat thế kỷ XII)[16]; Veni Sancte Spiritus (ca tiếp liên Thánh lễ, tác giả Stephen Langton, đầu thế kỷ XIII).
A. Sự chia rẽ giữa hai giáo hội Đông và Tây
Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự đoạn giao giữa hai tòa thượng phụ Constantinopolis và Roma vào năm1054liên quan đến Thánh Linh. Các Giáo hội Đông phương tố cáo Rôma đã tự tiện thêm vào kinh Tin kính của công đồng Constantinopolis điều khoản Filioque (“Thánh Linh phát xuất từ Cha và Con”).
Thật ra, việc du nhập Filioque không do sáng kiến của Roma nhưng là do các công đồng miền Toledo III (năm 589), IV (năm 633), VI (năm 638), XI (675), XVI (693). Bước kế tiếp là hoàng đế Charlemagne (công đồng Aix en Chappelle năm 809) truyền thêm vào kinh Tin kính trong toàn thể Tây phương, bất chấp sự phản đối của giáo hoàng Leô III. Mãi sau này, do áp lực của hoàng đế Henri II, giáo hoàng Bêneđictô VIII mới thêm vào tín biểu và đọc trong Thánh lễ (năm 1014).
Dĩ nhiên, sự chia rẽ Đông Tây không chỉ bắt nguồn từ một lý do ấy mà thôi. Dù sao, đàng sau cuộc tranh luận này, người ta nhận thấy sự khác biệt trong lối tiếp cận mầu nhiệm Tam Vị: bên Đông khởi đi từ một nguyên ủy là ngôi Cha, còn bên Tây khởi đi từ một bản tính Thiên Chúa chung cho cả ba vị. Dưới khía cạnh thần học, hai bên cố gắng tìm ra những công thức hòa giải giữa đôi bên, chẳng hạn tại công đồng Lyon II (năm 1274) và Firenze (năm 1439), với công thức ex Patre per Filium. Một điểm khác nữa đã gây ra tranh cãi là yếu tố cấu thành Bí tích Thánh Thể: theo thần học Latinh, chính những lời của Chúa Giêsu (“Này là Mình Thầy … này là chén Máu Thầy…”) biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu thánh; thần học Đông phương chủ trương những lời khẩn nài Thánh Linh (epiclesis) mới là yếu tố cấu thành[17].
B. Thời đại của Thánh Linh: Joachim Fiore
Như vừa nói, cuộc phân ly giữa Đông phương và Tây phương không chỉ bắt nguồn từ sự khác biệt về thần học, nhưng còn nhiều yếu tố khác liên quan đến tổ chức cơ cấu Giáo hội. Nói chung, Đông phương chỉ trích Tây phương bỏ quên “Thánh Linh” mà chỉ nhấn mạnh đến “Đức Kitô”: điều này đưa tới việc đề cao quyền bính và luật pháp, mà coi nhẹ khía cạnh tâm linh và hiệp thông.
Bên Tây phương cũng không thiếu những người chia sẻ quan điểm ấy. Đối lại trào lưu muốn củng cố cơ chế Giáo hội và pháp luật, có những phong trào chủ trương trở về với nếp sống đơn sơ của Tin mừng, dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh. Vào thời Trung cổ, có lẽ ý kiến độc đáo hơn cả là viện phụ Joachim de Fiore, về học thuyết ba thời đại của lịch sử cứu độ gắn liền với Tam vị[18].
– Thời thứ nhất là triều đại của Chúa Cha. Đó là công trình tạo dựng và bảo tồn thế giới. Trong triều đại này, Thiên Chúa điều khiển bằng quyền năng và sự quan phòng trên vạn vật. Thời đại Chúa Cha kéo dài từ tạo thiên lập địa cho đến khi Đức Giêsu sinh ra; đó là thời kỳ của Cựu ước tượng trưng bằng chế độ Lề Luật; con người sống theo xác thịt và sợ hãi.
– Thời thứ hai là của Chúa Con. Đó là công cuộc cứu chuộc khỏi tội lỗi nhờ sự vâng phục của Đức Giêsu. Khi hiệp thông với Con, loài người bước từ chỗ thân phận làm nô lệ cho Lề Luật trở thành con cái Thiên Chúa. Niềm kính sợ Thiên Chúa biến thành niềm phó thác tin tưởng nơi Ngài. Thời đại Chúa Con kéo dài từ Đức Giêsu sinh ra cho đến thời của ông Joachim; đó là thời Tân ước và thời của Hội Thánh, với đặc trưng là loan báo Tin Mừng và phân phát các bí tích của Đức Kitô.
– Thời đại thứ ba là của Thánh Linh. Đó là thời của các đặc sủng và cảm nghiệm trực tiếp về Thiên Chúa cư ngụ ở trong tâm hồn. Đặc trưng của thời đại này là những người con cái Thiên Chúa được biến đổi thành những bạn hữu của Ngài. Trong thời đại thứ ba, trần gian sẽ được tràn đầy niềm vui lễ Hiện Xuống, thiên hạ được hưởng thái bình. Vương quốc của Thánh Linh sẽ xuất hiện vào năm 1260.
Mỗi thời đại cũng được biểu lộ qua một hàng ngũ: thời đại thứ nhất thuộc về những giáo dân đã kết hôn; thời đại thứ hai thuộc về các giáo sĩ; thời đại cuối cùng thuộc về các đan sĩ và những người thần khí. Cũng vậy, ba thời đại tương ứng với ba tình trạng tu đức của nhân loại: trong tình trạng thứ nhất, quy về Chúa Cha tạo thành, con người còn là nô lệ và sống trong sợ hãi; trong tình trạng thứ hai, quy về Chúa Con đã làm người và sống kiếp phàm nhân như chúng ta, con người trở thành con cái Thiên Chúa và sống trong đức tin; trong tình trạng thứ ba, quy về Thánh Linh, con người sống trong đức mến và sự tự do.
Tư tưởng của Joachim di Fiore ảnh hưởng không ít đến các phong trào canh tân Giáo hội hồi thế kỷ XIII, chẳng hạn thánh Phanxicô Assisi (hoặc ít là nhánh Spirituales của dòng này). Thật ra lịch sử Giáo hội đã nhiều lần chứng kiến sự xuất hiện của các phong trào “ngôn sứ” phản ứng lại khuynh hướng củng cố các thể chế trong Giáo hội, chẳng hạn như phong trào Montanô ở thế kỷ II, phong trào đan tu ở thế kỷ IV, cũng như nhiều dòng tu và hiệp hội đạo đức vào những thế kỷ XII-XIII.
C. Thần học kinh viện về Thánh Linh
Trong số những nhà thần học thời Trung cổ, chúng tôi muốn dừng lại ở thánh Tôma Aquinô, người đã làm sáng tỏ nhiều khía cạnh của Thánh Linh. Thánh Linh được nhìn: trong lịch sử cứu độ; trong đời sống các tín hữu; cũng như trong mầu nhiệm Tam vị.1/ Thánh Linh là luật mới
Thánh Tôma chấp nhận thách đố của viện phụ Joachim de Fiore nói trên đây. Ta có thể nhận thấy điều này khi đọc khảo luận về “Luật mới” (Lex nova) trong bộ Tổng luận thần học (I-II, q.106). Ngài viết: “Trọng tâm của luật mới là ân sủng của Thánh Linh được ban cho ta qua việc tin nhận Đức Kitô… Tuy nhiên, trong luật mới, có một vài yếu tố nhằm chuẩn bị con người đón nhận ân sủng của Thánh Linh, và vài yếu tố khác liên hệ tới việc sử dụng ân sủng”. Nói cách khác, trọng tâm của Luật mới là ân sủng Thánh Linh; những yếu tố pháp lý giữ vai trò thứ yếu. Những luật lệ này đặt ra những nghĩa vụ cho Hội thánh, chứ không chỉ riêng cho các tín hữu. Thật vậy, Hội thánh có nghĩa vụ phải chuẩn bị cho nhân loại đón nhận ân sủng bằng việc loan báo Tin mừng; đối lại, việc đón nhận Tin mừng được diễn tả qua việc cải hoán và tin. Mặt khác, ân sủng của Thánh Linh thúc đẩy con người hành động, thực hành các nhân đức; chính vì thế mà Tân ước chứa đựng nhiều quy luật về việc sử dụng ân sủng. Nói cách khác, luật pháp cần thiết trong Hội thánh, nhằm phục vụ ân sủng Thánh Linh. Thánh Linh mới thật là trọng tâm của Hội thánh. Tuy nhiên, Thánh Linh giúp các tín hữu hiểu biết Đức Kitô, chứ không khai trương một thời đại khác.
2/ Đời sống Kitô hữu dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh
Thánh Augustinô (De sermone Domini, 1,4: PL 34,1234-1235)và thánh Grêgoriô Cả (Moralia II,77: PL 75,592) đã đề cập đến các ân huệ của Thánh Linh[19]. Dựa theo Isaia 11,2 các ngài đã nói đến vai trò của 7 ân huệ Thánh Linh trong đời sống người tín hữu. Thánh Tôma đi thêm một bước nữa khi diễn tả ảnh hưởng cụ thể của các ân huệ ấy. Trong bộ Tổng luận thần học (I-II, q.68; II-II, q.8, a.4), nội dung của “đời sống luân lý” được giải thích dựa trên 7 nhân đức: ba nhân đức hướng Chúa (tin – cậy – mến) và bốn nhân đức nhân bản (khôn ngoan – công bình – can đảm – tiết độ). Nhờ các nhân đức, con người có khả năng thi hành những việc tốt lành. Tuy vậy, con người vẫn còn xa mục tiêu muốn nhắm đến, đó là Thiên Chúa. Một đàng, con người chỉ có thể thực hành những hành vi trong tầm sức của mình, chứ đâu có thể vươn lên tới thế giới thần linh! Đàng khác, do bản tính yếu đuối, con người thiếu kiên trì trong đường nhân đức và dễ bỏ cuộc giữa đường. Chính trong bối cảnh này mà Thiên Chúa đến trợ lực cho ta nhờ các ân huệ Thánh Linh. Các ân huệ này nâng cao khả năng của con người, giúp cho con người được mạnh mẽ để thực hiện những hành động phi thường, cũng như kiên trì trong đường tiến đức (xc. Rm 8, 14).
Như vậy, theo thánh Tôma, mối tương quan giữa các nhân đức với các ân huệ Thánh Linh có thể thiết lập dựa theo vai trò chủ động trong tiến trình nên thánh. Các “nhân đức” nêu bật hoạt động của con người, còn các “ân huệ” thì đề cao vai trò chủ động của Thánh Linh. Nhằm diễn tả cách cụ thể tác động của Thánh Linh đối với hành trình nên thánh, Thánh Tôma móc nối 7 hồng ân với 7 nhân đức cơ bản điều khiển tất cả các hành vi (gồm 3 nhân đức hướng Chúa: tin, cậy, mến; 4 nhân đức luân lý: khôn ngoan, công bình, tiết độ, can đảm).
(1) Ơn cao minh kiện toàn đức mến, dẫn chúng ta vào sự kết hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa, đồng tâm nhất trí với Ngài.
(2) Ơn thâm hiểu kiện toàn đức tin, giúp chúng ta thấu hiểu các mầu nhiệm do Chúa mặc khải.
(3) Ơn minh luận cũng kiện toàn đức tin, vì giúp chúng ta đánh giá mọi sự theo viễn tượng của Chúa.
(4) Ơn chỉ giáo kiện toàn đức khôn ngoan, để biết lựa chọn những biện pháp tốt đẹp nhất theo ý Chúa.
(5) Ơn sùng hiếu kiện toàn đức công bình, giúp chúng ta sống tương quan con thảo đối với Chúa, và tình huynh đệ với tha nhân.
(6) Ơn hùng mạnh kiện toàn đức can đảm, nổi bật nhất nơi các vị tử đạo.
(7) Ơn kính sợ kiện toàn hai nhân đức: đức cậy bởi vì dựa vào quyền năng của Thiên Chúa; đức tiết độ nhằm giúp con người tránh phạm tội bởi vì sợ mất lòng Chúa.
Ta có thể xếp đặt lại thứ tự dựa theo các nhân đức như sau: đức tin được kiện toàn nhờ hai ơn thâm hiểu và minh luận; đức cậy được kiện toàn với ơn kính sợ; đức mến với ơn cao minh; đức khôn ngoan với ơn chỉ giáo; đức công bình với ơn sùng hiếu; đức can đảm với ơn hùng mạnh; đức tiết độ với ơn kính sợ.
Dĩ nhiên, người ta có thể chỉ trích sự xếp đặt là gượng ép, bởi vì đức tin tương ứng với hai ơn (thông hiểu và minh luận), còn một ơn kính sợ lại ghép với hai nhân đức (cậy và tiết độ).
Thực ra, sự phối trí chi tiết giữa các ân huệ với các nhân đức có lẽ không quan trọng cho bằng chủ ý mà thánh Tôma muốn phát biểu, đó là: trên con đường tiến đến sự kết hiệp với Chúa, chúng ta không hành động lẻ loi. Nhờ các ân huệ Thánh Linh, các hành vi của ta trở thành hành vi “đồng lao” của Thánh Linh: Chúa Thánh Linh hành động với ta đến nỗi có thể nói được rằng các hành vi nhân đức mà ta làm là của Ngài hơn là của ta (I-II, q.93,a. 6, ad 1m). Đó là điều mà thánh Phaolô đã nói nhiều lần, thí dụ như: Thánh Linh đến cùng cầu nguyện với ta (Rm 8,26) đến nỗi nói được là ta cầu nguyện trong Thánh Linh (Ep 6,18), bởi vì Ngài giục ta thốt lên như Đức Kitô “Abba, cha ơi!” (Rm 8,15; Gl 4,6). Người ta so sánh tác động của các ân huệ Thánh Linh như là gió thổi trên cánh buồm, đẩy chiếc thuyền bay vùn vụt; đang khi các nhân đức chỉ là những nỗ lực chèo chống, vừa vất vả lại vừa chậm chạp[20].
Cũng nên biết là trong lịch sử, có nhiều cách thức xếp đặt 7 ơn huệ Chúa Thánh Linh:
– Dựa theo các quan năng của con người được chi phối bởi các ân huệ: a) Lý trí: Thông hiểu, Cao minh, Minh luận, Chỉ giáo; b) Ước muốn: Sùng hiếu, Can đảm, Kính sợ.
– Dựa theo tiến trình kết hiệp với Thiên Chúa (từ thấp lên cao): Kính sợ, Can đảm, Sùng hiếu, Chỉ giáo, Minh luận, Thông hiểu, Cao minh.
3/ Các đặc sủng
Trong thế kỷ XX, nhờ các phong trào đặc sủng, người ta tái khám phá vai trò của chúng trong đời sống Hội thánh. Các đặc sủng được thánh Phaolô đề cập trong các thư gửi Corinto, Rôma, Ephesô. Trải qua lịch sử Hội thánh, các đặc sủng bị rơi vào quên lãng, một phần có lẽ vì phản ứng lại những phong trào bồng bột mệnh danh là do Thánh Linh khởi xướng và chống đối lại giáo quyền. Vào thời Trung cổ, thánh Tôma Aquinô được xem như một trừ lệ, bởi vì ngài đã bàn các đề tài này ở những đoạn cuối cùng của phần luân lý của Tổng luận thần học (II-II, qq.171-178), dưới tiêu đề là “gratia gratis data”. Đành rằng đã nói đến “ân huệ” (gratia) thì hiểu là “ban không” (gratis), nhưng tác giả phân biệt hai thứ ân huệ: 1/ một đàng là “gratia gratum faciens” (quen gọi là ơn thánh sủng) được ban nhằm thiện ích bản thân người nhận lãnh, giúp họ sống trong ơn nghĩa với Chúa; 2/ đàng khác là“gratia gratis data” được ban nhằm công ích cộng đoàn, chứ không nhằm thiện ích cá nhân người nhận lãnh. Vì vậy có thể xảy ra trường hợp là một người lãnh được ơn này nhưng lại không có ơn nghĩa với Chúa, chẳng hạn như một người có tài giảng thuyết hoặc chữa bệnh, nhưng chưa chắc đã là người thánh thiện. Phúc âm đã cảnh cáo nguy cơ ấy rồi (x. Mt 7,22-23).
Các đặc sủng được xếp vào ba nhóm: a) hiểu biết (ngôn sứ); b) lời nói (nói tiếng lạ và giảng thuyết); c) việc làm (phép lạ).
4/ Thánh Linh Tình yêu
Cũng như các nhà thần học kinh viện, thánh Tôma đã nghiên cứu Thánh Linh trong tương quan nội tại của Ba ngôi Thiên Chúa. Dựa theo các giáo phụ (cách riêng thánh Augustinô), thánh Toma quan niệm rằng nguồn gốc của Thánh Linh là sự phát xuất (processio) do tình yêu giữa Cha và Con. Thánh Linh là tình yêu (amor) liên kết giữa Cha và Con, tình yêu trao tặng (donum) giữa Cha và Con.
V. Thời cận đại và hiện đại
Trong mục này, chúng tôi muốn điểm qua những thách đố của thời cận đại, nảy sinh từ cuộc Cải cách của ông Martin Luterô, cũng như những đường hướng thần học của Giáo hội Công giáo trong những thế kỷ gần đây.
A. Phong trào Cải cách
Chủ trương Cải cách do ông Martin Luterô có nhiều điểm giống với những phong trào đã gặp thấy ở thời Trung cổ, đó là trở về vẻ nguyên tuyền của Tin mừng, thanh lọc Hội thánh khỏi những vết tích của trần tục. Khi đưa ra bốn khẩu hiệu « duy »: solus Christus (duy Đức Kitô là Đấng cứu độ, trung gian giữa Thiên Chúa và loài người), sola gratia (duy chỉ nhờ ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta được cứu độ), sola fide (duy chỉ nhờ đức tin mà chúng ta đón nhận ân sủng của Chúa), sola Scriptura (chỉ duy Thánh Kinh mới là nền tảng đức tin), phong trào Cải cách muốn đưa con người đến gặp gỡ trực tiếp với Thiên Chúa, loại bớt các trung gian (ngoại trừ Đức Kitô và Lời của ngài trong Thánh Kinh). Tuy nhiên, một khi đã loại bỏ Hội thánh và các cơ cấu của truyền thống, thì ai đứng ra bảo đảm rằng Thánh Kinh là Lời của Chúa, ai sẽ giải thích Thánh Kinh? Câu trả lời đơn giản hơn cả là: chính Thánh Linh sẽ bảo cho mỗi người biết đâu là Lời Chúa và soi sáng cho họ hiểu biết ý nghĩa của Sách Thánh.
Một hệ luận tất nhiên là phong trào Cải Cách không chấp nhận một cơ quan Huấn quyền trong Hội thánh, và thậm chí Hội thánh không còn là một thể chế tập trung quyền hành nhưng là những cộng đoàn các tín hữu họp nhau cầu nguyện. Điều này giải thích vì sao nảy sinh cả trăm ngàn tông phái, cũng như việc đề cao hoạt động của Thánh Linh trong đời sống Kitô hữu.
Trên thực tế, lịch sử cho thấy rằng vào lúc đầu các phong trào Cải cách chỉ trích các cơ chế của Giáo hội Công giáo, nhưng chẳng mấy chốc chính họ cũng rơi vào tình trạng “cơ chế hóa”, không hẳn theo nghĩa các thể chế tổ chức pháp lý cho bằng việc xác định đạo lý (định nghĩa các tuyên tín: confession; soạn thảo các sách giáo lý: catechism). Không lạ gì mà trong lịch sử của Phong trào Cải cách, đã nảy sinh nhiều “đợt” Cải cách[21], ra như muốn làm sống lại “tinh thần” đứng trước thực trạng đông lạnh của các “thể chế”. Ta có thể tóm vào bốn đợt chính:
1/ Đợt thứ nhất. Các nhóm Phản kháng (Protestant)tiên khởi (cũng gọi là “lịch sử”) ở thế kỷ XVI: Martin Luther, Ulrich Zwingli và Jean Calvin.
2/ Đợt thứ hai mang tên là “Tin lành” (Evangelical) hoặc « Chấn hưng” (Revival)trong thế kỷ XVII-XVIII, gồm những phong trào phản kháng lại sự thiếu nhiệt thành của nhóm tiên khởi: Pietism, Baptist, Methodist. Họ nhấn mạnh đến một đức tin sống động, chứ không chỉ dừng lại ở các tranh cãi đạo lý. Vài khuôn mặt tiêu biểu: Jacob Spener, John Wesley
3/ Đợt thứ ba (thế kỷ XIX): Những Giáo hội tự do (Free church) và các Phong trào “thánh thiện” (Holiness), từ đó nảy ra các thuật ngữ “tái sinh” (born again), “phép rửa trong Thánh Linh” (Baptism in the Spirit).
4/ Trào lưu Pentecostal (quen dịch là “Ngũ Tuần”) nảy sinh trong thế kỷ XX. Có sử gia cũng muốn kể vào đợt thứ ba, nhưng ý kiến đó không được chấp nhận, vì thế có thể đứng thành một đợt riêng. Phong trào lấy khởi điểm là kinh nghiệm nói tiếng lạ (glossolalia) mà bà Agnes Ozman nhận được tại Topeka (Kansas) đêm cuối năm (31/12) năm 1900. Phong trào bành trướng sang nhiều quốc gia và thâm nhập vào nhiều Giáo hội Cải cách. Vào đầu năm 1967, một số người Công giáo cũng tham gia phong trào này dưới hình thức “Canh tân Thánh Linh” (Charismatic Movement), khởi đi từ đại học Duquesne (Pittsburg).
Dù phê phán thế nào đi nữa, phong trào Ngũ Tuần đã gợi lên nhiều nghiên cứu và tranh cãi về vai trò của Thánh Linh trong đời sống tín hữu, đặc biệt qua những tác động thường bị bỏ quên: chữa lành, ngôn sứ, và các đặc sủng nói chung.
B. Văn hóa cận đại và hiện đại
Đang khi trong nội bộ Kitô giáo, Spirit (hoặc Esprit tiếng Pháp) thường gợi lên ý tưởng về một ngôi vị Thiên Chúa, khác biệt với Cha và Con, thì trong khung cảnh văn hóa Âu-Mỹ vào những thế kỷ gần đây, Spirit (thường hiểu là Tinh Thần, Thần Linh) được nhìn dưới một lăng kính khác: phải chăng trên thế giới này chỉ có vật chất, hay còn có cái gì Linh thiêng nữa? Cái Linh thiêng ấy không hẳn là Thiên Chúa của các tôn giáo độc thần, mà có thể là một Nguyên ủy phổ quát.
Ta có thể tóm tắt vấn đề như sau. Trong quá khứ, Kitô giáo (và các tôn giáo nói chung) chỉ lưu ý đến linh hồn và coi nhẹ thân xác, chú ý đến các thần linh trên trời và bỏ rơi thế giới dưới đất. Các trào lưu nhân văn thời cận đại muốn chú trọng đến con người cụ thể sống trên mặt đất này. Hơn thế nữa, khoa học thực nghiệm chỉ nhìn nhận sự thực hữu của vật chất và những gì có thể đo lường kiểm chứng được. Trong bối cảnh ấy, không chỉ Thiên Chúa bị loại trừ ra khỏi thế giới, mà cả linh hồn cũng bị phớt lờ. Trên bình diện tri thức, duy chỉ các kết luận của khoa học thực nghiệm mới có giá trị; triết học bị đồng hóa với tưởng tượng, chủ quan.
Nhằm phản ứng lối nhìn thực nghiệm vật chất ấy, nảy ra nhiều trào lưu triết học “duy linh” (spiritualism) trong thế kỷ XIX. Họ không những khẳng định sự hiện hữu của thực thể linh thiêng, mà còn xem vật chất như là biểu hiện của tinh thần. Ở đây, “tinh thần” không những ám chỉ yếu tố thiêng liêng nơi con người (linh hồn, ý thức) nhưng thậm chí được hiểu về Tinh Thần như là nguyên ủy và cùng đích của mọi thực tại. Trào lưu “duy linh” được phát triển bên Pháp, Ý, Đức[22]. Có thể xem việc nhìn nhận các “khoa học tinh thần” (Geiteswissenschaften: sciences de l’esprit) bên cạnh các “khoa học thiên nhiên” (Naturwissenchaften: sciences de la nature) của Wilhelm Dilthey như một thắng lợi của chủ trương này[23]. Ngoài ra, cũng không nên bỏ qua sự kiện là giữa một thế giới vật chất, thực nghiệm, nhưng vẫn có những hội, nhóm cổ võ những phương pháp “thông linh” (Spiritism)[24] gọi hồn người chết, nổi tiếng nhất bên Pháp trong thế kỷ XIX là phong trào do Allan Kardec (bí danh của ông Hippolyte Denizard Léon Rivail) khởi xướng. Mặc nhiên, người ta chấp nhận rằng bên cạnh thế giới vật chất còn có một thế giới tâm linh; sau khi chết rồi, vẫn còn cái gì đó tồn tại.
C. Giáo hội Công giáo
Thần học về Thánh Linh trong Giáo hội Công giáo đã có nhiều biến đổi trong những thế kỷ gần đây, vừa do những động lực nội bộ vừa do những thách đố từ bên ngoài.
1/ Công đồng Trentô
Đối lại với luận đề của Luterô chỉ chấp nhận Kinh thánh như tiêu chuẩn duy nhất của đức tin, Công đồng Trentô tuyên bố rằng bên cạnh Thánh Kinh còn có Thánh Truyền nữa. Nói khác đi, Thánh Linh hiện diện trong Kinh thánh vì được viết do ơn linh ứng, nhưng Thánh Linh cũng hiện diện trong “truyền thống”, cách riêng nơi Huấn quyền của Giáo hội: Huấn quyền được Thánh Linh trợ giúp khi tuyên bố các tín điều liên quan đến đức tin và phong hóa.
Trên thực tế, Giáo hội Công giáo bị tố cáo là đã bỏ rơi Thánh Linh, với hậu quả là Huấn quyền giữ vai trò thầy dạy đức tin: các tín hữu chỉ cần tuân theo đạo lý của Hội thánh, chứ không được khuyến khích đọc Kinh thánh. Một lời tố cáo nữa từ phía Phản kháng là Giáo hội Công giáo đã đặt Đức Maria thay thế vai trò Thánh Linh: Mẹ là Đấng An ủi, Trạng sư (những đặc tính của Paraclitus).
2/ Trong đời sống tâm linh
Có lẽ Thánh Linh vắng bóng trong cơ cấu của Giáo hội Công giáo, nhưng ngài vẫn hiện diện trong đời sống tâm linh của các tín hữu. Các tín hữu được nhắc nhở nhiều đến bảy ơn huệ Thánh Linh, cách riêng khi lãnh bí tích Thêm sức. Thánh Linh là thầy dạy nội tâm, hướng dẫn trên đường trọn lành, và ban lửa nhiệt tình để làm chứng cho Tin mừng.
Riêng về kinh nguyện, thiết tưởng cần nhắc đến tuần cửu nhật kinh Chúa Thánh Thần trong khung cảnh chuẩn bị lễ Hiện xuống (từ lễ Thăng Thiên đến lễ Hiện xuống) được thiết lập do ĐTC Lêô XIII qua một đoản dụ Provida Matris charitate(ngày 5/5/1895), theo lời thỉnh cẩu của chân phước Elena Guerra, sáng lập dòng nữ tu Tôi tớ Thánh Linh (Oblate dello Spirito Santo) tại Lucca (Trung nước Ý) năm 1882. Cũng theo lời thỉnh nguyện của chân phước, ĐTC viết thông điệp Divinum illud munus (9/5/1897) để cổ động lòng tôn kính Thánh Linh trong Giáo hội Công giáo.
3/ Công đồng Vaticano II
Thánh Linh được nhắc đến 258 lần trong các văn kiện, dưới nhiều khía cạnh: Thánh Linh với Tam vị, Thánh Linh với Đức Kitô, Thánh Linh với Hội thánh, Thánh Linh với lịch sử. Ở đây chúng tôi chỉ muốn ghi nhận vài nét chính.
– Trước tiên, cần nhắc đến những văn kiện mở đầu bằng việc nhắc lại tác động của Thiên Chúa Tam vị trong lịch sử cứu độ[25]: Hiến chế về phụng vụ (số 5-6), Hiến chế về Hội thánh (số 2-5), Hiến chế về mặc khải (số 2-4), Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo (số 2-5). Điều này muốn nêu bật sự liên kết giữa Thánh Linh với Đức Kitô trong kế hoạch cứu độ. Thánh Linh hoàn tất công trình của Đức Kitô.
– Hội thánh là một “đoàn dân được quy tụ dựa theo khuôn mẫu hợp nhất giữa Tam vị” (công thức của thánh Cyprianô được trích lại trong số 4 của Hiến chế về Hội thánh, nơi mà tác động của Thánh Linh trong Hội thánh được mô tả chi tiết trong, qua 9 động từ dựa theo thánh Phaolô và thánh Gioan. Đặc biệt, hiến chế nhắc đến “cấu trúc đặc sủng” của Hội thánh (số 4 và 12) bên cạnh lối trình bày cổ điển về cơ cấu phẩm trật. Thật vậy, Thánh Linh điều khiển Hội thánh qua các tác vụ phẩm trật (LG 27§ 2) cũng như qua các đặc sủng (Sắc lệnh Tông đồ giáo dân số 3). Thánh Linh giúp cho Hội thánh hiểu rõ hơn Lời Chúa Giêsu (DV 8; 23). Thánh Linh giữ gìn Hội thánh trong chân lý, không chỉ qua đặc sủng bất khả ngộ của các giám mục mà còn qua “cảm thức đức tin” của Dân Chúa (LG 12). Thánh Linh gợi lên những ơn gọi đặc biệt (LG 44 và 45), những dự án tông đồ và truyền giáo (AG 29§3), những nỗ lực tái lập sự hợp nhất giữa các Kitô hữu (UR 1§2; 4§1).– Trong các bí tích. Ngoài bí tích thêm sức (LG 11), Thánh Linh cũng được nhắc đến trong bí tích truyền chức (PO 5). Các sách nghi thức phụng vụ được duyệt lại sau công đồng đều nhắc đến tác động của Thánh Linh, cách riêng qua kinh epiclesis của các Kinh nguyện Thánh Thể.
– Thánh Linh không chỉ tác động bên trong Hội thánh mà thôi, nhưng còn trong thế giới nữa. Điểm này được bàn đến trong Hiến chế Gaudium et Spes. Thánh Linh “tràn ngập vũ hoàn” (GS 11§1), “điều khiển dòng lịch sử, canh tân bộ mặt trái đất (26§ 4), hướng dẫn tâm hồn con người đến Thiên Chúa (41§1).
4/ Thần học về Thánh Linh sau công đồng Vaticanô II[26]
Trong số những yếu tố góp phần vào việc canh tân thần học về Thánh Linh, ta có thể kể đến:
a) Các phong trào và hội đoàn giáo dân, đặc biệt là phong trào Canh tân Thánh Linh. Thần học về đời sống thánh hiến cũng đào sâu khía cạnh “đặc sủng các dòng tu”, được đúc kết qua Tông huấn Vita consecrata của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1998). Dĩ nhiên, cuộc canh tân thần học luân lý và tâm linh cũng nêu bật tác động của Thánh Linh trong đời sống Kitô hữu.
b) Các văn kiện Tòa Thánh mở rộng tầm nhìn về tác động của Thánh Linh.
– Tông huấn Evangelii nuntiandi (Loan báo Tin mừng, ngày 8/12/1975) của đức Phaolô VI và thông điệp Redemptoris missio (Sứ vụ Đấng Cứu chuộc ngày 7/12/1990) của đức Gioan Phaolô II: cả hai đều nói đến vai trò chủ động của Thánh Linh trong hoạt động truyền giáo, đồng thời với sự hiện diện của Thánh Linh trong các nền văn hóa và tôn giáo của nhân loại.
– Tông thư Marialis cultus của Đức Phaolô VI trình bày tương quan giữa Đức Maria với Thánh Linh (Thánh mẫu học).
– Đặc biệt ĐTC Gioan Phaolô II đã để lại nhiều văn kiện quan trọng về Thánh Linh: thông điệp Dominum et vivificantem (18/5/1986); những bài huấn giáo về Thánh Linh trong loạt bài giải thích kinh Tin kính (từ ngày 26/4/1989 đến ngày 3/7/1991); những bài huấn giáo nhân dịp Năm kính Chúa Thánh Linh chuẩn bị Đại Năm thánh 2000 (từ ngày 20/5 đến ngày 16/12/1998).
c) Những tác phẩm của các nhà thần học, mà thành quả được đúc kết trong Hội nghị thần học tại Vatican từ ngày 22 đến 26/3/1982, nhân dịp kỷ niệm 1600 năm công đồng Constantinopolis I (381) và 1550 năm công đồng Ephesô (431). Không ít những tác phẩm đã thành hình trong khuôn khổ những cuộc đối thoại đại kết, cách riêng với các Giáo hội Chính thống và các nhóm Ngũ tuần.
d) Thiết tưởng cũng không nên bỏ qua những tranh luận đạo lý đã gây lo ngại cho đạo lý đức tin:
– Đặc sủng và cơ chế trong Giáo hội. Thông cáo của Bộ Giáo lý đức tin liên quan đến quyển sách Chiesa: Carisma e potere của LM Leonardo Boff (ngày 11/3/1985).
– Ơn cứu độ có nhất thiết gắn liền với Đức Kitô, hay có một đường cứu độ khác qua Thánh Linh? Tuyên ngôn Dominus Iesus (ngày 6/8/2000) và thông cáo liên quan đến quyển sách Verso una teologia del pluralismo religioso (ngày 24/1/2001).
Kết luận: Phác thảo một khảo luận thần học về Thánh Linh dựa theo Sách Giáo lý Công giáo
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo cung cấp một kho tài liệu thần học phong phú về Thánh Linh. Thánh Linh được bàn rải rác trong tất cả bốn phần, nhưng nhất là trong hai phần đầu. Chúng ta có thể xếp đặt lại theo thứ tự hệ thống như sau
I. Mạc khải về Thánh Linh
– Những danh xưng (số 691-693). Những biểu tượng (số 694-701)
– Thánh Linh và mầu nhiệm Tam vị (số 243-245)
II. Thánh Linh trong lịch sử cứu độ
A) Thời hứa hẹn (số 702-716)
1/ Thần khí tạo dựng.
2/ Thần khí của lời hứa với các tổ phụ.
3/ Thần khí của giao ước, các tiên tri, và lòng mong đợi Đấng Mesia.
B) Thời viên mãn của Đức Kitô (số 717-730)
1/ Mầu nhiệm Nhập thể (xem thêm các số 484-486).
2/ Sứ vụ của Đức Giêsu (xem thêm các số 535-538).
3/ Cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu (xem thêm các số 648).
C) Thời chót của Hội thánh (số 731-741)
1/ Lễ Ngũ tuần. Thánh Linh được ban cho chúng ta như ân huệ mở đầu.
2/ Thánh Linh dẫn đưa nhân loại đến sự sống vĩnh cửu (số 2516; 2519; 2818-2819)
III. Thánh Linh trong đời sống Hội thánh
A) Tổng quát: hai số 688 và 737
– Số 688 kể ra bảy nơi mà Thánh Linh tác động trong Hội thánh: 1/ Kinh thánh. 2/ Thánh Truyền (xem thêm các số 76-82;111) 3/ Huấn quyền. 4/ Phụng vụ bí tích. 5/ Các đoàn sủng và tác vụ. 6/ Các dấu chỉ của đời sống tông đồ và truyền giáo. 7/ Chứng tá của Hội thánh.
– Số 737 bàn đến sứ vụ của Thánh Linh ở trong Hội thánh:
1/ Thánh Linh chuẩn bị và lôi kéo con người đến với Đức Kitô
2/ Thánh Linh làm tỏ hiện Chúa Kitô cho họ, làm cho họ nhớ lời của Người và mở trí cho họ hiểu được cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người
3/ Thánh Linh làm cho mầu nhiệm Đức Kito hiện diện giữa họ, nhất là trong bí tích Thánh Thể. Thánh Linh là Đấng Thánh hóa Hội thánh (phần II sách GLCG)
4/ Thánh Linh làm cho các ân sủng bí tích mang lại hoa trái trong đời sống (phần III sách GLCG)
5/ Thánh Linh dạy chúng ta cầu nguyện (phần IV sách GLCG)
B) Thánh Linh với việc hình thành Hội thánh
1/Hội thánh bắt nguồn từ Ba Ngôi (số 758-769)
2/ Thánh Linh tác động bằng nhiều cách để xây dựng Hội thánh: bí tích, ân sủng, nhân đức, đặc sủng (số 798). (Các đặc sủng được bàn ở số 799-801)
C) Thánh Linh và các đặc tính của Hội thánh (số 811)
– Thánh Linh làm cho Hội thánh được duy nhất, phổ độ, thánh thiện, tông truyền (số 813-865).
– Thánh Linh là nguyên ủy hiệp thông trong Hội thánh (số 787; 813; 951; 1108).
D) Thánh Linh trong các cuộc cử hành phụng vụ và bí tích
– Thánh Linh trong phụng vụ nói chung: số 1091-1109.
– Thánh Linh trong từng bí tích: số 1266, 1289, 1392, 1433, 1520, 1585; 1624.
E) Thánh Linh nguyên ủy thánh hóa
– Đời sống luân lý Kitô hữu là đời sống “trong Đức Kitô” (số 1694) và “trong Thánh Linh” (số 1695; 1699)
– Thánh Linh là vị thầy nội tâm của đời sống theo Đức Kitô, người khách trọ dịu hiền và người bạn linh hứng, hướng dẫn và củng cố đời sống này (số 1697).
– Đời sống luân lý của các Kitô hữu được nâng đỡ bởi các hồng ân Thánh Linh, và phát sinh các hoa trái (số 1830-1832). Thánh Linh với ba nhân đức hướng Chúa (số 153-158) ; hy vọng (số 1817 ; 2541) ; mến (số 1971).
F) Thánh Linh thầy dạy cầu nguyện (số 741; 2672)
– Đặc trưng của cầu nguyện Kitô giáo: hiệp thông với Chúa Ba ngôi (số 2559-2565). Cầu nguyện với Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, trong sự hiệp nhất của Thánh Linh (số 2671)
– Thánh Linh mặc khải và hướng dẫn Hội thánh cầu nguyện qua các hình thức chúc tụng, cầu xin, chuyển cầu, tạ ơn và ca ngợi (số 2623-2644).
– Hội thánh cũng cầu xin Thánh Linh để biết cách cầu nguyện (số 2670-2672).
Để kết luận, chúng ta cũng đừng nên quên rằng “Thần khí chan hòa cả vũ trụ”: không ai có thể đặt giới hạn tác động cho Ngài. Ngài hiện diện và tác động trong các nền văn hóa, các tín ngưỡng (Redemptoris Missio số 28-29; Ecclesia in Asia số 15-16). Dựa theo lời của thánh Tôma “đâu có chân lý, đấy có Thánh Linh” (omne verum, a quocumque dicatur, a Spiritu Sancto est : I-II, q.109, a.1, 1m), ta cũng có thể nói: “đâu có tình yêu ở đấy có Thánh Linh”, bởi vì danh xưng của ngài là Tình yêu (I, q.37). Dù sao, trong hiến chế Gaudium et spes, Thánh Linh tác động trong con tim của mỗi người (số 41a), và hướng dẫn lịch sử đến cùng đích (số 45b).
[1]Trong chương trình đào tạo linh mục của Hội Đồng Giám mục, thần học tín lý gồm những môn sau đây: Mạc khải, Mầu nhiệm Chúa Kitô, Mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi, Nhân học Kitô giáo, Giáo hội học và Bí tích học. X. Đào tạo Linh mục. Định hướng và Chỉ dẫn, NXB Tôn giáo Hà Nội, 2012 trang 216 (ở trang 219, thêm môn Thánh mẫu học).
[2]Chúng tôi chỉ muốn nói các khảo luận thần học, chứ không đề cập đến các sách nói về “đời sống thiêng liêng”. Vài tác phẩm bằng tiếng Việt: Bùi Văn Đọc và một số Linh mục khác, Chúa Thánh Thần trong Kinh thánh, Tôn Giáo, Hà Nội, 2009.F.X. Durrwell với hai bản dịch: Hiểu Và Sống Mầu Nhiệm Thánh Thần Thiên Chúa (dg. Vũ Văn Thiện), Tôn Giáo, Hà Nội, 2004; Thần học Chúa Thánh Thần (dg. Thiên Hựu và Kim Ngân), Phương Đông, TPHCM, 2016. Ngô Minh (Felipe Gomez), SJ., Khái niệm Thần học về Chúa Thánh Thần, Antôn Đuốc sáng, 2009.
[3] Nên biết là cho đến đầu thế kỷ XX, lời tuyên xưng Thiên Chúa Tam vị bằng tiếng Việt là “nhân danh một Đức Chúa Lời Ba Ngôi là Cha và Con và Phiritô Sangtô”. X. Công đồng hội lần thứ nhất miền Bắc kỳ (Đàng ngoài trong nước Annam) năm 1900, In lần thứ hai tại Kẻ Sở năm 1915, trang 16.
[4] Xem thêm bài viết “Linh khí – Thần khí”trong: LM Stêphanô Huỳnh Trụ, Tìm hiểu Từ vựng Công giáo, TPHCM 2012, trang 75-84.
[5] Trong tiếng Anh, những thực thể ấy mang nhiều tên gọi khác nhau: god, angel, ghost, spirit, divinities, cũng tương tự như trong tiếng Việt, “thần”, “tiên”, “ma”, “quỷ” không đồng nghĩa.
[6] Trong ngôn ngữ của nhiều dân tộc, các danh từ spirit, mind, soul có thể ám chỉ những thực thể khác nhau. Nên biết là theo quan điểm nhân học của người Do thái, con người không gồm bởi hai yếu tố tách biệt “hồn” và “xác” (như triết học Hy lạp), nhưng là một toàn bộ với ba chiều kích: ruak (pneuma, spiritus, spirit, tinh thần: con người hướng thượng), nephesh (psyche, anima, soul, linh hồn: con người với những cảm xúc), basar (sarx, caro, flesh, thân xác: con người mỏng giòn và sống tương quan xã hội). Đôi khi, Kinh thánh (Cựu và Tân ước) dùng hai thuật ngữ tương đương để ám chỉ phần thâm sâu của con người, tức là: “thần khí” (ruak)và “trái tim” (lebab, cardia, cor, heart). Các ngôn sứ loan báo vào thời Mêsia, Thiên Chúa sẽ ban cho dân Israel một “thần khí mới” và “trái tim mới” (Ed 36,26-27: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một trái tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi”) ghi khắc giao ước vào “trái tim” bằng thịt thay vì ghi trên bia đá (x. Gr 31,33; Tv 51,10; Rm 5,6; 2Cr 1,22; Gl 4,6). Đức Maria ghi tạc Lời Chúa trong trái tim (Lc 2,19.51).
[7] Hồng y Jean Daniélou có lần đã lưu ý về sự khác biệt ý nghĩa của hạn từ Pneuma trong hai nền văn hóa. Đối với văn hóa Hy lạp, câu nói được hiểu là “Thiên Chúa là Đấng vô hình vô tượng”; đối với văn hóa Do thái, câu đó được hiểu là “Thiên Chúa là vũ bão”.
[8] Trong 1 Tx 5,23 thánh Phaolô dựa theo nhân học Do thái, nói đến ba chiều kích trong con người: thân xác, linh hồn, tinh thần soma – psyche – pneuma. Tuy nhiên, không thiếu lần, thánh Tông đồ đối chọi hai nguyên lý pneuma và sarx trong đời sống người tín hữu : Gl 3,3; 4,29; Rm 8,4-9,13.
[9] Vài giáo phụ đã áp dụng những đoạn này cho Thánh Linh thay vì cho Ngôi Lời.
[10]Thần khí như hồng ân (quà tặng Donum) do Chúa ban: Cv 8,20, đối chiếu với Cv 2,38; 10,45.
[11] Sách Tông đồ công vụ nói đến nhiều lần TK “hiện xuống”: 2,1-5; 8,16-18; 10,44; 19,6-7.
[12]Về các hoa trái của TK, xem thêm: Rm 14,17; 2Cr 6,6; Ep 4,2-5.32; 5,2.9; Cl 1,11; 3,12-15; 1Tm 4,12; Pl 1,11…
[13] Yves Congar, Je crois en l’Esprit Saint, tome I,Cerf, Paris 1979.
[14] Tritheismus: tam thần (ba chúa). Nên biết là thuật ngữ trias (tiếng Hy lạp) chỉ được sử dụng kể từ giám mục Theophilô Antiokia (+k.186), và thuật ngữ trinitas (tiếng Latinh) bắt đầu từ linh mục Tertullianô (+k.240) trong tác phẩm Adversus Praxean, cùng với những công thức “una substantia, tres personae”. Trong văn hóa Hy lạp, linh mục Origen đã du nhập công thức “ba hypostasis”để diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa.
[15] Do ảnh hưởng của thánh Basiliô, vinh tụng ca được sửa đổi từ “Vinh danh Cha, nhờ Con, trong Thánh Linh”, thành “Vinh danh Cha, cùng với (syn, cum) Con, cùng với Thánh Linh”.
[16] “Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài làm cho các dân tộc, tuy ngôn ngữ bất đồng những vẫn cùng tuyên xưng một đức tin duy nhất, xin ngự đến tâm hồn tín hữu, và làm cho họ cháy lửa yêu mến Ngài”
[17] Về những khác biệt thần học giữa Giáo hội Chính thống và Giáo hội Công giáo, x. Bình Hòa, Các Giáo hội Đông phương, trong “Thời sự thần học” số 63 (2/2014), trang 86-91.
[18]Joachim de Fiore (k.1135-1202), viện phụ Xitô, viết nhiều tác phẩm: Concordia Novi ac Veteris Testamenti, Expositio in Apocalypsim, Psalterium decem chordarum.
[19] Dona Spiritus Sancti có thể dịch là « ơn Chúa Thánh Thần », hoặc : hồng ân, tặng phẩm, ân huệ.
[20] X. Phan Tấn Thành, Các nhân đức Kitô giáo (Đời sống tâm linh tập XII), NXB Tôn giáo, Hà Nội 2014, trang 68-73.
[21] X. Phan Tấn Thành, Các Giáo hội Cải cách, trong: Thời sự thần học số 63 (2/2014), trang 123-124. Bốn đợt tiến triển của phong trào Cải cách dựa theo ý tưởng của Roger Finke – Rodney Stark, The Churching of America, 1776-1990. Winners and Losers in Our Religious Economy, New Brunswich, N.J. 1992.
[22]Vài nhân vật tiêu biểu: Maine de Biran, Charles Secrétan, F. Ravaisson, Émile Boutrouxở Pháp; P. Galuppí, A. Rosmini, V. Gioberti, G. Mazzíniở Ý; Immanuel Hermann Fichte, Rudolph H. Lotze, Eduard von Hartmann.
[23]Ở Việt Nam, sự phân biệt này mang một tên khác: “khoa học tự nhiên” / “khoa học nhân văn” (hoặc “khoa học xã hội”).
[24]Đừng quên rằng hiện tượng đồng bóng, cầu cơ, chiêu hồn vốn thịnh hành ở nhiều dân tộc, kể cả dân tộc Israel (1Sm 28,3-25), bất chấp những lệnh cấm của Chúa (Đnl 18,10).
[25]Sự quan trọng của việc tái khám phá hai lối trình bày mầu nhiệm Tam vị: trinitas oeconomica và trinitas immanens.
[26]Aldo Moda, Lo Spirito Santo: alcune piste di riflessione nella teologia sistematica cattolica a partire dal Vaticano II, Claudiana, Torino 2012.