Ngọc Minh
Hàng năm, Giáo Hội thường dành riêng ngày 19 tháng 3 để mừng kính Thánh Giuse, thân phụ của Đức Giêsu khi tại thế. Thánh Giuse cũng là vị thánh được Giáo Hội suy tôn là “Thánh Cả”. “Thánh Cả” ở đây không có nghĩa là ngài đã lập được nhiều kỳ tích hay nhiều công trạng trổi vượt trên các thánh, nhưng với danh hiệu “Thánh Cả”, Giáo Hội muốn mời gọi mọi người hướng về Thánh Giuse, một vị thánh đã để lại cho Giáo Hội nhiều mẫu gương nhân đức ngời sáng. Đặc biệt, ngài có một vị trí rất quan trọng trong công cuộc Cứu Độ của Đức Giêsu Kitô. Một trong những nhân đức của Thánh Giuse mà Giáo Hội thường ca ngợi, đó là mẫu gương của một “người công chính”. Thật vậy, Thánh Giuse là vị thánh tiêu biểu cho Giáo Hội về đời sống của một con người công chính trước nhan Chúa và trước mặt người trần. Để tìm hiểu về nhân đức này, trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu khái niệm: “Công chính” và qua dòng lịch sử thời Cựu Ước và Tân Ước để tìm hiểu quan niệm: như thế nào là người công chính?
I.– KHÁI QUÁT VỀ SỰ CÔNG CHÍNH
1. Khái niệm Công Chính
Công Chính: Iustitia,ae,f (La ngữ); justice (Anh ngữ): ứng xử hoặc đối xử đúng và công bằng; Sự công bằng.
Theo Từ Điển Tiếng Việt, Người Công Chính là người công bằng và ngay thẳng, nghĩa là “người chân thật và theo đúng lẽ phải; không gian dối, không thiên vị”.[1]
Theo Từ điển Kinh Thánh, khái niệm “Công Chính” được xét với hai phương diện: Sự công chính của Thiên Chúa và của con người. Ở đây chúng ta chỉ xét khái niệm “Công Chính” về phía con người.
2. Sự Công Chính trong thời Cựu Ước
Thời Cựu Ước, công chính trước hết là sự phù hợp với luật pháp và công lý. Rộng hơn, công chính còn có nghĩa là sự thánh, hay ít là thói quen thực hành nhận đức hàng ngày. Từ đó, nói đến công chính tức là nói đến những hành động phù hợp với thánh ý Thiên Chúa (Ed 18,5).[2] Vì thế, công chính là một tính từ dùng để gọi những người làm hài lòng Thiên Chúa bằng việc thực thi thánh ý Người. Xét trên bình diện luân lý, khi nói đến công chính là ngụ ý nói đến sự thánh thiện của một cá nhân nào đó.
Thánh Vịnh 36 cũng khắc họa:
“Người công chính niệm lẽ khôn ngoan
Và lưỡi họ nói lời chính trực;
Luật Thiên Chúa họ ghi tạc vào lòng
Bước chân đi không hề lảo đảo”.
Gương mẫu mà chúng ta thường được biết đến khi nhắc đến giai đoạn này trong sách Sáng Thế, và cũng là hình ảnh tiêu biểu cho đức công chính, đó là tổ phụ Abraham; là ông Giuse – con trai thứ 11 của tổ phụ Giacob; là thánh vương David;… Sự công chính của các tổ phụ nổi bật trên nền tảng của lòng tín trung, tin tưởng tuyệt đối vào các Giao Ước, vào các ký kết giữa các ông với Thiên Chúa. Vì tin mà tổ phụ Abraham đã ra đi, tìm đến “vùng đất hứa” như Lời Chúa trong St 12,1-20 và đức tin của ông luôn được thử thách, mà đỉnh cao là việc đem con làm lễ tế như lời hứa với Thiên Chúa.[3] Thánh vương David cũng đã thể hiện sự công chính của mình khi đối đầu với địch thủ là vua Saul. Vua nói: “ Giavê sẽ là trọng tài, và sẽ phân xử cho tôi và ngài. Saul nói với David: ngươi chính trực hơn ta, vì ngươi gia ân cho ta, còn ta, ta giáng họa cho ngươi”.[4] Trong cuộc giao tranh, nhà vua David có rất nhiều cơ hội để giết vua Saul, nhưng ông không giết vì tin vào Thiên Chúa, tin vào việc Chúa đã xức dầu cho vua Saul. Sự tin tưởng vào Thiên Chúa còn thể hiện ở sự tôn trọng, phó thác cho mọi ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời của các ông. Các ông giữ trọn vẹn Lời Chúa với lòng tín thác, tin yêu.[5] Và tiêu chuẩn để lượng giá con người công chính trong từng giai đoạn này chính là việc tuân giữ các Lề Luật của Thiên Chúa. Các luật này chúng ta có thể tìm thấy ở trong các sách Xuất Hành hay Levi.[6] Đặc biệt, sự công chính được Thiên Chúa ghi khắc rõ nét nhất biểu hiện tại bản Thập Điều.[7] Cho nên, ở đoạn đầu Tin Mừng theo Thánh Luca, ta thấy có lời khen ngợi ông Zacaria và bà Elisabeth, song thân Thánh Gioan Tẩy Giả: “Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi đều răn và mệnh lệnh của Ngài, không ai chê trách được điều gì”.[8]
3. Sự Công Chính trong thời Tân Ước
Việc xuất hiện sứ điệp của Ngôi Hai Thiên Chúa không làm mất hẳn các quan niệm trước kia về sự công chính; mà qua Đức Kitô, Người đã khẳng định ý nghĩa sự công chính được biểu hiện tuyệt đối ở lòng tin tưởng vào Thiên Chúa hơn là việc chu toàn lề luật. Tuy Đức Giêsu không dùng từ ngữ công chính theo chiều hướng mới, song Người đã thêm ý nghĩa cho nhiều từ ngữ khác như: khó nghèo, khiêm nhường, sống nội tâm,… Đức Giêsu đã gọi đức tin là sự công chính thật, đã coi các tội nhân như là những người công chính đích thực. “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”;[9] và đồng thời, Đức Giêsu cũng đã định nghĩa, người được công chính hóa là những người biết khiêm nhường, biết nhận ra mình tội lỗi: “Ta nói cho các ông biết: Người này khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính rồi, còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.[10] Bên cạnh đó, Đức Giêsu luôn lên tiếng cảnh cáo những người Pharisieu, các Tư tế, những người tự cho mình là công chính vì chu toàn lề luật; ví dụ như việc giữ ngày Sabath,[11] không được dùng bữa với bàn tay không tinh sạch (chưa rửa),…[12] Chính những người này đã giữ đúng theo những qui định của luật Chúa, nhưng họ giữ luật chỉ là hình thức, là cuộc phô trương. Qua đó, họ nhằm đến việc đề cao chính mình, tự cho mình là cao trọng vì giữ đúng luật trong khi họ không biết được ý nghĩa của việc giữ luật. Họ giữ luật cho bản thân mình trong khi quên đi mối tương quan với người khác; cố ý làm đẹp cho mình trong khi quên đi điều hệ trọng là việc giữ luật còn làm đẹp người khác vì sự thể hiện của đức ái; cố nhớ luật để giữ mà lại quên điều luật cao trọng nhất[13] là mến Chúa và yêu người, yêu những con người hèn hạ, tội lỗi quanh mình. Đức Giêsu đã nhiều lần cảnh tỉnh họ[14] và Người đã nói với các môn đệ: “Nếu các con không công chính hơn những người biệt phái, các con sẽ chẳng được vào Nước Trời”.[15] Thánh Phaolô cũng khẳng định: “Chúng ta tin vào Đức Kitô để được công chính hóa do việc tin và Đức Kitô chứ không do việc làm của Luật”.[16] Vì vậy, ý niệm về sự công chính đã thay đổi hoàn toàn. Từ nay, con người tin tưởng nơi Thiên Chúa và Thiên Chúa làm cho họ trở nên công chính, nghĩa là bảo đảm cho họ ơn cứu rỗi nhờ đức tin và việc kết hợp với Chúa Kitô.Qua việc tìm hiểu đôi nét về khái niệm công chính và các hình ảnh tiêu biểu về người công chính trong Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta thấy rằng, dù có nhiều điểm khác nhau nhưng cũng dễ dàng nhận ra những điểm chung. Công chính hay công bình, đó là nhân đức luân lý được nới rộng để chỉ sự tuân giữ hoàn toàn các giới răn của Thiên Chúa; đồng thời, lại luôn được coi như một phẩm tính để đáng được công nghiệp trước mặt Thiên Chúa. Người công chính, đó là những con người có đời sống phù hợp với những giá trị, những chuẩn mực nội tại nơi bản thân mình, có đời sống chân thật và theo đúng lẽ phải, không gian dối, không thiên vị. Nền tảng của đời sống ấy là sự tin yêu, phó thác và vâng phục tuyệt đối vào thánh ý của Thiên Chúa. Nếu ở thời Cựu Ước có tổ phụ Abraham, ông tổ của lòng tin; có thánh vương David;… thì thời Tân Ước có Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể; có Thánh Cả Giuse, bác thợ mộc thành Nazareth.
II.- THÁNH GIUSE – THÂN PHỤ ĐỨC GIÊSU: NGƯỜI CÔNG CHÍNH
1. Một lương tâm ngay thẳng
Trước tiên, chúng ta dễ cảm nhận nơi Thánh Giuse có một đời sống rất thầm lặng, khiêm nhường và điềm đạm. Dường như trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta chưa một lần được nghe người nói. Thế nhưng, trong chính đời sống thầm lặng ấy lại ôm trọn những nét độc đáo của đức tính một người công chính.
Trong đoạn mở đầu của Tin Mừng, Thánh Matthew đã khẳng định về Thánh Giuse: “Ông Giuse là người công chính, không muốn tố cáo Đức Maria, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo”.[17]
Khi giải thích đoạn Tin Mừng trên, các nhà chú giải Kinh Thánh nói rằng: “Sự công chính của Thánh Giuse là ở chỗ không nhận cái gì không thuộc về mình, đồng thời tôn trọng điều thánh nhân không hiểu nơi Đức Maria, và chọn cách âm thầm bỏ đi hoặc tôn trọng Mầu nhiệm Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Mẹ”.[18]
Như vậy, ta thấy điểm đầu tiên thể hiện sự công chính của Thánh Giuse là đức tính ngay thẳng. Vì là người ngay thẳng mà Ngài “không nhận của mình cái gì không thuộc về mình”. Việc đính hôn với cô Maria đã làm lòng ngài nhiều băn khoăn, ray rứt. Việc Maria mang thai, dẫu ngài có che mắt được người thế gian thì ngài vẫn không cho phép mình có quyền đón Maria về làm bạn; bởi bào thai trong bụng Maria không phải nơi ngài. Ngài thấy cắn rứt khi dối trá với Thiên Chúa, với lương tâm mình. Sự ngay thẳng của Thánh Giuse có thể gọi là sự thật thà tuyệt đối; đó là sự thật thà của kẻ chẳng những không muốn lừa dối người khác, nhưng còn tránh lừa dối chính mình và không xử sự như là có thể lừa dối Thiên Chúa. Ngài đã xử sự chiếu theo lương tâm của mình. Khi đã biết rõ Maria có thai, ngài biết, ngài có thể công khai tố cáo bà vì luật pháp lúc đó cho phép, thậm chí luật còn thúc đẩy Thánh Giuse làm điều đó. Nhưng ngài nghĩ rằng, ngài không thể, vì dẫu có những dấu chứng bề ngoài thì Maria vô tội. Ngài cũng tự biết, dù Maria vô tội, ngài cũng không thể rước bà về làm bạn được. Vậy thì làm sao đây? Trách ai bây giờ? Nếu đặt mình vào trường hợp của Thánh Giuse chúng ta phải làm sao? Phải xử sự như thế nào cho trọn vẹn đôi bên? Thật không kém phần nan giải. Cuối cùng, Thánh Giuse quyết định: “Âm thầm bỏ trốn”. Đối với Thánh Giuse, rời bỏ trong lúc này là phương cách tốt và hợp lý nhất. Chính việc quyết định bỏ trốn chứng minh cho sự công chính của Thánh Giuse. Sự công chính thể hiện ở một lương tâm trong sáng. Sống theo đúng lương tâm là thể hiện sự tôn trọng bản thân mình; đồng thời, Thánh Giuse còn tỏ ra luôn yêu mến, tôn trọng thanh danh và nhân phẩm người khác. Đó là Đức Maria.2. Tôn trọng và yêu mến người khác
Trước hết, đó là việc tuân giữ lề luật vì đức ái. Khác với những người cùng thời lúc đó như các ký lục và biệt phái… bao giờ cũng tự cho mình là những người công chính vì luôn chu toàn những lề luật, những truyền thống do tổ tiên để lại như: không dùng bữa với bàn tay không tinh sạch; không chữa bệnh; không được tuốt lúa trong ngày Sabath… Họ luôn giữ mọi thứ nhỏ nhặt trong lề luật, trong khi tự cho mình quyền có những thiếu sót nghiêm trọng trong đời sống công bình và bác ái mà chẳng ái náy gì cả. Họ giữ luật là cho bản thân mình mà quên đi những đau khổ hay bất hạnh của những người chung quanh. Nơi họ, sự công chính chiếu theo lề luật là một lớp vỏ bọc bên ngoài che đậy một lương tâm độc ác, đồi bại. Họ tuân giữ mọi lề luật nhưng lại quên đi điều luật quan trọng nhất là mến Chúa và yêu tha nhân. Chính Đức Giêsu đã nhiều lần chửi rủa thứ giả hình đó.[19] Thánh Giuse đã sống đối nghịch với lối sống của những người biệt phái. Nơi ngài, có sự công chính cao hơn, không hệ tại ở số lượng lề luật đã giữ, nhưng do việc sống phù hợp với tinh thần của lề luật. Tinh thần thể hiện bằng lòng mến đối với Thiên Chúa và đồng loại quanh mình. Sở dĩ Thánh Giuse “tôn trọng việc ngài không hiểu nơi Đức Maria” là vì sự biểu hiện của nhân đức công chính từ bên trong được tỏ lộ ra qua những suy nghĩ của ngài. Trước mặt ngài, lề luật không bao giờ là cái cớ để hạn chế lòng mến hoặc đóng khung nó trong một số biểu hiện bên ngoài. Trái lại, lề luật là lời mời gọi trao dâng cho Thiên Chúa cõi thâm sâu trong tâm hồn mình và nhìn nhận phẩm giá kẻ khác; nhìn nhận hai giá trị cũng là hai đặc quyền của họ là quyền được tôn trọng và yêu mến.
Ta thấy, đức tin của Thánh Giuse thật thâm sâu, và đó cũng là một trong những biểu hiện cao quí của nét đẹp từ đức công chính nơi ngài. Một đức tính bén rễ từ một nhân đức cao quí khác, đó là đức khiêm nhường. Đức khiêm nhường đã giúp Thánh Giuse có một thái độ điềm đạm, bình tĩnh đón nhận các biến cố, đón nhận thánh ý Chúa mà không từ nan dù một khó khăn, hay gian nan nào. Điều đó nói lên lòng yêu mến mà thánh nhân đã dành cho người thân, dành cho Thiên Chúa và còn nói lên một lòng tin yêu tuyệt đối vào thánh ý Chúa. Vì lòng mến Thiên Chúa mà Thánh Giuse luôn luôn hiểu là mình cần phải nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành. Ngài không muốn đặc ra một giới hạn nào trong việc làm điều thiện vì người khác và vì lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Nền tảng của sự yêu mến và lòng tôn trọng người khác trong đức công chính của Thánh Giuse còn được dựa vững chắc trên lòng yêu mến, phó thác vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa.
3. Tín thác vào Thiên Chúa quan phòng
Vì tin nên ngài đã âm thầm đón nhận và thực thi mọi ý định mà thiên Chúa đã trao cho mình và những người xung quanh mình. Thật vậy, vì lòng yêu mến Chúa, thánh nhân đã vâng lời đón cô Maria về làm bạn; vâng lời đưa Maria ra đi lánh nạn giữa đêm khuya. Cũng vì lòng yêu kính Chúa mà ngài đã âm thầm nuôi dưỡng Hài Nhi Giêsu; hy sinh, đón nhận những công việc kỳ lạ mà Hài Nhi Giêsu đã làm. Và vì tin vào Thiên Chúa mà thánh nhân can đảm thực thi trọn vẹn ơn gọi, trung thành với mục đích sống mà Chúa đã trao ban.
Trong khi mọi người, ai cũng có khuynh hướng chung là thích tìm sự nể trọng nơi kẻ khác và có chiều hướng xử sự hợp theo những điều người khác nghĩ về cách sống của mình; về những điều họ đề cao mình, đồng thời tìm mọi cách để được người khác tán thưởng như là một mục đích. Đó cũng chính là những thói xấu mà những người biệt phái thường mắc phải.[20] Nơi Thánh Giuse, ngài không bao giờ muốn lôi kéo kẻ khác chú ý đến mình, bởi đó mà nhân đức của ngài cứ kín ẩn, không ai biết đến, trừ Đức Maria và Đức Giêsu. Người ta chẳng thấy gì là đặc biệt nơi ngài, bởi lẽ, ngài chỉ lo làm đẹp lòng Thiên Chúa nên không quan tâm đến những thẩm định của con người. Ngài biết rằng những thẩm định đó chẳng quan trọng, điều quan trọng nhất là những thẩm định của Thiên Chúa. Cho nên, tâm hồn thánh nhân luôn trong suốt vì không vướng bận bởi một chút tự ái, sự ganh tỵ hay một thủ đoạn cá nhân nào. Ngài ý thức rằng, thanh danh mình là trong tay Chúa, mà nếu dám để cho người khác nể trọng mình thì khác nào chính mình đánh mất mình khỏi bàn tay Thiên Chúa. Chính đức khiêm tốn này làm cho Thánh Giuse luôn liên lỉ sống thân mật với Đức Giêsu và chính sự trong sáng này đã làm tăng thêm bao niềm vui và hạnh phúc cho gia đình Nazareth.III.- TÓM KẾT
Khi áp dụng tiếng Công Chính cho Thánh Giuse, chúng ta không nên có cảm tưởng sai lạc do tiếng ấy có thể gợi ra. Đó là cảm tưởng về một cách sống đạo đức, có tính cách dựa vào lề luật, được đo lường cách chặt chẽ theo số lượng lề luật chứ không có tâm tình tâm sâu hướng về sự trọn lành và cũng không có sự phát tỏa sâu xa của Tình yêu. Qua mẫu gương của Thánh Giuse, đức tính của một người công chính được thể hiện ra trong sự gắn bó của một chuỗi những phẩm chất cao quí, đó là một tâm hồn ngay thẳng; luôn tôn trọng người khác; yêu mến Thiên Chúa và tha nhân bằng một lòng tín thác và khiêm tốn sâu xa. Nói khác đi, đức công chính của Thánh Giuse biểu hiện ở sự ngay thẳng bên trong phù hợp với sự ngay thẳng bên ngoài; bằng một đời sống chân thật không chịu ảnh hưởng mảy may của sự gian dối; sống đúng với chính mình và với ơn gọi mà Thiên Chúa đã trao ban. Nếu có lúc nào đó, bạn dừng lại một chút để chiêm ngưỡng ngài, bạn sẽ dễ dàng nhận ra nơi ngài một cõi lòng thanh sạch, trinh trong. Ngài đúng là mẫu người thánh thiện, đạo đức. Nơi ngài không có lệch lạc hay quanh co gì cả mà chỉ có sự trong trắng của tấm lòng chân thật luôn luôn toả sáng.
Thánh Giuse công chính xuất hiện trước mắt chúng ta, nơi ngưỡng cửa Tân Ước trong tiến trình Lịch sử Cứu Độ như một lời mời gọi sống theo sự thành thật hoàn toàn mà Đức Kitô mong muốn được thấy nơi các môn đệ của Người. Việc học tập và noi gương Thánh Giuse là một việc trau dồi nhân đức thiết yếu, không thể thiếu trong đời sống dâng hiến của người tu sĩ chúng ta; của đời sống không ngừng ra đi, minh chứng cho niềm tin, minh chứng cho chân lý cứu độ với mọi người. Sống thực dựa theo gương Thánh Giuse có nghĩa là sống phù hợp với đạo lý của Thiên Chúa dựa trên cơ sở lòng tin vào Thiên Chúa và yêu thương anh em, những người sống chung quan mình. Điều này cũng đã có lần chúng ta được Thánh Giacôbê nhắc nhở.[21] Trở thành người công chính để mang đến ơn Chúa và niềm hạnh phúc cho tha nhân là điều kiện giúp chúng ta sống xứng đáng với ơn gọi và sứ vụ của từng người chúng ta và cũng xứng đáng với tư cách là con cái Chúa trong ngày sau. Trước nhan Chúa, nguyện xin Thánh Cả Giuse cầu bầu và trợ giúp chúng ta.
[1] “Công Chính”, Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn Ngữ Học, Nxb. KHXH, 1994, tr. 200.
[2] Xc. J. Dheilly, Từ điển Kinh Thánh, in Ronéo, k.t dg, T.1, k.t. 1993, tr. 314.
[3] St 22,1-13
[4] 1Sm 24,18
[5] 1Sm 24,3-21; 24,26; 2.7-9
[6] Lv 19,11-18
[7] Xh 20,1-17
[8] Lc 1,6
[9] Mt 9,13
[10] Lc 18,14
[11] Mc 2,23-27
[12] Mc 7,1-14
[13] Mc 12,28-43
[14] Mc 12,27
[15] Mt 5,20
[16] Gal 2,16
[17] Mt 1,19
[18] Kinh Thánh Tân Ước, nhóm CGKPV biên dịch, Nxb. Tp. HCM, 1995, trang 57.
[19] Mt 5,20
[20] Mt 6,1
[21] Gc 1,23-25