Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Tôi Tin Xác Ngày Sau Sống Lại (3)

Administrator
2018-09-23 08:33 UTC+7 30
ĐỀ TÀI: TÔI TIN XÁC NGÀY SAU SỐNG LẠI Hướng dẫn: Linh mục Augustino Nguyễn Văn Trinh Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn – Khóa V ***   ***   A. TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI NGÀY SAU SỐNG LẠI VÌ I. THIÊN CHÚA LÀ CHA TOÀN NĂNG – ĐẤNG TẠO HOÁ: NGUỒN SỰ […]


ĐỀ TÀI: TÔI TIN XÁC NGÀY SAU SỐNG LẠI

Hướng dẫn: Linh mục Augustino Nguyễn Văn Trinh

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn – Khóa V

***

 

***

 

A. TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI NGÀY SAU SỐNG LẠI VÌ

I. THIÊN CHÚA LÀ CHA TOÀN NĂNG – ĐẤNG TẠO HOÁ: NGUỒN SỰ SỐNG

II. ĐỨC GIÊSU CON THIÊN CHÚA – ĐẤNG PHỤC SINH

III. CHÚA THÁNH THẦN – ĐẤNG BAN SỰ SỐNG

B. TÔI TIN THỂ XÁC SỐNG LẠI

“Điều cuối cùng không phải là điều ít quan trọng nhất” (Fx. Varillon) và “phục sinh mới là tiếng nói cuối cùng” (Fx. Durrwell).

Vì thế, chúng ta đã đi tới điều khoản cuối cùng của Kinh Tin Kính về tương lai của con người và cả thế giới; “điều cốt yếu của cái cốt yếu” và là “con búp bê nhỏ nhất” này được mở ra trong lòng những “con búp bê lớn” của Kinh Tin Kính khiến con người thêm hy vọng tin tưởng song cũng làm cho con người ngỡ ngàng khó hiểu. Khó hiểu và ngỡ ngàng bởi vì thực tế con người đã chứng kiến sự kết thúc đầy bi thảm của thân phận mình. Nếu như “trong niềm tin vào Thiên Chúa , Phaolô lại cắm cây gậy xì can đan là thập giá ngay chính giữa lòng nhận thức của chúng ta về Thiên Chúa” (E. Kasemann) thì Thiên Chúa và Giáo Hội như cắm vấn nạn “xác loài người ngày sau sống lại” cũng như một xì can đan ngay trong nhận thức của chúng ta về chính chúng ta dưới ánh sáng của đức tin. Dù sao ở đây, có thể nói: tín điều “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” là tín điều về con người, trả lời cho con người biết vấn nạn về chính mình.

I. CON NGƯỜI

1. Quan niệm triết học

Socrates đã nói: “Hãy biết chính mình” trên cửa đền Delphe, và Trịnh Công Sơn cũng viết: “Tôi là ai? Là ai giữa dòng đời này” (Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng). Đó là nỗi trăn trở của con người và con người là gì? Đã trở thành đối tượng của triết học. “Thực vậy, con người là gì? Con người đã và còn đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, những quan niệm khác nhau và đôi khi trái ngược nhau” (GS 12). Triết học thượng cổ Hy lạp trả lời: Con người gồm: nước, lửa, khí; theo Platon: Con người là linh tượng; là con vật có lý trí (Aristote) là suy tưởng (Descartes); là tự do (Sartre); là con vật mang tính xã hội (K. Max.).

Chính vì đặt câu hỏi: con người là gì? Quan niệm triết học về con người thường đóng khung con người vào vật chất, như vậy: “siêu nhân” của Nietzsche và Con người sẽ bị chấm dứt với cái chết, nếu không thì thân xác cũng bị hạ bệ, hay được tôn vinh một cách quá đáng (GS 12). Tuy nhiên, trong “thân phận con người” (André Malraux) và “thảm kịch” của đời người (A. Camuls) thì vẫn lóe lên những tia hy vọng cho nó, chính là: Tính bất tử của linh hồn mà con người có thể dùng lý trí mình suy luận.

Sự bất tử của con người được Platon quan niệm là linh tượng người; tuy nhiên sự bất tử tính này cũng không có gì đặc biệt, bởi vì “linh tượng vật” cũng bất tử như thế và cái “tù ngục của linh hồn kia” đáng bị hư nát, và E. Kant trong cái nhìn về đạo đức, tính công bằng của cuộc đời đã nhìn nhận tính bất tử của linh hồn, song số phận của thân xác cũng bị chi phối bởi hai phạm trù tiên thiên: không gian và thời gian và cũng như Platon nó không được dự vào tính bất tử của linh hồn. “Trong nhiều tác phẩm, họ đã nhắc đi nhắc lại rằng, tinh thần con người sẽ trường sinh bất tử. Thế nhưng, khi đề cập tới sự sống lại phần xác, là họ không ngần ngại phản đối công khai ngay” (Augustinô), và số phận thân xác của con người khi “linh hồn đi rồi người ta trả thân xác về cho thiên nhiên, sự sống đã biến đi khỏi tạo vật này, thân xác này ở ngoài thời gian, ngoài bản chất, ngoài con số. Người ta hạ nó xuống chỗ âm u, với một chiếc thừng như thả một cái gầu xuống trong một giếng nước” [1]. Nếu chúng ta chỉ đơn thuần là con người theo triết học, chúng ta sẽ gầy dựng cái thuộc về con người và cái thuộc về con người tô đậm thêm câu thơ mang tính châm biếm của Veléry: “Tất cả đi vào lòng đất và trở lại cuộc chơi” [2], với sự quay cuồng như chàng thái tử Hamlet: “To be or not to be”.

2. Quan niệm của Kitô giáo

a. Con người là gì và con người là ai?

Theo Roger Garaudy, người Kitô hữu cần có nhìn “khác” về vũ trụ vật chất cũng như về con người: “Nếu chúng ta tin hữu thể là vật chất, chúng ta hãy là những nhà duy vật; nếu chúng ta tin rằng hữu thể là tinh thần, chúng ta là những nhà duy lý. Nhưng nếu chúng ta tin rằng bản chất của hữu thể là tình yêu hoặc hiệp thông, thì chúng ta là những Kitô hữu” [3]. Như vậy, trong cái nhìn mang tính lý luận, R. Garaudy cho thấy cách nào đó cái nhìn của người Kitô hữu về con người: không đơn thuần là vật chất và cũng không đơn thuần là tâm linh, bản chất của nó là tình yêu.

Bên cạnh đó, trong cuốn “Ngôi vị và họat động”, ĐGH Gioan Phaolô II đã đặc biệt lưu tâm đến nhân vị con người, ngài cho rằng: “bản tính con người vốn là ngôi vị” [4].

Những chương đầu Sáng thế ký đã trả lời nỗi băn khoăn của con người. Tuy nhiên, Thánh kinh không những trả lời câu hỏi theo triết học: con người là gì? mà còn là con người là ai? Là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên bằng bùn đất và được Ngài ban cho sức sống, nên con người là hình ảnh của Thiên Chúa, trong Đức Kitô nhờ Thần Khí: con người được gọi là con Thiên Chúa.

Không thể nói nhân tính mà không nói đến Thiên Chúa, bởi vì “mối quan hệ với Ngài là chiều kích cấu thành nhân tính” [5], “giống hình ảnh Thiên Chúa”, con người so với thiên thần không thua mấy, vinh dự huy hoàng là triều thiên Ngài ban tặng, Ngài cho thống trị các kiệt tác tay Ngài làm ra (Tv 8, 5-7). Vì thế, “con người không lầm lẫn khi nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên hay như một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Bởi vì có nội giới, có một linh hồn thiêng liêng bất tử, con người vượt trên mọi vật” (GS 14).

“Con người duy nhất với xác và hồn” (GS 14), tuy nhiên quan niệm về xác hồn nơi con người cũng chịu ảnh hưởng phần nào của tư tưởng triết học, nhất là triết học Hy lạp, điển hình là Platon và được Augustinô lấy lại, sau này thánh Tôma cũng nhìn con người như thế dưới lăng kính và những phạm trù của triết học Aristote, ngài xác định thêm: “Việc phân biệt xác hồn nơi con người chỉ là hai nguyên lý và phân biệt trong ý niệm siêu hình”. Con người là một hợp thể, là hồn – xác. Rõ ràng, cần nhận thấy: người Do thái không quan niệm như vậy, đối với họ, Con người là một Creatura Dei, một tạo vật của Thiên Chúa, nói một cách mạnh theo G. Marcel: “Tôi là thân xác”– con người là một thân thể sống động, và sự sống đó con người lãnh nhận được từ Thiên Chúa.

Đối với Cựu Ước cũng như Tân Ước, con người không phải bao hàm hai yếu tố phân tách nhau, khác biệt nhau: vật chất (xác thịt hay thân xác) và một mô thể làm cho xác kia sống động. Mà con người được bắt gặp trong tính thống nhất của hữu thể cá nhân của nó. Nên, con người theo quan niệm Do Thái được diễn tả qua ba từ: Nèphèsh, Ruah và Bâshâ, phản ánh con người như là một tổng thể trong các mối tương quan với Thiên Chúa, tha nhân và vũ trụ. Do vậy, nói rằng con người là xác, tức là nói lên khía cạnh ngoại diện, thể xác, trần thế của con người, nó cho phép con người diễn tả xuyên qua xác thịt là thân thể, là nói lên cái thân phận trần thế của con người (nhân vị). Tuy nhiên, thân xác có sự hèn kém của nó: dễ tổn thương, bị giới hạn bởi không gian và thời gian, bị hư nát, tìm kiếm sự say xưa, chối bỏ nỗ lực,… Nó tạo sự căng thẳng giữa nó và tinh thần (Rm 6, 15. 19-23). Thân xác bị hư hỏng đè nặng trên linh hồn (Kn 9, 15).

Đối với Platon: “Thân xác là tù ngục của linh hồn”. Nhưng nếu quan niệm: xác là bụi đất, linh hồn là khí, thì hình ảnh ở St 2, 7 cho thấy: “hình như” xác có trước hồn, và Giáo Hội Công giáo xác quyết: Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất (GS14); song với thân xác, con người trở thành vị tư tế của vũ trụ vạn vật, “Thân xác có mắt để nhìn ngắm các tạo vật và để nhận ra Đấng Sáng Tạo nhờ trật tự kỳ diệu này. Nó có tai để nghe lời Thiên Chúa và lề luật của Ngài. nó có hai bàn tay để thực hiện những công tác cần thiết và để giơ cao lên khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa” [6]. Nên “con người ca tụng Thiên Chúa nơi thân xác của mình, vậy con người không được khinh miệt đời sống thể xác” (GS 14). Thánh Phaolô đã nói: “Anh em không biết sao? thân mình anh em là Đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1Cr 6, 19). Chính thân thể là hình ảnh, mà ngài dùng để diễn tả Hội thánh – thân thể Đức Kitô. Từ đó có thể nói: Mỗi người với thân thể của mình đã được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô (1Cr 12) “Thân xác là để cho Chúa và Chúa là để cho thân xác” (1Cr 6, 13).

Mầu nhiệm nhập thể của con Thiên Chúa cũng chỉ được thánh Gioan long trọng tuyên bố khi “Lời đã thành xác phàm” (Ga 1, 14). Theo Karl Rahner, lời tuyên bố này cho thấy một thực tại nghịch lý: “Ngôi Lời” là khởi điểm; “xác phàm” là đích điểm [7], và ông cho rằng: Ngôi Lời không thể trở nên trong chính mình nhưng có thể trở nên trong một điều gì khác, điều gì khác đó chính là xác phàm” (tr. 125).

Một Thiên Chúa như “vô hữu thể” đã trở thành “hữu thể và thời gian” và con người chính là điểm tới của mầu nhiệm nhập thể, nhờ vậy mà con người mới có thể: “từng nghe, từng thấy tận mắt, cùng chiêm ngắm và tay đã rờ đến, về Lời sự sống” (1Ga 1, 1). Fx. Varillon cho rằng: với biến cố nhập thể, phục sinh của Đức Kitô, thì mầu nhiệm Ba Ngôi của Thiên Chúa có một “yếu tố khác” xen vào đó chính là xác phàm” [8]. Và Romano Guardini nói: “Chỉ có Kitô giáo mới dám đặt một thân xác con người nơi chính cung lòng của Thiên Chúa”, và “Ngôi Lời hóa thành xác thịt thì làm cho thân xác ta sống. ” (Augustinô).

b. Sự thần hóa của con người

Theo G. Marcel: “Con người là một huyền nhiệm, “nó mang trong mình một mầu nhiệm mà sẽ không bao giờ nó hiểu thấu: đó là mầu nhiệm hữu thể học” [9], có lẽ vì thế, con người cô đơn trong chính cái huyền nhiệm của mình mà sự cô đơn này được “phá vỡ” bởi “đường” thần hóa của mình, nên “nếu các bạn hỏi tôi con người là ai? Tôi sẽ trả lời: Con người là thứ thần hóa được. Đó là câu trả lời sâu xa nhất, vượt khỏi những gì hay ho nhất mà các khoa học nhân văn có thể đưa ra cho chúng ta” [10].

Chúng ta là những kẻ bắt đầu con người, thánh Giacôbê nói: chúng ta là những bản phác họa con người. Thiên Chúa không dựng nên con người hoàn tất, Ngài ghê tởm cái đã hoàn tất. Thiên Chúa tạo ra con người có khả năng tự tạo ra chính mình. Nên chúng ta là những con người đang trở thành con người, là người và làm người là hai việc khác nhau cùng một vấn đề – con người là con người hơn trong chính việc làm người.

Là thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ, được mời gọi chia sẻ sự sống của Thiên Chúa (GLCG 356). Nên ơn gọi của con người không những lấy mình làm mục đích, cứu cánh mà còn phải ý thức mình là “hình ảnh của Thiên Chúa”, ơn gọi của mỗi người khi bước vào hiện hữu: là con Thiên Chúa, “hiện giờ là con cái Thiên Chúa”; Thông điệp “Đấng Cứu Chuộc con người” cho biết: “Đức Kitô đã mặc khải con người cho con người, Đức Kitô đã công bố chân lý về con người, ai càng nên giống Đức Kitô thì càng trở nên người hơn”. Tuy nhiên, “ta sẽ là gì, thì chưa được tỏ hiện, ta biết rằng một khi điều ấy được tỏ hiện, thì ta sẽ giống như Người” (1Ga 3, 2).

Mỗi người đang nhân hóa con người của mình mỗi ngày bằng chính cuộc sống, các quyết định, tự do, trách nhiệm, việc làm,… Thì con người cũng thần hóa mình bằng cách sống cuộc sống của con Thiên Chúa, thần hóa chính cái nhân hóa của mình trong cuộc sống đức tin, từ đó, hoàn thành ơn gọi của mình: là con Thiên Chúa trong chính việc làm con Thiên Chúa như mẫu gương của Đức Giêsu vị Thiên Chúa người. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà thánh Phaolô khi tuyên bố: “Thần khí chứng thực cho thần hồn ta rằng: ta là con cái Thiên Chúa”. Nhưng, bên cạnh đó ngài ghi chú thêm: để là kẻ thừa tự của Thiên Chúa và đồng thừa tự với Đức Kitô” thì chỉ có một con đường duy nhất ta phải “làm” con Thiên Chúa, nghĩa là ” cùng cam chịu khổ với Ngài để rồi cùng chia phần vinh hiển với Ngài” (Rm 8, 16-17). Như vậy, ơn gọi của con người là được thần hóa, “cùng chia phần vinh hiển với Đức Kitô” và “trở nên kẻ thông phần bản tính của Thiên Chúa” (2Pr 1, 4) là nên thánh (Ep 1, 1), trước điều đó ĐGH Gioan Phaolô II nói: “Con người đừng sợ nên thánh”. Tuy nhiên, tiến trình thần hóa của con người lệ thuộc hoàn toàn vào một tiến trình “ngược” khác, nói theo kiểu kinh điển là “Thiên Chúa làm người để con người làm Thiên Chúa”, từ đó, cũng cần lưu ý khi “Thiên Chúa tự mạc khải bằng cách trở nên con người, thì cơn cám dỗ lớn ở đây là – theo cách nói của Ludwig Feuerbach – là một cuộc giảm lược cổ điển, biến sự thần linh thành nhân linh” [11]. Cơn cám dỗ của Adam vẫn còn rất hiện sinh nơi mỗi con người: con người tự mình muốn làm Thiên Chúa.

Là con cái của Thiên Chúa, được thần hóa, “con người mang trong mình mầm sống vĩnh cửu nên không thể giản lược vào nguyên vật chất, nên nó nổi lên chống lại sự chết” (GS 18) và “con người được Chúa dựng nên để đạt tới cứu cánh hạnh phúc sau những khổ cực trần thế này” (GS 18). Được thần hóa với toàn thể con người của mình như Đức Kitô phục sinh vinh hiển (Rm 8, 17), nên con người phải coi thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng vì thân xác ấy do Chúa tạo dựng, được cứu chuộc và phải được sống lại ngày sau hết. (GS 14).

II. CON NGƯỜI ĐƯỢC PHỤC SINH

“Sau khi chết, cả một thế giới huyền bí mà đã vượt biên cương thì không một du khách nào còn có thể quay trở lại” (Shakespeare) để nói cho những người còn lại biết về “tương lai” của mình; tuy nhiên, nếu không có niềm tin “thì dẫu có ai sống lại từ cõi chết, chúng cũng chẳng ngã lẽ!” (Lc 16, 8).

Dù nơi người Do Thái và Hồi Giáo đã có niềm tin vào sự sống lại, nhưng đối với người kitô hữu, “tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” có thể được coi như là sự “dội” lại, khai triển và nối dài xác quyết nền tảng vào tín điều: Đức Giêsu phục sinh, vì ” sự phục sinh của Đức Kitô, cũng như chính Đức Kitô phục sinh là nguyên lý và nguồn mạch sự sống lại của chúng ta mai sau” (GLCG 655). “Ngài là mẫu thức sự sống lại mai sau của toàn thể nhân loại” (Jean Milet), và họ sẽ sống lại, nhận lại thân xác mình, nghĩa là phần xác như Chúa đã sống lại (Irênê). Do vậy, “hãy cứ nhìn vào sự sống lại của Chúa Giêsu để mà tìm hiểu về chân lý liên quan đến sự sống lại của chúng ta. Dĩ nhiên, giữa sự sống lại của Ngài và sự sống lại của chúng ta vẫn còn cả mầu nhiệm sâu thẳm của đức tin. Tuy nhiên, thân xác sống lại của Chúa là một thực thể thấy được và sờ được đối với các chứng nhân. Qua thực trạng sống lại của Ngài, chúng ta có thể mường tượng được sự sống lại của chúng ta (Christoph Schoenborn).

1. Đấng phục sinh

Ngày nay, không ai còn tranh luận, nghi ngờ hoặc nghĩ rằng Đức Kitô chỉ ở trong tình trạng hôn mê, “nửa sống khi được mai táng, thi hài mà người ta an táng quả thực là một xác chết, tối ngày thứ sáu đau thương” đó “mọi sự đã hoàn tất”. “Chúa Con đã để cho thể xác tách rời hồn khỏi xác, theo bản tính tự nhiên, nhưng Người đã kết hợp hồn với xác lại nhờ phục sinh để bản thân Người trở thành giao điểm của sự chết và sự sống” bằng cách ngăn chặn sự tan rã tự nhiên của thân xác do sự chết và trở thành nguyên lý hợp nhất của các phần đã bị tách rời” (GLCG 625).

“Ngày thứ ba đã “biến đổi” tất cả, Đấng đã chết nay là Đấng Phục Sinh. Cụm từ: “Ngày thứ ba” mang thời gian tính của phục sinh. Chỉ sau khoảng thời gian này, con người mới gặp được Đấng Phục Sinh ở bên ngoài ngôi mộ trống. Như vậy, Chúa đã sống lại từ trong mồ, sự sống lại đã xảy ra trong cõi chết. Tuy nhiên, trong khoảng ba ngày đó, điều gì đã xảy ra? Niềm tin của Giáo Hội chỉ xác quyết một điều: Ngài đã xuống ngục tổ tông và nó vẫn còn là vấn nạn: ở đâu, như thế nào? Vì vậy, có một “khoảng lặng” về thời gian và một bí mật về không gian trong ngôi mộ đóng kín của Đức Giêsu mà con người không thể biết khi “hạt lúa mì đang biến đổi thành cây lúa”, “không ai chứng kiến tận mắt biến cố phục sinh và không một thánh sử nào mô tả cách thức của nó, không ai có thể nói phục sinh đã diễn biến như thế nào về mặt thể lý. Các giác quan lại càng khó nhận ra được yếu tố sâu xa nhất của phục sinh là chuyển qua một cuộc sống khác” (GLCG 647). Tuy nhiên, điều chắc chắn là trong ngôi mộ đó có “cái gì đó” xảy ra mà con người phải nhìn nhận (Bultmann) và sự hiện diện hay nhận thức của con người như không cần thiết, bởi vì giữa Tử Thần và Sự Sống chỉ cần Quyền năng của Thiên Chúa.

Vì vậy, điều hệ trọng là con người gặp và cảm nhận được Đấng Phục Sinh như thế nào và tin vào Ngài để được ơn cứu độ. Thế nên, như cha X. Léon Dujour viết: “Chúng ta có hai loạt văn bản Phúc âm về Đấng Phục Sinh. Một loạt nhấn mạnh đến sự kiện Đức Kitô phục sinh không phải là một con ma, một hồn vía, loạt ấy xác định rõ ràng Đức Giêsu đã phục sinh thực sự trong thân xác của Ngài. Một loạt văn bản khác xác nhận rằng thân xác này không còn là thân xác trước đây”.

a. Đức Giêsu phục sinh: không phải là hồn ma

Qua các lần hiện ra của Đức Giêsu, trước hết các thánh ký đã trình bày những dữ kiện “thể lý” có thể cảm nghiệm được. Với những chứng từ này, chúng ta có thể khẳng định Đức Kitô phục sinh trên bình diện thể lý và phải nhìn nhận đó là một sự kiện lịch sử” (GLCG 643). Đức Giêsu mà người ta gặp lại không phải bóng ma, một thị kiến nội tâm, ảo giác hay một giấc mơ. Người ta thấy Ngài như một người sống thật, cũng nói, nghe, di chuyển và người ta có thể động chạm đến Ngài, như Tôma đã làm; Ngài ăn uống, đã dùng cá nướng trên bờ hồ. Tiếp đến, Ngài thi hành quyền bính thực sự: khích lệ, ban hành mệnh lệnh, sai các Tông đồ đi rao giảng, Ngài khơi dậy niềm tin, niềm hy vọng nơi các môn đệ, hứa ban Thánh Linh cho họ. Như vậy, Ngài xác định: “Hãy sờ vào Thầy xem và hãy hiểu rằng ma đâu có thịt xương như anh em thấy Thầy đây” (Lc 24, 39).

Đức Giêsu đến với các Tông đồ trong những lần hiện ra không phải như kiểu hồn ma, vua cha của Thái tử Hamlet. Ngài không sợ ban ngày, không đến với môi hận thù những người hại mình đang sống mà quấy phá họ, hay đưa ra một yêu cầu nào khác giúp mình trả thù. Trái lại, lời nói đầu tiên của “Hồn ma” này lại là: “Bình an cho các con” và dạy một số điều quan trọng để bổ sung các giáo huấn trước khi chết và một lời truyền để cứu độ nhân loại (Mt 28, 20). “Hồn ma” này còn “như có tâm hồn ăn uống”, hiện ra trong những lúc tụ tập, bữa ăn của các mộn đệ mình và đã nướng cá, ăn uống với họ. Hơn nữa, “Hồn ma” của Đức Giêsu không van nài cầu xin con người như vua cha của Hamlet, mà là một sự trao ban sự sống là Thần khí, chứ không phải sự lạnh buốt đầy chết chóc của cõi âm phủ. Bên cạnh đó là lời đầy mệnh lệnh, quyền uy của “Hồn ma” khi sai các môn đệ mình đi rao giảng Tin Mừng. Ngoài ra, “Hồn ma” này dám đánh cuộc với Tôma, kẻ cứng tin và kết quả là kẻ cứng tin đã tin. Trước “Hồn ma” này, các Tông đồ kinh ngạc, hỏang sợ, nhưng tâm trạng này họ cũng đã trừng có kinh nghiệm khi chúng kiến sự siêu thực (chứ không phải phi thực) của con Người Đức Giêsu trong biến cố biến hình. Rồi trong cơn bão nơi hồ Galilêa, “Bóng ma” đi lập lờ trên nước đó khiến họ kinh hoàng, nhưng rồi đến với họ không phải là bóng ma, mà là Đức Giêsu – thầy của họ.

Vì thế, trước khi được coi là “bóng ma” sau phục sinh, con người Đức Giêsu cũng đã từng bị các Tông đồ coi là hồn ma, song qua những biến cố đó, điều mà cá Tông đồ nhận ra: Thầy của họ vẫn rất gần gũi với họ, Ngài vẫn là Thầy Giêsu. Sự kinh hoàng đích thực của họ không còn là sự hỏang loạn do bóng ma gây ra, mà như Tôma, các ông đã kinh hoàng trước sự hiện diện của Đấng phục sinh với thân xác đã biến đổi khiến các ông thay vì kêu ma kìa (Mt 14, 26) thì đã thốt lên: “Lạy Chúa tôi là Thiên Chúa của tôi” (Ga 20, 21) và “thấy Ngài họ phục lạy Ngài” (Mt 28, 17).

Như vậy, Đức Giêsu phục sinh có những tương quan trực tiếp với các môn đệ của Người qua tiếp xúc và việc chia sẻ bữa ăn. Qua đó, Người muốn cho họ thấy Người không phải là ma.

b. Thân xác sống lại và thân xác trần gian là một

Người ta nhận thấy qua lối dàn dựng các lần hiện ra của Đức Giêsu không phải không gây ra những nghi ngờ, lối diễn tả thô sơ đến quê kệch như diễn tả một niềm tin ngây thơ và ít đạo đức. Khuynh hướng chung, tự nhiên khi phải tưởng tượng Đức Giêsu trở lại, hiện ra là cho thấy Ngài hiện ra trong vinh quang thần linh, sáng chói; nhưng, niềm tin Kitô giáo đã chứng tỏ thấm nhuần đạo đức rất đặc biệt – Đức Giêsu hiện ra, và Ngài vẫn như trước.

Các bài trình thuật trong Phúc âm nhấn mạnh đến điểm đồng nhất này rất rõ ràng. Tính chất trước sau đồng nhất của Đấng hiện ra được minh chứng qua thân xác. “Sao các con lại hỏang hốt, sao lòng các con còn nghi hoặc? hãy nhìn tay Ta và chân Ta, để nhận rõ chính là Ta đây!” (Lc 24, 38-39), các vết thương chứng minh cách chắc chắn cho các Tông đồ biết rõ Đấng mà các ngài trông thấy là ai (Ga 20, 24-29). Các cử chỉ thân xác có tác dụng như là những dấu chỉ nhận diện (Lc 24, 30-31. 35). Maria thành Magdala nhận ra Chúa Giêsu qua giọng nói bất biến của Ngài (Ga 20, 16). Trong khi giảng dạy, các Tông đồ cũng thường nhắc tới sự việc đã cùng ăn cùng uống với Ngài sau khi Ngài sống lại (Cv 10, 51). Tất cả những điều đó minh chứng cho sự chân thật của các nhân chứng về sự sống lại, cho tính chất xác thực của việc xác quyết nói rằng Ngài đã sống lại thật và sống mãi “với thân xác của Ngài”: thân xác mà nhờ đó, Maria thành Magdala đã nhận ra được Ngài, và qua đó Ngài cùng chung sống với những nhân chứng của Ngài.

Thực vậy, “thân xác phục sinh của Đức Giêsu chính là thân xác đã bị hành hạ và đóng đinh vào thập giá, vì có mang dấu vết cuộc khổ nạn” (GLCG 645)- “Hãy xỏ tay vào lỗ đinh” (Ga 20).

Đối diện với thân xác phục sinh của Đức Giêsu, phản ứng đầu tiên của các Tông đồ là tưởng mình đang đứng trước một bóng ma. Nhưng sau khi loại bỏ được phản ứng hồ đồ đó, và sau khi kiểm chứng sự kiện, họ tỏ ra có thái độ khách quan. Họ xác nhận đúng là Đức Giêsu đang ở giữa họ. Họ có thể nói với Ngài, sống với Ngài như trước.

Trước hết, trong những cuộc tiếp xúc giữa Đức Kitô và các môn đệ sau biến cố sống lại cũng có những điều kiện tâm lý thường tình giống như trong mọi tiếp xúc giữa con người với nhau. Ở đây cũng có sự trao đổi cái nhìn, trao đổi câu chuyện, cử chỉ. Đức Kitô thực sự hiện diện như một con người.

Tuy nhiên, có những lối cư xử mới so với cung cách của Đức Giêsu trước khi Ngài chịu chết, mà lúc còn sống những điều đó xảy ra một cách như không thường xuyên. Đó là sự đột phát của những tiềm năng siêu nhiên vốn ẩn cạnh những khả năng tự nhiên của Ngài. Một vài hiện tượng đó cũng đã xảy ra trong cuộc đời công khai của Ngài, như biến hình, đi trên biển,… Sau phục sinh, Sự di chuyển của Đức Giêsu: mau lẹ, tự phát, tức khắc, nhanh chóng hơn, Ngài đã khắc phục được trọng lực của con người bình thường. Đây cũng là hiện tượng con người đã thấy xảy ra nơi Ngài sau khi sống lại.

Dù có những nét “siêu nhiên” được thêm vào cung cách bình thường như thế, cũng nhìn nhận rằng: trong những cuộc gặp gỡ với các Tông đồ sau khi sống lại, Đức Kitô đã biểu lộ thực tính của Ngài cũng giống như trước đó trong đời sống công khai của Ngài. Các môn đệ trên đường Emmau đã nhận ra được một số đặc tính nơi người đồng hành của họ, giống như trước đó khi họ sống cạnh Thầy mình. Cũng vậy, Tôma đã có thể xỏ những ngón tay vào những vết thương của Ngài… Con người của Ngài không hề làm cho người đối thọai nghi ngờ gì. Các môn đệ nói với Ngài cũng giống như khi nói chuyện với mọi người khác và không kinh sợ như khi đứng trước một bóng ma. Tiếp xúc của Ngài với người khác có tính cách trực tiếp và không gây nên vấn đề gì. Dù những đặc tính khá lạ lùng của thân xác Đức Giêsu phục sinh, nhưng các chứng nhân dường như đã quen thuộc ngay các đặc tính đó nhờ những “đặc tính cũ”. Vì thế, trên bờ hồ Tibêria, dù có một khoảng cách, song các Tông đồ cũng nhận ra Ngài và kêu lên: “Chúa đấy!” (Ga 21, 7).

Ngoài ra, thánh Phaolô nêu đặc tính của Đấng Phục Sinh bằng một sự so sánh gây ngạc nhiên: “Ađam cuối cùng đã trở nên Thần khí sống động” (1Cr 15, 45). Ngài không trở nên một con người phi vật chất, như thiên thần, nhưng Ngài là một “ađam” tương tự, nghĩa là một con người nhưng theo cách khác [12].

c. Thân xác phục sinh là thân xác vinh hiển

Tất cả những nhân tố để nhận định những căn cước của Đức Giêsu phục sinh đã được thực hiện. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng có những đặc tính mới được thêm vào những đặc tính của Ngài, và khác biệt với những phàm nhân khác, vì “thân xác đúng nghĩa và có thực này có các đặc tính mới của một thân xác vinh hiển: Người không còn bị ràng buộc trong không gian và thời gian nữa, nhưng có thể đi đâu và lúc nào tùy ý. Đức Giêsu phục sinh hoàn toàn tự do để hiện ra như Người muốn: dưới hình dạng người làm vườn (Ga 20, 14-15), hoặc “dưới hình dạng khác” (Mc 16, 12; GLCG 645).

Thân xác phục sinh không phải là thân xác như những kẻ Người đã cho sống lại trước cuộc Vượt Qua: con gái ông Giairô, người thanh niên thành Naim, ông Lajarô, họ chỉ trở lại với cuộc sống trần thế “bình thường”, rồi sau đó họ vẫn phải chết. Đức Kitô phục sinh không có nghĩa là Người trở lại với đời sống trần thế mà Ngài là “Người thượng giới” (1Cr 15, 35-50).

Vì vậy, dù “các cửa nhà vẫn đóng kín, Đức Giêsu vẫn đang hiện diện giữa các Tông đồ” thân xác Ngài là “người đi xuyên tường”. Trong những lần hiện ra, Ngài hiện diện trong vài giờ, vài ngày, tại những địa điểm khác xa nhau như “người nhân ảnh”. Hơn nữa, cũng thân xác phục sinh của Ngài, hai môn đệ trên đường Emmau và những người đi cùng với Phaolô trên đường Đamat như bị “che mờ” không nhận ra được Ngài, Ngài có thể hiện ra và biến đi theo ý Ngài muốn. Những cảnh tượng thường gặp thấy sau khi sống lại: không nhận ra (Lc 24, 16), sự gần gũi nhiệm mầu mà vẫn xa lạ. (Ga 21). Vì thân xác phục sinh của Ngài là “thân xác của Thần khí”, thân xác vinh hiển đã khiến cho các Tông đồ nhận ra một vài khác biệt kể cả trong giọng nói Ngài xử dụng và khi thấy Ngài họ đã phục thờ.

Quả thực, thân xác phục sinh của Đức Giêsu là thân xác vinh hiển, nên “các Tông đồ khi gặp Ngài vẫn thấy đúng là Ngài, nhưng vẫn không phải là Ngài. Chính vì thế mà khi nói về Đấng Phục Sinh, họ chỉ còn biết bập bẹ. Ngài là Đấng mà họ có thể sờ đụng được, là Đấng đã chết trên thập giá, dấu vết của sự chết vẫn hằn rõ trên thân xác Ngài, nhưng Ngài đã được biến đổi toàn diện. Ngài vẫn thế nhưng lại khác hẳn” (Ratzinger). Tuy vậy, “một thân xác siêu khí, được coi như một sáng tạo mới, sẽ không còn phù hợp với thực tại Phục sinh của Chúa Kitô, từ đó sẽ đưa vào một thứ huyền thọai” [13].

Các trình thuật Tin mừng về Đấng Phục Sinh chỉ khác nhau nơi những cho tiết rất tế nhị, thường là địa danh, những “nhân vật phụ”, song vẫn xoay quanh một điểm đồng quy về “nhân vật chính”. Đức Giêsu phục sinh với cách thức “thể lý” của thân xác Ngài. Các thánh sử chứng kiến gặp gỡ Đấng Phục Sinh và sau này trở thành những chứng nhân của Đức Giêsu, và dù rất cố gắng muốn diễn tả biến cố lịch sử và hơn nữa biến cố làm nên lịch sử, song các trình thuật về Đấng Phục Sinh như khựng lại trước trương độ đặc biệt của Ngài với những giới hạn của ngôn từ. Từ đó, cũng có nghĩa rằng: Thân xác phục sinh của Đức Kitô chỉ cảm nhận được bằng đức tin, như chính Đấng Phục Sinh tuyên bố: “Phúc cho những ai không thấy mà có lòng tin”.

 


[1] Victor Hugo, Pleurs dans la nuit, IX Contemplations VI,6.

[2] Fx. Varillon, Vui sống vui tin yêu, tập 1, tr 58.

[3] Fx. Varillon – Vui sống vui tin yêu II, trang 143.

[4] Hợp tuyển thần học, số 23, tr. 108.

[5] Hợp tuyển thần học số 23, trang 108.

[6] Athanase, De incarnatione Verbi (P.G.XXV,9).

[7] Hợp tuyển thần học số 9, tr 123.

[8] Vui sống vui tin yêu.

[9] Jean Mouroux. Quan niệm về Kitô giáo và con người, tr. 168.

[10] Fx. Varillon –Vui sống vui tin yêu, tập 1, tr 22.

[11] ĐGH Gioan Phaolô II, Bước qua ngưỡng cửa hy vọng, chương 6, tr. 59.

[12] Fx. Durrwell – Đức Giêsu Con Thiên Chúa trong Thánh Thần, tr. 147.

[13] J.Ratzinger,Tài liệu của ủy ban thần học quốc tế, số 1.1.