Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Tôi Tin Xác Ngày Sau Sống Lại (5)

Administrator
2018-09-23 08:34 UTC+7 35
ĐỀ TÀI: TÔI TIN XÁC NGÀY SAU SỐNG LẠI Hướng dẫn: Linh mục Augustino Nguyễn Văn Trinh Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn – Khóa V ***   ***   A. TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI NGÀY SAU SỐNG LẠI VÌ I. THIÊN CHÚA LÀ CHA TOÀN NĂNG – ĐẤNG TẠO HOÁ: NGUỒN SỰ […]


ĐỀ TÀI: TÔI TIN XÁC NGÀY SAU SỐNG LẠI

Hướng dẫn: Linh mục Augustino Nguyễn Văn Trinh

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn – Khóa V

***

 

***

 

A. TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI NGÀY SAU SỐNG LẠI VÌ

I. THIÊN CHÚA LÀ CHA TOÀN NĂNG – ĐẤNG TẠO HOÁ: NGUỒN SỰ SỐNG

II. ĐỨC GIÊSU CON THIÊN CHÚA – ĐẤNG PHỤC SINH

III. CHÚA THÁNH THẦN – ĐẤNG BAN SỰ SỐNG

B. TÔI TIN THỂ XÁC SỐNG LẠI

2. Phục sinh của con người

III. NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ THÂN XÁC VÀ SỰ PHỤC SINH THÂN XÁC

“Thường con người tán dương mình như mẫu mực tuyệt đối hay lại chê bai đến độ tuyệt vọng” (GS 12). Chàng Narcisse vẫn còn tồn tại nơi mỗi người, chủ nghĩa Narcissism phát triển có thêm nhiều “tín đồ”, và được khoa học kỹ thuật trợ giúp, quảng bá dưới nhiều hình thức: thẩm mỹ viện, các phương pháp giữ gìn sức khỏe: tập thể dục, ăn kiêng; dịch vụ thời trang… Như vậy, một sự tôn thờ sức khỏe và cái đẹp theo kiểu Hy lạp, một sự ca tụng tán dương thân xác đang được khuyến khích; bên cạnh đó, là sự đề cao bản năng và tìm mọi cách để thỏa mãn cái Libido (của S. Freud) nơi mỗi người qua cảm giác của thân xác. Thay vì, “thân xác được đặt nơi cung lòng Thiên Chúa” (R. Guardini), thì theo chủ nghĩa duy vật, con người đã đặt thân xác và con người trở thành một Thượng Đế mà kiểu nói kinh tế phản ánh thực tế đó phần nào: “mỗi khách hàng là một Thượng đế”. Sự sống giờ đây như có ranh giới, Thượng Đế – người như đẩy lùi Thượng Đế vào sau cái chết của con người, Ngài chỉ có một nhiệm vụ như Kant nghĩ: thưởng phạt và tạo lập một sự công bình cho con người sau cái chết. Còn giờ đây, thượng đế – người như có quyền tự định đoạt cuộc sống của chính mình và kể cả của người khác. Như vậy, nhân danh sự sống, thân xác, con người loại bỏ chính mình và Sự Sống.

Được trợ giúp của khoa học kỹ thuật trong việc tôn thờ sắc đẹp, thân xác và thỏa mãn bản năng, con người đã can thiệp vào tiến trình của sự sống nơi chính mình và tạo nên những điều mà họ cho là kỳ công của thế kỷ trong ngành sinh học nhân danh phục vụ sự sống: thụ tinh trong ống nghiệm, sinh sản vô tính, cấy ghép phôi người với phôi vật (heo), ghép các bộ phận cơ thể người, mang thai hộ,…

Ngược lại, với cái gọi là “điều kỳ diệu” trên để phục vụ sự sống thân xác và thể lý con người là sự xúc phạm đến nhân phẩm và chà đạp lên thân xác của người khác trong cái gọi là phục vụ cho “ngành công nghiệp tình dục”; từ những “ngân hàng về con người”, hay trong quan niệm: “con người kinh tế” mà thân xác được coi như là “một nhà máy” sản xuất và bán sức lao động, hoặc như là một món hàng mà trong cảnh túng thiếu, họ có thể bán đi một bộ phận nào đó của cơ thể,…

Trong cách nhìn như thế về thân xác, thì cuối cùng “người ta cũng hạ nó xuống chỗ âm u, với một chiếc thùng như thả một cái gầu xuống trong giếng nước” (V. Hugo, sđd).

Hơn thế nữa, trong trí tưởng tượng phong phú của mình, thái tử Hamlet đã “vẽ” lên đường đi của thân xác sau khi chết: “chúng ta rồi sẽ trở về trạng huống nhục nhã biết bao! trí tưởng tượng của ta há lại không theo dõi hạt bụi của thi hài Alexandre cho đến khi thấy nó được dùng để trát kín một thùng rượu ư? không phải nói quá đâu… ta hãy tưởng tượng thế này: Alexandre chết, bị chôn, rồi tan thành cát bụi; cát bụi cũng là đất, người ta lấy đất để nhào thành đất sét; thế thì tại sao không thể dùng đất đã nhào thành đất sét có chứa Alexandre để trát kín cho một thùng rượu? hay: Hoàng đế Xêda chết thành cát bụi, trát được lỗ thủng cản gió đừng thông. Ôi! cục đất làm kinh hoàng thế giới, hãy trát lỗ tường chống chọi gió đông. Hơn nữa, một gã hành khất lấy con bọ đã xơi thịt vua làm mồi câu cá, rồi lại ăn thịt con cá đã xơi mồi bọ – một ông vua đã ngự giá chu du như thế nào trong bao tử của một chàng hành khất. [1]

Phải nhìn nhận rằng: quan niệm về sự phục sinh thân xác đã được tiến triển trong dòng lịch sử cứu độ của nhân loại. Từ những ý tưởng chưa được rõ ràng nơi Sách Khôn Ngoan,… người Do Thái đã thể hiện niềm tin thực sự vào sự phục sinh thân xác qua Đn 12, 2; 2Mc 7… Nhưng sự tiến triển này là sự tiến triển trong dòng những khó khăn, vấn nạn mà con người đặt ra, từ quan niệm của nhóm Sa-đốc cho đến những người Hy lạp.

Tuy nhiên, các mối tương quan của thân xác với khoa học kỹ thuật, với quan hệ giữa người với người, và với thời gian, vũ trụ, vật chất sau cái chết đã tạo nên những vấn nạn về sự phục sinh thân xác mang chiều kích bén nhọn hơn.

Lajarô, cô bé con ông Giairô, chàng trai thành Naim,… tất cả đều là những người trở về từ cõi chết. Sao họ không tiết lộ gì về thế giới bên kia? họ bị “tẩy não” trước khi được sống lại –hay “người phàm không được phép nói lại” (2Cr 12, 4); họ ở trong tình trạng theo quan niệm của Oscar Cullman? hay có một tình trạng “giam giữ, chờ đợi” trước khi Đức Giêsu phục sinh? hoặc họ là những trường hợp đặc biệt trong sự quan phòng của Thiên Chúa nhằm tôn vinh sứ vụ của Đấng Cứu Thế?

Bên cạnh đó, là nỗi băn khoăn, thắc mắc của những người trong thời Cựu ước và Tân ước: khi phục sinh thân xác thì vua Đavít sẽ ở bên cạnh ông Uria, và một bà vợ phải sống với bảy ông chồng? vấn đề thân xác phục sinh ở đây chỉ là thắc mắc về mối tương quan mang tính tình trạng giữa người với người, để trả lời cho vấn nạn này Đức Giêsu cũng trả lời theo chiều hướng quan hệ – tình trạng đó: “họ sống như thiên thần trên trời” (Mt 22, 30).

Tuy vậy, các mối tương quan của thân xác với khoa học kỹ thuật, hay như trí tưởng tượng của Hamlet, thì thân xác phục sinh lại có những vấn nạn theo chiều kích mới và riêng biệt của nó.

Rõ ràng “thân xác thể lý” sau cái chết sẽ chu du như chàng Hamlet tưởng tượng, với thời gian trong tính cộng hưởng của cuộc sống con người thì chu trình đó càng được mở rộng và phức tạp. “Ông vua” cách nào đó qua con bọ đã được tháp nhập vào sự sống thể lý của “anh hành khất” (rõ hơn: là trường hợp ăn thịt người). Rồi buôn bán các bộ phận cơ thể con người, những cuộc cấy ghép (nhất là cho những người bị khuyết tật), thì khi thân xác phục sinh sẽ như thế nào? của ai?

Với những người dị hình, quái thai thì sao khi “hai, ba trong một”? rồi hàng triệu những phôi thai bị giết chết trước khi được làm người? hay những phôi người được cấy ghép với phôi vật (đang được xúc tiến nhân danh chữa bệnh cho con người)? hoặc trong sinh sản vô tính (nếu được thực hiện trên người) – dù con người được sinh ra sẽ khác nhau trong toàn bộ thực tại của nó; nhưng nếu nó chết trước khi được làm người – là những phôi thai, thì trong bản chất jen của nó chỉ là phiên bản và giống y như những người “anh em” của nó. Vậy khi phục sinh thì hình dạng sẽ như thế nào hoặc phục sinh tất cả hay chỉ là “bản gốc”? Khi mà chính thân xác đang sống, đã sống dù chỉ hiện hữu âm thầm trong khoảnh khắc ngắn ngủi.

Sự phục sinh thân xác cũng là thân xác đang sống với những “vết đinh, đây là xương tôi, đây là thịt tôi”, nếu được quan niệm theo kiểu thể lý, duy vật, quả thật rất khó hiểu, lúc đó trong vương quốc của Thiên Chúa có rất nhiều kẻ “khuyết tật”, những “người không có hình người”, và hình như rất “thiệt thòi” cho những người dị hình, dị tật, bẩm sinh,… ?

Thế nhưng, nếu nhìn con người là hình ảnh của Thiên Chúa, bất kỳ ai cũng được dựng nên giống hình ảnh Ngài theo khuôn mẫu duy nhất là Đức Kitô và được phục sinh thân xác theo mẫu mực của Ngài và trong Ngài thì vấn đề có lẽ trở nên không quan trọng lắm! Hơn nữa, trong quyền năng của Thiên Chúa việc thân xác sống lại không phải thuộc lĩnh vực lý trí mà thuộc về “phép lạ” – vì thế, mà người Kitô hữu tin tưởng như Augustinô: ” Tôi tin bởi vì có những phép lạ”. Nên “ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm phục sinh ấy, cách nào đó chỉ có Chúa biết thôi” (GS 22). ” Trong ngày ấy – anh em biết rằng anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (Ga. 14, 20).

IV. ĐỨC MARIA – MẪU GƯƠNG ĐỨC TIN VÀ SỰ SỐNG LẠI CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

Là một người có vai trò đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa và là một “chi thể trổi vượt và độc đáo nhất của Hội Thánh” (LG 63), Đức Maria trở thành người đầu tiên trong nhân loại hồn xác lên trời. Vì vậy, ngoài mẫu mực cho sự sống lại của mình là Đấng Phục Sinh, con người còn có một mẫu gương khác, một thụ tạo rất gần gũi với mình đã phục sinh trọn vẹn, viên mãn, đó là Đức Maria.

Dù không biết đến bản tuyên tín của Công đồng Nicêa – Constantinopel, nhưng có thể nói, Đức Maria đã sống “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” (Mt 22, 37) của mình trong đức tin vào Thiên Chúa, nói cách khác, Đức Maria cách nào đó đã tuyên xưng và đã sống trước bản tuyên tín của Giáo Hội sau này. Vì thế, khi tuyên bố hai tín điều “vô nhiễm nguyên tội và hồn xác lên trời”, Giáo Hội như nối kết Đức Maria với bản tuyên tín và coi Mẹ như là mẫu gương cho cuộc sống đức tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào quyền năng của Thiên Chúa trong việc tha tội và phục sinh thân xác con người.

Nếu như Đức Maria hay được đề cao về đức tính khiêm nhường của ngài trong biến cố nhập thể: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc 1, 38), thực ra, tâm tình này của ngài như là hệ quả của đức tin, một thái độ “nữ tỳ”, một thụ tạo trước Đấng Tạo Hóa: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả” (Lc 1, 49), của tâm tình người con đối với Cha: “xin vâng”!. Như vậy, niềm tin vào “Thiên Chúa là Cha Toàn Năng” đã được ngài cảm nghiệm và sống, nên Mẹ “là một thụ tạo khiêm tốn nhất, xứng đáng nhất để đón nhận hồng ân khôn tả của Đấng Toàn Năng” (GLCG 722), Chúa Cha đã tìm được nơi Đức Maria “chỗ ở” để Chúa Con và Chúa Thánh Thần có thể cư ngụ giữa loài người (GLCG 721).

Điều mà con người khó chấp nhận và tin tưởng qua hơn 20 thế kỷ qua: Đức Giêsu, vị Thiên Chúa – người, đã chết, sống lại và lên trời, thì nơi Đức Maria cũng có những thắc mắc, xao xuyến, khó khăn (Lc 1, 29 tt), để rồi ngài chấp nhận Người vào cuộc sống và vào cung lòng của mình, từ đó, Đấng là sự sống và là sự sống lại đã “cư ngụ” trong chính con người Đức Maria; như vậy, sự liên kết giữa ngài với Đấng Cứu Độ là mối liên hệ mẫu tử và “sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc cứu rỗi được tỏ rõ từ khi Đức Maria thụ thai Chúa Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa Kitô chết” (LG 57). Đức Maria đã cộng tác cách đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn (LG 61), “sự chết đến vì Eva, sự sống đến nhờ Đức Maria” (LG 56). Nên ngay trong biến cố tử nạn, nói theo cách của E. Kasemann, một biến cố gây xi can đan cho nhận thức của nhiều người; thì “đứng bên khổ giá Đức Giêsu vẫn có Mẹ Ngài” (Ga 19, 25).

Đối với “Thiên Chúa ẩn giấu”, Đức Maria có mối tương quan đặc biệt, “Thánh Thần được cử đến để thánh hóa cung lòng Đức Trinh Nữ Maria và làm cho Mẹ thụ thai cách kỳ diệu” (GLCG 485), “nơi Đức Maria, Thánh Thần thực hiện ý định nhân từ của Chúa Cha” (723), những “điều cao cả của Thiên Chúa” mà Thánh Thần sắp thực hiện nơi Đức Kitô và trong Hội Thánh, Người đã bắt đầu nơi Đức Maria (GLCG 721), “nhờ Đức Maria, Thánh Thần bắt đầu làm cho “loài người Chúa thương được hiệp thông với Đức Kitô” (725). Vì được “đầy ân sủng”, ngài đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Độ, và “quyền năng của Thiên Chúa xuống và bao trùm ngài” (Lc 1, 35), cũng vì tin tưởng vào “Quyền Năng” mà Đức Maria đã đáp lời “xin vâng” với: Thiên Chúa, và cũng vì cảm nghiệm được “Quyền Năng” khi Ngài “lật đổ những người quyền thế, nâng cao những người phận nhỏ” (Lc 1, 52), dưới tác động của Thánh Thần, Đức Maria đã dâng cho Cha lời tạ ơn của toàn thể dân Chúa và Hội Thánh (GLCG 722) lời kinh: Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,… ” (Lc 1, 46tt). Mẹ còn hiện diện với nhóm Mười Hai, đồng tâm nhất trí, siêng năng cầu nguyện khi Thánh Thần khai mở “thời đại cuối cùng với việc giới thiệu Hội Thánh vào sáng ngày lễ Ngũ Tuần (GLCG 726), và cùng hiệp thông với Giáo Hội, Giáo Hội đón nhận ngài như là Mẹ của mình.

Tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội và hồn xác lên trời được coi là hiệu năng đặc biệt của ơn cứu độ mà Mẹ đã được cứu chuộc cách kỳ diệu nhờ công nghiệp của con Mẹ (GLCG 492) đã ban cho ngài.

Bên cạnh đó, hai tín điều này như “dội” lại và là một “ví dụ mẫu thực” để “minh họa” hai tín điều sau cùng của Kinh Tin Kính. Vì “đầy ân sủng” nên Mẹ “vô nhiễm nguyên tội”. Quyền lực, nọc độc của sự chết, tội lỗi đã thất bại trước quyền năng của Thiên Chúa, có thể nói: nơi Đức Maria trong “Đấng toàn năng đã làm cho tội những điều kỳ diệu”, Thiên Chúa tỏ lộ quyền năng của Ngài đối với tội lỗi và sự chết. Chính trong quyền năng đó, Đức Maria đã đạt được sự viên mãn của một con người, một thụ tạo: hồn xác lên trời.

Như vậy, Đức Maria, “người tín hữu đầu tiên” đã sống và đã tin vào thực tại của Thiên Chúa Ba Ngôi, đã hiệp thông với Giáo Hội, đã hưởng được ơn tha tội tuyệt hảo nhất của Thiên Chúa là ơn vô nhiễm nguyên tội, nên ngài đã được hồn xác lên trời. Qua đó, con người cảm nhận hiệu năng này trong cuộc sống đức tin của mình dù chưa viên mãn và còn chờ đợi đến ngày quang lâm của Chúa.

Sự phục sinh của Đức Kitô đã không được Thánh Kinh mô tả cách thức như thế nào, thì Đức Maria hồn xác lên trời cũng không được Thánh Kinh mô tả, cũng như Huấn quyền không đề cập đến cách thức của biến cố đó, nó như vượt thời gian và không gian, chắc chắn nó xảy đến cách âm thầm, bí ẩn trong sự kỳ diệu và vinh quang của quyền năng Thiên Chúa, và điều kỳ diệu này là lần thứ hai trong lịch sử nhân loại chứng nhận sự kiện: “mồ trống!”. Dù đối với Đức Maria, nhiều người đã có một thái độ tôn sùng một cách lệch lạc, tình cảm, như Réné Laurentin trong “Đức Maria tại Công đồng”, lên án là “đánh mất đi một kích thước cần thiết” hay “sự nhẹ dạ phù phiếm”… , nhưng việc “người tín hữu đầu tiên này” đã “hồn xác lên trời” cũng là mẫu gương cho niềm tin và hy vọng của người tín hữu. “Được lên trời cả hồn và xác, Đức Maria tham dự cách độc đáo vào cuộc phục sinh của Đức Kitô và thể hiện trước sự phục sinh của các kitô hữu khác” (GLCG 966).

Ngày nay, Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Hội Thánh sẽ hoàn thành đời sau thế nào thì cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến, Mẹ chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành (LG 68). Như người mẹ trong 2Mc 7, 20; Đức Maria “thật là đáng thán phục mọi đàng, xứng đáng được kính cẩn ghi nhớ”, chứng kiến cảnh con người chết, chắc chắn Mẹ sẽ “ủy lạo mỗi người con bằng tiếng tổ tiên” (2Mcb 7, 21): “Thiên Chúa-Đấng tạo thành vũ trụ sẽ trả lại cho chúng con, trong lòng lân mẫn của Người, sinh khí với sự sống” (2Mcb 7, 23), và “Mẹ chăm sóc những anh em của con Mẹ đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời (LG 62).

Kết luận

Đối với lý trí con người – họ vẫn tranh luận với nhau sống lại từ cõi chết nghĩa là gì? đó là một xicanđan trong nhận thức và những vấn nạn được đặt ra ngày càng phức tạp hơn; hoặc đó là một sự thờ ơ không cảm thấy sự cuối cùng và cùng đích của mình.

Tuy nhiên, trong đức tin vào một Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha Con và Thánh Thần và là tình yêu, con người tin rằng: trong quyền năng của Ngài, kẻ chết ngày sau sống lại, bởi vì Kitô giáo đã đặt thân xác con người vào trong cung lòng của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là Cha Toàn Năng, Đấng là Sự Sống và Đấng ban sự sống.

Hơn nữa, trong niềm tin vào Giáo Hội cùng với mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội, con người được tình yêu, ân sủng, Lời Hằng Sống, Lương thực hằng sống và các Bí Tích của Thiên Chúa hằng sống nuôi dưỡng, nên, “cuộc đời kitô hữu đã dự phần vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô ngay từ đời này”.

Dù, “ngày ấy đến như kẻ trộm, không ai biết được, cả thiên thần trên trời, cả Con nữa” thì giữa “ưu sầu và lo lắng” vẫn có vui mừng và hy vọng trong niềm tin của con người vào Đấng Tạo Hóa, của đức tin người kitô hữu và của Giáo Hội vào Thiên Chúa tình yêu.

Vì thế, trong sự chờ mong, tin tưởng ngày kẻ chết sống lại, trong kinh nguyện của mình, mỗi người và Giáo Hội thưa: “Xin hãy đến, lạy Chúa Giêsu” và câu trả lời của Ngài: “Phải, Ta sẽ đến!”, sự kiện “mồ trống” không những là sự kiện lịch sử mà cả sự kiện làm nên lịch sử nơi mỗi con người với thân xác vinh hiển như Đức Kitô trong ngày sau hết để “Mọi xác phàm sẽ đến thờ lạy trước nhan Ngài” (Is. 66, 23).

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/. Công Đồng Chung Vaticanô II.

2/. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, năm 1997.

3/. Giáo lý Hội Đồng Giám Mục Đức – Thành Phố Trên Đồi.

4/. Lm. Nguyễn Văn Trinh – Cánh Chung Học, năm 2000.

5/. Tài Liệu Của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế – Vài Vấn Đề Hiện Tại Xoay Quanh Môn Cánh Chung Học.

6/. J. Ratzinger – Chỉ một Chúa Một Đức Tin

7/. Rey Mermet – Kinh Tin Kính.

8/. Fx. Varillon – Vui Sống Vui Tin Yêu.

9/. Fx. Varilion – Học Thuyết Kitô Giáo.

10/. Fx. Varillon – Người Kitô Hữu Trước Các Tôn Giáo Lớn.

11/. Fx. Durrwell – Mầu Nhiệm Thiên Chúa Cha.

12/. Fx. Durrwell – Đức Giêsu Phục Sinh.

13/. Fx. Durrwell – Đức Giêsu Con Người Và Cái Chết.

14/. Fx. Durrwell – Đức Giêsu Con Thiên Chúa trong Thánh Thần.

15/. Fx. Durrwell – Hiểu Và Sống Mầu Nhiệm Thánh Thần.

16/. Norberto – Cuộc Vượt Qua Của Đức Giêsu.

17/. Đức Giám Mục Bùi Văn Đọc – Chúa Thánh Thần Đấng Ban Sự Sống.

18/. U. V. Balthasar – Hỏa Ngục Một Vấn Đề.

19/. Bruno Chenu – Marchel Neusch – Xứ Sở Thần Học.

20/. Jean Mouroux – Quan Niệm Về Kitô Giáo Về Con Người.

21/. Réne Laurentin – Đức Maria Tại Công Đồng.

22/. ĐGH Gioan Phalô II – Thông Điệp về Chúa Thánh Thần.

23/. Hợp Tuyển Thần Học.

24/. Thời Sự Thần Học.

 

 


[1] W. Shakerpeare, Hamlet, NXBVH Hà Nội 1986, tr. 174, 137.