Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Khoa Học Và Đức Tin

Administrator
2018-09-07 04:44 UTC+7 33
Tác giả: Jean-Marie Moretti, SJ.[1] Chuyển ngữ: Nguyễn Thế Minh     Một số ngành học hỏi trong kiến thức loài người, như: thiên văn học, địa chất học, sinh vật học, vật lý học, hóa học,.v.v… là những bộ môn khoa học chỉ mới thành hình gần đây. Và chúng có phát triển mạnh, […]


Tác giả: Jean-Marie Moretti, SJ.[1]

Chuyển ngữ: Nguyễn Thế Minh

 

 

Một số ngành học hỏi trong kiến thức loài người, như: thiên văn học, địa chất học, sinh vật học, vật lý học, hóa học,.v.v… là những bộ môn khoa học chỉ mới thành hình gần đây. Và chúng có phát triển mạnh, chính là nhờ ở sự việc con người đã biết cách dựa theo khảo nghiệm mà nghiên cứu, tức là biết cách dùng phương pháp thí nghiệm. Cho đến thế kỷ 16, kiến thức của loài người về vũ trụ còn thuộc loại hiểu biết chủ yếu dựa vào kinh nghiệm hơn là căn cứ vào công trình khảo nghiệm khoa học. Bên Tây phương, các người làm khoa học – các nhà nghiên cứu khoa học – thường xuất thân từ giới tu hành, hoặc là từ giới những người kitô học thức. Đối với họ, không thể có chuyện đối chọi, tương phản giữa khoa học và đức in, bởi vì, như thánh Âugutinô nhận định, dù là qua công trình tạo dựng hay là qua mạc khải cứu độ, thì cũng chỉ cùng một Thiên Chúa duy nhất ngỏ lời với chúng ta mà thôi.

Nhưng rồi với đà tiến phát các khoa học, những xung khắc, đối nghịch cũng đã bùng lên. Từng có một thời, các phát minh khoa học đã xem ra như không thể tương hợp nổi với một vài điểm giáo thuyết được Giáo Hội xác định. Các học thuyết hiện đại liên quan đến nguồn gốc vũ trụ, đến sự sống, đến con người, thường được đưa ra nhiều nhất để làm vấn nạn chống lại tín điều về công cuộc tạo dựng.

Thế nên, nếu căn cứ trên những hiểu biết khoa học ngày nay và dựa theo lập trường chính thức của Giáo Hội mà hiệu chỉnh mối tương quan giữa khoa học và đức tin lại cho đúng, thì xét cho cùng, đó không phải là việc làm luống công vô ích. Thực vậy, đối với những ai biết ý thức rõ về lãnh vực hoạt động riêng của mỗi phía, thì cuộc đối đầu giữa khoa học và đức tin chỉ là một cuộc đối đầu “giả”, không có nền tảng thực sự, chỉ do hiểu lầm gây ra, và sẽ biến tan hẳn đi. Sau đây xin ghi lại một số những dữ liệu xét thấy là cần cho công tác hiệu chỉnh vừa nói.

I. TRI THỨC KHOA HỌC VÀ TRI THỨC ĐỨC TIN

1. Tri thức khoa học

Từ khoa học bao hàm một lãnh vực rộng lớn của tri thức con người, trải dài từ các khoa toán học trừu nhất cho tới các ngành khoa học nhân văn (như tâm lý học, xã hội học, v.v…). Ở đây, xin được giới hạn ý nghĩa của từ ấy lại, để chỉ bàn đến các khoa học thiên nhiên: tức là các khoa nghiên cứu về vật chất và sự sống; bởi vì, trong hai phạm vi ấy, đối tượng nghiên cứu là những vật thể cụ thể, được xác định rõ ràng, và có thể thí nghiệm được.

Chính thế, nhà khoa học chọn đối tượng mình muốn nghiên cứu, rồi vạch rõ giới mức cho nó, xác định và nghiên cứu nó theo một phương diện riêng (chẳng hạn như nghiên cứu về các thành tố hóa học cấu tạo nên một loại thể nhiễm sắc nào đó của loài chuột, hay là về cách thức nhiễu xạ của tia X khi chạm vào mặt tinh thể của một thứ kim loại nào đó). Nhưng, dù là nhà hóa học hay là nhà vật lý, thì phương pháp dùng đến cũng vẫn là một: tức là phương pháp thí nghiệm. Nhà nghiên cứu khoa học phải đi từ một sự kiện, từ một hiện tượng tự nhiên, có thể làm cho xảy ra lại được; dĩ nhiên, điều đó đòi phải tiến hành nhiều đợt thí nghiệm khác nhau, được làm trong những điều kiện hoàn toàn giống nhau, hoặc là trong những điều kiện mà một chỉ yếu tố duy nhất nào đó thay đổi theo một quy trình có hệ thống nhất định. Từ đó, nhà khoa học truy cứu cho ra các cơ chế, và nếu có thể thì tìm cách đi tới chỗ phát hiện những định luật chi phối các cơ chế ấy nữa. Từ một kết luận tạm thời, nhà khoa học suy đoán ra những hậu quả mà một khi đã được các cuộc thí nghiệm xác minh, thì sẽ trở thành những bằng chứng xác nhận cho giả thuyết người khảo cứu đã đưa ra. Nhà khoa học chỉ tin vào những gì được suy diễn một cách chặt chẽ, từ những thành quả không chối cãi được của các cuộc thí nghiệm. Đối với nhà nghiên cứu khoa học, xác thực là những gì đã trở thành hiển nhiên qua chứng nghiệm. Xác thực tính (certitude) hiển nhiên ấy làm nền tảng cho niềm xác quyết của nhà khoa học.

2. Tri thức đức tin

Do bởi chính bản chất của nó, đức tin nằm ở một bình diện khác hẳn so với khoa học. Đức tin không dựa trên cơ sở xác minh của thí nghiệm theo kiểu khoa học, không phát nguyên từ những tư biện lý tính, và cũng không phải là một chuỗi luận đề giản lược đọc thấy trong Kinh Tin Kính. Đức tin, trước tiên, là thái độ gắn bó đối với Một Đấng, là tâm tình phó thác vào trong tay Kẻ Kia, là cuộc dấn thân của chính cá nhân mình cho Ngài.

Đối tượng của đức tin chính là Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải mình ra. Người biết mở lòng ra để tin, thì sẽ đón nhận được sứ điệp của Ngài, với niềm hy vọng là trong sứ điệp ấy, mình sẽ tìm gặp được ý nghĩa cho đời của mình.Nếu biết dấn bước vào trong con đường Ngài vạch cho, nếu biết sống kinh nghiệm đức tin, thì lúc đó, người có lòng tin sẽ xác tín cảm nghiệm được là mình đang sống trong chân lý.

Từ đâu mà có được niềm xác tín thâm sâu ấy? Từ uy tín của Đấng mạc khải. Chính Thiên Chúa đã nói với con người những gì con người tin. Đó chính là một thể dạng của xác thực tính, nhưng là thuộc một loại khác với xác thực tính khoa học; cả hai loại đều đặt nền móng trên những kinh nghiệm , nhưng những kinh nghiệm này cũng thuộc những thể loại khác nhau.

Bởi lẽ đối tượng của đức tin là chính Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa vô biên vô tận không sao trí tuệ con người hiểu cho đầy đủ được, thế nên, người tin phải biết chấp nhận đặt trọn niềm tín thác vào trong tay một Đấng thiêng liêng vô hình, không tỏ hiện hiển nhiên ra bên ngoài theo cách thức của một thực tại hữu hình, nhìn thấy được, sờ mó được, nắm lấy được. Tuy nhiên, nếu được đón nhận và sống thật, thì đáp lại, đức tin sẽ soi sáng cho trí tuệ người tin: điều đó tất đòi phải có kinh nghiệm về đời sống kitô đích thực.

3. Đức tin và khoa học: Hỗ tương chứ không đối nghịch

Vậy thì, theo cách thức đặc thù của mình, cả khoa học lẫn đức tin đều mang lại cho con người một loại tri thức nào đó. Hai loại hiểu biết này khác nhau về đối tượng (tức là về nội dung, về lãnh vực) cũng như về nguồn gốc.

Theo một cách nói thông dụng, thì khoa học lo nghiên cứu về các hiện tượng (vật lý, hóa học, sinh học, v.v…) để cố trả lời cho nghi vấn thế nào về các sự vật; khoa học không thể có ý kiến về ý nghĩa của các sự vật. Đức tin có một đối tượng khác hẳn: đức tin lo tìm hiểu về Thiên Chúa và về những gì Ngài nói với con người nhằm giúp con người đạt tới được tiêu đích của đời mình. Đức tin vén mở cho thấy ý nghĩa của các sự vật; khoa học không làm được như thế. Vì lãnh vực của khoa học thuộc phạm vi của thế nào, chứ không phải của tại sao, tức là thuộc phạm vi của cơ chế các hiện tượng, chứ không thuộc phạm vi của ý nghĩa chúng hàm súc.

Nếu đã rõ là hai loại hiểu biết ấy nằm ở hai bình diện khác nhau, thế tất cũng sẽ hiểu là không thể có chuyện những gì khoa học minh xác lại đụng đầu đối nghịch với những gì đức tin khẳng định, và ngược lại.

Phần trình bày dưới đây sẽ có dịp bàn thêm về điểm phân biệt cơ bản vừa nói. Ngày nay, điểm phân biệt ấy đã trở thành hiển nhiên, nhưng không phải là đã luôn luôn như vậy trong quá khứ, như sẽ thấy trong các phần kế tiếp của bài viết.

II. MỘT VẤN ĐỀ GIẢ… GIẢI QUYẾT LÒNG THÒNG

Cho đến thế kỷ 16, và ngay cả trong thế kỷ 17, không ai nghi ngờ gì về tính chất lịch sử của các trình thuật Kinh Thánh. Lụt đại hồng thủy và tàu ông Nôe, Đanien trong hang sư tử, Giona trong bụng cá voi: tất cả những biến cố ấy đã được coi như là những sự kiện lịch sử không khác gì công tác Salômon xây cất Đền thờ Giêrusalem, hay là cuộc Giuđa Máccabê nổi dậy. Thời trước, mọi người đều nghĩ rằng công cuộc tạo dựng đã thực sự diễn ra trong sáu ngày: có ai đã có thể nghĩ khác? và có ai đã dám nói ngược lại?

Cuộc đụng độ quan trọng đầu tiên giữa các dữ kiện khoa học và các khoản khẳng định của đức tin – hay nói cho đúng hơn: và những gì các nhà thần học thời đó căn cứ vào lối giải thích theo nghĩa đen mà rút ra từ các trình thuật trong Kinh Thánh, rồi được coi như là một thành phần của kho tàng đức tin – đã xảy ra nhân cái mà người ta thường gọi là vụ án Galilêô.

1. Vụ án Galilêô

Cho đến thế kỷ 14, để nghiên cứu về cách vận hành của các ngôi sao, người ta dùng đến hệ thống Ptôlêmêô (sống vào thế kỷ thứ hai trước kỷ nguyên kitô). Theo Ptôlêmêô, quả đất nằm bất động ở giữa vũ trụ; còn các ngôi sao thì luân chuyển vận hành theo những hình cầu đồng quy; rồi các hành tinh thì lại vận hành theo cách vạch ra những vòng tròn có tâm di động trên đường tròn (épicycles). Đó là một dạng thể cải biến của chủ thuyết Aristốt coi quả đất là trung tâm vũ trụ.

Copernic (1543) đã đề xuất một hệ thống đơn giản hơn và có khả năng giúp cho việc làm các phép tính được dễ dàng hơn. Nhà thiên văn này đặt mặt trời ở tâm điểm của vũ trụ, và cho trái đất quay chung quanh mặt trời. Dựa trên các kết quả quan sát do chính ông tiến hành, Galilêô xác minh chủ thuyết của Copernic coi mặt trời là trung tâm vũ trụ. Năm 1610, Galilêô nhận định rằng: “Theo khoa học mà nói, thì ít nhất hệ thống Copernic cũng có giá trị để có thể chấp nhận được, không kém thua gì hệ thống Ptolêmêô.”

2. Xung đột

Ngay sau đó, vụ xung đột với các thần học gia Rôma đã bùng nổ. Các thần học gia này đã trưng các đoạn Kinh Thánh Cựu Ước ra để phản đối chống lại Galilêô; vì theo các đoạn đó, thì quả đất nằm bất động, còn mặt trời lại mọc lên và lặn xuống. Khi ông Giôsua ra lệnh: “Mặt trời, dừng lại!” thì lập tức mặt trời đã dừng lại trên Gabaôn: “Mặt trời đã đứng yên giữa thanh không, và gần một ngày trọn đã không vội lặn đi.” (Giôsua, 10, 12-14). Thánh vịnh 104 (câu 5) đã chẳng nói rằng: “Chúa dựng địa cầu trên nền vững, không chuyển lay muôn thuở muôn đời” đó sao? Mà hết thảy các Giáo phụ đều đã hiểu các đoạn Kinh Thánh ấy theo nghĩa đen.

Như thế, nguồn gốc xuất phát vụ xung đột chính là việc giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen. Người ta quả quyết rằng “không thể cắt nghĩa Kinh Thánh theo một cách thức khác với cung cách chú giải của các Giáo phụ Hy lạp và Latinh.” Đứng lên bào chữa cho lập trường của mình, Galilêô nói rằng: “Trong lãnh vực các ngành khoa học tự nhiên, thì Kinh Thánh không thắng thế hơn khoa học.” Đúng, như tiến trình lịch sử sẽ cho thấy, nhưng ý tưởng ấy đến quá sớm để có thể được chấp nhận. Năm 1633, Galilêô bị lên án, bị nghi là rối đạo “vì đã chủ trương cùng tin vào một chủ thuyết sai lạc và trái ngược với Kinh Thánh.”

Các thần học gia thời ấy đã quan niệm sai. Nhưng làm sao họ có thể lý luận cách khác được? Các nhà chú giải lúc đó chưa phân biệt rõ được nội dung chủ yếu tôn giáo của sứ điệp Kinh Thánh, với hình thức diễn đạt nội dung ấy: các tác giả thánh (viết Kinh Thánh) đã không thể dùng một thứ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của thời đại mình; họ đã dùng đến những ý tưởng, những hình ảnh, và những kiến thức khoa học của thời họ. Cũng cần lưu ý là Thánh Linh đã không hề có ý dùng Kinh Thánh để dạy cho chúng ta những bài học về thiên văn: Galilêô cũng đã phát biểu như thế.

Là điều hiển nhiên đối với chúng ta ngày nay, cách thức phân biệt như thế giữa lõi cốt tôn giáo, sứ điệp linh ứng về các chân lý cứu độ một bên, và bên kia là vỏ bọc ngoài, cách thức diễn đạt hằng chịu điều kiện hạn chế của văn hóa thời đại, đã phải chờ đợi lâu dài mới được Giáo Hội chính thức công bố thừa nhận.

3. Các thể loại văn học (Genres Littéraires)

Đề cương của các cách thức giải đáp mà sau này sẽ được đưa ra cho vấn đề cắt nghĩa Kinh Thánh, đã thấp thoáng hiện lên trong Thông điệp Providentissimus Deus (Thiên Chúa rất quan phòng) của Đức Lêô XIII (18.11.1893). Đó là văn kiện đầu tiên đề cập sâu rộng đến các vấn đề đặt ra từ phía công tác chú giải và đà tiến phát trong các ngành khoa học đời. “Nếu hai bên đều biết dừng lại ở trong giới hạn lãnh vực của mình, thì giữa nhà thần học và nhà bác học sẽ không có một mối bất đồng nào cả.” Đức Lêô XIII nhận định tiếp: “Khi mô tả các sự việc (…), các tác giả viết Kinh Thánh thường dùng đến hoặc là lối văn tượng hình, hoặc là cách nói thông thường của thời mình.”

Nửa thế kỷ sau, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thông điệp Provi-dentissimus Deus , Đức Piô XII cũng đã ban bố một thông điệp dành riêng để bàn về các công tác nghiên cứu Kinh Thánh; đó là thông điệp Divino Afflante Spiritu (Theo Xuy Hướng Thánh Linh: 30.09.1943). Thông điệp nhận định rằng không phải là tất cả các sách trong Kinh Thánh đều thuộc cùng một thể loại văn học. Đọc Kinh Thánh, thì sẽ gặp: những bài thơ (như các Thánh vịnh), những cuốn sách viết về sử (hiểu theo khái niệm lịch sử ngày nay, như sách Ký sự, sách các Vua, sách Macabê), những tư tưởng các bậc hiền nhân (như sách Khôn ngoan, sách Cách ngôn), những câu truyện xây dựng (như các sách Tobia, Giuđích, Esther), những lời tiên tri, và nhiều sách thuộc các thể loại văn học khác nữa, như sách Khải huyền chẳng hạn. Đức Piô XII nói rằng Kinh Thánh có thể được hiểu theo văn tự, tức là theo nghĩa đen, hoặc là theo tinh thần hay là theo nghĩa thiêng liêng. Muốn hiểu văn bản cho đúng theo nghĩa đen, thì cần phải xác định thể loại văn học của nó, và phải hiểu biết về cách thức biểu đạt của các tác giả; vì có hiểu đúng, thì mới mong giải thích các văn bản cho chính xác được.

Đó là một công tác khó khăn, bởi vì các văn bản Kinh Thánh, cho dù là trong cùng một cuốn hay chương sách, không phải đơn thuần là tác phẩm của một tác giả duy nhất. Các tác giả biên soạn Kinh Thánh đã dùng đến nhiều văn bản cổ xưa hơn, thuộc nhiều thời đại khác nhau, và thuật lại cùng một biến cố. Do đó mà có những đoạn lặp lại, những đoạn song trùng, những dị bản. Các chương đầu trong sách Sáng thế cho thấy rất rõ về sự kiện ấy: trình thuật trong các chương này khi thì gọi Thiên Chúa bằng danh xưng Giavê , khi thì gọi bằng Êlôim , tùy các nguồn liệu khác nhau được dùng đến.

Trả lời cho các câu hỏi đức hồng y Suhard nêu lên liên quan đến những khó khăn vừa nói trên đây, linh mục Vosté, thư ký của Ủy ban Kinh Thánh, đã viết ngày 16 tháng Giêng, 1948, rằng: “Vấn đề đặt ra liên quan đến các hình thức văn học của 11 chương đầu trong sách Sáng thế, còn mờ tối và phức tạp hơn nhiều. Các hình thức văn học ấy không tương ứng với bất cứ loại phạm trù cổ điển nào của chúng ta cả (…). Chúng dùng một thứ ngôn ngữ đơn giản và tượng hình, thích hợp đối với tầm hiểu biết của loài người còn ở trong mức độ kém mở mang, mà trình bày những chân lý cơ bản làm điều kiện tiên quyết cho kế hoạch cứu độ, và cùng một trật, trình thuật theo cách kiểu bình dân, về nguồn gốc của loài người cũng như của dân Chúa chọn.”

Việc xác định có tính cách hiệu chỉnh ấy đã cho phép giải quyết một cách dứt khoát, những khó khăn gặp phải trong công tác chú giải Kinh Thánh, như đã bàn tới ở trên kia. Galilêô có lần đã phát biểu rằng: “Thánh Linh không có ý nói với chúng ta về cách thức bầu trời vận hành, nhưng về cách thức phải làm thế nào để lên trời (lên thiên đàng).” Kinh Thánh, Cựu cũng như Tân Ước, không phải là một bộ sách giáo khoa về các khoa học tự nhiên. Đối tượng của Kinh Thánh là các chân lý thiết yếu đối với ơn cứu độ của chúng ta. Các tác giả được linh ứng đã thông dịch sứ điệp của Thiên Chúa ra trong ngôn ngữ (và khoa học) thời họ: đó là việc tất yếu phải làm, nếu muốn cho người cùng thời hiểu mình.

Khoa học và đức tin: hai lãnh vực khác hẳn nhau, hai đối tượng nhận thức khác hẳn nhau. Khoa học không thể nhận định gì được về các chân lý đức tin; đức tin không thể phát biểu ngược lại với các chân lý khoa học. Cách thức phân biệt ấy sẽ giúp giải quyết một số những khó khăn gặp thấy gần đây, khi đề cập đến các vấn đề về nguồn gốc và những bước khởi đầu của vũ trụ.

III. NGUỒN GỐC VŨ TRỤ

1. Những gì khoa học nói

Nếu dùng một mẫu lăng kính để phân tích ánh sáng do một ngôi sao phóng ra, thì sẽ thấy các vạch quang của ánh sáng ấy xê xích hẳn về phía vạch đỏ, so với các vạch quang có được từ một nguồn sáng trên mặt đất. Hiện tượng xê xích ấy được giải thích bởi sự việc ngôi sao di chuyển so với quả đất. Nhiều cuộc thí nghiệm tiến hành trong các năm từ 1920 đến 1930 đã đưa đến kết luận nói rằng tất cả các thiên hà (những đám gồm nhiều tỷ ngôi sao) đều tiến xa ra khỏi phía quả đất theo tốc độ tỷ lệ thuận với quãng cách của chúng đối với hành tinh của chúng ta. Thế nên, có một giả thuyết cho rằng vũ trụ hiện còn đang bành trướng ra, như một quả bóng cao su đang được thổi căng phồng lên. Từ đó, giả thuyết ấy đã được nhiều phía xác nhận, đến độ chung chung mà nói thì đó là giả thuyết hiện đang được hầu hết mọi người chấp nhận.

Thử đi ngược lại dòng thời gian, thì chúng ta thấy vũ trụ co rút lại (quả bóng xẹp hơi đi). Vật chất như phân phối hiện nay ở trong vũ trụ, đã một thời ở trong trạng thái cô kẹo lại giống một hòn cầu vĩ đại, và hòn cầu này đã nổ tung ra vào một quãng thời gian có thể tính ra được: vụ nổ này, hiện tượng Big Bang ấy đã xảy ra cách đây 15 tỷ năm. Đó là thuyết nguyên tử nguyên thủy do Lemaỵtre và Eddington (1927) chủ xướng.

Từ 30 năm nay, ngành vật lý học về hạt cơ bản (particules élémentaires) đã tiến những bước rất lớn. Khoảng năm 1932, người ta đã nghĩ rằng vật chất chỉ được đơn thuần cấu thành bởi proton, neutron cùng bởi hai loại electron dương và âm. Ngày nay, mới được biết là không phải đơn giản như thế, mà là phức tạp cầu kỳ hơn nhiều. Phía làm các phép tính cũng như phía thí nghiệm, cả hai phía đều vén mở cho thấy nhiều loại hạt mới (như hạt mezon, và gần đây còn thêm hạt quark nữa) với những điều kiện sinh tồn như thế này: trên một mức nhiệt độ nào đó, thì các loại hạt này sẽ bị hủy hoại đi.

Khi vật chất cô kẹo lại, thì nhiệt độ của nó tăng lên; chính vì thế mà hòn cầu nguyên thủy đã có một mức nhiệt độ cao tới 12 tỷ độ, tức là cao đến độ không một tiểu thể (corpuscule) nào khoa học biết được, có thể hiện hữu trong trạng thái các loại hạt được: hòn cầu ấy là một hòn năng lượng (énergie), một hòn bức xạ điện từ (rayonnement électro-magnétique); không bao lâu sau vụ nổ tung, năng lượng ấy đã tụ đọng lại trong thể trạng các loại hạt. Các nhà bác học đã làm phép tính để tính cho biết những gì đã xảy ra trong những giây đồng hồ đầu tiên của vũ trụ, tiếp ngay sau Big Bang.

Từ đó, vật chất đã lan tràn ra trong khắp vũ trụ, và tụ đọng thành mây cấu thành chủ yếu bởi hai loại khí hyđro và heli. Rồi sau đó, các đám mây này tụ đọng lại và nóng dần lên: thế là các nguyên tử cỡ nặng hơn đã thành hình, với tổng số chỉ độ 100 đơn vị. Ngay giờ phút này, vũ trụ cũng vẫn còn đang ở trong giai đoạn hình thành. Quả đất già của chúng ta có 5 tỷ rưỡi tuổi; còn các tinh tú khác, thì già hơn cũng có, mà trẻ hơn cũng không thiếu, bởi vì có những tinh tú vẫn còn đợi đến ngày mai mới sinh ra…

Mười lăm tỷ năm… Vụ Big Bang có phải là buổi khởi đầu đầu tiên không? Có một điều khó mà xác định được, cũng đã nổ tung ra thành những câu hỏi lớn: khối năng lượng nguyên thủy kia từ đâu mà đến? Trước vụ nổ, nó có hiện hữu trong một trạng thái khác hay không? Không ai biết gì về những điều ấy cả!

2. Những gì đức tin nói

Nội dung của đức tin gồm hàm những gì Thiên Chúa đã mạc khải cho loài người chúng ta; Kinh Thánh Cựu và Tân Ước là những văn kiện viết của nội dung mạc khải ấy. Thêm vào đó, còn có Truyền Thống: Truyền Thống chuyển đạt lại cho các thế hệ loài người giáo huấn của Đức Giêsu. Giáo Hội có sứ mạng gìn giữ kho tàng mạc khải, và đảm bảo cho tính chất chính thống của kho tàng ấy. Vì thế, mới có các khoản tuyên bố của Huấn quyền, đặc biệt là của các Công đồng. Tuy nhiên, như đã lưu ý trên kia, giáo huấn ấy không bàn đến khoa học: vật lý học cũng không, mà thiên văn học cũng không…

Kinh Tin Kính bàn về những gì? Tôi tin một Thiên Chúa duy nhất, Đấng tạo thành trời và đất, vũ trụ hữu hình và vô hình: nghĩa là tất cả những gì hiện hữu. Các Công đồng Nixê (325), Conxtăntinốp (381) đã không khẳng định gì khác ngoài những điều ấy: tất cả những gì hiện hữu đều là công trình Thiên Chúa làm nên; Ngài không ra tay, thì không có chi hiện hữu được cả.

Thần học cho biết thế này: được tạo dựng, làm tạo vật có nghĩa là phụ thuộc vào Thiên Chúa, phụ thuộc từ trong bản thể cho đến trong cuộc hiện hữu cũng như trong đà tiến phát. Tạo dựng là thiết đặt mối quan hệ phụ thuộc bẩm sinh của tạo vật đối với Đấng Tạo Hóa. Với đất sét sẵn có, không do ông tạo dựng nên, người thợ gốm nắn nên một chiếc bình; sau đó, chiếc bình tiếp tục hiện hữu mà không cần chi đến ông thợ gốm. Ngược lại, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ không không (ex nihilo ), đặt vũ trụ vào trong tình trạng hiện hữu, và tiếp tục gìn giữ vũ trụ lại trong tình trạng ấy. Làm thế nào từ không không, Thiên Chúa đã có thể làm nên vạn vật và làm cho chúng tiếp tục hiện hữu? Điều đó vượt quá tầm hiểu biết và óc tưởng tượng của con người. Đó là mầu nhiệm về quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Nếu con người thấu hiểu được, thì mầu nhiệm ấy đâu còn phải là đối tượng của đức tin!, thì chẳng khác gì cho rằng trí óc con người có một tầm hiểu biết vô biên!

Kiểu nói giờ phút tạo dựng, lúc tạo dựng là vô nghĩa, vì trước khi tạo dựng , thì chưa có thời gian, bởi lẽ đã không có gì làm mốc để đo để tính, để có khái niệm về thời gian được cả. Hành động tạo dựng là đời đời, như chính Thiên Chúa vậy, cho dù đối với chúng ta, vạn vật chỉ xuất hiện ở trong thời gian.

IV. NGUỒN GỐC SỰ SỐNG

1. Đối với khoa học

Sự sống đã bắt đầu trên trái này đất từ lúc nào? Khoa học trả lời cho câu hỏi đó một cách rất rõ ràng: 3 tỷ năm về trước, đã có những dấu vết của sự sống (kỹ thuật phân tích đồng vị đã cho phép kết luận rằng tuổi của các lớp đọng chất lưu huỳnh hay chất sắt từ gốc vi khuẩn, lên đến lối 2 tỷ 8 năm).

Các động vật đầu tiên đã xuất hiện như thế nào? Trả lời cho câu hỏi thứ hai này, khoa học chỉ mới đưa ra được những giả thuyết , như xin được trình bày sơ lược sau đây.

– Bầu khí quyển nguyên thủy của trái đất đã chứa những loại khí như khí hyđro, khí metan, khí amoniac, khí cacbonic (hay đioxit cacbon). Dưới ảnh hưởng tác động của các đợt phóng điện (như sấm chớp giông tố) và của các tia cực tím từ mặt trời, các loại khí ấy hòa lẫn với nhau để làm thành những phân tử lớn hơn và phức tạp hơn, như: aminoaxit, đường, bazơ của các axit nucleic, v.v… Các phân tử này hòa tan vào trong các thứ nước nguyên thủy (biển, hồ, phá). Cô đậm lại do hiện tượng bay hơi, các phân tử này làm thành cái mà Haldane gọi là cháo nóng nguyên thủy (la soupe chaude primitive ). Và như thế là hội đủ tất cả mọi yếu tố cần thiết để làm thành một tế bào sống.

– Giai đoạn thứ hai thì tế nhị hơn. Làm thế nào để giải thích bước quá độ từ các phân tử không đóng bao (en vrac) tiến đến mức thành hình của một tế bào có màng và có tích chứa các loại chất xúc tác đặc thù (các enzim) cần cho sự chuyển hóa của nó, các axit nucleic (các gien) để nó có thể sinh sản ra, v.v…? Đến đây, khoa học phải chịu thú nhận là mình còn chưa thông đủ, chưa hiểu biết đủ, để không nói là còn dốt nát. Có rất nhiều giả thuyết khéo léo tài tình đã được đề xuất để cố giải thích việc cấu thành trước tiên là một vi cầu (microsphère ), rồi đến một tề bào; vật chất đã mò mẫm rất lâu. Cả một chuỗi dài những ngẫu nghiên may mắn đã được động viên, đã được viện dẫn ra để đến tiếp tay cho cố gắng giải thích việc cấu thành những protein đầu tiên có khả năng phát động tác dụng xúc tác, hay là việc cấu thành các axit nucleic đầu tiên. Hiện tượng chọn lọc tự nhiên cũng được viện dẫn để loại bỏ các giọt nhỏ (micro-gouttes) không có khả năng tự nuôi sống và sinh sản… Dù đã làm rất nhiều cuộc thử nghiệm để khảo sát tìm tòi, khoa học cũng vẫn chưa hiểu được cách thức cấu thành của các tế bào đầu tiên, có khả năng rút ra thức ăn từ môi sinh của mình, cũng như thực hiện những tác dụng tổng hợp cần cho cuộc sinh tồn và việc sinh sản của mình.

Trong tiến trình nghiên cứu ấy, các nhà hóa sinh học thường ngầm hiểu rằng sinh vật là không gì khác ngoài vật chất được trang bị thêm một cấu trúc phức tạp hơn. Họ cho rằng các đặc tính của sinh vật (đồng hóa thức ăn, lớn lên, sinh sản) chỉ là do cách cấu tạo, do lối kiến trúc phức tạp cao độ của các phân tử hữu cơ (Aristốt gọi cấu trúc ấy là hình thái, morphé ). Họ phủ nhận thuyết sức sống (vitalisme), tức là học thuyết lấy nguyên lý sự sống (principe vital ) để giải thích các đặc tính của sinh vật.

Nếu biết dù là với mức kiến thức thô thiển bao nhiêu đi nữa, về cấu trúc phức tạp lạ lùng của một tế bào thường nhất, thì không ai lại không tự hỏi làm thế nào đà tiến hóa của vật chất trơ ì lại đã có thể đạt đến thành quả ấy được. Có người cho rằng mang tính chất rất là vị tất (improbable ), sinh vật chỉ là hoa trái thu lượm được từ một chuỗi liên tục của không biết bao nhiêu dọ dẫm diễn ra một cách may rủi suốt hàng triệu năm. Có người khác lại xác tín rằng sự sống không phải là một cái gì vị tất, may rủi, không chắc chắn; vật chất hằng mang sẵn trong mình khả năng tự cấu tạo và biến hóa thành những sinh vật. Chỉ cần có những điều kiện thuận tiện là sự sống xuất hiện.

2. Đối với đức tin

Tưởng cũng cần lưu ý lại rằng việc nghiên cứu về cách thức tiến phát đi từ vật chất hướng tới sự sống, là việc làm hoàn toàn nằm ngoài lãnh vực của đức tin. Đối với các tín hữu, Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa hằng không ngừng làm cho mọi sự vật hiện hữu. Tuy nhiên, hành động tạo dựng sẽ được hiểu theo nhiều kiểu khác nhau tùy cách quan niệm việc sự sống xuất hiện như là vị tất và may rủi, hay như là kết quả tất yếu của các định luật lý hóa chi phối vật chất. Trong trường hợp đầu, Đấng Tạo Hóa sẽ đóng vai người làm chủ may rủi , để như là một nguyên nhân phụ, can thiệp theo ý mình, vào trong việc đưa dẫn đà tiến hóa đi theo con đường mình đã vạch. Trong trường hợp thứ hai, hoạt động của Thiên Chúa mang một tầm cỡ sâu rộng hơn: là nguồn cội của hữu thể và thời gian, Đấng Tạo Hóa không cần phải cải thiện đà tiến hóa đang vận hành đi từ trạng thái nguyên tử cho đến giai đoạn con người thành hình. Hằng giây hằng phút, Ngài trao ban cho mọi sự vật, khả năng hiện hữu và những đặc tính cá biệt của chúng, ngay cả khả năng tiến hóa. Cách nhìn này phù hợp hơn với những gì niềm xác tín kitô hiểu về Thiên Chúa, và về hành động sáng tạo mà Ngài đã có từ đời đời, nhưng đối với chúng ta, thì vẫn còn đang diễn tiến ra trong thời gian.

Một nhận định cuối cùng: chủ trương cho rằng sự sống chỉ do may rủi mà có , là một điều vô nghĩa, bởi vì may rủi tự nó không phải là một nguyên nhân tác thành. Quả quyết nói rằng sự sống chỉ là kết quả của một chuỗi trùng hợp may rủi, không thể dự kiến và vô định của những phân tử hòa tan trong các loại nước nguyên thủy, đúng là một lời quả quyết không mấy nghiêm túc. Nếu có một chút hiểu biết về hóa học của sinh vật, về những phản ứng phức tạp trong cơ thể sinh vật, về thứ tự diễn tiến liên kết chúng lại với nhau, cũng như về những cơ chế điều tiết hướng dẫn chúng, thì không thể nào mà không kinh ngạc, mà không thán phục đầu óc thông minh đã cấu tạo nên chúng. Trừ phi quyết khăng khăng giữ vững lập trường vô thần tiên thiên, không ai lại không phải thốt lên rằng: đúng là có bàn tay của Thiên Chúa ở trong đó! Một khi đã hiểu rằng ngay từ đầu, công trình tạo dựng mang theo ở trong mình, toàn bộ nguồn phong phú của tiến trình tiến phát mình sẽ theo đuổi về sau, thì cùng một trật, cũng sẽ nhận ra ngay được tài trí cao siêu trổi vượt của Đấng đã làm nên công trình ấy.

V. NGUỒN GỐC LOÀI NGƯỜI

Nếu có một vấn đề nào đã từng đặt khoa học và đức tin vào trong một thế đối đầu tương kồ gay cấn nhất, thì đó chính là vấn đề nguồn gốc loài người. Chưa đầy 50 năm trước đây, đại đa số các tín hữu đều nghĩ rằng con người đã được Thiên Chúa trực tiếp dựng nên, đúng như những gì các trang mở đầu của Kinh Thánh trình thuật lại. Nhưng, kể từ Darwin đến nay, quan niệm cho rằng con người xuất phát từ giới động vật, đã trở thành ngày càng thịnh hành hơn. Các học thuyết về tiến hóa đã thay nhau ra mắt để cố dựa theo những loạt biến hóa được chọn lọc một cách tự nhiên (selection naturelle) mà giải thích nguồn gốc loài người. Thuyết sáng tạo (créationisme) và thuyết đột biến (mutationnisme ) đã thẳng từng đối đầu chống chọi nhau.

Khoa học hiện đại mường tượng như thế nào về sự kiện xuất hiện của những tổ tiên nguyên thủy loài người? Xin thử trình bày tóm tắt về những gì khoa học phát biểu liên quan đến việc xuất hiện ấy, để xem quan điểm của nhà khoa học có tương hợp với nội dung của đức tin hay không.

1. Con người tiến hóa từ khỉ?

Đã qua rồi cái thời người ta quả quyết nói rằng con người là bởi khỉ mà ra. Ngày nay, thì được biết là cả hai đều có cùng chung một ông tổ; nhưng, từ lúc nào hai dòng dõi đã tách khỏi nhau ra từ một gốc chung ấy? Chưa có giải đáp nào chắc chắn để trả lời cho câu hỏi này, vì các nhà chuyên môn chưa hoàn toàn đồng ý với nhau về cách giải thích những nét tiêu biểu nơi các hài cốt hóa thạch phát hiện được; và hơn nữa, trong một lãnh vực chưa có gì là ổn định như thế, mỗi phát hiện mới là một dịp để xét lại, để thay đổi hoặc tu chỉnh các quan điểm thịnh hành, đến độ cứ mỗi năm là có một cây phả hệ mới được đưa ra để sắp lại thứ bậc tiến phát của loài người và của các giống loài khác có liên hệ gần với loài người.

Chẳng hạn, loại vượn Rama (Ramapithèque) được biết chủ yếu là qua các mảnh hàm tìm gặp được, có phải là ông tổ của họ đười ươi (Pongidés ) hoặc là của họ người (Hominidés) hay không? Loại Rama ấy đã được tìm thấy ở phía Đông Châu Phi, nhưng cũng còn gặp thấy tại Ấn độ và tại nhiều vùng khác trong cựu đại lục (= Châu Á, Châu Âu và Châu Phi), nơi những vùng đất cổ xưa từ 15 đến 10 triệu năm trước đây. Khoảng năm 1970, các nhà cổ sinh vật học đã coi loại vượn Rama là ông tổ của loài người, và đã đặt thời gian phân tách giữa hai nhánh người và khỉ vào lối 13 triệu năm trước đây. Nhưng, một vài năm sau, nhiều cuộc phân tích nghiên cứu khác đã đưa đến chỗ kết luận nói rằng loại vượn Rama là ông tổ không phải của loài người, mà là của loài đười ươi (orang-outan)!

Mặt khác, các nhà hóa sinh học đã tiến hành những cuộc thử nghiệm các thứ loại protein nơi các giống sinh vật khác nhau, và cũng đã dựa theo kết quả của công trình khảo nghiệm ấy để vẽ ra một cây phả hệ khác. Trong các năm từ 1970 đến 1980, họ đã nhận thấy rằng các thứ loại protein nơi con người và nơi con tinh tinh (chimpanzé) giống nhau rất nhiều; các thứ loại protein nơi con gorila cũng có những nét tương tự. Và như thế, các nhà hóa sinh học đã đi đến kết luận cho rằng các nhánh loài người, loài tinh tinh và loài gorila đã phân tách nhau ra từ một gốc chung, vào lối 7 triệu năm trước đây. Từ năm 1980 trở đi, xem chừng như các nhà cổ sinh vật học cũng đã đồng ý với quan điểm đó (xin xem tạp chí La Recherche , tháng 5, 1984, tr. 656).

Loại Vượn phương Nam (Australopithèques)

Trong khoảng thời gian cách đây lối từ 4 đến 3 triệu năm, một nhánh gốc khác đã chia tách ra thành 3 hay 4 nhánh phụ.

– Nhánh thứ nhất, xưa nhất, đã biến mất vào lối 2 triệu năm trước đây. Đó là loại vượn với dạng thể được gọi là mảnh dẻ, biết được nhờ tìm thấy một mẫu hóa thạch tiêu biểu nổi tiếng mang tên là Lucy. Thân hình nhỏ, chỉ cao độ 1 mét, cân nặng lối 20 hoặc 30 ký, Vượn phương Nam mảnh dẻ hay là Vượn Châu Phi (gracilis ou africanus), là một động vật hai chân, có thể sống trên mặt đất hoặc trên cây. Khối lượng não sọ là 470 phân khối.

– Loại thứ hai gọi là Vượn phương Nam tráng kiện (robustus) (1 mét 50, 40 đến 60 ký), cũng đã biến mất lối 2 triệu năm trước đây; trong khi đó, một loại khác, rất giống loại trước, đã sinh tồn cho đến khoảng 1 triệu năm trước đây, nhưng rồi cũng biến mất. Hai loại này có khối lượng não sọ lớn từ 500 cho đến 550 phân khối.

Nhánh loài người

Cũng tại Châu Phi, bên cạnh các hài cốt của loại Vượn phương Nam mảnh dẻ, người ta còn tìm thấy hài cốt của một số con vật có dạng thể và não sọ lớn hơn (từ 500 đến 800 phân khối); còn bàn tay thì giống gần hệt bàn tay người, và có khả năng đẽo đá. Đó là một loại động vật hai chân thuộc bộ linh trưởng (bộ khỉ), biết cách săn mồi, sống tập đoàn thành nhóm, biết dùng dụng cụ để cắt chặt và sửa soạn thức ăn. Động vật ấy được gọi là Homo habilis (Người khéo tay ). Giữa khoảng thời gian kể từ lúc nó xuất hiện, tức là lối 2 triệu năm trước đây, cho đến lúc nó biến mất, tức là lối 1 triệu rưỡi năm trước đây, thân hình của nó đã biến dạng dần dần.

Thế nên, động vật tiếp chân nó có tầm vóc và cân nặng giống con người chúng ta, với một khối lượng não sọ lớn từ 750 cho đến 1.250 phân khối, và được gọi là Homo erectus (Người đứng thẳng). Loại động vật này đã rời khỏi Châu Phi, và trong khoảng thời gian từ 1 triệu rưỡi năm cho tới nửa triệu năm trước đây, nó đã có mặt khắp nơi trong cựu đại lục. Với loại động vật này, đã thấy xuất hiện các dụng cụ kiểu hai mặt (khoảng 700.000 năm trước đây), và các lò nhóm lửa đầu tiên (lối 400.000 năm trước đây).

Cùng khoảng thời gian đó, tức là lối 400.000 năm trước đây, loại động vật này đã biến mất. Nhưng lại có một loại động vật khác nối dõi, và còn tiến hóa tới một mức cao hơn. Đó chính là ông tổ trực tiếp của loài người, và được gọi là Homo sapiens (Người tinh khôn). Có bằng chứng chắc chắn cho thấy là những Người tinh khôn đầu tiên, đã xuất hiện lối 300.000 năm trước công nguyên. Khối lượng não sọ trung bình là 1.300 phân khối, tức là 300 phân khối lớn hơn não sọ của Homo erectus. Đi kèm theo với việc tăng thêm khối lượng não sọ là những đổi thay ngay tại trong cách cấu trúc của bộ não. Một thời gian sau, Người tinh khôn còn biết chôn cất người chết của mình nữa: người ta đã tìm thấy hơn 20 phần mộ được coi là của các người sống cách đây 50.000 năm.

Trong thời gian ấy, con người hiện đại xuất hiện: những vùng chung quanh Địa trung hải đã có dịp chứng kiến các sinh hoạt nghệ thuật của các người này; từ gần 20.000 năm nay, Homo sapiens đã biết vẽ tranh, chạm trổ, trang trí… Để nêu rõ những đặc nét nổi bật của nó, tên gọi Homo sapiens sapiens đã được dùng chỉ về con người ấy.

Đó là những dữ kiện mới nhất của khoa cổ sinh vật học. Dù còn nhiều điều chưa hẳn đã là chắc chắn, thì cũng có thể coi các sự kiện sau đây như là đã được thừa nhận:

– miền Đông Châu Phi là vùng đã chứng kiến những bước khởi đầu của tiến trình hình thành loài người;

– loài người bắt rễ từ giới động vật, và từ đó đã tiến phát nổi bật dần lên.

Có thể tiến xa hơn hay không, để thử ức đoán về quá trình tiến hóa thành người (hominisation ), nghĩa là về toàn bộ những biến đổi đã mở đường và đã chuẩn bị cũng như đã tiến bước song song với sự việc con người xuất hiện?

2. Quá trình tiến hóa thành người

Các dữ kiện rút tỉa từ các khoa hóa sinh học (biochimie), giải phẫu học so sánh (anatomie comparée), và phôi học (embryo-logie) đều cho phép xác định về mối quan hệ thân thuộc gần ở giữa loài khỉ hình người (singes anthropomorphes) -đặc biệt là loài tinh tinh (chimpanzé) – và loài người. Cơ thể con người là thành quả của một quá trình tiến hóa. Những đột biến tác động đến số lượng các thể nhiễm sắc (từ con số 48 tụt xuống 46), những thay đổi trong cấu trúc của chúng, những biến đổi trong các gien, v.v… đã cho phép ức đoán về cách thức hình thành của cơ thể con người, tiến phát từ cơ thể của những ông tổ cổ sơ hơn.

Tuy nhiên, các đổi thay về di sản di truyền học như thế chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến cơ thể không thôi: để có thể đứng thẳng lên, để được một bộ não có 15 tỷ neuron, để có được đôi bàn tay rảnh rang mà làm việc… tất cả những thứ đó không nói lên được những nét cá biệt hoàn toàn đặc trưng của con người. Những cá thể từng trang trí các hang động với nhiều tranh ảnh tuyệt đẹp (cách đây 20.000 năm), từng chôn cất kẻ chết của mình (cách đây 70.000 năm), từng biết nhóm lên lửa tại Nice hay bên Trung Quốc (400.000 năm trước đây), đều là những con người; những cá thể từng biết đẽo đá để làm dụng cụ, cũng đều là những con người. Chính tác phong độc đáo của họ, khác hẳn so với tập tính của các loài vật, đã cho phép xác định như thế. Bước quá độ đi từ tình trạng tiền nhân tính cho đến hiện trạng của con người ngày nay, đã thực sự diễn ra như thế nào?

Những buổi đầu đều là những giây phút không thể nắm được. Thế thì, nếu muốn thử mường tượng lại những thời ban sơ của loài người, chắc hẳn cần phải dựa theo kiểu mẫu tiến hành của cuộc đời của một con người cụ thể: đứa bé mới chào đời là một con người, một con người thơ ấu; và dù là người, nó vẫn chưa thể ý thức cho được điều đó. Nó sẽ còn phải khám phá dần dần để biết là mình có một thân thể, sẽ còn phải tập dần cho biết cách sử dụng ngũ quan của mình, sẽ còn phải học tập để hiểu ngôn ngữ của cha mẹ mình, và sẽ còn phải ghi nhận vào trong đầu não non trẻ của mình đủ loại dữ liệu để có thể sử dụng khi cần. Những bước phát triển kể từ thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành trong đời một con người, thì liên tục, tiệm tiến, nhưng lại rất chậm rãi. Lúc nào thì con người mới thực sự bắt đầu có ý thức về mình? Tuổi nào là tuổi có trí khôn, biết sử dụng lý trí? Cả những câu hỏi ấy nữa có nghĩa gì không?

Đối với thời ban sơ của nhân loại thì cũng thế. Quá trình tiến hóa thành người không phải chỉ thu gọn vào trong một cuộc đột biến duy nhất, nhưng đã phải tiến hành qua nhiều chặng khác nhau: giai đoạn đạt được, giai đoạn điều hợp rồi đến giai đoạn tiệm tiến sử dụng nhiều bước cải tiến khác nhau về mặt cơ thể, về mặt trí óc, cũng như về mặt tâm lý. Những con người đầu tiên đã phải để một thời gian khá dài để có thể ý thức ra rằng mình khác hẳn với những con Vượn phương Nam. Cuộc sống theo tập đoàn xã hội đã đóng giữ một vai chủ yếu ngày xưa, hệt như vẫn thấy ngày nay: gia đình là môi trường lớn lên và học hỏi để thành người của con trẻ.

Tinh thần

Nếu xét về phương diện hiện tượng tiến hoá, thì con người nằm ngay ở trong dòng diễn biến liên tục tiếp theo sau những loài động vật đi trước mình; nhưng đồng thời, ở một lãnh vực khác, con người lại nổi bật và trổi vượt hẳn lên trên toàn thể giới động vật, không mang dấu vết của một mắc xích liên tục nào trong chuỗi tiến hóa vừa nói của giới này. Chẳng thế mà Teilhard de Chardin nhận định nói rằng con người đã bước vào “ngưỡng cửa của suy tưởng”.

Chỉ cần nhìn chung lại bước đường trong quá trình tiến hóa, thì cũng đủ để nhận ra rõ vấn đề. Lần bước theo đà biến hóa từ vật chất, từ nguyên tử cho đến phân tử, từ vật thể trơ ì cho đến sự sống, từ những tế bào đơn cho đến động vật, rồi đến con người, người ta sẽ nhận thấy là sau mỗi bước tiến, vật thể càng trở nên phức tạp hơn lên; và đồng thời, mức độ cấu trúc, phối hợp và thống nhất nơi các sinh vật cũng cao dần thêm lên: mức độ của tính nội tâm tăng dần thêm mãi. Và với con người, thì một hiện tượng chưa từng thấy đã xuất hiện: một động vật có khả năng suy nghĩ và ý thức về chính mình.

Các động vật chỉ có khả năng để thỉnh thoảng dùng một hòn sỏi hay một cành cây vào trong sinh hoạt cuộc sống mình; còn con người thì không những dùng, mà còn có khả năng chế tạo ra vật dụng mình cần. Chế tạo là một hành động có chủ đích cho ngắn hoặc dài hạn. Hành động ấy hàm súc một chủ ý, một ý tưởng vượt rộng ra ngoài giây phút hiện tại. Và dụng cụ ấy, con người còn trang họa một cách hoàn toàn nhưng không, để làm cho nó thành xinh đẹp hơn. Làm một hành động nhưng không là cho thấy mình có tự do.

Chủ ý, tư tưởng nhờ có khả năng nối kết những khái niệm, ý thức về chính mình, tự do: tất cả những đặc tính ấy là những nét hoàn toàn đặc trưng của con người; nhà triết học coi đó là những thuộc tính của một tinh thần; mà tinh thần thì không thể nào là sản phẩm của vật chất được, cho dù có nhờ đến vật chất để mà biểu hiện.

3. Đức tin

Trước những dữ kiện như thế của khoa học và triết học, các tín hữu sẽ phản ứng như thế nào?

a/. Sự việc loài người dính liền với loài vật, -hay sự việc con người phát xuất từ một nhánh loài vật- không gây một khó khăn nào cho niềm tin cả. Nếu thân xác con người đã được kết tinh từ một chuỗi dài của những biến hóa đổi thay xảy ra ở nơi một giống loài vật, thì các tín hữu sẽ coi hiện tượng tiến hóa đó là phương cách Thiên Chúa dùng để làm nên thân xác loài người. Và như thế, công trình tạo dựng sẽ cho thấy tính chất nhất thống một cách rõ ràng hơn là trong trường hợp con người được tạo dựng bằng một hành động trực tiếp, tức là bằng một cách thức tách rời và riêng rẽ.

b/. Xét về mặt triết học, tính chất đặc thù, đặc trưng của loài người (ý thức về chính mình, lương tâm luân lý, tự do lựa chọn, v.v…) cho thấy con người mang ở trong mình một tinh thần, một thần trí; và thần trí ấy hẳn không phải là kết quả của một quá trình tiến hóa sinh vật học đơn thuần. Đối với các tín hữu, thần trí ấy là một món quà Thiên Chúa ban cho, một món quà nhưng không làm cho con người có được khả năng bước vào trong vòng quan hệ với Thiên Chúa Thần Trí.

Có người tự hỏi: điều đó đã xảy ra lúc nào và như thế nào? Họ muốn, một cách nào đó, thấu hiểu cho được hành động tạo dựng, làm như Thiên Chúa đã can thiệp hệt theo cách kiểu của một nguyên nhân đệ nhị (cause seconde), vào trong đà diễn biến các hiện tượng! Theo thánh Tôma, tạo dựng là đặt các sự vật vào trong hiện hữu, và gìn giữ chúng lại ở trong đó. Từng giây phút, vũ trụ hằng không ngừng được Thiên Chúa tạo dựng nên: vật chất trơ ì, thảo mộc, loài vật, con người, tất cả đều không ngớt tùy thuộc vào Ngài. Rõ ràng món quà hiện hữu là một món quà rất phong phú, với sức phong phú tăng triển thêm mãi: từ vật chất lên giới thảo mộc, rồi lên giới động vật cho đến loài người. Như vậy, nói cho đúng thì không có chuồện can thiệp, mà chỉ có sự việc một món quà đã được ban ra một cách liên tục để đưa đặt từng sự vật vào trong hiện hữu, với tất cả mọi tiềm năng và đặc tính dành riêng cho nó, đã sẵn có dù chưa triển phát ra hết.

c/. Khoa học ngày nay nghĩ rằng loài người đã phát xuất từ một dòng giống (phylum) duy nhất (thuyết phát triển một dòng /monophylétisme ). Có những khuynh hướng còn thiên về cả chủ thuyết một nguồn (monogénisme) theo nghĩa hẹp nữa, nghĩa là cho rằng: từ đầu, đã chỉ có một “cá thể đột biến” (mutant) duy nhất, từ đó phát sinh ra một cặp (cá thể) hoặc nhiều cặp liên tiếp; không biết rõ là bằng cách nào (có thể có nhiều cách…). Và sau đó 2 triệu năm, Homo sapiens mới xuất hiện giữa một dân số đã đông đúc khá.

Lương tâm luân lý của các con người ấy đã hình thành như thế nào? Lúc nào thì họ đã đạt được đến chỗ biết phân biệt giữa “điều lành/thiện” và “điều dữ/ác”? Lúc nào và bằng cách nào họ đã nhận được mạc khải về sự việc mình bắt nguồn từ Thiên Chúa, và về cứu cánh của đời mình? Biết bao vấn nạn nan giải!

Tưởng cũng cần nhắc lại rằng trình thuật trong chương 3 Sách Sáng thế không phải là một văn bản ghi lại lịch sử tự nhiên của thời khởi đầu nhân loại. Ađam và Evà là những nhân vật của lịch sử siêu nhiên. Chương trình thuật ấy có một mục đích song đôi:

– 1/. để hiểu là toàn thể nhân loại đã sinh ra từ một cặp vợ chồng nguyên thủy duy nhất, hầu xác định sự việc hết thảy mọi người đều thuộc về cùng một gia đình, và do đó đều liên đới với nhau;

– 2/. mặt khác, để kể lại thái độ bất phục tòng của họ và của con cháu họ, nghĩa là để nói rằng ngay từ khi biết dùng tự do lựa chọn, con người đã từ chối không chịu tùy thuộc Thiên Chúa, không chịu vâng lời Ngài, không chịu sống như là con của Ngài: con người đã từ chối không chịu đón nhận kế hoạch Thiên Chúa đề ra cho đời mình.

Để hiểu văn bản ấy, thì cần phải đi từ trình thuật của Tân Ước nói rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế: loài người cần được cứu độ. Với sức riêng của mình, con người không thể thần hóa chình mình; chỉ khi nào biết kết hợp với Đức Kitô, thì lúc đó, con người mới thần hóa chính mình được. Mối liên đới sinh vật học do Ađam mà có ở giữa loài người, chỉ thuần túy là một hình ảnh, chỉ có tính cách biểu tượng. Liên đới ở giữa loài người: có thật, nhưng trước hết là do và trong Ađam thật, là chính Đức Giêsu Kitô.

TỔNG LƯỢC VÀ KẾT LUẬN

1. Giữa những gì khoa học tìm thấy và những gì đức tin khẳng định, không thể có đối nghịch thực sự được, bởi vì hai loại hiểu biết ấy thuộc hai lãnh vực khác nhau, nằm ở hai bình diện khác nhau.

2. Trước khi nhận ra cách thức phân biệt trên đây, nhiều vụ xung đột đã bùng nổ; nhưng chỉ là chung quanh những vấn đề giả , được nêu lên chỉ vì giải thích Kinh Thánh một cách lệch lạc, theo nghĩa đen (chẳng hạn như là đối với các trình thuật về cuộc tạo dựng vũ trụ trong 6 ngày, về việc sinh ra Eva từ một nhánh xương sườn của Ađam, v.v…), hoặc là vì đã dùng một lối trình bày mang ảnh hưởng quá nặng của trình độ hiểu biết khoa học thời Trung cổ, để biểu đạt các tín điều (ví dụ: đặt tín điều về nguyên tội dính chặt với trình thuật hiểu theo nghĩa đen về Ađam và Eva). Với đà tiến phát của khoa chú giải và của thần học, các vấn đề kia nay không còn nữa, vì đều đã được giải quyết thỏa đáng tất cả.

3. Vẫn còn một điểm gai góc thật sự: não trạng khoa học ít khi dành những điều kiện dễ dàng cho lòng tin. Nhà khoa học muốn hiểu cho được tất cả, muốn dùng thí nghiệm và lý trí mà sàng mà lọc, mà mổ xẻ mà chứng minh tất cả. Trong khi đó, đức tin lại gồm hàm những mầu nhiệm (thực ra, khoa học cũng thế), mà đến các tín hữu cũng phải đành chịu bí, không sao hiểu nổi (mầu nhiệm về một Chúa Ba Ngôi, về khổ đau người vô tội gánh chịu, về sự dữ,…). Tuy nhiên, là rất hợp lý chuyện trí óc hữu hạn của con người không thể thấu hiểu Thiên Chúa Vô biên cho toàn bộ, cho trọn vẹn được.

4. Thế thì có phải khoa học nhất thiết sẽ dẫn loài người đi tới kết luận phủ nhận Thiên Chúa hiện hữu (chủ thuyết vô thần) hay không? Dĩ nhiên là không. Bởi vì, nhà khoa học chân chính thì khiêm hạ, để biết nhận rõ là mình không thể biết hết mọi sự được. Thái độ khiêm hạ ấy sẽ chuẩn bị giúp cho nhà khoa học biết mở lòng ra mà đón nhận đức tin. Ngay cả khi vì lý do cần phải áp dụng cho chỉnh phương pháp nghiên cứu, nhà khoa học có để Thiên Chúa ra ngoài cuộc khảo nghiệm của mình, thì niềm thán phục mà những hiện tượng lạ lùng trong thiên nhiên khơi dậy trong lòng ông, cũng sẽ từ từ đưa ông đến chỗ phát hiện ra một Thượng Trí hằng hoạt động trong mọi tạo vật, và nhận biết Đấng Thiên Chúa đã từng dùng mạc khải mà mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc hiện hữu của con người.

 

 


[1] Tác giả là linh mục Dòng Tên, hiện đang làm việc tại Paris, Pháp. Cha đã vui lòng dành bài viết bằng tiếng Pháp, mang tựa đề “Science et Foi” này, để riêng tặng độc giả Việt Nam.