Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thần Học Căn Bản: Lịch Sử Và Chiều Hướng

Administrator
2018-09-23 08:29 UTC+7 32
Bình Hòa, OP.   A – NGUỐN GỐC CỦA THẦN HỌC CĂN BẢN Thần học căn bản thoát thai từ môn hộ giáo (Apologetica), một vai trò quan trọng của Thần học xuất hiện từ thời buổi nguyên sơ của Kitô giáo, nhưng đã biến thái trải qua các thời đại. I. NHỮNG CHIỀU KÍCH […]


Bình Hòa, OP.

 

A – NGUỐN GỐC CỦA THẦN HỌC CĂN BẢN

Thần học căn bản thoát thai từ môn hộ giáo (Apologetica), một vai trò quan trọng của Thần học xuất hiện từ thời buổi nguyên sơ của Kitô giáo, nhưng đã biến thái trải qua các thời đại.

I. NHỮNG CHIỀU KÍCH HỘ GIÁO CỦA THẦN HỌC TRẢI QUA THỜI ĐẠI

Tiếng “Hộ giáo” dịch từ tiếng Latin “apologetica”, gốc từ chữ “apologia” (bào chữa, bênh vực).

1/. Thế kỷ đầu

Đọc Tân ước, cách riêng các bài giảng của hai Tông đồ Phêrô và Phaolô trong sách Tông Đồ Công Vụ, ta nhận thấy rằng vừa khi mới xuất hiện, Kitô giáo đã gặp những chỉ trích chống đối về phía người Do Thái lẫn người ngoại đạo. Người Do Thái tố cáo người Kitô giáo vì đã bỏ luật Maisen: đối lại, Kitô giáo đã chứng minh rằng Đức Kitô không bãi bỏ luật Maisen nhưng đã kiện toàn nó; các lời tiên tri nói về đấng Thiên sai thì đã ứng nghiệm nơi Đức Kitô. Người ngoại đạo thì tố cáo Kitô giáo là vô thần vì không chịu dâng hương tế bái các thần hoàng; Kitô giáo đã tự bào chữa rằng họ thờ lạy một chủ tể vạn vật không do tay con người tạo tác, Ngài không cần đền thờ nhan khói cho bằng cần đời sống liêm khiết. Dù sao thì công tác bênh vực đức tin không phải chỉ dành cho các vị thủ lãnh Giáo Hội: khi viết thư cho các tín hữu, thánh Phêrô đã nhắn nhủ họ phải có khả năng giải thích cho mọi người chất vấn về lý lẽ của niềm hy vọng của mình (1 Pr 3,15).

2/. Thế Kỷ II

Thế hệ các Kitô hữu đầu tiên đã phải tìm cách biện minh chống lại các luận điệu của các triết gia cũng như những sắc lệnh cấm cách của nhà cầm quyền Rôma. Thế kỷ thứ II đáng được gọi là thời của các nhà Hộ giáo, với một nhân vật tiêu biểu là thánh Giustino, tác giả của hai quyển Apologia hướng tới các triết gia Hy lạp, trình bày cho họ thấy rằng học thuyết và tôn giáo của họ chỉ trình bày những con đường khiếm khuyết để biết về Thiên Chúa, và chỉ có Kinh Thánh mới làm tâm trí thỏa mãn sự khao khát chân lý. Dĩ nhiên Giustino phải dùng những luận cứ triết học để đối chất với đối phương, chứ không thể chỉ đánh động tâm tình cảm xúc. Giustino cũng viết tác phẩm khác tựa đề Đối thoại với Triphô, một người Do Thái, nhằm chứng minh rằng các lời tiên tri về Đấng Thiên Sai đã ứng nghiệm nơi Đức Kitô. Chúng ta đừng quên rằng Giustino đã bênh vực đức tin không những bằng ngòi bút mà còn bằng chính mạng sống của mình. Sang các thế kỷ kế tiếp, trong hàng ngũ các văn hào hộ giáo tên tuổi, ta không thể bỏ qua Tertulliano, Clemente Alexandria, Origen.

3/. Thế Kỷ III

Mặt khác, từ thế kỷ thứ ba, ngoài việc biện hộ chống lại các công kích từ bên ngoài, văn chương hộ giáo lại phải đương đầu với một mục tiêu mới, đó là các lạc giáo, nghĩa là giặc nội. Thực ra không ít lạc giáo bắt nguồn từ chỗ họ không thể dung hòa được những dữ kiện đức tin với những triết thuyết của lý trí tự nhiên, khi bàn về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, bản tính Đức Kitô,v.v… Qua các tác phẩm của thánh Augustino, ta thấy biểu lộ hai mối ưu tư của Thần học thuộc mọi thời đại:

– Một đàng, trả lời cho những tấn công của đối phương, tiêu biểu nơi quyển “De Civitate Dei” (Đô thành của Thiên Chúa), trong đó Augustino trả lời cho những triết gia đã buộc tội cho Kitô giáo trách nhiệm làm cho Đế quốc Rôma sụp đổ.

– Đàng khác, Thần học dùng lý trí để đào sâu thêm đức tin của mình. Câu nói bất hủ của Augustino đã trở thành phương châm của Thần học: “Intellige ut credas, crede ut intelligas” (hãy hiểu để mà tin; hãy tin để mà hiểu): cần phải biết lý do vì sao mà tin nếu bạn không muốn trở thành cuồng tín; mặt khác, đức tin mở rộng cho ta một chân trời mới cho sự hiểu biết vì dẫn đưa lý trí vào một thế giới mới.

4/. Thời Trung cổ

Qua thời Trung cổ, xem ra thời đại hộ giáo đã qua, bởi vì nói được là Âu châu đã theo đạo Kitô giáo rồi, không còn các triết thuyết ngoại đạo hay các tôn giáo lớn để mà tấn công nữa. Khi Hồi giáo xuất hiện, thì nó bị coi như một thứ lạc giáo, và cần được đối phó bằng gươm giáo hơn là bằng biện luận. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung ấy, ta có thể nhận thấy một luật trừ nơi thánh Tommaso Aquino. Trong quyển Summa contra Gentiles, tuy phải bài bác các luận cứ sai lầm của Averroes, một triết gia Ả Rập, nhưng thánh nhân vẫn cố gắng đối thoại để du nhập triết học Aristote vào Kitô giáo. Nói khác đi, hộ giáo, ngoài tính cách đề phòng bảo vệ, còn có tính cách đối thoại nữa.

5/. Thờ Cận đại

Sang thời cận đại, hộ giáo lại được hồi sinh do những cuộc tấn công từ nhiều phía. Xét theo thứ tự lịch sử, thì trước tiên, hồi thế kỷ XVI, ta phải kể tới sự ly khai của Lutero, với nguyên tắc “Sola Scriptura” không những đã hạ giá vai trò của lý trí trong tiến trình đức tin nhưng nhất là phủ nhận vai trò của truyền thống, huấn quyền đối với việc xác định các tín điều. Thần học hộ giáo phải cố gắng biện minh cho sự hiện hữu của truyền thống, huấn quyền trong Hội Thánh.

Kế đó, sang thế kỷ XVII-XVIII các thuyết duy lý và thực nghiệm phủ nhận những chân lý nào vượt quá tầm kiểm chứng của lý trí. Thần học hộ giáo, với tột đỉnh là các văn kiện của Công Đồng Vaticano I về tương quan giữa đức tin và lý trí, đã biện minh cho những tiêu chuẩn chân lý vượt quá tầm lý trí. Cho tới Công Đồng Vaticano II, các sách hộ giáo đặt lên ba tiêu điểm sau cho môn học:

– a/. Demonstratio Religiosa: tìm cách biện minh cho đức tin và tôn giáo. Con người có thể nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa, và Thiên Chúa có thể tự mạc khải cho con người; tin không phải là chuyện phi lý; có những lý do duyệt chính cho niềm tin.

b/. Demonstratio Christiana: Kitô giáo là đạo thật, vì chứa đựng mạc khải thực về Thiên Chúa; có những chứng cớ về Đức Giêsu là đấng Thiên sai đích thực của Thiên Chúa, tỉ như các lời tiên tri, các phép lạ.

c/. Demonstratio Catholica: Chỉ có Hội Thánh Công Giáo mới là Hội Thánh chân thật do Đức Kitô thiết lập, được chứng minh qua các dấu hiệu của tính chất duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền.

II. TỪ HỘ GIÁO TỚI THẦN HỌC CĂN BẢN

Ra đời trong khung cảnh bị bao vây, hộ giáo mang tính chất thế thủ hơn là đối thoại: tìm hết cách để chứng minh rằng chân lý hoàn toàn về phía mình, và vạch ra những sai lầm của đối phương. Tuy nhiên, từ hậu bán thế kỷ XX, Giáo Hội Công Giáo muốn đối thoại với các Giáo Hội ly khai, với các tôn giáo, với các văn hóa thời đại; thái độ đối thoại đã đòi buộc phải thay đổi thái độ hộ giáo lưu hành trong các thế kỷ trước đây.

Bên cạnh việc thay đổI thái độ căn bản (đối thoại thay vì tự vệ), người ta lại còn đòi xét lại toàn thể mục tiêu và phương pháp của khoa hộ giáo nữa. Như vừa nói trên đây, ba mục tiêu chính mà hộ giáo nhằm chứng minh là:

– a/. Ngoài chân lý tự nhiên, còn có những chân lý siêu nhiên nhận được do mạc khải;

– b/. Đức Kitô là mạc khải đích thực về Thiên Chúa;

– c/. Chỉ có Giáo Hội Công Giáo là Hội Thánh đích thực của Đức Kitô.

Nhưng phương pháp áp dụng để chứng minh ba điểm vừa nói đã bị chỉ trích vì những lý do sau đây:

1/. Về điểm thứ nhất, để chứng minh rằng có thể có những chân lý nhận biết được từ mạc khải, người ta khởi sự từ một khái niệm trừu tượng về mạc khải (như là lời Chúa phán truyền), rồi đem chứng minh rằng nó có thể xảy ra được, và đáng tin. Phương pháp suy diễn này biến khoa hộ giáo thành một thứ triết lý hơn là Thần học đúng nghĩa, vì chỉ bận tâm với việc định nghĩa về mạc khải, mà bỏ qua phần mô tả lịch sử mạc khải đã xảy ra như thế nào. Muốn bàn về mạc khải, không thể xử dụng nguyên các khái niệm trừu tượng của triết học mà còn phải dựa vào khoa Kinh Thánh để trình bày nội dung, sự diễn biến của nó. Mặt khác, không thể chỉ dừng lại ở chỗ chứng minh tính cách thích đáng và hợp lý của mặc khải, mà còn phải trình bày ý nghĩa của mạc khải: mặc khải của Thiên Chúa đáp lại khát vọng của con người đi tìm ý nghĩa của lẽ sống.

2/. Điểm thứ hai, để chứng minh Đức Kitô là Thiên Sai của Thiên Chúa, trước đây người ta dựa vào các lời tiên tri và phép lạ như hai dấu chỉ hùng hồn nhất. Nhưng ngày nay, khoa phê bình sử liệu và văn chương cho thấy cần phải dè dặt hơn khi phân tích các bản văn tiên tri hay phép lạ. Dù sao, không thể chỉ thu gọn vai trò của Đức Kitô vào chức vụ thiên sai, sứ giả của Thiên Chúa. Khoa chú giải Kinh Thánh đã làm nổi bật rất nhiều nét về Đức Giêsu lịch sử, và sự tiến triển về đức tin nơi Đức Kitô sau biến cố phục sinh với sự trình bày bức chân dung dưới những nhãn giới khác nhau tùy theo cảm nghiệm và nhu cầu truyền giáo.

3/. Điểm thứ ba về Giáo Hội Công Giáo: trong quá khứ, hộ giáo đã nhấn mạnh một chiều về bộ mặt cơ chế hữu hình của Hội Thánh, đến nỗi phớt lờ đi mầu nhiệm ơn thánh, hiệp thông của nó. Giáo Hội học cần dựa vào thánh kinh, phụng vụ, tu đức hơn là dựa vào triết lý và giáo luật.

Công đồng Vaticano II đã thay đổi hoàn toàn phương pháp để trình bày về mạc khải và về Hội Thánh, như ta nhận thấy qua hai Hiến chế “Dei Verbum”“Lumen Gentium”. Phải chăng Công Đồng cũng mặc nhiên cho hộ giáo về vườn vì nó đã lỗi thời?

Dưới một khía cạnh nào đó, thì phải nói rằng hộ giáo đã về vườn, theo nghĩa là không thể bàn về mạc khải, Đức Kitô, Giáo Hội theo phương pháp suy diễn như trước đây nữa, nhưng phải dùng tới phương pháp riêng của Thần học, dựa trên chính Lời Chúa. Tuy nhiên, người ta cũng nhận thấy rằng cần có một bộ môn dẫn nhập vào đức tin và Thần học. Bộ môn đó gọi là “Thần học căn bản” (hay nền tảng: theologia fundamentalis), nghĩa là nghiên cứu nền tảng (fundamentum) của đức tin và Thần học.

B – CÁC CHIỀU HƯỚNG CỦA THẦN HỌC CĂN BẢN

Thần học căn bản hay Thần học nền tảng (Theologia fundamentalis) thoát thai từ khoa Hộ giáo (Apologetica). Trước đây, ba đề tài chính của hộ giáo là: mạc khải, Đức Kitô, Giáo Hội. Phương pháp áp dụng trong khoa hộ giáo bị chỉ trích là thiếu tính cách Thần học; vì thế từ Công Đồng Vaticano II, ba đề tài ấy được trình bày trong chính Thần học tín lý, dựa trên Thánh kinh, Thánh truyền, chứ không phải suy diễn triết lý như trước đây nữa. Tuy nhiên, thay vì cho khoa hộ giáo đi hưu trí, người ta đã đặt cho nó một tên mới: “Thần học căn bản, hay nền tảng” vì nhận thấy cần phải có một ngành nghiên cứu về những nền tảng của đức tin và Thần học. Thế nhưng, phải hiểu thế nào về nền tảng của đức tin? vai trò của Thần học nền tảng như thế nào?

I. PHƯƠNG PHÁP

Có rất nhiều quan niệm về phương pháp Thần học nền tảng. Chúng ta hãy điểm qua vài đường hướng chính.

1/. Thần học nền tảng là một khoa nhập môn về Thần học, bàn về lịch sử và phương pháp của Thần học, cách riêng về “ngôn ngữ” của nó. Thực ra, vấn đề ngôn ngữ Thần học đã trở thành một cuộc tranh luận giữa các triết gia từ cổ thời dưới tiêu đề “de divinis nominibus”: làm thế nào áp dụng ngôn ngữ loài người để bàn về thực tại thần linh? chúng ta sống trong thế giới bị giới hạn bởi vật chất, thời gian và không gian, còn các thần linh sống ở thế giới khác: thế thì làm sao có thể dùng cùng một ngôn ngữ để diễn tả hai thực tại khác nhau được? Thần học kinh viện đã xướng ra thuyết lọai suy (analogia) để giải quyết vấn đề: loại suy là đường lối trung dung giữa tương đồng (univocum) và dị biệt (equivocum): giữa Thiên Chúa với con người có những điểm tương đương, chứ không hoàn toàn y hệt mà cũng không hoàn toàn khác biệt. Thí dụ khi gọi Chúa là cha, chúng ta không thể hiểu hoàn theo nghĩa tương-đồng, xét vì Ngài không có thân xác, không có phái tính, không có sinh sản; chúng ta hiểu theo nghĩa loại suy, khi so sánh mối tình phụ tử, sự săn sóc đùm bọc của người cha. Khai triển đề tài vào thời đại hôm nay, một số tác giả quan niệm rằng nói về nền tảng Thần học tức là nói về giá trị của ngôn ngữ Thần học; hậu nhiên, vai trò của nó là “chú giải” (Herméneutique): tìm hiểu ý nghĩa của những từ ngữ dùng trong Kinh Thánh và huấn quyền, và giải thích, chuyển dịch ra ngôn ngữ văn hóa của ngày hôm nay. Muốn thế thì dĩ nhiên là không những phải hiểu biết về đức tin, mà còn cần phải hiểu biết về văn hóa, thời đại, thế giới hôm nay nữa. Trong quá khứ, để diễn đạt các mầu nhiệm đức tin, Thần học xử dụng các ngôn ngữ của triết học. Nhưng ngày nay, Thần học cần phải biết xử dụng tới ngôn ngữ của các khoa học nhân văn nữa, tỉ như các khoa học về ngôn-ngữ, tâm lý, xã hội,v.v…

2/. Cũng trong chiều hướng nhập môn về Thần học, có người quan niệm vai trò của Thần học nền tảng là nghiên cứu các “nguồn suy tư Thần học”, trước đây quen gọi là “De locis theologicis”, từ ngữ của Melchior Cano (1563): Kinh Thánh, Thánh Truyền, Giáo Hội, Công Đồng, Giáo Hoàng, Giáo phụ, tiến sĩ, lý trí, triết học, lịch sử nhân loại. Ngày nay cần phải cập nhật hóa các nguồn ấy, tỉ như các môi trường và hoàn cảnh lịch sử hôm nay (dấu chỉ thời đại). Các nguồn Thần học (loci theologici) không nên quan niệm như là những nguồn tư liệu hay văn kiện, song là những môi trường sống đạo và làm chứng nhân cho đức tin, từ cộng đồng các Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem, cho tới các đan viện, các đại học, các ngôn sứ, các thánh nhân đã sống cảm nghiệm đức tin cao độ, các phong trào, hội đoàn, và dĩ nhiên, tất cả những nơi, những thời phát hiện tác động của Thánh linh.

3/. Khuynh hướng khác thì quan niệm Thần học nền tảng như là “nhập môn vào đức tin”. Dĩ nhiên có nhiều cách để trình bày nhập môn về đức tin Công Giáo. Một đàng là trình bày về nội dung đức tin (fides quae), trình bày những chặng đường chính của lịch sử cứu rỗi, hoặc các mầu nhiệm căn bản tóm lại trong kinh Tin kính. Đàng khác là suy nghĩ vì ý nghĩa của niềm tin (fides qua): tin là gì? cần gì phải tin? tin vì lý do gì? đức tin mang lại ích lợi gì cho ta?

4/. Sau cùng chúng ta cũng có thể ghi nhận một khuynh hướng nữa là trình bày lại các đề tài của khoa hộ giáo cổ truyền dưới một nhãn giới mới, một ngôn ngữ mới: không còn mang tính cách tự vệ nữa song là trong bầu khí đối thoại. Như đã nói trên đây, ba đề tài chính của hộ giáo là: mạc khải, Đức Kitô, Giáo Hội. Ta hãy xem làm thế nào trình bày lại theo nhãn giới mới.

a/. Mạc khải

Tiên vàn, giả thiết là phải trình bày nội dung và lịch sử của việc Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại, từ lúc tạo dựng vũ trụ, với các nguyên tổ, trải qua các tổ phụ cho tới Israel và Đức Kitô, dựa theo hiến chế Dei Verbum của Công Đồng Vaticano II. Đồng thời không nên quên những vấn đề đặt ra do các tôn giáo hoàn cầu: có thể nói tới mạc khải của Thiên Chúa trong các tôn giáo ấy không? Nếu có, thì tương quan giữa các tôn giáo ấy với Kitô giáo như thế nào? các sách thánh của các tôn giáo có giá trị gì? Ngoài ra, việc trình bày sự kiện Thiên Chúa tự mạc khải cho con người không thể bỏ qua sự kiện là con người tự bản năng muốn đi tìm sự thực, lẽ sống cho cuộc đời: thế thì mạc khải Kitô giáo có ý nghĩa gì cho cuộc sống con người hôm nay?

b/. Đức Kitô

Hộ giáo cổ truyền cố gắng minh chứng rằng Đức Kitô là Đấng thiên sai qua các lời tiên tri và các phép lạ. Thần học nền tảng ngày nay trình bày Đức Kitô trong nhãn giới khác. Thứ nhất, cần phải theo dõi các cuộc khảo cứu của khoa Kinh Thánh để tái lập chân dung của Đức Giêsu lịch sử: như chúng ta đã biết, Tân ước (cách riêng là bốn Phúc âm) không phải là một hồi ký, tự thuật ghi lại các lời nói việc làm của đức Giêsu, mà là lời tuyên dương đức tin và bài giảng công bố công cuộc cứu rỗi đã xảy đến do cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô: Đức Kitô được trình bày trong nhãn giới của đức tin Hội Thánh. Thần học nền tảng muốn đi ngược giòng lịch sử, để tìm hiểu diễn trình đức tin của Giáo Hội, lần mò muốn đi tiếp xúc với Đức Giêsu từ khi Ngài mới xuất gia ở Nazareth, đã sinh hoạt thế nào, đã nói gì, làm gì, cho tới ngày tử nạn và Phục sinh. Sau khi tái tạo chặng đường tiến trình của đức tin như vậy, Thần học nền tảng sẽ tìm hiểu vai trò và ý nghĩa của Đức Kitô trong lịch sử mặc khải và lịch sử của nhân loại. Như ta đã biết, Hiến chế Dei Verbum của Công Đồng Vaticano II đã gọi Đức Kitô là “sự kiện toàn, chóp đỉnh, trung tâm của mạc khải”. Đức Kitô có ý nghĩa gì cho lịch sử con người ngày nay? Nên lưu ý là trước đây hộ giáo nhấn mạnh đến các phép lạ của Đức Kitô; còn Thần học nền tảng ngày nay thì nhấn mạnh hơn tới sự Phục sinh của Ngài. Về ý nghĩa của Đức Kitô đối với lịch sử nhân loại ta có thể tìm thấy những suy tư rất sâu xa trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng của Vaticano II, và Đức Gioan Phaolo II đã khai thác nhiều lần chiều kích này, ngay từ Thông điệp ra mắt Redemptor Hominis (Đấng Cứu chuộc loài người).

c/. Giáo Hội

Ngoài môn Giáo Hội học, một ngành thuộc về Thần học tín lý, Thần học nền tảng cũng cần dành một chương cho Giáo Hội, để bàn về vai trò của Giáo Hội trong thế giới ngày nay: tìm hiểu những khát vọng của thời đại cũng như những thách đố cho các Kitô hữu. Trong bối cảnh này, thiết tưởng không thể bỏ qua hiện tượng tục hóa của thời đại; nhưng mặt khác, cũng không thể làm ngơ tới cảm quan tôn giáo của thời đại: con người thời đại hôm nay không hẳn là kém đạo nghĩa hơn các thế hệ trước, nhưng có thể muốn rút về nội tâm, cảm nghiệm, hơn là các định chế bên ngoài. Dù sao, ngày nay khi bàn tới tương quan giữa mạc khải với đức tin và tín điều, Thần học nền tảng đã dành nhiều chỗ để bàn tới cảm nghiệm (experientia), cảm quan đức tin (sensus fidei). Đàng khác, trong chiều hướng đối thoại đại kết hiện nay, dĩ nhiên là chương bàn về Giáo Hội không thể nào không nói tới mối tương quan giữa Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội khác.

II. VAI TRÒ CỦA THẦN HỌC NỀN TẢNG

Một câu hỏi khác được đặt ra: Thần học nền tảng dành cho ai? Trong những thế kỷ đầu tiên, những sách viết về hộ giáo, với mục tiêu là bênh vực đức tin Công Giáo trước những công kích của đối phương, tất nhiên là nhắm tới những người này, trả lời những lý chứng của họ. Ta có thể nói rằng trải qua các thời đại, các sách hộ giáo được biên soạn với mục tiêu đó, nghĩa là dành cho người ngoài Công Giáo. Tuy nhiên, không thiếu lần có người đặt lên vấn nạn: có bao nhiêu lần các sách hộ giáo đã đặt tới tay đối phương? có mấy người ngoài Công Giáo đọc sách mà người Công Giáo viết cho họ? có mấy ai đã phản ứng lại, phục lý hay không? Có ai đã trở lại đạo sau khi đọc các sách hộ giáo hay không?

Ý thức những vấn nạn đó, cho nên các tác giả của Thần học nền tảng không đặt mục tiêu chính là viết sách cho người ngoài Công Giáo nữa, nhưng là giúp cho chính người tín hữu Công Giáo suy tư về niềm tin của mình. Nói khác đi, mục tiêu của Thần học nền tảng đã giúp cho người tín hữu có khả năng “sẵn sàng trả lời cho những người chất vấn về lý do của lẽ hy vọng của mình” theo như thánh Phêrô đã dặn dò (1Pr 3,15). Người tín hữu cần đào sâu thêm đức tin của mình, tìm hiểu những lý do về ý nghĩa của niềm tin của mình, khám phá ra sự liên hệ giữa các chân lý đức tin, phân biệt đâu là trọng tâm của đức tin và đâu là những lý chứng giải thích Thần học. Một khi đã hiểu rõ và thâm tín về đức tin của mình, tất nhiên người tín hữu cũng có khả năng để trình bày nó cho những ai muốn tìm hiểu Kitô giáo, dù trong khuôn khổ của cuộc đối thoại truyền giáo, hay chỉ trong khung cảnh của việc huấn giáo.

Như thế, có thể kết luận được rằng có rất nhiều chiều hướng về Thần học nền tảng. Thiết tưởng cần phải thêm một nhận xét cuối cùng về khung cảnh lịch sử và địa lý.

1/. Các tác giả Thần học nền tảng sống tại các quốc gia Âu-Mỹ, nơi mà ảnh hưởng Kitô giáo khá mạnh, thì vấn đề quan trọng trong quá khứ được đặt ra là mối liên hệ giữa đức tin với lý trí, đức tin với khoa học; ngày nay vấn đề là ý nghĩa của tôn giáo trong thời đại tục hóa.

2/. Khi viết Thần học nền tảng trong khung cảnh Á châu hay cụ thể hơn, cho Việt Nam, chắc chắn phải nhấn mạnh nhiều hơn tới những vần đề tương quan giữa Kitô giáo với các tôn giáo, với văn hóa dân tộc, với sự giải phóng và thăng tiến con người.

***

Thần học là công việc của người có đức tin. Không phải đức tin là kết quả của công việc, mà chính đức tin đưa tới công việc này. Thế nhưng, tin không phải chỉ là tin rằng Thiên Chúa hiện hữu (“tin rằng” là một hành vi của ý kiến), cũng không phải là tin có những điều này những điều nọ liên quan đến Thiên Chúa (như tin có khoa học, có linh hồn bất tử, có thiên văn,… tin như thế vẫn còn lý thuyết lắm). Tin ở đây là tin cậy, tin vào, như khi ta đặt sự tin tưởng của mình vào một người nào đó.

Louis-Marie Chauvet