Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

THẦN HỌC PHỤC SINH: trung tâm đức tin và đời sống Kitô giáo

Administrator
2024-03-29 16:54 UTC+7 103
Olegario González de Cardedal[1] Trích Thời sự Thần học, số 100, tháng 05/2023, trang 89-123 Dẫn nhập. Mầu nhiệm phục sinh trong lịch sử thần học I. Mầu nhiệm phục sinh và Đức Kitô    A. Từ ngữ 1/ Trỗi dậy, sống lại. 2/ Tôn vinh. 3/ Siêu thăng. 4/ Ban sự sống. 5/ Tôn […]

Olegario González de Cardedal[1]

Trích Thời sự Thần học, số 100, tháng 05/2023, trang 89-123

Dẫn nhập. Mầu nhiệm phục sinh trong lịch sử thần học
I. Mầu nhiệm phục sinh và Đức Kitô
   A. Từ ngữ
1/ Trỗi dậy, sống lại. 2/ Tôn vinh. 3/ Siêu thăng. 4/ Ban sự sống. 5/ Tôn làm Kyrios, Con Thiên Chúa
    B. Nội dung thần học của sự phục sinh
1/ Chiều kích Thiên Chúa
2/ Chiều kích Đức Kitô: Người được thiết lập làm Kyrios, Mêsias; Con; – biện minh; – giải thích; – tỏ hiện;
3/ Chiều kích tông đồ
4/ Chiều kích cứu độ
5/ Chiều kích cánh chung
6/ Chiều kích Giáo hội
    C. Tiếp cận Đức Kitô phục sinh
1/ Từ sinh hoạt của Giáo hội: cử hành việc bẻ bánh, đi theo Chúa, thực hành tin cậy mến
2/ Từ cảm nghiệm nhân sinh: hy vọng, tình yêu, công bình
II. Từ mầu nhiệm Đức Kitô phục sinh đến mầu nhiệm Thiên Chúa tam vị
    A. Đức Giêsu được Thần khí thúc đẩy và phái cử Thần khí
    B. Sự phục sinh và mặc khải Thiên Chúa Tam vị
III. Từ phục sinh đến cánh chung

———

Dẫn nhập

        Tất cả các Kitô hữu đều chấp nhận rằng chân lỳ về Đức Kitô phục sinh là trọng tâm của đức tin, dựa theo lời của thánh Phaolô viết trong thư thứ nhất gửi các tín hữu Corintô: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1Cr 15,17). Tuy nhiên, niềm tin ấy đã ảnh hưởng đến cuộc sống trên thực tế như thế nào, lại là chuyện khác. Nếu phải xếp đặt hệ trật các tín điều của Kitô giáo, thì đương nhiên mầu nhiệm Thiên Chúa Nhất thể Tam vị phải được đặt ở hàng đầu. Kế đến, khi bước sang các chân lý về Đức Kitô, ắt hẳn mầu nhiệm Nhập thể được coi là quan trọng nhất, bởi vì đã trở thành đầu đề cho rất nhiều tuyên ngôn của Huấn quyền, bắt đầu từ công đồng Nixea. Còn khi đề cập đến công trình cứu độ của Đức Kitô, thì trọng tâm đặt ở cây Thập giá, nơi mà Đức Kitô đã chịu chết để đền tội cho nhân loại. Sự phục sinh chỉ là một cái kết có hậu cho cái chết ấy mà thôi. Nhìn vào lược đồ ấy, thật khó nhận ra tầm quan trọng của sự phục sinh trong toàn bộ niềm tin Kitô giáo. Ảnh hưởng của sự phục sinh của Đức Kitô đối với đời sống luân lý càng ít hơn nữa, xét vì các tín hữu được mời gọi đi theo Chúa Kitô bằng việc “từ bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày” (x. Lc 9,23; Mt 16,24; Mc 8,34).

         Tại sao lại có chuyện như vậy? Thiết tưởng bởi vì ngay từ đầu, các diễn từ về sự phục sinh đã bị ám ảnh bởi ý tưởng hộ giáo (apologetica), cố gắng chứng minh rằng Đức Giêsu đã sống lại, thực sự đã ra khỏi mồ (chứ không phải các môn đệ đã lấy trộm xác và giấu đi như có người đã đồn: Mt 28,11-15; xc. Ga 20,13); Đức Giêsu đã sống lại thật trong thân xác, chứ không phải chỉ ở trong tâm trí của các môn đệ (Người có thân xác, chứ không phải là hồn ma hiện về: Lc 24,38). Nhiều môn đệ đã nhìn thấy Đức Giêsu hiện ra, đã chạm đến Người chứ không phải là một thị kiến chủ quan (Lc 24,39). Vì muốn nhấn mạnh đến thực tại khách quan của việc phục sinh, cho nên người ta quan tâm đến việc minh chứng rằng đây là một “sự kiện” có thật. Tiếc rằng lối tiếp cận này chỉ coi sự phục sinh như một “biến cố”  liên hệ đến bản thân Đức Giêsu, chứ không mở rộng đến toàn bộ thân thế và sự nghiệp của Người, và dĩ nhiên là cũng không quan tâm đến ý nghĩa của việc phục sinh trong kế hoạch cứu độ.

        Một sự chuyển hướng quan trọng trong thế kỷ XX được đánh dấu bởi tác phẩm của cha Francois Xavier Durrwell CssR, La Résurrec­tion de Jésus mystère de salut. Étude biblique (Le Puy-Lyon 1950)[2] : chúng ta được mời gọi không nên chỉ dừng lại ở « biến cố » phục sinh của Đức Giêsu nhưng là đọc lại toàn thể « thần học » phục sinh trong Tân ước. Thật vậy, Tân ước không chỉ đề cập đến sự phục sinh như một sự kiện riêng rẽ về việc Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, nhưng sự kiện đó còn là tiền đề cho tất cả các trình luật lịch sử, các bản tuyên xưng đức tin, các lời giảng của các tông đồ, sự hiện hữu của Giáo hội và công cuộc loan báo Tin mừng. Sự phục sinh của Đức Kitô là sự mặc khải chung quyết của Thiên Chúa như là Thiên Chúa của sự sống, và Ngài muốn cho loài người được chia sẻ sự sống vĩnh cửu với mình.

        Chúng ta hãy theo dõi thần học phục sinh dựa trên các bản văn của Tân ước. Chúng ta sẽ lần lượt rảo qua tương quan giữa sự phục sinh với Đức Kitô, tương quan giữa sự phục sinh và mầu nhiệm Thiên Chúa Tam vị, cuối cùng tương quan với toàn thể lịch sử cứu độ sẽ được hoàn tất vào thời cánh chung.

I. Sự phục sinh với mầu nhiệm Đức Kitô

       Sau vài nhận xét về từ ngữ, chúng ta sẽ phân tích các khía cạnh phong phú được gói ghém trong việc tuyên xưng Đức Kitô phục sinh trong Tân ước, cả về phía khách thể cũng như về phía chủ thể, nghĩa là cách thức con người được tham dự vào sự phục sinh ấy.

   A. Nhận xét về từ ngữ

       Tân ước diễn tả niềm tin của Hội thánh vào sự phục sinh của Đức Kitô qua các bản văn mang nhiều hình thức.

          – Tuyên xưng đức tin, hoặc ngắn (Pl 2,11; Rm 10,9-11) hoặc dài (1 Tx 1,9-10; Rm 1,1-4); trọn vẹn nhất là 1 Cr 15,1-11);

          – Các bài giảng kerygma của thánh Phêrô và Phaolô trong sách Tông đồ công vụ (2,14-36; 3,12-26; 4,8-12; 5,29-32; 10,34-43; 13,16-41);

          – Các trình thuật Chúa Kitô hiện ra với các tư nhân (Mt 28,9-10; Lc 24,13-55; Ga 20,11-18.24-29) và với các tông đồ (Mt 28,16-20; Le 24,36-53; Jn 20,19-25);

         – Các thánh thi (Pl 2,6-11; Cl 1,15-20; Ep 1,20-22; 1 Tm 3,16; 1 Pr 3,18-22; Hr 1,3-4)[3].

         Chúng tôi không đi sâu vào việc phân tích đặc tính của các bản văn vừa kể[4], những chỉ ghi nhận việc sử dụng vài từ ngữ căn bản để diễn tả sự phục sinh của Đức Kitô.

Hiệu quả của sự phục sinh được mô tả qua các động từ: trỗi dậy, sống lại; tôn vinh;  siêu thăng; ban sự sống; tôn làm Kyrios, đặt làm Con Thiên Chúa. Những động từ này không chỉ nói đến tương quan với cái chết, nhưng nhất là còn hướng đến đời sống mới trong tương quan với Thiên Chúa. Chúng ta có thể xếp các động tự này vào ba nhóm như sau:

1) Liên quan đến cái chết, các bản văn cổ nhất sử dụng các động từ “egeíró” và “anístémi”(từ đó có danh từ anástasis tiếng Hy-lạp, và resurrectio tiếng La-tinh)[5], có nghĩa là: đứng lên, trỗi dậy, phục sinh, sống lại. Chủ từ hoặc là Thiên Chúa, hoặc là Đức Giêsu. Đức Giêsu đã chết và bây giờ đã “thoát khỏi cái chết”

2) Nhóm thứ hai nói đến sự chuyển đổi sang tình trạng mới, tức là đời sống của Thiên Chúa. Đó là các từ ngữ:

 – “tôn vinh” (doxazein): làm vinh danh, đi vào vinh quang (Lc 24,26: Cv 3,13; Ga 17,1). Đức Kitô đã chiến thắng sự chết và chia sẻ vào đời sống bất diệt của Thiên Chúa. Trong Cựu ước, vinh quang (kabod tiếng Hip-ri và doxa tiếng Hy-lạp, gloria tiêng La-tinh) là một đặc trưng của Thiên Chúa; nhằm diễn tả việc Thiên Chúa mặc khải thì Kinh thánh nói “Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang” (Xh 40,34; 2Sb 5,14);

– “siêu tôn” (hypsô), nâng lên: Đức Kitô được nâng lên, đặt  ngồi bên hữu Chúa Cha, nghĩa là chia sẻ vinh dự ngang hàng với Chúa Cha, sau khi đã trải qua điều kiện làm tôi tớ phục vụ (Cv 2,33; Pl 2,9). Tư tưởng lấy từ thánh vịnh 110: “Sầm ngôn của Giave ngỏ cùng Chúa Thượng tôi, bên hữu Cha đây con lên ngự trị”.

3) Nhóm thứ ba không những nói đến sự thông phần vào quyền năng và vinh quang Thiên Chúa mà còn đề cao vai trò của Đức Kitô đối với thế giới. Đó là từ ngữ: “Đầng Hằng sống” (Lc 24,5; Kh 1,18), làm “Chủ tể của kẻ sống và kẻ chết” (Rm 14,9; Kh 1,18). Người là Đấng khơi nguồn sự sống (Cv 3,15) Nên lưu ý là mỗi khi nói đến đời sống thần linh, bản văn Tân ước tiếng Hy-lạp dùng từ zoê , hoàn toàn khác biệt với bios (sự sống thể lý).

Tước hiệu Đức Kitô là “Kyrios” (Chủ tể) có thể hiểu theo chiều hướng đó: Người được đặt làm Chủ tể muôn loài, và muôn loài phải bái quỳ tôn thờ Người (Pl 2,9-11; Rm 10,9). Một cách tương tự như vậy, Rm 1,4, viết rằng nhờ sự phục sinh “Đức Giêsu được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Ý nghĩa của lời khẳng định này sẽ được giải thích dưới đây).

Qua việc sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau, Tân ước cho thấy rằng sự phục sinh của Đức Kitô là một biến cố huyền diệu. Đây không phải là chuyện sống lại (cải tử hoàn sinh) như trường hợp ông Ladarô, nhưng còn là một sự biến đổi căn tính của Đức Kitô: từ địa vị người tôi tớ khiêm hạ, Người được nâng lên, chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa và trở nên nguồn sự sống như Thiên Chúa.

   B. Nội dung: những chiều kích thần học của sự phục sinh

Để làm rõ thêm vấn đề, chúng ta thử vạch ra những chiều kích khác nhau của biến cố này: chiều kích Thiên Chúa, Đức Kitô, tông đồ, cứu độ, cánh chung, Giáo hội.

1/ Chiều kích Thiên Chúa

Tất cả mọi hoạt động của Đức Giêsu đều quy về Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng tác động nơi Dức Giêsu và chứng thực cho Người bằng những điềm thiêng dấu lạ (Cv 2,22). Thiên Chúa là Đấng đã thực hiện chương trình cứu độ qua cái chết của Đức Giêsu bởi những người Do thái và dân ngoại (Cv 4,27-28). Thiên Chúa đã chứng thực công trình của Đức Giêsu khi cho Người được sống lại (Rm 4,25). Như vậy đối tượng chính của việc tuyên xưng đức tin Kitô giáo là Thiên Chúa đã tác động nơi Đức Giêsu khi đưa Người lên với mình, lật ngược hành động của những kẻ đã giết Người. Ta thấy có sự liên tục giữa lời giảng của Đức Giêsu với cộng đoàn các môn đệ sau cuộc phục sinh: Thiên Chúa luôn hành động qua Đức Giêsu để cứu độ nhân loại. Thiên Chúa là Đấng đã làm cho Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết  (Rm 4,24; 8,11; 1 Cr 6,14; 2 Cr 4,14; Gl 1,1; Cl 2,12; Cv 13,33; 17,31). Sự phục sinh là sự mặc khải cuối cùng của lịch sử cứu độ, khởi đi từ việc tạo đựng vạn vật từ hư vô (Rm 4,17), đã gây dựng một dân tộc đông đảo từ hai ông bà Abraham và Sara cao tuổi, Đấng đã đưa Đức Giêsu ra khỏi cái chết cũng sẽ là Đấng ban cho những kẻ chết được sống lại và làm cho người tội lỗi trở nên công chính (Rm 4,13-25). Điều đó cho thấy rằng Thiên Chúa là “Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết (Mc 12,27). Điều mà Thiên Chúa tác động nơi Đức Giêsu cũng là điều Ngài tác động cho nhân loại qua Đức Giêsu (Ga 2,19.21; 10,17-18; Lc 24,34; 1 Tx 4,14). Thiên Chúa mặc khải như là Đấng gần gũi yêu thương nhân loại, và muốn đưa họ đến mục tiêu tối hậu là cho họ được thông dự vào sự sống của ngài.

2/ Chiều kích Đức Kitô

Nếu sự phục sinh tiên vàn là một hành động của Thiên Chúa, thì Đức Giêsu chính đối tượng của hành động ấy. Hành động của Thiên Chúa mang tính cách thiết lập, biện minh, giải thích và biểu lộ Đức Giêsu.

a) Thiết lập

Nhờ sự phục sinh, căn tính vĩnh viễn của Đức Giêsu được thiết lập. Dù là Ngôi vị Thiên Chúa hằng hữu, nhưng qua cuộc nhập thể, Người đã chấp nhận một nếp sống phàm nhân. Giờ đây, với sự phục sinh, Người đạt được căn tính toàn vẹn, từ chỗ là Ngôi Lời không thể xác (Logos asarkos) đến chỗ là Ngôi Lời có thể xác (Logos ensarkos). Một cách cụ thể hơn, Tân ước nói rằng nhờ sự phục sinh, Đức Giêsu được thiết lập làm Đấng Mêsia, Kyrios, Con (Cv 2,36; Rm 1,4).

   – Đức Giêsu trở thành Đấng Mêsia bời vì từ nay sự cứu độ đã được thành tựu nơi bản thân của Người, chứ không chỉ được loan báo bằng lời giảng. Nơi sự phục sinh, quyền năng của Vương quốc Thiên Chúa được thể hiện, mở đầu với sự chiến thắng cái chết. Kể từ này danh hiệu Mêsia (Kitô) được gắn liền với danh xưng Giêsu, thậm chỉ biến thành tên riêng (Đức Kitô), ám chỉ chức vụ của Người là Đấng cứu độ nhân loại.

   – Đức Giêsu được thiết lập làm Kyrios (Chủ tể): Nhân tính hiển vinh của Người hiện diện trong Hội thánh và thế giới, trở thành nguồn mạch sự sống. Người cũng giữ vai trò chuyển cầu cho nhân loại trước mặt Thiên Chúa, và trở thành sức mạnh cho những ai tin vào Người.

   – Đức Giêsu được thiết lập làm Con Thiên Chúa. Tuy vẫn là Con Thiên Chúa từ muôn đời, nhưng nay Người trở thành Con trong hình thức nhập thể. Do cuộc nhập thể, Người đã trở nên người con luôn tùng phục Chúa Cha đến nỗi chấp nhận cái chết, và giờ đây do cuộc phục sinh, nhân tính của Người được Thiên Chúa chấp nhận vĩnh viễn.

           Đoạn văn then chốt của vấn đề này là Rm 1,1-4. Chủ từ của các lời khẳng định là “Con của Thiên Chúa” (1,3a), với hai tuyên ngôn: một bên liên quan đến điều kiện khiêm tốn trong lịch sử  (1,3b: xét theo xác thể – kata sarka, thuộc dòng dõi Đavit); một bên liên quan đến điều kiện vinh quang (1,4: được thiết lập làm con của Thiên Chúa kể từ sự phục sinh nhờ thần khí thánh thiện – kata pneuma).

Trong lịch sử thần học, thuyết dưỡng tử (adoptionismus) đã giải thích đoạn văn này theo nghĩa là Đức Giêsu là một con người bình thường, nhưng được “thiết lập” làm con do cuộc phục sinh. Còn Giáo hội hiểu rằng Đức Giêsu tuy đã là Con Thiên Chúa, đã đi vào lịch sử Do thái khi đặt mình thuộc dòng dõi Davit, nhưng nhờ cuộc phục sinh, đã được Thánh Thần biến đổi thành Con theo nghĩa trọn vẹn hơn: Con vừa hằng hữu vừa nhập thể[6].

Như vậy chúng ta có thể khẳng định rằng con người Giêsu, được thiết lập cách vĩnh viễn làm Mêsia, Kyrios, Con Thiên Chúa trong sự phục sinh do tác động của Thần khí (Rm 1,4; Cv 2,36), Người trở thành hiện thân của Vương triều, Giao ước, Ơn cứu độ.

b) Biện minh

Sự phục sinh là phán quyết qua đó Thiên Chúa biện minh cho Đức Giêsu trước những kẻ tố cáo Người. Khi tiếp nhận Đức Giêsu, Thiên Chúa chứng tỏ rằng Đức Giêsu đã nói về Ngài cách chính xác chứ không lộng ngôn phạm thượng; Người hoạt động nhờ quyền năng Thần khí chứ không do quyền lực ma quỷ hay phù phép. Đức Giêsu không phải là kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa  khi bị treo trên cây gỗ dựa trên đoạn văn Đnl 21,23, nhưng là kẻ được Thiên Chúa chúc lành. Thiên Chúa đồng hóa lời giảng của Đức Giêsu như là lời của Ngài. Nhờ cuộc phục sinh Thiên Chúa chứng thực Đức Giêsu như là Người Con và Sứ giả của Cha.

c) Giải thích

Đức Giêsu không đặt nền tảng sứ điệp của mình trên sự giải thích Cựu ước giống như các rabbi, và không thiếu lần Người đã chỉnh sửa cách giải thích của họ. Mặt khác, Người cũng tìm thấy nhiều hình ảnh trong các sách ngôn sứ và khôn ngoan ám chỉ bản thân mình. Sự phục sinh đã chứng thực rằng các lời ngôn sứ ấy chuẩn bị để hiểu Tin mừng. Một thí dụ là trong cuộc đàm đạo với các môn đệ trên đường Emmaus, Người đã giải thích cho các ông hiểu những đoạn sách mà Mosê và các ngôn sứ có liên quan tới minh (Lc 24,27). Điều này cũng được lặp lại khi hiện ra với các tông đồ: Người mở trí cho các ông hiểu Kinh thánh (Luật Mose, các sách ngôn sứ và các thánh vịnh), bởi vì nay đã được ứng nghiệm nơi cuộc khổ hình và phục sinh của Người (Lc 24,44-48). Từ đó ta hiểu được vì sao thánh Gioan viết trong Tự ngôn Tin mừng: “Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mosê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có. Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng có ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã giải thích (exégexato) cho chúng ta” Ga 1,17-18).

d) Tỏ hiện

Nhờ những lần hiện ra của Đức Giêsu và sự hiện điện của Người trong Giáo hội, sự phục sinh đã mở ra cho các tông đồ sự hiểu biết về căn tính của Người. Thiên Chúa không mặc khải những chân lý mới mẻ về Đức Giêsu, nhưng tỏ cho các tông đồ biết rõ ý nghĩa của cuộc đời của Người, sự tử nạn  và “quyền năng của sự phục sinh” (Pl 3,10). Tiếp theo giai đoạn ẩn mình và khiêm hạ là giai đoạn tỏ hiện và tôn vinh. Sự phục sinh của Đức Giêsu tạo ra một ý thức mới nơi các tông đồ về bản tính của Người. Điều này không phải là kết quả của một sự suy diễn trí tuệ, nhưng là nhờ ánh sáng đức tin. Các thế hệ tiếp theo thời các tông đồ không còn được thấy Đức Giêsu nữa, nhưng vẫn được tiếp tục lãnh nhận ơn đức tin: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Có một chân phúc dành cho những ai thấy một con người nhưng nhận ra Đấng Mêsia (Mt 16,17); và chân phúc này mở rộng cho những ai không thấy Người nhưng vẫn tin Người. Tin vào Chúa Kitô vẫn luôn là kết quả của mặc khải và ân sủng.  Đoạn văn sau đây diễn tả cốt yếu của mọi sự hiểu biết của người Kitô hữu: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa giáp mặt mà lòng vẫn kính tín. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin là ơn cứu độ con người” (1Pr 1,8-9). “Thiên Chúa Chúa đã đoái thương mặc khải Con của Ngài cho tôi” (Gl 1,16).

3/ Chiều kích tông đồ

Như vừa nói, sự phục sinh “tỏ hiện” căn tính của Đức Giêsu. Điều này tác dụng đặc biệt ở nơi các thánh tông đồ, những người đã chung sống với Người từ ba năm qua. Sự phục sinh chiếu dọi ánh sáng lên toàn thể cuộc đời của Người. Không những họ nhận ra Người hiện đến với họ (chứ không phải là ma), và đồng thời Người là Đấng mà họ đã kề cận trong suốt ba năm qua; nay họ nhận được ánh sáng nhờ đó họ hiểu rõ hơn lời giảng và hành động của Người[7]. Trước đây, họ đã nghe Người rao giảng vương quốc Thiên Chúa, nhưng nay họ nhận ra rằng Vương quốc ấy được thành tựu nơi bản thân của Người. Nhờ sự phục sinh, họ hiểu rõ hơn ý nghĩa của thập giá nhờ đó Người thực hiện sứ mạng của mình. Trước đây, họ mường tượng Người sẽ thực hiện chức vụ Mêsia giống như một vị vua oai hùng, và không thể chấp nhận  hình ảnh của một người tôi tớ đau khổ (x. Mc 8,33). Giờ đây họ đã nhận ra rằng thập giá là nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan và quyền năng (x. 1Cr 1,18-4.30). Thập giá không còn là duyên cớ vấp phạm nữa.

Mặt khác, sự phục sinh tái lập cộng đoàn các tông đồ. Vào lúc Đức Giêsu bị bắt, các tông đồ chạy tán loạn. Đức Kitô phục sinh đã quy tụ họ lại, tha thứ sự phản bội của họ, đồng thời ủy thác cho họ một sứ mạng mới, đó là họ phải đi rao giảng Tin mừng về Đức Kitô, Đấng đã chịu chết vì tội lỗi nhân loại, và đã sống lại để cứu độ nhân loại (x. 1Cr 15,3).

4/ Chiều kích cứu độ

Sự phục sinh của Đức Kitô được cảm nhận như là khởi đầu của sự phổ sinh phổ quát. Đức Giêsu là hoa trái đầu mùa (aparkhê) mở đường cho những người chết sẽ được sống lại: “cũng như tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhơ một người mà kẻ chết được sống lại” (1 Cr 15,20-23; Rm 5,12-18). Đức Kitô là trưởng tử của tạo dựng mới và nhân loại mới (Cv 1,6; Cl 1,18; Kh 1,18; Rm 8,29); căn nguyên cứu độ cho hết mọi người (Hr 5,9); kẻ tiên phong, một khi đã vào đất hứa, thì kéo theo cả một đoàn lữ hành bao gồm toàn thể nhân loại (Hr 12,2); người thứ hai từ trời mà đến, ông Ađam cuối cùng là thần khí làm cho muôn loài được sống  (1 Cr 15,44-49). Kể từ đây số phận loài người và số phận Đức Kitô gắn chặt với nhau, đến nỗi hễ ai tuyên bố rằng những người chết không sống lại thì đương nhiên cũng tuyên bố Đức Kitô đã không sống lại (1 Cr 15,18). Nếu không có sự sống lại của Đức Kitô và của chúng ta thì đức tin của chúng ta  sẽ trở nên hão huyền; chúng ta sẽ không được trở nên công chính, và vẫn ở trong tình trạng tội lỗi (1 Cr 15,14.17-19). Nơi Dức Kitô được phục sinh, Thiên Chúa mặc khải minh như là Thiên Chúa của hy vọng, của an ủi và bình an, cũng như là Đấng làm cho chúng ta trở nên công chính (Rm 15,5.13.33; 16,20; 2 Cr 13,11; Pl 4,7-9; 1 Tx 5,23; 2 Tx 3,16). Đấng Phục sinh là kẻ bảo vệ cho chúng ta trước sự phán xét của Thiên Chúa (1Tx 1,10). Người là Amen, lời nói cuối cùng của Thiên Chúa dành cho thế giới, tức là lời cứu độ (2 Cr 1,20; Kh 3,14).

Ơn cứu độ của Kitô giáo dựa trên sự liên đới của Đức Kitô với chúng ta, với vạn vật trong tương quan với Thiên Chúa: Đức Kitô là tặng phẩm mà Thiên Chúa ban cho nhân loại cách dứt khoát vĩnh viễn.

Đức Giêsu, được Chúa Cha làm trỗi dậy để cứu độ chúng ta, trở thành:

– “Hoa trái đầu mùa cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,20).

– “Thần khí ban sự sống” (1 Cr 15,45).

 – “Trưởng tử của những kẻ sống lại từ cõi chết” (Col 1,18).

– “Người đầu tiên trỗi dậy tư cõi chết (Kh 1,5)

– “Căn nguyên cứu độ vĩnh cửu cho người kẻ vâng phục người” (Hr 5,9)

– “Hoàn tất niềm hy vọng về những người chết sẽ sống lại”, báo trước sự thành tựu (Cv 4,2).

Đức Giêsu sống lại như là trưởng tử của nhân loại mới. Sự sống lại của Người truyền đạt sức mạnh cho toàn thể chúng ta.  Kể từ nay, Người sống liên đới với chúng ta, hay đúng hơn, nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô, chúng ta “cùng” (syn) chia sẻ thân phận với Người: cùng chịu khổ, cùng chịu đóng định, cùng chết, cùng được an táng với Người, để rồi cùng được phục sinh và sống với Đức Kitô (x.  Rm 6,8; Ep 2,6; 2Tm 2,11). Cuộc đời người Kitô hữu là sự liên kết với sự chết của Đức Kitô để thông sự vào sự sống lại của Người.

5/ Chiều kích cánh chung

Các tác giả Tân ước trình bày cuộc phục sinh của Đức Kitô với những từ ngữ mà Cựu ước diễn tả những thực tại cánh chung. Những gì mà người ta tin rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện vào lúc kết thúc lịch sử thì nay đã được thực hiện nơi cuộc phục sinh của Đức Kitô: việc thiết lập triều đại Thiên Chúa, sự phán xét, sự phục sinh kẻ chết … thì nay đã trở thành hiện thực. Nơi sự phục sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa đã bày tỏ ý nghĩa cuối cùng của kế hoạch cứu độ, đó là cho nhân loại được hoà giải với Người và được chia sẻ đời sống thần linh.

6/ Chiều kích Giáo hội

Như đã nói trên đây, sự phục sinh của Đức Kitô chiếu một luồng sáng mới để các tông đồ hiểu rõ ý nghĩa của các lời giảng và việc làm của Đức Kitô. Sự phục sinh cũng đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đời của các tông đồ. Họ được quy tụ lại, được giao hoà và được trao một sứ mạng mới là rao giảng Tin mừng về Đức Giêsu. Như vậy, nói được là thời điểm khai sinh Giáo hội. Giáo hội có nhiệm vụ rao giảng kerygma về Đức Giêsu tử nạn và phục sinh. Giáo hội là nơi chuyển thông các hồng ân cứu độ của Đức Kitô cho nhân loại, như sẽ nói dưới đây.

   C. Tiếp cận Đức Kitô phục sinh

Sự phục sinh của Đức Kitô không phải là một sự kiện thuộc về quá khứ. Đức Kitô phục sinh tiếp tục hiện diện trong thế giới và trong cộng đoàn các môn đệ. Các môn đệ tiên khởi được diễm phúc vì được thấy Chúa phục sinh hiện ra. Nhưng những thế hệ sau đó cũng được phúc không kém khi họ tin vào Đức Kitô tuy dù không thấy (Ga 20,29). Bằng cách nào họ có thể gặp Đấng phục sinh? Có những cảm nghiệm nào cho phép chúng ta tiếp cận với Đức Kitô phục sinh không? Chúng ta có thể xếp vào hai nhóm: 1/ Những cảm nghiệm trong đời sống Hội thánh. 2/ Những cảm nghiệm nhân sinh.

1/ Những cảm nghiệm trong đời sống Hội thánh

Trên đây, chúng ta đã nêu bật sự khác biệt giữa sự phục sinh của ông Ladaro và sự phục sinh của Đức Giêsu. Ông Ladaro sống lại và trở về cuộc sống trần thế. Đức Giêsu sống lại nhưng Người đi vào cuộc sống thần linh, đi vào sự sống của Thiên Chúa, Người được đặt làm Kyrios, nguồn mạch sự sống. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Người chẳng còn liên lạc gì với cuộc sống của các môn đệ. Ngược lại là khác, Người tỏ ra liên đới với số phận của các môn đệ, đến nỗi coi việc ông Saulô bách hại các Kitô hữu như là bách hại chính Người (Cv 9,4-5). Đức Kitô phục sinh luôn hiện diện với các môn đệ cho đến ngày tận thế (Mt 28,20). Tân ước kể lại cho chúng ta vài cảm nghiệm căn bản về sự hiện diện này.

a) Lễ tạ ơn

Hầu hết những lần Chúa hiện ra đều liên quan đến khung cảnh phụng vụ. Tất cả cuộc đời Kitô hữu ghi nhớ cuộc sống lịch sử của Đức Giêsu qua hai hình thức then chốt là bí tích rửa tội và bí tích Thánh Thể. Bí tích rửa tội đưa con người vào chỉa sẻ cái chết và sống lại của Đức Giêsu, và nếu chúng ta thông phần phần vào cái chết của Người thì chúng ta cũng sẽ thông phần vào đời sống mới (Rm 6,4-5). Bí tích rửa tội đồng hóa chúng ta với thân phận của Đức Kitô, còn bí tích Thánh thể đưa chúng ta vào thông dự các hoa trái cứu độ của Người, tháp nhập chúng ta vào thân thể của Người là Hội thánh, nhờ đó chúng ta có thể hiệp thông với bản thân Người. Qua trình thuật việc Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-35), thánh Luca cho thấy việc bẻ bánh là nơi gặp gỡ đặc biệt nhất với Đấng phục sinh. Thật ngữ “bẻ bánh” ám chỉ nghi thức phụng vụ cử hành Thánh Thể (Cv 2,42.46; 20,7.11), nơi mà các tín hữu họp nhau trước mặt Chúa (Lc 24,15-24), nghe giải thích Sách Thánh (Lc 24,25-27). Trong mỗi lần “bẻ bánh”, Đức Kitô hiện diện như người chủ tiệc, bẻ bánh và chỉa sẻ cho chúng ta; đồng thời Người cũng chính là tấm bánh được bẻ ra. Các môn đệ nhận ra Người (Lc 24,30), và họ bắt đầu đi loan báo cho người khác (Lc 24,33-35). Đón nhận bánh Thánh Thể là đón nhận Người (x. Kh 3,20), đi theo con đường của Người.

b) Đi theo Chúa

Phàm ai sống theo Tin mừng thì cũng cảm nhận những hoa trái của sự hiểu biết và hoạt động mà Tin mừng mang lại: “Khi chúng tôi loan báo Tin mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa” (1Tx 1,5). Phàm ai để cho Tin mừng phát triển hoa trái trong tâm thức, ý muốn và hành động của mình thì sẽ biết Đức Giêsu. Từ đó họ có thể đạt đến cảm nghiệm về Đức Kitô phục sinh, cảm nghiệm về quyền năng sự hiện diện của Người, giống như thánh Phaolô: sự mặc khải của Đức Kitô đã biến đổi ông nên con người mới, hân hoan tín thác vào Thiên Chúa, bất kể những thử thách trên đời.

c) Đời sống tin cậy mến

Sự tham dự vào Thánh thể với Hội thánh và việc đi theo gắn bó với Đức Kitô được bổ túc với việc định hướng toàn thể cuộc đời dưới ánh sáng của Người. Thực tại cánh chung của Người cũng đòi hỏi một thái độ cánh chung ở nơi người môn đệ: vươn lên trên thế giới hữu hình, không coi nó là tuyệt đối, vạch trần những ngẫu tượng luôn luôn đe dọa thống trị đời sống của mình, không để cho mình bị thu hút bởi những quyền rũ trước mắt, thanh luyện mình để nên thánh (x. 1 Ga 3,3; 1Pr 1,15; 2 Pr 3,11).

Nói cách khác, cuộc đời của người Kitô hữu được định hướng bởi ba nhân đức: tin, cậy, mến. Khởi đi từ đức tin như là hồng ân được Thiên Chúa ban lúc lãnh bí tích thanh tẩy, người Kitô hữu nhận ra những thực tại mới dựa trên sự phục sinh của Đức Kitô; họ sống niềm tin ấy qua việc thực hành yêu thương, tiêu chuẩn để họ được Người nhìn nhận trong ngày chung thẩm; và nhờ đức hy vọng, họ trông mong sớm thực hiện lời hứa của Thiên Chúa sẽ thiết lập trời mới đất mới.

2/ Từ những cảm nghiệm nhân sinh

Kitô giáo nhìn nhận rằng sự phục sinh của Đức Kitô đáp ứng những khát khao thầm kín mà con người ấp ủ trong lòng. Vì thế có thể nói đến một sự tiếp cận nhân sinh với sự phục sinh, qua con đường siêu việt, con đường tương quan, con đường lịch sử [8].

a) Con đường siêu việt: hy vọng

Con người khát khao muốn biết ý nghĩa cuộc đời. Con người cần có một mục tiêu để sinh sống và hoạt động, chứ không thích hỗn độn. Con người hướng đến cái đẹp, tình yêu. Thế nhưng sự chết làm tắt hết những hy vọng đó. Con người cảm thấy bị đe dọa trầm trọng sẽ bi tiêu hủy, không chỉ lo sợ sự tiêu hủy các ước mơ mà thôi, mà còn tiêu hủy cả cuộc đời của minh. Vì thế con người mong mỏi có ai đó mở ra cho minh một lời giải đáp về tương lai cuộc sống, mở ra một chân trời hy vọng, để từ dó họ có thể đảm nhận trách nhiệm xây dựng cuộc đời mình.

b) Con đường tương quan: tình yêu

Tình yêu và hy vọng gắn liền với nhau. Con người không thể nào sống mà không có tình yêu hay không có hy vọng. Thật khó nói cái nào quan trọng hơn. Dù sao, tình yêu không chấp nhận cái chết của người yêu. Đâu có tình yêu ngự trị thì không có chỗ cho sự chết, như triết gia Gabriel Marcel đã viết: “Yêu ai có nghĩa là nói với họ: bạn sẽ không chết”[9]. Bởi vì chúng ta đã được yêu một lần nào đó, cho nên cái chết xem ra bất nhân và tàn bạo. Nếu ai chưa từng dược yêu và khi chết họ chưa biết tình yêu là gì thì đối với họ, sống và chết cũng như nhau. Có lẽ đối với họ, chết thì tốt hơn vì nó giúp họ giải thoát khỏi sự sống vô nghĩa. Nhưng sự thực không phải như vậy: con người không thể sống mà không được ai đó yêu mình. Tình yêu mở ra một ý nghĩa cho đời sống; con người muốn cho tình yêu  tồn tại mãi. Đó là khát vọng phục sinh. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì tiếng nói cuối cùng là tình yêu chứ không phải là cái chết. Và đó là ý nghĩa của sự phục sinh[10].

c) Con đường lịch sử: công bình

Lịch sử nhân loại là lịch sử của đau khổ và bất công. Từ sách Giảng viên cho đến các triết gia cận đại, tất cả đều đau đớn nhìn nhận rằng thế giới đầy dẫy những nạn nhân vô tội, và những tên bất lương ung dung ngồi ghế cai trị. Công lý không ngự trị trên mặt đất  này. Từ đó nảy ra câu hỏi: Đó có phải là tiếng nói cuối cùng của lịch sử không? Phải chăng ác nhân cứ mãi chèn ép người vô tội? Bao nhiêu chương trình cải tổ đã được đề ra đạt tới một xã hội công bình, không giai cấp. Dù cho các kế hoạch ấy có thành tựu đi nữa, nhưng làm thế nào trả lại công bình cho các nạn nhân đã chết? Sự công bình đòi hỏi phải có một sự phân xử cho những nạn nhân oan uổng. Sự phục sinh của Đức Kitô đã cho phép hy vọng điều ấy. Đức Giêsu đã bị kết án tử hình cách oan uổng vì tội phạm thượng, nhưng Thiên Chúa đã trả lại công lý cho Người. Việc tưởng nhớ Đức Giêsu chịu chết và sống lại đã nuôi dưỡng niềm tin tưởng cho bao nhiêu người dấn thân vì chính nghĩa, bởi vì họ chắc rằng sự hy sinh của họ không uổng công.

Dù sao đi nữa, để có thể tiếp cận sự phục sinh của Đức Kitô, những lý luận tự nhiên không đủ: những khát vọng bất tử, tình yêu, công lý nằm trong thâm tâm con người; nhưng để trở thành hiện thực, cần phải có niềm tin vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người và muốn cho con người được sống. Sự phục sinh của Đức Kitô không nằm trong logic của sự tiến triển lịch sử, nhưng là kết quả của sự can thiệp đầy yêu thương của Thiên Chúa.

II. Từ mầu nhiệm Đức Kitô phục sinh đến mầu nhiệm Thiên Chúa tam vị

   Trong phần thứ nhất, chúng ta đã chú ý đến tương quan giữa Thiên Chúa với Đức Giêsu. Trong cuộc phục sinh, người tôi tớ vâng phục đã được nâng lên, đặt bên hữu Chúa Cha, và được tôn làm Kyrios, thông dự vào vinh quang và sự sống của Chúa Cha. Trong phần này, chúng ta tìm hiểu tương quan của  Đức Giêsu với Thần khí (Thánh Linh). Trước đây trong giai đoạn ở trên thế, Đức Giêsu được Thần khí thúc đẩy đi loan báo Tin mừng và thực hiện những dấu lạ của triều đại Thiên Chúa. Sau khi phục sinh, Đức Kitô trao ban Thần khí cho Giáo hội và thế giới. Từ đó có thể nói rằng sự phục sinh của Đức Kitô đã mặc khải Thiên Chúa Tam vị[11].

   A. Đức Giêsu được Thần khí thúc đẩy và phái cử Thần khí

Cựu ước đã nói nhiều đến tương quan giữa Thần khí với nhà vua hậu duệ của Đávit, với người Tôi tớ huyền nhiệm, và cuối cùng với Đấng Mêsia[12]. Trong Tân ước, Luca và Gioan nhấn mạnh đặc biệt đến tương quan giữa Thần khí với Dấng Mêsia.

Theo Tin mừng Gioan, vị Tẩy giả đã thấy Thần khí đáp xuống tên Đức  Giêsu, chứng thực rằng Người là Mêsia và là Con (Ga 1,33-34; xc. Rm 1,3-4; Mc 14,61). Tin mừng Luca 4,18-19 mô tả sứ vụ của Đức Giêsu được khai mạc tại hội đường Nazareth với việc trích dẫn Is 61, 1-2 đồng hóa Người với Đấng Mêsia: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Giavê đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Những đoạn văn này cho thấy Thần khí hiện diện thường xuyên nơi Đức Giêsu, chứ không phải ngẫu nhiên. Thần khí biến đổi Dức Giêsu thành tác viên của hành động Thiên Chúa trong thế giới.  Tư tưởng này còn được nhắc lại trong Cv 10,38, tóm tắt tất cả sứ mạng của Đức Giêsu:”Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi lẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”.

Thật vậy, Luca đã nhắc đến tác động của Thần khí trên Đức Giêsu qua nhiều chặng của cuộc đời: ngay từ lúc nhập thể trong lòng đức trinh nữ Maria (Lc 1,35), lúc lãnh phép rửa ở sông Giordano (Lc 3,22) rồi dưa vào hoang địa (Lc 4,1). Với sức mạnh của Thần khí, Dức Giêsu trừ quỷ và qua đó cho thấy Vương quốc đang tác động trên thế giới (Lc 11,20; Mc 1,9-15).  Được thần khí Chúa thúc đẩy, Đức Giêsu dâng mình cho Chúa Cha như hy tế vẹn toàn (Hr 9,14).

Tác động của Thần khí trên Đức Giêsu khởi đầu từ lúc nhập thể được hoàn tất với sự Phục sinh (Rm 1,4, Cv 13,33, Hr 1,5, 5,5). Nếu đã nói được là Người nhập thể bởi thần khí thì cũng có thể nói được là Người phục sinh bởi Thần khí. Chúa Cha cho Con trỗi dậy nhờ Thần khí và cũng nhờ Thần khí ấy mà cho các tín hữu được trỗi dậy.

“Thần khí của Dấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần khí của Người đang ngự trong anh em mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11).

“Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi -Đấng Công chính vì kẻ bất lương, hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần khi, Người đã được phục sinh” (1Pr 3,18).

“Mầu nhiệm đạo thánh thật là cao cả. Đức Kitô đã xuất hiện trong thân phận người phàm, được Thánh Thần chứng thực là công chính; Người được các thiên thần chiêm ngưỡng, và được loan truyền giữa muôn dân; Người được cả hoàn cầu tin kính, được siêu thăng cõi trởi vinh hiển” (1Tm 3,16; xc Rm 1,1-4).

Cũng như trước đây Thần khí tác động trong giai đoạn trần thế của Đức Giêsu bằng việc thực hiện các phép lạ, thì giờ đây Thần khí tác động trong cuộc phục sinh bằng việc biến đổi nhân loại.  Sự phục sinh là việc trút ban Thần khí trên Đức Giêsu cách sung mãn nhất, khi đưa nhân tính của Người đến tột đỉnh sự thông dự vào đời sống Thiên Chúa, cũng như kết nạp toàn thể nhân loại vào nhân tính vinh hiển của Đức Giêsu: “Nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2Cr 5,14-15).

Ta có thể tóm lại tương quan giữa Thần khí với Đức Giêsu theo ba cách: a) Đức Giêsu mang Thần khí; b) Đức Giêsu được biến đổi bởi Thần khí; c) từ khi phục sinh, Đức Giêsu trao ban Thần khí[13]. Cuộc đời công khai cho thấy Đức Giêsu được nâng đỡ bởi Thần khí, sự phục sinh cho thấy Người biến đổi bởi Thần khí vĩnh viễn bởi vì được đưa vào đời sống và quyền năng của Thiên Chúa; lịch sử Giáo hội sẽ cho thấy nhờ Thần khí Người tỏ hiện cho muôn dân nhờ sứ vụ và được đưa vào nội tâm các linh hồn. Nhờ sự phục sinh, Đức Kitô trút đổ xuống các môn đệ “Đấng đã được Chúa Cha hứa” (Lc 24,49). Từ đó Thần khí linh hoạt lịch sử của Hội thánh như là lịch sử sứ vụ.

Các bản văn Tân ước mô tả cuộc đời Đức Giêsu không chỉ như là kẻ được Thần khí thúc đẩy mà còn như là kẻ trao ban Thần khí. Ngay từ chương đầu tiên, Tin mừng Gioan thấy Thần khí “đáp xuống trên Đức Giêsu: chính Người sẽ rửa tội bằng Thần khí. Thần khí ngự trên Đức Giêsu, rửa tội trong Thánh Linh và làm Con Thiên Chúa, đó là ba thực tại được Gioan bao gồm trong một cái nhìn duy nhất (Ga 1,32-34). Tác giả biết rằng Đức Giêsu sẽ trút đổ sự sung mãn mà mình đã nhận được xuống cho những người khác, và chúng ta sẽ sống nhờ sự sung mãn ấy (Ga 4,14; 1,16). Điều này sẽ diễn ra vào lúc Dức Kitô phục sinh. Việc trút đổ Thần khí được diễn tả cách khác nhau nơi Luca và Gioan.

Thánh sử Luca phân thành hai chặng khác nhau: sự phục sinh và lên cùng Chúa Cha. Đức Giêsu lên cùng Chúa Cha, rồi mới nhận Thần khí để trao ban cho Hội thánh (Cv 2,33; 1,49). Còn Gioan lại kết hợp sự phục sinh, lên trời và Hiện xuống, cho nên Đấng Phục trao ban Thần khí cho Hội thánh vào chiều lễ Vượt qua (Ga 20,22), tuy cũng nói đến việc lên cùng Chúa Cha cần phải đi trước việc trao ban Thần khí [14].

   B. Sự phục sinh mặc khải Thiên Chúa tam vị

Với sự phục sinh, Đức Giêsu được chứng thực như là Đấng Kitô, Kyrios và Mêsia cũng như với việc đổ tràn Thần khí, chúng ta nhận được sự mặc khải về Thiên Chúa tam vị. Sự mặc khải này không diễn đạt bằng lời nói nhưng nhất là bằng những sự kiện. Cuộc phục sinh chứng thực và tỏ hiện Đức Giêsu như là Người Con mà Chúa Cha không bỏ rơi, được tuyên bố như là Đấng Công chính trước mặt những kẻ bất chính, được cứu thoát khỏi quyền lực sự chết, được hồi phục như là sự chúc lành cho nhân loại và ơn tha thứ cho các tội nhân: “Thiên Chúa đã cho Tôi trung của Người trỗi dậy để giúp anh em trước tiên, và sai đi chúc phúc cho anh em, bằng cách làm cho mỗi người trong anh em lìa bỏ những tội ác của mình” (Cv 3,26).

Như vậy sự phục sinh là tột đỉnh sự mặc khải về Thiên Chúa như là Đấng Tạo thành và nguồn gốc của sự sống, sự mặc khải về Đức Kirto như là Con, sự mặc khải về Thánh Linh như là nguyên ủy hợp nhất và tình trong Thiên Chúa, để rồi trở thành nguyên ủy hợp nhất và tình yêu giữa loài người. Sự phục sinh của Đức Kitô, như là dấu chỉ và căn nguyên của sự phục sinh phổ quát, là mục tiêu cuối cùng của kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa. Nhờ đó, sự thông ban đời sống thần linh cho nhân loại bằng cách lôi kéo vào mầu nhiệm Tam vị là mục tiêu của sự tạo dựng,

Đây là một sự chuyển hướng quan trọng trong thần học hiện nay, muốn giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa Tam vị khởi đi từ cuộc Vượt qua của Dức Giêsu, vượt lên cái chết và được tôn vinh là Con cùng với sự trao ban Thánh Linh [15].  Sự suy tư về cuộc phục sinh của Đức Kitô cần phải di trước khảo luận trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Tam vị theo truyền thống dựa theo thánh Tôma Aquinô[16]. Không ai chối được phương pháp giải thích mầu nhiệm cổ điển này, nhưng tiếc rằng lối trình bày này không minh nhiên đề cập đến sự phục sinh như là sự mặc khải của mầu nhiệm Thiên Chúa biểu lộ chính mình. Thực vậy, sự phục sinh không chỉ là giai đoạn dẫn nhập nhằm thu thập dữ liệu trước khi bước sang giai đoạn trình bày tổng hợp hệ thống. Đúng hơn, sự phục sinh là một donum, một quà tặng cần được đón nhận, và chi phối tất cả mọi suy tư hệ thống. Sự phục sinh biểu lộ câu chuyện Thiên Chúa ở với chúng ta một cách mới lạ. Ta có thể coi đó như là hồi ký của việc Thiên Chúa tự tỏ hiện, mà ta có thể diễn tả như thế này[17].

Chúa Cha đã quá yêu thương thế gian nên đã ban tất cả cho Con. Chẳng  hạn như trong Tin mừng Gioan, việc ban tặng của Cha thì vô hạn. Từ nguyên thủy, Cha đã trao ban dồi dào cho Con (Ga 3,35; 13,3; 17,7). Việc trao ban của Cha cho Con bao gồm danh thánh (Ga 17,11), vinh quang (Ga 17,22. 24), quyền năng trên tất cả mọi phàm nhân (Ga 17,2), được có sự sống “nơi mình” (Ga 5,26), hoạt động và những việc làm (Ga 5,36), những lời nói (Ga 17,8), quyền bính và sự xét xử (Ga 5,2.27), bất cứ điều gì mà Người Con xin (Ga 11,22), đến mức bao gồm cả những người tin trong hiện tại và tương lai (Ga 6,37.39; 10,29; 17,2.6.9.12.24; 18,9). Vì thế dường như Cha không có cách xuất hiện nào trên thế giới ngoài việc trao ban chính Con. Khi làm cho Con trỗi dậy từ cõi chết, Cha đã tôn vinh Con mình như là Kẻ xuất hiện và công bố của tình yêu trao ban mình quá mức  cho đến cực độ là thập giá.

Về phần Con, một khi đón nhận tất cả từ Chúa Cha, đã khước từ tất cả mọi căn tính trong thế gian ngoại trừ là sự mặc khải của Cha và thi hành ý muốn của Cha. Ngay cả khi điều này hàm ngụ một cuộc đụng độ với những thế lực ác thần đang thống trị thế giới chống đối minh, sứ vụ của Con là tôn vinh Cha như là Thiên Chúa duy nhất, chân thật và tạo dựng thế giới  cho dù nó không biết tới. Sứ vụ của Đức Giêsu được hoàn tất bởi việc thổi Thánh Thần. Việc  phái cử “Đấng Bầu cử khác” là “điều có lợi” tiếp theo việc Đức Giêsu ra đi và trở về với Cha.

Cả Cha và Con, sau khi kế hoạch thiên định của lịch sử dương thế của Đức Giêsu đã hoàn tất nơi cái chết và phục sinh của Người, thì nhường lại tất cả cho Thánh Linh, Đấng được Cha sai đến “để lấy những gì là của Thầy để loan báo cho anh em” (Ga 16,14). Thánh Linh khước từ hết mọi chức vụ và căn tính ngoại trừ việc dẫn đưa các môn đệ đến với Đức Kitô và thiết lập cộng đoàn những tín hữu thân thiết với Cha. Thánh Linh đến để “lên án” thế gian vì đã sai lầm khi khước từ tình yêu trao hiến và tha thứ được tặng ban cho mình (Ga 16,7-11). Đặc tính của Thánh Linh là phân định xét trong tương quan Đức Giêsu (1Ga 4,2-3), và trong sự “rên siết” khẩn nài trong sự rên siết của vạn vật và đời sống Kitô hữu, như vậy là mở rộng niềm hy vọng tới mức tối đa (Rm 8,22-27; Kh 22,17), niềm hy vọng hướng đến sự hoà giải muôn vật trong Đức Kitô, sự thay đổi toàn thể vạn vật (Ep 5,16; Cl 4,5).7

Những nét phác họa vừa nói cho thấy rằng sự phục sinh có một chiều kích Tam vị sâu đậm. Sự phục sinh của Con không thể nào tách khỏi việc tự hiến mình để làm vinh danh Cha; và cũng không thể nào bỏ qua sự trao ban cội nguồn của Cha được tỏ ra nơi sự tôn vinh Con như là đường cứu độ. Và quà tặng của Cha không thể nào được quý trọng đúng mức nếu thiếu chứng tá của Thánh Linh, Đấng khơi dậy nơi người tín hữu ý thức về sự sống luôn hướng tới sự sung mãn (Ga 10,10).

Biến cố Phục sinh đã làm thay đổi dòng lịch sử. Nó không chỉ là một sự kiện Thiên Chúa can thiệp vào thế giới loài người như bao nhiêu biến cố khác, nhưng nó còn mở ra một hướng đi mới cho lịch sử. Khi cho Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết, Thiên Chúa đã mặc khải đời sống mới, sự sống của Thiên Chúa: “Sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay được tỏ bày cho chúng tôi” (1 Ga 1,2). Sự mặc khải ấy mang lại ánh sáng cho toàn thể cuộc đời, khi cho biết rằng Thiên Chúa là tình yêu, và Ngài đã sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội chúng ta” (x.1Ga 4,8-10). Sự phục sinh trở nên nơi tuyệt vời nhất để thuật lại tình yêu ấy, khi Ngài cho Đức Giêsu được trỗi dậy. Thiên Chúa biểu lộ chính mình qua cuộc đối thoại tình yêu giữa Cha và Con: “Lạy Cha, tất cả những gì của cha cũng là của con, và những gì của con cũng là của cha, và con được tôn vinh nơi họ” (Ga 17,10; x. Lc 10, 21-22). Đức Kitô phục sinh cho thấy Thiên Chúa là ai và như thế nào. Xưa nay chưa từng có ai đã thấy Thiên Chúa (x. Ga 1,18), và không ai biết được Thiên Chúa sẽ làm gì. Chính nơi cuộc Phục sinh của Đức Giêsu mà chúng ta biết được Thiên Chúa tam vị.

Những bài diễn từ đầu tiên của Tân ước đều mang hình thức Tam vị[18], điều này cho thấy cộng đoàn các tín hữu đã quen thuộc với lối diễn tả này, tuy chưa được phát biểu thành công thức gọn gàng như đạo lý của các công đồng vào thế kỷ IV. Thánh Phaolô sử dụng tư tưởng Tam vị trong các cuộc lý luận về Lề luật (Gl 3,11-14) và sự tự do của người Kitô hữu (Gl 4,4-6), cũng như các công thức tạ ơn (2 Tx 2,13; Cl 1,3-8), các lời nguyện và chúc tụng (Rm 15,30; Pl 3,3-6; Ep 3,14-16). Một cách tương tự như vậy, sự hợp nhất và đa dạng của cộng đồng đặc sủng được trình bày trong tương quan với Tam vị (1 Cr 12,4-8).

Những cách diễn tả đơn sơ trong các lời giảng dần dần mang một công thức phụng vụ xác định hơn chẳng hạn như 2Cr 13,13 (“Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen”. Cuối sách Tin mừng Matthêu,  Chúa Kitô phục sinh đã ủy thác cho các môn đệ hãy ra đi và rửa tội cho muôn dân “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Tuy nhiên các công thức phụng vụ có thể được khai triển thêm, có khi theo cách bóng bẩy có khi cách sơ lược, tùy theo lý trí hoặc óc tưởng tượng được vận dụng thế nào vào việc chiêm ngắm biến cố phục sinh (xc. Cv 1,4-8; 2,23.28; 9,17; 10,38; 11,15-17).

Dưới một hình thức bóng bẩy, cảm thức về  sự phục sinh chiếu ngược lại quá khứ về cuộc đời lịch sử của Đức Giêsu. Trinh thuật thời thơ ấu của Đức Giêsu theo thánh Luca cho thấy một thứ hồi kỳ về tác động của Thánh Linh trong việc đưa đức Giêsu đến chỗ sinh ra như là Con Thiên Chúa (Lc 1,32-35). Trong những trình thuật về Đức Giêsu lãnh phép rửa, Thánh Linh đáp xuống trên Người dưới hình bồ câu, trời mở ra, tiếng nói thần linh tuyên bố Đức Giêsu là con yêu dấu (xc. Mt 3,16-18; Mc 1,9-11; Lc 3,21-23; cũng như Ga 1,32-34). Những trình thuật về cuộc Biến hình tiên báo điều sẽ xảy đến khi liên kết với đám mây vinh quang (Shekkhiah của Thần khí), và tiếng của Chúa Cha từ trời tuyên bố Đức Giêsu là Con yêu dấu (Mt 17,1-8; Mc 9,2-8; Lc 9,28-36). Một cách tương tự như vậy, Luca mô tả Đức Giêsu hớn hở trong Thánh Linh, biểu lộ sự thân mật với Chúa Cha, và vai trò của Người trong việc mời gọi tất cả những ai khước từ những tham vọng ngẫu tượng hãy đến chia sẻ cảm nghiệm của ân sủng (Lc 10,21-22). Tất cả những hình bóng của sự phục sinh tìm thấy sự hoàn thành nơi trình thuật của việc Thăng thiên (Lc 24,50-53; Cv 1,6-12). Chúa phục sinh đi vào vương quốc thần linh, từ đó Người sẽ phái Thánh Linh như là “điều mà Cha đã hứa” (Lc 24,49).

Khác với  lối trình bày cách bóng bảy hình thức tam vị của cuộc phục sinh là những lối trình bày theo cách sơ lược. Chúng ta thấy ít sử dụng hình ảnh biểu tượng nhưng tập trung vào việc trình bày sự sung mãn của ơn cứu độ nơi Đức Kitô. Chẳng hạn như những  đoạn trong thư thánh Phaolô (Rm 8; Gl 3; 1 Cr 12; và Ep 1) cho thấy một lược đồ tam vị của mầu nhiệm Đức Kitô: các tín hữu cử hành vị trí của mình trong Đức Kitô, nhờ sáng khởi của Chúa Cha, và trong sự hợp nhất và quyền năng của Thánh Linh :

Chỉ có một thân thể và một Thần khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người, và trong mọi người (Ep 4,4-6).

Bước sang Tin mừng Gioan, ta thấy rõ  ý định của thánh sử là trình bày một cách hệ thống hơn về sự sung mãn của ân sủng và chân lý  từ nay hiện diện trong thế giới nhờ Đức Giêsu Kitô (Ga 1,14). Thánh Gioan muốn cung cấp một khuôn mẫu để chúng ta hiểu mầu nhiệm Tam vị trong một Thiên Chúa, đặt trong khung cảnh  của việc công bố hồng ân cứu độ. Nếu sự cứu độ khởi đầu từ Cha đã quá yêu thương thế gian (Ga 3,16), nếu Con mà Cha đã ban cho thế gian để được cứu độ cần phải được tuyên xưng là “Chúa tôi và Thiên Chúa của tôi” (Ga 20,28), và nếu Con ra đi để phái “Đấng Bảo trợ khác” từ Cha (Ga 15,26), thì câu hỏi nảy lên sẽ là: nếu cả Ba vị cùng tham gia vào sự cứu độ trong Đức Kitô thì có tương quan với nhau như thế nào?

Trong các diễn từ, thánh Gioan quen nói đến cuộc trao đổi giữa Cha và Con trong tình yêu, sự sống và tôn vinh lẫn nhau. Dưới phương diện này, tất cả sự hiện hữu của Lời nhập thể là một cuộc đối thoại: nguồn gốc của Người là từ Cha; căn cước của Người là làm Con Một của Cha, sứ mạng của Người là làm theo ý Cha và mặc khải Cha cho thế gian. Khi sống bởi và cho Cha, Người lãnh nhận tất cả từ Cha và là một với Cha. Dù vậy, “Cha vẫn lớn hơn” (Ga 14,28), nguồn gốc và cứu cánh của tất cả sự hiện hữu của Đức Giêsu. Không ai đến với Cha mà không qua Người, và không ai đến với Đức Giêsu nếu không được Cha lôi kéo (Ga 6,44). Cả lời nói của Con và sự thinh lặng của Cha là Đấng chi nói trong Lời ấy mà thôi, diễn tả một sự hiệp thông siêu việt mà tất cả các tín hữu được lôi kéo vào. Lời nguyện của Đức Giêsu trong chương 17 của Gioan là tột đỉnh của diễn từ ấy: “. . . mong sao cho tất cả họ nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha; ước chi họ cũng ở trong chúng ta như vậy” (Ga 17,21).

So sánh với tương quan giữa Cha và Con, thì Thánh Linh không được Tin mừng Gioan diễn tả với những đặc trưng rõ ràng như vậy. Mặt khác, việc tin nhận vào Lời tùy thuộc vào tặng phâm Thánh Linh. Thực vậy, “Đấng Bảo trợ khác”, “Thần khí sự thật” mà Chúa Phục sinh cử tới, “sẽ dạy anh em mọi sự, và nhắc lại cho anh em tất cả những gì Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Tin mừng có thể nói về Cha và về Con bởi vì Thánh Linh ban, và tiếp tục ban, chứng tá cơ bản (Ga 15,26). Đấng Bảo trợ hướng dẫn các thế hệ tín hữu vào chân lý toàn vẹn (Ga 16,13). Trong Tin mừng Gioan, Thánh Linh hiện diện cách âm thầm nhưng bàng bạc, giúp cho các môn đệ hiểu biết Đức Kitô và tăng trưởng  sự hiểu biết ấy. Một vấn đề được đặt ra  cho thánh sử là: làm thế nào diễn đức tin Kitô giáo đến tam vị? Sự hiện diện của Thánh Linh có liên hệ gì tới tương quan đối thoại giữa Cha và Con? Thánh Linh có vai trò gì trong sự thông ban hỗ tương giữa Cha và Con? Đến đây, thánh sử phải sử dụng ngôn ngữ chính xác của diễn từ, khi thuật lại lời Chúa Kitô với các môn đệ:

Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần khí chân lý đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Cha có là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em (Ga 16,12-16).

Như thế, Thần khí Chân lý là kẻ nghe và nhận điều đang diễn ra giữa Cha và Con trong toàn bộ cuộc thông đạt với nhau. Thần khí là “của chân lý” bởi vì Ngài để cho cuộc thông đạt này mở ra cho các tín hữu và lôi kéo họ vào trong đó.

Chắc hẳn thánh Gioan ý thức sự cần thiết phải diễn tả nội dung đức tin về tam vị thành công thức. Tác giả sử dụng lối tiếp cận của sự thông đạt tình yêu, nghĩa trao ban mình cho người khác. Con sống cho Cha. Cha trao ban tất cả cho Con. Cha và Con trao tất cả cho hoạt động của Thánh Linh. Thánh Linh nói không bởi quyền năng của mình, nhưng từ những gì đã nghe được từ Con, và dĩ nhiên cũng do Cha nữa – ngõ hầu tôn vinh cả hai. Vì thế, hiện tượng phục sinh khai mào cho động lực thần học về Tam vị.

III. Từ phục sinh đến cánh chung

Cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô tạo thành trung tâm của Kitô giáo. Tất cả sứ địệp trước về Đức Giêsu đều quy về đó. Nhưng tiếp theo việc công bố Tin mừng về sự phục sinh, các tín biều – bên Đông cũng như bên Tây – còn thêm ba điều tuyên xưng nữa : “Xuống ngục tổ tông” – “Lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha”, “Từ đó Người sẽ trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Những điều này có nghĩa là gì? Phải chăng đó là các chân lý mới được thêm vào công trình cứu độ của Đức Kitô, hay chỉ là diễn giải rộng hơn ảnh hưởng của cái chết và phục sinh của Người?

Trọng tâm lời giảng của Đức Giêsu là Triều đại Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nơi lời giảng, các phép lạ chứng tỏ quyền năng, sự hòa giải tha thứ mà Người mang lại. Những người bệnh được chữa lành, những người nghèo được đón nhận Tin mừng, những người bị gạt ra ngoài xã hội được hội nhập. Sứ điệp của Đức Giêsu đối diện với những thế lực tiêu cực của thế gian, tượng trưng nơi tội lỗi, lề luật, cái chết, trói buộc tự do, hy vọng và công lý.

Trọng tâm lời giảng của các tông đồ là cũng Đức Giêsu ấy, đã bị các thế lực của thế gian giết hại nhưng đã phục sinh do quyền năng của Thiên Chúa; sự chết không mạnh hơn lời của Người, ngôi mộ không thể cầm giữ Người. Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết và đặt người làm Kyrios và Mêsia. Như vậy, các môn đệ muốn nói rằng sự chiến thắng của Đức Giêsu mang đặc tính toàn diện: không quyền lực nào trên thế giới mà không được Dức Giêsu chinh phục cho Chúa Cha; không còn dây trói buộc nào mà không bị cắt đứt một khi sự chết đã bị tiêu diệt.

“Chúng tôi tin vào Đấng đã làm cho Đức Giêsu Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết; Đức Giêsu chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rm 4,24-25).

Làm thế nào móc nối cót lõi của Kerygma, tập trung vào cái chết vì tội lỗi chúng ta và sự sống lại để làm cho chúng ta nên công chính, với những gì thêm vào sau đó trong các tín biểu? Xin thưa rằng những điều này muốn nêu bật chiều kích phổ quát và cánh chung của ơn cứu độ mà Chúa Kitô mang tới. Chúng ta sống trong một thế giởi được đo lường bởi không gian và thời gian, cho nên chúng ta cần diễn tả các chân lý vĩnh cửu qua các phạm trù không gian và thời gian. Thực tại cánh chung cốt ở việc tạo dựng mới, thông dự vào đời sống Thiên Chúa. Đó là những gì cao quý nhất mà Thiên Chúa co thể ban cho nhân loại, trong cuộc phục sinh của Đức Giêsu. Các tín biểu sử dụng các ngôn ngữ của không gian và thời gian để nói lên sự liên đới của Dức Giêsu đối với vạn vật. Đức Kitô không chỉ là một cá nhân đơn độc, nhưng là đầu của nhân loại và vũ trụ, nên đã lôi kéo tất cả theo mình (Ep 1,10). Với Đức Giêsu, tất cả mọi không gian (trên trời, dưới đất, nơi âm ti) và thời gian  (quá khứ, hiện tại, tương lai) đều được chia sẻ vào công cuộc thánh hóa của Thiên Chúa (Gl 4,4; Ep 1,10).  Ở khắp mọi nơi và mọi thời, Đức Kitô trở nên vị chủ tể để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu độ mọi người (Người sẽ xét xử muôn loài theo chân lý của Tin mừng).

THƯ MỤC

Balthasar, H. U. von, «La ida al Padre», en MS III/2 (Madrid 1971) 266-366;
Caba, J., Resucitó Cristo mi esperanza. Estudio exegético (Madrid 1986);
Durrwell, F. X., La resurrección de Jesús misterio de salvación (Barcelona 1967);
Gesché, A., «La résurrection de Jésus dans la théologie dogmatique», en RTL 3 (1971) 257-306;
Koch, G., Die Auferstehung Jesu Christi (Tübingen 1959);
Léon-Dufour, X., Resurrección de Jesús y mensaje pascual (Salamanca 1985);
Kessler, H., La resurrección de Jesús. Aspecto bíblico, teológico y sistemático (Barcelona 1989);
Moule, C. F. (ed.), The signifiance of the message of the résurrection for the faith in Jésus Christ (London 1980);
Mussner, F., La resurrección del Señor (Santander 1971);
O’Collins, G., Jesús resucitado. Estudio histórico, fundamental y sistemático (Barcelona 1988);
Rigaux, B., Dieu l’a ressuscité. Exégèse et théologie biblique (Gembloux 1973);
Schlier, H., La resurrección de Cristo (Bilbao 1970);
Scheffczyk, L., Auferstehung. Prinzip christlichen Glau- bens (Einsiedeln 1976);
Wilkens, U., Die Wirklichkeit der Auferstehung Jesu (Stuttgart 1996);
Id., La resurrección de Jesús. Estudio histórico crítico del testimonio bíblico (Salamanca 1981).

—————————————————

[1] Tác giả nguyên là giáo sư đại học Salamanca (1966-2004) và thành viên ủy ban thần học quốc tế (1968-1979), đã xuất bản hơn 40 quyển sách, phần lớn thuộc ngành Kitô học. Bài viết này được trích từ quyển Cristologia, BAC Madrid 2001, “Cap.III: Glorificación”, trang 125-175. Ban biên tập đã điều chỉnh các tựa đề cũng như rút ngắn vài đoạn để thích hợp với khuôn khổ một bài báo.

[2] Thư mục các tác phẩm của cha F.X. Durrwell  (1912-2005), xem J. Mimeault, La sotériologie de François-Xavier Durrwell. Exposé et réflexions critiques, (Roma, Editrice Pontificia Università Gregoriana, 1997), 445-457. Một số tác phẩm đã được chuyển sang tiếng Anh, chẳng hạn The Resurrection: A Biblical Study, trans. Rosemary Sheed (London: Sheed and Ward, 1960);  Christ Our Passover: The Indispensable Role of Resurrection in Our Salvation, trans. John F. Craghan (Liguori Missouri: Liguori, 2004).

[3] Xc. B. Rigaux, Dieu l’a ressuscité, Exégèse et théologie biblique (Gembloux 1973), 53-105 (Các Kerigma trong Cv); 106-146 (Tuyên xưng đức tin); 147-172 (Thánh thi); 184-222 (Viếng mộ); 223-252 (Chúa hiện ra cho tư nhân); 253-277 (Chúa hiện ra cho các tông đồ).

[4] Chú thích của ban biên tập. Chúng tôi bỏ qua việc phân tích các bản văn Tân ước, vì đề tài này đã được trình bày trong bài trước.

[5] Xc. A. Rodríguez Carmona, «Origen de las fórmulas neotestamentarias de resurrección con anistánai y egeírein», in: Estudios Eclesiasticos 55 (1980) 27-58.

[6] Xc. H. Schlier, «Eine christologische Credo-Formel der römischen Gemein­de. Zu Röm l,3f», in: Der Geist und die Kirche (Freiburg 1980) 56-69.

[7] Một thí dụ của việc “đọc lại” cuộc đời Đức Giêsu dưới ánh sáng Phục sinh là “Tin mừng thơ ấu” theo thánh Luca. Sự sinh ra ở Belem gợi lên cuộc tử nạn và phục sinh. Đức Maria lấy tã quấn lấy hài nhi và đặt trong máng cỏ (Lc 2,7) báo trước việc ông Giuse Aritmatea quấn Chúa trong khăn liệm và đặt trong mộ (Lc 23,53). Ánh sáng tỏa trong đêm giáng sinh ở Belem tiên báo ánh sáng phục sinh, và căn tính của hài nhi được thiên sứ giải thích cho các mục đồng (Đấng Cứu độ, Đấng Kitô, Kyrios: Lc 2,11) chính là đề tài của kerygma mà các tông đồ  có sứ mạng loan báo. Việc Đức Maria lạc mấtcCon trong đền thờ 3 ngày dịp lễ Vượt qua (Lc 2,46) cũng nhắc đến biến cố tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu.

[8]    H. Kessler, «Acceso antropológico al mensaje de la resurrección», in: La resurrección de Jesús. Aspecto bíblico, teológico y sistemático (Barcelona 1989), 18-28.

[9] « Aimer un être, c’est lui dire: toi, tu ne mourras pas». G. Marcel, Trois piè­ces (Paris 1931) 161.

[10]   « Trên thế giới chỉ có ba điều bí ẩn : bí ẩn tình yêu, bí ẩn cái chết, và giữ hai điều bí ẩn đó là bí ẩn của Thiên Chúa ». N. Williams, Como en el cielo (Barcelona 1999) 11.

[11] Xc. F. X. Durrwell, La resurrección de Jesucristo misterio de salvación (Barcelona 1979) 73-92.

[12] Xc. 1 Sm 16,13 (nhờ việc được xức dầu, nhà vua nhận lãnh thần khí ruah cách bền vững, giống như các thủ lãnh đã nhận lãnh ruah cách bất thường); Is 11,1-9 (Thần khí Giavê giúp nhà vua thiết lập hòa bình); Is 42,1; 59,21; 61,1 liên quan đến Đấng Mêsia.

[13] Xc.  F. X. Durrwell, “Đức Kitô được trỗi dậy bởi Thần khí, được biến đổi bởi Thần khí, nguồn mạch Thần khí”, in: op,cit. 74-83.

[14] H. U. Von Balthasar, «El Misterio pascual», in: Mysterium Salutis III/2 (Madrid 1971), 285.

[15] Xc. Anthony J. Kelly, The Resurrection Effect, Transforming Life and Thought (Maryknoll, New York 2008), 153-172.

[16] Summa Theologiae 1, 27-43.

[17] Anne Hunt, The Trinity and the Paschal Mystery: A Development in Recent Catholic Theology (Collegeville, MN: The Liturgical Press, 1997).

[18] Thí dụ 1 Tx 1,2-5 (viết khoảng năm 57): “Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện, và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi khôn ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Kitô Giêsu … Chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em, vì khi chúng tôi loan báo Tin mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thần, và một niềm xác tín sâu xa”.