Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thần Học Về Diaconatus – Chương VI

Administrator
2018-09-23 08:30 UTC+7 32
THỰC TRẠNG CỦA CHỨC DIACONATUS CỐ ĐỊNH HIỆN NAY     Hơn 25 năm sau Công Đồng Vaticanôô II, thực trạng của chức diaconatus cố định ra sao? Khi khảo sát các số liệu thống kê có được, người ta thấy rõ sự chệnh lệch rất lớn trong sự phân bố các diaconi trên khắp […]


THỰC TRẠNG CỦA CHỨC DIACONATUS CỐ ĐỊNH HIỆN NAY

 

 

Hơn 25 năm sau Công Đồng Vaticanôô II, thực trạng của chức diaconatus cố định ra sao?

Khi khảo sát các số liệu thống kê có được, người ta thấy rõ sự chệnh lệch rất lớn trong sự phân bố các diaconi trên khắp thế giới. Vào năm 1998, 204 trong tổng số 25.122 diaconi, chỉ riêng Bắc Mỹ đã chiếm đến 12.801 diaconi, tức là hơn một nửa (50,9%), trong khi Châu Âu có 7.864 diaconi (31,3%): tổng cộng là 20.665 diaconi (82,2%) tập trung ở các quốc gia công nghiệp thuộc Bắc Bán Cầu. Số còn lại 17,8% được phân bố như sau: Nam Mỹ 2.370 diaconi (9,4%), Trung Mỹ và vùng Caribbean 1.387 diaconi (5,5%), Châu Phi 307 diaconi (1,22%); Châu Á 219 diaconi (0,87%), cuối cùng là Châu Úc và vùng Thái Bình Dương với con số 174 diaconi nghĩa là chiếm 0,69% của tổng số.205

Một dữ kiện rất ngạc nhiên là chức diaconatus đã phát triển nhất là tại các quốc gia công nghiệp tiên tiến phía Bắc206. Đó không phải là điều mà các nghị phụ Công đồng nhắm tới khi yêu cầu “khôi phục lại” chức diaconatus cố định. Đúng hơn, các nghị dự kiến mong đợi sẽ có một sự gia tăng nhanh chóng nơi các Giáo hội trẻ ở Châu Phi và Châu Á, nơi mà công việc mục vụ chỉ dựa vào phần lớn Giáo lý viên giáo dân. 207 Nhưng các nghị phụ đã quyết định rằng tùy vào thẩm quyền của “các Hội đồng Giám mục theo từng địa phương xét thấy có thích hợp thiết lập các diaconi như vậy hay không, với sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng, vì thiện ích của các linh hồn” (LG 29b). Do đó, quả là điều bình thường khi chức diaconatus phát triển không đồng bộ khắp Giáo hội, bởi vì việc lượng định các nhu cầu của Dân Thiên Chúa bởi các hàng Giám mục khác nhau có thể thay đổi theo những hoàn cảnh đặc biệt của các Giáo hội và theo cách thức tổ chức của họ.

Những số liệu thống kê này có thể làm cho chúng ta nhận thấy có hai tình huống khác nhau cần giải quyết. Một mặt, sau Công đồng, hầu hết các Giáo hội Tây Âu và Bắc Mỹ phải đối diện với một sự giảm sút nhanh về số lượng các linh mục, và phải tiến hành việc tái tổ chức đáng kể trong các thừa tác vụ. Mặt khác, những Giáo hội trước đây nằm trong những lãnh thổ truyền giáo đã tạo ra từ lâu một cấu trúc dựa vào sự dấn thân của một số đông các giáo dân, các thầy giảng.  

Hai tình huống tiêu biểu này cần được nghiên cứu riêng biệt, tuy biết rằng cần phải thêm vào nhiều biến thể; cũng như tuy biết rằng trong cả hai trường hợp, một số Giám mục có lẽ muốn thiết lập chức diaconatus cố định trong giáo phận, không vì lý do mục vụ cho bằng vì lý do thần học đã được Công đồng Vaticanôô II gợi lên: để làm cho thừa tác vụ chức thánh được biểu lộ tốt hơn, qua ba cấp bậc được truyền thống công nhận.  

Tình huống tiêu biểu thứ nhất: Các Giáo hội với số Diaconi thấp

Nhiều Giáo hội không cảm thấy nhu cầu phát triển chức diaconatus cố định. Đó là các Giáo hội từ lâu đã quen hoạt động với một số lượng ít ỏi linh mục, và dựa vào sự dấn thân của rất nhiều giáo dân, nhất là các thầy giảng. Trường hợp Châu Phi là một ví dụ điển hình. 208 Dĩ nhiên đó cũng là kinh nghiệm của nhiều Giáo hội trẻ.

Cũng cần nhắc lại rằng vào thập niên 1950, nhiều nhà truyền giáo và các Giám mục ở Châu Phi đã yêu cầu khôi phục lại chức diaconos khi nghĩ đến các thầy giảng ở các quốc gia truyền giáo. Các ngài coi xem sự khôi phục lại này như một cách đáp ứng những đòi hỏi phụng vụ tai các nơi truyền giáo và việc thiếu linh mục. Như vậy, những diaconi mới này có thể phụ trách phụng vụ ở các họ lẻ, hướng dẫn những buổi hội họp ngày Chúa Nhật khi vắng mặt vị thừa sai, chủ sự nghi thức an táng, chứng hôn, bảo đảm việc dạy giáo lý và công bố Lời Chúa, đảm nhận công tác bác ái và quản trị Giáo hội, ban một số bí tích nào đó… 209 Viễn cảnh này là điều mà nhiều nghị phụ Công đồng Vaticanôô II đã nghĩ tới khi Sắc lệnh Ad Gentes nói đến “những hàng ngũ các Giáo lý viên nam nữ, đáng được tán thưởng vì công việc truyền giáo đến các quốc gia” 210.    

Tuy nhiên, trong những năm sau Công đồng, các Giám mục Châu Phi đã tỏ ra khá dè dặt và không ra công thực hiện việc khôi phục lại chức diaconatus. Một tham dự viên Tuần lễ thần học lần thứ tám được tổ chức vào năm 1973 tại thành phố Kinshasa đã nhận thấy rằng sự đề xuất phục hồi lại chức diaconatus cố định ở Châu Phi đã gây nên nhiều chống đối lập hơn là nhiệt tình ủng hộ. Những vấn nạn được nêu lên sẽ được lặp lại tại nhiều nơi khác, liên quan đến lối sống của các diaconi, tình hình tài chính của các Giáo hội trẻ, những hệ lụy đến các ơn gọi làm linh mục, sự mập mờ và do dự về bản chất của ơn gọi diaconatus, sự giáo-sĩ-hóa của các giáo dân dấn thân vào hoạt động tông đồ, đầu óc bảo thủ và sự thiếu tinh thần phê phán của một số ứng viên, sự kết hôn trong hàng giáo sĩ và việc coi rẻ sự độc thân, và phản ứng của các tín hữu tạm hài lòng với chức diaconatus như là biện pháp nửa vời. 211

Do vậy, các Giám mục Congo đã có một thái độ thận trọng. Truyền chức diaconus cho các thầy giảng để làm chi khi mà họ chẳng thêm được quyền hành nào mới? Tốt hơn là tìm cách đổi mới các thầy giản trong chiều hướng đánh giá lại tình trạng và công tác người giáo dân. Các quốc gia khác tìm cách kêu gọi các giáo dân tham gia nhiều hơn vào vai trò “những người phục vụ Lời” hoặc như là những người điều hành các cộng đoàn nhỏ. Điều này có thể được thực hiện tốt hơn nữa, xét vì Công đồng đã nêu bật ơn gọi của hết mọi người rửa tội tham gia vào sứ vụ của Giáo hội.

Người ta thường nghe một vấn nạn là: “ có điều gì một diaconos có thể làm mà một người giáo dân không làm được?” Cần nhìn nhận rằng mối ràng buộc bí tích gắn kết các diaconi với Giám mục tạo nên những nghĩa vụ đặc biệt kéo dài suốt đời, và những nghĩa vụ ấy khó có thể chu toàn, đặc biệt trong trường hợp các diaconi có gia đình. 212 Mặt khác, thông thường đây là một vấn nạn tại các Giáo hội nơi mà chỗ đứng của thừa tác vụ được truyền chức đã được xác định rõ ràng và vẫn giữ ý nghĩa đầy đủ của nó, mặc dù số các linh mục ít.

Nói như thế rồi, cũng có thể ghi nhận vài sáng kiến tựa như của Đức Cha Ruiz, Giám mục giáo phận San Cristobal (Mexico) gồm các thổ dân. Trước sự kiện là giáo phận của ngài chưa bao giờ có ơn gọi linh mục người bản địa, ngài quyết định cổ vũ mạnh mẽ cho các diaconi cố định. Vì vậy, ngài đưa ra một tiến trình đào tạo dài hạn được phác hoạ để dẫn dắt những người nam bản địa đã lập gia đình đến chức diaconatusư nhờ vậy, những người này sẽ được liên kết cách bí tích với thừa tác vụ Giám mục và hình thành những bước khởi đầu của một Giáo hội bản xứ. 213

Tình huống tiêu biểu thứ hai: Các Giáo hội ở nơi tác vụ diaconatus phát triển

Tình huống tiêu biểu thứ hai là các Giáo hội tại nơi tác vụ diaconatus phát triển mạnh mẽ. Đây là những Giáo hội đang phải đối diện với sự giảm sút đáng kể về số các linh mục: Mỹ, Canađa, Đức, Ý, Pháp, v.v…. Sự cần thiết phải tái cải tổ các công việc mục vụ nhằm đáp lại những nhu cầu của các cộng đoàn Kitô hữu đã quen với phạm vi phục vụ rộng lớn đa dạng, và bổn phận kiếm tìm những cộng tác viên mới, tất cả những yếu tố này đã thúc đẩy việc phát sinh các thừa tác vụ mới và sự gia tăng số những giáo dân làm việc toàn thời gian cho công việc mục vụ của giáo xứ hay giáo phận. 214 Điều này cũng thúc đẩy sự phát triển của tác vụ diaconatus. Nhưng đồng thời, nó cũng tạo nên một áp lực rất lớn trên các loại nhiệm vụ được trao phó cho các diaconi. Những nhiệm vụ mà trước đây, suốt thời gian lâu dài, đã được các linh mục đảm nhận mà không có vấn đề gì bởi vì số linh mục còn đông, nay phải được trao phó cho các cộng tác viên khác, một số người đã lãnh chức thánh (các diaconi), còn những người khác không lãnh nhận tác vụ này (các giáo dân nhân viên mục vụ). Trong bối cảnh này, chức diaconatus thường được xem như là một tác vụ tiếp ứng cho các linh mục.

Hướng đi này được kiểm chứng qua một cuộc nghiên cứu rộng rãi được thực hiện ở Hoa Kỳ,215 phản ánh tình trạng hiện hàng ở nhiều quốc gia. Cuộc nghiên cứu cho thấy rằng các diaconi chủ yếu đang làm những điều các linh mục đã từng làm một mình trước khi có việc khôi phục lại tác vụ diaconatus. Họ thực thi tác vụ của mình tại giáo xứ mà họ cư ngụ, và ở đó, họ thi hành phần lớn những chức năng phụng vụ và bí tích. Các linh mục giáo xứ nhận thấy họ rất hữu ích đặc biệt trong việc cử hành các bí tích chẳng hạn bí tích Rửa tội, hôn phối và các cử hành phụng vụ khác. Điều tương tự cũng được áp dụng cho việc chăm sóc bệnh nhân và các bài giảng. Họ tham gia ít hơn vào tác vụ đối với các tù nhân và việc cổ võ nhân quyền và dân quyền. Về phía các nhân viên mục vụ, họ nhận thấy rằng các diaconi thành công hơn hết trong những công tác quen thuộc và truyền thống, chẳng hạn phụng vụ và ban các bí tích. Và người ta tiên đoán rằng số lượng của họ sẽ gia tăng bởi vì số các linh mục giảm sút. Do đó, khi họ thi hành các nhiệm vụ vốn do các linh mục thi hành, các diaconi có nguy cơ được xem như là “các linh mục không hoàn trọn” hay cũng có thể như “những người giáo dân cao cấp hơn”. Mối nguy cơ này càng tăng thêm khi các thế hệ diaconi đầu tiên đã được huấn luyện thần học không được cặn kẽ như các linh mục hay các nhân viên mục vụ.

Một sự tiến triển tương tự cũng được nhận thấy ở những nơi khác đang chứng kiến sự giảm sút rõ rệt về con số các linh mục. 216 Đây là một nỗ lực nhằm đáp lại những nhu cầu thực sự của Dân Thiên Chúa. Nó cho phép các Giáo hội này có thể đảm bảo sự hiện diện các tác viên có chức thánh tại những các cộng đoàn Kitô hữu đang có nguy cơ đánh mất ý nghĩa thực sự của thừa tác vụ này. Cùng với Giám mục và linh mục, diaconus sẽ nhắc họ nhớ rằng chính Đức Kitô là vị sáng lập Giáo hội ở mọi nơi và nhờ Thánh Thần, Người vẫn hoạt động trong Giáo hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, căn tính của diaconus được quy chiếu về chức linh mục như là điểm quy chiếu; diaconus được xem như người giúp đỡ hay thay thế linh mục trong các hoạt động mà trước đây vị linh mục thường thực hiện. Đối với nhiều người, sự tiến triển này trở thành vấn đề, bởi vì nó không làm nổi bật căn tính riêng của tác vụ diaconus. 217 Vì thế, ở đây đó, người ta cố gắng điều chỉnh sự tiến triển này bằng cách xác định những đặc sủng riêng biệt dành cho diaconatus và những nhiệm vụ được coi như ưu tiên thuộc về chức ấy cách riêng.

Những đường hướng tiến triển triển

Các văn kiện gần đây nhất của các Bộ tại Giáo triều Rôma đã liệt kê các nhiệm vụ được trao phó cho các diaconi, và gom chung lại thành ba dạng phục vụ quen thuộc: diaconia của phụng vụ, Lời và bác ái.218 Cho dù thấy trước rằng một diaconia có thể chiếm phần lớn hoạt động củadiaconus, nhưng các văn kiện ấy nhấn mạnh rằng tất cả ba diaconia “cấu thành một sự thống nhất trong việc phục vụ kế hoạch Cứu chuộc của Thiên Chúa: Tác vụ Lời dẫn đến tác vụ tại bàn thờ; rồi tác vụ bàn thờ thúc đẩy diễn tả cụ thể phụng vụ ra cuộc sống dẫn đến bác ái”. 219 Nhưng Giáo Hội nhìn nhận rằng trong tổng bộ các nhiệm vụ này thì “việc phục vụ bác ái” 220 phải được nhìn nhận như là nét đặc trưng của tác vụ diaconus.

Do đó, ở nhiều nơi, người ta cố gắng xác định cho các diaconi một số nhiệm vụ có thể được liên kết cách nào đó với “việc phục vụ bác ái”. Cách riêng một lợi điểm được rút ra từ sự kiện là phần lớn các diaconi là những người nam đã lập gia đình, tự lập về sinh kế, hòa mình vào giới lao động, và, cùng với người bạn trăm năm đã có một kinh nghiệm sống độc đáo. 221

Ví dụ, một bản văn do các Giám mục Pháp xuất bản năm 1970 bày tỏ sự ưu tiên “đối với các diaconi, là những kẻ hằng ngày tiếp xúc với những người khác nhờ hoàn cảnh gia đình và nghề nghiệp, có thể bằng cuộc đời của mình làm chứng cho việc phục vụ mà Dân Chúa có thể thực hiện theo gương Đức Kitô, trong việc tiếp xúc hằng ngày […] Như thế, các diaconi cố định sẽ tham gia theo cách thế riêng biệt của mình vào nỗ lực của Giáo hội phẩm trật bước ra gặp gỡ những người không tin và nghèo đói, và để hiện diện cách tròn đầy hơn trong thế giới này. Họ vẫn duy trì những công tác đã làm trước đây có thể dung hợp với tác vụ của diaconus”.222 Do vậy, họ được trao phó một sứ vụ thường nằm “phạm vi nghề nghiệp hoặc những công tác xã hội và nghiệp đoàn (hoặc thậm chí đời sống chính trị, đặc biệt ở cấp độ chính quyền địa phương). Họ được hướng đến việc trợ giúp những người nghèo và những người bị gạt ra bên lề tại những chỗ vừa nói, mà kể cả trong khu vực và giáo xứ của họ, khởi đầu từ nơi sinh sống và cuộc sống gia đình”.223

Vì vậy, người ta cố gắng tạo cho chức diaconatus thành một “tác vụ ở ngưỡng cửa”, nhằm phụ trách “Giáo hội ở biên cương”: làm việc ở những vùng không có linh mục, giữa những gia đình tan vỡ, những cặp vợ chồng, các tù nhân, bạn trẻ, nghiện ngập,, nạn nhân Siđa, người cao tuổi, những nhóm người bị thiệt thòi…. Người ta hướng các nhiệm vụ của các diaconi đến các hoạt động trong các lãnh vực xã hội, bác ái hay quản trị; tuy vẫn không xao lãng mối dây liên kết cần thiết với các các trách vụ phụng vụ và giảng dạy. Ở Châu Mỹ Latinh, người nói đến các gia đình loan báo Tin Mừng (familles évangélisatrices) ngay giữa các gia đình đang lục đục; một sự hiện diện trong những tình huống cùng cực chẳng hạn ma tuý, mãi dâm và bạo lực thành phố; một sự hiện diện tích cực trong lĩnh vực giáo dục, trong giới lao động và lãnh vực nghề nghiệp; một sự hiện diện lớn hơn trong vùng đông dân cư cũng như ở miền thôn quê; và cuối cùng, cương vị lãnh đạo trong những cộng đoàn nhỏ.224 Người ta nhấn mạnh rằng các diaconi cần nhận được sự đào tạo tâm linh và thần học cách kỹ lưỡng.

Kết quả của tất cả kinh nghiệm rất đa dạng này làm sáng tỏ rằng thật là không thể nào diễn tả đặc trưng của tác vụ diaconus bằng những nhiệm vụ xem ra xưa này vẫn dành cho họ (mặc dù truyền thống cũng không hoàn toàn rõ rệt) hoặc qua một cách phân bổ cứng nhắc các nhiệm vụ giữa các thừa tác viên khác nhau. 225 Một bản văn của Công đồng Vaticanôô II dường như trực cảm được điều này, bởi vì một trong những lý do được đưa ra để phục hồi “tác vụ diaconatus như một nếp sống cố định” là để củng cố, “nhờ nghi lễ đặt tay được truyền lại từ các Tông đồ” và liên kết chặt chẽ hơn với bàn thờ, “những người đang thực hiện một tác vụ diaconalis (phục vụ) thực sự, hoặc bằng việc giảng thuyết Lời Chúa, hay bằng việc quản trị các cộng đoàn Kitô hữu xa xôi nhân danh cha quản xứ và Giám mục, hay bằng việc thực hành bác ái trong những công cuộc bác ái và xã hội” (AG 16tt.). 226 Điều này đã khiến một số tác giả đề xuất rằng để xác định đặc tính của chức diaconatus, cần thiết phải xét khía cạnh hữu thể của diaconus. “Cần tìm nét riêng biệt của chức diaconatus cố định nơi khía cạnh bản thể (esse: to be), chứ không nằm ở khía cạnh hành động (agere: to do). Điều mà học tạo nên điểm độc đáo của điều mà họ làm”.227

Chính trong viễn tượng về việc họa hình (configuratio) Đức Kitô-Tôi Tớ mà người ta định hướng những suy tư thần học và mục vụ về những hướng tiến triển của tác vụ diaconatus cố định. Người ta thấy đó là điểm để đào sau khía cạnh tâm linh rất thích hợp cho thời buổi hôm nay. Nó cũng có thể chỉ dẫn cho các mục tử trong việc lựa chọn các nhiệm vụ để trao phó cho các diaconi. Từ đó, ưu tiên dành cho những nhiệm vụ nào làm nổi bật nét đặc trưng tác vụ diaconatus. Dĩ nhiên, đứng đầu là việc phục vụ người nghèo và người bị áp bức; một sự phục vụ không chỉ được giới hạn vào sự trợ giúp nhưng còn là một chia sẻ đời sống với người nghèo để dẫn họ tới sự tự do hoàn toàn theo mẫu gương của Đức Kitô.228 Rồi cũng cần nhắc đến việc phục vụ cho những người sống ngoài rìa Giáo hội, cần được dẫn dắt đến Thánh Thể. Ở nhiều quốc gia, viễn cảnh này luôn nằm tâm trí của những người có trách nhiệm đến việc đào tạo các diaconi; và người ta thấy phát triển nơi các diaconi, một linh đạo và một thực hành mục vụ của “phục vụ bác ái”. Vì thế, khuôn mặt đích thực của diaconos cần nổi bật dần lên trong việc thi hành các tác vụ khác nhau, và trở nên rõ ràng không chỉ nhờ một phong cách hoạt động – trong tinh thần phục vụ là điều mà tất cả mọi người được mời gọi thực hiện -, nhưng còn nhờ sự dấn thân vào các công tác hoặc nhiệm vụ cụ thể để hiển hiện hơn Đức Kitô-Tôi Tớ.

Tuy nhiên, dường như đã rõ là sự tiến triển của tác vụ diaconos luôn phải được suy xét trong mối liên hệ với những nhu cầu thực tế của cộng đoàn Kitô hữu. Một vài Giáo hội sẽ không cảm thấy nhu cầu để phát triển tác vụ này cách rộng rãi. Đôi khi những Giáo hội khác sẽ đòi hỏi các diaconi thực hiện những nhiệm vụ khác hơn những điều được liệt kê trên đây: ta có thể nghĩ đến những nhiệm vụ góp phần vào việc linh hoạt mục vụ trong các giáo xứ và các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ. Xét vì mục tiêu nền tảng cho các mục tử, được cảm hứng từ thánh Phaolô, luôn luôn phải là chuẩn bị cho các tín hữu có khả năng “để làm công việc phục vụ, hầu xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,12-13). Trong việc phục vụ Giám mục và linh mục đoàn, diaconus phải đi đến bất cứ nơi đâu mà nhu cầu chăm sóc mục vụ đòi hỏi, theo cách thức phù hợp với mình.

 

 

**************************

204 Những thông tin này và việc phân tích đã được chuyển đến cho chúng tôi nhân phiên họp mùa thu năm 1999 của Ủy ban, do giáo sư Enrico Nenna, Ufficio centrale statistica della Chiesa (Segretaria di Stato).

205 Nếu so sánh con số các linh mục và số các diaconi trong các lục địa khác nhau thì chúng ta cũng nhận thấy sự khác biệt tương tự. Trong khi ở toàn thể châu Mỹ có 7.4 linh mục trên một diaconus (nhất là bởi vì số lớn các diaconis ở Bắc Mỹ), ở Châu Á, có 336 linh mục trên một diaconus. Ở Châu Phi, có 87 linh mục trên một diaconus cố định; ở châu Âu, 27 linh mục ở châu Đại Dương, có 31 linh mục trên một diaconus. Như thế tỉ lệ các diaconi trong số các tác viên có chức thánh khác biệt nhau khá lớn từ nơi này đến nơi khác.

206 Một nguồn thông tin khác đưa đến một danh sách các quốc gia có nhiều diaconi cố định nhất: Hoa kỳ (11.589), Đức (1.918), Italia (1.845), Pháp (1.222), Canada (824), Brazil (826).

207 Xc. H. Legrand, “Le diaconat dans sa relation à la théologie de l’Eglise et aux ministères: Reception et devenir du diaconat depuis Vatican II”, in A. Haquin – P. Weber, eds., Diaconat, 21è siècle (Bruxelles – Paris – Montréal, 1997), 13-14.

208 Về với những điểm sau đây, xc. J. Kabasu Bamba, “Diacres permanents ou catéchistes au Congo-Kinshasa?” (Ph.D. thesis, University of Ottawa, 1999), 304 pages.

209 Ở đây tác giả đang trích dẫn Mgr. W. Van Bekkum, Mgr. Eugene D”Souza (India), Mgr. J. F. Cornelis (Elizabethville) và, ở thời điểm chuẩn bị Công đồng, các Vị Bản quyền (phần lớn là người châu Âu) của Congo and Rwanda : Bamba, op. cit., 190.

210 Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, số 17a. Điều này gợi nhớ lại những tham luận của Mgr. B. Yago và Mgr. Paul Yu Pin được đề cập trong chương trước.

211 xc. J. Bamba, op. cit., 195. tham chiếu M. Singleton, “Les nouvelles formes de ministère en Afrique”, Pro Mundi Vita 50 (1974): 33.

212 Đức Tổng Giám mục của Santiago del Chile tường trình những lý do phản đối của một số linh mục như sau: “Chẳng hạn họ có thể nói rằng tác vụ diaconatus là một trách nhiệm không cần thiết, bởi vì các chức năng của tác vụ này có thể được thực hiện bởi các tín hữu nam nữ trong một thời gian ad tempus; nếu thành công thì sẽ gia hạn, còn nếu không thì không gia hạn ” Mgr. C. Oviedo Cavada, “La promoción del diaconado permanente”, in: Iglesia de Santiago (Chile), no. 24 (September 1992): 25.

213 Xc. một bản văn dài được xuất bản bởi Giáo phận San Cristobal de las Casas, Directorio diocesano para el diaconado indigena permanente (1999), 172 trang.

214 Tùy theo mỗi quốc gia, những cộng tác viên mang những danh xưng khác nhau: “pastoral officials”, “pastoral workers or leaders”, “pastoral auxiliaries”, “pastoral lay agents”, “parish auxiliaries”, “parish assistants”, “pastoral assistants” (Pastoralassistenten und Pastoralassistentinnen), etc. xc. A. Borras, Des laics en responsabilité pastorale? (Paris, 1998).

215 NCCB, “National Study of the Diaconatus, Summary Report”, Origins 25, no. 30 (18 January 1996).

216 Chẳng hạn xem P. Maskens, “Un enquête sur les diacres francophones de Belgique”, trong A. Haquin – Ph.Weber, Diaconat, 21e siecle, 217-32.

217 Ý kiến của B. Sesboüé, “Quelle est l’identité ministérielle du diacre?” in L”Eglise à venir (Paris, 1999), 255-57.

218 Chẳng hạn xem bản văn của Bộ Giáo sỹ, Directorium pro ministerio et vita diaconarum permanentium, ngày 22/2/1998, số 22.

219 Ibid., số 39. Bản văn này thêm vào trong đoạn tiếp theo: “Thật quan trọng cho các diaconus để thi hành sứ vụ của mình cách hoàn trọn, trong việc giảng dạy, trong phụng vụ và trong việc bác ái, theo mức độ hoàn cảnh cho phép. Họ không nên được giao cho những trách nhiệm bên lề, được thực hiện đơn thuần theo kiểu bổ sung, hay phải thi hành những công tác mà thông thường có thể thi hành bởi các giáo dân có chức thánh”.

220 Xem Bộ Giáo dục Công Giáo Ratio Fundamentalis institutionis diaconorum permanentium, số 9: “Cuối cùng, nhiệm vụ điều hành (munus regendi) được thực thi trong sự trung thành hướng tới các công việc bác ái và cứu trợ và trong việc linh hoạt các cộng đoàn hay các lãnh vực của đời sống Giáo Hội, đặc biệt những gì liên quan đến bác ái. Đây là tác vụ đặc trưng nhất của tác vụ diaconatus.” (chúng tôi gạch dưới).

221 “Không phải là người vợ được truyền chức. Tuy nhiên, sứ vụ được ủy thác cho diaconus buộc đôi vợ chồng phải tự xác định lại cách nào đó, chiếu theo tác vụ này”, M. Cacouet – B. Viole, Les diacres, được trích trong một tài liệu suy tư về vai trò của phu nhân của diaconus (Québec, 1993). Vì lý do này, trong nhiều quốc gia, bà vợ của diaconus tham gia cùng chồng trong giai đoạn đào tạo sơ khởi và dự phần vào trong các hoạt động đào tạo thường xuyên cùng với chồng.

222 Ghi nhận của Ủy ban Giám mục Pháp đặc trách hàng giáo sĩ, được trích bởi F. Deniau, “Mille diacres en France”, Etudes t. 383, no. 5 (1995): 526.

223 Ibid., 527. Hướng dẫn này được xác định năm 1996 trong cuộc hội họp tại Lourdes. Các giám mục ước mong rằng hình ảnh về các diaconi không nên là “bổ khuyết các linh mục, nhưng là thông hiệp với các linh mục trong việc thi hành bí tích Truyền chức thánh”; “Points d”attention…”, Documentation Catholique, no. 2149 (1996): 1012-13.

224 J. G. Mesa Angulo, O.P., “Aportes para visualizar un horizonte pastoral para el diaconado permanente en America Latina, hacia el tercer milenio”, in CELAM, “I Congreso de diaconado permanente””, Lima, Tháng 8 năm 1998, Tài liệu làm việc.

225 Dĩ nhiên, một số công tác nào đó sẽ được dành riêng cho các diaconi theo quy định của Giáo luật, nhưng chúng không gồm hết tất cả hoạt động của diaconus.

226 Điểm nhấn mạnh được chúng tôi thêm vào.

227 R. Page, Diaconat permanent et diversité des ministères: Perspectives du droit canonique (Montreal, 1988), 61.

228 V. Gerardi, “El diaconado en la Iglesia”, in CELAM, “I Congreso”, p. 8, quy chiếu về Hội nghị Quốc tế lần thứ I họp tại Torino năm 1977.