Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Chúa Nhật 17 – Năm A – Thường Niên

Administrator
2023-07-28 00:19 UTC+7 18
LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP 1/ Bài đọc I: 1V 3,5-12 5 Tại Ghíp-ôn, đang đêm ĐỨC CHÚA hiện ra báo mộng cho vua Sa-lô-môn, Thiên Chúa phán: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho.” 6 Vua Sa-lô-môn thưa: “Chính Ngài đã lấy lòng nhân hậu lớn lao mà xử với tôi tớ Chúa là Đa-vít […]

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc I1V 3,5-12

5 Tại Ghíp-ôn, đang đêm ĐỨC CHÚA hiện ra báo mộng cho vua Sa-lô-môn, Thiên Chúa phán: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho.”

6 Vua Sa-lô-môn thưa: “Chính Ngài đã lấy lòng nhân hậu lớn lao mà xử với tôi tớ Chúa là Đa-vít thân phụ con, như người đã bước đi trước nhan Chúa cách trung thực, công chính, với tâm hồn ngay thẳng. Chúa đã duy trì lòng nhân hậu lớn lao ấy đối với người, khi ban cho người có một đứa con ngồi trên ngai của người hôm nay.

7 Và bây giờ, lạy ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đa-vít, thân phụ con, mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền trị nước. 8 Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, cũng không đếm nổi.

9 Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?”

10 Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-môn đã xin điều đó. 11 Thiên Chúa phán với vua: “Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử,

12 thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp.

2/ Bài đọc IIRm 8,28-30

28 Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định.

29 Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.

30 Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang.

3/ Phúc ÂmMt 13,44-52

44 “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

45 “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp.

46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

47 “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá.

48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.

49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính,

50 rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

51 “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.”

52 Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”

——————————————

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lựa chọn khôn ngoan.

Nếu đặt trước mặt chúng ta một trăm ngàn lượng vàng và một cuốn Kinh Thánh, chúng ta sẽ chọn cái gì? Chắc chắn nhiều người sẽ chọn 100,000 lượng vàng!

Tại sao? Vì họ sẽ trở thành giầu to (100 triệu dollars) mà chẳng phải làm gì! Trong khi đó, nếu chọn cuốn Kinh Thánh, nhiều người không biết phải làm gì! Ngay cả nếu cho không, họ cũng không có thời giờ để đọc! Ngay cả có thời giờ để đọc, Kinh Thánh cũng không dễ để hiểu!

Thế mà có người ngược đời như Vua Solomon trong bài đọc I hôm nay: Chúa là Vua quyền năng hỏi ông muốn xin gì Chúa cũng sẽ ban? Ông đã không xin cho được tất cả của cải trong thế gian này mà chỉ xin cho được ơn khôn ngoan! Chắc chắn nhiều người chúng ta sẽ kết luận: Đúng là ông vua khùng!

Vua Solomon có khùng không hay chúng ta là những người khùng? Các bài đọc hôm nay sẽ giúp chúng ta thấu hiểu điều đó.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sự quan trọng của khôn ngoan

1.1/ Tại sao xin khôn ngoan mà không xin những thứ khác? Có ít nhất 4 lý do:

– Thứ nhất, có khôn ngoan là có tất cả, người có khôn ngoan sẽ làm ra của cải. Nếu một người khôn ngoan tiên đoán được tương lai, ông có thể trở thành giầu to. Ví dụ: nếu người đó, cách đây 3 năm, biết giá dầu sẽ tăng vùn vụt như hiện nay. Chính vì sự khôn ngoan của Vua Solomon mà Nữ hoàng phương Nam từ xa đã mang lễ vật tới để học hỏi cho được sự khôn ngoan của nhà vua.

– Thứ hai, của cải có thể chắp cánh bay vì nó ở bên ngoài chủ nhân, nhưng khôn ngoan không thể mất vì nó ở bên trong và sẽ đi theo chủ nhân đến muôn đời. Biết bao nhiêu người thừa hưởng những gia tài to lớn của cha mẹ để lại hay trúng số độc đắc; nhưng nếu không biết đầu tư hay tiêu xài, những của cải này rồi cũng thuộc về người khác!

– Thứ ba, của cải không mang lại hạnh phúc trong khi khôn ngoan là lý do trọng yếu để con người đạt hạnh phúc. Biết bao nhiêu người đã mất sự bình an trong tâm hồn và hạnh phúc cá nhân cũng như gia đình sau khi trở thành giầu có. Nhiều người đã thốt lên: Nếu biết trước cuộc đời họ và gia đình sẽ trở nên như hôm nay thì không bao giờ họ đã ao ước cho trở nên giàu có hay trúng độc đắc!

– Sau cùng, của cải không tồn tại muôn đời! Chính Chúa Giêsu đã gọi những kẻ chỉ lo tích trữ của cải thế gian là: “Đồ ngu! Nếu như ngay đêm nay Ta gọi ngươi về thì ngươi đem theo được gì?” Hay: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, hỏi được lợi ích chi?” Đã có không biết bao người giàu có trong lịch sử mà không bao giờ được nhắc tới, nhưng lịch sử lại nhắc tên những người để lại cho hậu thế nhưng công trình nghiên cứu và khám phá nhờ sự khôn ngoan của họ.

1.2/ Vua Solomon xin Chúa ban cho khôn ngoan để làm gì? Trước hết, để cai trị dân chúng cần có một đầu óc hiểu biết để phân biệt tốt và xấu. Đây là điều tối quan trọng cho những người cai trị quốc gia vì trước khi hành động họ phải biết thiết lập những luật lệ căn bản để bảo vệ dân chúng. Làm sao để thiết lập những luật lệ nếu ngay vua đã không phân biệt được tốt hay xấu? Thứ đến Vua Solomon thấu hiểu Chúa đã trao một dân được lựa chọn và đông đảo của Ngài cho ông để cai trị, và ông phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa những người này. Một mình Vua không thể cáng đáng hết mọi công việc, nhà Vua phải biết cách chọn người để cai trị với mình. Trong lịch sử Do-thái đã ghi lại nhiều ông vua bất công và bất tài, thay vì cai trị dân chúng trong công bằng và nhân từ, đã dùng uy quyền của mình để bóc lột dân chúng và đưa họ đến chỗ làm nô lệ cho ngoại bang.

Điều Vua xin rất đẹp lòng Chúa, vì đã chứng tỏ Vua là một con người chín chắn và hiểu biết. Nhà Vua đã không xin cho được sống lâu, giầu có, hay chiến thắng quân thù, vì ông biết tất cả những điều này là phụ thuộc so với khôn ngoan. Sống lâu mà không khoẻ mạnh hạnh phúc chỉ là kéo dài những chuỗi ngày khổ cực. Giầu có như đã nói ở trên. Chiến thắng quân thù cũng không khó lắm nếu có khôn ngoan, và nhất là phải chiến thắng chính mình nữa! Nhưng Vua đã xin cho hiểu biết để phân biệt điều gì đúng điều gì sai. Vì thế, Chúa đã ban cho Vua được khôn ngoan và hiểu biết chưa từng có ai trên đời này được như vậy.

2/ Bài đọc II: Khôn ngoan của Thiên Chúa không phải là bất cứ loại khôn ngoan nào của thế giới, nhưng là khôn ngoan để biết mục đích của cuộc đời và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

2.1/ Mục đích của cuộc đời: Ba câu hỏi mà con người ở mọi thời luôn ưu tư khắc khoải để tìm câu trả lời là: Con người ta từ đâu đến? Con người sống cuộc đời này để làm gì? Và khi chết rồi con người sẽ đi đâu? Những câu hỏi này không thể được trả lời cách thích đáng nếu Thiên Chúa không mặc khải, và con người không thể hiểu được nếu Thiên Chúa không ban sự khôn ngoan của Ngài cho con người. Thánh Phaolô trong Thư gởi các tín hữu Rôma quả quyết: “Mọi sự xảy ra trong cuộc đời là cho sự tốt lành của những người yêu mến Thiên Chúa, là những người đã được kêu gọi theo như ý định của Ngài.”

2.2/ Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: Biết mục đích của cuộc đời không chưa đủ, con người còn phải biết cách làm sao để đạt được mục đích ấy mới trọn vẹn. Thánh Phaolô phác họa tổng quát kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: “Những ai Thiên Chúa đã biết Ngài cũng định trước cho trở nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa; những ai Chúa định trước Ngài cũng kêu gọi; những ai Chúa đã kêu gọi Ngài cũng cho trở nên công chính; những ai Chúa đã cho trở nên công chính, Ngài cũng cho hưởng phúc vinh quang.”

Nhiều người lấy đoạn này để chứng minh thuyết tiền định. Điều này không đúng, vì ơn cứu độ được ban cho mọi người; nhưng con người có tự do để lãnh nhận hay từ chối kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô chỉ muốn nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa biết trước mọi sự, vì đối với Thiên Chúa, mọi sự đều xảy ra như trong hiện tại. Thiên Chúa biết những ai tiếp nhận hay từ chối ơn cứu độ của Ngài.

3/ Phúc Âm: Người khôn ngoan dám hy sinh tất cả để mua lấy Nước Trời.

Trước khi đi vào 4 trường hợp Chúa Giêsu nói, chúng ta cần hiểu rõ tiến trình của sự lựa chọn. Để biết lựa chọn khôn ngoan, một người cần phải:

(1) Biết hậu quả (mục đích) gây ra bởi sự chọn lựa của mình: Chọn lựa điều nào là phải lãnh hậu quả của điều đó mang tới. Nếu một người chọn Nước Trời, niềm vui của anh sẽ là được sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa; nếu chọn tiền của thế gian, niềm vui của anh sẽ là có thật nhiều tiền, nhưng tiền của chỉ có giá trị tạm thời bao lâu anh còn sống, anh và sẽ không đạt được Nước Trời.

(2) Biết cách đạt mục đích mình mong muốn: Nếu chọn Nước Trời, anh phải chọn sống theo tiêu chuẩn của Nước Trời; đó là phải bỏ ý riêng mình, làm theo những gì Chúa Giêsu dạy, và vác thánh giá (đau khổ) hàng ngày để theo Chúa. Nếu chọn tiền của, anh có thể sống theo tiêu chuẩn của thế gian: làm gì tùy ý thích, ăn ngon, mặc đẹp, hưởng thụ tối đa… cuộc đời sau sẽ ra sao không cần biết tới.

(3) Can đảm lựa chọn: Sau khi đã biết hết hậu quả của việc lựa chọn và cách đạt được mục đích, anh phải can đảm lựa chọn một trong hai. Anh không thể chọn cả hai (bắt cá hai tay): vừa chọn sống đời đời với Thiên Chúa, vừa chọn có nhiều tiền của để tiêu xài. Người bắt cá hai tay sẽ mất tất cả hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau.

3.1/ Như người tìm được kho tàng chôn dấu trong ruộng, ông về bán hết tài sản để mua thửa ruộng đó. Để có thể làm được điều này, ông cần có khôn ngoan để nhận ra những tài sản ông hiện đang có không thể so sánh với kho tàng trong ruộng và cần phải làm ngay. Ông không thể vừa muốn kho tàng chôn giấu vừa muốn giữ các tài sản của mình. Nếu không nhận ra sự quan trọng của Nước Trời trong cuộc đời, chắc chắn chúng ta không dám hy sinh tất cả cuộc đời vì Nước Trời; và các thánh Tử Đạo chắc chắn sẽ không dám chết cho Nước Trời.

3.2/ Như người lái buôn tìm được viên ngọc quí, ông về bán hết những viên ngọc ông đang có để lấy tiền mua viên ngọc quí. Cũng thế, người lái buôn cần có kinh nghiệm buôn ngọc để nhận ra giá trị thực sự của viên ngọc quí; nếu không viên ngọc đó cũng tầm thường như bao viên ngọc khác. Chỗ khác trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng nói tới không nên đặt ngọc trước miệng heo vì nó có biết viên ngọc có giá trị gì đâu, nó chỉ muốn cám heo ăn mà thôi. Tương tự như trên, người lái buôn chỉ có thể chọn một trong hai giải pháp.

3.3/ Như lưới người ngư phủ quăng xuống biển và bắt được rất nhiều cá, ông ngồi lựa chọn: cá tốt cho vào giỏ, cá xấu quăng đi. Các thiên thần của Chúa cũng làm như vậy trong Ngày Phán Xét. Người khôn ngoan biết chắc chắn sẽ có Ngày Phán Xét này, và ông không muốn làm cá xấu để bị quăng ra ngoài, nhưng muốn làm cá tốt để được thiên thần của Chúa thu vào kho lẫm trên trời. Lúc đó, con người có hối hận cũng quá muộn màng, anh sẽ cảm thấy ý nghĩa của câu Chúa nói: “Được lời lãi hết thế gian mà mất linh hồn, hỏi được ích gì?”

3.4/ Bất cứ luật gia nào đã được huấn luyện cho Nước Trời cũng giống như người chủ nhà: ông mang ra kho tàng của ông chứa đựng cả cái cũ và cái mới. Người khôn ngoan là người biết đánh giá trị đúng của cả cái cũ lẫn cái mới: ông không luôn theo thời để loại đi tất cả cái cũ vì ông biết rằng chưa chắc cái mới đã tốt bằng cái cũ; đồng thời ông cũng không thủ cựu đến độ chỉ khăng khăng ôm lấy cái cũ vì ông biết cái mới là hoàn hảo hơn của cái cũ. Các nhà chú giải đều đồng ý hiểu Chúa Giêsu muốn nói về Cựu Ước và Tân Ước ở đây.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta hay coi thường sự khôn ngoan và coi trọng của cải, danh vọng, quyền bính. Vì thế, chúng ta ít chịu chú trọng đến việc học hỏi, mở mang kiến thức; nhất là học hỏi và suy gẫm Lời Chúa.

– Chúng ta không biết có khôn ngoan là có tất cả. Khôn ngoan không những giúp chúng ta sống vui vẻ, bình an, hạnh phúc ở đời này, mà còn giúp đạt tới Nước Trời đời sau.

– Bao lâu chúng ta không biết đủ giá trị của Nước Trời, chắc chắn chúng ta sẽ không dám bán mọi sự chúng ta đang có để mua lấy Nước Trời; và bằng lòng với những gì chúng ta đang sở hữu ở thế gian này. Chỉ khi nào chúng ta xác tín Ngày Phán Xét sẽ đến, chúng ta mới có thể thay đổi cuộc sống và giữ cẩn thận luật pháp Chúa dạy mà thôi.

– Các bậc làm cha mẹ cũng ở bậc lãnh đạo và cũng cần có sự khôn ngoan hiểu biết như Vua Solomon, để biết phân biệt tốt xấu và để biết cách hướng dẫn gia đình bước đi vững vàng theo thánh chỉ của Chúa.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-17-thng-niena/