Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Chúa Nhật 33 – Năm A – Thường Niên

Administrator
2023-11-17 12:40 UTC+7 19
LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP 1/ Bài đọc I: Cn 31,10-13.19-20.30-31 10 Tìm đâu ra một người vợ đảm đang? Nàng quý giá vượt xa châu ngọc. 11 Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng, chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc. 12 Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc chứ không gây tai hoạ cho chồng. 13 Nàng […]

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc ICn 31,10-13.19-20.30-31

10 Tìm đâu ra một người vợ đảm đang? Nàng quý giá vượt xa châu ngọc.

11 Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng, chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc.

12 Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc chứ không gây tai hoạ cho chồng.

13 Nàng tìm kiếm len và vải gai, rồi vui vẻ ra tay làm việc.

19 Nàng tra tay vào guồng kéo sợi, và cầm chắc suốt chỉ trong tay.

20 Nàng rộng tay giúp người nghèo khổ và đưa tay cứu kẻ khốn cùng.

30 Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân. Người phụ nữ kính sợ ĐỨC CHÚA mới đáng cho người đời ca tụng. 31 Hãy để cho nàng hưởng những thành quả tay nàng làm ra.
Ước chi nơi cổng thành nàng luôn được tán dương ca tụng do những việc nàng làm.

2/ Bài đọc II1 Tx 5,1-6

1 Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em.

2 Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm.

3 Khi người ta nói: “Bình an biết bao, yên ổn biết bao!” thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được.

4 Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em.

5 Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối.

6 Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ.

3/ Phúc ÂmMt 25,14-30

14 “Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. 15 Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, 16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. 17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.

18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.

19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.

20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.” 21 Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” 22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.”

23 Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! “

24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. 25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” 26 Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, 27 thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! 28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. 29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. 30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

 ——————————

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chăm chỉ làm việc cho xứng đáng với sự tin tưởng của Thiên Chúa.

Chăm chỉ làm việc là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của một người. Truyện ngụ ngôn của Jean de La Fontaine đã nhiều lần chứng minh điều này qua câu truyện của con ve sầu và con kiến, con rùa và con thỏ, … Dù không có tài năng nhiều, nhưng nếu chăm chỉ làm việc, sớm muộn rồi cũng thành công đạt đích; nhưng nếu tài năng xuất chúng mà lười biếng không chịu làm việc, sẽ không bao giờ thành công được. Các Bài đọc hôm nay cho chúng ta nhìn thấy sự cần thiết của chăm chỉ làm việc: Bài đọc I dẫn chứng hình ảnh của người vợ khôn ngoan, bà chuyên cần làm việc để mưu ích cho gia đình. Bài đọc II dẫn chứng hình ảnh người đầy tớ trung thành, anh biết tỉnh thức và sống tiết độ để chờ ngày chủ trở về. Phúc Âm dẫn chứng 2 hình ảnh trái ngược: 2 người đầy tớ trung thành và khôn ngoan, biết lợi dụng tài sản chủ trao, chăm chỉ làm việc để sinh lợi cho chủ; và người đầy tớ biếng nhác, chẳng những đã không sinh lời cho chủ, mà còn cay đắng trách luôn cả chủ là người hà khắc, keo kiệt.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người vợ khôn ngoan

Bài đọc hôm nay nằm trong chương cuối cùng của Sách Châm Ngôn. Sau khi đã chưng dẫn rất nhiều ý tưởng khôn ngoan của người xưa và của các dân tộc trong Sách, tác giả tổng kết lại trong hình ảnh của một người vợ lý tưởng. Khôn ngoan trong Israel ngày xưa không như khôn ngoan trong triết học ngày nay, lối khôn ngoan rất cách xa với cuộc sống thực tế và không mấy quan tâm để tìm ra lẽ sống. Khôn ngoan ngày xưa trước tiên là biết quán xuyến đời mình. Vai trò của người vợ trong gia đình là phải biết cách tạo nên một tổ ấm cho gia đình được hạnh phúc, và giúp đào tạo những người con có khả năng phục vụ gia đình và xã hội trong tương lai. Theo tác gỉa, tìm được một người vợ khôn ngoan như thế là như tìm được một kho tàng: “Nàng quý giá vượt xa châu ngọc. Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng, chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc. Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc chứ không gây tai hoạ cho chồng.”

Thế nào là một người vợ lý tưởng? Phải chăng là sắc đẹp hay duyên dáng? Tác giả cho “duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân.” Giống như quan niệm của cha ông ta ngày xưa, “cái nết đánh chết cái đẹp.” Sắc đẹp mau tàn, nhiều khi đã chẳng sinh lợi, lại còn làm cho gia đình tan nát; nhưng các đức tính tốt sẽ tồn tại và chắc chắn sinh lợi ích cho gia đình. Nhưng đâu là những đức tính quan trọng của người vợ lý tưởng? Tác giả liệt kê 2 nhân đức:

(1) Mến Chúa yêu người: là 2 tiêu chuẩn quan trọng nhất để xác định một người vợ lý tưởng.

– Kính mến Chúa: Theo truyền thống khôn ngoan của Do-Thái: “Kính sợ Chúa là đầu mối mọi khôn ngoan.” Người vợ kính sợ Chúa sẽ biết cách khuyên bảo chồng và dạy dỗ con biết kính sợ Chúa và giữ các giới răn của Ngài: “Người phụ nữ kính sợ Đức Chúa mới đáng cho người đời ca tụng.”

– Yêu tha nhân: Ai kính sợ Thiên Chúa, cũng phải yêu tha nhân. Người vợ khôn ngoan không chỉ biết lo cho gia đình ở đời này, nhưng còn biết lo liệu sao cho gia đình được đòan tụ trên Nước Trời đời sau. Giúp đỡ người nghèo khổ là chuẩn bị cho gia đình đời sau. Vì vậy, người vợ khôn ngoan là người biết “rộng tay giúp người nghèo khổ và đưa tay cứu kẻ khốn cùng.”

(2) Chuyên cần làm việc: Vì “ở không là mẹ các tật xấu,” người vợ khôn ngoan không phí thời giờ để bàn chuyện thiên hạ; “nàng tìm kiếm len và vải gai, rồi vui vẻ ra tay làm việc; nàng tra tay vào guồng kéo sợi, và cầm chắc suốt chỉ trong tay.” Bằng chăm chỉ làm việc, người vợ khôn ngoan biết chăm lo mọi sự trong nhà, chăm sóc miếng ăn cho chồng con. Nàng biết nhìn xa trông rộng, không tiêu xài hoang phí, và biết kiếm thêm tiền để phòng xa, chứ không chỉ trông vào đồng lương của chồng mà thôi.

Hậu quả người vợ khôn ngoan gặt hái đựơc là thành công: cá nhân nàng, gia đình nàng, và xã hội. Thiên hạ tán dương nàng: “Ước chi nơi cổng thành nàng luôn được tán dương ca tụng do những việc nàng làm.”

2/ Bài đọc II: Người đầy tớ trung thành biết tỉnh thức và sống tiết độ.

2.1/ Sự bất thình lình của ngày giờ Chúa đến: “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm.” Điểm “bất ngờ” này đã được Chúa Giêsu đề cập đến nhiều lần trong các Tin Mừng (x/c Mt 24:43, Lk 12:39). Chính khi người ta nói: “Bình an biết bao, yên ổn biết bao!” thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được.

2.2/ Người đầy tớ trung thành biết tỉnh thức và chăm chỉ làm việc: Vì không biết khi nào Ngày ấy sẽ đến, nên con người phải luôn tỉnh thức sẵn sàng. Đêm tối là lúc cám dỗ con người nhiều nhất, và con người dễ bị sa ngã trong khỏang thời gian này vì mê ngủ và vì không chuẩn bị sẵn sàng. Để có thể thắng vượt được cám dỗ, Thánh Phaolô khuyên: “Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ.”

3/ Phúc Âm: Trung thành làm việc cho xứng với niềm tin của chủ.

Chúa Giêsu kể cho dân một ngự ngôn như sau: Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Yến bạc có giá trị tương đương khỏang 5000-6000 dennari thời đó; và tiền công nhật mỗi ngày là 1 dennari; như thế, một yến tương xứng với khỏang 18 năm làm việc mỗi ngày, một số tiền không phải nhỏ.

3.1/ Sự khôn ngoan và tin tưởng của ông chủ:

– Sự khôn ngoan của ông chủ: Nhiều người thắc mắc: “Tại sao ông chủ không trao đồng đều để tránh sự ganh tị?” Lý do là vì ông chủ biết rõ tính các đầy tớ của mình, nên ông giao của tùy khả năng mỗi người. Điều này chứng tỏ sự khôn ngoan của ông: tiền bạc đầu tư là phải sinh lời. Nếu là người lười biếng thì có giao cho họ dù chỉ một yến cũng là vô ích.

– Ông tin tưởng nơi các đầy tớ: Khi giao cho họ xong là ông trẩy đi phương xa, chứ không ở gần để xem xét dòm ngó hay khuyên răn chỉ bảo. Họ có tự do hòan tòan để dùng khôn ngoan mà đầu tư tiền của chủ dưới bất cứ hình thức nào.

3.2/ Đầy tớ khôn ngoan và phần thưởng trung thành: Điểm đặc biệt của ông chủ là ông không ra giá phải sinh lợi bao nhiêu, ông để cho các đầy tớ hòan tòan quyết định điều đó.

(1) Đầy tớ tài giỏi: Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Họ bắt đầu làm việc “ngay lập tức,” chứ không phí thời giờ chờ đợi.

(2) Phần thưởng trung thành: Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ:

– Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”

– Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”

3.3/ Đầy tớ lười biếng và hình phạt:

– Phản ứng của người lãnh một yến: Đã không sinh lời cho chủ, anh còn tìm lý do để biện minh cho sự biếng lười của mình bằng cách tố cáo chủ: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!”

– Phản ứng của ông chủ: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

– Ý hướng của ông chủ: Ông không đặt nặng vấn đề lời lãi vì ông không ra giá phải sinh lời bao nhiêu phần trăm. Ông trao cho mỗi người tùy theo khả năng và ông mong họ cũng sinh lời cho ông tùy theo khả năng của họ. Điểm ông muốn nhắm tới ở đây là sự chăm chỉ làm việc; qua dấu chỉ này, các đầy tớ chứng tỏ cho ông biết họ có xứng đáng với lòng tin của ông vào họ hay không. Ông chủ nói rõ: “Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa cho chúng ta thời giờ, tài năng, sức khỏe, của cải vật chất trong cuộc đời là để cho chúng ta chăm chỉ làm việc sinh lời cho Thiên Chúa. Chắc chắn sẽ có ngày chúng ta phải tính sổ với Ngài. Nếu chúng ta luôn chăm chỉ làm việc, chúng ta sẽ không quan tâm đến ngày phải tính sổ; nhưng nếu chúng ta ngủ mê lười biếng, ngày ấy sẽ là ngày kinh hòang cho chúng ta.

– Chúng ta đừng bận tâm nhìn chung quanh để so sánh bản thân với người khác; nhưng để tâm xét mình để nhìn ra chúng ta có thể làm gì với những quà tặng Thiên Chúa đã ban. Ngài ban cho mỗi người tùy khả năng: ban càng nhiều thì phải sinh lời càng nhiều và ngược lại. Điều quan trọng không phải ở chỗ lời lãi; nhưng ở chỗ chúng ta chăm chỉ làm việc và trung thành sống xứng đáng với lòng tin tưởng của Thiên Chúa.

– Nếu chúng ta sống xứng đáng với sự tin tưởng của Thiên Chúa, Ngài sẽ ban cho chúng ta thêm và cho chúng ta hưởng muôn vàn phúc lành khác; nhưng nếu chúng ta ngủ mê, than phiền, lười biếng, Ngài sẽ lấy đi tất cả và chúng ta sẽ phải khóc lóc suốt đời.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-33-thng-niena/