Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Chúa Nhật I – Năm A – Mùa Chay

Administrator
2023-02-24 17:10 UTC+7 21
LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP 1/ Bài đọc I: St 2,7-9.3,1-7 7 Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. 8 Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào […]

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc ISt 2,7-9.3,1-7

7 Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. 8 Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra. 9 Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. 1 Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không? 2 Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. 3 Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.” 4 Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! 5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” 6 Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. 7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.

2/ Bài đọc IIRm 5,12-19

12 Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. 13 Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội.

14 Thế mà, từ thời A-đam đến thời Mô-sê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như A-đam đã phạm. A-đam là hình ảnh Đấng sẽ tới. 15 Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. 16 Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội đã gây ra. Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính. 17 Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị. 18 Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. 19 Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.

3/ Phúc ÂmMt 4,1-11

1 Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. 2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. 3 Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” 4 Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” 5 Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, 6 rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” 7 Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” 8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9 và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” 10 Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” 11 Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

———————–

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cám dỗ và cách thức để vượt qua

Cám dỗ là kinh nghiệm thường xuyên xảy ra cho mỗi người. Nhiều người bi quan cho rằng con người không thể thắng vượt được trước ba kẻ thù quá mạnh là xác thịt, thế gian và ma quỉ. Nhưng trong kế hoạch của Thiên Chúa, phải có cám dỗ để thử thách đức tin. Thiên Chúa để những cám dỗ xảy ra là để thử thách và tôi luyện niềm tin, sự hy vọng, và lòng yêu mến của mỗi người dành cho Ngài.

Những bài đọc của Chúa Nhật đầu Mùa Chay, Năm A, cho chúng ta cái nhìn thâm sâu vào sự cám dỗ. Trong bài đọc I, tác giả Sách Sáng Thế tường trình sự sa ngã của cặp vợ chồng đầu tiên, ông Adam và bà Eva. Hậu quả là con người phải lãnh nhận biết vao đau khổ và phải chết. Trong bài đọc II, thánh Phaolô giải thích cho chúng ta sự liên hệ giữa tội của Adam và công nghiệp của Chúa Giêsu trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, thánh sử Matthew tường thuật cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trước khi khởi đầu sứ vụ rao giảng và cứu chuộc của Ngài. Tuy bị cám dỗ như bao người, Chúa Giêsu đã chiến thắng khải hoàn vì Người luôn tin tưởng nơi tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Adam và Eva bị cám dỗ và đã sa chước cám dỗ.

1.1/ Thiên Chúa sắp đặt mọi sự cho con người: Trình thuật STK vắn tắt cho khán giả thấy uy quyền, tình yêu, và sự quan phòng của Thiên Chúa: Ngài dựng nên con người và thiết lập một Vườn Địa Đàng để cho con người cư ngụ trong đó. Con người không thiếu thốn một điều gì trong vườn đó, và có quyền ăn mọi trái cây trong vườn ngay cả cây trường sinh. Để thử thách niềm tin yêu của con người, Thiên Chúa cấm con người không được ăn cây “biết điều thiện điều ác.”

1.2/ Con rắn cám dỗ và con người đã sa ngã:

(1) Sự tinh khôn của rắn: Tác giả cho chúng ta một chi tiết quan trọng: “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra.” Rắn là biểu tượng của quỉ, chúng cũng là tạo vật của Thiên Chúa, nguyên thủy là thiên thần nhưng đã phản bội Ngài. Chúng tinh khôn hơn con người vì chúng không có thân xác, điển hình là chúng đã làm cho con người sa ngã. Trước tiên, nó khơi dậy sự tò mò nơi người đàn bà: Tại sao Thiên Chúa chỉ cấm ăn trái cây đó? Thứ đến, nó khơi dậy sự nghi ngờ trong người đàn bà về tình yêu Thiên Chúa dành cho con người khi nó nói với Bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.”

(2) Ý nghĩa của cám dỗ đầu tiên:

– Tên của trái cây bị cấm “biết điều thiện điều ác” cho chúng ta cái nhìn sâu xa trong cuộc cám dỗ này. Chỉ có Thiên Chúa là Người hoàn toàn biết điều thiện điều ác. Quỉ cũng muốn được giống như Thiên Chúa, và chúng sa ngã cũng vì lý do này. Con người không thể hoàn toàn biết điều thiện điều ác như Thiên Chúa, nhưng lại muốn được giống như Thiên Chúa để khỏi phải lệ thuộc vào Ngài. Đúng như tên gọi của cây, vì khi hai ông bà ăn vào, “mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.” Họ biết điều thiện là họ đã phản bội Thiên Chúa yêu thương, và họ biết điều ác là mình đã phạm tội và cảm thấy xấu hổ.

– Tội đầu tiên con người phạm là tội kiêu ngạo: là con người mà lại muốn trở thành Thiên Chúa. Tội này dẫn đến tội thứ hai là không vâng lời điều Thiên Chúa truyền dạy: đưa tay ăn quả cấm và cám dỗ chồng để cùng ăn. Hậu quả là con người bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, chịu trăm ngàn đau khổ, và phải chết.

– Hai ông bà không phải là những người duy nhất phạm hai tội này, nhưng trải qua bao thế hệ, chúng vẫn đang làm cho biết bao người sa ngã và chịu những thiệt hại nặng nề. Con người ở mọi nơi mọi thời vẫn bị cám dỗ để nghĩ họ có thể khôn ngoan bằng hay hơn Thiên Chúa, họ muốn tự mình quyết định mọi chuyện xảy ra, chứ không muốn lệ thuộc vào ai cả; nhất là không muốn nghe bất cứ ai truyền cho họ phải làm điều gì cả cho dù biết nó là điều tốt.

2/ Bài đọc II: Sự khiêm nhường và lòng vâng phục của Đức Kitô thay đổi bản án cho con người.

2.1/ Tội cùng chịu và phúc lành cùng hưởng: Có lẽ câu trả lời của thánh Phaolô cho câu hỏi “Làm sao mọi người đều được hưởng ơn cứu độ từ công phúc của một mình Chúa Giêsu?” phải được xếp ngang hàng về tầm quan trọng với câu trả lời “Con người được cứu độ là do việc đặt niềm tin vào Đức Kitô, chứ không do bởi việc lành của con người.” Trình thuật hôm nay dẫn chứng câu trả lời, chúng tôi sắp xếp câu trả lời như sau để giúp độc giả hiểu rõ hơn.

(1) “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.” Phải hiểu làm sao câu “mọi người đã phạm tội?” Có 3 cách hiểu:

i. Tội tổ tông: Mọi người đều từ cặp vợ chồng Adam và Eve, nên mọi người đều bị ảnh hưởng di truyền của tội. Đây là điều Giáo Hội dạy, nhưng không chắc là ý của Phaolô ở đây.

ii. Adam phạm tội đầu tiên, sau đó mọi người đều phạm tội; nhưng không có một sự liên hệ mật thiết nào giữa tội của Adam và tội của mọi người, ngoại trừ căn bản là tội kiêu ngạo và bất tuân. Ý kiến này cũng không vững ở đây.

iii. Adam là biểu tượng chung cho tất cả con người, như khi chúng ta dùng danh từ “con người” có thể để chỉ “một người” hay có thể để chỉ “mọi người.” Đây có lẽ là điều thánh Phaolô muốn ám chỉ ở đây: mọi người đều đã phạm tội trong sự sa ngã đầu tiên.

(2) Bằng chứng: “Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời Adam đến thời Moses, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Adam đã phạm.” Đối với Phaolô, Lề Luật được coi là “người buộc tội luân lý,” vì nếu không có Luật buộc sẽ không có tội. Thập Giới chỉ được ban cho con người từ thời ông Moses, vậy chẳng lẽ con người không có tội từ ông Adam đến thời Moses? Phaolô nói không phải thế, vì con người vẫn phải chết, mà chết là hậu quả của tội. Phaolô có ý muốn nói tất cả đều đã phạm tội với Adam rồi, đó là lý do tại sao họ đều phải chết. Nhiều người sẽ thắc mắc: “chưa sinh ra, làm sao đã phạm tội được?” Phaolô muốn trả lời: Tập thể con người chỉ là một đối với Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là những cá nhân riêng lẻ, một người phạm tội là mọi người cùng phạm, một người phải chết là mọi người phải chết. Có người sẽ phản đối như thế là bất công!

(3) Phaolô trả lời Thiên Chúa không bất công, vì “Adam là hình ảnh Đấng sẽ tới. Nhưng sự sa ngã của Adam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.” Như vậy, Phaolô đã trả lời câu hỏi hóc búa: “Làm sao ơn cứu độ của mọi người có thể đến từ công nghiệp của một người là Đức Kitô.”

2.2/ Không ai là một hòn đảo riêng lẻ: Nhiều người bi quan thường hay đổ tội cho bà Eva hay cho ông Adam, vì họ đã gây ra tội lỗi, đau khổ, và sự chết cho con cháu. Thánh Phaolô và Giáo hội không đổ lỗi như thế, lại còn lạc quan gọi đó là “tội hồng phúc” như trong bài Exultet ca ngợi trong Đêm Vọng Phục Sinh. Thánh Phaolô liệt kê ở đây hai hồng phúc mà con người được hưởng vì tội này: (1) Con người được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính nhờ tin vào Đức Kitô. (2) Những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị với Ngài. Và Ngài kết luận: “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.”

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu bị cám dỗ và Ngài đã vượt qua thành công.

Trình thuật cơn cám dỗ của Chúa Giêsu được đặt trong bối cảnh cuộc đời của Chúa Giêsu trước khi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai. Địa điểm của chỗ cám dỗ này là Núi Quruntur vẫn còn ngày nay, một vùng núi đá chập chùng nằm giữa Jericho và Jerusalem. Nếu một người vào tu viện và leo lên đỉnh núi, họ có thể nhìn thấy rõ Đền Thờ Jerusalem từ đây. Chúa Giêsu bị cám dỗ để chọn lựa cách cứu chuộc con người: Cách dễ nhất và nhanh nhất để con người tin vào Ngài là làm phép lạ cho dân có của ăn và ban cho họ tất cả những gì họ muốn như của cải, danh vọng, uy quyền…, như sau khi Chúa làm phép lạ nuôi 5000 người, họ đã toan tính tôn Ngài làm vua nên Ngài phải bảo các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia, giải tán dân chúng, còn Ngài lên núi cầu nguyện (Jn 6:); Cách khó nhất và lâu nhất là giáo dục để họ nhận ra sự thật, giúp họ kiên nhẫn thực hành, và vượt qua đau khổ để đạt tới ơn cứu độ; cách này đòi hỏi Ngài phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng trên Thập Giá để mang lại ơn cứu độ cho con người.

3.1/ Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu.

(1) Cám dỗ thứ nhất về sự ăn uống: Trình thuật kể “Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói.” Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” Quỉ biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nó cũng biết Ngài mang bản tính con người nên cảm thấy đói sau khi ăn chay, và nó biết để bảo vệ sự sống, một người sẽ không nghĩ tới gì khác hơn là tìm được của ăn cho đỡ đói, nên nó cám dỗ Ngài làm phép lạ bằng cách hóa đá thành bánh ăn.

Nhưng Chúa Giêsu đáp lời quỉ và dạy chúng ta một bài học quan trọng: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” Con người là một tổng hợp của hồn và xác, như thân xác cần bánh ăn mới có thể sống cách thể lý, linh hồn cũng cần được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa thì mới có thể sống về phương diện tâm linh được. Sống phần tâm linh quan trọng hơn sống phần xác, vì đó là cuộc sống đời đời. Thế mà biết bao nhiêu người sống như không có hồn, như không phải chết, qua việc họ dành trọn vẹn thời giờ cho việc mưu sinh và bỏ qua việc học hỏi Lời Chúa. Chẳng lạ gì mà họ bị rơi vào hết cơn cám dỗ này đến cơn cám dỗ khác, và quằn quại trong đau khổ.

(2) Cám dỗ thứ hai về làm phép lạ: Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Quỉ biết người Do-thái rất thích chứng kiến hay được hưởng phép lạ, và đa số dân chúng, nhất là dân Việt-nam rất thích phép lạ. Nếu muốn con người tin, Thiên Chúa chỉ cần cho họ thấy phép lạ!

Chúa Giêsu trả lời quỉ và dạy con người bài học thứ hai: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” Phép lạ được làm là để khơi dậy đức tin trong tâm hồn con người: nếu một người đã có niềm tin, phép lạ không còn cần nữa; nhưng nếu một người cứng lòng, dù có chứng kiến biết bao phép lạ họ vẫn không tin. Chúng ta thấy rõ điều này nơi các người trong Thượng Hội Đồng, họ vẫn không tin Chúa và còn tìm cách hủy diệt Người. Hơn nữa, niềm tin dựa trên phép lạ không vững bền; nếu không thấy phép lạ nữa, con người sẽ đánh mất đức tin. Họ muốn biến và điều khiển Thiên Chúa thành máy làm phép lạ thay vì họ phải biết tin tưởng vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, như những gì quỉ nói: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”

(3) Cám dỗ thứ ba cho giàu sang phú quí: Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” Cám dỗ này cho chúng ta thấy rõ ràng sự gian dối của ma quỉ, vì tất cả những thứ quỉ hứa cho thuộc về Thiên Chúa, không thuộc về chúng.

Chúa Giêsu trả lời quỉ và dạy con người bài học thứ ba: “Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” Đây là điều răn thứ nhất và quan trọng hơn cả. Có thể nói không một tín hữu nào không biết điều răn này; nhưng thực hành giới răn này trong cuộc sống thì không dễ dàng, vì biết bao người đã vì lợi lộc không chịu thờ phượng Thiên Chúa, lại quì sụp lạy ma quỉ. Cám dỗ này phải mở mắt cho con người hiểu rõ họ được sở hữu điều gì hoàn toàn là do bởi Thiên Chúa, chứ không từ ma quỉ, hay do bởi sức mình, hay bởi những thế lực khác.

3.2/ Những điều căn bản cần thiết để vượt qua chước cám dỗ: Trước tiên, kiến thức về Thiên Chúa và về con người là điều kiện chủ yếu để vượt qua cám dỗ. Để có kiến thức này, các tín hữu cần bỏ thời giờ để học hỏi về Thiên Chúa qua Thánh Kinh và những giáo huấn của Giáo Hội. Không biết Kinh Thánh là không biết Thiên Chúa và không biết những dự tính và đường lối của Thiên Chúa dành cho con người. Biết những điều này, con người sẽ nhận ra ngay những cạm bẫy gian dối của ma quỉ và không dễ rơi vào. Thứ đến, niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa cũng không kém quan trọng. Con người phải vững tin Ngài sẽ không bỏ mặc con người phải đương đầu với ma quỉ, nhưng sẽ sai các thiên thần và những người tốt lành đến giúp đỡ và bảo vệ các con cái của Ngài, như đã sai các thiên thần đến nâng đỡ và bảo vệ Chúa Giêsu sau cuộc cám dỗ. Sau cùng, nhược điểm của con người là nghi ngờ sự hiện hữu, tình thương, và sự quan phòng của Thiên Chúa. Nhiều người lo sợ không biết có Thiên Chúa hay không, và nếu có, không biết Ngài có để mắt săn sóc đến họ không; vì thế, họ nghĩ phải tự mình lo liệu lấy cho chắc ăn.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta chỉ là loài thụ tạo vì yêu thương Thiên Chúa đã dựng nên, và có rất nhiều giới hạn. Chúng ta phải diệt trừ tội kiêu ngạo và bất tuân bằng cách tập luyện cho có được hai nhân đức khiêm nhường và tuân phục như Đức Kitô đã làm gương cho chúng ta.

– Chúng ta cần phải loại trừ cách nhìn ích kỷ và cá nhân của thế gian để học cái nhìn xả kỷ và tập thể của Thiên Chúa. Một người phạm tội, mọi người đều chịu; một người làm phúc, mọi người đều thông phần. Chỉ một lối sống như thế mới giúp chúng ta loại bỏ mọi cãi cọ, ghen tương tranh dành, ly dị, chiến tranh và đáp ứng được giới luật yêu thương như lời Chúa truyền dạy.

– Mọi cám dỗ đều có thể thắng vượt được nếu chúng ta chịu khó học hỏi Lời Chúa, và tập luyện để làm cho đức tin cho chúng ta mỗi ngày một thêm vững mạnh và kiên cường hơn.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-i-mua-chaya/