Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Chúa Nhật I – Năm C – Mùa Chay 

Administrator
2022-03-04 00:23 UTC+7 22
Lm. Anthony Đinh Minh Tiên, OP 1/ Bài đọc I: Đnl 26,4-10 Ông Moses nói với dân chúng rằng: 4 Tư tế sẽ nhận lấy giỏ từ tay anh em và đem đặt trước bàn thờ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. 5 Bấy giờ, anh em sẽ lên tiếng thưa trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của […]

Lm. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IĐnl 26,4-10

Ông Moses nói với dân chúng rằng: 4 Tư tế sẽ nhận lấy giỏ từ tay anh em và đem đặt trước bàn thờ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em.

5 Bấy giờ, anh em sẽ lên tiếng thưa trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em rằng:

6 Người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi.

7 Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi; Người đã nghe tiếng chúng tôi, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu.

8 Đức Chúa đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập.

9 Người đã đưa chúng tôi vào đây, ban cho chúng tôi đất này, đất tràn trề sữa và mật.

10 Và bây giờ, lạy Đức Chúa, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con.”

2/ Bài đọc IIRm 10,8-13

8 Vậy Kinh Thánh nói gì? Thưa: Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin.

9 Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ.

10 Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ.

11 Kinh Thánh nói: Mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng.

12 Như vậy, không có sự khác biệt giữa người Do-thái và người Hy-lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người.

13 Vì: Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát.

3/ Phúc ÂmLc 4,1-13

 1 Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về.

2 Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói.

3 Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!”

4 Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”

5 Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. 6 Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý.

7 Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.”

8 Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”

9 Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi!

10 Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn.

11 Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”

12 Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” 13 Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.

——————————-

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Năm lời tuyên xưng quan trọng của người Kitô hữu

Con người bị bao vây bởi những sự giả trá của thế gian; chẳng hạn: gán những ơn lành được hưởng cho những thần do tay loài người dựng nên; hay cho con người có thể tự sống mà không cần đến Thiên Chúa, cha mẹ, hay những người chung quanh… Tuy nhiên, Thiên Chúa không để cho con người phải lầm lũi bước đi trong sự sai trá, Ngài ban cho con người có trí khôn để suy xét và một kho tàng vô tận của Kinh Thánh để con người biết nhận ra sự thật và tôn thờ Ngài.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người phải biết nhận ra các ơn lành đến từ Thiên Chúa và tuyên xưng Ngài cho xứng đáng. Trong Bài Đọc I, ông Moses truyền cho dân Do-thái phải khắc sâu trong lòng hai biến cố Thiên Chúa đã làm cho họ: xuất hành ra khỏi Ai-cập và dẫn đưa vào Đất Hứa; họ phải biết cảm tạ Thiên Chúa bằng cách dâng những lễ vật đầu mùa quí giá nhất cho Ngài. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rôma một điều quan trọng: để được Thiên Chúa đón nhận lời cầu xin, họ phải tin Đức Kitô trong lòng và tuyên xưng Ngài nơi miệng lưỡi, chứ không phải chỉ là người Do-thái. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy chúng ta ba bài học quan trọng qua ba lần chịu cám dỗ của Ngài: thứ nhất, con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra; thứ hai, con người phải tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự, chứ không phải bất cứ loài thọ tạo nào của Ngài dựng nên; sau cùng, con người không được quyền thử thách Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa là Đấng ban phát muôn ơn lành cho con người.

1.1/ Nhớ lại quá khứ giúp con người biết sống hiện tại: Hai biến cố quan trọng trong lịch sử của người Do-thái là biến cố Xuất Hành và vào Đất Hứa.

(1) Biến cố Xuất Hành: Sau một thời gian sống bên Ai-cập từ thời của Giuse và các con ông Jacob, người Do-thái bị vua Pharaoh và các quần thần đối xử rất dã man như những nô lệ. Người Do-thái kêu cầu lên Thiên Chúa, và Ngài đã sai ông Moses và ông Aaron đến với dân chúng để đem họ ra khỏi đất Ai-cập. Để cho vua Pharaoh chịu phóng thích dân chúng, Thiên Chúa “đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng” trên đất Ai-cập, trước khi nhà vua cho phép dân chúng ra đi.”

(2) Dẫn đưa dân vào Đất Hứa: Thiên Chúa không phải chỉ giúp cho dân chúng ra khỏi Ai-cập; nhưng còn chuẩn bị tâm hồn dân chúng 40 năm trong sa mạc trước khi đưa dân vào đất Cannan, vùng đất tràn trề sữa và mật, như Ngài đã hứa cùng các tổ phụ của họ. Trong suốt 40 năm, Ngài đã thử thách để thanh luyện dân chúng khỏi mọi khuynh hướng xấu: than trách, mê ăn uống, và thờ bụt thần.

1.2/ Biết đáp trả tình thương Thiên Chúa: Khởi đầu và kết thúc trình thuật hôm nay, ông Moses truyền cho dân chúng phải dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho họ; các tư tế sẽ nhận tất cả và đặt chúng trước bàn thờ của Thiên Chúa. Của đầu mùa từ con người cũng như từ đất đai là của hiếm quí, nhưng họ phải hy sinh dâng hiến cho Thiên Chúa; không phải vì Thiên Chúa có thể ăn những thứ họ dâng; nhưng để cho dân chúng nhận ra những gì Ngài đã làm cho họ và họ phải đáp trả công ơn của Ngài.

2/ Bài đọc II: Tất cả những ai tin và kêu cầu danh Đức Kitô sẽ không phải thất vọng.

2.1/ Lời Kinh Thánh giúp con người nhận ra sự thật và tin tưởng nơi Thiên Chúa: Trình thuật hôm nay tiếp tục những gì thánh Phaolô đã trình bày trong những chương trước về đề tài con người được nên công chính là do bởi niềm tin vào Đức Kitô, chứ không do bởi việc giữ cẩn thận các Lề Luật. Ngay trong câu đầu tiên, thánh Phaolô đã trình bày về việc làm sao con người có thể tin tưởng nơi Thiên Chúa: “Vậy Kinh Thánh nói gì? Thưa: Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin.”

Thánh Phaolô muốn nhấn mạnh hai điều trong câu này: thứ nhất, Thiên Chúa là tác nhân chính, Ngài đã đặt Lời vào trong con người; thứ hai, Phaolô chỉ là người cộng tác với Thiên Chúa trong việc rao giảng để khơi dậy đức tin nơi người nghe. Phaolô trích dẫn Sách Đệ Nhị Luật 30:14 theo văn bản của MT. Có sự khác biệt giữa Bản Bảy Mươi và Bản MT: Bản Bảy Mươi có thêm câu “và ngay trên tay bạn;” có lẽ tác giả của Bản Bảy Mươi cũng muốn đến sự liên hệ giữa đức tin và hành động để biểu lộ đức tin. Theo Phaolô, con người phải tin Đức Kitô trong lòng và tuyên xưng ngoài miệng: Ngài đã được Thiên Chúa sai đến với con người để chịu chết và đã sống lại, thì mới được hưởng ơn cứu độ.

2.2/ Thiên Chúa thương xót tất cả những ai tin tưởng nơi Ngài: Ơn cứu độ của Thiên Chúa được mở rộng cho tất cả những ai tin và kêu cầu danh của Ngài; chứ không phải chỉ giới hạn trong vòng dân tộc Do-thái như nhiều người lầm tưởng. Phaolô trích dẫn các Sách Tiên Tri, Isaiah 28:16 trong câu 11, và Joel 2:32 trong câu 13, để nói lên sự thật này. Đây là điều hợp lý và chứng tỏ tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người. Phaolô kết luận: “Như vậy, không có sự khác biệt giữa người Do-thái và người Hy-lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người.”

3/ Phúc Âm: Bổn phận của con người với Thiên Chúa.

3.1/ Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh: Mang thân xác con người, Chúa Giêsu cũng bị chi phối bởi những ảnh hưởng của vật chất như trình thuật của Lucas mô tả: “Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói.” Khi con người đói, họ cần được ăn, bấy giờ, quỷ đến và nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” Nhưng Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”

– Cám dỗ cho Chúa Giêsu: Quỉ thần biết Chúa Giêsu sẽ bắt đầu sứ vụ rao giảng để chinh phục con người về cho Thiên Chúa, nên qua cám dỗ này, quỉ thần muốn chỉ cho Chúa Giêsu cách chinh phục con người: họ sẽ theo ông nếu ông làm phép lạ cho họ có bánh ăn. Trong Tin Mừng Marcô, đã có hai lần Chúa Giêsu làm phép lạ để nuôi dân chúng ăn: một lần 5,000 và một lần 4,000. Chúa Giêsu từ chối cách chinh phục con người bằng việc làm phép lạ; Ngài muốn chinh phục họ bằng việc rao giảng Tin Mừng và mặc khải về tình thương Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói với dân chúng khi họ đi tìm Ngài: “Đừng làm việc cho những lương thực mau hư nát, nhưng cho lương thực mang lại cuộc sống đời đời mà Con Người sẽ ban cho các anh” (Jn 6:27).

– Cám dỗ cho con người: Cơm bánh là điều quỉ thần thường xuyên dùng để cám dỗ con người ở mọi nơi và mọi thời. Chúng rất thành công trong cám dỗ về cơm bánh, không phải chỉ với những người đói khát thiếu ăn; nhưng còn với tất cả mọi người. Vì lòng tham vô đáy, con người không chỉ bằng lòng với “lương thực hằng ngày;” nhưng còn lo sao để có “lương thực cả đời.” Để thỏa mãn lòng tham, con người dùng nhiều thời gian để làm lụng, và không còn thời gian cho việc học hỏi Lời Chúa hay lo lắng cho những thiếu thốn của linh hồn. Sở dĩ con người có thể nhận ra ngay những đói khát về phần xác, vì nó dày vò thân xác con người và đưa tới cái chết, nếu không được ăn uống. Họ không nhận ra những thiếu thốn về phần linh hồn vì nó không làm cho con người phải chết ngay; nhưng nó cứ từ từ đưa con người tới chỗ chết bằng những quyết định thiếu khôn ngoan. Lời của Chúa Giêsu hôm nay nhắc nhở chúng ta chân lý quan trọng: như thân xác cần của ăn thế nào, linh hồn cũng cần được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa như thế.

3.2/ Ngươi phải thờ phượng một Thiên Chúa: Sau đó, quỷ đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”

– Cám dỗ cho Chúa Giêsu: Ngoài cơm bánh, con người rất dễ bị rơi vào lòng ham muốn của cải, danh vọng, và uy quyền. Quỉ thần như ngầm bảo Chúa Giêsu trong cám dỗ này: Họ sẽ theo ông nếu ông thỏa mãn họ với danh vọng, chức quyền, và của cải thế gian. Trong Tin Mừng, ba lần Chúa Giêsu tiên báo Cuộc Thương Khó sắp tới, ba lần các môn đệ đều chứng tỏ những gì quỉ thần muốn cám dỗ là điều con người ước mong; nhưng Chúa Giêsu kiên nhẫn dạy dỗ các môn đệ về việc từ bỏ, hy sinh phục vụ, và vác thánh giá theo Ngài.

– Chúng ta có thể nhận ra sự gian trá của quỉ thần trong cám dỗ thứ hai này, vì của cải thế gian không thuộc về quỉ thần, nhưng thuộc về một mình Thiên Chúa. Ngài tạo dựng mọi sự cho loài người hưởng dùng khi họ còn sống trên thế gian. Con người chẳng mang được gì vào thế gian và cũng chẳng mang theo được gì khi từ giã cuộc đời. Quỉ thần biết lòng tham của con người muốn sở hữu nên hứa ban cho con người điều không thuộc về chúng. Trong thực tế, biết bao con người đã rơi vào bẫy giăng của chúng; họ chạy theo những lời hứa hão huyền và phù hoa của thế gian, mà quên đi Thiên Chúa, Đấng dựng nên tất cả.

3.3/ Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi: Quỷ lại đem Đức Giêsu đến Jerusalem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Bấy giờ Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”

– Cám dỗ cho Chúa Giêsu: Quỉ thần biết con người thích dễ dãi và chạy trốn đau khổ, nên như ngầm bảo Ngài: hãy chinh phục con người bằng việc làm phép lạ. Trong Tin Mừng, dân chúng chạy theo Chúa Giêsu để xin Ngài cất đi tất cả những đau khổ và bệnh tật. Ngài chữa lành rất nhiều người, nhưng là để khơi dậy niềm tin cho họ. Khi Chúa Giêsu hấp hối trên Thập Giá, cám dỗ này được lặp lại trên miệng của những người Do-thái: Nếu ông thực sự là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi Thập Giá để tôi và mọi người đều tin.

– Cám dỗ cho con người: Thiên Chúa có thể lấy đi mọi đau khổ của con người; nhưng nếu Ngài làm như thế, con người chẳng chứng tỏ được niềm tin cũng như sự tiến bộ. Thử thách và đau khổ là cơ hội cho con người luyện tập đức tin và chứng tỏ niềm tin vào Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta đang ở trong những ngày đầu của hành trình Mùa Chay. Mục đích của Mùa Chay là để huấn luyện con người có bản lĩnh để đương đầu với các chước cám dỗ của cuộc đời.

– Nếu chúng ta không biết lợi dụng thời gian của Mùa Chay để luyện tập, chúng ta sẽ không thể đối chọi những cám dỗ của ma quỉ, thế gian, và xác thịt luôn chờ đợi chúng ta rơi vào.

Nguồn: https://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=997:ch-nht-i-mua-chayc&catid=25&Itemid=27