Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Chúa Nhật III – Năm A – Mùa Vọng

Administrator
2022-12-10 23:03 UTC+7 25
LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP 1/ Bài đọc I: Is 35,1-6a, 10 1 Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, 2 hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò. Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của […]

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IIs 35,1-6a, 10

1 Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông,

2 hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò. Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Li-băng, vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-ron.
Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của ĐỨC CHÚA, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta.

3 Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng.

4 Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em.”

5 Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.

6 Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.
10 Những người được ĐỨC CHÚA giải thoát sẽ trở về, tiến đến Xi-on giữa tiếng hò reo,
mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất.

2/ Bài đọc IIGc 5,7-10

7 Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa.

8 Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới.

9 Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa.

10 Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa.

3/ Phúc ÂmMt 11,2-11

2 Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng:

3 “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

4 Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe:

5 Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, 6 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

7 Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?

8 Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. 9 Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa.

10 Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.

11 “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đấng Thiên Sai sẽ mang lại niềm vui và bình an cho con người.

Nhiều người lầm tưởng để có bình an và hạnh phúc, họ cần có uy quyền, danh vọng, giàu sang, sắc đẹp; nhưng thực tế chứng minh cho dù có những điều này, con người vẫn không có bình an và hạnh phúc. Con người chỉ có bình an và hạnh phúc thực sự, khi Thiên Chúa ngự trong tâm hồn, và hướng dẫn mọi khía cạnh trong cuộc sống.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong lời hứa của Thiên Chúa sẽ ban Đấng Thiên Sai, và niềm vui khi con người có được Ngài trong tâm hồn. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Isaiah nhắc lại lời Thiên Chúa hứa sẽ ban Đấng Thiên Sai trong giòng tộc David, cho dù dân chúng đang sống lầm than khổ cực nơi lưu đày. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu phải luyện tập nhân đức trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô đến lần thứ hai, nhất là kiên tâm bền chí và ăn ở thuận hòa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khen ngợi Gioan Tẩy Giả vì ông có một đức tin vững vàng, một cuộc sống đơn giản, và một cuộc đời làm chứng nhân cho Thiên Chúa. Tuy thế, Chúa Giêsu nhấn mạnh người thấp nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất.

1.1/ Thiên Chúa có thể làm mọi sự: Lời kêu gọi của tiên-tri Isaiah trong cảnh lưu đày: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò. Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Liban, vẻ rực rỡ của núi Carmen và đồng bằng Sharon. Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta.”

+ Làm sao sa mạc, vùng đất hoang, và đồng khô cỏ cháy có thể trổ bông? Điều này nhắc nhở con người Thiên Chúa có thể làm mọi sự. Khi Đấng Thiên Sai đến, Ngài có thể biến những tâm hồn bi quan thành lạc quan, đau buồn thành niềm vui, thất vọng thành tràn trề hy vọng.

+ Núi Liban, núi Carmen, và đồng bằng Sharon của vùng Cận Đông tượng trưng cho vẻ đẹp huy hòang và sự màu mỡ. Khi Đấng Thiên Sai đến, Ngài sẽ làm cho con cái Israel được hoành tráng như thế.

1.2/ Thiên Chúa mang lại sức mạnh, niềm vui, và hy vọng cho con người: Lời sấm của tiên-tri Isaiah có hai cấp độ hoàn thành:

(1) Thiên Chúa sẽ giải thoát Israel khỏi lưu đày: Điều này đã xảy ra vào năm 538 BC, khi vua Cyrus của Ba-tư ra chiếu chỉ cho con cái Israel hồi hương và giúp họ tài chánh để xây dựng lại Đền Thờ và tái thiết xứ sở.

Sống trong thời chiến tranh và hoàn cảnh lưu đày, con người dễ lâm vào cảnh lo âu, sợ hãi, khi nghĩ tới tương lai. Tiên tri Isaiah được Thiên Chúa sai tới để củng cố niềm hy vọng cho con cái Israel nơi lưu đày: “Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng.”

(2) Đấng Thiên Sai sẽ giải thoát con người khỏi mọi bất hạnh: Điều này đã xảy ra khi Chúa Giêsu đến:

– Ngài sẽ mang ơn cứu độ đến cho con người: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em.”

– Ngài sẽ chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của dân chúng: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.”

– Ngài sẽ giải thoát con người khỏi tội: cho những tù nhân khỏi tù tội, và làm cho kẻ lưu đày được hồi hương: “Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về, tiến đến Sion giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất.”

2/ Bài đọc II: Hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì Ngày Chúa quang lâm đã gần tới.

2.1/ Phải kiên nhẫn chờ đợi trước khi nhìn thấy kết quả: Thời gian chờ đợi là kẻ thù của con người, vì nó làm cho con người mất kiên nhẫn; nhưng theo ý định của Thiên Chúa, con người làm việc gì cũng phải lệ thuộc vào thời gian. Thánh Giacôbê đưa ra một ví dụ nông nghiệp để khuyên các tín hữu phải bền tâm vững chí trong khi chờ đợi Ngày Đức Kitô đến lần thứ hai: “Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới.”

2.2/ Phải chuẩn bị và luyện tập nhân đức: Vẫn theo ví dụ của nhà nông, trong khi chờ đợi mùa gặt hái, họ phải bón phân, tỉa cành, giết sâu bọ, để cây có thể cho nhiều trái và hoa quả tốt tươi. Con người cũng thế, họ không chỉ kiên nhẫn chờ đợi Ngày Chúa đến, nhưng còn phải kiên trì cầu nguyện và tập luyện các nhân đức cần thiết. Thánh Giacôbê liệt kê những điều cần thiết phải làm:

(1) Phải ăn ở thuận hòa: Con người thường có thói quen lấy mình làm tiêu chuẩn để phán xét tha nhân, dù nhiều khi rất thiển cận và bất công. Cách tốt nhất để giúp con người ăn ở thuận hòa là đừng bao giờ phán xét người khác khi không có trách nhiệm, để rồi sẽ không bị phán xét bởi Thiên Chúa; vì chúng ta đong đấu nào cho tha nhân, Thiên Chúa sẽ dùng đấu ấy mà xét xử chúng ta. Ngài khuyên các tín hữu: “Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa.”

(2) Noi gương các ngôn sứ: “Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa.” Các ngôn sứ không sợ chấp nhận hậu quả của việc nói sự thật, các ngài sẵn sàng chấp nhận sự ghét bỏ và truy tố của con người. Hơn nữa, con người không dễ thay đổi, các ngài phải kiên nhẫn chờ đợi để thay đổi và giúp con người làm hòa với Thiên Chúa.

3/ Phúc Âm: Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả.

3.1/ Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Trình thuật kể ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, khi nghe biết những việc Đức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

+ Tại sao Gioan đặt câu hỏi cho Chúa Giêsu? Phải chăng Gioan nghi ngờ hay các môn đệ của ông nghi ngờ Đấng Thiên Sai? Có lẽ Gioan đặt câu hỏi với Chúa không phải do nghi ngờ, vì chính ông đã chỉ vào Chúa và giới thiệu với các môn đệ khi Ngài đi ngang qua (Jn 1:29); nhưng ông muốn các môn đệ của ông được củng cố niềm tin bằng chính những lời từ miệng Chúa.

+ Đáp lại câu hỏi của Gioan, Chúa Giêsu không dùng lời nói để diễn tả; nhưng kêu gọi họ hãy nhìn bằng hành động. Đó là cách thức vững chắc nhất để củng cố niềm tin: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.” Những điều này đã được tiên-tri Isaiah loan báo trong Cựu Ước ở trên. Khi một người chứng kiến những điều lạ xảy ra, họ phải nhận ra triều đại của Đấng Thiên Sai đã đến.

3.2/ Đức Kitô khen ngợi Gioan: Khi các môn đệ của Gioan đi rồi, Đức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan và khen ngợi:

(1) Niềm tin vững vàng của Gioan: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?” Cây sậy phất phơ trước gió biểu tỏ một niềm tin lung lay như những người “gió chiều nào, theo chiều đó.” Gioan chắc chắn không phải là một cây sậy phất phơ trước gió; nhưng một người với một niềm tin chắc chắn.

(2) Cuộc sống đơn giản của Gioan: “Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua.” Gioan không mặc gấm vóc lụa là và ở trong cung điện; nhưng ông mặc áo da thú, ăn châu chấu và mật ong rừng, và ở trong sa mạc. Ông chứng minh con người có thể sống một cuộc đời đơn giản, không quá lệ thuộc vào vật chất, và sống gần gũi thiên nhiên; để còn có thời giờ chuẩn bị tâm hồn con người đón nhận Đấng Thiên Sai.

(3) Sứ vụ của Gioan: “Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa.” Ngôn sứ là người nói thay cho Thiên Chúa. Cuộc sống ngôn sứ của Gioan chứng minh ông thi hành sứ vụ của ngôn sứ mà không sợ bất cứ một hậu quả gì. Chính vì nói thẳng và nói thật đã đưa ông vào tù, và bị chém đầu đặt trên đĩa sau này.

(4) Gioan là ngôn sứ cao trọng nhất: Chúa Giêsu khen ngợi Gioan: “Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.” Gioan dọn đường cho Đấng Thiên Sai bằng cách sửa dọn tâm hồn cho dân chúng và ông nhìn thấy và chỉ rõ cho dân chúng biết Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Các ngôn sứ khác của Cựu Ước chỉ mặc khải một số chi tiết có liên quan tới Ngài.

(5) Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông: Sau cùng, Chúa Giêsu kết luận: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.” Khi nói những điều này, Chúa Giêsu không có ý khinh thường Gioan; vì cũng như khi Ngài trả lời những người cho Ngài biết Mẹ và anh em đến tìm Chúa: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Mẹ Ta và anh em Ta là những kẻ nghe và thực hành ý muốn của Thiên Chúa.” Gioan đã thi hành sứ vụ Thiên Chúa trao cách tốt đẹp và đầy đủ, ông cũng sẽ được thừa hưởng Nước Trời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta chỉ thực sự có niềm vui và hạnh phúc khi Đức Kitô đến và cư ngụ trong tâm hồn chúng ta; chứ không lệ thuộc vào bất cứ điều gì hời hợt bên ngoài.

– Để đón nhận Đức Kitô, chúng ta cần phải kiên nhẫn cầu nguyện, thanh tẩy tâm hồn, và luyện tập các nhân đức.

– Noi gương Gioan Tẩy Giả, người thực sự có niềm vui và hạnh phúc, chúng ta cần luyện tập để có một đức tin vững vàng, một cuộc sống giản đơn, và trung thành làm chứng cho Đức Kitô.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-iii-mua-vnga/