Adalberto Sisti OFM
(Thời sự Thần học, Số 73 – tháng 8 năm 2016, tr. 35-51)
Tóm tắt. I. Đẹp và tốt: 1. Từ ngữ; 2. Vẻ đẹp theo Kinh thánh; 3. Nguồn gốc cái đẹp. II. Phản ánh của vẻ đẹp trên thế giới: 1. Bầu trời, mặt trời và mặt trăng; 2. Thảo mộc và động vật. III. Vẻ đẹp của con người: 1. Những nhân vật và nhân tố của vẻ đẹp; 2. Hương thơm và trang điểm; 3. Những giá trị và giới hạn. IV. Vẻ đẹp những công trình của con người: 1. Nghệ thuật; 2. Đời sống.
(Nguồn: Nuovo Dizionario di Teologia Biblica, Ed. Paoline, Cinisello Balsamo, 1988, 161-168. Các chú thích của người dịch)
————————
I. Đẹp và Tốt
Tiếng Hip-ri thiếu một từ ngữ tương xứng để diễn tả cái đẹp, hiểu theo nghĩa là thẩm mỹ. Có người nhận xét chí lý rằng khi so sánh với văn hóa Hy-lạp, người Do thái chẳng mấy quan tâm đến cái đẹp[1], nhưng điều này không có nghĩa là Kinh thánh không biết thưởng thức cái đẹp, dù là cái đẹp của thiên nhiên hoặc cái đẹp của nghệ thuật; nó chỉ muốn nói rằng Kinh thánh chú trọng đến cái tốt nội tại của con người, của các hành động và sự vật, hơn là dáng vẻ bên ngoài. Vì thế, khi tìm hiểu quan niệm Kinh thánh về cái đẹp, chúng ta hãy để ý đến nội dung tư tưởng hơn là từ ngữ.
1. Từ ngữ
Trong các mục lục của vài từ điển Kinh thánh, đôi khi người ta liệt kê những từ ngữ có liên hệ cách nào đến cái đẹp, trong đó có hai từ ngữ đáng lưu ý. Thứ nhất, tính từ jafeh (với những động từ và danh từ tương ứng), nói chung ám chỉ dáng vẻ bên ngoài mang lại khoan khoái và hạnh phúc, được áp dụng cho con người cũng như sự vật (St 12,11; 1V 1,2; Gr 11,16…). Thứ hai, tính từ tob, nguyên nghĩa là “tốt”, nhưng khi dùng như danh từ trừu tượng thì cũng có nghĩa là “điều tốt” (thiện, hảo). Từ ngữ này được sử dụng rất rộng rãi (741 lần trong bản Hip-ri), bao hàm nhiều lãnh vực, từ Thiên Chúa cho đến các sự vật và con người với những hành động và tư cách đạo đức, cho nên có thể dịch tùy theo mạch văn như là: thích thú, tiện ích, hữu dụng, ngay thẳng, đẹp đẽ, chân thành, đúng đắn, vv.
Chính vì ý nghĩa của từ tob súc tích như vậy, cho nên khi chuyển sang tiếng Hy-lạp, bản dịch LXX sử dụng ba từ khác nhau để diễn tả: agathós (tốt), kalós (đẹp), chrestós (hữu ích). Dù sao, trong tiếng Hy-lạp cũng như trong tiếng Hip-ri và nhiều ngôn ngữ khác, cái đẹp thường được gắn liền với cái tốt, thậm chí được đồng hóa với cái tốt[2] (trong tiếng Việt, hai từ “tốt đẹp” thường đi liền với nhau), đặc biệt khi phê phán tính cách luân lý và kể cả tính cách thẩm mỹ dưới những khía cạnh khác nhau[3].
2. Mỹ quan của Kinh thánh
Nếu chỉ dừng lại ở một vài bản văn riêng rẽ, chúng ta có thể nói được rằng dân Israel không trân trọng các sản phẩm đẹp đẽ do bàn tay con người làm ra, bởi vì họ chỉ chú trọng chiêm ngắm những gì đẹp đẽ trong thiên nhiên. Thí dụ, các bàn thờ được dựng để tôn kính Thiên Chúa phải làm bằng đá thô, không chạm trổ (Xh 20,25; Đnl 27,6), luật nghiêm cấm đúc tạc ảnh tượng dưới bất cứ hình thức nào (Xh 20,4; Đnl) với lý do là Thiên Chúa không bao giờ xuất hiện dưới hình dạng con người (Đnl 4,12-15). Thật ra, điều ngăn cấm này hoàn toàn mang tính cách tôn giáo, bởi vì sợ rằng người dân thường sẽ rơi vào tội thờ ngẫu tượng, giống như các dân tộc láng giềng (Xh 20,5; Đnl 5,9), như thực sự đã xảy ra nhiều lần, bắt đầu với việc tạc con bê vàng trong sa mạc trong thời gian ông Mosê vắng mặt (Xh 32,1-7), cho đến việc dựng lên con rắn bằng đồng cũng trong sa mạc (Ds 21,6-9), nhưng vua Edêkia phải ra lệnh cất khỏi đền thờ bởi vì nó đã trở thành tục thờ ngẫu tượng.
Giáo huấn Kinh thánh, tuy xem ra không quan tâm trực tiếp đến cái đẹp, nhưng kỳ thực đã được cảm hứng bởi những nguyên tắc huấn luyện rất cao thượng, đáng cho chúng ta tìm hiểu. Nói vắn tắt, Kinh thánh muốn vượt lên trên những giới hạn của con người và thế giới do Thiên Chúa dựng nên, để vươn thẳng đến chính nguồn mạch cái đẹp. Như vậy, Kinh thánh nhắc nhở con người đừng nên bị quyến rũ hoặc chìm ngập trong các vật hữu hạn, phù phiếm, nhưng hãy vượt lên thực tại trước mắt để chiêm ngưỡng quyền năng, vinh quang của Đấng đã dựng nên chúng và đã trao chúng cho con người sử dụng (x. Tv 8; 104; vv).
3. Nguồn mạch của cái đẹp
Nhằm chứng minh rằng Thiên Chúa là Đấng đã làm ra tất cả muôn vật, trình thuật tư tế về sự tạo dựng[4] đã điểm qua những công trình sáng tạo, bằng cách phân phối trong lược đồ của sáu ngày làm việc ; vào cuối mỗi công việc, tác giả ca ngợi như một điệp khúc: “Thiên Chúa thấy là tốt” (St 1,1.4.12.18.21.25). Vào cuối ngày thứ sáu, tác giả thêm : “Thiên Chúa thấy những gì mà Ngài đã làm, và quả thật là tốt” (1,31)[5]. Nhìn từ phía Thiên Chúa, những lời này ra như diễn tả sự thỏa mãn bởi vì mọi sự đều tương ứng với kế hoạch của Ngài; tuy nhiên, nhìn từ phía người viết, những lời ấy xem ra là một thánh thi ca ngợi thế giới hùng vĩ, bởi vì nó biểu lộ trật tự, hài hòa và vẻ đẹp mà Đấng Tạo hóa đã in vào. Vì thế, bản dịch LXX tuy vẫn duy trì ý nghĩa nguyên khởi của bản văn, nhưng đã dịch tob trong tiếng Hip-ri thành kalón. Khi nói về con người hay sự vật, từ này có nghĩa là “đẹp”, xét vì có trật tự, không khiếm khuyết, cân đối, hài hòa dưới hết mọi khía cạnh.
Đồng thời các dịch giả Hy lạp du nhập vào Sách Thánh danh từ kósmos, vừa theo nghĩa là sự trang điểm (kể cả về luân lý) (Xh 33,5-6; 2Sm 1,24; Gr 2,32…) vừa ám chỉ toàn thể (nghĩa đen là “đạo binh”) các tinh tú trang điểm bầu trời (St 2,1; Dt 4,19; 17,3; Is 24,22; 40,20), và như vậy khá gần với ý nghĩa cổ điển của từ ngữ ấy, bao hàm các ý niệm trật tự, thống nhất và xinh đẹp trong thế giới thụ tạo. Chúng ta thấy rằng sách Huấn ca đã ca ngợi không chỉ riêng Thiên Chúa là Đấng đã xếp đặt “các kỳ công của sự thượng trí của Ngài” cách lớp lang trong vũ trụ mà thôi (Hc 42,21), mà cả vẻ đẹp của hoàn vũ, xét trong toàn thể cũng như trong những yếu tố khác nhau: mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao lấp lánh làm nên vẻ đẹp của bầu trời (42,1-10); cầu vồng “xinh tươi huy hoàng” (43,11); tuyết với vẻ đẹp trắng tinh khiến cho mắt kinh ngạc và lòng trí sững sờ khi thấy nó rơi (43,18); mưa, gió, biển bao la (43,20-26); nhưng tất cả đều được xem như công trình của Thiên Chúa và biểu lộ vinh quang của Ngài, vì thế chúng trở thành động lực để chúc tụng Ngài trên hết muôn vật (43,27-33).
Một cách tương tự, tuy với giọng điệu kém trữ tình nhưng hơi triết lý, tác giả sách Khôn ngoan (13,19) nhìn nhận rằng những người ngoại giáo thờ lạy các yếu tố thiên nhiên có thể đã bị lường gạt trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa, bởi vì đang khi cố gắng vươn lên Đấng siêu việt khởi đi từ các loài thụ tạo, thì họ lại lầm lẫn, bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của chúng; họ nghĩ rằng chỉ cái gì mắt trông thấy được thì mới thực sự là đẹp (câu 6-7). Dù vậy, tác giả cảm thấy buộc phải kết án họ, bởi vì từ những vật hữu hình họ đã không biết nhận ra kẻ đã làm ra chúng (câu 1; x. Rm 1,19-20). Xét vì ý nghĩa sâu xa của nó, bản văn này đáng được trưng dẫn: “Nếu chúng say mê những vẻ đẹp đó mà coi là thần minh, thì cũng phải biết rằng Chúa Tể của những vật đó còn đẹp hơn biết mấy, vì chính Đấng sáng tạo mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp. Nếu quyền năng và sức mạnh của những vật kia làm cho chúng kinh ngạc thì chúng phải hiểu rằng Đấng làm nên những vật đó còn mạnh mẽ hơn biết chừng nào. Vì các thụ tạo càng lớn lao đẹp đẽ đó thì càng giúp nhận ra Đấng Tạo Thành” (câu 3-5).
Chắc hẳn một vài ý niệm liên quan đến vẻ đẹp đã chịu ảnh hưởng của văn minh Hy lạp, cững như những hệ luận kèm theo, chẳng hạn như sự trầm trồ trước cảnh xoay vần của các yếu tố thiên nhiên (19,18), và đặc biệt là các công trình do con người chế tạo (14,19). Tuy nhiên, những tư tưởng này cần được liên kết với truyền thống cổ xưa của Kinh thánh, vốn nhấn mạnh đến khía cạnh năng động của sự vật hơn là màu sắc của nó, đã luôn nhìn thấy nơi vạn vật trong vũ trụ một lý do để ca ngợi vẻ uy nghi cao cả và quyền năng của Đấng đã tạo nên chúng (Tv 89,6-14; Is 40,28; 45,7-9; Gr 32,17-19; Kn 11, 21-22).
II. Phản ánh của vẻ đẹp trong thế giới
Nói chung, trong Kinh thánh, chúng ta không gặp thấy những trang trữ tình gợi hứng từ vẻ đẹp của thiên nhiên, tương tự như trong văn chương cổ điển và lãng mạn. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa các tác giả Sách Thánh không cảm thấy rung động trước những quang cảnh mà thiên nhiên cống hiến cho con người để chiêm ngưỡng, hoặc trầm trồ trước thế giới thảo mộc và động vật. Chỉ cần có chút óc phân tích thì sẽ khám phá, đàng sau những dòng chữ, những tâm tình trầm trồ thán phục đứng trước các hiện tượng thiên nhiên (x. G 36,27-38,38; Hc 42,14-43,33) hoặc mời gọi muôn vật hãy chúc tụng tán dương Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên chúng (Tv 148, 1-12; Đn 3,52-90).
1. Bầu trời, mặt trời và mặt trăng
Thiết tưởng không có phương thức nào được sử dụng thường xuyên nhất để diễn quyền bá chủ của Thiên Chúa cho bằng “ngài là Chúa Trời”. Tuy rằng đôi khi có những đoạn văn nói rằng Thiên Chúa ngự trên trời, hoặc đặt ngai ở trên trời, hoặc Ngài là chủ tể của trời, và thậm chí về sau này, Ngài còn được gọi là “Trời” (1Mcb 3,18; 4,10.24.55; 2Mcb 7,11; Mt 21,25; Lc 15,18.21…), không những bởi vì người ta nghĩ đến sự cao cả hoặc siêu việt của Ngài, nhưng cũng vì nghĩ đến sự vô biên và đẹp đẽ của Ngài. Vì thế vịnh gia có thể ca lên rằng: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm”, rồi tiếp tục tán dương Ngài, Đấng đã trang điểm cho bầu trời bằng thái dương; thái dương rạng rỡ được ví như hôn phu bước ra khỏi loan phòng và như một tráng sĩ anh dũng tung hoành từ chân trời này đến chân trời kia (Tv 19,2.6-7).
Bên cạnh mặt trời, Kinh thánh cũng chúc tụng mặt trăng và bình minh vì ánh rạng ngời, và trở nên biểu tượng vô song của vẻ đẹp giống như tân nương của sách Diễm ca, xuất hiện như bình minh, “kiều diễm như vầng nguyệt lộng lẫy tựa thái dương” (6,10). Bên Đông phương, bình minh gây nhiều ấn tượng hơn là hoàng hôn, và được ca ngợi vì vẻ rạng ngời (G 3,9; 38,12; 41,10), được ví như sự xâm nhập của ánh sáng tràn ngập núi đồi (Jl 2,2). Vịnh gia ưa thích “đánh thức bình minh” để có thể ca tụng vinh quang Thiên Chúa trong đền thờ vào lúc khởi đầu ngày mới (Tv 57,9). Đứng trước quyền năng và tri thức vô biên của Thiên Chúa, vịnh gia cảm thấy mình như cát bụi, và nhìn nhận rằng mình không tài nào thoát khỏi sự hiện diện của Ngài, cho dù được chấp cánh bình minh để có thể bay tới tận cùng cõi địa cầu (Tv 139,9). Sẽ tới ngày Thiên Chúa đến viếng thăm dân của Ngài, và lúc ấy, ánh sáng cứu độ “sẽ bừng lên như bình minh” (Is 58,8); “lúc ấy ánh sáng mặt trăng sẽ nên như ánh sáng mặt trời, và ánh sáng mặt trời sẽ tăng gấp bảy” (Is 30,26); và đối với những kẻ tôn thờ Thiên Chúa, thì sẽ mọc lên “mặt trời công chính”, đập tan mọi âu lo nhờ những tia sáng chữa lành bệnh (Ml 3,20).
2. Thảo mộc và động vật
Sống trong một văn minh nông nghiệp và chăn nuôi, tác giả Sách thánh không thể nào không nhận ra vẻ thanh lịch và cân đối nơi vài vật thể, gây thích thú cho mình. Ngay từ trình thuật thứ hai về sự tạo dựng, khi muốn vạch ra tình trạng hạnh phúc nguyên thủy mà Thiên Chúa muốn dựng nên con người, tác giả viết rằng: “Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Eđen, về phía Đông, và đặt vào đó con người chính Ngài nặn ra. Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon” (St 2,8-9), kế đó Ngài cho chảy ra một dòng sông hằng cửu mang lại sức sống. Khi mô tả cây trái cấm, tác giả viết: “người đàn bà thấy trái ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, thèm thuồng vì có khả năng làm cho được tinh khôn” (St 3,6).
Qua những hàng ấy, ta thấy phảng phất một tâm trạng thán phục kèm theo nỗi lưu luyến, rất dễ hiểu đối với một con người sống tại một xứ khô cằn như Palestina: khi mô tả cảnh huy hoàng tráng lệ của bậc trưởng giả và hạnh phúc, người ta thường nói đến những vườn đầy hoa thơm cỏ lạ, với những hàng cây đẹp mắt và chất đầy trái ngon ngọt (Gv 2,5; Dc 4,12.13.16; Ed 28,13; 31,8-9). Để diễn tả niềm hân hoan khi thấy thành Giêrusalem được khôi phục từ đám tro tàn, ngôn sứ Isaia nói rằng thành phố sẽ giống như một Eđen mới, và giống như một “vườn của Thiên Chúa” (Is 51,3). Ngoài ra, để diễn tả sự phong phú của đức khôn ngoan, tác giả sách Khôn ngoan đã gợi lên những loài thảo mộc xinh đẹp nhất của quê hương, từ những cây trắc bá hùng vĩ cho đến những hoa hồng e lệ ở Giêricô, cùng với tất cả cành lá xum xê, hoa trái dồi dào, như là biểu tượng của niềm hoan lạc tinh thần mà đức khôn ngoan bảo đảm cho những đệ tử của mình (Hc 24,12-17). Sau cùng, cần nhớ rằng, để thấm nhuần lòng tín thác vào sự quan phòng của Cha trên trời, Đức Giêsu mời gọi hãy nhìn ngắm chim trên trời và hoa huệ ngoài đồng, và Người nhận xét rằng: “ngay cả vua Salomon, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Lc 12,27; Mt 6,28).
Sách Gióp, sau khi rảo qua những hiện tượng kỳ diệu trong vũ trụ bộc lộ sự cao minh của Thiên Chúa, đã quay sang thế giới động vật với một chuỗi câu hỏi, bởi vì ông gặp thấy nơi mỗi loại có cái gì diệu kỳ, nếu không phải là dáng vẻ bên ngoài, thì ít là nơi vài đặc tính của bản năng hoặc cách cư xử mà Đấng Tạo hóa đã trang bị cho chúng (G 38,34-39,30; xem thêm 30,29-31). Trong Cựu ước, nhiều lần các tác giả quy chiếu về thế giới động vật nhằm mục tiêu giáo huấn hoặc nhằm nêu bật những đức tính mà con người cần noi theo. Ta lấy thí dụ từ phượng hoàng: nó được ca ngợi vì tài khéo (2Sm 1,23; G 9,26; Gr 48,40; 49,20; Ed 17,3), vì sức mạnh cường tráng (Tv 103,5; Is 40,31), cũng như lòng ân cần từ mẫu (Xh 19,4; Đnl 32,11). Tuy vậy, cũng không thiếu những quy chiếu về vẻ đẹp, duyên dáng, thanh lịch của vài động vật cụ thể, tựa như bồ câu, linh dương, nai rừng, thường được nhắc đến để mô tả thế giới thơ mộng của đôi tình nhân trong sách Diễm ca, và đặc biệt để phác họa chân dung thể lý và đạo đức của cô dâu.
III. Vẻ đẹp của con người
Được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa (St 1,26-17), con người là hữu thể phản ánh vẻ rạng ngời, vinh quang và cao cả của Thiên Chúa hơn bất cứ thụ tạo nào khác (Tv 8). Thật vậy, trong Kinh thánh, không chỉ duy sách Diễm ca ca ngợi nhan sắc của cô dâu hoặc chú rể (4, 1-5; 5, 10-16; 6, 4; 7, 10); tất cả những nhân vật quan trọng đều được mô tả như là những con người duyên dáng.
1. Những nhân vật và nhân tố của cái đẹp
Đứng đầu là các phụ nữ, thời xưa được tượng trưng nơi những hiền mẫu thuộc truyền thống các tổ phụ: Sara (St 12,11.14), Rebecca (24,16), Rakel (29,17); về sau này là các bà Avigaíl (1 Sm 25,3) và Abisag, một thiếu nữ người Sunam phụng dưỡng vua Đavit lúc tuổi già (1V 1,3-4); gần hơn nữa là các phụ nữ nhân vật chính của các sách Ester (2,7) và Giuditha (8,7; 10,14) hoặc của những trình thuật như Susanna (Đn 13,2). Để một người được xem là đẹp, người ta quan tâm nhất là dáng điệu và toàn thể hình dung, sắc mặt và những đường nét của thân thể. Đó là điều được nêu bật trong các bản văn nói trên, cũng như bản văn mô tả ông Giuse (St 39,6) và ngay cả ông Saúl (1Sm 9,2). Ông Absalon được quan sát tường tận hơn và được thán phục về bộ tóc khác lạ: “Trong toàn cõi Israel, không có ai đẹp trai như Absalon, khiến người ta hết lời ca tụng: từ bàn chân cho tới đỉnh đầu không có một khuyết điểm nào” (2Sm 14,25). Nhưng ông Đavid mới là con người thập toàn: một đàng ông đạt được tiêu chuẩn về thẩm mỹ, “có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn” (lSm 16,12; 17,42); đàng khác, ông còn đạt được tiêu chuẩn về tài đức: “một thanh niên biết gảy đàn, một dũng sĩ can đảm, một chiến binh, một người có tài ăn nói, đẹp trai, và Thiên Chúa ở cùng anh” (l Sm 16,18). Các tác phẩm về sau cũng theo đường hướng đó khi trình bày các vị anh hùng: họ không chỉ dừng lại ở dáng dấp bên ngoài, nhưng còn muốn ghi nhận vài đức tính hoặc tài năng, và nhất là lòng mộ đạo. (Xem các trình thuật về Ester, Giuđitha, Đaniel và các thiếu niên ở triều đình Babilonia, dĩ nhiên không thể bỏ qua bà Susana trong chương 13 sách Đaniel)
2. Hương thơm và trang điểm
Cũng như bao nhiêu dân tộc khác, người Do thái cũng quý trọng và sử dụng dầu thơm, nước hoa, các đồ trang điểm để tăng thêm vẻ quyến rũ và hấp dẫn, tùy theo thị hiếu và thời trang, hoặc dựa trên tập tục quê hương hoặc học đòi từ nước ngoài. Những phần cơ thể được xức dầu hoặc nước hoa là khuôn mặt và tóc, râu và chân (Tv 133,2; Gv 9,8; Lc 7,38-46). Tuy nhiên, khi sắp sửa có một cuộc gặp gỡ quan trọng, các phụ nữ phải chuẩn bị lâu giờ, thoa dầu làm bằng những chất liệu thơm, chăm sóc y phục, trang điểm bộ tóc, đeo những vòng xuyến, và dĩ nhiên không bỏ qua những món đồ trang sức làm tăng thêm vẻ đẹp nữ giới (R 3,3; Gdt 10,3; Et 2,12; Dc 1,3.10.12; Tv 45,9-15).
Ngôn sứ Edekiel, được thúc đẩy bởi hồn thơ, đã mô tả dân Israel dưới hình ảnh của một cô gái bị bỏ rơi ngoài đồng. Thiên Chúa đã nhặt lấy, tắm rửa, xức dầu thơm, mặc đồ gấm vóc, đeo xuyến vào tay, đeo kiềng vào cổ, đeo hoa tai và đội triều thiên vàng lên đầu. Thế nhưng Israel trở nên kiêu hãnh về nhan sắc của mình, đã đàng điếm, phản bội hôn phu là Giavê để quay sang phụng sự các thần linh ngoại quốc dưới đủ mọi kiểu kinh tởm (Ed 16,1-22). Trình thuật này không chỉ có ý nghĩa sâu đậm về thần học mà còn mang ý nghĩa luân lý nữa. Ngôn sứ không chỉ tố giác tội vô ơn của Israel, mà còn lên ác tội xa xỉ quá đáng trong thói tục trang điểm. Trên một bình diện sát với lịch sử hơn, ngôn sứ Isaia, trong một đoạn văn mô tả chi tiết các đồ trang sức của phụ nữ ở Gierusalem, đã cực lực phản đối sự phô trương của họ, mà ông coi là xúc phạm đến dân nghèo trong thành phố (Is 3,16-24).
3. Những giá trị và những giới hạn
Đoạn văn của sách Huấn ca 40,22: “Mắt ngươi thích nhìn vẻ đẹp và duyên dáng” diễn tả tâm lý của con người là luôn luôn bị thu hút (và đôi khi bị quyến rũ) bởi tất cả những gì đẹp đẽ xinh xắn. Đồng thời, tác giả cũng cảnh báo rằng, đặc biệt nơi nữ giới, vẻ đẹp thể chất có thể trở thành nguy hiểm và vong thân nếu không đi kèm theo vẻ đẹp nội tâm cao quý hơn. “Vợ có duyên thì chồng hạnh phúc … Phụ nữ nết na là ân phúc tuyệt vời … Người vợ hiền trong cửa nhà ngăn nắp đẹp như vầng hồng trên chốn cao xanh” (Hc 26,13.15.16; xem thêm 36 22-24). Phụ nữ lý tưởng là người ngoài những dáng đẹp bên ngoài, còn biết chuyên cần, đảm đang, quảng đại, bởi vì « Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân. Người phụ nữ kính sợ Thiên Chúa mới đáng người đời ca tụng » (Cn 31,30 trong bối cảnh của các câu 10-31, ca ngợi người phụ nữ đảm đang). Dựa trên kinh nghiệm lịch sử về bao nhiêu nam nhi đã tan gia bại sản vì bị quyến rũ bởi nhan sắc phụ nữ, nhà hiền triết đã khuyên răn hãy đề phòng đừng bị mê hoặc (Cn 6,24-28; Cn 9,8), và đưa ra một phán quyết rất nghiêm khắc: “Phụ nữ đẹp người mà không đẹp nết khác chi khuyên vàng đem xỏ mũi heo” (Cn 11,22)
IV. Vẻ đẹp của những công trình của con người
Con người có hai cách để diễn đạt lý tưởng của vẻ đẹp: thứ nhất là gợi hứng từ thiên nhiên và tìm cách họa lại những hình thái, màu sắc và âm thanh của nó; thứ hai, khi nhìn vào nội tâm của mình và cố gắng diễn tả, nhờ các hành động của mình, tổng bộ trật tự, hòa hợp và hoàn mỹ mà mình khám phá trong vũ trụ. Như vậy chúng ta có vẻ đẹp của mỹ thuật và vẻ đẹp của luân lý, nghệ thuật và nếp sống.
1. Mỹ thuật
Bất chấp lệnh cấm đúc tạc ảnh tượng đã nói trên đây (Xh 20,25 ; Đnl 4,16-18), nhờ sử học và đặc biệt nhờ khảo cổ học, chúng ta biết rằng không những sự ngăn cấm không được áp dụng cách triệt để, mà trên thực tế trong dân tộc Israel không thiếu những người thực hành nghệ thuật tạo hình trong những lãnh vực khác nhau, mặc dù phần lớn cảm hứng từ các khuôn mẫu của các dân tộc láng giềng tiến bộ hơn. Những lời tố giác liên lỉ của các ngôn sứ chống lại các hình thức ngẫu tượng cho thấy rằng việc sản xuất các tượng lớn, ảnh nhỏ, bùa chú, không phải là điều họa hiếm trong dân gian, kể cả trong vương quốc miền nam dưới triều đại các vua Edêkia và Giosia, hai vị vua đã cương quyết bài trừ các tượng được đặt ngay trong đền thờ Giêrusalem (2V 18, 4; 23,4-15).
Dù sao, các tác giả Kinh thánh không tiếc lời khi giới thiệu vẻ đẹp huy hoàng của những tác phẩm nghệ thuật gắn liền với việc phụng thờ Thiên Chúa chân thật, chẳng hạn như những tác phẩm được gán cho sáng kiến của ông Mosê (Xh 25-28; 36-38), hoàng cung và đền thờ do vua Salomon xây cất (1V 6-8; 2Sb 2-5), đền thờ lý tưởng mà ông Edekiel mường tượng (Ez 40-43), mặc dù chỉ được trang trí với những hình ảnh biểu tượng lấy từ các bông hoa hoặc động vật (Xh 37,7.17-23; 1V 6,27; 7,25.36; Ed 41,18-20). Ngay cả ngôi đền thờ thứ hai, tuy kích thước bé nhỏ và trang trí đơn giản hơn, nhưng cũng đã nhận được những lời khen ngợi từ phía các ngôn sứ đương thời và các văn hào ở các thời kế tiếp (x. Kg 2,3.7.9; 2Mcb 2,22; 3,12); và sau khi được vua Herôđê Cả chỉnh trang, một môn đệ đã trầm trồ thưa với Đức Giesu: “Thưa Thầy, Thầy xem, đá lớn thật! Công trình kiến trúc thật vĩ đại ! » (Mc 13,1).
Chuyển sang những ngành nghệ thuật khác, chúng ta không thể nào không nói đôi lời về thơ và nhạc. Trong những bản văn còn truyền thụ lại cho chúng ta, hầu như thuộc lãnh vực tôn giáo, các thơ của người Do thái nổi bật về cảm hứng tâm linh và nhân bản, với những ý tưởng cao cả và óc tưởng tượng dồi dào, cũng như sự sử dụng những văn thể khác nhau, với những tiết điệu và song đối.
Âm nhạc được xem như bắt nguồn từ khi nhân loại xuất hiện (St 4,21). Tác giả sách Huấn ca thường nhắc đến cách thích thú âm nhạc được trình diễn ở những bữa tiệc, bởi vì, theo ông, cùng với rượu, nó “làm vui thỏa tâm hồn”; mặc dù lập tức ông thêm rằng “lòng yêu mến đức khôn ngoan” thì ở trên cả hai (Hc 40,20; x. 22,6; 32,3-6; 49,1). Vì thiếu dữ liệu cụ thể cho nên khó phê bình nội dung và những hình thái diễn đạt của âm nhạc. Tuy vậy, dựa trên các bản văn, thiết tưởng không phải là quá đáng khi khẳng định rằng không có lễ hội nào, dù vui hay buồn, đạo hay đời, trong gia đình hay ngoài xã hội, mà lại không kèm theo bài ca hoặc sử dụng vài nhạc cụ. Từ buổi cử hành hân hoan sau khi vượt qua Biển Đỏ (Xh 15,1.20) cho đến lễ rước hòm bia thánh lên Giêrusalem (2Sm 6,5.14-15), từ những buổi lễ đăng quang các vua chúa cho đến các đám ma của người cùng đinh trong xã hội. Cách riêng đối với phụng vụ, chỉ cần nhắc đến việc thiết lập các thầy Lê-vi chuyên lo ca nhạc dưới triều vua David (1Sb 23,5; 2Sb 29,25-30), và thánh vịnh nhiều lần nhắc đến các bài ca (x. Tv 137,1-3), hoặc các nhạc cụ kèm theo để chúc tụng Thiên Chúa (chẳng hạn Tv 149;150). Đành rằng Is 5,12 và Am 6,5 đã lên án các nhà phú hộ vui chơi liên hoan trong bữa tiệc, giữa những tiếng đàn sắt đàn cầm, tiếng trống con và tiếng sáo; nhưng các ngôn sứ không chỉ trích âm nhạc cho bằng thói xa xỉ, làm xúc phạm đến những người nghèo mà không ai đoái hoài.
Do sự liên kết chặt chẽ giữa cái tốt và cái đẹp đã được nói ở đầu, nhiều lần trong bản Hy lạp LXX và Tân ước, tính từ kalós (đẹp) được dùng để đánh giá một con người, những hành động và phong thái của họ. Đối với Cựu ước, điều gì đẹp lòng Thiên Chúa, phù hợp với ý Chúa, thì cái đó là tốt và đẹp. Đó là ý nghĩa của tính từ kalós được xuất hiện trong nhiều đoạn văn song hành với: ngay thẳng, công bằng, thích thú (Đnl 6,18; 2Sb 14 1), hoặc nói rõ ràng hơn nữa bằng cách thêm “trước mặt Chúa” (Ds 24,1; Đnl 12,28; Ml 2,12; Cn 3,4…). Trong Tân ước, tính từ kalós nhiều lần đi kèm với danh từ và được hiểu theo nghĩa bóng: đất, hạt giống, cây cối, hoa trái (trong Gioan: rượu, mục tử)[6], và lắm lần đi theo động từ “là” để đánh giá một hành vi cần phải làm hoặc bỏ (Mt 12,4; Mc 7,27; 9,5.42-47); từ đó phát sinh thuật ngữ “những việc đẹp”, để áp dụng cho những công việc do con người thực hiện (Mt 5,16; 1Pr 2,10; nhiều chỗ trong 1Tm và Tt), và cho các phép lạ do Đức Kitô đã làm (Ga 10,32.33)[7]. Có lẽ cách sử dụng rộng rãi từ ngữ này đã ảnh hưởng đến các Kitô hữu tiên khởi: họ quan tâm đến việc làm chứng cho đức tin bằng những hành động không chỉ là tốt lành mà còn tỏ ra đẹp đẽ trước mặt người đời, ngõ hầu chúng được nhìn nhận là đẹp về luân lý, dựa theo lý tưởng của người Roma đương thời. Trên thực tế, trong những tác phẩm chót của Tân ước, tính từ này được sử dụng thường xuyên hơn, đến nỗi có thể áp dụng để phê phán nhiều thực tại khác nhau của sứ điệp tin mừng cũng như mọi khía cạnh của đời sống Kitô hữu.
Bằng ngôn ngữ quân sự, thánh Tông đồ khuyến khích Timôthê hãy cư xử như một người lính « đẹp » (anh dũng) của Đức Kitô (2Tm 2 3), hãy đấu tranh một cuộc chiến “đẹp” (kiên trì) cho đức tin (1Tm 1,18-19; 6,12), hãy giữ gìn kho tàng “đẹp đẽ” (quý báu) của đức tin (2Tm 1,14); về phần mình, tác giả tuyên bố rằng mình đã kết thúc một cuộc chiến “đẹp” (anh dũng) (2Tm 4,7). Tác giả nhìn nhận rằng ông Timôthê đã có dịp minh chứng cho đức tin bằng lời tuyên xưng đẹp trước mặt nhiều nhân chứng, giống như Đức Kitô đã thực hiện trước tòa tổng trấn Philatô (1Tm 6,12-13). Ai ước mong lên chức giám quản phải có một bằng chứng “đẹp” (đồng thuận) về phía cộng đoàn (1 Tim 3,7). Sau cùng, tất cả mọi Kitô hữu cần phải có một lương tâm “đẹp” (ngay thẳng) (Dt 13,18), và sống trên đời này với một tác phong “đẹp” (tốt, đáng phục) (Gc 3,13; 1Pe 2,12). Sau cùng, lời khuyên dành cho các phụ nữ 1Tm 2,9-10 và 1Pr 3,3-4) cũng có giá trị cho tất cả mọi người đi theo Đức Kitô: họ không nên bận tâm về sắc đẹp bên ngoài chóng tàn, sắc đẹp (mà các bà cố gắng tạo ra qua việc trang điểm, uốn tóc, đeo vòng và y phục quý giá); tốt hơn họ hãy quan tâm đến vẻ đẹp không phai trong tinh thần, được tỏ lộ ra ngoài bằng việc thực hành những hành vi đẹp đẽ xét theo luân lý.
——————
Thư mục: ADINOLFI M., Il femminismo nella Biblia, Ateneo Antoniano Roma 1981, 81-86. BARBAGLIO G., Bellezza, in: Schede Bibliche Pastorali I, 329-334. BEAUCAMP É., La Bible et le sens religieux de l’univers, Cerf, Paris 1959. GRUNDMANN W., kalós in: GLNT V, 4-47. STOEBE H.J., tób, in: DTAT I, 902-918. WOLFF H. W., Antropología dell’Antico Testamento, Morcelliana, Brescia 1975, 96-101. ZIMMERLI W., La mondanitá nell’Antico Testamento, Jaca Book, Milano 1973.
——————–
[1] W. Grundmann: “Khi đối chiếu tư tưởng Hy lạp, điều đáng ngạc nhiên là Cựu ước (và bản dịch LXX) không dành vị trí quan trọng cho cái đẹp. Nói chung, tư tưởng Kinh thánh không quan tâm đến cái đẹp. Điều này đúng cho cả Tân ước nữa” Grande Lessico del Nuovo Testamento, V. Paideia, Brescia 1969, p. 28. Người ta nhận xét rằng dân Hy Lạp chú ý đến “nhìn ngắm”, còn dân Do thái chú trọng đến “lắng nghe”.
[2] Trong Tân ước, kalós xuất hiện 100 lần, thường được hiểu như đồng nghĩa với agathos (tốt), trừ một trường hợp ở Lc 21,5 khi nói đến những viên đá “đẹp” (lithoi kaloi) của đền thờ Gierusalem.
[3] Trong tiếng Việt, hai từ “tốt đẹp” thường đi đôi với nhau. Đặc biệt, cái “xấu” có thể trái nghịch với cái “tốt” hoặc với cái “đẹp”.
[4] Theo các học giả, cuộc tạo dựng vũ trụ được ghi lại bởi hai truyền thống khác nhau ở các chương đầu của Sách Sáng thế: truyền thống tư tế (St 1,1-2,4a); truyền thống Giavit (St 2,4b-25).
[5] Lưu ý về cách dịch thuật đoạn văn: “Thiên Chúa thấy rằng thật là tob”. Bản dịch nhóm Giờ Kinh Phụng vụ: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”. Cha Nguyễn Thế Thuấn: “Thiên Chúa đã thấy thế là tốt lành”. Tuy nhiên còn có nhiều lối dịch khác nữa: “Thiên Chúa thấy rằng đẹp”; “Thiên Chúa nhìn ngắm: quả thật là đẹp”; “Thiên Chúa nhìn thấy: công việc trôi chảy tốt đẹp”. X. Gianfranco Ravasi, La bellezza della creazione nell’Antico Testamento, in: PATH vol.IV (2005/2), p.330.
[6] Chúa Giêsu tự xưng là “mục tử kalós» (Ga 10,11.14), và chỉ có thể dịch là “tốt lành” (chứ không thể dịch là đẹp).
[7] Sau khi đã chứng kiến phép lạ của Đức Giêsu, thiên hạ thốt lên: “Ông này làm cái gì cũng kalos” (Mc 7,37). Ở đây phải dịch là “tốt” chứ không thể dịch là “đẹp”; hoặc dùng cả hai ý “tốt đẹp”.