Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Lễ Mình Máu Thánh Chúa – Năm A

Administrator
2023-06-09 00:59 UTC+7 20
LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP 1/ Bài đọc I: Đnl 8,2-3.14b-16a 2 Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh em […]

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IĐnl 8,2-3.14b-16a

2 Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không.

3 Người đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn man-na là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra.

14 Anh em đừng kiêu ngạo mà quên ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, Đấng đã đưa anh em ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.

15 Người đã dẫn anh em đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh em uống.

16 Trong sa mạc, Người đã cho anh em ăn man-na, thức ăn mà cha ông anh em chưa từng biết.

2/ Bài đọc II1Cr 10,16-17

16 Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?

17 Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.

3/ Phúc ÂmGa 6,51-59

51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”

53 Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.

54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,

55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.

56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.

57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.

58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”

59 Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um.

—————————

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ích lợi của việc lãnh nhận Mình và Máu Thánh Đức Kitô

Tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu mầu nhiệm khó hiểu nhất trong Đạo Công Giáo, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi; tuần này, chúng ta cùng nhau học hỏi mầu nhiệm khó thứ hai, mầu nhiệm Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Những người Do-thái đương thời với Chúa Giêsu hỏi nhau: “Làm sao ông này có thể lấy thịt ông cho chúng ta ăn được?” Có hiểu hay không, bí-tích Thánh Thể vẫn là một thực tại, có nguồn gốc từ biến cố Thiên Chúa nuôi dân bằng manna suốt 40 năm trường trong sa mạc, và được mặc khải cách rõ ràng trong chương 6 của Tin Mừng Gioan. Giống như lần trước, chúng ta sẽ tập trung trong những lợi ích mà bí-tích Thánh Thể mang lại cho con người.

Trong bài đọc I, Sách Đệ Nhị Luật cho chúng ta hiểu lợi ích của manna là để con người có sức mạnh vượt qua những thử thách của Thiên Chúa suốt 40 năm trường trong sa mạc trước khi vào Đất Hứa. Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự hiệp nhất với Đức Kitô và với nhau là hiệu quả của bí-tích Thánh Thể, vì mỗi khi người tín hữu lãnh nhận Mình và Máu Thánh của Đức Kitô, họ trở nên một thân thể với Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự sống thần linh được ban cho những ai ăn thịt và uống máu Ngài. Hơn nữa, bí-tích Thánh Thể còn là Bánh mang lại sự sống trường sinh mà con người ở mọi nơi và mọi thời luôn khao khát nó.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Manna trong Sách Xuất Hành là hình bóng của Bí-tích Thánh Thể.

1.1/ Manna là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết: Biến cố Xuất Hành là một biến cố lớn và không thể quên của người Do-thái. Các nhà lãnh đạo và các ngôn sứ không ngừng nhắc nhở dân chúng nhớ lại biến cố Vượt Qua, như tác giả Sách Đệ Nhị Luật nhắc nhở dân chúng về mục đích của biến cố này: “Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt 40 năm trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không.”

Sau khi thoát khỏi Ai-cập, dân Israel hết lương thực và phải chịu đói khát. Họ kêu lên Thiên Chúa, và Ngài “đã cho anh em ăn manna là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết.” Manna là bánh bởi trời Thiên Chúa cho rơi xuống trên mặt đất mỗi sáng. Người Do-thái chưa từng biết đến manna trên mặt đất này. Trong tiếng Do-thái, manna đến từ “manhu,” có nghĩa là “Cái gì vậy?” Đây là câu hỏi khi người Do-thái đi lượm manna lần đầu tiên.

1.2/ Manna là của ăn đàng của dân Do-thái suốt 40 năm trong sa mạc: Thánh Vịnh 78:25, bản Do-thái gọi manna là Bánh của những người mạnh; trong khi bản Bảy Mươi gọi là Bánh của các thiên thần. Bản dịch Do-thái chính xác hơn, vì manna là Bánh ban sức mạnh cho người Do-thái, để họ có sức chịu đựng bao nhiêu thử thách xảy đến cho họ trong sa mạc trong suốt 40 năm trường. Chỉ khi dân Do-thái đặt chân tới đồng bằng Jericho, vào đúng ngày Lễ Vượt Qua, manna mới chấm dứt, và dân Do-thái bắt đầu dùng các thức ăn địa phương (Jos 5:12).

Khi còn lang thang trong sa mạc, ông Moses đã truyền cho dân chúng gom một bình đầy manna đặt trong Hòm Chứng Ước, cùng với cây gậy của Aaron và hai bia đá có khắc Thập Giới (Heb 9:4), để kỷ niệm biến cố Thiên Chúa đã làm mưa từ trời cho dân có bánh ăn trong sa mạc. Manna được giữ trong nơi Cực Thánh, như chúng ta giữ Mình Thánh Chúa ngày nay, để người Do-thái luôn cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ.

+ Khi người Do-thái nghĩ ông Moses đã làm cho cha ông họ có manna ăn trong sa mạc, Chúa Giêsu đã sửa sai họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Moses đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Jn 6:31-32). Sau cùng, manna cũng được nhắc trong mặc khải cho hội thánh tại Pergamum, một trong 7 Hội Thánh trong Sách Khải Huyền: “Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh: Ai thắng, Ta sẽ ban cho manna đã được giấu kỹ; Ta cũng sẽ ban cho nó một viên sỏi trắng, trên sỏi đó có khắc một tên mới; chẳng ai biết được tên ấy, ngoài kẻ lãnh nhận” (Rev 2:17). Tác giả Sách Khải Huyền nối việc ăn manna với những người chiến thắng.

2/ Bài đọc II: Bí-tích Thánh Thể là nguồn mạch hiệp nhất.

2.1/ Thánh Thể là Bánh hiệp nhất mọi người với Đức Kitô: Thánh Phaolô chất vấn các tín hữu Cotintô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” Truyền thống của các nước miền Cận Đông tin: Khi con người dâng lễ vật cho bất cứ thần nào, chính thần ấy nhập vào lễ vật họ dâng; và khi họ ăn phần dâng cúng được các tư tế trả lại cho họ, các thần sẽ vào trong thân thể họ và làm cho họ được khỏe mạnh, thông minh và nhân đức như các thần. Cũng vậy, khi người Kitô hữu nhận lãnh Mình Máu Thánh Chúa, họ trở nên một phần của thân thể Đức Kitô. Tương tự, một gia đình hay một cộng đoàn cùng lãnh nhận Mình Thánh Chúa, tất cả đều trở nên những phần tử của thân thể Đức Kitô. Tất cả đều dự phần vào cuộc sống thần linh của Thiên Chúa.

2.2/ Thánh Thể là Bánh hiệp nhất mọi người với nhau: Không phải các tín hữu chỉ thông hiệp với Đức Kitô, nhưng họ còn thông hiệp với nhau, “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” Theo thần học về thân thể của Đức Kitô, mỗi người chúng ta trở nên những chi thể của một thân thể là Giáo Hội, với Đức Kitô là Đầu. Vì thế, mỗi người không còn giữ và làm theo ý riêng mình nữa; nhưng tất cả đều cùng chung một ý muốn và làm theo thánh ý của Đức Kitô, và như thế, họ cùng hiệp nhất với nhau. Nếu đã cùng hiệp nhất trong một thân thể của Chúa, các tín hữu không thể làm bất cứ điều gì chia cắt thân thể của Đức Kitô.

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống thần linh và sự sống đời đời cho con người.

3.1/ Phân tích từ ngữ Hy-lạp: Lời tuyên bố của Chúa Giêsu sau đây cần được nghiên cứu từng từ ngữ và cách cấu trúc: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

+ Cụm từ “ego eimi” theo sau bởi một thành ngữ xảy ra 7 lần trong Gioan, và túc từ theo sau đều mặc khải một sứ vụ đặc biệt của Đức Kitô như: Ta là Bánh Hằng Sống; Mục Tử Tốt Lành; Cửa Chuồng Chiên; Cây Nho; Sự Sống Lại và Sự Sống; Ánh Sáng Thế Gian; Đường, Sự Thật, và là Sự Sống.

+ Túc từ “o arton o zon” có thể mang nhiều nghĩa khác nhau tùy theo cách dịch:

(1) Có thể dịch là “bánh hằng sống hay bánh trường sinh,” có nghĩa bánh không bao giờ hư nát. Khi áp dụng vào Chúa Giêsu, có nghĩa Chúa là Bánh Hằng Sống.

(2) Hay có thể dịch là “bánh mang sự sống thần linh.” Khi áp dụng vào Chúa Giêsu, có nghĩa, Ngài là bánh mang sự sống thần linh cho con người như trong (Jn 6:33).

(3) Hay cũng có thể dịch là “bánh đang sống.” Khi áp dụng vào Chúa Giêsu, có nghĩa Ngài là Bánh đang sống.

Theo văn mạch và nội dung, nghĩa thứ (2) có lẽ thích hợp hơn cả; mặc dù hai nghĩa kia vẫn đúng với Chúa Giêsu.

+ Cụm từ: “từ trời xuống” nhắc nhở cho con người biến cố Thiên Chúa cho manna rơi xuống từ trời làm lương thực cho con cái Israel suốt 40 năm trong sa mạc. Manna là hình ảnh báo trước của bí-tích Thánh Thể. Bánh mang lại sự sống đời đời có thực và có nguồn gốc từ trời.

+ Bánh Hằng Sống chính là thịt (sárk) của Chúa Giêsu. Ngay từ đầu Tin Mừng, Gioan đã dùng danh từ này để nói về mầu nhiệm Nhập Thể: Và Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm (sárk) và đã cư ngụ giữa chúng ta.

+ Phản ứng của người Do-thái: Điều họ tranh luận ở đây không phải về nguồn gốc của Chúa Giêsu, nhưng là thịt của Ngài: Làm sao một người đang sống có thể lấy thịt của mình cho kẻ khác ăn? Trừ phi người đó phải chết! Điều khó khăn nữa là người Do-thái không có thói quen ăn thịt người.

3.2/ Sự cần thiết của bí-tích Thánh Thể: Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.”

+ Công thức “amen amen = thật, tôi bảo thật” báo hiệu trước một chân lý sẽ được mặc khải trong Tin Mừng Gioan. Chân lý Chúa Giêsu mặc khải ở đây là “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” Nếu Chúa Giêsu không mặc khải chân lý cho con người, sẽ không có ai biết được.

+ Hai động từ ăn (esthio) và uống (pino) mà Gioan dùng ở đây là hai động từ căn bản dùng trong việc ăn uống của con người: như ăn bánh và uống nước.

+ Chúa Giêsu phân biệt hai sự sống: thể lý (psyche) và thần linh (zon). Nếu không ăn thịt và uống máu Chúa, con người vẫn có sự sống thể lý; nhưng không có sự sống thần linh.

+ Sự sống muôn đời (zon aivonion): Sự sống thần linh sẽ dẫn con người đến sự sống muôn đời: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” Như Chúa Giêsu khi mang thân xác con người, mặc dù con người vẫn phải chết cách thể lý, nhưng sẽ được sống lại vinh hiển, và sẽ không bao giờ phải chết nữa.

+ Thịt và Máu Chúa là lương thực nuôi sống con người: “vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” Hai danh từ dùng để so sánh: của ăn (brosis) và của uống (posis) là hai danh từ dùng để chỉ lương thực căn bản của con người.

+ Sự sống thần linh là sự sống của chính Thiên Chúa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” Chúa Giêsu và người rước Chúa trở nên một, như thánh Phaolô tuyên bố: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi; mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.”

+ Sự sống thần linh giúp con người hiểu biết sự khôn ngoan và các mầu nhiệm của Thiên Chúa mà trí khôn con người không hiểu thấu được. Sự khôn ngoan có được là do Thánh Thần của Đức Kitô hướng dẫn con người. Sự sống thần linh giúp cho con người có sức mạnh để đáp ứng lời mời gọi nên trọn lành của Đức Kitô mà sức riêng con người không thể làm được. Ví dụ, con người có được tình yêu nguyên thủy của Thiên Chúa để yêu thương kẻ thù, làm ơn và cầu nguyện cho người ghét mình.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Như manna rơi xuống từ trời để nuôi dưỡng và tăng sinh lực cho dân Do-thái suốt 40 năm trường trong sa mạc, Chúa Giêsu trong bí-tích Thánh Thể cũng là Bánh từ trời xuống để nuôi dưỡng và tăng sinh lực cho chúng ta trong suốt cuộc đời trên dương gian.

– Bí-tích Thánh Thể là căn nguyên của sự hiệp nhất. Nếu mỗi người trong gia đình, trong cộng đoàn, giáo xứ hay Giáo Hội năng lãnh nhận Bí-tích Thánh Thể, tất cả sẽ hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau.

– Bí-tích Thánh Thể làm chúng ta được tham dự cuộc sống thần linh với Thiên Chúa ngay từ đời này, và chuẩn bị cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa ở đời sau.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/l-minh-mau-thanh-chuaa/