Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TIN MỪNG THƠ ẤU

Administrator
2018-12-16 08:15 UTC+7 25
Phan Tấn Thành Trong thánh lễ đêm Giáng sinh, chúng ta được nghe trình thuật về việc Chúa ra đời tại Belem, trích từ chương hai của Tin mừng Luca. Từ một tuần lễ trước đó, phụng vụ đã chuẩn bị tâm hồn chúng ta mừng Chúa ra đời với những đoạn sách trích từ […]

Phan Tấn Thành

Trong thánh lễ đêm Giáng sinh, chúng ta được nghe trình thuật về việc Chúa ra đời tại Belem, trích từ chương hai của Tin mừng Luca. Từ một tuần lễ trước đó, phụng vụ đã chuẩn bị tâm hồn chúng ta mừng Chúa ra đời với những đoạn sách trích từ hai chương đầu của Tin mừng Matthêu và của Luca, quen được đặt tên là “Tin mừng thơ ấu” (hoặc Tin mừng niên thiếu); vài trình thuật kế tiếp sẽ còn được đọc vào lễ các thánh anh hài, lễ Thánh Gia, ngày đầu năm dương lịch và lễ Hiển linh. Trong những thập niên gần đây, nhiều học giả đã đòi xét lại danh xưng “Tin mừng thơ ấu” với lý do là không được chính xác cho lắm. Hơn nữa, ngoài cuộc tranh luận về tựa đề, còn vấn đề khác quan trọng hơn nữa là: hai thánh sử Matthêu và Luca có dụng ý gì khi thêm hai chương này vào sườn cổ điển của sách Tin mừng? Nên nhớ là Tin mừng của Marcô và Gioan khởi đầu với sứ vụ công khai của Đức Giêsu.

mt-1-1-17-1-1726495316.jpg

Trước hết, tựa đề “Tin mừng thơ ấu” không chỉnh cho lắm, bởi vì ngoài việc kể lại sự thụ thai trinh khiết trong cung lòng đức Maria và sự giáng sinh tại Bêlem, hai thánh sử không nói gì thêm về những sinh hoạt thời thơ ấu của Chúa Giêsu (ngoại trừ việc thánh gia lánh nạn sang Ai cập và việc Chúa ở lại trong đền thờ lúc lên 12 tuổi). Như vậy, có lẽ hai thánh Matthêu và Luca không có chủ ý tường thuật tỉ mỉ cuộc đời của đức Giêsu từ lúc sinh ra đến lúc ra hoạt động (kéo dài 30 năm trường). Thử hỏi: chủ đích của họ là gì?

Các học giả đã đưa ra nhiều ý kiến, mà ta có thể gom lại hai quan điểm chính:

1/ Quan điểm thứ nhất cho rằng đây là một thể văn đương thời giới thiệu các vĩ nhân với những điềm lạ xuất hiện trước khi chào đời, tựa như Abraham, Môsê, Isaac, Samuel. Khuynh hướng này còn tăng hơn nữa nơi các “Tin mừng nguỵ thư”. Tuy nhiên, chủ ý của người viết không chỉ là đề cao thân thế của nhân vật anh hùng, nhưng còn muốn chúc tụng Thiên Chúa đã đoái thương dân tộc ưu tuyển và đã phái đến những vị cứu tinh.

2/ Quan điểm thứ hai cho rằng hai chương này là một thứ nhập đề cho toàn thể cuốn Tin mừng. Tin mừng cứu độ của đức Kitô được hoàn tất với mầu nhiệm Vượt qua, nhưng đã được phác hoạ ngay từ khi Người ra đời. Nói khác đi, đức Kitô là Đấng cứu độ nhân loại ngay từ cuộc Nhập thể, mặc dù hồng ân này đạt đến cao điểm nơi cuộc Tử nạn và Phục sinh. Theo nhãn giới này, “Tin mừng niên thiếu” cũng có những nét giống với tự ngôn của Tin mừng theo thánh Gioan, nói về nguồn gốc của đức Giêsu trước thời kỳ hoạt động công khai, nguồn gốc bắt đầu từ khởi nguyên (Ga 1,1).

Thiết tưởng hai quan điểm không trái nghịch nhau, bởi vì cả hai đều nhấn mạnh rằng không nên đọc “Tin mừng thơ ấu” như là đọc chuyện thần thoại, nhưng cần phải khám phá ý nghĩa sâu xa của các trình thuật. Khuynh hướng thứ nhất cố gắng tìm hiểu ý nghĩa qua việc khảo sát thể văn, đối chiếu với các tác phẩm văn chương cổ điển. Khuynh hướng thứ hai chú trọng đến nội dung thần học, gắn liền với toàn bộ Tin mừng. Sau đây, chúng ta hãy lần lượt tìm hiểu nội dung của mỗi tác phẩm và nêu bật những nét thần học gói ghém trong đó.

I. Tin mừng theo thánh Matthêu

Nơi thánh Matthêu, cốt yếu Tin mừng có thể tóm lại như thế này: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đến để cứu chuộc muôn dân, là Đấng Mêsia được hứa cho dân tộc Israel. Thế nhưng Người đã bị dân tộc này khước từ (vua Hêrôđê tìm cách thủ tiêu Người; cũng như về sau này các nhà lãnh đạo Do thái sẽ lên án xử tử Người, Mt 27,1-2), đang khi đó Tin mừng lại được dân ngoại đón nhận (các nhà chiêm tinh ở đây, cũng tựa như các dân tộc bên Đông bên Tây sẽ đến tham dự tiệc trong Nước Thiên Chúa, Mt 8,11; 28,19). Ta có thể khám phá dụng ý này nơi cấu trúc của bản văn.

Thực ra đã có nhiều đề nghị phân chia cấu trúc hai chương đầu của Matthêu, và chúng tôi chỉ xin trưng dẫn ba ý kiến.

A. Một ý kiến cho rằng toàn bộ sách Tin mừng theo thánh Matthêu được phân thành 5 quyển sách tương tự như bộ Ngũ thư của ông Môsê. Cụ thể là các lời giảng của đức Giêsu được gom thành 5 bài giảng về Nước Trời: 1/ bài giảng trên núi công bố hiến chương Nước Trời (các chương 5-7); 2/ bài giảng về sứ vụ rao giảng Nước Trời (chương 10); 3/ bài giảng về các dụ ngôn giải thích bản chất Nước Trời (chương 13); 4/ bài giảng về kỷ luật nội bộ Hội thánh, mầm mống của Nước Trời (chương 18); 5/ bài giảng về sự thiết lập vĩnh viễn Nước Thiên Chúa vào thời cánh chung (chương 24-25).

Hai chương đầu tiên xem ra đã gói ghém ý tưởng đó, với việc trưng dẫn 5 câu Kinh thánh để kết thúc 5 câu chuyện được kể sau bản Gia phả ở Nhập đề (1,1-17). Tác giả trưng dẫn 5 câu văn kèm theo chú thích là đã được ứng nghiệm nơi đức Giêsu: 1/ Isaia 7,14: Ơn gọi của Giuse (1,18-25); 2/ Mikha 5,2: Vua Hêrôđê, các nhà chiêm tinh, Bêlem (2,1-12); 3/ Hôsê 11,1: Trốn sang Ai-cập (2,13-15); 4/ Giêrêmia 31,15: Tàn sát các anh hài (2,16-18); 5/ Isaia 4,3 (Tl 13,5?): Từ Ai cập trở về Nazareth (2,19-23).

Đàng sau cấu trúc này, có lẽ thánh Matthêu đã muốn so sánh đức Giêsu với ông Môsê: Người cũng bị bách hại, phải trốn lánh sang Ai cập, và từ Ai-cập trở về đất hứa.

B. Một ý kiến khác phân đoạn dựa theo những cuộc di chuyển địa lý: Bêlem, Ai-cập, Nazareth: 1/ chương 1 diễn ra tại Bêlem, thành phố vua Đavit; 2/ chương 2, tường thuật việc di chuyển từ Bêlem sang vùng đất dân ngoại (Ai cập), để rồi kết thúc với việc hồi hương về Israel và định cư tại Nazareth.

Những cuộc di chuyển này không phải là do ngẫu nhiên, nhưng nằm trong toàn bộ lịch sử cứu độ: “ngõ hầu lời ngôn sứ được nên trọn”: đức Giêsu sinh tại Bêlem như là “Mêsia lãnh tụ Israel dòng dõi vua Đavit” (2,6); sang Ai cập và ra khỏi đó như là “con Thiên Chúa” (2,15); về Nazareth, trở thành biệt hiệu “Giêsu Nazareth” (2,23). Như vậy, ba cuộc di chuyển là ba chặng mặc khải thân thế đức Giêsu.

C. Theo một ý kiến thứ ba, thánh Matthêu đã nêu chủ đích của hai chương đầu ngay từ những lời mở đầu: “Đây là gia phả đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavit, con cháu tổ phụ Abraham” (Mt 1,1). Thoạt tiên xem ra Tin mừng Matthêu mở đầu bằng một câu mang tính cách cung khai lý lịch, kê khai dòng tộc. Thực ra, dụng ý của tác giả sâu xa hơn nhiều: đây không phải là lý lịch hành chánh cho bằng một lời tuyên xưng đức tin: “đức Giêsu vừa là con cháu của vua Đavit (nghĩa là phần tử của dân Israel) vừa là con cháu tổ phụ Abraham (nghĩa là phần tử của dân ngoại)”.

Thánh sử muốn chứng tỏ cho dân Do thái biết rằng đức Giêsu là đấng Mêsia (Kitô) được hứa cho miêu duệ của Đavit qua gia phả của ông Giuse là con cháu Đavit (chương 1), qua sinh quán là Bêlem, thành phố vua Đavit (chương 2). Đồng thời đức Giêsu cũng mang ơn cứu độ cho dân ngoại, bởi vì Người là con cháu của tổ phụ Abraham, kẻ đã nhận được lời hứa dành cho muôn dân: “Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop trong Nước Trời, còn con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc, nghiến răng” (Mt 8,11-12). Trong chương 2, thánh sử cho thấy rằng các nhà chiêm tinh thuộc dân ngoại đi tìm vua mới giáng sinh để bái thờ, còn các nhà lãnh đạo tại Giêrusalem tỏ ra lãnh đạm với Người, và còn đồng lõa với vua Hêrôđê để giết Người. Những điều này tiên báo những gì sẽ xảy ra trong cuộc đời Chúa Giêsu về sau trong cuộc Tử nạn và Phục sinh: Người bị các nhà lãnh đạo dân Do thái loại trừ (Mt 27,1-2), nhưng Tin mừng sẽ được loan truyền khắp muôn dân (Mt 28,19-20).

II. Tin mừng thánh Luca

Bản văn Tin mừng niên thiếu của Luca, tuy cũng gồm hai chương, nhưng dài hơn là Matthêu. Chúng ta sẽ điểm qua bản văn của Luca, rồi sẽ đối chiếu giữa hai thánh sử, sau cùng chúng ta thử tìm hiểu chủ đích của Luca.

A. Bản văn

Không thiếu người đã ví Tin mừng Matthêu và Tin mừng Luca như là “Tin mừng về thánh Giuse” và “Tin mừng về đức Maria”. Sự đối chiếu ấy dựa trên nhiều chi tiết, đặc biệt khi so sánh hai cảnh truyền tin của thiên sứ nói ở chương đầu tiên. Tuy nhiên đó chưa hẳn là dụng ý của hai thánh sử. Như vừa nói trên đây, có lẽ thánh Matthêu muốn trình bày căn cước đức Giêsu như là vừa là con cháu nhà Đavit, vừa là con cháu Abraham, nhất là Người là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thế còn dụng ý của hai chương đầu Tin mừng Luca là gì?

Xét về nội dung, chúng ta có thể kể ra 7 câu chuyện trong hai chương này: 1/ Truyền tin cho ông Dacaria (1,5-25); 2/ Truyền tin cho đức Maria (1,26-38); 3/ Đức Maria thăm viếng bà Elizabeth (1,39-56); 4/ sinh nhật và cắt bì cho Gioan (1,57-80); 5/ sinh nhật và cắt bì cho đức Giêsu (2,1-21); 6/ dâng đức Giêsu vào đền thờ (2,22-40); 7/ đức Giêsu tỏ mình trong đền thờ (2,41-52).

Một vài nhà chú giải cho rằng trọng tâm nằm ở chỗ đối chiếu hai nhân vật: Gioan tiền hô và đức Giêsu, qua cảnh truyền tin và sinh hạ, cắt bì, đặt tên, sống ẩn dật. Hai bức chân dung được liên kết với nhau qua cảnh đức Maria đi thăm viếng bà Elisabeth. Tuy cả hai (thánh Gioan và đức Giêsu) đều là những nhân vật do Thiên Chúa gửi đến, nhưng đức Giêsu vượt xa ông Gioan: ông Gioan chỉ là tiền hô cho đức Giêsu mà thôi.

B. Đối chiếu

Giữa hai bản văn của Matthêu và Luca, người ta đã nêu ra những điểm tương đồng hoặc bổ túc, nhưng cũng không thiếu những điểm dị biệt.

1/ Những điểm tương đồng

Hai thánh sử đồng nhất ở vài điểm căn bản liên quan đến đạo lý về việc trinh nữ Maria cưu mang đức Giêsu, do quyền năng Thánh Thần.

Theo Mathêu, ông Giuse thuộc dòng dõi Đavit và là chồng của bà Maria. Qua ông Giuse, đức Giêsu trở thành miêu duệ nhà Đavit, tuy nhiên đức Giêsu không phải là con của ông Giuse, nhưng là Con Thiên Chúa (Mt 2,15). Luca cũng xác nhận như vậy: bà Maria đã đính hôn với ông Giuse, nhưng bà thụ thai do quyền năng của Thánh Thần: đức Giêsu là Con Đấng Tối Cao, là Con Thiên Chúa (Lc 1,35).

Hai thánh sử cũng trùng hợp về vài chi tiết liên quan đến sinh quán của đức Giêsu (tại Bêlem, dưới thời vua Hêrôđê: Mt 2,1 = Lc 1,5), và thời thơ ấu của Người tại Nazareth (Mt 2,23 = Lc 2,39).

2/ Những điểm khác biệt

Có nhiều điểm khác biệt giữa hai thánh sử, đôi khi có thể coi như bổ túc cho nhau, nhưng đôi khi xem ra trái ngược với nhau.

a) Luca cung cấp vài dữ kiện bổ túc cho Matthêu, chẳng hạn như cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu tại Bêlem và các mục đồng đến thờ lạy, việc cắt bì, dâng con trong đền thờ; sau cùng, việc Hài nhi bị thất lạc trong đền thờ.

b) Tuy nhiên, có vài chi tiết mà xem ra Luca trái ngược với Matthêu và đã gây ra nhiều tranh luận, chẳng hạn như:

– Nguyên quán và sinh quán của đức Giêsu. Theo Matthêu, xem ra nguyên quán và sinh quán của đức Giêsu là Bêlem, nơi mà ông Giuse đã có nhà ở (Mt 2,11); và thánh gia chỉ đến định cư ở Nazareth sau khi được thiên sứ chỉ định khi từ Ai-cập trở về. Theo Luca, nguyên quán của thánh Giuse và đức Maria là Nazareth; hai ông bà về Bêlem để kiểm tra dân số, và không tìm được chỗ trọ. Bà Maria sinh đức Giêsu tại Bêlem, nhưng không rõ thánh gia trở về Nazareth lúc nào. Đàng khác, Luca không đả động đến việc lánh nạn bên Ai-cập.

– Liên lạc với đền thờ. Theo Luca, 40 ngày sau khi sinh con, thánh Giuse và Đức Mẹ đem đức Giêsu lên đền thờ để tiến dâng cho Thiên Chúa. Điều này không được Matthêu nói tới. Trái lại, dân cư ở Giêrusalem xôn xao khi thấy các nhà chiêm tinh đến hỏi thăm tin tức về Vua Do thái vừa mới ra đời, gây ra cảnh tàn sát các hài nhi ở Bêlem, buộc lòng thánh gia phải lánh nạn. Luca nói đến việc đức Giêsu khi lên 12 tuổi thì đi theo cha mẹ từ Nazareth lên đền thờ. Phải chăng như vậy, thời gian lánh nạn ở Ai-cập không quá lâu dài?

– Một sự khác biệt nữa liên quan đến gia phả của đức Giêsu. Matthêu đặt gia phả ngay từ lúc mở đầu tác phẩm, đi từ ông Abraham đi xuống. Còn Luca kể lại gia phả ở chương 3, vào lúc Đức Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ, sau khi lãnh phép rửa: “Khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi. Thiên hạ tưởng người là con ông Giuse, con ông Hêli, con ông Matthat, vv”, theo thứ tự từ dưới lên trên, mãi đến tận ông Ađam, nghĩa là nguyên tổ nhân loại. Hơn thế nữa, trong hai bản danh sách, chỉ có sự trùng hợp danh tính từ ông Abraham cho đến vua Đavit. Sau đó, Matthêu thuật lại hậu duệ vua Đavit từ phía ông Salomon (1 Sbn 3,10-19), còn Luca thì theo ông Nathan (xc. 2Sm 5,14; 1Sbn 3,5). Hai danh sách gặp nhau nơi ông Santiel và Zerubbabel. Nhưng theo Matthêu, từ Salomon đến Santiel có 13 đời và từ Zerubbabel đến đức Giêsu là 10 đời; theo Luca, từ Nathan đến Santiel có 19 đời và từ Zerubbabel đến đức Giêsu là 19 đời. Đặc biệt, theo Matthêu, tên thân sinh của thánh Giuse là ông Giacop, còn theo Luca thì tên ông là Hêli.

Dĩ nhiên, các nhà chú giải Kinh thánh đã đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích những sự khác biệt giữa hai thánh sử. Có lẽ hai vị đã thu thập dữ liệu từ hai nguồn độc lập (phải chăng Matthêu từ phía ông Giuse, và Luca từ phía đức Maria?). Họ đã không tìm cách trao đổi để kiểm chứng. Cả hai bản văn đều được nhận vào quy điển Sách Thánh.

C. Ý nghĩa

Thời giờ ngắn ngủi không cho phép chúng tôi đi sâu vào các chi tiết trong hai chương đầu của thánh Luca. Chúng tôi chỉ ghi nhận một nhận xét liên quan đến bài trình thuật mà chúng ta đã nghe đọc trong Thánh lễ nửa đêm. Bên cạnh những chi tiết thuật lại việc Chúa ra đời tại Belem, người ta nhận thấy thánh Luca đã phác hoạ vài nét báo trước cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người, qua những hình ảnh và thuật ngữ trùng hợp:

– Sau khi sinh hạ hài nhi, Đức Maria đã lấy tã bọc con rồi đặt nằm trong máng cỏ (Lc 2,7). Sự mô tả này báo trước cuộc khâm liệm của đức Giêsu (chương 23,53), khi ông Giuse Aritmatea, lấy khăn quấn thi thể của Người và đặt trong mộ. Sự đối chiếu này nói lên nhân tính của đức Giêsu.

– Trái lại, những lời nói của thiên sứ với các mục đồng: “hôm nay một Đấng Cứu độ đã sinh ra trong thành vua Đavit, Người là Đấng Kitô, Đức Chúa” (2,11). Đây là lời tuyên xưng đức tin vào thiên tính của đức Giêsu, được Luca ghi lại trong bài giảng trong sách Tông đồ công vụ. Nhờ sự Phục sinh, đức Giêsu được tuyên xưng là Đấng Cứu độ (Cv 5,31), Đức Chúa (Cv 2,31). Nên biết là ba tước hiệu “ Chúa, Kitô, Cứu độ” được thánh Phaolô áp dụng cho cuộc quang lâm của Người (Pl 3,20).

– Trước đó, “vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh khắp vùng” (2,9). “Vinh quang” là một thuật ngữ mô tả cuộc phục sinh của đức Giêsu: người phải trải qua cuộc tử nạn để đi vào vinh quang” (24,26).

Ngoài ra, việc loan báo Tin mừng không chỉ dừng lại ở chỗ tuyên xưng bản tính của đức Giêsu là Vị Cứu thế, nhưng còn mặc khải tình thương lân tuất của Thiên Chúa. Ngài đã đến giữa chúng ta không phải trong cung điện vua chúa, không phải trong đền thánh nguy nga, nhưng ở giữa cảnh đạm bạc nghèo khó, bởi vì Ngài muốn gần gũi những tâm hồn đơn sơ khiêm tốn, giống như đức Maria, thánh Giuse, các mục đồng. Ngài đến để loan báo Tin mừng bình an, Tin mừng của lòng lân tuất.

Nói tóm lại, chúng ta đừng nên đọc Tin mừng thơ ấu như câu chuyện thuật lại gia thế của hài nhi Giêsu. Không phải thế: ngay từ đầu tác phẩm, hai vị thánh sử đã muốn lời phát biểu đức tin về bản tính và sứ mạng của đức Giêsu, cũng tương tự như tự ngôn của thánh Gioan: Người là Con Thiên Chúa, đến chia sẻ cảnh khiêm tốn của thân phận con người, để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại, nghĩa là dẫn họ vào vinh quang Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi cùng với Mẹ Maria suy niệm những biến cố ấy (Lc 2,19.51), như vốn quen thực hiện khi ngắm 5 mầu nhiệm mùa Vui của kinh Mân côi.