Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Ảnh Hưởng Của Văn Hóa Nước Ngoài Trên Văn Hóa Việt Nam

Administrator
2018-09-08 11:03 UTC+7 26
Hoàng Thiên, OP.   Dẫn Nhập Việt Nam là một nước được coi như là điểm hội tụ của các nền văn hóa Đông – Tây và dĩ nhiên cũng là nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hai nền văn hóa Phương Đông. Khi nói đến văn hóa Phương Đông cũng như nói đến […]


Hoàng Thiên, OP.

 

Dẫn Nhập

Việt Nam là một nước được coi như là điểm hội tụ của các nền văn hóa Đông – Tây và dĩ nhiên cũng là nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hai nền văn hóa Phương Đông.

Khi nói đến văn hóa Phương Đông cũng như nói đến sự ảnh hưởng của nó lên văn hóa Việt Nam thì người ta nghĩ ngay đến nền văn hóa vĩ đại Trung Hoa. Nền văn hóa Trung Hoa vừa mang tính cách đa dạng cả về văn hóa tinh thần lẫn văn hóa vật chất vừa có bề dày lịch sử vào hàng nhất nhì thế giới. Văn hóa Trung Hoa đã ảnh hưởng một cách sâu đậm đến hầu như toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt đối với văn hóa Việt Nam thì văn hóa Trung Hoa đã để lại nhiều dấu ấn và chứng tích đậm nét ăn sâu vào cả văn hóa tinh thần lẫn văn hóa vật chất. Nó đã gắn liền với các sinh hoạt trong đời sống của người dân Việt Nam từ xưa tới nay.

Hoàn cảnh và thời gian thâm nhập vào Việt Nam

Song song với mục tiêu chính trị – quân sự và thương mại, văn hóa Trung Hoa đã du nhập vào Việt Nam theo bước chân của các đạo quân xâm lược qua các thời kỳ xâm chiếm Việt Nam. Theo lịch sử Việt Nam, Trung Hoa xâm lược và cai trị Việt Nam trên một ngàn năm qua ba thời kỳ chính:

– Thời kỳ thứ nhất, thời nhà Triệu, từ năm 207 – 39 TCN

– Thời kỳ thứ hai, thời Đông Ngô, từ năm 43 – 543

– Thời kỳ thứ ba, thời nhà Đường, từ năm 603 – 939

Ba cuộc xâm lược kéo dài này, là thời gian văn hóa Trung Hoa luôn hiện diện trên đất nước Việt Nam, còn người Việt thì luôn phải tiếp cận và phải sống với nền văn hóa khổng lồ này để rồi nó đi sâu vào trong máu thịt của hàng trăm thế hệ người Việt Nam và chiếm lĩnh hầu hết vị trí của văn hóa thuần túy Việt Nam. Ngoài ba cuộc xâm lược kéo dài này, còn có một số cuộc xâm chiếm khác nữa đã làm cho văn hóa Việt Nam trở nên điêu tàn nhường chỗ cho văn hóa Phương Tây.

Trong mấy thế kỷ tiếp xúc và giao lưu với văn hóa Phương Tây, văn hóa Việt Nam đã chịu ảnh hưởng khá sâu đậm vào nhiều lĩnh vực, cả trên văn hóa tinh thần lẫn văn hóa vật chất. Thế nhưng tùy lúc tùy nơi, người Việt có thể chấp nhận hay chống đối, nhưng bao giờ cũng là một sự thâu hóa linh hoạt, tiếp nhận những gì có ích và biến đổi cho phù hợp với tính cách, điều kiện và nhu cầu của người dân.

Thời gian và hoàn cảnh thâm nhập

Thời gian thâm nhập của văn hóa Phương Tây có thể manh nha từ thế kỷ XVI – XVII khi các giáo sĩ Phương Tây đến truyền đạo Kitô giáo. Ngoài ra, song song với tôn giáo, văn hóa Phương Tây còn đi vào Việt Nam bằng con đường chính trị, kinh tế, thương mại,… Chúng ta có thể chia thời gian và hoàn cảnh thâm nhập của văn hóa Phương Tây thành 4 thời kỳ chính:

– Khởi đầu là thời kỳ thâm nhập của Kitô giáo

– Thời kỳ thực dân xâm lược và giao lưu với văn hóa Pháp (1858 – 1945)

– Thời kỳ giao lưu với văn hóa XHCN Max-Lênin (1945 trở đi)

– Thời kỳ hiện tại, giao lưu với văn minh văn hóa nhân loại.

***

PHẦN I: TÔN GIÁO

 

I. PHẬT GIÁO

1. Quá trình xâm nhập, phát triển và những bước thăng trầm của Phật giáo ở Việt Nam

Đầu công nguyên (thế kỷ II) các nhà sư Ấn Độ đã đến Việt Nam theo đường biển và thiết lập ở Luy Lâu, trị sở quận Giao Chỉ, một trung tâm Phật giáo lớn.

Đến thế kỷ IV – Việt Nam lại có thêm luồng Phật giáo Đại Thừa Bắc Tông từ Trung Hoa tràn vào Việt Nam và chẳng mấy chốc nó đã lấn át và thay thế luồng Nam Tông có từ trước đó. Vì thâm nhập vào Việt Nam trong bầu khí hòa bình nên Phật giáo đã phổ biến rộng khắp ngay từ thời Bắc Thuộc và tiếp tục phát triển sau này.

Đến thời Lý – Trần Phật giáo Việt Nam phát triển tới mức cực thịnh. Nhiều chùa chiền được xây khắp cả nước. Dân chúng tô tượng, đúc chuông, sùng bái Phật Thích Ca.

Sang đời nhà Lê, nhà nước tuyên bố lấy Nho giáo làm quốc giáo; Phật giáo bị phái Nho công kích, triều đình không săn sóc nên Phật giáo đi vào con đường suy thoái.

Đến thời Pháp thuộc Phật giáo càng bị chèn ép và suy kém rất nhiều. Tuy nhiên cho đến nay số tín đồ Phật giáo vẫn chiếm một con số rất lớn tại Việt Nam và có nhiều ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người dân Việt Nam.

2. Ảnh hưởng của Phật giáo đến văn hóa Việt Nam

Phật giáo với tư cách là những giáo lý cao sâu, trừu tượng, thuần túy mang tính bác học hầu như lại ít ảnh hưởng tới đại đa số quần chúng. Cái ảnh hưởng lên lớp bình dân lại là những tư tưởng cơ bản nhưng đơn giản, dễ hiểu, nếp sống đạo đức, tác phong của các nhà sư.

Từ khi du nhập, theo suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo luôn có mặt, gắn bó mật thiết với dân tộc và hầu như đã thấm sâu vào máu thịt của con người Việt Nam. Bởi vậy dù trực tiếp hay gián tiếp, hầu hết người Việt đều chịu ảnh hưởng của Phật giáo.

a/. Con người Việt Nam và thuyết nhân quả của Phật giáo

Phật giáo cho rằng mối quan hệ cơ bản phổ biến của mọi sự vật hiện tượng là quan hệ nhân quả. Quan niệm này có ảnh hưởng rất lớn đến quan niệm về thế giới quan và nhân sinh quan của đại đa số người Việt. Người ta luôn nói với nhau: “gieo nhân nào thì gặt quả ấy”, “gieo gió gặt bão”, xem cái gì cũng là kết quả của một cái trước. Mỗi khi gặp sự việc gì xảy đến cho bản thân, người Việt dễ cho là phải có một nguyên nhân nào đó. Luật nhân quả có tác dụng trực tiếp là khuyên người ta làm thiện, tránh ác vì nhân nào thì quả ấy, thiện giả thiện báo, ác giả ác báo. Từ đây cũng dẫn đến quan niệm làm phúc để lại cho con cháu; cha ăn mặn, con khát nước. Trong nhiều trường hợp động lực thúc đẩy người Việt sống lương thiện chính là để tích đức lại cho con cháu.

b/. Người Việt và quan niệm về cái Tâm của Phật giáo

Phật giáo cho rằng cái tâm con người rất quan trọng, nó chi phối tất cả con người ta, “nhất thiết duy tâm tạo”, mọi thứ đều do tâm tạo ra. Quan niệm này đã ảnh hưởng sâu xa đến cách cư xử của người Việt Nam. Ngay trong quan hệ giữa người với người ở nước ta từ xưa đến nay dân ta đều coi trọng cái tâm. Trong mọi việc, vấn đề quan trọng là tấm lòng, là thành tâm, thực bụng. Đây là truyền thống quý báu của người Việt Nam với sự góp phần rất lớn của Phật giáo. Nguyễn Du đã thấm nhuần tinh thần này của Phật giáo và đã thốt lên trong tác phẩm của mình: “Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

c/. Lòng từ bi của Phật giáo và tâm hồn khoan dung của con người Việt Nam

Lòng từ bi của Phật giáo đã thấm nhập vào tâm hồn người Việt vốn mang trong mình hòa tính và nữ tính – nét đặc trưng của văn hóa nông nghiệp – để tạo nên bản tính hiếu hòa, khoan dung nơi tâm hồn người Việt. Điều này được chứng nghiệm qua các cuộc chiến tranh ở nước ta. Các cuộc chiến tranh xảy ra ở nước ta đều xuất phát từ ý đồ xâm lược của kẻ ngoại xâm, người Việt chỉ chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của đất nước mình mà thôi. Trong các cuộc chiến khi mà kẻ địch không còn khả năng chống cự, người Việt không nỡ lòng nào giết họ. Trong nhiều trường hợp các tướng không những không giết quân giặc mà còn cấp thuyền, ngựa, lương thực cho họ được về nước. Tư tưởng này còn thể hiện rõ trong thái độ của Nguyễn Trãi: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo”.

Quan niệm “nhu thắng cương”, “nhược thắng cường” đã được các thế hệ cha ông ta truyền lại cho nhau thể hiện rõ lòng khoan dung của người Việt, nhờ sự góp phần không nhỏ của Phật giáo.

d/. Phật giáo và các lễ hội ở Việt Nam

Lễ hội đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của người Việt. Trong số những lễ hội lớn có một phần đóng góp không nhỏ của Phật giáo. Đến ngày hội dân chúng không những tại địa phương mà có khi còn từ các tỉnh khác tới tham dự lễ hội rất đông. Nhiều lễ hội có nguồn gốc từ Phật giáo đã trở nên như máu thịt, như một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam. Một trong số những lễ hội đó có thể kể đến như Hội Chùa Hương ở tỉnh Hà Tây. Hội mở từ đầu tháng Giêng cho đến hết tháng Hai, ngày hội chính là ngày rằm tháng Hai. Hội Chùa Thầy mở vào ngày mồng bảy tháng ba âm lịch hằng năm tại tỉnh Hà Tây. Hội Đền Linh Sơn Thánh Mẫu tại núi Bà Đen, Tây Ninh. Hằng năm vào dịp xuân, từ mồng 10 tháng Giêng dân chúng các nơi tới hành hương lễ bái rất đông, nhất là ngày 15 tháng Giêng. Hội Miếu Bằng Lăng được tổ chức hằng năm vào ngày 15 và 16 tháng Ba âm lịch tại tỉnh An Giang,…

II. NHO GIÁO

1. Nho giáo và sự phát triển tại Việt Nam

Ngay từ đầu công nguyên Nho giáo đã được truyền bá vào Việt Nam. Tuy nhiên, vì đây là thứ văn hóa của kẻ xâm lược áp đặt nên, ngoài một số người Việt đỗ đạt được bổ nhiệm làm quan trong bộ máy cai trị Trung Hoa, trong suốt thời kỳ Bắc thuộc (207 – 906 TCN), Nho giáo tuy đã được đưa vào Việt Nam nhưng chưa có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam.

Đến thời tự chủ, Nho giáo bắt đầu phát triển tại Việt Nam. Với sự kiện Lý Thái Tổ (Lý Nhân Tông) cho lập văn miếu thời Khổng Tử năm 1070, có thể coi đây là lúc Nho giáo được tiếp nhận chính thức.

Nho giáo được xem là thịnh hành nhất trong thời nhà Lê khi mà Nho giáo được coi như là Quốc giáo. Nho giáo còn hưng thịnh cho đến thời Pháp thuộc từ năm 1858 thì bị Pháp lấn át và bãi bỏ các kỳ thi về Nho học. Và cứ như thế, Nho giáo dần mất chỗ đứng không những trong xã hội mà còn phai nhạt dần trong lòng người Việt.

2. Ảnh hưởng của Nho giáo tại Việt Nam

Nho giáo đã có một sự ảnh hưởng khá sâu rộng lớn đến nhiều mặt của cuộc sống của người Việt trong một thời gian dài. Nhiều khi Nho giáo lại uyển chuyển để thích nghi với nền văn hóa của Việt Nam để rồi bị Việt Nam hóa. Vì thế có nhiều điểm ta không biết được đâu là văn hóa thuần Việt Nam và đâu là ảnh hưởng của Nho giáo. Tuy thế Nho giáo đã để lại nhiều ảnh hưởng rõ nét trên hai bình diện chính là gia đình và xã hội.

a/. Gia đình

Có thể khẳng định rằng văn hóa truyền thống của người Việt mang tính mẫu hệ giống như một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay như Chăm, Êđê, … Chính Nho giáo đã mang vào Việt Nam quan niệm phụ hệ.

Nho giáo coi gia đình là đơn vị để xây nên sự vững mạnh cho đất nước nên gia đình cần phải có trật tự trên dưới rõ ràng. Với địa vị độc tôn của người cha trong gia đình, có quyền quyết định mọi việc trong nhà giống như một ông vua có quyền tuyệt đối trên các quan và thần dân.

Trong gia đình con cái phải tuyệt đối vâng lời cha mẹ, ngay cả trong việc hôn nhân con cái cũng phải theo sự hướng dẫn của cha mẹ: cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Ngoài ra con cái phải sống với cha mẹ cho tròn chữ hiếu và hiếu là một việc bắt buộc đối với bổn phận làm con: “Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Thế nào là sống tròn chữ hiếu? Con cái được xem là có hiếu khi biết săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ thật chu đáo khi còn sống khỏe mạnh cũng như lúc đau yếu, khi về già. Lúc cha mẹ qua đời còn phải chu toàn chữ hiếu bằng cách lo tang tế đàng hoàng, lại còn phải nhang khói đầy đủ để thờ phượng cha mẹ nữa.

Người phụ nữ bị xem là bị lệ thuộc vào người đàn ông trong suốt cuộc đời của mình. Với quan niệm tam tòng: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, nghĩa là ở gia đình phải theo cha, lấy chồng phải theo chồng và chồng chết thì phải theo con. Quan niệm nam tôn nữ ti hay trọng nam khinh nữ, mặc dù đã bị khúc xạ do bản chất mẫu hệ của văn hóa Việt Nam, nhưng đã một thời ảnh hưởng rất mạnh và nay vẫn còn hằn sâu trong tâm thức của người Việt, nhất là ở các vùng quê: nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.

b/. Xã hội

Nho giáo nhấn mạnh đến vấn đề đạp nghĩa trong cuộc sống thường ngày giữa người với người, đề cao chữ nhân trong cách ứng xử của con người vì nhân và nghĩa là hai đức tính được đề cao hàng đầu trong Ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín). Người Việt đã chịu ảnh hưởng sâu xa của quan niệm này, vì thế cho đến ngày nay người Việt vẫn luôn coi trọng đạo nghĩa. Sống với nhau phải có đạo nhân, nghĩa, không làm những việc trái với luân lý, nghĩa là trái với những điều được vạch ra trong Ngũ thường. Hơn nữa, trong các mối quan hệ thì phải biết tôn trọng lẫn nhau, lại phải biết kính trên, nhường dưới.

Một nét ảnh hưởng nữa có thể kể đến là các loại nghi thức tế tự. Bao nhiêu nghi thức tiết lễ của Nho giáo đã dần được áp dụng trong việc phụng thờ của các tôn giáo khác, đáng kể hơn hết là trong đạo Thờ Phụng Tổ Tiên, đạo thờ Thần,…

III. ĐẠO GIÁO (LÃO GIÁO)

1. Bối cảnh hình thành Lão giáo và sự truyền bá vào Việt Nam

Vào thời Lão Tử, người đời chuộng lễ nghĩa, chú ý rất nhiều đến những điều vụn vặt, làm bận tâm trí con người và vì những điều câu nệ tỉ mỉ đã làm mất đi cái khoáng đạt của tâm hồn. Trước tệ đoan đó, Lão Tử có ý muốn sửa đổi lại để con người sống theo lẽ tự nhiên. Vì thế với tôn chỉ vô vi, Lãi Tử đã lập nên Lão giáo.

Lão giáo thâm nhập vào Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ II qua các đạo sĩ chạy lánh nạn đến Việt Nam. Ngay khi đến Việt Nam, Lão giáo đã tìm thấy những tín ngưỡng tương đồng đã có sẵn từ lâu vì người Việt từ xa xưa đã rất sùng bái ma thuật, phù phép; họ tin rằng các lá bùa, những câu thần chú có thể chữa bệnh, đuổi tà ma, tăng sức mạnh,… Đến thời Đinh Tiên Hoàng, văn hóa Lão giáo khá phát triển, nhưng không thịnh bằng đạo Phật và đạo Nho. Lão giáo ở Việt Nam chia làm hai phái chính: Lão giáo phù thủy và Lão giáo thần tiên.

2. Ảnh hưởng của Lão giáo tại Việt Nam

Vì Lão giáo được chia làm hai nhánh chính nên ảnh hưởng của nó tại Việt Nam cũng chia làm hai hướng rõ rệt, mối hướng ảnh hưởng lên từng tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Lão giáo phù thủy tác động khá sâu sắc đến tầng lớp bình dân khi họ tiếp cận văn hóa Lão giáo ở khía cạnh thần tiên, huyền bí; họ tin vào phép bói toán, tu luyện, phù thủy,… Do vậy, lối tiếp cận này đã dần mê tín dị đoan như xem bói, cúng, quảy, làm phép để trừ khử ma quỷ, lập đền miếu để thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Hải Thượng Lãn Ông,… và qua hệ thống đồng cốt để cầu xin giàu sang phú quý và chữa bệnh. Đền Ngọc Sơn (Hà Nội), điện Hòn Chén (Huế), điện Bà Chúa Xứ (An Giang) và các đền miếu khác là những nơi tín đồ Lão giáo thường tụ họp vào ngày rằm, mồng một hoặc các ngày lễ lớn khác để cầu xin, lên đồng, chữa bệnh,…

Lão giáo thần tiên lại ảnh hưởng lên tầng lớp trí thức, đặc biệt là một số nhà Nho Việt Nam. Sinh không gặp thời, gặp chuyện bất bình ở chốn quan trường hay chỉ đơn giản là thích cuộc sống nhàn hạ, phóng khoáng, chán chường danh lợi, “nhìn xem phú quí tựa chiêm bao”, nên khi về già thường lui về sống ẩn dật, vui thú với thiên nhiên, bên chén rượu, bàn cờ, ngâm thơ; sống điều độ với tinh thần thanh thản trong khung cảnh thiên nhiên. Tiêu biểu có các nhà Nho như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Huy Ích, Nguyễn Công Trứ,…

IV. KITÔ GIÁO

Có tài liệu cho rằng chân phước Ordorico Di Pordenone đã đến Chiêm Thành (Việt Nam ngày nay) vào tiền bán thế kỷ XIV. Tuy nhiên không có bằng chứng chắc chắn là Kitô giáo đã được truyền vào Việt Nam thời đó.

Từ sau năm 1550 một số tu sĩ Đaminh đã vào Việt Nam truyền giáo, đến năm 1586 lại có thêm các tu sĩ dòng Phanxicô vào Việt Nam, nhưng việc truyền giáo kém hiệu quả vì vấn đề bất đồng ngôn ngữ.

Sang đầu thế kỷ XVII có thêm các tu sĩ Dòng Tên vào truyền giáo tại Việt Nam. Nhiều giáo sĩ Dòng Tên thông thạo tiếng Việt Nam, lại hoạt động khôn khéo nên mặc dù gặp khó khăn phức tạp, có khi đổ máu nhưng thu hút được khá nhiều người theo đạo và cứ thế việc truyền giáo phát triển với số Kitô hữu tăng lên đều đặn.

Đến thế kỷ XVIII việc cấm đạo trở nên gay gắt, với các sắc chỉ cấm đạo của các chúa Minh Vương, Võ Vương, đặc biệt trong ba đời vua của triều Nguyễn là Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức có tất cả 14 sắc chỉ cấm đạo Công Giáo. Nhiều nhà thờ bị đốt phá, giáo dân bị tù đày, giáo sĩ bị giết,…

Sau khi chiếm được Việt Nam, nhất là sau khi thiết lập được chế độ thống trị, Pháp đã dành cho các giáo sĩ của Hội Thừa Sai Paris nhiều điều kiện thuận lợi cho việc truyền giáo. Vì thế hàng ngàn cơ sở tôn giáo được triển khai xây dựng, số tín hữu ngày càng tăng nhanh.

Mãi đến năm 1933, sau hơn 400 năm truyền đạo, Giáo hội Việt Nam mới được quyền tự quản với vị giám mục đầu tiên là Nguyễn Bá Tòng. Năm 1960 hàng giáo phẩm Việt Nam được chính thức thành lập và từng bước xây dựng và phát triển cho đến ngày nay.

***

PHẦN II: SỰ ẢNH HƯỞNG VỀ NGÔN NGỮ

 

Tiếng Việt ngày nay chịu ảnh hưởng khá lớn từ hai dòng chính là Trung Hoa và Tây Âu

I. TRUNG HOA

Ngay từ đầu công nguyên, từ khi có sự đô hộ phương Bắc, tiếng Hán đã được sử dụng ở Giao Châu với tư cách một sinh ngữ. Người Hán muốn đồng hóa tiếng nói của dân tộc Việt, nhưng tiếng Việt vốn đã có cơ sở vững vàng từ trước vẫn tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, trải qua hàng ngàn năm, một số lẻ tẻ từ Hán thường dùng đã được người Việt vay mượn để lấp chỗ thiếu hụt trong tiếng Việt như: buồng, buồn, muộn, mây, muỗi, đục, đuốc,… Cuối thời đô hộ, người Hán mở nhiều trường học, văn ngôn Hán được truyền bá rộng rãi cùng với kinh, sử, tử, tập. Sang thời tự chủ, tiếng Hán và chữ Hán vẫn được các triều đại phong kiến Việt Nam tiếp tục sử dụng trong cơ quan hành chính, trường học, khoa cử cũng như trong sáng tác văn chương. Nhưng lúc này tiếng Hán đã mất tính cách là một sinh ngữ; tiếng Hán không được đọc theo âm Hán của người Hán. Người Việt đã tạo ra âm Hán Việt là cách đọc chữ Hán của riêng người Việt trên địa bàn Việt Nam. Âm Hán Việt đã tạo điều kiện để chuyển tải hàng loạt từ Hán du nhập vào tiếng Việt. Những từ này có thể giữ nguyên nghĩa, cũng có thể chuyển đổi nghĩa theo hướng Việt hóa.

Nhiều từ biểu thị những khái niệm trừu tượng của các phái Nho, Phật, Lão trong tiếng hán được người Việt vay mượn để lấp khoảng trống thiếu hụt trong ngôn ngữ của mình như pháp, thân, sắc, không, tưởng, niệm, tâm, tính, hữu, vô, thiên, địa, nhân, lễ, nghĩa, trí, quân, thần, phụ, tử, lễ, nhạc, phong, hoa, tuế, nguyệt,… và những từ liên quan đến văn hóa như: bút, bảng, phấn, sách, khoa, trường. Trong trước tác thư tịch và sáng tác văn học, hiện tượng vay mượn chữ Hán trở thành một thói quen và nhu cầu, đồng thời cũng là khả năng. Số lượng từ Hán Việt đi vào tiếng Việt ngày một nhiều và dần dần có cả từ song tiết như trượng phu, trường ốc, thanh nhàn, tiên sinh, khoa mục, quốc gia, thành thị, quân tử, giang sơn, thế giới, phú quý, công danh, văn chương, sự nghiệp, tiêu dao, an nhàn, phồn hoa, trung dung, đồng bào, thiên hạ, nhan sắc,…

Vào những thế kỷ cuối cùng, các nước châu Á bắt đầu chịu ảnh hưởng của tư tưởng tư sản châu Âu qua cửa ngõ Nhật Bản. Người Nhật đã dùng chữ Hán trong văn tự của họ để phiên dịch các khái niệm của châu Âu, sau đó người Hán lại đọc các từ đó theo âm Hán và người Việt Nam lại đọc các từ này theo âm Hán Việt, ví dụ như các từ: dân chủ, cộng hòa, giác ngộ, giai cấp, kinh tế, chính trị, xã hội, cách mạng, quần chúng, quyền lợi, tư sản,…

Từ đầu thế kỉ XX và đặc biệt sau Cách mạng tháng Tám 1945, những từ này đã ồ ạt đi vào tiếng Việt cùng với những từ Hán Việt để tạo thành những từ riêng của mình như đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, đại bác, phi công, náo động, thiếu tá, trung tá,…

Sau khi âm Hán Việt đã hình thành, trong tiếng Việt vẫn có những biến đổi ngữ âm. Những biến đổi này có thể tác động vào một bộ phận tự Hán Việt, nhất là những từ sinh hoạt, làm cho những từ này phát sinh ra âm mới như: gan, gương, dừng, vốn, vạch,… Những từ này cũng có những nét ngữ nghĩa và phong cách riêng khác với từ Hán Việt và thường được gọi là từ Hán Việt Việt Hóa.

II. TÂY ÂU

Hậu bán thế kỷ XVII các nhà truyền giáo người Tây Ban Nha, Ý, Pháp sang truyền giáo tại Việt Nam thì khó khăn họ gặp phải đầu tiên là vấn đề ngôn ngữ. Vì thế, với sự góp công to lớn của giáo sĩ Alexandre de Rhodes và một số giáo sĩ khác, họ đã dùng mẫu tự Latinh, có bổ sung thêm các dấu phụ để ghi âm tiếng Việt; và thứ chữ đó được gọi là chữ Quốc ngữ. Hơn nữa họ còn soạn nhiều cuốn từ điển như Việt – Bồ, Bồ – Việt, Việt – Bồ – La, nhờ đó người Việt có thể học chữ quốc ngữ dễ dàng hơn nhiều so với chữ Nôm trước đó. Vì dễ học, dễ nhớ nên chữ Quốc ngữ ngày càng được nhiều người học và nó đã góp phần rất lớn trong việc phổ cập giáo dục và nâng cao dân trí của người Việt Nam lúc bấy giờ. Kết quả là nhiều tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ đã ra đời và đến năm 1856 khoa báo chí bằng tiếng Việt được hình thành. Tờ báo đầu tiên do Ernest Potteaux làm chánh tổng tài được phát hành, số đầu tiên ra ngày 15-01-1865. Tờ báo này được gọi là Gia Định báo.

***

PHẦN III: SỰ ẢNH HƯỞNG VỀ GIÁO DỤC

 

I. ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG HOA

Trong thời gian nghìn năm đô hộ giặc Tàu, đất nước ta đã chịu rất sâu đậm trên nền giáo dục, cả về giáo dục học đường lẫn giáo dục gia đình. Nói đúng hơn, về nền giáo dục của nước ta chịu ảnh hưởng chủ yếu của nền giáo dục tam giác: Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo, đặc biệt hơn là Nho giáo. Sau đây là đôi nét về sự ảnh hưởng của Tàu trên nền giáo dục gia đình Việt Nam.

1. Giáo dục gia đình

Theo truyền thống cổ truyền, dân tộc ta sống theo chế độ gia tộc mẫu hệ, tức là người con sinh ra chỉ biết có người mẹ mà ít quan tâm đến người cha, và người cha không có quyền gì đối với vợ con cả. Tuy nhiên chế độ này ngày nay hầu như đã mất hẳn, và thay vào đó là chế độ phụ hệ. Theo các nhà sử học Việt Nam, chế độ phụ hệ là do giáo lý Khổng – Mạnh truyền sang. Chế độ phụ hệ là tập tục cha truyền con nối. Người con sinh ra là phải lấy theo họ cha, và xem họ hàng bên cha là họ nội, họ hàng bên mẹ là họ ngoại.

Từ chế độ phụ hệ đưa đến chế độ phụ quyền, nghĩa là nam tôn nữ ty, trọng nam khinh nữ. Người đàn ông nắm quyền làm chủ gia đình, còn phụ nữ chỉ phụ thuộc. Chế độ này ảnh hưởng nhiều nhất trong tầng lớp quan lại thượng lưu thời xưa. Còn trong thời đại hôm nay, chế độ này ảnh hưởng rất ít vì một phần do tiếp xúc với lối sống tự do bình đẳng của phương Tây, cộng thêm sự trở lại chế độ Mẫu hệ truyền thống, nên các gia đình hầu như đã tiếp nhận và dung hòa giữa các chế độ với nhau và đưa ra một chế độ bình đẳng bình quyền như hôm nay. Họ quan niệm “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”.

Việc giáo dục gia đình trong Nho giáo có một vị trí rất quan trọng. Mạnh tử nói: “Thiên hạ gốc ở nước, nước gốc ở nhà, nhà gốc ở thân mình”“nhà mình không thể dạy mà dạy được người ta điều không có. Trị quốc, Bình thiên hạ làm được hay không phụ thuộc vào việc tề gia”,… Như vậy, việc tề gia trở thành vấn đề quốc sách chứ không còn là việc của cá nhân hay của một gia đình, một dòng họ nữa.

2. Giáo dục hiếu đễ

“Con có hiếu với cha mẹ, em kính nể anh chị được coi là đức tính quí báu nhất, là tình cảm tất yếu, tự nhiên của con người”. Chữ hiếu đi liền với chữ trung. Chữ tình phải nhẹ hơn chữ hiếu. Mặc dù đạo hiếu quá khắt khe, có phần độc đoán, song có những điểm đáng trân trọng, giữ gìn. Và chính những điểm đó vẫn còn đọng lại trong nền giáo dục gia đình Việt Nam hôm nay.

“Con cái phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, kính trọng ông bà, cha mẹ, luôn luôn làm những điều thiện để cha mẹ được vui lòng”. Khổng Tử coi việc con cái nuôi nấng cha mẹ mà không kính thì không khác gì nuôi súc vật.

“Thờ phụng tổ tiên là biểu hiện lòng hiếu thảo của con cháu, các thế hệ sau đối với người đã khuất, sự thờ phụng đó là để tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn đối với cha ông, gìn giữ và phát huy những di sản, thanh danh tốt đẹp của tiên tổ”.

Ngoài ra con cái trong gia đình phải “tiên học lễ, hậu học văn”. Trước hết phải biết kính trọng, lễ phép sau đó mới học chữ nghĩa. Hơn nữa quan điểm Tam Cương Ngũ Thường trong Nho giáo phần nào vẫn còn ảnh hưởng trong giáo dục gia đình Việt Nam hôm nay.

3. Giáo dục đối với người phụ nữ

Ngày xưa xã hội phong kiến đòi buộc người phụ nữ vào chuẩn mực “tam tòng tứ đức”. Tam tòng có nghĩa là: người phụ nữ suốt đời chỉ là người phụ thuộc: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết ở với con). Nền giáo dục này hầu như không có một chút gì ảnh hưởng trong nền giáo dục của xã hội hôm nay. Song bên cạnh đó, tứ đức lại là mặt giáo dục tích cực vẫn còn đọng lại và đòi buộc người con gái cần phải có: Công là nết làm ăn cần cù, thức khuya dậy sớm, tài đảm đang nội trợ của người con gái khi còn ở nhà, của người phụ nữ với địa vị làm vợ, làm dâu, làm mẹ. Dung là sự chăm chút mộ cách kín đáo nhan sắc của mình sao cho dễ coi, duyên dáng. Ngôn là giữ lời ăn tiếng nói dịu dàng, nhỏ nhẹ khiêm tốn, không khoe khoang, cười đùa ầm ĩ. Hạnh là phẩm chất đạo đức, sự chung thủy với chồng được coi là tiêu chuẩn cao nhất về đạo đức của người con gái.

II. ẢNH HƯỞNG CỦA TÂY ÂU

Khi trình bày về sự ảnh hưởng văn hóa Tây phương trên lãnh vực giáo dục học đường Việt Nam, chúng ta thấy sự ảnh hưởng sâu đậm đó là hệ thống giáo dục của Pháp. Hầu như hệ thống giáo dục Việt Nam hiện đại đều chịu ảnh hưởng của Pháp.

Sau khi Pháp thực sự đô hộ trên đất Việt (từ 1858 – 1945), đã áp đặt một hệ thống giáo dục của Pháp lên nền giáo dục Việt Nam. Và mãi tới hôm nay, tuy hệ thống giáo dục nước ta phần nào có sự thay đổi về nhiều mặt: hình thức tổ chức, bằng cấp, chương trình học, thi cử,… nhưng sâu xa vẫn bị ảnh hưởng hệ thống giáo dục của Pháp thời ấy.

Sau đây là một số điểm đơn cử:

1. Về các cấp học và danh xưng

– Bậc Ấu học gồm 2 lớp: lớp Đồng Ấu và lớp Dự Bị tương đương với 2 lớp: lớp Mầm Non và lớp Vỡ Lòng ngày nay.

– Bậc Tiểu Học: tương đương với trường cấp I ngày nay, trong Nam có thời gọi đệ tam cấp, ngày nay cũng có nơi lấy lại danh xưng Trường Tiểu Học.

– Bậc Trung Học: tương đương với trường cấp I và cấp II hay là trường Phổ Thông Cơ Sở và trường Phổ Thông Trung Học hiện nay.

– Bậc Đại Học: ngày nay cũng lấy lại y như vậy

2. Ảnh hưởng trên hình thức thi cử và bằng cấp

Theo sử sách cho thấy, việc thi cử ở nước ta trong thời kỳ đô hộ của giặc Tàu cũng như trong thời kỳ vua chúa quan quyền chỉ có ba kỳ thi chính yếu: Thi Hương, thi Hội và thi Đình. Nhưng đến thời Pháp thuộc, thời kỳ khởi đầu cho nền giáo dục hiện đại của Việt Nam, hệ thống giáo dục được bước sang một hình thức mới, do đó việc thi cử cũng thay đổi theo. Tức là các kỳ thi được áp dụng từ Ấu học cho đến Đại học. Sau đây xin trình bày sơ lược một số kỳ thi:

– Kỳ thi lấy bằng Sơ Học Yếu Lược

– Kỳ thi lấy bằng Tiểu Học

– Kỳ thi lấy bằng cao đẳng Tiểu Học có thời đổi là bằng Thành Chung

– Kỳ thi vào Đại Học

Tuy nhiên các kỳ thi này hiện nay vẫn được sử dụng nhưng có một số bổ sung và thay đổi cho phù hợp với thời đại. Chẳng hạn chia cấp: cấp I, cấp II, cấp III tương đương với Tiểu học và Trung học thời Pháp.

– Học hết cấp I cũng có kỳ thi lấy bằng Tiểu học để bước vào học chương trình Phổ thông Cơ sở

– Hết cấp II, có kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông Cơ sở, nếu đậu mới được dự thi chuyển cấp, tức là vào học chương trình Phổ thông Trung học

– Hết chương trình Phổ thông Trung học, có kỳ thi lấy bằng tốt nghiệp Phổ thông Trung học hay gọi là bằng Tú Tài. Đậu kỳ thi này mới được dự thi Đại học

– Hết chương trình Đại học, có kỳ thi lấy bằng cử nhân

– Sau Đại học, có kỳ thi lấy bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ

***

PHẦN IV: SỰ ẢNH HƯỞNG TRÊN VĂN CHƯƠNG

 

I. ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG HOA

Hơn 10 thế kỷ dưới chế độ phong kiến, văn hóa Trung Hoa trong đó có chữ Hán, phần nhiều phổ biến ở tầng lớp trên của xã hội như vua chúa, quan lại, nho sĩ, và quí tộc. Do đó văn hóa tam giáo từ Trung Hoa du nhập vào văn hóa Việt Nam qua từng thành phần trên một cách sâu đậm hơn tầng lớp bình dân. Hiện tượng này không những chỉ thể hiện trong đời sống gia đình, xã hội và bộ máy nhà nước, mà còn phản ánh trong đời sống văn học, nhất là những tác phẩm Hán văn; văn hóa tam giáo biểu hiện khi sâu đậm khi bàng bạc qua dòng văn học chữ Hán, nhưng ít có những tác phẩm trường thiên, phần nhiều là những bài thơ, bài kịch, bài kệ,… thông qua thi pháp Trung Hoa với các thể thơ cổ phong, đường luật. Tầng lớp tri thức Việt Nam hội nhập văn hóa Tam giáo vào các tác phẩm của mình.

1/. Ảnh hưởng của Nho giáo trong văn thơ: Có Đoạn trường tân thanh, Lục Vân Tiên, thơ của Nguyễn Công Trứ,…

2/. Ảnh hưởng Phật giáo trong văn thơ: Có Cung oán ngâm khúc, Quan Âm Thị Kính,…

3/. Ảnh hưởng của Lão giáo trong văn thơ: Có Thơ Nhàn, Bích câu kì ngộ.

Và sau đây là một số bài thơ đơn cử nói lên ảnh hưởng của quan điểm cũng như tư tưởng của tam giáo vào trong nền văn học Việt Nam.

– Phật giáo

Có bài thơ “Thi đệ tử” của nhà sư Vạn Hạnh, phản ánh triết lý hư vô của đạo Phật rất khái quát. Theo học thuyết của đạo Phật, con người có rồi không, không rồi có, cũng như cây cỏ lúc xanh tươi, khi tàn úa, rồi sự đời thịnh rồi lại suy, chẳng có gì vĩnh hằng trong thế gian.

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô,

Nhiệm vận thính uy vô bố úy,

Thịnh suy như lộ khảo đầu khô”.

Dịch:

“Thân như bóng chớp có rồi không,

Cây cối xuân tươi thu não nùng,

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”.

– Nho giáo:

Trong bài “Quân Đạo”, Lê Thánh Tông đã bộc lộ đạo vừa theo tinh thần văn hóa dân tộc vừa phảng phất quan niệm tu thân của văn hóa Nho giáo:

“Chế trị bảo bang tư kế thuật

Thanh tâm quả dục tuyệt du điền”.

Dịch:

“Chánh dựng nước bền mau nối dõi

Tâm thanh dục ít dứt chơi săn”.

Hay trong bài “Thần Tiết” thì tác giả bộc lộ quan điểm “tu, tề, trị, bình” của Nho giáo khá rõ:

“Nội ninh ngoại phủ hồi thiên lực

Hậu lạc tiên ưu tế thế tâm”.

Dịch:

“Lo trước vui sau lòng tế thế

Ngoài yên trong trị sức hồi thiên”.

II. ẢNH HƯỞNG CỦA TÂY ÂU

Văn hóa Việt Nam vốn nằm trong bối cảnh văn hóa Phương Đông, nhưng đến những năm hậu bán thế kỷ XIV trở đi, qua sự giao lưu với phương Tây, chữ Quốc Ngữ phát triển và hình thành dòng văn học Quốc Ngữ. Mặt khác trong quá trình xâm lăng và định trị trên đất Việt bắt đầu từ 1858 – 1945, người Pháp trực tiếp truyền văn hóa, tư tưởng Âu Tây vào Việt Nam, trong đó nền văn học Quốc Ngữ đóng vai trò chủ yếu.

Hơn một trăm năm chữ Quốc ngữ ra đời đã để lại và ảnh hưởng trên nền văn học nước ta chủ yếu là hai hình thức: văn vần, văn xuôi và thơ mới, nhưng văn xuôi chiếm ưu thế. Ngoài các thể thơ văn truyền thống như: ca dao, hò, vè,… chữ Quốc Ngữ rất thuận lợi trong quá trình tiếp biến văn hóa nước ngoài, từ đó thơ mang nhiều hình thức và thi pháp mới, mà ta thường gọi phong trào thơ mới.

Sau đây là những tác giả tiêu biểu đã kiến tạo cho nền thơ văn hiện đại hôm nay: Những công trình biên khảo, dịch thuật và sáng tác của Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Hoàng Ngọc Phách, Khải Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nam Cao, Tố Hữu,…

Tuy nhiên văn học Việt Nam không chỉ ảnh hưởng trên mặt hình thức mà còn ảnh hưởng trên cả đời sống quan điểm và tư tưởng của người dân Việt Nam nữa.

1/. Ảnh hưởng tư tưởng lãng mạn: Tác phẩm “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách; “Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khải Hưng; “Thơ Say” của Vũ Hoàng Chương;…

2/. Ảnh hưởng tư tưởng tự do dân chủ: Tác phẩm “Quân Tự Chủ Nghĩa”“Dân Tự Chủ Nghĩa” của Phan Châu Trinh, “Cao Vọng Thanh Niên” của Nguyễn An Ninh; “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh,…

3/. Ảnh hưởng của tôn giáo: Thơ Hàn Mặc Tử,…

Sau đây là vài dẫn chứng tiêu biểu cho dòng thơ lãng mạn:

“Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,

Thủa tung hoành hóng hạch những ngày xưa.

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,

Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi.

                                           (Nhớ Rừng – Thế Lữ)

“Ta muốn say cánh mướn với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều”.

Hay:

“Trong vườn đêm ấy nhiều trăng qua,

Ánh sáng tuôn đầy các lối đi,

Tôi với người yêu qua nhè nhẹ…

Im lìm không dám nói năng chi”.

                                           (Trăng – Xuân Diệu)

Trong thời đại ngày hôm nay hầu như các thể thức của nền văn học nước ta đều chịu ảnh hưởng của Tây, tuy nhiên các tác giả vẫn giữ được các cốt lõi, cái thâm sâu nhất của truyền thống Á Đông.

***

PHẦN V: SỰ ẢNH HƯỞNG VỀ THỂ THAO VÀ GIẢI TRÍ

 

I. ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG HOA

Thời xưa, nước ta chỉ có mấy lối cờ bình dân như cờ chiếu tướng, cờ ngũ hành, cờ chân chó,… Và sau này có thêm cờ tướng là một trò chơi giải trí thanh cao tao nhã, dễ chơi được nhiều người yêu thích, nhất là các cụ ông khi về già thường tụ tập nhau lại để cùng vui chơi. Mỗi ván cờ là một cuộc đấu trí vừa gay go và vừa thú vị mà người chơi phải suy nghĩ chăm chú vào đó rất nhiều. Chuyện kể rằng: Bấy giờ dưới đời vua Trần Dụ Tôn (1341 – 1369), nước ta đang ở trong thời kỳ bị nước Tàu “dòm ngó”, muốn xâm lăng. Vua Tàu sai sứ giả sang nước ta để thách đố đánh cờ với vua Dụ Tôn. Vua Dụ Tôn không dám từ chối, nhưng thật tình rất lo ngại. Nhà vua sai đi tìm người tài giỏi để đấu cờ với sứ Tàu. Khi ấy ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An có ông Vũ Huyền là một hảo thủ tượng kỳ. Ông Vũ Huyền vào yết kiến nhà vua, cam đoan giúp nhà vua thắng sứ Tàu, nhưng cuộc cờ phải bắt đầu vào đúng giờ ngọ, và xin nhà vua cho Vũ Huyền được đứng hầu cận trong lúc đánh cờ.

Cờ chơi ở ngoài trời, kẻ hầu cận phải che lọng cho vua và sứ giả Trung Hoa. Lọng Vũ Huyền che cho nhà vua đã dùi lủng một lỗ để ánh sáng mặt trời lọt qua. Vua cứ theo tia nắng ở lỗ lọng chiếu xuống mà đi cờ, nên đã thắng sứ giả Trung Hoa. Nhờ sự thắng cờ này, Trung Hoa cho nhà vua là người tài giỏi và không dám gây cuộc binh đao. Qua mẩu chuyện nhỏ này chúng ta có thể nói rằng cờ tướng đã có ở nước ta cũng khá lâu rồi.

Cờ tướng là một trò giải trí phát xuất từ nước Trung Hoa, nhưng đây là một trò tiêu khiển lành mạnh mà ai cũng có thể chơi được, chỉ cần biết đường đi của từng con cờ. Ngày nay trò giải trí này cũng được đưa vào chương trình thi đấu quốc tế.

II. ẢNH HƯỞNG CỦA TÂY PHƯƠNG

1. Cờ – bài

Nói đến cờ bạc là nói đến mất nhà, mất cửa, mất ruộng, mất trâu, và mất cả quần lẫn áo:

“Cờ bạc nó đã quấy anh

Áo quần bán hết một manh chẳng còn

Buổi gió sương chui vào đống rạ

Hở mông ra cho quạ nó moi

Anh còn cờ bạc nữa thôi”.

Mặc dù cờ – bài nguyên bản chất không xấu nhưng qua mấy câu ca dao trên, ta đủ thấy thế nào là tác hại của cờ – bài khi nó mất đi tính văn hóa. Chơi cờ – bài, có khi là để giải buồn, có khi để ăn tiền, nhưng thực ra, ai biết đâu mà giới hạn giải buồn tiêu khiển với những cuộc “đỏ đen” bóc lột. Cờ bạc cũng có lối chơi cần suy xét, cũng có lối chơi trông cậy ở cả đỏ đen may rủi.

Không rõ cơ – bài đã du nhập vào Việt Nam khi nào nhưng có thể thấy một số loại cờ bài phổ biến ở Việt Nam hiện nay như: Tú-lơ-khơ, cờ vua, Đô-mi-nô,… còn việc chơi và thưởng thức loại hình giải trí này tuỳ thuộc vào tầng lớp và trình độ.

2. Bóng đá

Theo một số tài liệu xưa, bóng đá du nhập vào Việt Nam năm 1896, tức là năm đánh dấu Olympic hiện đại lần đầu tiên tổ chức tại Athen, Hy Lạp. Lúc đó một nhóm người mang quốc tịch Châu Âu mỗi tuần tụ họp nhau lại tại Jardin de la ville (Tao Đàn, Thành phố Hồ Chí Minh) để giải trí. Họ cùng đùa giỡn tranh nhau một đấu giày trên cỏ.

Từ năm 1896 – 1905 các đội bóng có người Việt Nam tham gia được thành lập do giới thống trị của Pháp lập nên, mỗi đội chỉ có một vài người Việt Nam. Năm 1906, một nhóm người Việt Nam bàn nhau lập riêng cho mình một đội bóng và lấy tên đội là Gia Định Sport.

Sau Đại Chiến Thế Giới Thứ II tốc độ phát triển bóng đá thế giới rất nhanh, mạnh và đều khắp thế giới. Bóng đá không còn là lãnh vực dành riêng cho Trung Mỹ và Châu Âu nữa mà phát triển mạnh sang Châu Á – Phi, Bắc Nam mới trở thành hội viên chính thức của FIFA, do Tiệp Khắc và Bungarie giới thiệu theo điều lệ của FIFA. Từ đó trở đi đội bóng của Nước ta phát triển và có cơ hội giao đấu với một số các nước bạn.

Đến 1966, đội tuyển nước ta đã làm cho khán giả trên sân Merdeka, thủ đô Kualalumpur, Malaysia ngây ngất bởi tài nghệ của mình và đã đem về cho đất nước chiếc cúp Merdeka. Ngày nay bóng đá trở thành một môn thể thao của toàn thế giới được mọi người yêu thích và bất cứ tầng lớp nào cũng có thể chơi được.

Ngoài những môn thể thao giải trí nói trên còn có một số môn quen thuộc khác như bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, quần vợt,…

***

PHẦN VI: SỰ ẢNH HƯỞNG VỀ ẨM THỰC

 

I. ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG HOA

1. Các món ăn

Từ xưa, người nước ta vẫn sinh hoạt bằng nghề cày cấy và nghề chài lưới, cho nên đồ ăn chủ yếu của ta là gạo và cá. Gạo là hoa màu chính của đồng ruộng Việt Nam cũng như cá là sản phẩm chính của sông ngòi và biển cả đất nước. Ngoài hai thứ đồ ăn chủ yếu trên, ta còn ăn nhiều thứ rau đậu trồng ở vườn hay mọc tự nhiên ở đồng (rau cải, rau dền, ray đay, rau mồng tơi, rau muống, rau ngổ, đậu, cà, khoai, sắn,…), thịt các thứ gia súc gà, vịt, lợn,… và thỉnh thoảng có thêm một ít thịt trâu bò và một gia cầm, dã thú đánh hoặc săn được như: cò, chim mỏ thác, le le, cun cút, đa đa, hươu, nai, chồn, cáo thỏ, lợn rừng. Trước kia người vùng quê dùng các thứ thức ăn này trong các dịp lễ hội, Tết, ngày giỗ. Nhưng nay thời thế đã đổi khác cũng là do ảnh hưởng của Tàu nên các món ăn của ta cũng thay đổi, buổi sáng có thêm một số món ăn như bánh bao, xíu mại, phở, miến canh, cháo gà, còn trong những dịp lễ lạc hay đãi khách với người dân vùng quê thì nấu các món ăn bình dân, người khá giả hơn thì nấu các món ăn đặc biệt và ngon hơn. Những nhà sang trọng thì dùng sơn hào hải vị nấu toàn các món ăn của Tàu như: Da tê, gân hươu, yến sào, bào ngư, hải sâm, bong bóng, vây cá,…

2. Trà

– Nghệ thuật uống trà

Người Việt Nam thường uống nước hay uống trà sau bữa ăn cốt để súc miệng, hoặc uống để giải khát khi trời nóng. Nhưng không nghĩ rằng uống trà là cả một nghệ thuật. Là nghệ thuật vì uống trà có một sự cầu kỳ khác, uống trà Tàu không giống như uống trà sen. Muốn thưởng thức hương vị của trà, không phải uống bất kỳ lúc nào cũng thấy ngon và càng không phải uống với bất cứ ai cũng thưởng thức được hương vị thơm ngon của trà. Ta cứ tưởng tượng buổi sáng trời lạnh với một ấm trà và buổi tối trời lạnh với một ấm trà sen thì sẽ thấy hương vị uống trà khác nhau.

– Cách thức uống trà và hai loại trà tiêu biểu: trà Tàu và trà Sen

Cũng như bất cứ dân tộc nào trên thế giới, đồ uống trước tiên là nước, rồi nước đó được đem pha chế thành các đồ uống khác. Nước, ta thường dùng là nước làm sạch. Người Việt Nam thường uống nước đã đun sôi hay với lá chè xanh, trà, lá vối, gạo rang,… làm nước uống hằng ngày.

Nói đến đồ uống, không thể bỏ qua được trà Tàu. Đây cũng là búp những cây trà được người Tàu hái rồi phơi ủ chế cho thành một thứ trà ngon, khi pha ra thì có một mùi vị tuyệt vời.

Qua nếp sống của ta, trong công việc giao tiếp chén nước trà dự phần rất nhiều. Về việc uống trà đã được người Trung Hoa nghiên cứu rất kỹ lưỡng từ xưa, và tạo ra những đồ ấm chén, lò siêu dành riêng để pha trà. Những đồ ấm chén này có từ thời nhà Tống đến nhà Minh và sang nhà Thanh. Chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, ta có lối uống trà của người Tàu rất hợp với mình, nhất là ở miền Bắc về mùa lạnh.

Người sành uống trà biết phân biệt hương vị các thứ trà lại hiểu khí chất mỗi loại, loại nào phải pha chế thế nào uống mới đậm nước nồng hương, loại nào cần uống thật đặc, loại nào uống đặc vừa cho hợp. Ấm pha thế nào thì tốt, chén uống thế nào thì ngon, cho đến lò than và siêu nước cũng phải nấu thế nào cho mau. Đấy là những điều khó khăn của nghệ thuật pha trà. Người không nghiện và sành uống trà thì không sao hiểu được. Cần phải có nghiên cứu và biết tinh tường.

Ở nước ta uống trà Tàu sành là một biểu tượng phong lưu. Nhiều người nghiện trà Tàu, hễ sáng không có một chén trà đậm thì không làm được gì cả. Có người nhịn ăn thì được nhưng không thể nào nhịn được trà.

Trong các loài trà ướp hoa, chỉ có trà ướp hoa sen là chuộng hơn cả. Uống trà Tàu cầu kỳ ở chỗ pha trà, trái lại uống trà sen thì cầu kỳ lại chính là ở chỗ ướp trà với hoa sen. Trà sen ướp thì công phu cầu kỳ như vậy, nhưng đến lúc uống thì rất giản dị, không phức tạp như uống trà Tàu. Trà sen pha vào ấm nào cũng được và có thể uống bất kỳ chỗ nào, thời gian nào cũng đều có thể thưởng thức được ấm trà sen.

II. ẢNH HƯỞNG CỦA TÂY PHƯƠNG

1. Thức ăn – Uống

Xưa nay bất cứ ở đâu dinh dưỡng vẫn là nguồn lương thực cần thiết để duy trì sự sống. Người ta không ai nhịn ăn, nhịn uống mà sống mãi được. Ta có câu “Dân dĩ thực vi tiên”, người dân lấy ăn làm đầu, và Tây Phương cũng nói ăn để mà sống. Người xưa thường nói: “ăn lấy no, uống lấy khỏi khát”. Ăn uống là điều cần thiết của con người.

Dân Việt Nam ăn mỗi ngày ba bữa: bữa sáng hay còn gọi là bữa ăn điểm tâm, bữa trưa và bữa chiều. Người ở vùng quê, họ cho cả ba đều là bữa ăn chính; còn người dân sống ở thành thị, người thương gia, buôn bán chỉ ăn hai bữa chính, họ coi bữa sáng chỉ là bữa ăn phụ, bữa ăn lót dạ mà thôi. Vì không phải làm việc đồng áng, việc nặng nhọc vất vả do ảnh hưởng lối sống Tây Phương, người ta ăn bánh mì, sữa là những món ăn có thời Pháp thuộc cũng được người Việt dùng để ăn điểm tâm.

Trong cách ăn, mâm cơm của người Việt Nam dọn ra bao giờ cũng có đồng thời nhiều món: cơm, canh, rau, dưa,… Với người nông dân ở vùng quê, bữa sáng người ta cũng ăn nhiều như hai bữa kia. Và người ta theo đúng câu tục ngữ “Ăn lấy chắc mặc lấy bền”, người ta phải ăn no, ăn những thức ăn no lâu để có thể chịu đựng được với công việc làm. Những người nhà nông thường họ rất ít ăn cháo, ăn xôi hay bánh trái gì mà người ta ăn cơm hoặc một thứ ngũ cốc hay hoa màu khác để thay cơm: ngô khoai, củ mì, củ sắn,…

Bữa trưa: trong bữa này, gia đình quây quần bên mâm cơm, tạo nên cảnh gia đình đoàn tụ cùng với cơm nóng, canh nóng làm cho bữa ăn của cả nhà vui vẻ và ngon miệng. Bữa ăn thường là thịt, cá, dưa, xáo, rán hoặc nấu canh tuỳ theo từng gia đình. Một số gia đình dùng theo lối Tây, dùng cơm Tây, ăn bánh mì thay cơm, món này ta thường gặp trong các nhóm đi chơi, đi du lịch, tham quan,…

Cũng giống bữa trưa, buổi chiều là bữa ăn chính của người Việt Nam. Từ thức ăn đến đồ ăn đều giống như bữa trưa, nghĩa là cơm, cá, thịt, rau,… Trong bữa ăn, người thành thị sống kiểu Tây Phương họ thường dọn, cá, thịt,…

Người Việt Nam không những chịu ảnh hưởng về các món ăn của Tây mà ngay cả đồ uống cũng bị Tây hoá. Về đồ uống ngoài các loại mà người dân Việt Nam thường dùng thì ngày nay trong những bữa tiệc như tiệc cưới hỏi, sinh nhật, tiếp đãi khách,… thì có bia, nước ngọt,… nếu tiệc sang trọng hơn thì có các loại rượu Tây như Champapne, whisky, cognae,…

2. Cách thức tổ chức tiệc

Người dân Việt Nam thường tổ chức tiệc mừng, tiệc đãi khách tại nhà để tiện cho việc bếp núc, nhưng với những gia đình khá giả thì họ lại thích tổ chức tiệc tại nhà hàng vừa lịch sử vừa đỡ phải bận rộn với việc nấu nướng. Ngày nay ở các nơi thành thị các món ăn đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của Tây Phương, họ ăn các món Tây và sắp xếp tổ chức bữa tiệc theo kiểu Tây. Vì thế mà các món ăn được dọn lên cho khách mời theo thực đơn từng món một để tiện việc ăn uống. Bên cạnh đó, một số nơi còn tổ chức tiệc đứng, thường họ dọn các món ăn và đồ uống ra cùng lúc để khách tự chọn và tự phục vụ các món ăn đồ uống theo sở thích.

***

PHẦN VII: SỰ ẢNH HƯỞNG VỀ NGHỆ THUẬT

 

Về lãnh vực nghệ thuật, chúng ta thấy, mặc dầu văn hóa và người Trung Hoa ngự trên đất nước Việt Nam hơn một ngàn năm qua nhiều thời kỳ nhưng hầu như không thấy để lại dấu ấn nào rõ nét từ âm nhạc – sân khấu – hội hoạ cho tới thời trang, điện ảnh,v.v… trong khi đó văn hóa phương Tây mới du nhập vào Việt Nam mấy thế kỷ gần đây nhưng thực sự đã ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam trên lãnh vực này khá rõ. Nó đã để lại những dấu ấn nghệ thuật ăn sâu vào trong đời sống của người Việt Nam mà nhiều khi ta không biết.

1. Nghệ thuật hội hoạ điêu khắc

Trong nghệ thuật hội hoạ – điêu khắc, văn hóa Việt Nam đã thực sự chịu ảnh hưởng và tiếp nhận từ nền hội hoạ – điêu khắc phương Tây rất nhiều như mang tính cách bút pháp tả thực và đã có những thể loại tranh sơn dầu, tranh bột màu có giá trị (Vd. Tranh sơn dầu và tranh bột màu xuất hiện ở phương Tây từ thế kỷ XV).

Truyền thống nghệ thuật Việt Nam mang tính ước lệ, biểu trưng nhưng do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, nhất là từ thời phục hưng với tinh thần đề cao giá trị con người, lấy con người làm chủ đề sáng tác, tả thực. Cho nên nghệ thuật hội hoạ Việt Nam cũng mang nhiều tính cách phương Tây, Ở các trường đại học, các trường mỹ thuật khoa hội hoạ điêu khắc mang tính hiện thực phương Tây đã được đưa vào chương trình giảng dạy từ lâu. Ngày nay, ở những thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều phòng trưng bày, triển lãm tranh của nhiều hoạ sỹ trong và ngoài nước. Vào những năm 50 của thế kỷ XX này hội hoạ Việt Nam đã có những tác phẩm sơn dầu tuyệt tác của hoạ sỹ Ngô Ngọc Viễn, Trần Văn Cẩn,… Đây là kết quả của sự ảnh hưởng và giao lưu văn hóa với phương Tây.

2. Nghệ thuật sân khấu

Với bút pháp tả thực của nghệ thuật phương Tây lại thêm tính phân biệt rõ ràng các thể loại bi, hài kịch cũng đã xuất hiện trên sân khấu Việt Nam với thể loại kịch nói và tác động đến sự ra đời của nghệ thuật cải lương.

Vào những năm 20 cuối thể kỷ XX, Nam Bộ chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây sớm nhất nên đã hình thành nghệ thuật cải lương, một sản phẩm của việc cải cách sân khấu hát bội truyền thống. Trong sân khấu cải lương, ảnh hưởng của bút pháp tả thực phương Tây, hát được giảm bớt thay vào đó là nói được tăng lên; các điệu bộ ước lệ, biểu trưng được giảm bớt và thay vào đó là các động tác giống như thật ngoài đời; phong cảnh đạo được chú trọng hơn.

Như vậy cải lương và kịch nói cũng là kết quả của sự ảnh hưởng và giao lưu văn hóa với phương Tây mà có đôi lúc người ta cứ tưởng như là văn hóa thuần tuý của mình.

3. Nghệ thuật âm nhạc

Song song với các nghệ thuật khác, đối với âm nhạc kể cả nhạc cụ của phương tây đã thực sự có chỗ đứng trong sinh hoạt đời sống văn hóa – xã hội Việt Nam. Nhất là những năm gần đây, âm nhạc và nhạc cụ phương Tây được công chúng Việt Nam đón nhận rất nồng nhiệt. Nó đã trở thành như một lĩnh vực sinh hoạt văn hóa trong đời sống cộng đồng. Đặc biệt, đối với giới trẻ thì âm nhạc phương Tây có thể nói được là một phần không thể thiếu đối với họ. Từ các thể loại như nhạc Jazz – Disco – Pop – Rock,… đều trở nên quen thuộc và phổ biến với giới trẻ Việt Nam. Các tác phẩm cổ điển của Môzart, Bethoven, Chopin,… cũng được người Việt Nam tiếp nhận cách trân trọng từ người thưởng thức cũng như người biểu diễn.

Ở các nhạc viện, các phân khoa nhạc hiện đại và nhạc cổ điển phương Tây đã được đưa vào chương trình giảng dạy từ lâu.

Âm nhạc ảnh hưởng của phương Tây hay còn gọi là tân nhạc phát sinh trong nền âm nhạc Việt Nam các thể loại mang tính phụng tự của Kitô giáo, nhạc ca khúc, nhạc sôlô, nhạc hoà tấu, nhạc kịch.

Tất cả những loại nói trên là kết quả của sự ảnh hưởng từ phương Tây.

4. Nghệ thuật điện ảnh

Cùng với sự du nhập của các lãnh vực nghệ thuật khác, điện ảnh cũng sớm có mặt ở Việt Nam. Lãnh vực nghệ thuật này là hoàn toàn của phương Tây, Việt Nam không có. Nó được manh nha vào năm 1879 do một người Anh tên là Eadweard Muybridge và đến năm 1895 thì anh em nhà August và Luois Lurminer, người Pháp phát minh thành hệ thống chiếu và được đưa ra trình diện ở Paris. Nghệ thuật điện ảnh ra đời từ đấy, không biết nó vào Việt Nam từ khi nào nhưng rạp chiếu bóng đầu tiên ra đời ở Việt Nam là rạp Pathe – Hà Nội vào năm 1920. Đối với Sài Gòn xưa, buổi chiếu phim đầu tiên cũng là đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức vào khoảng cuối tháng 9-1898 trước dinh Tổng đốc chợ Lớn (nay là đường Lê Quang Liêm). Đến ngày nay thì điện ảnh không còn xa lạ đối với người dân Việt Nam nữa. Điện ảnh được xem như món ăn tinh thần của mọi thành phần trong xã hội.

5. Nghệ thuật nhiếp ảnh

Nhiếp ảnh là hình nghệ thuật mà người Việt Nam được tiếp cận do sự du nhập từ văn hóa phương Tây. Nhiếp ảnh ra đời do Etiên Marrey, người Pháp, phát minh máy chụp ảnh vào lúc đầu chỉ là chụp ảnh thông thường nhưng dần dần phát triển thành ngành nghệ thuật nhiếp ảnh lan rộng khắp thế giới. Cũng giống như điện ảnh, nhiếp ảnh du nhập vào Việt Nam không rõ lúc nào nhưng hiện nay ở các thành phố, thành thị và các gia đình khá giả việc chụp ảnh trong các dịp lễ hội đã trở thành như một nhu cầu, nhất là đối với giới trẻ.

Hiện Việt Nam đã có rất nhiều câu lạc bộ nhiếp ảnh và hội nhiếp ảnh chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp. Việt Nam đã có những nhiếp ảnh gia nổi tiếng.

6. Thời trang

Thuần tuý văn hóa Việt Nam, trang phục xưa cho tới thời Pháp thuộc, thường là áo tứ thân, yếm, guốc gỗ dành cho phụ nữ; khố, quần áo sớ, áo ngắn,… giày dành cho nam giới. Chất liệu của các trang phục nói trên thường là tơ tằm truyền thống và các chất liệu khác như đay, gai,… miễn làm sao càng bền càng tốt. Người Việt Nam xưa có một quan niệm về trang phục thật thiết thực “ăn lấy chắc, mặc lấy bền”. Nói vậy nhưng do khoa học và công nghệ phát triển cùng với sự hiện diện của văn hóa và con người phương Tây mà Việt Nam đã có nhiều sự đổi thay trong trang phục cách nhanh chóng.

Từ khi phương Tây vào Việt Nam thì cùng lúc trang phục kiểu phương Tây và thời trang của họ cũng bắt đầu hiện diện ở Việt Nam và từ từ được người Việt Nam tiếp nhận càng ngày càng mạnh mẽ từ quần Tây áo Veston, quần Jean, Jupe, giày dép,v.v… Đây thực sự là một sự tiếp nhận trọn vẹn chứ không phải là ảnh hưởng. Còn sự ảnh hưởng văn hóa phương Tây và kết quả đầu tiên của nó là vào những năm 30 của thế kỷ XX này chiếc áo dài cổ truyền Việt Nam đã được cải tiến thành áo dài tân thời ngày nay. Đây là bước mở cho quá trình phát triển thời trang ở Việt Nam. Đến nay thời trang đã trơ thành ngành học ở các trường mỹ thuật. Trên phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình) có chương trình Thời Trang & Cuộc Sống. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh thường có biểu diễn thời trang.

Tất cả những điểm vừa trình bày trên đây là kết quả của sự ảnh hưởng văn hóa nước ngoài qua con đường chính trị, quân sự, thương mại và giao lưu. Những lãnh vực văn hóa này đã thực sự trở thành những nhu cầu không thể thiếu được đối với cộng đồng người Việt Nam ngày hôm nay. Văn hoá Việt Nam đã tiếp nhận và đang tiếp tục phát triển những lãnh vực này thành những phân ngành, những bộ môn nằm trong chương trình và hệ thống giáo dục – đào tạo chính qui manh tính hàn lâm thực sự và đồng thời cũng đưa những lãnh vực này vào trong những ngành nghề của cuộc sống.

***

PHẦN VIII: SỰ ẢNH HƯỞNG VỀ CÁC NGÀY LỄ HỘI

 

Do chịu ảnh hưởng và kế thừa nhiều nền văn hóa trong đó văn hóa Trung Hoa và phương Tây là chủ yếu, đã tạo cho Việt Nam một nền văn hóa với nhiều lễ tết khác nhau mang nhiều nội dung khác nhau. Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu những ngày lễ tết khá nổi bật và phổ biến trong năm có nguồn gốc từ hai nền văn hóa lớn này.

Sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa để lại cho văn hóa Việt Nam một số lễ hội đặc biệt như sau.

1. Tết Nguyên Đán

Ăn theo lịch âm, vào ngày mồng 1 tháng Giêng gọi là Tết; tết là do người Việt Nam đọc trại từ chứ Tiết. Theo lịch sử Trung Hoa thì lịch Âm có từ đời nhà Hà và lấy tên 12 chi đặt cho 12 tháng; tháng đầu là tháng Dần tức tháng Giêng được chọn làm tháng đầu năm và người ta ăn Tết vào ngày đầu của tháng Dần. Về sau nhà Ân thay đổi lấy tháng Sửu làm đầu năm, đến thời nhà Chu lại lấy tháng Tý nhưng đến thời nhà Tần lại lấy tháng Hợi và đến thời nhà Hán Vũ Đế lại đổi lại tháng Dần và được cố định từ đó đến nay.

Như vậy Tết Nguyên Đán mà Việt Nam có bây giờ có nguồn gốc sâu xa từ Trung Hoa. Nó là kết quả sự ngự trị của văn hóa Trung Hoa trên đất nước Việt Nam suốt cả ngàn năm.

2. Lễ Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng)

Theo Phật giáo, nguồn gốc của lễ Thượng Nguyên như sau: tất cả những ngày mồng Một và ngày Rằm mỗi tháng đều được coi là ngày của Phật. Trong những ngày mồng Một và ngày Rằm Phật tử tăng ny có bổn phận làm lễ cúng Phật, đi lễ chùa tụng kinh. Đúng ra người ta phải lấy ngày mồng Một tháng Giêng làm lễ Thượng Nguyên mới phải vì đây là ngày đầu năm nhưng ngày này trời về đêm lại quá tối nên mới trọn ngày Rằm tháng Giêng vì đây là Rằm đầu tiên. Phật tử đi lễ chùa tụng kinh niệm Phật như là kể lại các sự tích của Phật và chư vị Bồ Tát. Người Phật giáo tin rằng trong ngày rằm Đức Phật sẽ giáng lâm trước các chùa để chứng độ lòng thành của Tăng Ny Phật Tử. Tuy nhiên người Việt Nam thuần tuý thờ ông bà, tổ tiên vì yêu mến sự thiện cũng như ảnh hưởng và đã lấy ngày này để cúng tỏ lòng biết ơn ông bà tổ tiên đồng thời cũng để tỏ lòng biết ơn Đức Phật, Thổ Công,…

Như vậy nguồn gốc của lễ Thượng Nguyên là từ đạo Phật tức là Trung Hoa đưa sang và người Việt Nam đã tiếp nhận rồi làm thay đổi từ từ cho đến ngày nay đã thành phổ biến đối với tất cả những ai theo đạo ông bà ở Việt Nam.

3. Tết Đoan Ngọ (5-5 Âm lịch)

Cũng như những ngày lễ khác, người Việt Nam đã bắt chước người Trung Hoa ăn Tết Đoan Ngọ từ thời rất xa xưa.

Về sự tích tết Đoan Ngọ, thực ra ban đầu đây chỉ là ngày người dân làm lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng quang đãng của khí trời nhưng về sau để cho ngày này thêm phần ý nghĩa tín ngưỡng – tôn giáo, người ta kỷ niệm luôn ngày Khuất Nguyên tự vẫn. Về sau ngươi ta kỷ niệm luôn sự tích Lưu – Nguyễn, hai người đi hái lá thuốc lạc vào cõi thiên thai.

Khuất Nguyên làm chức tả đồ nước Sở dưới triều Hoài Vương thời Thất Quốc bên Trung Hoa (307 – 246 TCN). Ông là người có tài, liêm chính hay ngăn cản nhà vua. Sau khi vua Hoài Vương qua đời Tương Vương lên ngôi và thường bị Khuất Nguyên can ngăn khi làm việc chẳng hay nên Tương Vương bắt Khuất Nguyên đi đày. Khuất Nguyên làm bài thơ Hoài Sơn rồi buộc đá vào mình nhảy xuống sông Mịt Loan tự tử khi đi qua đó, hôm đó nhằm ngày 5 tháng 5 âm lịch. Nghe tin đó vua rất ân hận thương tiếc cho Khuất Nguyên và làm cỗ đưa ra bờ sông cúng Khuất Nguyên. Cũng xong vua bỏ lễ xuống sông nhưng tôm cá ăn hết sau đó Khuất Nguyên hiện về nói nếu sau này còn cúng thì khi bỏ lễ xuống sông nhớ gọi lại lấy dây buộc chặt khỏi cá tôm ăn hết. Từ đấy về sau cứ ngày mồng 5 tháng 5 là dân chúng khắp nơi làm cỗ đưa ra các bờ sông để cúng Khuất Nguyên và đến ngày nay cũng thế. Theo sự tích này, ở Việt Nam ngày nay kỷ niệm hay làm giỗ Khuất Nguyên không phải là chủ yếu trong tết Đoan Ngọ. Dân Việt Nam sáng tạo ra nhiều tập tục phù hợp với những sự tích và rất thực tế như giết sâu bọ, hái thuốc vào giờ ngọ, tắm sông vào giờ ngọ… Đến ngày này học sinh đi tết thầy cô giáo, bệnh nhân đi tết thầy lang, con rể đi tết ông bà,… và có giỗ cúng gia tiên.

Tết Đoan Ngọ đã đi vào cuộc sống của người Việt Nam từ xa xưa và nay có vẻ như càng ngày càng lớn mạnh hơn. Tuy nhiên cách thức ăn tết này lại rất khác nhau, nó hầu như tuỳ thuộc vào tín ngưỡng, tôn giáo, địa phương.

4. Tết Trung Thu

Tết Trung Thu còn được gọi là tết trông trăng và có khi lại gọi là tết trẻ con vì người ta thường sắm nhiều đồ chơi cho trẻ trong những ngày này.

Tết Trung Thu có từ thời Đường Minh Hoàng; tích truyền rằng vào đêm rằm tháng Tám nằm mơ thấy đạo sỹ đưa lên cung trăng chơi nhà vua đăm mình trong cảnh đẹp thần tiên lộng lẫy. Tan giấc mộng, vua nuối tiếc cảnh trăng thu ở cung trăng bèn đặt ra tết Trung Thu để về sau vào ngày đó ngắm trăng, ngâm vịnh. Bắt đầu từ triều đình rồi phổ biến trong toàn dân và sau đó nó theo chân của những đạo quân sang xâm chiếm Việt Nam và trở thành một ngày Tết như của người Việt Nam vậy.

Ngày nay, Tết Trung Thu càng ngày càng in đậm vào đời sống dân Việt Nam không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng nào. Nó đã được biến đổi theo tính cách của người Việt Nam và rất gần gũi với mọi người dân.

Trên đây là những ngày lễ tết khá phổ biến mà văn hóa Việt Nam đã kế thừa từ nền văn hóa Trung Hoa. Ngoài ra còn có những ngày lễ tết khá quen thuộc và phổ biến khác nữa như lễ Vu Lan, tết Thanh Minh,… mà ở đây không thể trình bày chi tiết.

Cùng với sự ảnh hưởng, chúng ta không thể bỏ qua sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đối với văn hóa Việt Nam trong phạm vi những ngày lễ tết. Dưới đây là một số ngày lễ tết của phương Tây đưa đến cho văn hóa Việt Nam.

Trước hết là tết Dương lịch, ngày Tết này thuộc là tết cổ truyền của phương Tây. Nhưng do tính cách hội nhập toàn cầu và sự ảnh hưởng mạnh mẽ của lịch tây mà Việt Nam cũng đã ăn Tết này theo phương Tây. Tuy nhiên người Việt Nam ăn tết này không lớn lắm, chỉ có ở học đường, công sở nhà nước và tầng lớp công nhân viên mới ăn tết này thôi vì họ được hưởng quyền lợi (nghỉ làm nhưng lại được hưởng lương trong ngày này).

Sau tết Dương lịch là lễ Noel, song hành với sự du nhập của Kitô giáo lễ Noel đã được tổ chức ở Việt Nam từ những năm đầu khi các nhà truyền giáo có mặt. Nhưng trước đây lễ Noel mang duy nhất một tính chất tôn giáo dành riêng cho các Kitô hữu. Gần đây, khi Việt Nam giao lưu văn hóa, mở rộng quan hệ với phương Tây và tiếp nhận nền văn minh từ phương Tây vào thì lễ Noel, ngoài ý nghĩa tôn giáo, đã trở thành lễ hội cho cộng đồng nhất là đối với giới trẻ và dân thành thị.

Ngoài hai lễ tết này ra còn có những ngày khác nữa mà những năm gần đây rất được nhiều người quan tâm như ngày 14 tháng 2; 8 tháng 3; 1 tháng 4; 1 tháng 5 ;…

Trên đây là những ngày lễ tết tương đối quen thuộc với văn hóa Việt Nam do ảnh hưởng của nền văn hóa Tây phương.

Tóm lại, hai nền văn hóa Đông – Tây, đã để lại những dấu ấn rõ nét trên lãnh vực lễ hội trong văn hóa Việt Nam và những dấu ấn này có lẽ chẳng bao giờ mất đi nhưng sẽ được phát triển mang tính chất Việt Nam hơn. Điều này còn phụ thuộc vào cách tiếp nhận của cộng đoàn.

THAY LỜI KẾT

Nền văn hóa Việt Nam đã được thừa hưởng và chịu sự chi phối của nhiều nền văn hóa lớn từ nước ngoài trong nhiều lãnh vực khác nhau, mà trên đây chúng ta vừa tìm hiểu được phần nào sự ảnh hưởng đó qua hai nguồn văn hóa chính, đó là Trung Hoa và Tây phương. Ngoài hai nguồn này, văn hóa Việt Nam còn chịu sự ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác như Ấn Độ, Campuchia, Nga,… trong nhiều lãnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, quân sự, tư tưởng,… Bài này chỉ như một gợi mở cho những ai có nhiệt huyết muốn đào sâu văn hóa dân tộc, góp phần vào việc bảo tồn và phát triển những gì là tinh hoa của văn hóa Việt Nam.