Lm. Giuse Vũ Uyên Thi, SJ.
Đóng góp của Imamanuel Kant trong lãnh vực triết học, cách riêng trong lãnh vực tri thức luận và đạo đức học, rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn. Bài viết này sẽ trình bày tóm lược lý thuyết về đạo đức của ông. Lý thuyết này ông trình bày chủ yếu trong cuốn ‘Đặt Nền cho Lý Thuyết Siêu Hình về Đạo Đức’, xuất bản 1785.
I. PHƯƠNG PHÁP LUẬN
Kant dùng hai phương pháp chính: phán đoán tiên thiên tổng hợp và duy tâm siêu nghiệm, (transcendental idealism).
Phán đoán tiên thiên tổng hợp là gì? Phán đoán thông thường có hai loại: Phân tích (hay còn gọi là diễn dịch), và tổng hợp. Phán đoán phân tích không đem lại điều gì mới, vì chỉ phân tích hay diễn tả điều đã có sẵn. Ví dụ, từ phán đoán “mọi người đều phải chết” ta phân tích ra, “Socrate phải chết”, điều này không có gì mới. Trái lại, phán đoán tổng hợp có điều mới. Ví dụ: Bầu trời màu xanh. Màu xanh là điều kinh nghiệm con người thấy và gán cho bầu trời.Như thế, phán đoán loại phân tích luôn mang tính tiên thiên, vì không lệ thuộc vào quan sát. Còn phán đoán tổng hợp phải dựa vào quan sát. Vấn đề Kant đặt ra là: có thể có Phán đoán tổng hợp mang tính tiên thiên không? Tức liệu có thể có một phán đoán mang lại điều gì mới mà không dựa vào kinh nghiệm?
Kant chứng minh rằng có, và công việc này rất khó khăn. Câu nói thường được dùng làm ví dụ để minh họa cho phán đoán tiên thiên tổng hợp là: “mọi sự kiện đều có nguyên nhân”. Mới nghe có vẻ giống với cách quy nạp: thấy từng sự kiện có nguyên nhân rồi khái quát hóa mọi sự kiện đều có nguyên nhân. Tuy nhiên, quy nạp dựa vào kinh nghiệm, cách ‘tiên thiên’ thì không. Cách tiên thiên dựa vào chính sự kiện, nhưng không bằng việc phân tích nó, vì nếu vậy hóa ra cách phân tích, nhưng bằng cách ‘siêu nghiệm’.
Siêu nghiệm tức không dựa vào kinh nghiệm, vượt trên kinh nghiệm, và là điều đạt nền tảng cho kinh nghiệm. Kinh nghiệm chỉ là hiện tượng của các sự vật tương tác với trí não con người. Kant cho rằng nếu có hiện tượng thì phải có cái làm nền cho nó, đây chính là thế giới vật tự thân, vượt khỏi kinh nghiệm. Như cái nhà là hiện tượng, cái ta thấy, còn nền móng của cái nhà là điều không thấy nhưng phải giả định. Đây chỉ là ví dụ loại suy vì nền móng cái nhà cũng là hiện tượng. Như vậy ‘mọi sự kiện đều có nguyên nhân’ có thể được hình thành theo cách ‘siêu nghiệm’, tức thấy rằng: sự kiện là hiện tượng, cần có nguyên nhân làm nền tảng. Như thế phán đoán tiên thiên tổng hợp mang tính khả thi nhờ vào cách siêu nghiệm.
II. CÁCH XÂY DỰNG VÀ CHỨNG MINH LÝ THUYẾT ĐẠO ĐỨC
Đây là điều thú vị, vì phải bắt đầu từ đâu, dựa vào cái gì, chứng minh cái gì? Kant tiến hành theo cách thông thường: để chứng minh một lý thuyết thì trước hết phải tìm điều cần chứng minh rồi sau đó chứng minh. Nhưng làm sao để tìm điều cần chứng minh?
Kant tìm điều cần chứng minh bằng cách phân tích kinh nghiệm thông thường mọi người có về đạo đức xem coi đạo đức đòi hỏi những yếu tố gì và sau đó tìm hiểu hay chứng minh xem con người có đáp ứng được không. Việc này cũng giống dụ ngôn một vị vua đi đánh trận, ngồi phân tích xem để thắng trận thì cần những gì và bản thân ông có đáp ứng được không.
III. PHÂN TÍCH KINH NGHIỆM THÔNG THƯỜNG VỀ ĐẠO ĐỨC VÀ XÂY DỰNG LÝ THUYẾT
Cũng giống vị vua phân tích từ việc thắng trận thì đòi hỏi những gì và cách tiến hành ra sao và việc phân tích này hình thành nên lý thuyết về thắng trận, Kant phân tích kinh nghiệm đạo đức thực sự bao gồm những gì và qua việc phân tích này hình thành lý thuyết của ông.
Ông khởi sự phân tích ‘lòng tốt’. Lòng tốt là điều duy nhất tốt và không lệ thuộc vào cái gì. Mọi cái khác dù tốt nhưng có thể thành xấu nếu lòng không tốt. Lòng tốt cũng không lệ thuộc vào kết quả công việc, vì người có lòng tốt làm việc không thành thì họ vẫn tốt. Hơn nữa người làm việc tốt chưa chắc đã tốt, vì điều tốt có kkhi chỉ vô tình phù hợp với sở thích của họ, vì khi khác nếu điều tốt trái với sở thích của họ, họ có làm không? Nếu họ vẫn làm thì điều gì khiến họ làm? Như thế lòng tốt tuy không lệ thuộc vào điều gì, nhưng được hướng dẫn bởi một nguyên tắc; vấn đề là nguyên tắc gì và do ai thiết lập?
Nhưng trước hết, nguyên tắc này chính là nguyên tắc đạo đức, và không lệ thuộc vào bất cứ sự gì, vì mọi sự vật bên ngoài đều mang tính bất tất nên nếu dựa vào, nguyên tắc đạo đức sẽ rất bấp bênh.
Kế đến ông phân tích mệnh lệnh tuyệt đối. Vì người có lòng tốt có khi làm việc trái với sở thích của mình, điều này cho thấy họ hành động theo một mệnh lệnh hay bổn phận nào đó. Có hai loại mệnh lệnh: có điều kiện và mệnh lệnh tuyệt đối. Mệnh lệnh có điều kiện là khi nhắm tới một điều gì đó một người phải chọn luôn các bước phương tiện. Ví dụ: Muốn giỏi thì phải học, nhưng người không muốn giỏi thì không buộc phải học. Thế nên tính bắt buộc phải học chỉ mang tính điều kiện.
Mệnh lệnh tuyệt đối không có điều kiện, bắt buộc tuyệt đối, vì mệnh lệnh này không dựa vào một đích nhắm bên ngoài nào nên không có điều kiện. Giống như người có lòng tốt là tốt vô điều kiện, luôn tốt trong mọi hoàn cảnh.
Như thế, nguyên tắc đạo đức chính là làm theo mệnh lệnh tuyệt đối. Thế nhưng mệnh lệnh này bao hàm những gì? Kant nói, mệnh lệnh này không có nội dung, tất cả những gì nó yêu cầu đó là con người phải tuân thủ tính phổ quát của mệnh lệnh. Thế nên khi làm gì, con người không cần phải căn cứ vào luật gì cụ thể cả, chỉ cần đảm bảo tính phổ quát (vì mệnh lệnh tuyệt đối không có ngoại lệ, nên phải phổ quát). Để đảm bảo tính phổ quát con người phải hỏi: Liệu việc tôi làm một khi được phổ quát hóa sẽ ra sao? Ví dụ, một người xét xem có thể nói dối được không; người ấy làm kiểm tra như sau: nếu điều này được phổ quát hóa, mọi người sẽ nói dối và chẳng ai tin ai nữa, và nếu không ai tin ai thì nói dối cũng vô ích. Như thế việc nói dối phá đổ chính nền nảng của nó, đây là điều mâu thuẫn và vì thế không được nói dối.
Kant nói thêm, con người làm gì cũng có mục đích, thế thì một mệnh lệnh tuyệt đối hay nguyên tắc tuyệt đối cũng cần một đích nhắm tuyệt đối và phổ quát. Kant xét thấy chỉ có con người có giá trị tuyệt đối vì mọi cái khác có giá trị đều phải so sánh với con người. Hay có thể suy rằng con người là chủ thể của lòng tốt, mà lòng tốt có giá trị tự nó, nên con người cũng có giá trị tự thân, mọi điều khác chỉ có giá trị phương tiện.
Điều này dẫn tới một nguyên tắc thứ hai: đó là khi làm gì, phải đối xử với mọi người như là đích đến chứ không dùng họ như phương tiện. Ví dụ, tại sao không được nói dối, nguyên tắc này sẽ trả lời vì khi nói dối mình sử dụng người khác như phương tiện. Khi nói dối, người khác sẽ nhận được thông tin sai và vì thế không đạt được đích nhắm mà họ định trong khi mình đạt được đích nhắm của mình. Việc xác định mục đích và đạt đích là điều căn bản làm nên bản chất con người, khi mình cản trở họ làm việc này, mình biến họ thành phương tiện.
Vì con người vừa là khởi điểm (làm luật) vừa là đích đến của luật, thế nên con người có tính tự quyết. Điều này giả thiết rằng con người phải có ý chí tự do.
Như thế việc cần chứng minh là: con người có ý chí tự do. Nếu chứng minh không được thì đạo đức chỉ là ảo tưởng, sẽ không có lòng tốt vô điều kiện, nhưng con người chỉ tốt vì một điều gì đó bên ngoài, và rốt cuộc con người chỉ là con rối bị điều khiển bởi văn hóa, bản năng, nhu cầu và những đích nhắm do mình đặt ra và vì thế không có một nguyên lý chung nào cho mọi người. Khi đó đạo đức chỉ là hợp đồng xã hội, luật pháp nhà nước, hay mệnh lệnh tôn giáo. Mà những thứ này mỗi nơi một khác nhau!
IV. CHỨNG MINH CON NGƯỜI CÓ Ý CHÍ TỰ DO
Nếu khẳng định rằng mọi sự đều có nguyên nhân thì tự do là điều khó giải thích, vì nếu tự do cũng có nguyên nhân thì đấy không còn là tự do nữa.
Không thể phân tích ý chí để thấy tự do; cũng không thể dựa vào kinh nghiệm để thấy tự do, vì như thế chỉ là quy nạp. Kant dựa vào siêu nghiệm. Cũng như sự vật có hiện tượng và vật tự thân, con người cũng có thế giới ‘cảm quan’ và thế giới ‘hiểu biết’. Thế giới vật tự thân tác động hay làm nền cho thế giới hiện tượng đồng thời thế giới hiện tượng vẫn tuân thủ quy luật tự nhiên. Như thế nếu khẳng định mọi sự đều có nguyên nhân và đồng thời vẫn chấp nhận được có thêm một thế giới tự thân làm nền cho thế giới hiện tượng, thế thì cũng khẳng định được nơi con người một đằng mọi sự vẫn diễn ra theo quy luật tự nhiên một đàng con người vẫn có thế giới tự thân và được gọi là thế giới tự do của ý chí.
Tuy thế Kant đã tự mâu thuẫn chính mình khi ông khẳng định trong thế giới tự thân của con người có tự do vì lý thuyết của ông là con người không thể biết thế giới vật tự thân! Ông không thể biết được trong thế giới tự thân của con người có gì!
Ông nhận ra điều này và chuyển hướng khác trong cuốn Phê Bình Lý Trí Thực Hành. Ông nói không thể chứng minh ý chí tự do nhưng chỉ có thể thừa nhận kinh nghiệm đạo đức và từ kinh nghiệm này suy ra con người có ý chí tự do, tức thừa nhận có lòng tốt vô điều kiện, tức không lệ thuộc vào điều gì, từ đó suy ra con người có ý chí tự do.
V. MỘT VÀI NHẬN XÉT
Nếu chúng ta thừa nhận con người có tự do thì Kant đã thiết lập và chứng minh xong lý thuyết của mình. Kant ước mơ xây dựng một nguyên tắc đạo đức tối cao mang tính tuyệt đối, tách rời khỏi mọi nhiễu nhương của cảm tính, hoàn cảnh, và lợi danh, một nguyên tắc phù hợp với cách ông hiểu về ‘ơn gọi’ của con người đó là việc làm chủ của ý chí trên cảm xúc và bản năng. Ông hướng tới một thế giới của “thiên thần”, nơi mọi sự đều diễn ra cách tuyệt đối như luật tự nhiên, vì khi đó ý chí của con người không còn bị chi phối bởi các khuynh hướng cảm tính khác nhau. Không phải ông chối bỏ tình cảm, nhưng ông cho rằng, xét cho cùng, ý chí và lý trí phải có tiếng nói sau cùng.
Có nhiều người hiểu sai về “bổn phận”, họ hiểu bổn phận như là điều áp đặt từ bên ngoài. Nếu hiểu theo nghĩa này, Kant là người cực lực phản đối mọi bổn phận, mọi luật lệ. Kant nói con người phải làm luật cho chính mình. Mọi người phải tự mình xác đinh mục đích cho cuộc đời dựa trên nguyên tắc luân lý: đó là tuân theo tính phổ phát và đối xử với mọi người như là đích đến.
Điểm yếu trong lý thuyết của Kant đó là ông coi nhẹ vai trò của các nhân đức cũng như vai trò của tình cảm nơi con người. Ông coi lý trí con người là điều quan trọng, và thiếu đề cập đến vai trò của tình cảm. Nếu ai đó nói đích đến của đời sống là tình yêu Kant sẽ không thể hiểu và không đồng ý.