NHÂN SINH QUAN KITÔ GIÁO
(ĐỜI SỐNG TÂM LINH – VIII)
Tác giả: Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
***
***
Chữ viết tắt
GLCG: Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo
TLHTXH: Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo
***
CHƯƠNG MỘT
NGUỒN GỐC CON NGƯỜI
Vào một lúc nào đó trong cuộc đời, thế nào ta thấy nảy lên một câu hỏi: ta bởi đâu đến và ta sẽ đi về đâu? Dĩ nhiên câu hỏi “ta từ đâu đến” không chỉ giới hạn vào việc truy tầm phụ hệ (ai sinh ra tôi? ai là cha mẹ của tôi?) nhưng còn muốn lên tới nguồn ngọn tổ tiên nữa. Từ xưa, nhiều dân tộc cũng tìm cách trả lời câu hỏi về nguồn gốc của mình bằng những truyền thuyết hoặc huyền thoại (chẳng hạn như truyện bà Âu Cơ tổ mẫu của Bách Việt). Có người còn muốn đi xa hơn nữa, họ muốn tìm về nguồn gốc của toàn thể nhân loại. Tuy nhiên, khi đi tìm nguồn gốc nhân loại, ta thấy ít là có hai lối nhìn khác nhau: vào thời xưa, các tôn giáo truy tầm nguồn gốc loài người từ trên thiên cung (loài người là một đẳng cấp thấp so với các thần linh); từ thế kỷ XIX, các nhà khảo cổ khởi đi từ loài động vật để tìm hiểu xem từ lúc nào con vật trở thành con người. Thực ra sự khác biệt về khởi điểm bắt nguồn từ sự khác biệt về phương pháp nghiên cứu: triết học và tôn giáo cổ truyền dựa theo các truyền thuyết và tư duy (phương pháp tiên nghiệm); khoa học hiện đại dựa theo các vết tích vật dụng mà khoa khảo cổ thu thập (phương pháp hậu nghiệm). Chúng tôi sẽ cố gắng tìm cách phối hợp cả hai phương pháp khi bàn về nguồn gốc nhân loại. Chúng tôi sẽ không bàn đến nguồn gốc của hữu thể (ontogenesis), nhưng chỉ giới hạn vào nguồn gốc của loài người (anthropogenesis).
Vấn đề nguồn gốc con người có thể xét dưới hai khía cạnh: thứ nhất, nguồn gốc của loài người (từ lúc nào con người xuất hiện trên mặt đất?); thứ hai, nguồn gốc sự sống của mỗi con người (từ lúc nào, con người bắt đầu hiện hữu?). Ở đây chúng tôi chỉ bàn đến khía cạnh thứ nhất; còn khía cạnh thứ hai sẽ được xét đến khi nói đến nguồn gốc linh hồn (chương Bảy).
Việc tìm hiểu nguồn gốc vũ trụ (cosmogenesis) và nguồn gốc sự sống (biogenesis) đã trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều ngành khoa học thực nghiệm trong hai thế kỷ vừa qua: thiên-văn-học (astronomy) và vật-lý thiên-thể (astrophysics), sinh-học (biology), cổ địa-chất-học (paleogeo-logy), dân-tộc-học (ethnology). Nhiều cuộc tranh luận đã nảy lên, và chưa ai dám đưa ra phán quyết chung thẩm. Chúng tôi chỉ ghi nhận vài điểm tổng quát, hầu như đã được nhiều người chấp nhận.
Nói chung, các nhà khoa học cho rằng vũ trụ này xuất hiện cách đây khoảng chừng 20 tỉ (20 ngàn triệu) năm, kể từ vụ nổ Big Bang24: đó là nguồn gốc của vật chất, năng lượng, không gian và thời gian. Trong những tỉ năm đầu tiên, vũ trụ chỉ gồm vài yếu tố đơn giản: hydrogen, helium, oxigen, và lithium. Sự bành trướng của khối vật chất và năng lượng nguyên thủy đã phát sinh các hành tinh, dải ngân hà. Thái-dương-hệ của chúng ta xuất hiện cách đây chừng độ 5 tỉ (5 ngàn triệu) năm, và trái đất 4,4 tỉ năm. Nhưng sự sống chỉ mới bắt đầu chừng độ 4 tỉ (4 ngàn triệu) năm, với sự tiến triển từ hình thái thô sơ đến phức tạp kéo dài hàng tỉ năm: từ các vi khuẩn đến loài rêu, từ sinh vật dưới biển đến thảo mộc (360 triệu năm), loài bò sát (310 triệu năm), loài có vú (65 triệu năm), và cuối cùng là loài khỉ vượn đưa tới loài người, cách đây 4 triệu năm. Kể từ lúc nào thì con người (người tinh khôn: homo sapiens) xuất hiện? Như sẽ thấy, người ta phỏng đoán rằng chừng độ 100 ngàn năm nay thôi, và như vậy rất muộn trong tiến trình lịch sử của vũ trụ và trái đất. Để hình dung độ dài của tiến trình này, người ta thu gọn lịch sử vũ trụ vào ba ngày. Từ lúc bắt đầu vũ trụ đến lúc có trái đất đã mất đi hai ngày. Sang ngày thứ ba bắt đầu ngày của trái đất lúc 0 giờ, và mãi gần đến cuối ngày, lúc 23 giờ 37 phút đêm mới xuất hiện loài linh trưởng; 23 giờ 50 phút, vượn cổ phương Nam; cuối cùng là người tinh khôn vào 6,5 giây trước 24 giờ.
Đó mới là ý tưởng khái quát. Khi đi vào chi tiết thì người ta gặp thấy nhiều vấn nạn nan giải, không chỉ liên quan đến việc xác định chính xác các niên đại cho bằng việc xác định các ý niệm mang tính cách triết học, chẳng hạn như: sự sống là gì? Từ lúc nào vật chất mang sự sống (nghĩa là trở thành sinh vật)? Câu chuyện trở nên phức tạp hơn nữa khi bước sang vấn đề nguồn gốc của loài người. Như sẽ thấy, thuyết tiến hoá cho rằng con người được tiến hoá từ các linh trưởng25 qua nhiều giai đoạn từ loài động vật; nhưng lấy tiêu chuẩn gì để xác định bước cuối cùng: từ vượn tiến sang người? Cái gì khác biệt giữa con vượn với con người? Thiết tưởng cần phân biệt hai lối tiếp cận vấn đề nguồn gốc loài người: lối tiếp cận của khoa học thực nghiệm và lối tiếp cận triết học. Trước hết, chúng ta theo dõi những dữ kiện của khoa cổ-sinh-vật-học (palaeontology)26 phần lớn dựa theo các xương cốt hóa thạch (đào bới ở các hang động); rồi sau đó, chúng ta sẽ xét đến các câu hỏi liên quan đến thực chất của vấn đề nguồn gốc con người.
I. NHỮNG DỮ KIỆN CỦA NGÀNH CỔ SINH VẬT HỌC
Nói cho đúng, vấn đề nguồn gốc con người là đề tài nghiên cứu của ngành khoa học: di truyền học (genetics) và nhiều ngành khảo cứu cổ đại: địa chất, động vật, nhân chủng, v.v. Tiến trình tiến hóa từ loài động vật sang loài người hiện đại được đặt tên là “hominizatio”, từ những động vật hai chân giống con người (hominid, tiếng La tinh là hominidae, một thuật ngữ được đặt ra năm 1899; hoặc anthropoid, ghép bởi gốc Hy lạp anthropos+oid: giống như người) cho đến khi trở thành con người (homo trong tiếng La-tinh), trải qua các chặng: homo erectus, homo habilis, homo sapiens.II. NHỮNG VẤN ĐỀ BỎ NGỎ
Trên đây là vài dữ kiện do khoa học cung cấp về nguồn gốc loài người. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho các tín hữu băn khoăn trước những khám phá xem ra trái ngược niềm tin cổ truyền. Dù sao cũng nên biết rằng có câu hỏi được đặt ra cho chính các nhà khoa học mà họ chưa tìm được câu trả lời. Chúng tôi xin tóm lại vào vài câu hỏi sau đây: 1/ Tiến hoá và tạo dựng: phải chăng đó là hai quan điểm đối chọi nhau? Câu trả lời tuỳ thuộc vào quan điểm về tiến hóa và quan điểm về tạo dựng. 2/ Con người khác động vật ở chỗ nào? Có thể xác định thời điểm của sự chuyển tiếp hay không?
A. QUAN NIỆM VỀ TIẾN HOÁ
Ngày nay người ta thường liên kết thuyết tiến hóa với ông Charles Darwin. Tuy nhiên, những thuyết tiến hoá đã ra đời từ lâu rồi, với các triết gia tìm cách giải thích nguồn gốc vạn vật. Ở bên Trung hoa, ai mà chẳng nghe nói đến thuyết “Âm dương ngũ hành” của kinh Dịch? Bên Hy lạp từ thế kỷ V trước CN, các triết gia Lucipus, Democritus đã nêu lên giả thuyết về sự tiến triển của vũ trụ từ nguyên tử; ông Heraclitus thì cho rằng trên đời này mọi vật đều đổi thay.
Vào thời cận đại, thuyết tiến hóa được phát biểu cách hệ thống hơn và dựa trên những dữ kiện từ các khoa cổ vật học (palaeontology: nghiên cứu các thảo mộc và động vật thời cổ qua hóa thạch), địa chất (geology: nghiên cứu sự cấu tạo của trái đất). Cha đẻ của thuyết tiến hóa khoa học là ông Jean Baptiste de Monnet de Lamarck (1744-1829), với tác phẩm Philosophie zoologique (1809). Ông mô tả khuynh hướng của các sinh vật là phát triển từ chỗ sơ khai đến chỗ phức tạp và thích nghi với khung cảnh; các đặc trưng của sinh vật được truyền thụ cho hậu sinh. Sự tiến hóa có thể tốt hơn hoặc tệ hơn tuỳ theo sự thay đổi điều kiện sống. Quan điểm này đi ngược lại với triết học (mọi vật đã được phân chia thành giống và loại) và thậm chí ngược với khoa sinh học đương thời, tiêu biểu nơi nhà bác học Carl Nilsson Linnaeus (von Linné,1707-1778), người thiết lập sự phân chia các loại hóa chất, thực vật, động vật.
Thuyết tiến hóa được phát biểu mạch lạc hơn do ông Charles Robert Darwin (1809-1882). Sau một chuyến du hành trên thế giới, ông đã xuất bản cuốn sách On the origin of species by means of selection (1859). Theo ông, sự thay đổi các chủng loại sinh vật tuân theo định luật đào thải tự nhiên (natural selection): vật nào biết thích nghi với khung cảnh thì tiến, nếu không thì bị huỷ diệt. Ông Darwin đã mở rộng ra toàn thể vạn vật thuyết “đấu tranh để sinh tồn” mà ông Thomas Malthus đã phát biểu về loài người.
Những lý thuyết về sự tiến hóa của vũ trụ sớm gây tiếng vang ra bên ngoài lãnh vực khoa học, cách riêng sang lãnh vực tôn giáo. Thuyết tiến hóa không những đảo lộn những quan niệm triết học cổ điển về các chủng loại cổ điển, nhưng còn phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Tạo hóa. Từ đó nảy ra sự xung đột giữa hai “tôn giáo”: tiến hóa và tạo dựng. Đạo Tiến hóa xem ra đồng nghĩa với “duy vật vô thần” (chẳng hạn các ông Thomas Huxley, Ernest Haeckel). Đối lại, đạo Tạo dựng cực lực bài trừ thuyết Tiến hoá bởi vì trái ngược với tín ngưỡng của mình. May thay cũng có những người tìm cách đặt lại vấn đề cho đúng chỗ, bằng cách trình bày những lối tiếp cận khác nhau: cần phân biệt một đàng là sự kiện tiến hóa, một đàng là giải thích sự kiện. Khi giải thích sự kiện, cũng cần phân biệt lối tiếp cận của khoa học thực nghiệm và lối tiếp cận của triết học. Trước đó, thiết tưởng cần xác định những quan điểm khác nhau về sự tiến hóa và về sự tạo dựng.
1/ Những quan niệm về tiến hoá
Quan niệm “tiến hoá” bao hàm nhiều ý tưởng. Trước hết, nó nói lên một sự chuyển động (đối lại với cái cứng nhắc ù lì). Thứ đến, sự chuyển động này có hướng đi lên, nghĩa là không phải “đi ngang”, lại càng không phải “đi xuống” (thoái hoá): nếu con người sinh ra con người thì gọi là “đi ngang”; nếu con người sinh ra con khỉ là “đi xuống” và đưa tới tình trạng diệt chủng. Ngược lại, nếu con khỉ mà sinh ra con người thì mới gọi là “tiến hóa”.
Phải chăng ý niệm tiến hóa đã bao hàm một sự thẩm định về “giá trị”: con người cao cấp hơn con khỉ bởi vì có khả năng suy luận? Đúng thế. Tuy nhiên, trong khoa học thực nghiệm, người ta chú ý đến “lượng” chứ không phải đến “phẩm”. Trong lịch sử, các thuyết tiến hóa ra đời trong phạm vi khoa học thực nghiệm trước khi được áp dụng cho triết học và thần học.
Mặt khác, ngay cả trong khoa học thực nghiệm, việc nghiên cứu sự tiến hoá có thể được áp dụng một cách hạn chế hay cách phổ quát. Lúc đầu, sự tiến hóa được áp dụng một cách hạn chế trong khoa sinh học, để nghiên cứu sự tiến triển của các tế bào, từ chỗ đơn giản đến chỗ phức tạp (và đây là sự kiện không thể phủ nhận); dần dần, sự tiến hóa được mở rộng sang những lãnh vực khác: sự tiến triển của các hóa chất (từ nguyên tử đến phân tử), rồi tiến xa hơn nữa, mở rộng đến việc nghiên cứu sự tiến triển của vũ trụ, từ những yếu tố đơn giản lúc nguyên thủy cho đến tình trạng hiện tại.
Để giải thích sự tiến triển này, các nhà khoa học không chỉ tìm cách móc nối mối liên hệ giữa các hiện tượng (A sinh ra B), nhưng còn tìm cách giải thích mối liên hệ nữa. Từ đó nảy ra các giả thuyết (hypothesis) hoặc lý thuyết (theoria), tuỳ theo mức độ chắc chắn được chứng minh bởi các dữ kiện. Trong vấn đề đang bàn, có vài câu hỏi then chốt sau đây: sự tiến hóa đã diễn ra theo một mục đích hay là do ngẫu nhiên? Nếu sự tiến hóa diễn ra theo một chương trình thì phải chăng đã có một lý trí ở bên ngoài xếp đặt (mà ta đặt tên là Thiên Chúa hay Thượng đế)?
Có ý kiến không chấp nhận một nguyên nhân tạo dựng nào ở ngoài vũ trụ; có ý kiến không chấp nhận sự khác biệt giữa tinh thần và vật chất. Tuy nhiên, có ý kiến chủ trương sự tiến hóa không loại trừ sự hiện hữu của Thiên Chúa và yếu tố tinh thần.
2/ Những quan niệm về tạo dựng
Thuyết tiến hóa thành hình tại châu Âu, nơi mà văn hóa chịu ảnh hưởng của Kitô giáo. Theo quan điểm của Kitô giáo, vũ trụ này do Thiên Chúa tạo dựng theo thứ tự lớp lang ngay từ nguyên thuỷ. Vì thế thuyết tiến hóa xem ra trái ngược lại niềm tin cổ truyền này.
Tuy nhiên, khi đọc lại lịch sử tư tưởng châu Âu, người ta nhận thấy rằng triết học ở lục địa này chịu ảnh hưởng không những của Kitô giáo mà còn của các triết gia Hy lạp nữa. Triết học Hy lạp có nhiều trường phái khác nhau, và họ không dễ chấp nhận sự tạo dựng; như đã nói trên đây, nhiều triết gia cổ điển Hy lạp giải thích nguồn gốc vũ trụ từ vật chất. Thêm vào đó, ngay cả giữa những người tin vào sự tạo dựng cũng có nhiều quan điểm khác biệt: có người cho rằng Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ như một ông thợ chế đồng hồ, sắp đặt bố trí tất cả mọi chi tiết, và sau đó cái đồng hồ chạy tự động; có người cho rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục bảo vệ chăm sóc vũ trụ, cách riêng là loài người (sự quan phòng).
Bởi vì có những quan niệm khác nhau về tạo dựng, cho nên phản ứng của các học giả Kitô đối với thuyết tiến hóa cũng đa dạng. Có ý kiến không chấp nhận sự tiến hóa, bởi vì họ quan niệm sự tạo dựng một cách cố định (fixismus, hoặc còn gọi là creationismus)30; có ý kiến chấp nhận sự tiến hoá nằm trong kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa; có ý kiến chỉ chấp nhận sự tiến hóa cách giới hạn vào vài lãnh vực mà thôi.
3/ Tiến hoá và tạo dựng
Trong quá khứ, hai quan niệm “tiến hoá” và “tạo dựng” được coi như đối nghịch với nhau. Thuyết tiến hóa chống lại thuyết tạo dựng: một bên quan niệm là vạn vật tự nó hiện hữu và tiến triển từ chỗ sơ khai đến chỗ tiến bộ; bên kia chủ trương rằng mọi vật đều do Thiên Chúa tạo dựng. Tiếc rằng, người ta không để ý rằng có nhiều quan niệm về tiến hóa cũng như có nhiều quan niệm về tạo dựng: dưới một góc độ nào đó, hai quan niệm có thể dung hợp được, và dưới một góc độ nào đó, hai quan niệm không thể sống chung với nhau. Hơn thế nữa, đừng nên quên sự khác biệt ngôn ngữ giữa khoa học thực nghiệm và đức tin: hai bên sử dụng hai ngôn ngữ khác nhau, hai phương pháp khác nhau, hai lối tiếp cận khác nhau: một bên là phương pháp quan sát hiện tượng (vũ trụ đã thành hình như thế nào?), một bên là phương pháp lý giải ngọn nguồn hiện hữu (tại sao?). Ít ai có khả năng giải đáp cả hai khía cạnh, mỗi ngành cần chấp nhận giới hạn của phương pháp tiếp cận của mình. Điều này xảy ra kể cả trong đời sống hằng ngày, bởi vì mỗi nhà chuyên môn tự giới hạn lãnh vực nghiên cứu của mình và không ngần ngại từ chối giải đáp câu hỏi ngoài thẩm quyền. Thí dụ nếu một bà vợ bị chồng bỏ rơi, thì bà có thể đến gặp bác sĩ để hỏi về tình trạng sức khỏe thể lý của chồng mình, chứ không thể nhờ ông điều tra cho biết chồng còn yêu mình nữa không, có ngoại tình hay không. Một bác sĩ dù tài giỏi mấy đi nữa cũng không thể trả lời nổi, bởi vì không thuộc chuyên khoa của mình; ông chỉ có thể hướng dẫn bà đến nhà tâm lý học, hoặc các cán bộ tư vấn xã hội, hoặc cuối cùng là nhờ tới các nhà thám tử hoặc công an thôi.
Khi bàn về sự khởi nguyên của vũ trụ, ta nên phân biệt nhiều khía cạnh: sự kiện (xác định có hay không?), giải thích sự kiện và tìm hiểu nguyên nhân. Sự kiện (hay hiện tượng) tiến hóa vật chất xem ra đã được chấp nhận rồi, bây giờ khoa học thực nghiệm tìm cách giải thích: nó đã xảy ra thế nào? Nhưng câu hỏi “tại sao?” thì nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của ngành thực nghiệm
a) Hiện tượng tiến hoá. Sự tiến hoá có thể được áp dụng vào nhiều lãnh vực: sự tiến hoá của toàn thể vũ trụ bao gồm hết mọi chủng loại, hoặc giới hạn sự tiến hoá vào một chủng loại, một ngành. Các nhà khoa học áp dụng nhiều dụng cụ khác nhau để nghiên cứu: cổ địa chất học, sinh học phân tử, vv.
Dĩ nhiên là có nhiều lý thuyết giải thích hiện tượng, tuỳ thuộc vào lãnh vực hoặc dụng cụ nghiên cứu. Việc quan sát sự tiến hoá của một ngành thì dễ hơn là sự tiến hóa toàn diện, cách riêng là sự chuyển biến từ loài vô sinh đến loài sinh vật. Đó là chưa nói đến sự khó khăn khi đi tìm sự nối kết giữa hai chặng: có sự liên tục hoặc là nhảy vọt? Sự tiến hóa xảy ra do nguyên nhân ngoại giới (thích nghi với môi trường) hay do sự phát triển tiềm năng nội tại? Sự tiến hóa xảy ra đột biến hay lâu dài?
b) Quan niệm “tạo dựng” nằm trong lãnh vực siêu hình: nó bàn đến nguyên nhân của hiện hữu. Vũ trụ đã có một lúc khởi đầu; trước đó thì không có vũ trụ. Làm thế nào mà vũ trụ từ chỗ không hiện hữu đã bắt đầu hiện hữu? Đây là một câu hỏi thuộc phạm vi siêu hình, chứ không thuộc phạm vi hiện tượng. Các nhà khoa học nghiên cứu cái gì đã hiện hữu, chứ họ không bận tâm đến cái không hiện hữu. Vì thế đừng ai đặt câu hỏi cho các nhà khoa học về nguồn gốc sự hiện hữu, bởi vì nó không thuộc phạm vi nghiên cứu của họ.
c) Quan niệm tiến hoá không trái ngược với quan niệm tạo dựng. Sự tiến hoá giả thiết sự tạo dựng: nếu một vật không hiện hữu thì làm thế nào mà tiến hóa? Trong quá khứ, thuyết tiến hoá đối lập với sự tạo dựng nếu ta hiểu sự tạo dựng theo nghĩa cố định (fixismus): ngay từ đầu, Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài muôn vật có thứ tự lớp lang theo chủng loại. Tuy nhiên sự tiến hoá không đối lập với sự tạo dựng nếu sự tạo dựng được hiểu theo nghĩa năng động, tức là sự tạo dựng không diễn ra trong nháy mắt nhưng nó là một tiến trình liên tục. Công cuộc tạo dựng chưa hoàn tất nhưng vẫn còn được kiện toàn, theo những đường hướng mà chính Thiên Chúa đã xếp đặt. Trong quá khứ, nhiều nhà thần học đã giải thích Kinh thánh theo nghĩa đen, coi đó như một trình thuật mô tả tạo dựng theo ngôn ngữ triết học hay khoa học. Không phải thế: những chương đầu của Sách Sáng thế không trình bày công trình việc tạo dựng theo ngôn ngữ khoa học, nhưng với một thể văn riêng gặp thấy nơi văn học của nhiều dân tộc miền Cận đông. Hơn thế nữa, công cuộc tạo dựng không kết thúc với buổi khai nguyên (creatio originalis, ex nihilo). Thiên Chúa tiếp tục bảo tồn những vật hiện hữu: sự hiện hữu của vạn vật được coi như cuộc tạo dựng kéo dài (creatio continua).
d) Về phía Giáo hội công giáo, nên ghi nhận sự thay đổi quan điểm của Huấn quyền trong thế kỷ XX, một đàng nhờ sự tiến triển của khoa chú giải Kinh thánh (nhìn nhận thể-văn độc đáo của những chương đầu của sách Sáng thế), một đàng nhờ thái độ cởi mở phân biệt những khynh hướng khác nhau của thuyết tiến hóa. Xin ghi nhận vài mốc điểm như sau.
+ Đức Piô XII, thông điệp Humani generis (1950). Vào lúc đó, thuyết tiến hóa vẫn còn là giả thuyết. Đức thánh cha bác bỏ những lối giải thích vũ trụ hoàn toàn theo nghĩa vật chất, nhưng đồng thời khuyến khích các nhà chuyên môn tiếp tục việc nghiên cứu, miễn là bảo vệ chân lý đức tin về sự tạo dựng linh hồn con người bởi Thiên Chúa. Như vậy là đã có sự phân biệt nhiều học thuyết tiến hóa. Giáo hội không thể nào chấp nhận những thuyết tiến hóa duy vật vô thần.
+ Công đồng Vaticanô II đã nêu lên những nguyên tắc trong việc giải thích Kinh thánh, đặc biệt là lưu ý đến các thể văn (hiến chế Dei Verbum). Mối tương quan giữa khoa học và đức tin được bàn đến trong hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 36; 62. Văn kiện này cũng đã dành chương Một (số 14-15) để nói đến vị trí trổi vượt của con người trong mọi loài thọ tạo.
+ Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã nhiều lần phát biểu ý kiến đối với thuyết tiến hoá.
– Huấn từ trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư (29/1/1986; 14/4/1986), nằm trong loạt bài huấn giáo về sự tạo dựng (giải thích Kinh Tin kính): phân biệt những khía cạnh khác nhau của sự tạo dựng, và phân biệt sự thành hình thân xác và linh hồn của con người.
– Diễn văn đọc tại Hội thảo về Đức tin Kitô giáo và thuyết tiến hóa (26/4/1985).
– Sứ điệp gửi Hàn lâm viện Khoa Học của Toà thánh (22/10/1996).
+ Ngoài ra thiết tưởng cũng nên trưng dẫn một văn kiện của Uỷ ban Thần học quốc tế, văn kiện “Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa”Communion et service: L”homme créé à l”image de Dieu, phát hành ngày 23/7/2004) số 62-64; 68-69.
Quan điểm của Giáo hội công giáo có thể tóm lại vào những điểm sau:
– Khoa học và đức tin không thể mâu thuẫn với nhau (xc công đồng Vaticanô I, hiến chế Dei Filius, được công đồng Vaticanô II lặp lại ở hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 36, và sách GLCG số 159). Lý do là bởi vì mọi chân lý đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì thế không thể có chuyện các chân lý mâu thuẫn nhau. Nếu xảy ra sự mâu thuẫn giữa chân lý khoa học và chân lý đức tin thì đó là do cái nhìn thiếu sót của một bên hay của đôi bên, thường là do những lối giải thích hấp tấp hoặc vượt ra khỏi lãnh vực chuyên môn của mình (Sách GLCG số 284).
– Sự tiến hoá có thể dung nạp với sự tạo dựng. Vũ trụ này do Thiên Chúa tạo dựng, và sự tạo dựng có thể bao hàm tiến trình tiến hóa. Thần học cổ điển giải thích như là hai cấp độ nguyên nhân: Thiên Chúa đấng tạo dựng là nguyên nhân đệ nhất. Thiên Chúa có thể kết nạp các thụ tạo khác như là nguyên nhân đệ nhị vào công trình tạo dựng. Các nguyên nhân đệ nhị tác động trong tầm mức hợp với khả năng bất toàn của chúng (GLCG số 308). Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp này, sự tiến hóa diễn ra theo một kế hoạch chứ không xảy ra cách may rủi (xc GLCG số 286; 295; 302).
– Con người khác với các động vật do linh hồn thiêng liêng bất tử do Thiên Chúa tạo dựng (Xc. GLCG số 366). Dĩ nhiên, sự hiện hữu của linh hồn là một chân lý thuộc cấp độ siêu hình, chứ không thể khẳng định dựa theo khoa học thực nghiệm. Tuy nhiên, như sẽ thấy sau, con người có những hoạt động khác với động vật: điều này có thể kiểm chứng được ở cấp độ khoa học thực nghiệm. Những sinh hoạt tinh thần của con người không bắt nguồn từ sự tiến hóa của thân xác.
4/ Mục đích của sự tiến hóa
Niềm tin của Kitô giáo vào Thiên Chúa tạo dựng không chỉ bao hàm việc nhìn nhận rằng vũ trụ này có một nguyên nhân tác thành (do Thiên Chúa dựng nên chứ không tự hữu) nhưng còn xác tín rằng công cuộc tạo dựng nhằm tới một mục tiêu chứ không phải để trôi nổi.
Vũ trụ này được dựng nên để làm gì? Các cuộc tiến hóa nhằm mục tiêu gì? Những câu hỏi này thuộc phương diện triết học hơn là thuộc khoa học thực nghiệm. Như đã nói ở đầu, vũ trụ đã xuất hiện từ 20 tỉ (20 ngàn triệu) năm trong khi con người “hiện đại” chỉ mới được 35 ngàn năm. Con người xuất hiện rất muộn, nhưng có thể nói rằng con người là chóp đỉnh của sự tiến hoá không? Có thể nói rằng vũ trụ được dựng nên vì con người không, theo như trình thuật ở chương đầu Sách Sáng thế?
Những câu hỏi này thuộc lãnh vực triết học hơn là khoa học. Tuy vậy, có những nhà khoa học đã phát biểu nguyên lý “hướng về con người” (anthropic principle), chẳng hạn như Robert Dicke (Dirac”s Cosmology and Mach”s Principle, “Nature” 192, pp. 440-441); Brandon Carter, Large Number Coincidences and the Anthropic Cosmological Principle, Dordrecht 1974, pp. 291-298); John Barrow e Frank Tipler (The Anthropic Cosmological Principle (1986)31
Dù sao, vấn đề mục tiêu hoặc ý hướng của sự tiến hóa đã được nêu lên cho các nhà khoa học dưới một góc độ khác và có thể phát biểu như thế này: sự tiến hóa xảy ra cách tình cờ hay dựa theo một kế hoạch có xếp đặt? Các ý kiến có thể xếp thành hai nhóm.
a) Một nhóm cho rằng cuộc tiến hoá diễn ra một cách tình cờ may rủi: không có một kế hoạch hoặc mục tiêu nào hết. Những sự tiến hoá chịu ảnh hưởng bởi những hoàn cảnh bên ngoài, chẳng hạn như cảnh vực, sự thích nghi và đào thải. Đây là chủ trương của ông Charles Darwin và những tác giả của thuyết tân-Darwin (Jacques Monod, Richard Dawkins).
b) Nhóm khác (Theodosius Dobzhansky, Francisco Ayala) chấp nhận rằng sự tiến hóa tuân theo một định hướng nào đó. Sự hướng đích không nhất thiết đồng nghĩa với sự tiến triển êm ả, và có thể dung hợp với sự đào thải như là hệ quả của cuộc đấu tranh sinh tồn trước những ngoại lực vật lý, hoá học, hoặc sinh lý.
Câu hỏi về cứu cánh của sự tiến hoá trở nên khẩn trương hơn nữa khi nói đến con người: phải chăng sự tiến hóa từ loài khỉ đến loài người xảy ra do ngẫu nhiên?
B. SỰ XUẤT HIỆN CỦA CON NGƯỜI
Có những luận cứ để chấp nhận sự kiện tiến hoá từ loài động vật đến loài người. Sự chuyển tiếp không xảy ra theo nhịp nhảy vọt, như chúng ta đã nhắc đến những chặng quan trọng. Thuyết tiến hóa đã đặt tên cho những chặng tiến triển bằng những danh từ cùng gốc homo (tiếng La tinh có nghĩa là con người), tựa như hominizatio, hominoid, hominid, homo abilis, homo erectus, homo sapiens32.
Đến đây một câu hỏi được đặt ra: từ lúc nào con người bắt đầu xuất hiện? Muốn trả lời câu hỏi này thì cần phải xác định đâu là những đặc trưng phân biệt con người khỏi các loài linh trưởng khác. Một lần nữa, ta thấy sự khác biệt về lối tiếp cận giữa các khoa học.
1/ Khoa học thực nghiệm so sánh những đặc trưng về sinh học: loài đi hai chân, sự phát triển của bộ não (xét về dung tích), về DNA. Xét về bộ não, có sự tiến triển đáng kể về dung tích trải qua các giai đoạn: australopithecus (400-500 cc), homo habilis (650-800 cc), homo erectus (800 cc), homo sapiens neanderthalensis (1500 cc), homo sapiens sapiens (1300 cc). Nhưng xét về DNA, sự khác biệt giữa con người và các loài linh trưởng không đáng kể: DNA của loài người và loài tinh-tinh trùng hợp đến 98.4% (mức khác biệt là 1.6%).
2/ Các khoa-học nhân-văn thiết lập sự đối chiếu dựa theo các tiêu chuẩn khác, tóm lại ở chỗ “văn hoá”: loài người có văn hóa33, nghĩa là có ý thức, biết suy tính, biết diễn tả ý tưởng qua ngôn ngữ, có đời sống tâm linh. Điều này không chỉ xảy ra trong quá khứ mà còn trong hiện tại nữa: con người có văn hoá, và một đứa trẻ có thể hấp thụ được văn hoá; đang khi các loài khỉ có tập luyện mấy cũng không tiếp thu nổi. Đây có thể là vừa là điều lợi hoặc là điều thiệt cho con người. Con vật không cần giáo dục cũng biết cách sinh hoạt, bởi vì nó được bản năng điều khiển. Còn con người nếu không được giáo dục thì đành bó tay; tệ hơn nữa, nếu được lớn lên giữa bầy vật thì cũng sẽ hành động như “người thú”. Đó là cái giá mà con người phải trả cho đặc trưng của mình: con người có lý trí, tự do, trách nhiệm.
Nếu hiểu như vậy thì liệu có thể ấn định khi nào con khỉ trở nên người không? Phải chăng kể từ lúc biết dùng chế dụng cụ, biết cất nhà, biết dùng lửa, biết nói chuyện? Chưa hết, có lẽ có người sẽ nêu vấn nạn: “tại sao loài tinh-tinh hiện nay cứ mãi là tinh-tinh chứ không chịu tiến lên làm người?”. Đi xa hơn, ta có thể đặt câu hỏi: “liệu loài người có tiến hóa lên loài nào cao cấp hơn nữa không?”
3/ Quan điểm của thần học Kitô giáo không chỉ dừng lại ở chỗ đối chiếu giữa sự khác biệt về trí tuệ. Huấn quyền của Giáo hội không gặp khó khăn để chấp nhận sự tiến hóa về thân xác từ loài linh trưởng lên tới con người. Nhưng điều độc đáo giữa con người và động vật ở chỗ là con người có linh hồn. Linh hồn không do cha mẹ sinh ra cũng không do tiến hoá, nhưng là do Thiên Chúa tạo dựng34.
C. NHẤT TỔ HAY ĐA TỔ?
Loài người có chung một gốc (một tổ) hay là nhiều tổ? Trong lãnh vực cổ sinh vật học, cần phân biệt hai vấn đề trong tiến trình tiến hóa: sự tiến hóa xảy ra tại một nơi hay nhiều nơi? Bởi một hay nhiều cặp vợ chồng?
1/ Vấn đề thứ nhất: monophyletic / polyphyletic. Nhân loại xuất hiện tại một vùng trên địa cầu và vào một thời điểm lịch sử, hay là tại nhiều vùng (đa trung tâm)? Tuy chưa có một giải đáp đồng nhất, nhưng nhiều nhà khoa học nghiêng về thuyết một phylum35, theo đó sự tiến hoá của loài người hiện đại bắt đầu ở châu Phi cách đây 200 ngàn năm, rồi sau đó (khoảng 60 ngàn năm), họ toả lan sang các vùng khác.
2/ Vấn đề thứ hai: monogenism / polygenism. Giả như chấp nhận thuyết một phylum, câu hỏi tiếp được đặt ra là: nhân loại bắt đầu từ một hay nhiều đôi vợ chồng?
Dựa theo Kinh thánh, thần học công giáo chủ trương thuyết nhất tổ: tất cả loài người đều có chung một đôi nguyên tổ là ông Ađam và bà Eva. Học thuyết này xem ra thích hợp để giải thích sự liên đới của tất cả nhân loại với tội của ông Ađam (tội nguyên tổ), như đức thánh cha Piô XII đã nêu bật trong thông điệp Humani generis. Tuy nhiên đây là hệ luận về đức tin mà thôi, còn các nhà khoa học nghĩ thế nào?
Nói chung, xem ra nhà khoa học nghiêng về chủ trương có nhiều đôi vợ chồng nguyên thủy. Tuy vậy cũng có tác giả chấp nhận giả thuyết về một đôi vợ chồng, hoặc ít là họ cho rằng không thể hoàn toàn loại trừ giả thuyết này. Vào năm 1987, trên tạp chí Nature, dựa trên kết quả nghiên cứu các mẫu ADN ti thể (mtDNA) lấy từ hàng trăm con người sống trên các miền khác nhau của trái đất, ba nhà khoa học Rebecca Cann, Mark Stoneking và Allan Wilson thuộc đại học Berkeley nói rằng toàn bộ nhân loại trên trái đất là hậu duệ của một người phụ nữ sống tại Đông Phi (Ethiopia) khoảng 150 ngàn năm trước đây36. Người ta đặt tên cho nhân vật đó là “Mitochondrial Eva” (Eva ti thể). Cũng nên biết rằng thuyết về một nguồn gốc chung của loài người có những hệ luận không nhỏ về văn hoá và chính trị. Thực vậy, nếu chấp nhận tất cả các dân tộc trên thế giới đều chung một gốc tổ, thì thuyết kỳ thị chủng tộc không có cơ sở; ngược lại, nếu chủ trương rằng nhân loại gồm bởi nhiều tổ khác nhau, thì có lý do này để chứng tỏ có những chủng tộc thấp kém và những chủng tộc cao cấp và như vậy không có chuyện bình đẳng giữa các chủng tộc.
KẾT LUẬN
Trong chương này, chúng ta đã theo dõi cuộc tranh luận về nguồn gốc loài người. Vấn đề thật là phức tạp, bởi vì không chỉ nguyên là chuyện tranh luận giữa vô thần và hữu thần, giữa tiến hóa và tạo dựng, nhưng còn ngay giữa các quan niệm khác nhau về tiến hóa cũng như giữa những quan niệm khác nhau về tạo dựng.
Để kết luận và dẫn vào những chương kế tiếp, chúng tôi chỉ xin thêm hai nhận xét liên quan đến hai ý niệm: sự sống và con người.
1/ Sự sống là gì? Sự sống là một hiện tượng rất đơn giản (ai cũng phân biệt được con chó sống và con chó chết), nhưng nếu ai muốn xác định những yếu tố cấu thành sự sống thì sẽ gặp nhiều bế tắc. Trên thực tế, sự sống là một hiện tượng phức tạp: các sinh vật bao gồm từ vi khuẩn và con bọ chét li ti cho đến loài trâu bò to lớn; thử hỏi, có mẫu số chung nào cho tất cả mọi sinh vật không? Triết học cổ truyền tìm cách định nghĩa sinh vật qua đặc trưng chính là “chuyển động nội tại” (motus ab intrinseco: chuyển động bởi một nguyên lý từ bên trong chứ không từ bên ngoài)37. Ở đây sự chuyển động được hiểu theo nghĩa siêu hình (chuyển từ tiềm năng sang hiện thực) chứ không theo nghĩa không gian. Dựa theo các khoa sinh học, người ta thường mô tả ba đặc tính của sự sống là: dinh dưỡng, tăng trưởng, sinh sản38. Khoa học hiện đại dùng những tiêu chuẩn khác để xác định. Những tiêu chuẩn này rất quan trọng để trả lời cho một câu hỏi khác được đặt ra trong ngành sinh học: sự sống bắt nguồn từ đâu? Có thể có sự tiến hoá từ vật chất đến sinh vật không?
a) Trong giới khoa học thực nghiệm, hồi thế kỷ XIX đã có sự tranh luận về bản chất của sự sống: có gì khác biệt căn bản giữa loài vô sinh và sinh vật hay không? Phải chăng sinh vật chỉ là một cấp độ cao của vật chất? Các ý kiến được xếp làm hai nhóm: thuyết “cơ giới” (hoặc “duy cơ”: mechanism) và thuyết “sức sống” (vitalism).
– Thuyết “cơ giới” chủ trương rằng sự khác biệt giữa loài vô cơ và hữu cơ hệ tại cách cấu tạo phức tạp của vật chất. Sự tiến triển giữa loài vô cơ sang loài hữu cơ được đặt tên là “trồi lên” (emergence), xảy ra do ngẫu nhiên tình cờ. Tác giả tiêu biểu Jacques Monod (1970).
– Thuyết “sức sống” khẳng định sự khác biệt về cấp độ giữa loài vô cơ và hữu cơ. Từ đó có định luật “sinh vật bởi sinh vật” (omne vivum e vivo), được các triết gia cổ truyền phát biểu và được xác nhận bởi các nhà sinh học cận đại như Francesco Redi (1688), Lazzaro Spallanzani (1748), Louis Pasteur (1861)39.
b) Dưới khía cạnh triết học, ngoài ba đặc trưng của sinh vật vừa kể, người ta phân biệt ba cấp độ của sự sống: nơi thảo mộc, động vật, con người. Tương ứng với mỗi cấp độ sự sống, người ta nói đến ba 3 cấp độ của “hồn”: sinh hồn, giác hồn, linh hồn, như là chủ thể của các hoạt động40.
– Những hoạt động của loài thảo mộc là: dinh dưỡng, tăng trưởng, sinh sản. Chủ thể của những hoạt động này được đặt tên là “sinh hồn” (anima vegetativa, hồn dinh dưỡng).
– Loài động vật còn thêm các hoạt động: cảm giác, ước muốn và di chuyển. Chủ thể của chúng được đặt tên là “giác hồn” (anima sensitiva, hồn cảm giác).
– Loài người có những sinh hoạt cao cấp hơn, đặc biệt là những sinh hoạt tinh thần, không bị chi phối bởi vật chất. Chủ thể của chúng là “linh hồn” (anima rationalis, hồn lý trí).
2/ Con người khác thú vật ở chỗ nào? Trên đây, chúng tôi đã tóm lại sự khác biệt này trong một thuật ngữ là “văn hóa”, với đặc trưng nổi bật nhất là khả năng tự ý thức. Sự khác biệt này đã đặt ra một câu hỏi hóc búa cho thuyết tiến hóa: sự tiến triển từ thú lên loài người mang tính cách tiệm tiến theo cấp bậc, hay là nhảy vọt?
Mặt khác, con người cũng có những sinh hoạt chung với thực vật và động vật: con người cũng ăn uống dinh dưỡng, sinh sản, tăng trưởng như thảo mộc; con người cũng có cảm giác, ước muốn như động vật; nhưng những sinh hoạt đó đã được “nhân hóa”, nghĩa là được thích biến để mang tính cách “người” hơn. Thí dụ như: “ăn” không chỉ để sống nhưng còn để chia sẻ niềm vui (tiệc tùng); “sinh sản” không chỉ để duy trì chủng loại nhưng còn tạo ra những mối liên hệ gia đình. Dĩ nhiên, con người có những sinh hoạt phát xuất từ các khả năng đặc thù của mình, tức là lý trí và ý chí: con người có khả năng đi từ những hình ảnh cụ thể tiến đến ý niệm phổ quát, có khả năng vượt lên những cảm xúc hiện tại để dự phóng cho tương lai.
Trong những chương tới, chúng tôi sẽ phân tích các hoạt động của con người, bắt đầu từ những điểm chung với các sinh vật và lên dần đến những đặc trưng của con người trong lãnh vực nhận thức và ước muốn. Những đề tài này được nghiên cứu cách riêng trong ngành tâm-lý-học. Tuy nhiên, trước khi đi vào chi tiết, thiết tưởng nên nhắc lại vài khái niệm căn bản liên quan đến tâm-lý-học.
Dựa theo tầm nguyên, “tâm lý học” có nghĩa là “học về tâm lý”. Trong ngôn ngữ Đông phương “tâm” vừa có thể hiểu về trái tim, vừa có thể hiểu về yếu tố thâm sâu nhất trong con người41. Trên thực tế, Tâm-lý-học là thuật ngữ được dùng để dịch danh từ “psychologia” gốc Hy lạp, gồm bởi psyche (linh hồn) và logos (luận bàn), và có nghĩa là “luận bàn về linh hồn”. Các triết gia Hy lạp bàn về bản tính của linh hồn, các quan năng (lý trí, ý chí, giác quan) và các hoạt động của linh hồn. Triết học kinh viện cũng tiếp tục đường hướng đó. Tuy nhiên, từ thế kỷ XIX, với sự ra đời của tâm lý học thực nghiệm42 (đối lại với tâm lý thuần lý hay tâm lý triết học), đối tượng nghiên cứu được giới hạn vào các hiện tượng tâm lý (cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng, trí nhớ, tình cảm, nhu cầu, hứng thú, năng lực, khí chất, tính cách, v.v). Vấn đề sự hiện hữu của linh hồn bị gạt ra ngoài, bởi vì là một đối tượng vượt quá tầm quan sát hoặc đo lường của phương pháp thực nghiệm. Vì thế chúng tôi bắt đầu từ những “hiện tượng tâm lý” và sẽ dành đề tài “linh hồn” cho chương cuối cùng.