Lm. GB. Nguyễn Đăng Trực, OP.
Tri thức học thời tiền Socrates
Thales (thế kỷ VI trước CN) được coi là người sáng lập triết học Hy Lạp. Aristote gọi ông là “nhà triết học tự biện (speculate)” đầu tiên. Trước Thales mọi giải thích về vũ trụ đều mang tính thần thoại. Tuy nhiên, các triết gia thời tiền Socrates lại được mệnh danh là các triết gia duy nhiên (natural philosophers) vì họ cho rằng linh hồn có bản tính chung với vạn vật đến nỗi ai cho rằng nguyên tố của vạn vật là lửa (Heraclitus); nước (Thales); khí (Anaximandes); tinh thần (Anaxagore) thì linh hồn cũng có bản tính của các nguyên tố đó. Vấn đề tri thức đối với họ được giải quyết theo châm ngôn “like is known by like”. Vì linh hồn và vạn vật được cấu tạo bởi cùng những yếu tố như nhau, nên linh hồn tri thức vạn vật cách hiện thể. Lại nữa các nguyên tố trên đều có tính cách biến dịch (motion) và Parmenides là người đầu tiên đóng góp nổi bật nhất về vấn đề này khi ông đưa ra một lý giải rất mới mẻ về hiện tượng biến dịch này. Theo ông, thế giới là một thực thể duy nhất. Mọi hữu thể là một, thực tại là một (reality is the one), bất biến. Sự vật xem ra khác nhau, xem ra thay đổi nhưng thực tại thì bất biến. Tuy nhiên chân lý này không thể được nhận thức bằng tri giác giác quan, chí có lý trí thuần túy mà ông gọi là logos mới nhận thức được chân lý này. Đối với tri giác giác quan, sự vật ở trong quá trình thay đổi liên tục, nhưng đó chỉ là một ảo ảnh.Theo Parmenides, cân phân biệt giữa biểu hiện bên ngoài với thực tại. Hiện tượng thì biến dịch, đổi thay, chỉ là biểu kiến của thực tại vĩnh cửu thường hằng. Chẳng hạn theo kinh nghiệm giác quan của ta, một chiếc bàn gỗ, với thời gian sẽ bị mục nát. Nhưng đối với Parmenides, kinh nghiệm sinh diệt này chỉ là ảo giác vì chất liệu làm nên chiếc bàn vẫn tồn tại sau khi bị mục nát. Đối với ông cái gì hiện hữu, phải luôn luôn hiện hữu. Chúng ta chỉ đạt tới nhận thức đó qua lý luận chứ không qua kinh nghiệm giác quan. Như vậy, theo Parmenides chân lý không thể được biết qua tri giác giác quan (sensory perception) chỉ có lý trí thuần túy (logos) mới đưa đến sự hiểu biết chân lý thế giới.
Plato đã lấy ý tưởng cơ bản của Parmenides về tính bất biến của thực thể và dựa vào đó, ông đã khai triển sự phân biệt giữa thế giới lý niệm và thế giới khả giác.
Tri thức học Plato
Trong tác phẩm Timoeus, Plato cho rằng kinh nghiệm giác quan không thể là nguồn nhận thức của con người vì các đối tượng được nhận thức bằng kinh nghiệm giác quan luôn biến hóa, đổi thay. Muốn có một nhận thức đích thực con người phải vượt lên trên kinh nghiệm giác quan, vận dụng lý trí của mình để khám phá ra những thực tại khả tri là những mô thể bất biến tự tại thuộc thế giới lý niệm.
Plato đã diễn tả lý thuyết nhận thức của ông rất rõ ràng. Trong cuốn “nền Cộng hòa” (Republic) ông đặt ra những vấn nạn: tri thức là gì? Ảo ảnh là gì? Thực tại là gì? Bằng cách nào có tri thức đích thực? Con người có thể nhận thức được gì? Đây là những vấn đề của tri thức học. Plato phân biệt thực tại được giới thiệu qua giác quan là những thực tại đổi thay, đặc thù và thực tại được tâm thức nhận thức qua lý tính. Thế giới của thực tại tâm thức đối lập với thế giới được nhận thức qua kinh nghiệm giác quan. Đó là thế giới của lý niệm hay mô thức có tính chất bất biến, phổ quát. Mô thức ấy là nguyên mẫu mà các sự vật đặc thù lấy làm kiểu mẫu. Thế nhưng con người dễ bị ấn tượng giác quan chi phối,, lừa dối. Con người giống như những tù nhân bị giam giữ trong một cái hang, mắt luôn hướng về vách tường, do đó lầm lẫn cái bóng trên tường của mình là chính thực tại. Muốn nhận ra thực tại của chính mình, phải thoát khỏi hang, thoát khỏi thế giới khả giác quen thuộc để nhìn thấy ánh mặt trời tượng trưng cho nguồn mạch tri thức đích thực của con người.
Plato đã có công đưa ra một hệ thống triết học rất phong phú. Tuy nhiên về phương diện tri thức học, ông vẫn chưa đi xa hơn nhóm triết gia tự nhiên (tri thức dựa trên nguyên tố hữu chất tương tự). Còn tri thức Plato dựa trên nguyên tố vô chất tương tự: linh hồn vô chất bất biến tri thức những thực tại vô chất bất biến hay những mô thể bất biến. Tri thức như thế là một sự thông hiểu hiện thể. Thế giới lý niệm của Plato không phải là một ý niệm nhưng là một thực tại còn thực tại hơn thế giới khả giác, chỉ là cái bóng hay tham dự xa xa vào thế giới lý niệm mà thôi. Vì thế quan điểm của Plato được xếp vào hạng mục duy thực siêu nghiệm (transcendental realism) hay duy thực tuyệt đối. Có người gọi ông là duy tâm khách quan (objective idealism), đối lập với duy tâm chủ quan (subbjective idealism) của Descartes.
Tri thức học của Aristote
Đối với Plato, nền tảng của tri thức và chân lý là thế giới siêu nghiệm, gồm các mô thể bất biến và khi tri thức bất cứ vật gì là lãnh hội mô thể của vật đó. Mô thể là nguyên mẫu mà các sự vật đặc thù lấy làm kiểu mẫu.
Còn đối với Aristote, các mô thể cư trú trong chính các sự vật hay đối tượng mà chúng ta tri thức. Đối với Aristote, không có gì trong trí năng mà trước đó không ở trong giác quan. Ông muốn ám chỉ một tri thức gián tiếp (Plato: trực tiếp, hay hiện thể). Vậy tri thức được thực hiện bằng cách nào? Theo Aristote, mọi bản thể vật thể gồm hai nguyên lý mô thể (form) và chất thể (matter). Khi tri thức, chủ thể tiếp nhận mô thể của đối tượng, còn chất thể của đối tượng là yếu tố bất khả tri (unintelligible) vì không đưa vào trí năng được. Khi trình bày tổng quát về tiến trình tri thức trong De Anima (on the soul), Aristote cho rằng, cũng như các sự vật khác, trí năng cũng có hai phần, một phần được so sánh như chất thể, gọi là trí năng thụ động (passive intellect), phần kia được so sánh như mô thể, gọi là trí năng tác động (active intellect). Trí năng tác động tự bản chất là hoạt động, có tính cách tách biệt, thuần khiết (pure), tinh ròng (unimixed) khi hoàn toàn thoát khỏi điều kiện cuộc sống hiện tại, nó trở thành bất tử và vĩnh cửu, không có trí năng tác động, cũng không có tri thức nào hết.
Tiến trình tri thức của Aristote như sau: khi giác quan được kích thích bởi đối tượng giác quan thì phát sinh cảm giác (sensation) qua một trung gian nào đó, như ánh sáng đối với thị giác; không khí đối với thính giác. Kích thích này tạo nên một hình ảnh khả giác (sensible image) nơi chính giác quan đó. Hình ảnh này là biểu tượng của đối tượng cảm giác. Nhưng giác quan nhận mô thể của đối tượng khả giác, không kèm theo chất thể của đối tượng tương tự như miếng sáp tiếp nhận dấu ấn của chiếc nhẫn mà không cần chất thể làm nên chiếc nhẫn như vàng hay bạc chẳng hạn.
Nhưng điều mơ hồ trong học thuyết tri thức Aristote là ông cho trí năng tác động (active intellect) tính chất bất tử, vĩnh cửu, tách biệt, khiến nhiều học giả, nhất là một số triết gia Hồi giáo cho rằng: trí năng tác động là hoạt động của trí năng thần linh, còn trí năng thụ động (passive intellect) là linh hồn cá biệt, yếu tố biệt loại, của con người, có thể mai một với thân xác.
Sau này thánh Tôma Aquinô hiệu chỉnh quan niệm của Aristote; trí năng tác động và trí năng thụ động chỉ là những tài năng riêng biệt của linh hồn con người. Trí năng tác động tách biệt, thuần khiết ám chỉ trí năng đó khác với chất thể và có tính vô chất. Nên biết Tôma lấy cảm hứng từ học thuyết về tri thức của Aristote để xây dựng học thuyết của mình. Tuy nhiên giữa hai học thuyết có sự khác biệt rất lớn, như sẽ được bàn đến trong chương sau.
Aristote được xếp vào hạng mục duy thực nội tại (immanent realism) mô thể ở trong đối tượng được tri thức không vượt trên các sự vật vật thể như quan niệm của Plato. Và chân lý đối với Aristote là sự tương ứng giữa trí năng và thực tại.
Tri thức học và thuyết hoài nghi cổ đại
Chúng ta chỉ giới hạn sự học hỏi vào hai triết gia điển hình của chủ thuyết hoài nghi cổ đại là Arcesilas (315 – 240 BC) và Pyrrho (365 – 275 BC).Do bất mãn về thái độ giáo điều của Zenon (490 BC) mà Arcesilas trở thành người đề xuất chủ thuyết hoài nghi (Skepticism). Theo học thuyết của Zenon, nhân đức là giá trị duy nhất, được đặt nền tảng trên lý trí. Do đó tất cả những gì nghịch với một quyết đoán (assertion) chắc chắn và bền vững đều không xứng với nhân đức và sự khôn ngoan. Thánh nhân chỉ phán đoán khi có tri thức hoàn toàn chắc chắn. Phản ứng lại thái độ giáo điều này Arcesilas chứng minh rằng không thể có những quan niệm tuyệt đối như thế vì cái giả và cái thực không tuyệt đối phân minh, nên tốt nhất thánh nhân phải ngưng phán đoán (suspend judgement) vì không có phán đoán nào đích thực hơn phán đoán nào. Như thế thánh nhân sẽ tránh được những sai lầm. Sau cùng Arcesilas cũng không nhận cơ thể biết cái chi, cả chính cái duy nhất mà Socrates trước kia dành lại cho mình là biết mình không biết chi hết. Như thế chống lại giáo điều, cuối cùng lại rơi vào chủ thuyết hoài nghi giáo điều (dogmatic skepticism).
Còn Pyrrho cho rằng, bản chất vạn vật đều hàm hồ, bất định và khả nghi, vì thế không thể nào có sự chân thật hay giả dối nơi cảm giác hoặc nơi phán đoán của ta. Thành thử phải kết luận rằng: ta không nên tin tưởng vào chúng. Bởi đó ta phải hành động thế này: không phán đoán chi cả, không nghiêng theo bên nào hết. Theo đó, bất cứ sự gì xảy đến, ta không quyết có mà cũng không quyết không, hoặc khẳng định vừa có vừa không.
Chủ thuyết hoài nghi cổ đại, không phải là tri thức học đúng nghĩa vì không đề ra một lý thuyết về nhận thức mà chủ yếu là phản ứng lại thái độ giáo điều của người khác. Nên biết, mặc dù chân lý phát sinh từ phán đoán nhưng chân lý không phải là sở hữu độc quyền của phán đoán. Chân lý còn căn cứ trên tiêu chuẩn cao hơn tức là các nguyên lý đệ nhất, nhất là nguyên lý đồng nhất A=A, hình thức của nguyên lý này là một phán đoán nhưng nội dung tức chân lý lại là chính thực tại (A), không thể khác được. Chủ nghĩa hoài nghi còn tỏ ra giáo điều và tự mâu thuẫn: khi khẳng định một nhận thức chắc chắn là điều không thể có; cũng là khẳng định biết chắc một cái gì rồi. Aristote đã bác bỏ thuyết hoài nghi như sau:
– Về phương diện thực hành, ông bảo: một hoạt động bao giờ cũng bao hàm ý tưởng về thiện, ác hay lợi, hại. Vì sao khi gặp một cái giếng hay một cái hố người ta lại tránh nó? Như thế mặc nhiên cho rằng rớt xuống đấy thì tốt hay xấu không như nhau đâu. Rõ ràng người ấy cho rằng, có việc tốt, có việc xấu, có lợi hay có hại. Thực tế không thể có thái độ hoài nghi tuyệt đối được.
– Về phương diện lý thuyết, khi người hoài nghi giải trình quan điểm của mình là đã khẳng định, nghĩa là đã mặc nhiên công nhận các lý do mình nêu ra là chắc chắn và có thể thuyết phục kẻ khác.
Tri thức học Âu Tinh
Khi còn trong giai đoạn đào tạo triết học, Âu Tinh quen biết nhiều người theo chủ nghĩa hoài nghi hàn lâm (Academic Skepticism). Hai khó khăn họ chất vấn về nhận thức là: 1) Sự hiện hữu của chủ thể nhận thức và 2) Vấn đề nguồn gốc của chính tri thức.
Ngay sau khi trở về với niềm tin Kitô giáo, ngài đã tìm cách bác bỏ chủ nghĩa hoài nghi hàn lâm. Về vấn đề thứ nhất, sự hiện hữu của chủ thể tri thức, Âu Tinh đã vượt qua được chủ nghĩa này với một luận chứng nổi tiếng: nếu một người hoài nghi thì chắc chắn người đó hiện hữu. Nếu diễn tả ở ngôi thứ nhất như René Descartes, sống sau Ngài 1200 năm thì Âu Tinh có thể phát biểu: “Tôi hoài nghi vậy tôi hiện hữu” (I doubt therefore I am # cogito ergo sum). Vấn đề thứ hai: nguồn gốc của chính tri thức. Vì chịu ảnh hưởng học thuyết Plato, Âu Tinh đã đánh giá thấp nhận thức giác quan, theo ngài nó không đóng vai trò nào trong nhận thức trí năng. Nhận thức trí năng phát sinh từ sự soi sáng hay quang chiếu thần linh (divine illumination). Theo ngài, trí thức trí năng không thể có được nếu Thiên Chúa không chiếu soi vào tâm trí con người như con mắt cần ánh sáng mặt trời để có thể nhìn thấy những thực tại khả giác, thì trí năng cũng cần ánh sáng thần linh để nhận thức những chân lý khả trị, vĩnh hằng. Thuyết quang chiếu có thể được thể hiện bằng nhiều cách:
1. Khi trí năng kết hợp và gắn bó với Thiên Chúa.
2) Khi Đức Kitô cư ngụ trong tâm hồn.
3) Ở nơi khác (De magistro) ngài cho rằng: niềm tin, là điều kiện tất yếu cho mọi nhận thức trí năng. Nên lưu ý, lý thuyết quang chiếu của Âu Tinh liên quan đến mọi nhận thức, không chỉ nhận thức thần bí thiêng liêng mà thôi. Nhưng chân lý thuần túy lý tính, không thể lãnh hội bằng giác quan cũng phải được ánh sáng thần linh soi chiếu. Tuy nhiên có thể nói, ánh sáng thần linh không hoàn toàn là nguồn nhưng là điều kiện để lý trí có thể nhận ra phẩm tính của chân lý. Vì thế không nên vội cho rằng tri thức trí năng theo quan điểm quang chiếu đồng hóa với ánh sáng mạc khải thần linh.
Âu Tinh thường được mệnh danh khuynh hướng duy lý (rationalism).
Theo nhiều học giả, tri thức học Âu Tinh rất khó lãnh hội, nên thánh Tôma Aquinô vì uy tín của thánh Âu Tinh chỉ nhấn mạnh những điểm đồng thuận hơn là điểm bất đồng. Tôma đã tóm tắt quan niệm quang chiếu của Âu Tinh như sau: “thánh Âu Tinh theo Plato bao lâu đức tin còn cho phép, thánh nhân không công nhận tính tự tại của các yếu tính như Plato, nhưng ngài đặt lý lẽ của vạn vật trong trí tuệ Thiên Chúa. Chính nhờ các lý lẽ đó mà ta phán đoán vạn vật khi chúng được ánh sáng Thiên Chúa soi sáng. Chúng ta không nhìn thấy các lý lẽ ấy vì như thế là nhìn thấy bản tính Thiên Chúa. Nhưng các lý lẽ đó in dấu vết lại nơi trí tuệ ta” (De Spiritualibus creaturis 10, ad 8).
Còn theo quan niệm Tôma, trí năng tác động (active intellect) với chức năng quang minh nghĩa là trừu xuất giác ảnh (phantasm) và hiện thể hóa yếu tính trong giác ảnh. Active intellect nơi Tôma tương đương với illuminating intellect của Âu Tinh, hiện hữu ở nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa là thầy dạy, chiếu soi nhân loại bằng ánh sáng tâm linh như mặt trời soi chiếu mọi nơi trên trái đất.
Tri thức học Descartes
Trong tác phẩm Discourse on method (khảo luận về phương pháp), Descartes khởi đi từ thái độ hoài nghi những tri thức mà ông đã tiếp nhận do giác quan đem lại. Rốt cuộc ông chỉ còn một mình với tư duy của ông. Tôi tư duy (Cogito) và cogito đã trở thành khởi điểm triết học của ông. Chỉ còn cogito là chắc chắn nhất. Nhưng hoài nghi và chắc chắn là hai trạng thái chủ quan của tâm thức (mind) nên cái tư duy cũng trở thành chủ quan. Ông nói cái chắc chắn duy nhất là “tôi tư duy” và do cái tư duy đó mà tôi hiện hữu cogito ergo sum. Nên biết, cái tư duy theo Descartes không phải là đối tượng mà ông đang tư duy về, nhưng là chính tư duy tự thân, hành vi tư duy. Và “tôi tư duy”, cái “tôi” này ông đồng hóa với chính tư duy (thought) chứ không phải là cái tôi toàn diện, hồn xác.
Trong suy niệm II, ông viết “tôi là tâm thức… là trí năng” và trong suy niệm VI ông còn khẳng định rõ hơn: tôi thực sự khác biệt với thân xác tôi và tôi có thể hiện hữu mà không cần đến thân xác. Như thế ông xác tín rằng tri thức phải được đặt nền tảng trên một mình năng lực của tâm thức. Tâm thức và tôi là sự thể không trương độ (non extended thing) vì trương độ thuộc về bản chất của thân xác, là đặc tính tất yếu của thân xác. Bản chất của tâm thức là sự thể vô chất (immaterial thing). Bởi vậy cái tôi là sự thể suy tư vô chất (immaterial thinking thing), còn các ý tưởng (ideas) của nó là những hình thái hay cách thế tư duy (modes ways) không phải là bản thể. Tương quan giữa tâm thức và thân xác (mind body relation) đối với Descartes là phân biệt thực sự (real distinction). Theo Descartes, Thượng Đế có thể sáng tạo một bản thể tâm thức (mental substance) nguyên một mình nó mà không cần một bản thể thụ tạo nào khác (created substance). Do đó ông kết luận: tâm thức có thể hiện hữu không cần thân xác, và từ đó ông hoài nghi về sự hiện hữu của thân xác và về những gì ông tiếp nhận qua giác quan. Vì thế ông phải chứng minh sự hiện hữu của thân xác và cảm quan của nó.
Theo ông những gì ông tiếp nhận qua giác quan đều mang tính cách thụ động. Vậy phải có cái gì bên ngoài tạo nên cảm giác ấy. Cái bên ngoài đó chỉ có thể là Thiên Chúa, một hữu thể hoàn hảo, không lừa dối ông, khiến ông đi đến kết luận: có các sự vật tạo nên các cảm giác nơi ông. Ông chứng minh sự hiện hữu của thế giới bên ngoài dựa vào ý niệm nguyên nhân (cause) là những ý niệm bẩm sinh. Nhưng hồn xác phân biệt sâu sắc như vậy làm sao có thể tiếp thông với nhau để có được tri thức. Ông đã giải quyết bằng một giả thuyết hàm hồ được coi như một chuyện cười trong lịch sử triết học: có một loại hơi từ tuyến hình nón (pineal gland) tỏa ra trong não con người, tuyến này là điểm liên lạc duy nhất của thân xác được coi như một nhịp cầu tạo nên sự liên thông. Không ai chấp nhận lối giải quyết của ông nhưng lại dễ chấp nhận khởi điểm chủ quan của ông. Ông được mệnh danh thuộc chủ thuyết duy lý (rationalist – rationalism) đúng hơn là biểu tượng thuyết (representationism) vì tâm thức chỉ thụ động tiếp nhận từ thế giới ngoại tại do hai bản thể hoàn toàn khác biệt nhau. Về phương diện này, Âu tinh còn cho rằng, kinh nghiệm giác quan của bản thân còn đóng một vai trò nào đó trong tri thức mặc dù tri thức không bắt nguồn trực tiếp từ giác quan.
Tri thức học David Hume
Theo Hume tất cả nội dung tâm thức được xây dựng duy nhất dựa trên nền tảng kinh nghiệm giác quan. Ông phân biệt các ấn tượng (impressions) và các ý niệm (Ideas): nguyên vật liệu (original staff) của tư tưởng là ấn tượng và ý niệm chỉ là sự khác biệt của cấp độ sinh động (vividnen) của chúng. Mặc nhiên ông phủ nhận bản chất tinh thần của ý niệm và đặt nền tảng trên bản chất vật lý (physical nature). Tri giác sơ khởi là một ấn tượng như khi chúng ta nghe, nhìn, yêu, ghét hay ước muốn. Khi suy tư trên ấn tượng này, chúng ta có các ý niệm về chúng và các ý niệm này là bản sao kém sinh động hơn ấn tượng sơ khởi. Chẳng hạn, cảm thấy đau là một ấn tượng sơ khởi, nhớ lại cảm giác này là một ý niệm. Không có ấn tượng thì không có ý niệm. Tuy nhiên không phải ý niệm nào cũng phản ảnh một ấn tượng tương xứng. Chúng ta có ý niệm về một con ngựa bay nhưng trong thực tế không có con ngựa bay. Nhờ khả năng trí khôn có thể phối hợp các chất liệu do giác quan và kinh nghiệm cung cấp, trí tưởng tượng của chúng ta nối kết hai ý niệm là đôi cánh và con ngựa. Chúng ta có được ý niệm con ngựa bay.– Sự liên kết các ý niệm
Hume đề cập đến ba phương pháp nhờ đó chúng ta liên kết các ý niệm với nhau:
1) tương tự (resemblance),
2) kế cận thời gian và không gian (contiguity)
3) tính nhân quả (cause – effect).
Đối với Hume tính nhân quả là yếu tố trọng tâm của nhận thức, nhưng ông lại nghi ngờ về chính ý niệm nhân quả. Ông tiếp cận vấn đề bằng cách nêu câu hỏi: “Đâu là nguyên nhân cuả ý niệm nhân quả?”. Vì ý niệm là bản sao của các ấn tượng. Vậy ấn tượng nào cho chúng ta ý niệm nhân quả? Theo Hume không có ấn tượng nào tương ưng với ý niệm này (nhân quả). Do đó ông cho rằng ý niệm nhân quả phát sinh trong tâm thức khi chúng ta kinh nghiệm các mối tương quan giữa các sự vật. Như tương quan A – B trong bảng chữ cái chẳng hạn. Tương quan A – B có thể có ba loại:
1) tương quan kế cận (contiguity),
2) tương quan ưu tiên thời gian, A là nguyên nhân luôn đi trước B hiệu quả;
3) tương quan liên kết kiên định (constant conjunction): B luôn luôn theo sau A, nhưng giữa A và B có sự liên kết tất yếu không? Vì chúng ta không có ấn tượng về sự liên kết tất yếu, Hume cho rằng tính nhân quả không phải là một phẩm chất trong sự vật chúng ta quan sát. Đúng hơn, nó chỉ là một thói quen hay tập quán liên kết (a habit or custom of association) trong trí khôn do sự lập đi lập lại các trường hợp A và B. Như vậy nó là hiệu quả của tập quán chứ không phải do suy luận.
– Về bản thể
Hume phủ nhận sự tồn tại của bất cứ hình thức bản thể nào. Vì không có bản thể nào được rút ra từ các ấn tượng của cảm giác con người. Nếu nó được tri giác bởi mắt, nó phải là màu sắc, nếu bởi tai thì phải là âm thanh. Vì vậy chúng ta không có ý niệm về bản thể phân biệt với ý niệm về một tập hợp các phẩm chất đặc thù. Những sự vật mà các triết gia cổ đại gọi là bản thể thực tế chẳng là gì ngoài một tập hợp những ý tưởng đơn giản được thống nhất bằng tưởng tượng và được chỉ định bằng một tên gọi cụ thể. Mặc dù Hume không phủ nhận lý trí đóng một phần vai trò trong việc nhận thức nhưng lại phủ nhận tri thức có thể đạt được bằng lý trí đó.
– Hệ luận
1. Trí tuệ không có các ý niệm bẩm sinh. Hume muốn chống lại Descartes, trí tuệ cũng không có ý tưởng trừu tượng, ông muốn chống lại hoạt động trừu xuất của Aristote và Tôma Aquinô. Theo Hume chẳng có cơ năng nào chế ra tư tưởng trừu tượng vì làm sao có thể tưởng tượng hay hình dung một người không cao không thấp, không đen không trắng và làm sao trừu xuất một phẩm tính mà tự bản chất không thể tách rời chủ thể của nó như màu sắc tách khỏi diện tích (bảng đen). Đối với chúng ta, quả thực không thể hình dung một người không cao không thấp vì hình dung là một hình ảnh cụ thể nhưng tư tưởng thì không nhất thiết diễn tả một người cụ thể, do đó có thể diễn tả con người nói chung tức là yếu tính người. Cũng không thể tách rời một phẩm tính như màu sắc ra khỏi diện tích vì nó là phẩm tính khả giác cụ thể, nhưng cũng có thể nói về yếu tính màu sắc mà không phải hình dung mặt bằng (diện tích) có màu sắc.
2. Duy nghiệm giản lược tri thức thành tri giác, như thế tri thức chỉ còn tính thụ động tiếp nhận ấn tượng chứ không phải là hoạt động của chủ thể tri thức, tức trí tuệ. Duy nghiệm chỉ thấy vai trò của đối tượng trong tri thức mà không nhìn thấy vai trò của chủ thể là trí tuệ. Nói cách khác duy nghiệm chối bỏ mọi chủ động tính của trí tuệ và biến nhận thức thành một sự tiếp cận thụ động các ấn tượng.
Tri thức học Immanuel Kant
Nếu tri thức học Descartes dựa trên nguyên tắc nội tại (principle of immanence – cogito) và tri thức học của David Hume dựa trên nguyên lý kinh nghiệm (principle of experience) thì tri thức học I. Kant cố gắng tổng hợp hai nguyên lý đó, nhưng không đạt được sự tương ứng, bình đẳng, quân bình.Theo Kant tri thức con người là một tổng hợp các dữ kiện (data), ngoài tâm thức (mind). Chúng được coi là chất thể (matter) hay nội dung mà không có chúng cũng không có tri thức. Còn các mô thức tâm thức (form of mind) là những khuôn hình trống rỗng được đổ đầy bằng các dữ kiện đó, hình thành nên tri thức con người. Như thế tri thức phát sinh do sự đóng góp giữa những gì kinh nghiệm giác quan cung cấp và các mô thức hay phạm trù tâm thức có vai trò tổ chức hay cấu trúc những kinh nghiệm giác quan còn lộn xộn, hỗn mang. Phạm trù là những khái niệm thuần túy dùng để sắp xếp những kinh nghiệm giác quan bất tật, đặc thù (contigent, particular) để trở nên những quan niệm phổ quát, tất yếu như quan niệm nhân quả (cause) nơi sự vật mà theo Hume, nguyên nhân tính này chỉ là do thói quen lập đi lập lại những ấn tượng khả giác (bất tất) mà có được. Các mô thức hay phạm trù thì tiên thiên (a priori) có sẵn trong tâm thức, nhưng trống rỗng, không nội dung. Nội dung này do kinh nghiệm giác quan cung cấp.
Theo Kant các mô thức tiên thiên (a priori forms) của cảm giác tính (sensibility) là không gian và thời gian, còn các mô thức tiên thiên của sự hiểu biết (understanding-tư duy, lý luận) mà Kant gọi là các phạm trù hay quan niệm thì có nhiệm vụ thống nhất các tri giác giác quan (sense perception), hình thành những quan niệm phổ quát, tất yếu như quan niệm nguyên nhân tính chẳng hạn.
Tuy nhiên các nguyên nhân tính này, đối với Kant chỉ có giá trị trong thế giới hiện tượng nghĩa là thuộc phạm vi kinh nghiệm giác quan, còn đối với thế giới tự thân (noumenon – things in themselves) vượt khỏi lãnh vực kinh nghiệm khả giác thì tri thức con người không thể biết được: như Thiên Chúa, linh hồn, tự do.). Đó là lý do, theo Kant, chúng ta không thể chứng minh được sự hiện hữu của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa vượt trên kinh nghiệm giác quan (sense experience). Nhưng như thế không có nghĩa là Kant chủ trương vô thần. Theo ông, Thiên Chúa là “định đề hay nguyên lý cơ bản của lý trí thực tiễn (practical reason). Và có thể đạt tới bằng mệnh lệnh luân lý dứt khoát (moral categorical imperatives): phải làm cái này, phải tránh cái kia, chúng tiên thiên nhưng có nội dung khả giác vì những con người cảm nhận những mệnh lệnh đó cũng khả giác.
Ngoài tên gọi “duy tâm siêu nghiệm” (transcendental idealism) như Kant tự đặt cho học thuyết của mình, dựa trên những gì đã trình bày, người ta có thể gọi ông thuộc chủ thuyết hiện tượng bất khả tri (agnostic phenomenalism).
Tri thức duy vật biện chứng của Marx
Đối với Hegel (1770 – 1831) sự vật chúng ta nhìn thấy quanh ta chỉ là những cách diễn tả các ý niệm. Chẳng hạn: người này diễn tả ý niệm người; chiếc bàn này diễn tả ý niệm chiếc bàn. Ý niệm đơn giản nhất là ý niệm hữu thể, nhưng ý niệm hữu thể bị phủ nhận bởi ý tưởng đối lập là vô hữu (non – being). Hai ý tưởng trung hòa (neutralize) làm mất tác dụng của nhau và từ đó nảy sinh một tổng hợp mới là ý niệm chuyển thành (becoming). Chủ ý của ông là phủ nhận thực tại bền vững vì thực tại chuyển thành mang ý nghĩa thay đổi, nhất thời. Như vậy những ý niệm bất biến và vĩnh cửu như Thiên Chúa là vô nghĩa. Người ta gọi học thuyết Hegel là duy tâm biện chứng (dialectical idealism).
Trong bối cảnh đó, Marx lật ngược học thuyết Hegel để trở thành duy vật biện chứng (dialectical materialism) hay duy vật lịch sử (historial materialism) nghĩa là tất cả lịch sử bị qui định bởi cơ cấu kinh tế xã hội, nghĩa là bởi hệ thống sản xuất, phân phối và trao đổi hàng hóa.
Duy vật biện chứng giản lược mọi sự vào vật chất. Yếu tố biện chứng muốn nói lên duy vật mang tính cách khoa học chứ không thô thiển (crass) và cùng với ảnh hưởng Feuerbach, Marx cũng đi đến vô thần triệt để. Marx cho rằng Hegel đã khám phá trong biện chứng bí quyết của thực tại, nhưng thay vì đặt thực tại vào ý tưởng (ideas), Marx đảo ngược lại và cho rằng, ý tưởng chỉ là phản ảnh của vật chất, một thực tại khách quan. Vật chất là thực tại duy nhất, và biện chứng là lực nội tại của tiến trình tiến hóa vật chất (dialectics is the inner force of progress in volution of matter).
Theo duy vật biện chứng, tinh thần hay ý thức (spirit – consciousness) là sản phẩm hay chức năng của bộ óc và tri thức (cognition) diễn ra như một thực tại khách quan được phản ánh hay sao chép (reflected – copied) trên ý thức. Lý thuyết này được gọi là lý thuyết phản ánh hay sao chép (theory of reflection – copy theory). Trong tri thức học Marx, cái mà Kant gọi là nội dung cảm giác hay giác quan (sensory content) không chỉ là phản ánh của thế giới khách quan trên ý thức mà cả mô thức tư duy (form of thinking) cũng phản ánh thế giới khách quan. Còn theo Marx, tri thức không chỉ phản ánh thế giới khách quan mà còn phải được biện minh qua thực hành nữa. Diễn tiến như sau: tri thức diễn tiến từ tri thức giác quan tới tri thức lý tính (rational, logical cognition) tới thực hành (practical).
Đối với Kant, tri thức diễn ra khi chủ thể tổng hợp (synthesize) đối tượng nhưng không thể tri thức được sự vật tự thân (things in themselves) phía sau hiện tượng, như thế có nghĩa là một chủ trương bất khả tri. Trái lại Marx quả quyết rằng yếu tính của sự vật chỉ có thể nhận biết được qua hiện tượng và sự vật được nhận biết đầy đủ qua thực hành: như thế là phủ nhận (negating) sự hiện hữu của sự vật tự thân tách khỏi hiện tượng tri thức duy vật biện chứng đặt ưu tiên trên yếu tố thực hành nên tri thức không thể tách rời thực hành. Trong các loại thực hành thì cách mạng được coi là hình thức tối thượng của thực hành (supreme form of practice). Theo Marx chân lý là cái phản ánh thực tại khách quan cách chính xác (truth is what reflects objective reality correctly) và thực hành là tiêu chuẩn chân lý.
Trong tri thức học, phương pháp siêu nghiệm của Kant khác phương pháp biện chứng của Marx và đối với Kant nội dung là tất cả các yếu tố đến từ thế giới ngoại tại và các mô thức tiên thiên thuộc sở hữu cố hữu của chủ thể. Nghĩa là nội dung thì thuộc về đối tượng, còn mô thức thì thuộc về chủ thể. Trái lại, theo Marx, cả nội dung và mô thức đều thuộc về đối tượng của thế giới ngoại tại và ý thức của chủ thể chỉ là phản ánh chúng mà thôi.
Tóm lại, do đồng hóa tương quan xã hội vào tương quan kinh tế mà Marx coi tri thức và các giá trị của con người lệ thuộc vào sự phát triển của các lực lượng sản xuất và coi chúng như sản phẩm phụ (by product) của động thái kinh tế con người mà thôi.
Tri thức hiện tượng luận
Muốn hiểu hiện tượng luận, đòi hỏi một sự chuyển đổi cách nhìn. Hiện tượng ở đây không phải là những vẻ bề ngoài, trái với hiện thực tự thể. Cũng không phải hiện thượng theo nghĩa của I. Kant thuộc lãnh vực kinh nghiệm khả giác, là nội dung của tri thức trí tuệ, khác biệt thế giới sự vật tự thân (things in themselves) mà lý trí con người không thể tiếp cận được.
Vấn đề hiện tượng luận quan tâm là làm sao vượt qua khoảng cách hiển nhiên giữa chủ thể tri thức và đối tượng bị tri theo chủ trương của thuyết duy tâm và duy nghiệm. Nếu con người chỉ tiếp cận với ý niệm về thế giới mà không đạt tới chính thế giới hay chỉ quan tâm tới những ấn tượng giác quan, không quan tâm tới đối tượng có ý nghĩa (object as meant) thì sao có thể gọi là tri thức đích thực.
Vì thế hiện tượng luận nhấn mạnh cần tái định hướng bằng khẩu hiệu “đạt tới chính sự vật” để vũ trụ và con người luôn có sự tiếp thông và khai mở. Không lạ gì có lần Husserl đã gọi chủ thuyết của ông là duy thực đích thực (genuine realism) với ý định là trở về với chính sự vật (return to the things themselves) hay trở về với kinh nghiệm (return to experience). Như thế hiện tượng luận chẳng phải là khoa học về đối tượng cũng chẳng phải khoa học về chủ thể. Nó là khoa học về kinh nghiệm nhưng cũng không phải hoàn toàn là kinh nghiệm của đối tượng hay chủ thể mà là ở chỗ giao lưu hữu thể và ý thức gặp nhau. Do đó nó được gọi là môn nghiên cứu về ý thức với tư cách ý hướng tính hướng về đối tượng. Tôi nghe một âm thanh đồng nghĩa với tôi hòa mình trong âm thanh đó, nghĩa là ý thức về việc nghe âm thanh và mặc nhiên ý thức về đối tượng được hướng tới vì không có ý thức nghe mà không ý thức nghe một cái gì. Ý thức bao giờ cũng phải là ý thức về một cái gì là thế. Chủ thể (noesis) và đối tượng (noema) được nghiên cứu trong sự tương liên dựa trên mỗi cấp độ kinh nghiệm đến tận cơ cấu nền tảng của kinh nghiệm ý thức.
Sự đóng góp quan trọng của Heidegger cho hiện tượng luận là ý niệm kinh nghiệm thế giới notion of experience of the world), nó không chỉ là ý thức ý hướng như Husserl nhưng là hữu tại thế Dasein (being on the world) quyện lại như một toàn khối duy nhất (unitary whole). Đối với ông ý thức phản tỉnh hay phán đoán quan trọng đấy, nhưng vẫn phải quay về với những cơ cấu tiền phản tỉnh, tiền luận lý (pre-logical) là những nguồn mạch của kinh nghiệm có trước mọi tư tưởng về kinh nghiệm.
Trong Sein und Zeit (being in time). Ông phác họa một sự tìm kiếm các phạm trù tiên thiên mà ông gọi là phạm trù hiện sinh (existential category). Đó không phải là phạm trù Aristote, cũng không phải phạm trù phán đoán siêu nghiệm của Kant. Phạm trù của Heidegger là những phạm trù tìm xác định hiện hữu con người xét như con người, có khả năng kinh nghiệm và khả năng suy tư về thế giới. Con người tri thức không phải chỉ qua luận lý mà còn phải thiết lập nền tảng kinh nghiệm. Chính bởi hành động và trong hành động mà con người có khả năng tri thức: không giống như nhà luận lý nghiên cứu các điều kiện của một phán đoán đúng, hay một nhà khoa học thắc mắc sự kiện này đúng hay không. Nhà hiện tượng luận sẽ đặt vấn nạn ý nghĩa của vấn đề chúng ta có trong óc khi phán đoán. có ý nghĩa gì. Hiện tượng luận không bao giờ tìm kiếm các sự kiện trong hay ngoài nhưng hướng chú ý về thực tại trong ý thức, trên những đối tượng xét như chúng được hướng tới bởi và trong ý thức, điều mà Husserl gọi là những yếu tính lý tưởng (ideal essences).
Tóm lại hiện tượng theo hiện tượng luận là cái bộc lộ chính mình, tức khắc trước ý thức, được nắm bắt bằng một trực giác đi trước bất cứ một phản tỉnh hay phán đoán nào. Nó là cái bộc lộ chính mình, trao ban chính mình (donné-en-soi). Selbstgebung là ý hướng thuần khiết của ý thức là đối tượng ý hướng của ý thức.
– Chân lý hiện tượng luận
Chân lý là khai mở (disclosure Aleteia). Bản chất của Dasein là khai mở. Hiểu theo nghĩa căn bản nhất, chân lý thuộc về cấu trúc nền tảng của Dasein. Khi có sự hiện diện của Dasein thì mới có chân lý. Chân lý tương tự như các định luật Newton. Trước khi có các định luật mang tên ông, người ta không nói các định luật ấy đúng hay sai, điều muốn nói là chỉ qua Newton, chúng mới đạt được sự khai mở, nghĩa là chúng chỉ đúng trong sự khai mở hay khám phá. Nhưng cũng từ suy nghĩ này Heidegger phủ nhận mọi ý niệm về những chân lý vĩnh cửu (có sẵn trước). Ông cho rằng trước khi có con người và khi không còn con người nữa, vấn đề chân lý không hề được đặt ra. Chân lý không ở ngoài hay trên ta. Chân lý đồng nhất với ta.
Cũng theo Heidegger, có chân lý chân thực và chân lý sa đọa, không chân thực.
Chân lý chân thực là của người, của kinh nghiệm Dasein, không có một mệnh đề nào có thể nói lên được. Chân lý sa đọa hay không chân thực là chân lý khả dụng. Con người đến với sự vật, sử dụng sự vật để phát triển và tồn tại. Đồng thời con người là sinh vật có ngôn ngữ. Ngôn ngữ là nơi trú ẩn của chân lý, dần dần ngôn ngữ thay thế cho bản chất chân lý. Nó mang tính chất khả dụng, không thuần khiết nên gọi là sa đọa.
Heidegger không phủ nhận chân lý là sự tương ứng giữa trí năng và sự vật nhưng ông cho rằng, người ta đã giải thích sai định nghĩa đó khi cho rằng trí tuệ không thể sai lầm (trí năng thần linh) và cho phán đoán là chân lý. Vì thế cần phải tìm hiểu thế nào sự vật, thế là là trí tuệ con người, và thế nào là tương hợp (adoequatio).
Tri thức học thánh Tôma Aquinô sẽ giúp làm sáng tỏ vấn đề.