Thánh Tôma Aquinô Và Việc Phê Phán Giáo Phẩm
Vũ Văn An
Có lẽ qúy độc giả đã đọc hay nghe nói việc Thánh Tôma cho rằng ta có thể sửa lỗi các giám mục, ngay cả ở nơi công cộng.
Nhưng hình như nhiều người chưa đọc hết những gì Tiến Sĩ Thiên Thần nói về đề tài này. Phần lớn chỉ trích lời của ngài cho rằng: “khi đức tin bị đe dọa, một bày dưới có nhiệm vụ khiển trách giáo phẩm của mình ngay cả ở nơi công cộng”.
Nơi công cộng vào thời buổi IPAD này đương nhiên bao gồm các blogs, facebooks, twitters… và những người tạm gọi là “chuyển sĩ trực tuyến” chuyên môn “forward” bất cứ những thông tin nào nhận được trên trực tuyến. Những chuyển sĩ này hiện nay mọc ra như nấm, hành động bất cần “nhạy cảm” người đọc mà vẫn cứ tưởng là mình thực hiện việc lành cùng mình.
Tuy nhiên, phần lớn dừng lại ở câu trích trên mà không tìm hiểu thêm xem thực ra Tiến Sĩ Thiên Thần nói gì về vấn đề quan yếu này. Điều này cũng dễ hiểu vì dúi mũi vào những cuốn sách dầy cộm khô khan như Summa của Thánh Tôma quả chả thú vị chi. Nhưng nếu muốn trở thành các nhân chứng thánh thiện của đức tin, việc tìm đọc cuốn sách này gần như là một đòi hỏi tuyệt đối chứ không hẳn chỉ đọc các nhận định của người Công Giáo về các biến cố đương thời. Hiện ở ngoài kia đang có nhiều xáo trộn bất ổn và đầy nguy cơ đối với những linh hồn khiêm hạ mưu tìm thánh thiện và nhân đức. Một trong những nguy cơ đó là “trò chơi” đánh phá các giám mục. Phaolô quả có khiển trách Phêrô, nhưng chỉ có một lần chứ không phải hàng ngày.
Nếu bạn cho rằng hàng giám mục ngày nay bị vây khốn bởi các vấn nạn nhiều hơn hàng giám mục của các thế kỷ qua, thì quả bạn chưa hiểu lịch sử Giáo Hội bao nhiêu. Chỉ có điều, cách nay mấy thập niên thôi, cần đến cả mấy tuần hay mấy tháng ta mới biết được Đức Giáo Hoàng nói gì và cũng chỉ thỉnh thoảng lắm một điều gì đó mới được suy đoán là đáng để phổ biến công khai. Nay thì, theo lời nói đùa của một nhà báo Công Giáo, Đức Cha khó có thể ợ hơi mà không bị mấy con “chim chiêm chiếp” (tweet) kể cho người khác nghe! Một linh mục Công Giáo thì nhận định: hẳn ai cũng thấy các vị giáo hoàng hồi đó làm hay nói nhiều điều kỳ cục khiến ta bị xúc phạm nếu kỹ thuật ta có hiện nay đã có từ hồi đó.
VẬY THỬ HỎI THỰC SỰ THÁNH TÔMA NÓI GÌ?
Sau khi giải thích rằng vì công bằng ta có thể khiển trách một giáo phẩm, Thánh Tôma bảo ta chỉ nên làm thế như một hành vi bác ái. Ngài viết: “… một hành vi nhân đức cần phải có chừng mực theo hoàn cảnh thích đáng, do đó, khi một bề tôi chỉnh sửa vị giáo phẩm của mình, họ nên thực hiện việc đó một cách thích hợp, không nên láo xược và thô bạo, nhưng hòa nhã và kính trọng. Bởi thế Thánh Tông Đồ từng dạy (1Tm 5:1) rằng: “đừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha”. Chính vì thế, Dionysius đã bắt lỗi đan sĩ Demophilus (Ep.viii) vì đã khiển trách 1 linh mục cách xấc láo, bằng cách đánh và đuổi ngài ra khỏi nhà thờ”.Thánh Tôma muốn nói với ta rằng ta có thể dùng lưỡi kiếm miệng ta để giết một linh mục! Ta phải chỉnh sửa ngài bằng một chỉnh sửa đầy tình huynh đệ, nhưng không được hành xử theo cách của ta, mà đúng hơn, phải theo cách của Chúa. Điều này hiển nhiên không bao gồm việc nhạo báng các giám mục, và biến các ngài thành bia cho những bông đùa và nhận định bất kính, dù ta tin là các ngài sai lầm.
Hẳn ai cũng đã đọc câu truyện Vua Đavít ra lệnh giết người thanh niên A-ma-lếch vì đã nhận là người giết Vua Sa-un, dù Sa-un là người muốn lấy mạng Đavít. Khi nghe người thanh niên kể công giết Sa-un, Đavít xé áo mình và ra lệnh giết anh ta, vì cho rằng: “máu ngươi đổ xuống đầu ngươi, vì chính miệng ngươi đã cáo tội ngươi, khi ngươi nói: ‘chính tôi đã kết liễu cuộc đời của người Chúa đã xức dầu tấn phong’” (2Sm 1:16).
Như quí bạn từng đọc cuộc đời của Vua Sa-un trong Cựu Ước: ông ta chẳng thánh thiện gì, nhưng ông ta là người Thiên Chúa đã xức dầu tấn phong.
Trở lại với việc Thánh Tôma nói về chuyện sửa lỗi các giáo phẩm vì tình anh em, khi trả lời cho Phản Bác số 2 tức việc Thánh Phaolô khiển trách Thánh Phêrô, ngài viết rằng: “Chống lại bất cứ ai nơi công cộng cũng đi quá phương thức sửa dạy anh em, và do đó, có lẽ Thánh Phaolô đã không chống lại Thánh Phêrô lúc ấy, nếu ngài không phải là người ngang hàng của Thánh Phêrô trong việc bênh vực đức tin. Còn ai không phải là người ngang hàng thì nên quở trách nơi tư riêng và một cách tôn kính. Bởi thế, Thánh Tông Đồ, khi viết cho tín hữu Côlôxê (4:17) đã bảo họ nên quở trách vị giáo chủ của họ như sau: ‘hãy nói với Ác-khip-pô rằng: hãy lưu tâm đến chức vụ Chúa đã trao phó cho anh, và lo chu toàn’”. Tuy nhiên, phải tuân thủ điều này nếu đức tin bị lâm nguy, một bề dưới phải khiển trách vị giáo phẩm của mình dù là ở nơi công cộng. Do đó, Thánh Phaoloô, vốn là bề dưới của Thánh Phêrô, đã khiển trách ngài nơi công cộng, vì có nguy cơ sắp xẩy ra gương mù gương xấu liên quan tới đức tin, và như lời chú giải của Thánh Augustinô về câu Galát 2:11, ‘Thánh Phêrô làm gương cho các vị bề trên ở điểm, nếu bất cứ lúc nào mình lạc xa nẻo đường chính trực, thì không nên coi khinh lời quở trách của kẻ bề dưới”.
Đoạn trên đây thường hay bị trích dẫn biệt lập, không đặt nó vào ngữ cảnh đầy đủ. Thực ra, khi trả lời cho Phản Bác số 1, là phản bác dựa vào Xuất Hành 19:12 chủ trương rằng không nên chỉnh sửa một giáo phẩm, Thánh Tôma giải thích rõ và nhấn mạnh đến một phân biệt: “Xem ra một bề dưới đã đụng tới vị giáo phẩm của họ một cách quá quắt, khi họ trách mắng ngài một cách xấc láo, cũng như khi nói xấu về ngài: và điều này có dấu chỉ nơi việc Thiên Chúa kết án những người dám đụng tới ngựa và hòm bia”.
Tóm lại câu trả lời chính của Thánh Tôma là ở Điều 4: “khi một bề tôi chỉnh sửa vị giáo phẩm của mình, họ nên thực hiện việc đó một cách thích hợp, không nên láo xược và thô bạo, nhưng hòa nhã và kính trọng”.
Không ai không ủng hộ lời phê phán một giáo phẩm mà vẫn tôn kính chức vụ của ngài. Thường những lời phê phán loại này có giọng bình thản, tránh không mày tao, thằng này thằng nọ, xếch mé đặt tên hoặc châm chọc làm bẽ mặt cho vui. Những phê phán này thường dựa vào lý lẽ, không hẳn chỉ là lý lẽ của độc giả, mà là của chính vị giám mục, chứ không nhằm gây xúc động, xúc cảm, nhất là khích động. Như một số những chỉ trích đối với hàng giám mục Việt Nam trong các năm sôi động gần đây của lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Tác giả của những chỉ trích “ad hominem” (nhằm vào người hơn là nhằm lý lẽ) đầy hận thù, láo xược này có khi là những vị có cả học vị tiến sĩ, nhà văn, nhà báo,trí thức đầy mình. Gần đây, vì lý do chính trị đảng phái, lại đang xuất hiện một hình thức phê phán gay gắt kiểu này. Đây không phải là lối sửa dạy anh em của Kitô Giáo, được các Thánh Phaolô hay Thánh Tôma Tiến Sĩ truyền dạy. Người ngoài phê phán như thế còn chấp nhận được, người tự xưng là “con chiên” mà phê phán kiều này, thì chỉ có thể gọi là “con chiên ghẻ”.
CÂU HỎI SỐ 33: SỬA DẠY ANH EM
Tưởng nhân dịp này, cũng nên trình bày khái quát Câu Hỏi 33 trong Summa của Thánh Tôma Tiến Sĩ nói về việc sửa dạy anh em. Vấn đề này được Thánh Tiến Sĩ thảo luận dưới 8 câu hỏi sau đây:
1. Sửa dạy anh em có phải là hành vi bác ái không?
2. Nó có phải là một vấn đề thuộc giới luật hay không?
3. Giới luật này có buộc mọi người hay chỉ các bề trên thôi?
4. Giới luật này có buộc bề dưới sửa dạy bề trên không?
5. Người tội lỗi có được sửa dạy bất cứ ai không?
6. Có nên sửa dạy một người có cơ trở nên xấu hơn vì bị sửa dạy hay không?
7. Việc sửa dạy kín đáo có nên đi trước việc tố giác chăng?
8. Có nên mời nhân chứng trước khi tố giác không?
Theo Thánh Tôma, sửa dạy một người làm sai là một hành vi làm phúc thiêng liêng, mà làm phúc là việc bác ái, nên việc anh em sửa dạy nhau là một hành vi bác ái.
Đối với câu hỏi thứ hai, dựa vào lời Thánh Augustinô trong De Verb.Dom. XVI, 4 dạy rằng: “bạn sẽ trở nên xấu hơn kẻ phạm tội nếu bạn không chịu sửa dạy họ”. Nhưng trở nên xấu hơn sao được nếu điều đó không phải là vì đã bỏ sót không tuân giữ một giới luật. Thành thử sửa dạy anh em là một giới luật.
Thánh Tôma dựa vào văn kiện gọi là Dist. xxiv, qu. 3, Can. Tam Sacerdotes, để quả quyết rằng: “Cả các linh mục lẫn mọi giáo dân đều phải hết sức quan tâm tới những người hư hỏng, để những lời quở mắng của các vị một là sửa sai được đường lối tội lỗi của họ hai là nếu họ bất trị, thì loại họ ra khỏi Giáo Hội”. Tóm lại, sửa dạy anh em là giới luật buộc mọi tín hữu.
Về câu hỏi thứ tư, dựa vào lời Thánh Augustinô dạy trong Lề Luật của ngài rằng: “Hãy tỏ lòng thương xót không phải cho chính anh em, mà còn cả cho người, vì ở địa vị cao hơn anh em, nên gặp nguy hiểm hơn anh em”, Thánh Tôma cho rằng sửa dạy anh em là một việc thương xót, nên cả các giáo phẩm cũng cần được sửa dạy. Về điểm này, Thánh Tôma nhấn mạnh, lúc trả lời Phản Bác số 3, rằng “khi một người quở trách vị giáo phẩm của mình theo tinh thần bác ái, điều này không có nghĩa họ nghĩ họ tốt lành gì hơn, nhưng chỉ là vì họ muốn giúp đỡ một người “vì ở địa vị cao hơn anh em, nên gặp nguy hiểm hơn anh em” mà thôi.
Đối với câu hỏi thứ năm, dựa vào lời Thánh Isidore dạy trong De Summo Bono iii, 32 rằng: “ai có tội không nên sửa dạy tội người khác”, và dựa vào lời khuyên của Thư Rôma 2:1: “khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình”, Thánh Tôma rõ ràng không muốn để kẻ tội lỗi sửa dạy bất cứ ai khác, huống hồ là các đấng bề trên. Đây là điều nhiều người cần tra vấn lương tâm trước khi lớn tiếng “sửa dạy” người khác. Thời đại blog ngày nay xuất hiện nhiều bậc thầy “đại đức” hơn bất cứ thời đại nào, mặc dù “tiểu đức” không những không có mà còn ở mức “âm đức” nữa. Thánh Tôma nhắc lại câu Mátthêu 7:3: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” và câu tiếp Mt 7:5: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em”.
Ngài trích dẫn lời Thánh Gioan Kim Khẩu nói về những người này trong Hom. xvii rằng: điều họ muốn không phải là sự cứu rỗi người khác mà là họ muốn dùng lời giáo huấn tốt che dấu hành vi tồi bại của họ, để được người đời ca ngợi sự thông biết của mình!
Thánh Tôma trả lời câu hỏi thứ sáu bằng cách dựa vào Sách Châm Ngôn (9:8): “Đừng khiển trách đứa ngoan cố kẻo nó thù ghét con” và lời chú giải về câu này “bạn không nên sợ kẻ ngoan cố nhục mạ bạn khi bạn quở mắng nó, đúng hơn, bạn nên nhớ rằng khi làm nó ghét bạn, bạn có thể khiến nó ra tệ hơn”, để cho rằng: đừng nên sửa dạy anh em khi ta sợ rằng có thể vì thế mà khiến người kia thành xấu hơn.
Tuy nhiên, ở đây, Thánh Tôma lưu ý điều này: việc sửa dạy nhằm vào công ích thì có khác, nó có tính cưỡng chế (coercive), không được bỏ qua. Một là vì nếu kẻ xấu không muốn tự ý sửa sai, thì cũng có thể ngưng không phạm sai lầm nữa vì bị trừng phạt, hai là nếu họ bất trị, thì công ích vẫn được duy trì ở điểm người khác bị ngăn chặn bởi gương bị sửa phạt kia. Do đó, vị thẩm phán không được từ chối kết tội một tội phạm vì sợ làm phật lòng họ hay bè bạn họ.
Còn hình thức sửa phạt không có tính cưỡng bách, mà chỉ có tính khuyên răn, thì không nên đưa ra nếu thấy kẻ bị sửa phạt có cơ trở nên xấu hơn.
Thánh Tôma không ngại đụng đến việc tố giác ở câu hỏi số 7. Có nên tố giác hay không? Theo Mátthêu 18:15, chỉ nên “quở trách họ giữa bạn và họ mà thôi” để như bình luận của Thánh Augustinô trong De Verb. Dom. xvi, 4: “Nhằm tu sửa họ chứ không nhằm làm họ bẽ mặt: bởi nếu bị bẽ mặt, họ có thể ra sức bào chữa tội lỗi mình; thành thử thay vì làm họ tốt hơn, bạn có thể làm họ ra xấu hơn”.
Nhưng Thánh Tôma phân biệt hai thứ tội: tội công khai và tội bí mật. Tội công khai thì phải tố giác, nếu không, sẽ gây gương mù gương xấu cho người khác như lời Thánh Tông Đồ trong 1Tim 5:29: “Những ai phạm tội, anh hãy khiển trách trước mặt mọi người, để những kẻ khác phải sợ”. Còn tội bí mật thì phải theo lời Chúa khuyên trong Mátthêu 18:15: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi”. Nhưng đó là tội bí mật chỉ đụng đến tội nhân và bạn mà thôi. Chứ tội bí mật mà đụng đến công chúng như âm mưu phản bội đất nước chẳng hạn, thì Thánh Tôma dạy vẫn phải tố giác.
Sau cùng là trước khi tố giác, cần gọi tới nhân chứng, như lời Chúa trong Mátthêu 18:16: “Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân”. Thánh Tôma coi đây là biện pháp trung dung giữa hai đối cực: một là sửa dạy kín đáo hai là tố giác với Giáo Hội. Các nhân chứng này có thể giúp đỡ mà không gây trở ngại, giúp kẻ sai lầm sửa chữa mà không bị mất mặt đối với công chúng.