**************
"Người bị liệt vào hàng phạm nhân." (Is 53,12)
Đức Kitô đã bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp, và điều này xuất phát từ hai ý định khác nhau: một từ phía người Do Thái và một từ ý định quan phòng của Thiên Chúa.
1/ Xét về ý định của người Do Thái. Thánh Gioan Kim Khẩu nhận xét: "Họ đóng đinh hai tên trộm cướp, một bên phải và một bên trái, để Người bị coi là đồng phạm với chúng. Nhưng điều đó không xảy ra, bởi vì không ai nhắc đến hai tên cướp, trong khi thập giá của Người được tôn vinh khắp nơi. Các vua chúa dã bỏ vương miện để cầm lấy thập giá. Trên áo choàng màu tía, trên vương miện, trên binh khí, và trên bàn thờ thánh hiến, ở khắp mọi nơi, thập giá tỏa sáng."./ Xét về ý định của Thiên Chúa. Thánh Giêrônimô nói: "Như Đức Kitô đã trở nên bị nguyền rủa vì thập giá vì chúng ta, thì Người cũng vì ơn cứu độ của chúng ta mà bị đóng đinh như một kẻ tội phạm giữa những kẻ tội phạm."
2/ Về ý nghĩa biểu tượng trong Cuộc Thương Khó. Đức Giáo Hoàng Lêô nhận xét trong một bài giảng về Cuộc Thương Khó: "Hai tên trộm cướp bị đóng đinh, một bên phải, một bên trái, để bày tỏ ngay từ hình ảnh của thập giá sự phân rẽ giữa tất cả mọi người, điều sẽ xảy ra trong giờ phán xét của Người." Thánh Augustinô thêm: "Thập giá chính là ngai xét xử; vì thẩm phán ngồi giữa, một người tin thì được cứu, kẻ nhạo báng thì bị kết án. Người đã báo trước những gì sẽ làm với kẻ sống và kẻ chết: đặt một số bên phải, và số khác bên trái."
3/ Về sự phân chia giữa tín hữu và kẻ không tin. Theo thánh Hilariô: "Hai tên trộm được đặt, một bên phải và một bên trái, để cho thấy rằng toàn thể nhân loại được mời gọi đến với mầu nhiệm Cuộc Thương Khó của Người. Nhưng vì sự chia rẽ giữa người tin và kẻ không tin, nhân loại được phân thành bên phải và bên trái; những người ở bên phải được cứu bởi sự công chính hóa nhờ đức tin."
4/ Về ý nghĩa thực hành cho người tín hữu. Thánh Bêđa giải thích: "Những tên trộm bị đóng đinh với Chúa chúng ta tượng trưng cho những ai, tin tưởng và tuyên xưng Đức Kitô, hoặc chịu đựng cuộc chiến tử đạo hoặc tuân giữ lề luật một cách nghiêm ngặt hơn. Những người làm điều đó vì vinh quang vĩnh cửu được biểu tượng qua đức tin của tên trộm bên phải; trong khi những kẻ làm điều đó vì sự tán dương của con người thì noi gương tâm trí và hành động của tên trộm bên trái."
Cũng giống như Đức Kitô không bị bắt buộc phải chết, nhưng tự nguyện đón nhận cái chết để chiến thắng sự chết bằng quyền năng của Người, thì Người cũng không đáng bị coi là đồng phạm với kẻ trộm cướp, nhưng đã muốn bị liệt vào hàng tội nhân để tiêu diệt tội lỗi bằng quyền năng của Người. Vì thế, Thánh Gioan Kim Khẩu nói: "Việc biến đổi tên trộm trên thập giá và dẫn đưa hắn vào thiên đàng còn kỳ diệu hơn cả việc làm rung chuyển đất đá."
(III, q. 46, a. 11)