Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Suy niệm Mùa Chay với Thánh Tôma Aquinô - Tuần I - Thứ Tư

Văn phòng Học Viện
2025-03-11 19:48 UTC+7 483
Nguyên tác: Denis Mezard O.P., "Medulla S. Thomae Aquinatis per omnes anni liturgici dies distributa seu meditationes ex operibus S. Thomae depromptae" (Lethielleux Paris, 1906). Bản dịch Anh ngữ: "Saint Thomas Aquinas meditations for every day" (Columbus Ohio, 1938). Bản dịch Việt ngữ: "Suy niệm Mùa Chay với Thánh Tôma Aquinô" do Học Viện Đa Minh (2025).

xem MỤC LỤC NỘI DUNG

**************

Thứ Tư - Tuần I Mùa Chay

ĐAU KHỔ CỦA ĐỨC KITÔ TRONG CUỘC THƯƠNG KHÓ LỚN HƠN MỌI NỖI ĐAU KHÁC

"Hỡi mọi người qua đường, hãy nhìn xem: có nỗi đau nào giống như nỗi đau của Tôi không?" (Ai Ca 1,12)

Đức Kitô đã chịu đựng nỗi đau thực sự và hữu hình, gồm nỗi đau bên ngoài: do những tổn thương gây ra cho thân xác.; và nỗi đau bên trong: do sự cảm nhận về những điều gây tổn hại, được gọi là “nỗi buồn.” Trong Đức Kitô, cả hai nỗi đau này đều đạt đến mức lớn nhất trong cuộc đời dương thế, và điều này xuất phát từ bốn lý do:

1/ Những nguyên nhân gây ra đau khổ:

a)       Nỗi đau thể lý: đến từ những vết thương trên thân xác Người. Nỗi đau này trở nên cay đắng hơn do:

Mức độ đau đớn: bởi vì cái chết trên thập giá là hình thức cực kỳ đau đớn, khi các phần thần kinh và rất nhạy cảm như tay và chân bị đâm thủng.

Tăng cường độ đau: bởi sức nặng của thân thể treo lơ lửng.

Thời gian kéo dài: vì người bị đóng đinh không chết ngay, như những người bị giết bằng gươm.

b)       Nỗi đau nội tâm: có ba nguyên nhân:

Tất cả mọi tội lỗi của nhân loại: mà Người đã đền thay qua sự chịu đau khổ. Vì vậy, Người như thể nhận tội vào mình, nói rằng: "Lời than của những tội của con." (Tv 21,2).

Sự sa ngã của dân Do thái và những người khác phạm tội trong cái chết của Người, đặc biệt là các Tông Đồ, những người đã vấp phạm vì Cuộc Thương Khó của Người.

Sự mất mát mạng sống thể xác: điều vốn tự nhiên làm kinh hoàng bản tính con người.

2/ Độ sâu của đau khổ cũng có thể đo lường từ sự nhạy cảm của nạn nhân, xét từ thân xác và linh hồn:

- Thân xác của Đức Kitô được tạo dựng một cách hoàn hảo nhất nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, nên các giác quan của Người, đặc biệt là xúc giác – giác quan cảm nhận đau đớn – trở nên nhạy bén hơn cả.

- Linh hồn của Người, nhờ sức mạnh nội tại, đã cảm nhận sâu sắc tất cả các nguyên nhân gây buồn đau.

3/ Trương độ của nỗi đau của Người,  khi biết rằng nỗi đau buồn không hề được thuyên giảm. Ở những người khác, nỗi buồn nội tâm  và kể cả nỗi đau thể lý, được giảm bớt bởi một vài động lực hữu lý hoặc nhờ sự an ủi từ các quan năng cao hơn của linh hồn. Nhưng Đức Kitô, như Thánh Gioan Đamascênô nói, "đã để cho mọi năng lực của Người thực hiện đúng chức năng của nó," nên Người cảm nhận nỗi đau và nỗi buồn ở mức độ lớn nhất.

4/ Chúng ta cũng có thể đo lường nỗi đau lớn lao của Đức Kitô khi nghĩ rằng Người đã tự nguyện đón nhận nỗi đau và nỗi buồn để cứu chuộc con người khỏi tội lỗi. Vì vậy, Người chấp nhận mức độ đau khổ tương xứng với giá trị của ơn cứu độ được mang lại. Thánh Phaolô viết: "Nỗi buồn theo ý Thiên Chúa sinh hoa trái là sự sám hối dẫn đến ơn cứu độ bền vững." (2 Cr 7,10). Ngôn sứ Isaia cũng tuyên bố: "Sự thật, chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, và gánh lấy những đau khổ của chúng ta... Người đã bị đâm vì tội lỗi của chúng ta, bị nghiền nát vì những lỗi lầm của chúng ta... và nhờ những thương tích của Người, chúng ta được chữa lành." (Is 53,4-5)

Từ những lý do vừa kể, đã rõ là sự đau khổ của Đức Kitô lớn hơn mọi nỗi đau khác.

(III, q. 46, a. 6)