**************
"Họ sẽ nộp Người cho dân ngoại để nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá; nhưng ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy." (Mt 20,19)
Hiệu quả của Cuộc Thương Khó của Đức Kitô đã được tiên báo qua chính cách thức Người chịu chết. 1/ Cuộc Thương Khó của Đức Kitô mang lại ơn cứu độ trước hết cho người Do Thái, nhiều người trong số họ đã chịu phép rửa tội trong cái chết của Người. 2/ Sau đó, nhờ sự rao giảng của người Do Thái, hiệu quả của cuộc Thương Khó của Đức Kitô đã lan rộng đến dân ngoại. Vì thế, thật phù hợp rằng Đức Kitô bắt đầu chịu đau khổ từ tay người Do Thái và hoàn tất Cuộc Thương Khó bởi tay dân ngoại.
Để bày tỏ tình yêu trọn vẹn qua cuộc Thương Khó, Đức Kitô đã cầu nguyện trên thập giá cho những kẻ bách hại mình. Vì thế, để hoa trái lời cầu nguyện ấy mang lại ơn ích cho cả người Do Thái và dân ngoại, Đức Kitô đã chọn chịu đau khổ bởi cả hai phía.
Dân ngoại không dâng các hy lễ tượng trưng của Luật Cũ, còn người Do Thái đã dâng các lễ vật ấy. Thế nhưng cuộc Thương Khó của Đức Kitô là một hy tế thực sự bởi vì Người đã tự nguyện chịu chết do tình yêu dành cho nhân loại. Nhưng xét ở khía cạnh Người chịu đau khổ từ tay những lý hình thì cái chết của Người không phải là hy tế mà là một tội ác nghiêm trọng.
Khi người Do Thái nói rằng: "Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả." (Ga 18,31), thì họ hiểu rằng họ không được phép hành quyết vì sự thánh thiêng của ngày lễ mà họ bắt đầu cử hành. Nhưng câu nói cũng có thể giải thích như là họ muốn Đức Kitô bị giết không như một kẻ vi phạm Lề Luật mà như một kẻ thù của Nhà Nước, bởi vì vì Người tự xưng là Vua – điều nằm ngoài quyền xét xử của họ. Hoặc có thể hiểu rằng bởi vì họ muốn Người bị đóng đinh (một hình phạt họ không thể thi hành) thay vì bị ném đá như họ đã làm với thánh Stêphanô. Tuy nhiên, hợp lý hơn cả là họ đã bị người La Mã tước mất quyền tuyên án tử hình xét vì họ đã trở thành thuộc địa của Đế quốc.
(III, q.47, a.4)