**************
“Ông Giuse lấy thi hài (của Đức Giêsu), quấn trong tấm khăn trắng và đặt an táng trong ngôi mộ còn mới của mình.” (Mt 27,59)
I
Dưới khía cạnh huyền nhiệm, tấm khăn này tượng trưng ba điều: 1/ thân xác rất tinh tuyền của Đức Kitô; 2/ Giáo Hội của Người không tì ố; 3/ một lương tâm trong sạch.
Thứ nhất, thân xác rất tinh tuyền của Đức Kitô. Vì cũng như vải gai được làm sạch nhờ sự ép và giặt nhiều lần, thân xác Đức Kitô, qua những đau khổ và thử thách, đã đạt đến sự tinh tuyền sáng chói trong cuộc Phục Sinh của Người. “Đấng Kitô phải chịu đau khổ như thế rồi mới được sống lại vinh hiển từ cõi chết vào ngày thứ ba.” (Lc 24,46).
Thứ hai, Giáo Hội không tì vết hay nhăn nheo được biểu thị qua tấm khăn sạch mà thi hài Đức Giêsu được bọc lại. Điều này được biểu lộ qua việc vải gai (giống như Giáo Hội) được dệt từ nhiều sợi khác nhau.
Thứ ba, “tấm khăn sạch” biểu thị một lương tâm tinh tuyền, vì chỉ nơi nào có lương tâm sạch, Đức Kitô mới ngự vào nghỉ ngơi.
II
“Và ông đặt thi hài vào ngôi mộ mới của mình.” (Mt 27,60)
Trước hết, thánh Mátthêu viết rằng ông Giuse đặt thi hài vào “chính ngôi mộ của mình”, được ông đục sẵn trong đá. Điều này phù hợp, bởi vì Đấng đã chết vì tội lỗi của người khác thì xứng đáng được an táng trong ngôi mộ của người khác.
Bản văn cũng viết rằng đó là “ngôi mộ mới”, bởi nếu có bất kỳ thân xác nào khác được an táng cùng Đức Kitô, thì sẽ không thể biết được ai đã sống lại. Một lý do khác là Đấng được sinh ra từ cung lòng Vô Nhiễm của Đức Trinh Nữ Maria thì cũng phù hợp rằng Người được chôn cất trong “ngôi mộ mới”; vì như trong cung lòng của Đức Maria, không ai có trước Đức Giêsu, thì cũng không ai được chôn sau Người trong ngôi mộ mới này. Điều này cũng giúp ta hiểu rằng Đức Kitô được ẩn giấu (được mai táng) trong tâm trí được đổi mới nhờ đức tin, theo lời thánh Phaolô: “Xin cho anh em nhờ đức tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn anh em.” (Ep 3,17). Thánh Gioan cũng thêm rằng: “Ở nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh, có một khu vườn; và trong khu vườn đó có một ngôi mộ mới, chưa có ai được an táng” (Ga 19,41). Điều này cho thấy rằng Đức Kitô bị bắt trong vườn, bị trói trong vườn, chịu khổ nạn trong vườn, và được chôn trong vườn; để minh chứng rằng nhờ quyền năng của cuộc Thương Khó, chúng ta được giải thoát khỏi tội mà Ađam đã phạm trong vườn địa đàng, và nhờ Đức Kitô, Giáo Hội được thánh hiến; Giáo Hội giống như một khu vườn khép kín nói trong cách Diễm Ca (4,12-14).
(Chú giải Tin mừng Matthêu, 27).