**************
“Chính Người là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta; không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.” (1 Ga 2,2)
I
Theu đúng nghĩa, đền bù một lỗi phạm là dâng lên điều gì đó mà người bị xúc phạm yêu mến, ngang bằng hoặc thậm chí lớn hơn mức độ ghê tởm đối với lỗi phạm. Thế mà qua cuộc Thương Khó, với tình yêu và sự vâng phục, Đức Kitô đã dâng hiến cho Thiên Chúa nhiều hơn mức cần thiết để bù đắp cho tội lỗi của nhân loại : a) thứ nhất, bởi tình yêu vô biên mà Người đã chịu đau khổ; b) thứ hai, bởi phẩm giá cao cả của sự sống mà Người hiến dâng làm của lễ đền tội, bởi vì đó là sự sống của Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người; c) thứ ba, bởi mức độ đau khổ trong cuộc Thương Khó và nỗi đớn đau lớn lao mà Người phải chịu đựng.
Vì thế, cuộc Thương Khó của Đức Kitô không chỉ là sự đền bù đầy đủ, mà còn là sự đền tội dư dật cho tội lỗi của nhân loại; như Thánh Gioan viết: “Chính Người là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta; không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2,2).
Nói cho đúng, lẽ ra kẻ nào phạm tội thì phải đền bu. Nhưng đầu và các chi thể hợp thành một thân mình mầu nhiệm, vì vậy, sự đền tội của Đức Kitô được chia sẻ cho toàn thể các tín hữu như các chi thể của Người. Ngoài ra, bởi lẽ khi hai người hợp nhất trong đức ái, người này có thể đền bù thay cho người kia.
(III, q.48, a.2)
II
Mặc dù qua cái chết của Người, Đức Kitô đã đền bù trọn vẹn cho tội nguyên tổ, nhưng vẫn không bất hợp lý khi các hình phạt do tội nguyên tổ gây ra vẫn tồn tại nơi tất cả những ai được thông phần vào ơn cứu độ của Đức Kitô. Sự kiện hình phạt của tội lỗi vẫn tồn tại dù tội đã được xóa bỏ là điều hữu ích vì ba lý do:
1/ Thứ nhất, để các tín hữu được nên giống Đức Kitô, giống như các chi thể hợp nhất với đầu. Cũng như Đức Kitô trước đây đã chịu nhiều đau khổ, rồi sau đó mới đạt đến vinh quang bất tử; thì cũng thích hợp khi các tôi tớ trung tín của Người trước tiên phải chịu đau khổ, rồi sau đó mới đạt đến sự sống bất tử. Ra như họ mang trong mình các dấu ấn của cuộc Thương Khó Đức Kitô, để trở nên giống như Người trong vinh quang.
2/ Thứ hai, nếu những người đến với Đức Kitô lập tức nhận được sự bất tử và không còn chịu đau khổ nữa, thì e rằng nhiều người sẽ đến với Đức Kitô chỉ vì bị lôi cuốn bởi các ân huệ thể xác này, hơn là vì những lợi ích thiêng liêng. Điều này đi ngược lại mục đích của Đức Kitô khi đến thế gian, đó là để lôi kéo con người từ tình yêu dành cho các sự vật hữu hạn đến tình yêu dành cho những điều thiêng liêng và vĩnh cửu.
3/ Thứ ba, nếu khi tin vào Đức Kitô thì ngay lập tức trở nên bất tử và không thể chịu đau khổ, điều này có thể một cách nào đó cưỡng bách con người phải chấp nhận đức tin vào Đức Kitô, và như vậy sẽ làm giảm đi công trạng của đức tin.
(Summa contra Gentiles, IV, 55).