Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Suy niệm Mùa Chay với Thánh Tôma Aquinô - Tuần III - Thứ Năm

Văn phòng Học Viện
2025-03-26 19:29 UTC+7 279
Nguyên tác: Denis Mezard O.P., "Medulla S. Thomae Aquinatis per omnes anni liturgici dies distributa seu meditationes ex operibus S. Thomae depromptae" (Lethielleux Paris, 1906). Bản dịch Anh ngữ: "Saint Thomas Aquinas meditations for every day" (Columbus Ohio, 1938). Bản dịch Việt ngữ: "Suy niệm Mùa Chay với Thánh Tôma Aquinô" do Học Viện Đa Minh (2025).

xem MỤC LỤC NỘI DUNG

**************

Thứ Năm - Tuần III Mùa Chay

NGƯỜI PHỤ NỮ SAMARI RAO GIẢNG ĐỨC KITÔ

"Người phụ nữ để vò nước lại, và vào trong thành." (Ga 4,28)

Người phụ nữ Samari đến giếng của tổ phụ Giacóp để lấy nước, sau khi được Đức Kitô soi sáng tại đó, đã đảm nhận công việc của một tông đồ. Chúng ta có thể học được ba điều từ lời nói và hành động của bà: 1/ Biểu lộ lòng sùng mộ; 2/ Phương pháp rao giảng; 3/ Kết quả tốt đẹp của việc rao giảng.

I

Biểu lộ lòng sùng mộ qua hai cách:

  • Thứ nhất, người phụ nữ Samari, vì lòng sùng mộ lớn lao, bà xem ra quên mất lý do vì sao ra giếng. Bà để lại vò nước và vào trong thành," để loan báo những điều kỳ diệu về Đức Kitô, không màng đến sự lợi ích thân xác của mình, vì muốn giúp đỡ người khác. Hành động này phản ánh gương của các Tông Đồ, những người đã "bỏ lưới mà đi theo Đức Kitô." Cái vò tượng trưng cho lòng ham mê thế gian, mà người ta dùng nó để múc lấy những khoái lạc từ đáy giếng. Vì thế, bỏ lại cái vò có nghĩa là từ bỏ những ham muốn thể gian vì lòng mến Chúa.

  • Thứ hai, hiệu quả từ cuộc trò chuyện với Đức Kitô được thể hiện qua số lượng lớn  những người mà bà loan báo tin mừng: bà không chỉ giảng cho một, hai hay ba người, mà cho cả thành: "Bà vào thành."

II

Phương pháp rao giảng

Phương pháp rao giảng của người phụ nữ Samari được thể hiện qua lời bà nói:
"Bà nói với mọi người: Hãy đến mà xem một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Đó chẳng phải là Đấng Kitô sao?" (Ga 4,28).

  • Thứ nhất, bà mời gọi mọi người đến gặp Đức Kitô: "Hãy đến mà xem một người." Bà không lập tức nói: "Hãy đến với Đấng Kitô," để tránh cơ hội khiến họ phạm thượng, nhưng bà bắt dầu nói những điều đáng tin về Đức Kitô. Bà không nói: "Hãy tin," mà là: "Hãy đến và xem," vì bà hiểu rằng nếu họ chỉ cần nếm thử suối nước hằng sống ấy, khi gặp Người, họ sẽ tin như bà đã tin. Bà noi gương một nhà rao giảng Tin Mừng chân chính, bằng cách hướng mọi người không đến với mình, mà đến với Đức Kitô.

  • Thứ hai, bà chỉ ra một dấu chỉ về thiên tính của Đức Kitô: "Người đã nói với tôi mọi điều tôi đã làm," cụ thể là việc bà có nhiều người chồng bất chính. Bà không hổ thẹn kể lại những gì làm cho bà xấu hổ; bởi vì khi một tâm hồn bừng cháy lòng mến Chúa thì không còn nghĩ đến những chuyện dưới đất, dù là vinh quang hay hổ nhục, nhưng chỉ còn nghĩ đến ngọn lửa đang  mang trong mình.

  • Thứ ba, bà kết thúc bài giảng bằng việc nhắc đến uy quyền của Đức Kitô: "Đó chẳng phải là Đấng Kitô sao?" Bà không khẳng định Người là Đấng Kitô để tránh bị coi là muốn dạy người khác, khiến họ tức giận và từ chối đến với Đức Kitô. Tuy nhiên, bà cũng không hoàn toàn im lặng về thiên tính của Người, mà qua cách đặt câu hỏi, bà để họ tự phán đoán, đây là cách thuyết phục hiệu quả hơn.

III

Kết quả tốt đẹp của việc rao giảng

Kết quả tốt đẹp của việc rao giảng được thấy qua lời: "Họ ra khỏi thành và đến với Đức Kitô." (Ga 4,30). Từ đó, có thể kết luận rằng, nếu chúng ta muốn đến với Đức Kitô, chúng ta phải rời bỏ "thành," tức là từ bỏ tình yêu xác thịt và sống theo Thần Khí của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói: Chúng ta hãy ra khỏi trại mà đến với Người (Hr 13,13).

Nhiều người Samari đã nói với bà: "Bây giờ chúng tôi tin không phải vì lời chị nói, nhưng vì chính chúng tôi đã nghe Người, và biết rằng thật sự Người là Đấng Cứu Độ trần gian." (Ga 4,42)

(Chú giải Tin mừng Gioan, ch.4).