Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô - Mùa Phục Sinh - Bài 30
xem MỤC LỤC
**********
Bài 30:
CÁC HOA TRÁI CỦA THÁNH LINH
Lưu ý. Thánh Phaolô bàn đến các hoa trái của Thánh Linh trong thư gửi Galat 5,22-23. Tuy nhiên có sự khác biệt về danh sách trong bản gốc Hy- lạp và bản La-tinh Vulgata. Nguyên gốc Hy-lạp kể ra 9 hoa trái, bản Vulgata thêm vào 3 hoa trái, nâng lên tổng số là 12: “bác ái, hoan lạc, bình an, kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ, từ tâm, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, khiết tịnh”[1], có lẽ vì muốn móc nối với con số 12 hoa quả quanh năm của cây hằng sống được đề cập trong sách Khải huyền (22,1-2: Giữa quảng trường của thành, giữa hai nhánh sống có cây Sự Sống sinh trái mười hai lần, mỗi tháng một lần), Trong bài suy niệm hôm nay, thánh Tôma đặt ra vài câu hỏi tổng quát; trong bài kế tiếp, thánh nhân sẽ tìm hiểu lý do của con số 12.
1. Tên gọi: tại sao gọi là hoa trái?
Trong khái niệm thông thường, hoa quả có hai nghĩa. Hoa trái là sản phẩm tự nhiên từ loài thảo mộc (chẳng hạn như :cây tốt sinh trái tốt, theo Mt 7,18), hoặc là kết quả của việc làm (x. Kn 3,15). Hoa trái cũng hàm ngụ ý nghĩa ngon ngọt, đáng thèm thuồng (x. Dc 2,3).
Vì thế hoa trái của Thánh Linh có thể hiểu như là sản phẩm của Thánh Linh và mang lại sự thỏa thích. Ngoài ra, điều này cũng muốn nêu bật vai trò chủ động của Thánh Linh trong công cuộc thánh hóa, như thánh Phaolô nói: “Anh em thu được kết quả là được trở nên thánh thiện” (Rm 6,22), nghĩa là trong những công việc thánh thiện, vì thế mà gọi là hoa trái.
Người ta cũng gọi đó là “bông hoa” liên quan đến hạnh phúc trong tương lại; bởi vì cũng như bông hoa là hy vọng cho quả, thì các việc nhân đức, người hy vọng sẽ được đời sống vĩnh cửu và hạnh phúc.
2. Bản chất: hoa trái khác với nhân đức, ân huệ như thế nào?
Trong nhân đức, ta nên phân biệt giữa “tập quán” và “hành vi”. Tập quán giúp cho chúng ta hành động tốt. Nếu tập quán giúp cho ta hành động tốt theo cách thức nhân loại thì gọi là “nhân đức”; nếu giúp cho ta hành động tốt theo cách thức siêu phàm thì gọi là “ân huệ”. Nếu hành vi tốt làm cho ta nên hoàn bị thì gọi là “chân phúc”, nếu mang lại cho ta sự ngon ngọt thì gọi là “hoa trái”.
(ST I-II, q.70)
[1] Các từ ngữ trên đây được trích theo bản dịch Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo của Ủy ban Giáo Lý Đức tin thuộc HĐGMVN. Nguyên bản La tinh là: “caritas, gaudium, pax, patientia, benignitas, bonitas, longanimitas, mansuetudo, fides, modestia, continentia, castitas”. Như sẽ thấy sau, các từ này có thể chuyển sang nhiều từ ngữ khác trong tiếng Việt. Nên biết là bản dịch Nova Vulgata đã trở về gốc Hy lạp và chỉ giữ lại 9 hoa trái: “caritas, gaudium, pax, longanimitas, benignitas, bonitas, fides, mansuetudo, continentia”; như vậy là loại bỏ: patientia, modestia, castitas.