Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô - Mùa Phục Sinh - Bài 32

Văn phòng Học Viện
2025-05-21 19:55 UTC+7 70
Các bài suy niệm xoay quan chủ đề: đời sống mới trong Chúa Kitô, nhờ ân sủng, tác động của Thánh Linh và bí tích Thánh thể. Nên lưu ý là theo lịch phụng vụ cũ, mùa Phục sinh kéo dài cho đến hết tuần bát nhật sau lễ Hiện Xuống (Lễ Chúa Ba Ngôi). Soạn giả còn thêm các bài suy niệm cho đến tháng sáu, với lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, kèm theo lễ kính Trái Tim Đức Mẹ.

xem MỤC LỤC

**********

Bài 32:

CÁC ĐẶC SỦNG

Trong tiếng Việt, “đặc sủng” (hoặc “đoàn sủng”) là từ ngữ dùng để dịch từ charisma gốc Hy-lạp, xuất hiện 15 lần trong các thư thánh Phaolô và 1 lần trong thư thứ 1 của Phêrô (1 Pr 4,10), với ý nghĩa phức tạp (khác với charis: ân sủng). Bản dịch Vulgata chỉ duy trì từ charisma 1 lần (1 Cr 12,31), còn những nơi khác thì có lúc dịch là gratia, có lúc dịch là donum hoặc donatio. Vì thế không lạ gì mà nó ít được các nhà thần học lưu ý. Thánh Tôma là một trừ lệ, bởi vì ngài phân biệt hai loại gratiagratia gratum faciens và gratia gratis data. Đây là một lối chơi chữ trong tiếng Latinh, bởi vì gratia, gratum, gratis đều cùng một gốc tầm nguyên, nhưng lại ám chỉ hai đặc điểm khác nhau.

1/ Bản chất

Loại thứ nhất  (gratia gratum faciens) giúp cho con người nên thánh thiện (dịch là “thánh sủng” thì khá sát ý, bao gồm cả bảy ân huệ Thánh Linh), cần thiết cho tất cả mọi người sống trong tình nghĩa với Chúa. Loại thứ hai (gratia gratis data) được ban cho một số người không vì công trạng của họ nhưng nhằm đến công ích xã hội. Sự khác biệt quan trọng nằm ở chỗ những người lãnh nhận đặc sủng chưa chắc đã đẹp lòng Chúa và được cứu độ, dựa theo lời cảnh cáo của Mt 7,21-23.

2/ Phân loại

Điều thú vị là tác giả đã cung cấp danh mục 9 đặc sủng (dựa theo 1 Cr 12,8-10), và phân tích ý nghĩa của chúng (trong Summa Theologiae I-II, q. 111 và II-II, qq. 171-178) với những tư tưởng độc đáo mà có lẽ thánh Phaolô không nghĩ đến! Thật vậy, các đặc sủng được phân làm ba nhóm: một là để biết (mặc khải), hai là để nói (công bố), ba là để làm (chứng minh).

a) Loại thứ nhất được gọi là mặc khải, tức là ánh sáng trong tâm trí. Trong loại này có thể kể đến ơn ngôn sứ, là một thứ tri thức được Thiên Chúa ban cho trí tuệ của ngôn sứ, như là một thứ giáo huấn. Ơn mặc khải có thể mang ba hình thức: (i) lời dạy (x. 1 Cr 12,8), hay nói tiên tri (x. 1 Cr 12,10); (ii) xuất thần (x. 2 Cr 12,2-4), qua đó con người được Thần khí Chúa đưa lên các thực tại siêu nhiên, thoát ra khỏi giác quan, giống như thị kiến mà ông Edêkiel đã kể lại (Ed 8,3); (iii) phân định thần khí, nghĩa là khả năng phân biệt các thần khí khác nhau, để nhận ra tinh thần nào thúc đẩy một người nào nói hoặc làm điều gì (có phải là tinh thần bác ái, hay là ghen tương).

b) Loại thứ hai bao gồm những ơn thuộc lãnh vực công bố. Thật vậy, khi Thiên Chúa mặc khải cho người nào thì không chỉ nhằm soi sáng cá nhân họ, nhưng còn nhằm soi sáng những người khác, nhờ việc giảng dạy. Vì thế, cần phải có ơn “ngôn ngữ” (nói). Trong loại này, có thể kể đến ơn nói tiếng nước ngoài (xenoglossia), nghĩa là nói được ngôn ngữ của thính giả cho họ hiểu; điều này khác với ơn “glossolalia” được nói đến ở 1 Cr 14,14 (ơn nói tiếng lạ trong buổi cầu nguyện, và cần đến người giải thích). Cũng có thể kể vào loại này ơn giải thích những giấc mơ như trường hợp của ông Giuse (St 40,8) và Đaniel (Đn 5,16).

c) Loại thứ ba gồm những ơn để minh chứng rằng lời giảng thuyết đến từ Thiên Chúa. Điều này được thực hiện qua các phép lạ, tựa như chữa bệnh. Những ơn này không những thúc đẩy người nghe chấp nhận lời giảng vì nhận ra nguồn gốc siêu nhiên của việc làm, nhưng cũng có thể giúp cho người nghe được củng cố thêm trong đức tin.

Chia sẻ