Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô - Mùa Phục Sinh - Bài 37
xem MỤC LỤC
**********
Bài 37:
TẠI SAO CÁC LỜI CẦU NGUYỆN KHÔNG LUÔN ĐƯỢC ĐOÁI NHẬN?
“Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin cùng Chúa Cha, Thầy sẽ làm.” (Ga 14,13).
Chúa nói gì ở đây? “Bất cứ điều gì anh em xin, Thầy sẽ làm.” Vậy tại sao chúng ta thường cầu xin nhiều điều với Thiên Chúa mà không phải lúc nào cũng được nhận lãnh? Thánh Augustiôn lưu ý rằng Chúa nói “nhân danh Thầy”, rồi mới thêm rằng “Thầy sẽ làm.” Danh của Đức Kitô là danh đem lại ơn cứu độ: “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 1,21). Vì vậy, bất cứ ai xin Thiên Chúa điều gì liên quan đến ơn cứu độ của mình thì người ấy đang cầu xin nhân danh Đức Kitô. Nhưng liệu chúng ta có luôn cầu xin những điều tốt lành cho linh hồn mình không? Hay đôi khi chúng ta chỉ xin những điều thuộc về vật chất, mà nếu được ban cho, có thể làm hại linh hồn chúng ta, vì sự lạm dụng ân huệ của Thiên Chúa?
Thực vậy, có những lúc con người cầu xin Thiên Chúa điều gì đó không liên quan đến ơn cứu độ của mình. Điều này có thể xảy ra theo hai cách.
1/ Thứ nhất, vì tâm hồn lệch lạc, chẳng hạn khi ta xin những điều mà bản thân mong muốn, nhưng nếu được nhận lãnh, điều đó có thể gây nguy hại cho phần rỗi của ta. Vì thế, những ai cầu xin theo cách này thì không được nhậm lời. “Anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý.” (Gc 4,3). Bởi vậy, khi ai đó cầu xin với một khát vọng lệch lạc và có thể lạm dụng ân huệ mà mình xin, người ấy sẽ không nhận được điều đó; vì Chúa, Đấng đầy lòng thương xót, không nhận lời cầu xin đó, nhưng giữ lại để ban cho người ấy một ơn ích lớn hơn. Vì chính Thiên Chúa nhân lành nhiều khi từ chối điều chúng ta xin, để ban cho chúng ta điều hữu ích hơn về sau.
2/ Thứ hai, con người có thể xin điều gì đó vì sự thiếu hiểu biết, khi họ cầu xin điều mà họ nghĩ là hữu ích, nhưng thực ra lại không tốt lành cho mình. Thiên Chúa, Đấng khôn ngoan hơn chúng ta, sẽ không ban cho chúng ta những điều mà Ngài biết chắc rằng sẽ có hại. Thánh Phaolô, vị tông đồ đã làm việc nhiều hơn tất cả các tông đồ khác, đã cầu xin ba lần để “cái dằm trong xác” được cất khỏi mình, nhưng ngài đã không được nhậm lời, vì điều đó không thực sự ích lợi cho phần rỗi của ngài. “Thật vậy, chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho đúng; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, bằng những tiếng than khôn tả.” (Rm 8,26).
Chúa Giêsu cũng nói với mẹ của hai anh em nhà Dêbêđê khi bà cầu xin cho hai người con mình được ngồi bên hữu và bên tả Ngài trong Nước Trời: “Anh em không biết điều anh em xin.” (Mt 20,22).
Như vậy, rõ ràng rằng khi chúng ta cầu xin nhân danh Đức Kitô, Ngài sẽ nhận lời. Nhưng Đức Kitô nói “Thầy sẽ làm” như một lời hứa cho tương lai, chứ không phải ngay lập tức. Vì đôi khi, Chúa trì hoãn việc nhận lời cầu xin của chúng ta để gia tăng lòng khát khao trong ta, và để Ngài có thể ban ơn vào thời điểm thích hợp hơn. “Ta sẽ ban mưa đúng mùa.” (Lv 26,3).
Ngoài ra, cũng có những lúc chúng ta cầu xin ơn cho người khác, nhưng không được nhậm lời vì tội lỗi của người đó. Sự ngoan cố trong tội lỗi, lòng ương ngạnh không chịu hoán cải, và việc tiếp tục sống trong tội của người đó chính là trở ngại khiến lời cầu nguyện của chúng ta không được chấp nhận. Thánh Mônica đã phải kiên trì cầu nguyện nhiều năm trời cho người con trai lầm lạc của mình, Augustinô, trước khi bà thấy anh được hoán cải, và trước khi lời cầu nguyện của bà thực sự sinh hiệu quả.
Vì thế, chúng ta phải cầu nguyện cách kiên trì, khiêm nhường, đầy tín thác, sốt sắng và nhân danh Đức Kitô, để Ngài quyết định ban ơn hay không, theo cách thế và thời gian của Ngài, như Ngài thấy là tốt nhất.
(Chú giải Tin mừng Gioan, chương 14)