Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô - Mùa Phục Sinh - Bài 38

Văn phòng Học Viện
2025-05-27 20:53 UTC+7 80
Các bài suy niệm xoay quan chủ đề: đời sống mới trong Chúa Kitô, nhờ ân sủng, tác động của Thánh Linh và bí tích Thánh thể. Nên lưu ý là theo lịch phụng vụ cũ, mùa Phục sinh kéo dài cho đến hết tuần bát nhật sau lễ Hiện Xuống (Lễ Chúa Ba Ngôi). Soạn giả còn thêm các bài suy niệm cho đến tháng sáu, với lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, kèm theo lễ kính Trái Tim Đức Mẹ.

xem MỤC LỤC

**********

Bài 38:

NGUỒN MẠCH MỌI NIỀM AN ỦI

“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người là Cha giàu lòng từ bi, và là Thiên Chúa hằng ban mọi niềm an ủi.” (2 Cr 1,3)

I

Chúng ta chúc tụng Thiên Chúa, và Thiên Chúa cũng chúc lành cho chúng ta, nhưng theo những cách khác nhau. Vì đối với Thiên Chúa,  nói và làm như nhau. Người phán và đã xảy ra như thế. Còn về phía chúng ta, lời nói không phải là nguyên nhân sinh ra sự vật; lời nói chỉ diền tả sự vật vốn có. Chúc tụng Thiên Chúa là nhìn nhận điều tốt lành. Kkhi chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, chúng ta chúc tụng Ngài, nghĩa là chúng ta tuyên xưng sự tốt lành của Ngài, và nhìn nhận rằng Ngài là Đấng ban phát mọi điều thiện hảo. Chính vì thế, Thánh Phaolô đã dâng lời chúc tụng Chúa Cha, bởi vì Ngài là Đấng giàu lòng xót thương và là Thiên Chúa của mọi niềm an ủi.

Thực vậy, có hai điều đặc biệt mà con người cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa: trước hết, để loại trừ những sự dữ; thứ đến, để được nâng đỡ khi gặp gian truân.

1/ Loại trừ sự dữ. Điều này thuộc về lòng thương xót của Thiên Chúa, vì lòng thương xót của xóa bỏ nỗi khổ đau và cảm thương sự yếu đuối của ta. Lòng thương xót là một thuộc tính của  Chúa Cha.

2/ Nâng đỡ khi gặp thử thách. Đây chính là sự an ủi. Bởi lẽ, nếu một người không tìm được điều gì để nương tựa giữa những gian truân, họ sẽ không thể đứng vững lâu dài, cũng không thể can đảm chịu đựng nghịch cảnh. Chính khi ấy, con người cần đến sự an ủi và sức mạnh thiêng liêng. Dù trong một số hoàn cảnh, con người có thể an ủi và nâng đỡ lẫn nhau, nhưng chỉ mình Thiên Chúa mới có thể đem lại sự an ủi đích thực trong mọi thử thách. Chính vì thế, Thánh Phaolô viết: “Chúc tụng Thiên Chúa... của mọi niềm an ủi. Khi chúng ta phạm tội, chính Thiên Chúa sau đó an ủi chúng ta, vì Ngài là Đấng đầy lòng thương xót... và khi chúng ta gặp hoạn nạn, cầu mong Ngài an ủi chúng ta, hoặc bằng cách cất đi gian truân nhờ quyền năng của Ngài, hoặc bằng cách thấu xét mọi sự trong sự công bằng của Ngài. Nếu chúng ta lao nhọc vì Ngài, Ngài sẽ an ủi chúng ta bằng phần thưởng đời đời. Vì vậy, có lời chép: “Phần thưởng của anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12) Và một lần nữa: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5,4). “Đừng sợ, Ta là khiên che chở ngươi, và phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn” (St 15,1).

II

Ngoài ra, chính qua chúng ta, Thiên Chúa cũng muốn mang sự an ủi đến cho những ai đang gặp gian truân.

Thánh Phaolô nói rằng chính Thiên Chúa là Đấng an ủi chúng ta trong mọi thử thách, không chỉ để chúng ta được hưởng sự an ủi đó cho riêng mình, nhưng còn để nó sinh ích lợi cho những người khác. Vì thế, ngài tiếp tục: “Để chính chúng ta có thể an ủi những ai gặp gian truân” (2 Cr 1,4). Thiên Chúa không ban ánh sáng chỉ để ánh sáng đó chiếu soi cho chính nó, nhưng để soi sáng cả thế gian. Do đó, Thiên Chúa muốn rằng mọi ân huệ mà Ngài ban cho chúng ta – dù là của cải, quyền lực, tri thức hay khôn ngoan – đều phải được dùng để mang lại lợi ích cho người khác.

Chính vì vậy, chúng ta có thể an ủi tha nhân bằng chính niềm an ủi mà chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa. Ngược lại, ai chưa từng được an ủi bởi Thiên Chúa thì cũng không biết cách an ủi người khác cách xứng hợp. “Thần Khí Chúa ngự trên tôi... để an ủi những ai sầu khổ” (Is 61,1). Chúng ta có thể mang lại sự an ủi qua những lời khích lệ giúp nhau kiên trì trong gian nan thử thách, vì lời hứa ban phần thưởng vĩnh cửu. Và như thế, niềm an ủi của chúng ta sẽ tràn đầy, để cũng trở thành niềm an ủi cho người khác.

(Chú giải thứ 2 Corintô, 1,3)

Chia sẻ