Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Những quan niệm về Hy vọng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền - Kỳ V

Văn phòng Học Viện
2024-12-16 10:14 UTC+7 95

NHỮNG QUAN NIỆM VỀ HY VỌNG

TRONG THÁNH KINH VÀ THÁNH TRUYỀN

Phan Tấn Thành, OP.

(trích Đời sống tâm linh - tập XIV)

NỘI DUNG

- Kỳ I :--Chương mở đầu: KHÁI NIỆM VỀ HY VỌNG

-----------Chương Một. CỰU ƯỚC

- Kỳ II :--------- Mục 1. Đối tượng hy vọng

- Kỳ III:----------Mục 2. Động lực hy vọng

------------Chương Hai. TÂN ƯỚC

- Kỳ IV :----------Mục 1. Nhất lãm

- Kỳ V :---------- Mục 2. Thánh Phaolô

- Kỳ VI :----------Mục 3. Các tác phẩm của Gioan

------------Chương Ba. LỊCH SỬ GIÁO HỘI

--------------------Mục 1. Đối tượng hy vọng: Hy vọng cái gì?

- Kỳ VII : ----------------I. Thời các giáo phụ

- Kỳ VIII : ---------------II. Thời Trung cổ

- Kỳ IX:------------------III. Thời Cận đại

--------------------Mục 2. Chủ thể hy vọng: Hy vọng là gì?

- Kỳ X : ------------------I. Thời các giáo phụ

----------------------------II. Thời kinh viện: hy vọng tự nhiên và hy vọng siêu nhiên

- Kỳ XI :-----------------III. Thời cận đại: sự cần thiết của đức Hy vọng

---------------------------IV. Thời hiện đại: vài văn kiện của Huấn quyền

Kỳ V

Chương hai: TÂN ƯỚC (tiếp theo)

Mục 2:

HY VỌNG THEO THÁNH PHAOLÔ

I. Hy vọng của người Kitô hữu và hy vọng của người ngoài Kitô giáo

-- -- -- A. Hy vọng của người Hy lạp

-- -- -- B. Hy vọng của người Do thái

-- -- -- C. Hy vọng của Phaolô

II. Đối tượng hy vọng

-- -- -- A. Những công thức

-- -- -- -- --1. Hy vọng ơn cứu độ

-- -- -- -- - 2. Hy vọng vinh quang

-- -- -- -- - 3. Hy vọng cuộc sống vĩnh cửu

-- -- -- B. Ý nghĩa

III. Thái độ hy vọng

-- -- -- A. Hy vọng và tin-yêu

-- -- -- B. Những đặc trưng của hy vọng

-- -- -- C. Hy vọng cộng đồng và hy vọng cá nhân

-- -- -- -- - 1. Cuộc Quang lâm gần kề (imminent parousia)

-- -- -- -- - 2. Hy vọng phổ quát và hy vọng cá nhân.

-- -- --- -- -- --- --- --- --- ---- ---- --- ---- ---

-- -- -- Như đã nói trước đây, trong Tân ước, thánh Phaolô là người sử dụng nhiều nhất từ ngữ “hy vọng”, xét như danh từ cũng như động từ. Người ta đưa ra nhiều lý do giải thích. Có lẽ Tin mừng Nhất lãm chú trọng đến “Vương quốc Thiên Chúa” là đối tượng của niềm hy vọng của dân Israel. Đức Giêsu đã chứng tỏ cho đồng bào biết rằng “Vương quốc Thiên Chúa” đã đến rồi, tuy không theo nghĩa chính trị như họ quan niệm. Vì thế điều quan trọng là “hoán cải” (thay đổi não trạng) và chấp nhận Đức Giêsu như đấng Mêsia. Còn thánh Phaolô rao giảng Tin mừng cho dân ngoại, với sứ điệp căn bản là cuộc Tử nạn và cuộc Phục sinh của Đức Kitô. Đối với ông, đối diện với thế giới, căn cước của người Kitô hữu được định nghĩa qua chữ “hy vọng”.

I. Hy vọng của người Kitô hữu và hy vọng của người ngoài Kitô giáo

Trong thư gửi Êphêsô chương 2, câu 11 đến 19, thánh tông đồ đã có dịp đối chiếu hy vọng của người Kitô hữu với hy vọng của người Do thái và người thuộc Dân ngoại. “Thưa anh em, trước kia anh em là dân ngoại trong thân xác, bị kẻ mệnh danh là ‘giới cắt bì’ trong thân xác do tay người phàm gọi là ‘giới không cắt bì’, anh em hãy nhớ lại rằng thuở ấy anh em không có Đấng Kitô, không được hưởng quyền công dân Israel, xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa, không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này”. Ngày nay, máu Đức Kitô đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa người Do thái và dân ngoại, để làm cho cả hai trở nên những công dân của các thánh và phần tử gia đình Thiên Chúa.

Những người chưa được biết Đức Kitô được gọi là “những kẻ không có niềm hy vọng” (2,13) bởi vì họ không biết Thiên Chúa, không biết giao ước. Trong thư thứ nhất gửi các tín hữu Thêxalônica (4,13), chúng ta cũng gặp thấy sự so sánh tương tự: “tôi không muốn để cho anh em buồn phiền như những người khác là những người không có niềm hy vọng”. Phải chăng thánh Phaolô đã quá lời, bởi vì trên đời này ai mà chẳng có hy vọng? Hy vọng đâu có phải là độc quyền của Kitô giáo? Dĩ nhiên là ai cũng có hy vọng, nhưng cần hỏi xem: Hy vọng như thế nào? Hy vọng của Kitô giáo khác với hy vọng của người Hy lạp cũng như khác với hy vọng của người Do thái.

-- -- -- A. Hy vọng của người Hy lạp

Ngôn ngữ Hy lạp có danh từ “elpis”, có nghĩa là: trông mong, đợi chờ, phập phồng. Đó là những thái độ tự nhiên của con người đứng trước điều chưa xảy đến, có thể là tốt hoặc xấu. Điều đáng để ý là đối với người Hy lạp, thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai) là một thực thể xoay vòng tròn: các sự việc diễn ra liên tiếp, trước sau y như vậy.[1] Quan điểm này áp dụng cho các hiện tượng thiên nhiên cũng như cho các sự kiện nhân sinh. Một thái độ như vậy ngăn cản con người không khám phá ra điều mới mẻ: xưa nay mọi sự vẫn như thế thôi! Đây là điều khác với Kitô giáo, khi nhắm đến “cánh chung”, một tận điểm ở dòng thời gian.

Thêm vào đó, quan niệm chu kỳ về thời gian còn lôi kéo thêm cái nhìn bi quan yếm thế: vào lúc khởi nguyên, mọi cái đều tốt đẹp lành mạnh; thời gian lôi kéo theo sự tàn tạ đổ nát. Chính vì dòng đời đen tối như vậy, cho nên con người không thể đọc thấy một ý nghĩa của lịch sử. Không lạ gì mà các triết gia tìm cách tìm hiểu “bản tính” vạn vật (nghĩa là cái đang hiện hữu), hơn là bàn luận về cái có thể hoặc sẽ xảy đến. Thật vậy, họ đọc lịch sử hoặc với tâm tình thán phục (trước vẻ đẹp và trật tự của vũ trụ lúc khởi nguyên) hoặc với tâm tình buồn chán (khi chứng kiến những suy tàn đổ nát): tất cả mọi sự đều do số phận dun dủi. Vì thế, nói đúng ra, họ không có “hy vọng” vào tương lai sáng sủa. Bởi vậy, lý tưởng của nhà hiền triết (chẳng hạn của phái khắc kỷ) là dửng dưng trước mọi biến chuyển, dù là ngỡ ngàng hoặc là chán chường. Sau cuộc đời ngắn ngủi ở trần gian này, ta sẽ bước sang thế giới bên kia, nơi mà không còn “elpis” (trông mong) hay sợ hãi gì nữa. Chính trong bối cảnh ấy, mà thánh Phaolô viết rằng “dân ngoại không có hy vọng”: tuy họ sử dụng từ ngữ elpis (hoặc spes) nhưng thực ra đó không phải là hy vọng.

-- -- -- B. Hy vọng của người Do thái

Khác hẳn với người Hy lạp và Rôma, người Do thái sống nhờ hy vọng: lịch sử của họ thành hình nhờ một giao ước của Thiên Chúa, Đấng hứa sẽ làm cho họ thành một dân tộc vĩ đại. Cuộc đời của họ dựa trên niềm tin tưởng vào lời Thiên Chúa.

Người Hy lạp quan niệm thời gian như một chu kỳ những hiện tượng xoay vần. Người Do thái quan niệm thời gian như một tiến trình đường thẳng, khởi đầu bằng lời tạo dựng của Thiên Chúa, và được đánh dấu mốc bằng những lần can thiệp của Ngài vào dòng lịch sử, từ ông Abraham, ông Môsê, các ngôn sứ.

Đứng trước vũ trụ, người Hy lạp đã nghĩ ra triết lý và vật lý. Đứng trước vận mạng, người Do thái đã nghĩ ra lịch sử và sự tín thác vào lời Chúa. Đối với người Hy lạp, chân lý nằm trong bản tính sự vật; chân lý là đối tượng cho sự suy tư của lý trí. Đối với người Do thái, chân lý nằm trong lịch sử, nghĩa là trong vận mạng mà Thiên Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta đến vào lúc kết thúc; chân lý tạo cho ta niềm tín thác vào lời Chúa. Đối với người Hy lạp, đối lại với chân lý là sự sai lầm, không phù hợp với thực tại. Đối với người Do thái, đối lại với chân lý là hư ảo, đặt tin tưởng vào cái không bền vững.

Vào đầu kỷ nguyên Kitô giáo, người Do thái nuôi dưỡng nhiều niềm hy vọng, theo như thánh Phaolô cho biết khi được gọi ra toà án: họ mong đợi Đấng Mêsia giải phóng dân tộc, mong đợi sự phục sinh, sự phán xét.

-- -- -- C. Hy vọng của Phaolô

Đã hơn một lần, thánh Phaolô thú nhận rằng mình cũng chia sẻ niềm hy vọng của dân tộc Israel (Cv 26,6-7), và ông cũng bày tỏ lòng kính trọng đối với dân ngoại khi nhận rằng họ mang luật tự nhiên trong tâm khảm (Rm 2,14-15), và lúc cần thì cũng tự xưng mình là công dân Rôma (Cv 22,27). Mặc dù vậy, khi bàn đến hy vọng, ông cho thấy nét độc đáo của Kitô giáo.

Dĩ nhiên, ông Phaolô chia sẻ quan điểm của người Do thái, nghĩa là thời gian diễn tiến theo đường thẳng chứ không xoay vòng chu kỳ (theo quan điểm của Hy lạp). Tuy nhiên, điều mà người Do thái mong đợi như là cùng đích, sung mãn, thì đối với ông, nó đã trở thành hiện thực: đó là Đức Kitô, người Con được Thiên Chúa sai đến trần gian “khi đến thời viên mãn” (Gl 6,4). Đức Kitô là đầu mối và thâu tóm mọi thời gian (Ep 1,10). Cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô đã khai nguyên một chặng mới: sự tạo dựng mới (2Cr 5,17; Ep 4,24; Cl 3,10).

Thực tại mới này không huỷ diệt thực tại cũ, nhưng kiện toàn nó, và khai mở một hướng mới đến chỗ hoàn tất. Chính đó là lý do vì sao người Do thái đã tố cáo ông Phaolô trước toà án Rôma (Cv 26,7).

Có lẽ ý thức tầm quan trọng của “hy vọng” đối với Kitô giáo, cho nên thánh tông đồ đã đào sâu vấn đề trong các thư gửi các cộng đồng. Tác giả đã trình bày hy vọng Kitô giáo dưới nhiều khía cạnh: đối tượng (hy vọng cái gì?), thái độ (hy vọng là gì?), nền tảng (dựa vào đâu mà hy vọng?). Chúng tôi xin gom vào hai điểm chính: 1/ đối tượng hy vọng (khía cạnh khách thể của hy vọng); 2/ thái độ hy vọng (khía cạnh chủ thể). Nên lưu ý là sự phân biệt này nhằm trình bày vấn đề cho mạch lạc, chứ trên thực tế, nhiều khi không rõ tác giả hiểu theo nghĩa khách thể hoặc chủ thể, chẳng hạn như trong những lối nói: “Đức Kitô, niềm hy vọng của chúng ta” (1Tm 1,1), “Đức Kitô niềm hy vọng vinh quang” (Cl 1,27), hoặc: “niềm hy vọng dành cho chúng ta ở trên trời” (Cl 1,5).

II. Đối tượng hy vọng

Khi đề cập đến đối tượng hy vọng, thánh Phaolô bàn đến niềm hy vọng của “cộng đồng”, nghĩa là của nhân loại, hơn là niềm hy vọng của “cá nhân” (của bản thân mình). Thật vậy, trong các thư viết cho các tín hữu, đôi khi tác giả cũng bộc lộ vài điều hy vọng trong cuộc sống thường nhật, chẳng hạn như: hy vọng có thời cơ thuận tiện để thăm viếng các tín hữu ở Rôma (Rm 1,10), hy vọng các tín hữu Côrintô sẽ kiên trì (1Cr 1,7), ... nhưng đó chuyện bên lề. Mối quan tâm của ông dành cho các thực tại thuộc về tương quan với Thiên Chúa. Đây là một sự chuyển đổi quan trọng trong việc sử dụng từ ngữ. Người Hy lạp không hề áp dụng các từ elpis, elpizo cho các thần linh, còn Tân ước đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa: đây là một sự chuyển nghĩa đã được bản LXX thực hiện khi dịch các bản văn từ tiếng Hípri sang tiếng Hy lạp. Thánh Phaolô đã thừa hưởng truyền thống ấy. Cũng như trước đây, Israel hy vọng vào lời hứa của Thiên Chúa (x. Cv 26,6-8), thì ngày nay, chúng ta “hy vọng vào Tin mừng” (x. Cl 1,23). Chúng ta hãy nghiên cứu vài công thức mà thánh Phaolô sử dụng để diễn tả đối tượng hy vọng, và tìm hiểu sự tiến triển của nội dung không những từ ngôn ngữ Hy lạp cổ điển mà ngay cả từ quan niệm Cựu ước.

-- -- -- A. Những công thức

Thật vậy, đối tượng của niềm hy vọng Kitô giáo được vị tông đồ dân ngoại diễn tả qua ba thuật ngữ: hy vọng cứu độ (elpis soterias: spes salutis), hy vọng vinh quang (elpis doxes: spes gloriae), hy vọng đời sống vĩnh cửu (elpis zoes aioniou: spes vitae aeternae).[2]

-- -- -- -- - 1. Hy vọng ơn cứu độ

Thuật ngữ này đã được sử dụng từ bức thư đầu tiên gửi Thêxalônica: “Chúng ta hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là hy vọng ơn cứu độ (1Tx 5,8). Từ đó, nhiều lần “hy vọng” được gắn với “ơn cứu độ”, chẳng hạn như: “Tôi mừng vì điều ấy sé giúp tôi đạt được ơn cứu độ ... Đó là điều tôi đợi chờ và hy vọng” (Pl 1,19-20). “Hy vọng như thế sẽ không thất vọng ... chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (Rm 5,5. 9-10). “Chúng ta được cứu độ nhờ hy vọng” (Rm 8,24: spe enim salvi facti sumus). “Thiên Chúa đã và sẽ còn cứu chúng tôi khỏi cái chết. Ngài là Đấng chúng tôi hy vọng và sẽ còn cứu chúng tôi nữa” (2Cr 1,10).

Trong Cựu ước, cách riêng trong các thánh vịnh, chúng ta đã gặp nhiều đoạn văn nói đến niềm hy vọng sẽ được Thiên Chúa cứu thoát (Tv 22,5; 25,3-20; 40,15). Tuy nhiên, sự cứu thoát ấy thường liên quan đến một sự dữ trên đời này, chẳng hạn như một tai hoạ hoặc cái chết. Trong văn chương khải huyền (chẳng hạn Đn 12,1), đối tượng cứu thoát là “sự gian truân” của thời cánh chung. Tư tưởng này cũng phảng phất trong bài giảng của thánh Phaolô (1Tx 1.10: Đức Giêsu, Đấng cứu chúng ta thoát cơn thịnh nộ đang đến). Trong vài đoạn văn, thánh Phaolô cũng nói đến sự cứu thoát khỏi tù ngục (Pl 1,19-20), hoặc thoát khỏi cái chết (2Cr 1,10).

Tuy nhiên, ngoài những tư tưởng tiêu cực (cứu thoát khỏi một cơn nguy hiểm), tác giả còn nói đến tư tưởng tích cực hơn nữa: thông dự vào cuộc sống vinh hiển của Đức Kitô (1Tx 5,9-10), thông dự vào vương quốc vinh hiển của Người (2Tm 4,18), sự cứu chuộc thân xác (Rm 8,23).

Như vậy ơn cứu độ là một thực tại cánh chung, bao gồm cả sự phục sinh thân xác, sẽ được ban vào lúc Đức Kitô quang lâm. Sự cứu thoát hiện tại (khỏi những tai họa, tật bệnh) chỉ là một dấu hiệu của sự cứu thoát cánh chung. Mặt khác, sự cứu thoát cánh chung đã bắt đầu được thực hiện trong thời gian ở nơi các tín hữu nhờ Lời của thập giá (1Cr 1,18), nhờ Tin mừng (1Cr 15,2). Thậm chí xem ra các hồng ân cánh chung đã được thực hiện nơi các tín hữu kể từ khi được rửa tội, đến nỗi trong thư gửi Êphêsô, tác giả đã nói đến việc đồng chia sẻ vào sự sống lại và vinh quang của Đức Kitô trên trời rồi (Ep 2,5-8).

Dù sao, mặc dù đã được lãnh những hoa trái đầu mùa của Thánh Linh, chúng ta vẫn còn rên siết trông chờ "sự cứu chuộc thân xác" (Rm 8,23). Nói khác đi, cho đến lúc ấy, chúng ta sống trong niềm hy vọng sẽ được cứu thoát, bởi vì chúng ta mới chỉ được cứu thoát trong niềm hy vọng" (Rm 8,24).

-- -- -- -- - 2. Hy vọng vinh quang

Công thức này xuất hiện trong Rm 5,2: “chúng ta tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa” (gloriamur in spe gloriae Dei) và Cl 1,27: “Đức Kitô là Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Christus in vobis, spes gloriae).

Hai đề tài “vinh quang” và “hy vọng” thường được gắn liền với nhau: kẻ được kêu gọi vào hưởng vinh quang của Chúa chúng ta thì cũng sinh ra niềm hy vọng hồng phúc (2Tx 2,14-16). Thánh Phaolô không giấu diếm niềm hy vọng rằng tác vụ của giao ước mới sẽ mang lại vinh quang tuyệt vời (2Cr 3,7-12). Vạn vật vẫn trông chờ sẽ được thông dự vào sự tự do và vinh quang của các con cái Chúa (Rm 8,20-21). Niềm hy vọng hồng phúc của chúng ta được đặt nơi sự tỏ hiện vinh quang của Thiên Chúa vĩ đại và Đức Kitô Giêsu (Tt 2,13), nơi gia nghiệp vinh quang (của Chúa Cha) (Ep 1,18).

Ở đây “vinh quang” cần được hiểu theo nghĩa của Kinh thánh Cựu ước chứ không theo nghĩa trần tục. “Vinh quang Thiên Chúa” (Kabod Yaweh) ám chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Israel, lúc đầu trên sa mạc, rồi trên núi Sinai, trong lều thánh, trong đền thờ. Sau thời lưu đày, vinh quang Thiên Chúa trở thành một đề tài cánh chung. Sau khi đã rời bỏ đền thờ (Ed 9-11), vinh quang Thiên Chúa trở lại, ngự xuống trên đền thờ (Ed 43,1; Is 40,13), trên thành Giêrusalem (Is 60,1), trên “đám tàn dân của Israel”, trên đấng Mêsia thuộc dòng Đavít (Tv 18,34). Chính trong bối cảnh ấy mà truyền thống nhất lãm nhắc lại những lời của Đức Giêsu nói về “Con Người ngự đến trong vinh quang của Chúa Cha”, sau khi đã trải qua con đường thập giá (Mt 16,27-28).

Vì thế, ta nên hiểu vinh quang mà thánh Phaolô đặt làm đối tượng của hy vọng theo những nghĩa vừa nói, nghĩa là dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân của ngài, ở nơi Đức Kitô phục sinh (2Tx 2,14-16; Tt 2,13), mà một “ngày kia” toàn thể vũ trụ mong mỏi được chia sẻ với các con cái Chúa (Rm 8,20). Nói chung, thực tại cánh chung này (vinh quang của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta) sẽ xảy đến trong ngày sau hết, khi Đức Kitô quang lâm (2Tx 2,14; Tt 2,13). Tuy nhiên, các Kitô hữu đã được phúc hưởng trước phần nào thực tại ấy, nhờ tác động của Thần khí, nhờ vậy họ được biến đổi dần dần để trở nên giống với hình ảnh của Chúa Kitô hiển vinh (2Cr 3,18). Dĩ nhiên, để cuộc sống vinh hiển của Chúa Giêsu được phản ánh trong cuộc sống của ta, chúng ta cần biểu lộ những sự đau khổ của Người; có như thế, chúng ta mới có thể lãnh nhận vinh quang vĩnh cửu (2Cr 4,17-18). Tư tưởng tương tự cũng được diễn tả trong thư gửi Rôma (8,18.24-25). Như vậy, chúng ta đã được thông dự vào vinh quang phục sinh của Đức Kitô từ khi được rửa tội (x. Cl 3,3-4), nhưng chúng ta hy vọng lúc vinh quang ấy được tỏ hiện.

-- -- -- -- - 3. Hy vọng cuộc sống vĩnh cửu

Chủ đề này xuất hiện trong các thư mục tử, chẳng hạn như Tt 1,2 (“với niềm hy vọng được sự sống đời đời mà Thiên Chúa ... đã hứa”), và Tt 3,7 (“Một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Kitô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hy vọng”). “Sự sống” được coi là đối tượng của hy vọng ở 1Tm 6,17-19 (“hy vọng ... vào Thiên Chúa ... để được sự sống thật”) hoặc 1Tm 4,8-10 (“Chúa hứa ban sự sống hiện tại và tương lai cho người có lòng đạo đức... Chính vì mục đích ấy mà chúng ta hy vọng vào Thiên Chúa hằng sống”).

Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã hứa ban sự sống hạnh phúc cho kẻ nào trung thành giữ Lề luật. Nhưng đó là sự sống ở trên đời này (x. Lv 18,5; Đnl 4,1, được trích dẫn ở Gl 3,12 và Rm 10,5). Ý tưởng về “cuộc sống vĩnh cửu” sau khi sống lại xuất hiện khá muộn trong sách Macabê (2Mc 7,9 tt) dành cho những ai chết vì Lề luật, hoặc dành cho các nhà hiền triết (Đn 12,1). Trong Tân ước, sự sống vĩnh cửu là một chủ đề trọng tâm. Truyền thống Tin mừng Nhất lãm ghi lại một lời hứa của Đức Giêsu dành cho những ai khước từ mọi sự (nhà cửa, thân nhân, vv) để đi theo Người: “họ sẽ nhận lãnh gấp trăm lần ở đời này ... và đời sau họ sẽ được sự sống vĩnh cửu” (Mc 10,29-30 và song song).

Thánh Phaolô cũng theo trào lưu ấy khi đề cập đến sự sống vĩnh cửu: 1Tm 4,8-10 và 6,17-19 coi nó như phần thưởng dành cho kẻ tuân hành ý Chúa; một cách tương tự như vậy, ở Tt 1,2 và 3,7 nói đến sự sống như phần thưởng dành cho người công chính, kèm theo sự phục sinh, sau cuộc phán xét cánh chung. Nên lưu ý sự khác biệt giữa tư tưởng Tân ước và tư tưởng của các tôn giáo Hy lạp. Người Hy lạp quan niệm rằng con người đạt tới sự trường sinh sau khi linh hồn được giải thoát khỏi tù rạc thân xác. Tân ước tin rằng thân xác con người sẽ được sống lại: đây không phải là chuyện đương nhiên, nhưng là một ân huệ nhờ Đức Kitô. Thực vậy, sự phục sinh thân xác là một sự thông dự vào sự phục sinh của Đức Kitô (2Tm 2,11: “nếu ta cùng chết với Người, chúng ta sẽ sống với Người”).

Thánh Phaolô đã giải thích ý nghĩa của sự phục sinh thân xác một cách cặn kẽ trong chương 15 của thư thứ nhất gửi Côrintô. Bối cảnh của giáo đoàn này là có nhiều người chịu ảnh hưởng của thuyết Platon; họ chấp nhận sự phục sinh của Đức Kitô, nhưng họ không chấp nhận sự phục sinh của những tín hữu qua đời. Trước tình trạng ấy, thánh Phaolô đã khẳng khái tuyên bố: “Nếu không có sự phục sinh thân xác, thì Đức Kitô cũng chẳng phục sinh. Và nếu Đức Kitô không phục sinh, thì lời giảng của chúng tôi sẽ rỗng tuếch và niềm tin của anh em cũng rông tuếch” (1Cr 15,12). Không những đức tin trở thành trống rỗng và cả niềm hy vọng của chúng ta cũng thành hư ảo: “Nếu chúng ta chỉ đặt niềm hy vọng vào Đức Kitô ở đời này mà thôi, thì chúng ta sẽ trở thành những kẻ bất hạnh nhất” (câu 19). Nếu không có sự sống sau cuộc phục sinh, thì niềm hy vọng mất đối tượng.

-- -- -- B. Ý nghĩa

Cả ba công thức “hy vọng cứu thoát” “hy vọng vinh quang” “hy vọng sự sống vĩnh cửu” chẳng qua chỉ là ba khía cạnh của một thực tại, đó là: thông dự vào sự sống của Đức Kitô và sự phục sinh của Người, nghĩa là hồng ân cứu độ mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại.

Là một phần tử của dân tộc Israel, ông Phaolô cũng chia sẻ niềm mong đợi về vương quốc Thiên Chúa (x.1Tx 2,12; Gl 5,21; 1Cr 4,20; Rm 14,17). Tuy nhiên trọng tâm của lời rao giảng của ông không phải là Tin mừng về Vương quốc Thiên Chúa cho bằng lời rao giảng về chính Chúa Kitô (x. 1Cr 2,2). Thật vậy, sau khi gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh, Phaolô đặt trọng tâm Tin mừng vào Thập giá và sự Phục sinh của Người (x. Rm 1,1-4; 1Cr 15,1-4). Vì tin vào Đức Kitô, thánh nhân chuyển trọng tâm của thực tại Thiên Chúa qua Đức Kitô: “Ngày của Đức Chúa” trở thành “Ngày của Đức Giêsu, Chúa chúng ta” (1Cr 1,8). Tin mừng về Vương quốc Thiên Chúa đã bị nhãn quan Thập giá che khuất.

Dù vậy, những gì đã nói về Vương quốc Thiên Chúa trong các tác giả Tin mừng Nhất lãm thì cũng có thể áp dụng cho tư tưởng của thánh Phaolô khi đề cập đến ơn cứu chuộc nhờ Thập giá và cuộc Phục sinh của Đức Kitô. Đó là sự chiến thắng của Thiên Chúa trên các lực lượng của tội lỗi, sự dữ và sự chết. Đức Kitô đánh dấu “lúc thời gian đến hồi viên mãn” (Gl 4,4), “thời sau hết” (Hr 1,2). Ai ở trong Đức Kitô người đó đã được tham dự vào quyền nghĩa tử trong gia đình của Thiên Chúa dù hiện tại vẫn chưa được tỏ hiện rõ ràng (x. Rm 8,14-16). Với cái chết và phục sinh của Người, thế giới mới đã bắt đầu (x. 2Cr 1,20-22). Đối với thánh Phaolô, thực tại cánh chung là chính ơn cứu độ, được diễn tả dưới nhiều dụng ngữ như: “được nên công chính”, “trở nên nghĩa tử”, “được hoà giải” ... Những ân huệ này được ban cho nhân loại qua Thập giá và cuộc Phục sinh của Đức Kitô. Nơi mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô, mọi ân phúc đã được ban cho nhân loại.

Trên đường truyền giáo, khi va chạm với nền văn hóa Hy lạp (họ chấp nhận linh hồn bất tử nhưng khinh miệt thân xác), thánh Phaolô khẳng định rằng chân lý về thân xác sống lại là một hệ quả quan trọng của ơn cứu chuộc: “Nếu người chết không sống lại thì coi như nhân loại chưa được cứu rỗi” (1Cr 15,13-19). Đàng khác, sự phục sinh của con người dựa trên sự phục sinh của Đức Kitô, là Ađam mới cũng là Ađam cuối cùng (1Cr 15,45). Như chúng ta sẽ thấy, đối với thánh Phaolô, chỉ những ai là chi thể của Đức Kitô mới được sống lại giống như Đức Kitô.

Cánh chung luận của Phaolô đã sửa đổi quan niệm khải huyền của người Do thái. Theo họ, thời kỳ hiện tại và tương lai tách rời nhau. Nhưng theo thánh nhân, thời kỳ tương lai đã khởi đầu rồi bởi vì sự phục sinh của Đức Kitô “mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15,20). Vì thế ta có thể nói đến hai chiều kích cánh chung (“rồi mà chưa”) nơi thánh Phaolô, cũng tương tự như đề tài Vương quốc Thiên Chúa trong các sách Tin mừng.

1) Rồi. Đức Kitô đã đập tan sự chết rồi. Nhờ bí tích Thánh tẩy, chúng ta đã được tham dự vào cái chết và phục sinh của Đức Kitô rồi (x. Rm 6,4): Chúng ta đã chết cho tội lỗi, đã sống cuộc đời mới. Chúng ta đã được thanh luyện khỏi tội lỗi, đã nên thánh, đã trở thành con cái Chúa, đền thờ của Thánh Linh rồi.

2) Chưa. Tuy nhiên, những thực tại vừa nói còn ở giai đoạn đầu: Chúng ta chỉ mới lãnh nhận “bảo chứng” của ơn cứu chuộc, đặc biệt là Thánh Thần (2Cr 1,22; 5,5; Ep 1,14). Chúng ta còn mang trong mình những vết tích tội lỗi và sự chết. Vì thế chúng ta (cũng như muôn loài thọ tạo) trông mong được giải thoát hoàn toàn khỏi cảnh nô lệ đó (Rm 8,19-22). Điều này sẽ xảy đến khi Đức Kitô quang lâm (parousia), xuất hiện (epiphania), mặc khải (apocalypsis: x.1Tx 4,15; 2Tx 2,1; 1Cr 15,23; 1,7; 2Tx 1,7).[3] Vào lúc ấy, chúng ta sẽ nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa, được chiêm ngưỡng Thiên Chúa diện đối diện, cùng với thân xác phục sinh.

Niềm hy vọng Kitô giáo bắt nguồn từ sự căng thẳng giữa cái “rồi” và cái “chưa”. Chúng ta mới chỉ nắm chắc “bảo chứng” của ơn cứu độ, và chúng ta mong cho ơn cứu độ được thể hiện đầy đủ.

Khi bàn về đối tượng của hy vọng, thiết tưởng nên phân biệt hai khía cạnh: nội dung và thời điểm.

- Nội dung là ơn cứu độ, vinh quang, sự phục sinh, thông dự vào sự sống của Thiên Chúa.

- Thời điểm: chừng nào điều ấy xảy đến? Thưa rằng khi Đức Kitô quang lâm, xuất hiện. Chúng ta trông mong cho thời điểm ấy chóng đến, ngõ hầu ơn cứu độ được thể hiện. Dưới phương diện này, sự quang lâm trở thành đối tượng của hy vọng, tuy rằng nó chỉ là điều kiện chứ chưa phải là mục tiêu. Nói cho cùng, đối tượng hy vọng là chính Thiên Chúa: ngài là hy vọng của chúng ta (Rm 15,13). Đức Kitô cũng là hy vọng của chúng ta (1Tm 1,1), không những bởi vì Người đã thực hiện ơn cứu độ nhân loại nhờ cái chết và sự phục sinh của mình, nhưng còn bởi vì chúng ta mong được thông dự vào cuộc phục sinh của Người, nên đồng hình đồng dạng với Người, chia sẻ địa vị làm Con của Người.

III. Thái độ hy vọng

Thế nào là hy vọng? Thiết tưởng chúng ta nên phân biệt hai khía cạnh: khía cạnh tư tưởng và khía cạnh thực tế. Chúng ta đang tìm hiểu quan niệm hy vọng xét dưới khía cạnh tư tưởng, tìm hiểu bản chất và những đặc trưng của nó; nhưng trên thực tế, nó không hiện hữu riêng rẽ biệt lập: niềm hy vọng của người Kitô hữu được gắn liền với các nhân đức khác, đặc biệt là đức tin và đức mến.

Hy vọng không thể nào tách rời khỏi đức tin, bởi vì cả hai dựa trên những lời Chúa hứa và nhắm đến tương lai (Gl 3,11; 5,5). Nếu không tin vào Đức Kitô thì làm sao hy vọng được; nhưng tin mà không hy vọng là hão huyền, vô nghĩa (1Cr 15,14.17). Hy vọng cũng gắn liền với yêu mến, bởi vì niềm hy vọng dựa trên lòng tin tưởng vào công trình yêu thương của Thiên Chúa, và tình yêu này đã được đổ xuống tâm hồn chúng ta (Rm 5,5; 1Tx 3,12; 2Tx 2,16).

-- -- -- A. Hy vọng và tin-yêu

Trong các thư của thánh Phaolô, hy vọng được đặt kề với tin và yêu, mà truyền thống Kitô giáo đặt tên là bộ ba các "nhân đức hướng Chúa" (virtutes theologales). Chúng tôi đã có dịp trưng dẫn các đoạn văn ấy trong tập XII.[4] Ở đây chỉ cần trưng dẫn vài đoạn văn tiêu biểu, chẳng hạn như đoạn mở đầu thư thứ nhất gửi Thêxalônica (1Tx 1,2-4): Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện, và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô”, và bài ca đức mến trong thư thứ nhất gửi Côrintô (1Cr 13,7): “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.

Cách riêng, mối liên hệ chặt chẽ giữa đức tin và hy vọng được thánh Phaolô nhấn mạnh trong thư gửi Rôma chương 4, khi mô tả thái độ của ông Abraham: ở câu 3, tác giả trích dẫn đoạn sách Sáng thế (15,6) “ông đã tin vào Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính”, nhưng đến các câu 18, thái độ được bình giải như sau: “mặc dù không còn gì để hy vọng, ông vẫn hy vọng và vững tin, do đó ông trở nên tổ phụ của nhiều dân tộc”.

Từ mẫu gương của ông Abraham, tác giả chuyển sang kinh nghiệm của các tín hữu ngày hôm nay, ở chương 5, câu 1-11:

Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên thì có quyền hy vọng. Hy vọng như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài đã ban cho chúng ta ...

Đoạn văn vừa rồi cho thấy sự liên hệ giữa đức tin và hy vọng. Hy vọng là sự kéo dài của đức tin qua thời gian, vì vậy đòi hỏi sự kiên trì, đặc biệt khi gặp gian truân thử thách. Trước khi chuyển sang vấn đề khác, thiết tưởng nên trưng dẫn một đoạn văn từ thư gửi Hípri, một tác phẩm do một tác giả chịu ảnh hưởng của Phaolô. Ở đầu chương 11, ông định nghĩa đức tin như sau: “đức tin là bảo đảm những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Hr 11,1). Câu văn gồm hai vế. Trong vế thứ nhất, đức tin được mô tả như là nền tảng (hoặc bản thể: hypostasis / substantia) cho những điều hy vọng (elpisomenon: sperandorum): như vậy nói được là đức tin và hy vọng trùng hợp với nhau. Trong vế thứ hai, đức tin được xem như là luận chứng chắc chắn của những điều mà không thấy, nghĩa là sự xác tín về sự hiện hữu của những thực tại vượt quá tầm mức hữu hình. Kế đó, tác giả trưng danh sách những chứng nhân của đức tin, mà ta không sợ sai lầm khi gọi là những chứng nhân hy vọng (Hr 11,2-40).

Hy vọng dựa trên đức tin; nhưng cũng có thể nói ngược lại, đức tin dựa trên hy vọng, như ta đọc thấy ở Rm 8,24-25: Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải hy vọng. Thấy được điều mình hy vọng, thì không còn là hy vọng nữa: vì ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi? Nhưng nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ. Đức tin mang lại bảo đảm cho hy vọng (Hr 11,1); hy vọng mang lại niềm vui và bình an cho đức tin (Rm 15,13).

-- -- -- B. Những đặc trưng của hy vọng

Tự nó, hy vọng là trông mong cái gì chưa xảy đến. Trong bối cảnh lịch sử cứu độ mà chúng ta đang bàn, hy vọng còn bao gồm nhiều đặc tính khác, phần nào đã được phác họa nơi các đoạn văn đã trích dẫn trên đây.

- Hy vọng sinh ra lòng kiên tâm bền chí (hypomonê: patientia 1Tx 1,3). Sự kiên tâm là kẻ đồng hành của niềm hy vọng (Rm 5,3t. 8,25; 2Tm 2,12).[5] Như vừa nói, hy vọng là sự kéo dài của đức tin. Tin không chỉ là một hành vi thoáng qua. Tin là một sự gắn bó bền bỉ với Đức Kitô, vì thế đòi hỏi sự kiên trì. Điều này lại trở nên cần thiết hơn nữa khi người tín hữu phải đương đầu với nhiều gian truân thử thách (2Cr 1,8-10; 4,8-14; 7,5), mà thánh Phaolô không ngần ngại so sánh với những cuộc thi đấu ở võ đài (x.1Tm 4,10). Thay vì để cho mình bị đè bẹp bởi những gian truân, người tín hữu lợi dụng những cơ hội ấy để chứng tỏ lòng trung tín với Chúa: sự gian truân giúp ta biết chịu đựng, sự chịu đựng mang lại trung kiên: đó là những hoa trái của hy vọng được kể ra trong đoạn văn Rm 5,3-5 đã được trưng dẫn.

- Hy vọng được nuôi dưỡng nhờ việc đón tiếp Lời Chúa (1Tx 1,6), và nhờ tình yêu mà Thánh Thần đổ vào tâm hồn (Rm 5,5). Hy vọng được duy trì nhờ việc dấn thân phụng sự Thiên Chúa (1Tx 1,9), cùng với thái độ chờ đợi tỉnh thức (1Tx 1,10) cũng như những nhân đức luân lý khác, tựa như: tiết độ (1Tx 5,8), công chính (Tt 2,13), giống như lực sĩ phải kiêng khem, điều độ trong cuộc vận động, để giật giải thưởng khi về tới đích (1Cr 9,24-27; 2Cr 4,16-18).

- Hy vọng mang lại cho ta niềm vui và bình an (Rm 15,13). Hy vọng mang lại tin tưởng và tín thác, bởi vì chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu, dựa trên lời hứa của Thiên Chúa. Sự tin tưởng này mang lại sức mạnh khi gặp đau khổ. Những đau khổ đời này ví như cơn đau quặn của bà mẹ lúc sinh nở, nhưng sự thâm tín vào một sự sống mới sẽ mang lại niềm an ủi (Rm 12,12). Cách riêng, đối với Phaolô, niềm hy vọng gây ra sự bạo dạn can đảm (parresia) làm chứng cho Đức Kitô (2Cr 3,12), sẵn sàng đương đầu với mọi vất vả (1Tm 4,10).

-- -- -- C. Hy vọng cộng đồng và hy vọng cá nhân

Những điều vừa nói trên đây mang dấu ấn cộng đồng, nghĩa là niềm hy vọng của toàn thể Hội thánh: tất cả trông ngóng cuộc Quang lâm của Đức Kitô để hoàn tất công trình cứu chuộc. Tuy nhiên, khi đọc các thư của thánh Phaolô, hai câu hỏi được nêu lên liên quan đến lịch sử: 1/ Phải chăng vào thời ấy, các tín hữu tin rằng cuộc quang lâm đã gần kề? 2/ Nếu cuộc quang lâm chưa đến, thì số phận của những tín hữu sau khi qua đời sẽ ra sao?

-- -- -- -- - 1. Cuộc Quang lâm gần kề (imminent parousia)

Trong những thư đầu tiên (1 và 2 Thêxalônica, 1 Côrintô), thánh Phaolô mô tả một tâm trạng của các Kitô hữu đương thời, đó là họ xác tín rằng ngày Quang lâm đã gần kề. Họ sống trong khắc khoải mong chờ ngày Chúa quang lâm. Họ buồn cho các thân nhân đã quá cố vì không được chứng kiến giây phút trọng đại đó. Vì thế thánh Tông đồ phải an ủi họ và khẳng định rằng khi Chúa quang lâm, tất cả mọi tín hữu đều sẽ ra tiếp đón: Những người chết sẽ sống lại, còn những người đang sống thì sẽ được biến đổi. Chúng ta hãy đọc 1Tx 4,15-17:

Về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu. Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu. Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kêu của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng ta là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi (xem thêm: 1Cr 15,53; 2Tx 2,1-3; 3,6-15).

Phải chăng đây là sự nhầm lẫn của thánh Phaolô và Hội thánh tiên khởi?

Có người giải thích rằng đây là lối hành văn của các ngôn sứ: các ngôn sứ (tiên tri) nhìn thấy tương lai như là đã gần kề, bởi vì họ nắm chắc mười mươi. Ngày Quang lâm đã gần kề, có nghĩa là chắc chắn sẽ tới, trước sau gì cũng tới (x. Lc 10,9.11).[6]

Dù sao, chúng ta nên phân biệt hai điều:

- Một đàng, kể từ thư gửi Rôma trở đi, thánh Phaolô không còn nhắc đến ngày Quang lâm đã gần kề (nghĩa là trong thế hệ của mình).

- Đàng khác, thánh Phaolô (cũng như tất cả các tác phẩm Tân ước) đều không ngừng lặp đi lặp lại rằng: “Chúa đã gần đến” (Pl 4,5; x. Kh 22,23). Thiết tưởng lời tuyên xưng này không phải để thoả mãn óc tò mò muốn biết thời gian chính xác của ngày Quang lâm, cho bằng tính cách khuyến dụ của nó. Đó là mời gọi các tín hữu hay tỉnh thức làm việc và đặc biệt nuôi dưỡng niềm hy vọng (x. Pl 1,6.10; 2,16; 3,20-21; 2Tm 4,1.8).

-- -- -- -- - 2. Hy vọng phổ quát và hy vọng cá nhân.

Thánh Phaolô (cũng như các tác phẩm Tân ước nói chung) chú trọng đến “cánh chung phổ quát” dành cho toàn thể nhân loại, điều sẽ được hoàn tất vào ngày Quang lâm của Đức Kitô. Cuộc chiến thắng của Thiên Chúa vào ngày cuối cùng có thể tác động trước thời gian, không chỉ trên cá nhân và toàn thể nhân loại nhưng còn trên cả vũ trụ nữa (x. Rm 8,19-23). Tác giả không chú ý nhiều đến số phận của những người đã chết trước biến cố đó. Mãi đến cuối đời, khi bị giam trong tù với nguy cơ bị kết án tử hình, thánh tông đồ mới nghĩ đến số phận của mình trước khi trước khi xảy ra cuộc quang lâm.

Có hai đoạn văn (2Cr 5,6-8 và Pl 1,23) cho phép các nhà chú giải kết luận rằng, theo thánh Phaolô, sau khi chết, người tín hữu có thể hưởng được những phúc lộc cánh chung, nghĩa là ở với Đức Kitô:

Chúng tôi luôn mạnh dạn và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa... Vậy chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa (2Cr 5,6-8).

Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi sinh hoa kết quả, thì tôi không biết lựa chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần; nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em (Pl 1,21-23).

Cả hai đoạn văn đều cho thấy ông Phaolô tin rằng sau khi đã chết mình có thể “ở với Đức Kitô”, giống như điều kiện của tất cả các tín hữu vào ngày quang lâm nói ở 1Tx 4,17 đã trích dẫn trên đây. Phải chăng, ông muốn nói rằng sau khi lìa đời thì mình sẽ được nhận lãnh tất cả các ân huệ cánh chung? Các nhà chú giải không đồng ý: bởi vì “ở với Đức Kitô” là một chuyện, còn “phục sinh thân xác” là chuyện khác! Dù sao đi nữa, bao lâu còn sống “trong thân xác”, nghĩa là ở đời này, thánh tông đồ vẫn phải trung thành với sứ mạng, chiến đấu với những gian lao, nghĩa là sống niềm hy vọng giống như bao nhiêu người khác. Ông chỉ mong một phần thưởng duy nhất là được kết hợp với Đức Kitô (1Cr 1,9), niềm hy vọng của chúng ta (1Tm 1,1).

Để kết thúc, thiết tưởng cần thêm một điều quan trọng nữa là hy vọng không chỉ là tác động của con người, nhưng tiên vàn là tác động của Thiên Chúa. Động lực của niềm hy vọng là việc Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta (1Tx 5,24) do lòng yêu thương chúng ta (Rm 8,28-33), và Ngài là Đấng trung tín giữ lời hứa (2Tm 2,13), Đấng đầy quyền năng, Đấng quan phòng an bài mọi sự theo kế hoạch yêu thương. Kế hoạch này đã được thể hiện khi Ngài cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết, hoa trái đầu mùa cho những người chết sẽ được sống lại (1Cr 15,18.20). Hiện nay, Thánh Linh được ban cho chúng ta (Rm 5,5) như bảo chứng cho cuộc sống lại của chúng ta trong tương lai (2Cr 1,22; Ep 1,13). Thánh Linh là hồng ân cánh chung, đang hiện diện trong chúng ta (Rm 8,11), để soi sáng, nâng đỡ, khích lệ niềm hy vọng. Ngài thôi thúc chúng ta cầu nguyện và hoạt động cho Vương quốc Thiên Chúa.

Phụ thêm: Hy vọng Kitô giáo trong hai bức thư của thánh Phêrô

1. Bức thư thứ nhất của thánh Phêrô khá gần gũi với tư tưởng của thánh Phaolô. Tác giả viết thư này để an ủi các tín hữu đang chịu bách hại (1Pr 4,12-16), khuyến khích họ trung kiên cho đến cùng.

Ngay từ những dòng đầu tiên, tác giả đã chúc tụng Thiên Chúa vì đã cho chúng ta được tái sinh để nhận được “niềm hy vọng sống động” (1,3). Đối tượng của niềm hy vọng này là “được hưởng gia tài không thể hư hoại ... dành ở trên trời” (1,4). Một cách cụ thể hơn, điều mà các tín hữu hy vọng là được thông phần vào cuộc sống vinh hiển của Chúa Kitô (5,10). Chúng ta tin chắc sẽ đạt đến mục tiêu ấy nhờ quyền năng Thiên Chúa gìn giữ (1,5). Niềm hy vọng này là kết quả của ơn gọi của Chúa mà các tín hữu nhận được khi lãnh nhận bí tích rửa tội. Nhờ niềm hy vọng chắc chắn như thế, các tín hữu được tràn ngập hân hoan, bất chấp những khó khăn và gian truân trong thời bách hại (1,6; 4,13).

Tuy niềm hy vọng sẽ đạt được trong tương lai, nhưng ngay từ bây giờ, các tín hữu cần phải áp dụng một nếp sống mới. Họ đừng rập theo thói đời, nhưng hãy coi mình như những người lữ hành và khách lạ (2,11), đang hướng về đời sống vinh quang. Vì đã được tái sinh làm con cái của Thiên Chúa (1,17), các tín hữu hãy ăn ở xứng đáng với phẩm tính ấy, qua đời sống thánh thiện (1,15-16).

Nếp sống của các Kitô hữu gây ra thắc mắc cho người ngoại đạo (2,12; 3,1), bởi vì họ đã từ bỏ nếp sống sa đọa trước đây (4,3-4). Không lạ gì mà người ngoại, kể cả nhà cầm quyền, muốn biết lý do của sự thay đổi ấy. Đó là cơ hội để các tín hữu giải thích về niềm hy vọng của mình (3,15).

2. Thư thứ hai của thánh Phêrô do một người khác viết ra, lâu năm sau bức thư thứ nhất. Tác giả phải đương đầu với một vấn nạn trong cộng đoàn các tín hữu: một số người cảm thấy bị lường gạt vì chờ mãi mà chưa thấy ngày Quang lâm. Họ nói: “Đâu rồi lời Người hứa sẽ quang lâm? Vì từ ngày các bậc cha ông an nghỉ, mọi sự vẫn y nguyên như khi trời đất mới được tạo thành” (2Pr 3,3-4). Từ chỗ nghi ngờ, họ đi đến chỗ phủ nhận, và sống buông thả theo dục vọng.

Đứng trước cuộc khủng hoảng ấy, tác giả tái khẳng định niềm hy vọng Kitô giáo. Bằng ngôn ngữ khải huyền, tác giả mô tả ngày tận thế, và từ đó đưa ra những hệ luận cho cuộc sống: "Muôn vật phải tiêu tan như thế, thì anh em phải là những người tốt dường nào, phải sống đạo đức và thánh thiện biết bao, trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến" (3,11-12). Sở dĩ ngày quang lâm chậm đến, thì không phải tại vì Thiên Chúa không giữa lời, nhưng vì ngài muốn dành thời giờ cho kẻ tội lỗi sám hối.

Sau ngày tận thế, thế giới sẽ không tan ra mây khói, nhưng sẽ là trời mới đất mới, nơi mà công lý ngự trị (3,13, trưng dẫn Is 65,17; 66,12). Nơi công lý ngự trị có nghĩa là nơi mà không còn tội lỗi, bởi vì mọi người sẽ đi theo đường lối của Chúa (Is 60,21).

Tóm lại, thư thứ hai của thánh Phêrô nêu bật những hệ luận của niềm hy vọng. Đang khi mà những người thiếu hy vọng sống theo đam mê dục vọng, các tín hữu - những người có hy vọng - phải chứng tỏ điều ấy qua một cuộc đời công chính, bình an, không gì đáng trách (4,14). Qua cuộc sống của họ, người ngoại hiểu được thế nào là "trời mới đất mới" mà Thiên Chúa hứa.


-- --- --- ---- ---- ---- ---- ---- ---- ----


[1] Xem các định nghĩa về thời gian, theo Platon (Timeo, 38a) và Aristote (Physica, 219).

[2]Ricardo Ferrara, La esperanza cristiana en las epistolas paulinas, in: Teologia 1 (1962) 55-88.

[3] Sự khác biệt của các từ ngữ sẽ được giải thích trong phần Hệ thống.

[4] Đời sống Tâm linh, tâp XII, Các nhân đức Kitô giáo, NXB Tôn giáo Hà Nội 2014, trang 270. Các bản văn mà thánh Phaolô đề cập đến bộ ba tin-cậy-mến là: 1Tx 1,2tt; 5,8; 1Cr 13,13; Gl 5,5tt; Rm 5,1-5; Cl 1,3-5; Ep 1,15-18; 4,1-6; 1Tm 6,11; Tt 2,2; 2Tm 3,10.

[5] Hypomone hàm ngụ nhiều ý nghĩa: kiên nhẫn, nhẫn nại, bền chí, kiên trì. Trong các thư mục tử, bộ ba tin-cậy-mến đôi khi được thay thế bởi tin - kiên nhẫn - mến: 1Tm 6,11; 2Tm 3,10; Tt 2,2.

[6] Đây là ý kiến của nhiều nhà chú giải Kinh thánh, được Uỷ Ban Giáo hoàng giải thích Kinh thánh trưng dẫn trong tuyên bố ngày 18/6/1915: AAS 7 (1915) 357s. Denz-Sch. số 3630.

Chia sẻ