Phan Tấn Thành, OP.
(trích Đời sống tâm linh - tập XIV)
- Kỳ I :--Chương mở đầu: KHÁI NIỆM VỀ HY VỌNG
-----------Chương Một. CỰU ƯỚC
- Kỳ II :--------- Mục 1. Đối tượng hy vọng
- Kỳ III:----------Mục 2. Động lực hy vọng
------------Chương Hai. TÂN ƯỚC
- Kỳ IV :----------Mục 1. Nhất lãm
- Kỳ V :---------- Mục 2. Thánh Phaolô
- Kỳ VI :----------Mục 3. Các tác phẩm của Gioan
------------Chương Ba. LỊCH SỬ GIÁO HỘI
--------------------Mục 1. Đối tượng hy vọng: Hy vọng cái gì?
- Kỳ VII : ----------------I. Thời các giáo phụ
- Kỳ VIII : ---------------II. Thời Trung cổ
- Kỳ IX:------------------III. Thời Cận đại
--------------------Mục 2. Chủ thể hy vọng: Hy vọng là gì?
- Kỳ X : ------------------I. Thời các giáo phụ
----------------------------II. Thời kinh viện: hy vọng tự nhiên và hy vọng siêu nhiên
- Kỳ XI :-----------------III. Thời cận đại: sự cần thiết của đức Hy vọng
---------------------------IV. Thời hiện đại: vài văn kiện của Huấn quyền
I. Đối tượng hy vọng: Vương quốc Thiên Chúa.
--- ---A. Niềm hy vọng của dân tộc Israel
--- ---B. Vương quyền của Thiên Chúa.
--- ------ ---1. Từ ngữ..
--- ------ ---2. Ý nghĩa.
II. Những đặc tính của Vương quốc Thiên Chúa. 6
--- ---A. Cuộc tranh luận về nội dung sứ điệp Đức Giêsu.
--- ------ ---1. Cánh chung kế tiếp (consequent eschatology).
--- ------ ---2. Cánh chung thành tựu (realized eschatology).
--- ------ ---3. Cánh chung siêu việt (transcendental eschatology).
--- ------ ---4. Cánh chung hiện sinh (existential eschatology).
--- ------ ---5. Cánh chung đang thực hiện (realizing eschatology).
--- ---B. Đức Giêsu với Vương quốc Thiên Chúa.
--- ------ ---1. Triều đại của Thiên Chúa đã đến rồi
--- ------ ---2. Triều đại Thiên Chúa sẽ được hoàn tất trong ngày tận thế.
III. Những thái độ của con người đối với sứ điệp Vương quốc Thiên Chúa
--- ------ ---1. Triều đại Thiên Chúa đã đến nơi bản thân của Đức Giêsu.
--- ------ ---2. Triều đại Thiên Chúa sẽ đến.
--------------------------------------------------------------------------------------------------
Trước khi đi vào vấn đề, thiết tưởng nên ghi nhận một chi tiết về từ ngữ, phần nào ảnh hưởng đến phương pháp nghiên cứu.
Như đã nói trong chương trước, khác với tiếng Hípri của Cựu ước, “hy vọng” trong tiếng Hy lạp được diễn tả bằng một từ ngữ chính xác hơn, đó là elpis (danh từ) và elpizô (động từ), cũng tương tự như spes và spero trong tiếng La tinh. Điều đáng nói là động từ được dùng 31 lần trong Tân ước, trong đó quá nửa trong các thư của thánh Phaolô (17 lần);[1] danh từ được dùng 53 lần, trong đó 36 lần trong các thư thánh Phaolô. Như vậy, động từ và danh từ được gặp thấy nhiều nhất trong các thư của thánh Phaolô, cách riêng là trong thư gửi Rôma ( động từ 4 lần, danh từ 13 lần).[2] Ngoài ra, cũng nên thêm động từ prosdokaô (= đợi chờ, 16 lần), prosdêkhomai (= trông mong, 14 lần).
Nếu chỉ căn cứ trên việc dùng từ ngữ, thì xem ra chỉ có thánh Phaolô mới đặt nặng việc hy vọng trong đời sống Kitô hữu, đang khi đề tài này vắng bóng trong các sách Tin mừng. Nhưng đó chẳng qua chỉ là giới hạn do việc sử dụng từ ngữ mà thôi. Các sách Tin mừng (đặc biệt trong các sứ điệp của Đức Giêsu) nói nhiều đến những tâm tình “hy vọng, trông mong, chờ đợi”, tuy dưới những từ ngữ khác. Để được rõ ràng hơn, trong chương này, chúng tôi sẽ phân chia làm ba mục, và trong mỗi mục chúng ta sẽ tìm hiểu quan niệm về đối tượng và tâm tình hy vọng tương ứng: 1/ Tin mừng Nhất lãm. 2/ Thánh Phaolô. 3/ Các tác phẩm của thánh Gioan.
Mục 1:
TIN MỪNG NHẤT LÃM
Trong mục này, trước tiên chúng tôi sẽ tìm hiểu khái niệm về Vương quốc Thiên Chúa như đối tượng hy vọng; kế đó, chúng tôi sẽ trình bày những cuộc tranh luận thần học liên quan đến các đặc tính của Vương quốc Thiên Chúa; sau cùng chúng tôi sẽ điểm qua những tâm tình và thái độ của con người đứng trước sứ điệp của Đức Giêsu.
I. Đối tượng hy vọng: Vương quốc Thiên Chúa
--- ---A. Niềm hy vọng của dân tộc Israel
Trong chương trước, chúng ta đã khảo sát các đối tượng hy vọng của dân tộc Israel, cách riêng vào những thế kỷ gần với thời Tân ước. Các tác phẩm Tin mừng đôi khi hé mở cho chúng ta biết vài chi tiết của niềm hy vọng của người Do thái vào thời của Chúa Giêsu. Ở những chương đầu Tin mừng thứ ba, thánh Luca trình bày cho ta biết rằng ông Simeon “là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel” (Lc 2,25). Niềm an ủi của Israel là vang âm của sách Đệ-nhị Isaia (được đặt tên là quyển “Sách của niềm an ủi Israel”: Is 40,1: 49,13; 51,3; 57, 18; 61,2; 66,13): niềm an ủi mà những người nghèo mong đợi là sự giải phóng khỏi những kẻ áp bức. Đề tài này được lặp lại trong bài ca của ông Dacaria: “Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một vị cứu tinh ... để cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét” (1,66.69). Ở cuối sách Tin mừng, Luca cũng cho biết rằng ông Giuse Aritmatea là “người lương thiện công chính và vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa” (Lc 23,51). Một trong hai môn đệ trên đường về Emmaus tên là Clêopát đã phát biểu rằng: “Chúng tôi vẫn hy vọng rằng ông Giêsu Nazareth là Đấng sẽ cứu chuộc Israel” (Lc 24,21). Trước đó, từ trong ngục thất, ông Gioan Tẩy giả đã sai hai môn đệ đến hỏi Đức Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7,20). Những câu nói ấy phản ánh tâm trạng của người dân đương thời: họ đang mong đợi một vị thiên sai đến để cứu thoát khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay những kẻ địch thù. Đối tượng của niềm hy vọng là sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử, với một mục tiêu chính trị.
Trong sách Tông đồ Công vụ, tác giả mô tả đối tượng của niềm hy vọng của Israel qua bốn lần cung khai của ông Phaolô trước các phiên tòa. Lần thứ nhất, trước toà Thượng Hội Đồng, ông tuyên xưng rằng mình chia sẻ vào niềm hy vọng vào sự phục sinh, giống như người Biệt phái (Cv 23,6); điều này còn được lặp lại tại phiên toà trước tổng trấn Felix (Cv 24,15-16) và vua Agrippa (Cv 26,6-8). Sau khi đến Rôma, ông giải thích với đồng bào Do thái rằng mình bị xiềng xích vì niềm hy vọng của Israel (Cv 28,20), nhưng không xác định rõ đối tượng. Có lẽ là niềm hy vọng vào cuộc giải phóng dân tộc mà các môn đệ đã hỏi Đức Giêsu trước khi lên trời, được ghi lại ở đầu sách Tông đồ Công vụ: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cv 1,6).
Nói chung, dân Israel thời ấy đang chờ đợi vị Mêsia đến để tái lập vương quyền của Thiên Chúa. Đức Giêsu cũng lấy lại đề tài đó trong các lời giảng của mình, nhưng đã chuyển đổi ý nghĩa: đây không phải là vương quyền theo nghĩa thuần tuý chính trị, nhưng theo một nghĩa rộng hơn, bao gồm toàn thể nhân loại và vũ trụ. Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta cần ôn lại vài khái niệm về vương quyền Thiên Chúa.
--- ---B. Vương quyền của Thiên Chúa
Trước khi đi vào nội dung, thiết tưởng cần nói đôi lời về việc dịch thuật từ ngữ “vương quyền Thiên Chúa”.
“Vương quyền Thiên Chúa” (hoặc: Vương quốc Thiên Chúa) được dịch từ thuật ngữ Basileia tou Theou (Hy lạp), Mâlâk YHWH (Hípri), Regnum Dei (La tinh), Kingdom of God (Anh). Trong tiếng Việt, thuật ngữ này thường được dịch là “Nước Thiên Chúa”, nhưng không được chính xác lắm, bởi vì “Nước” chỉ có nghĩa là “quốc gia”, chẳng hạn nước Pháp, nước Anh, nước Mỹ. Các nước đó có thể được cai trị theo thể chế dân chủ hay quân chủ (dưới sự lãnh đạo của một vua). Trong khi đó, các từ basileia (Hy lạp: basileus), regnum (La tinh: rex), royaume (Pháp: roi), kingdom (Anh: king) muốn nói đến một nước do Vua cai trị, tức là vương quốc.
Sách GLCG số 2816 định nghĩa ngắn gọn Basileia trong 3 từ: Vương quyền (danh từ trừu tượng), Vương quốc (danh từ cụ thể), Vương triều hay Triều đại (danh từ chỉ việc cai trị). Do thói quen, đôi lúc chúng ta dùng từ Nước Thiên Chúa để thay thế cho ba từ trên, và từ Nước Trời để ám chỉ tính cách siêu việt của Vương quốc đó.
Các Tin mừng Nhất lãm đều sử dụng từ ngữ “Nước Thiên Chúa”, hoặc “Nước Trời”.[3] Mátthêu được coi như tác giả Tin mừng đặt thành ngữ “Nước Thiên Chúa” (nhất là “Nước Trời”) làm một trong những chủ đề nền tảng của mình. Ông sử dụng từ “Nước Trời” ở số nhiều (dịch sát nghĩa “Nước các tầng trời”: Mt 13,11; 13,24; 21,31; 25,1), trong khi đó Cựu ước và bản Thánh kinh LXX nhất là sau thời lưu đày và trong các tác phẩm của các Rabbi, luôn dùng “Trời” ở số ít để thay thế cho “Chúa” (Đn 4,23; 1Mcb 3,18.50. 60; 4,10.24.55; 2Mcb 9,20). Có lẽ Mátthêu muốn lấy lại thuật ngữ của các tác giả Khải huyền để nhấn mạnh Nước Trời không thuộc về trần gian nay nhưng là Nước siêu việt từ trời mà đến (x. Đn 13,24-30.37.41.43; 16,27). Theo Đaniel, Con Người (biểu trưng cho Nước cánh chung) sẽ đến trên các đám mây (x. Đn 7,18.22.27). Cũng có ý kiến cho rằng Mátthêu dùng từ “Nước Trời” vì tác phẩm này được viết cho người Do thái, cho nên tránh dùng tên “Đức Chúa” (Giavê) cực thánh và thay thế bằng “Trời”.
Ngoài thuật ngữ “Nước Trời”, Mátthêu còn nói đến “Nước của Cha” (13,43; 26,29) hay nói tắt “Nước” đi kèm theo những bổ nghĩa khác (4,23; 8,12; 9,35; 25,34) để từ đó chuyển qua “Nước của Con Người” hay “Nước của Đức Giêsu” (13,41; 16,28; 20,21; Lc 1,33; 22,29).
Trong Tin mừng Nhất lãm, chủ đề chính của các bài giảng của Đức Giêsu là “Vương quyền của Thiên Chúa”. Thuật ngữ này được các sách Tin mừng Nhất lãm đặt lên miệng Đức Giêsu 61 lần (nếu tính cả các đoạn song song thì lên đến 85 lần). Việc rao giảng về Vương quyền Thiên Chúa không phải là chuyện ngẫu nhiên, nhưng được tiếp diễn trong một trào lưu lâu dài.
a) Xét theo nghĩa rộng, Thiên Chúa làm Vua thống trị khắp cả địa cầu (x. Tv 10,16; 93,1; 97,1) bởi vì Ngài là Chủ tể vạn vật (x. Tv103,19; 95,5; 99,10). Dĩ nhiên Ngài cũng là Vua của hết mọi dân nước (x. Tv 47,8). Theo một nghĩa hẹp, Thiên Chúa là vua của dân Israel (x. Tv 74,12-13; Is 43,15), dân mà Ngài đã chọn làm gia nghiệp bằng giao ước. Israel trở thành một “vương quốc của những tư tế, một dân tộc được thánh hiến” (x. Xh 19,5-6). Thiên Chúa là Vua của dân này theo nghĩa “chính trị” chứ không phải chỉ theo nghĩa luân lý: Dân Israel không có vua nào hết! (x. Tl 8,23; 1Sm 8,7; 12,12). Tuy rằng về sau này, dưới thời Samuel, họ đã được phép có vua, nhưng vua này do Chúa chỉ định và xức dầu (vua Saul: 1Sm 10,24; 15,17; vua Đavít: 1Sm 13,14; 16,1-13; vua Salomon: 1V 3,7-9). Các vua cai trị như là đại diện của Thiên Chúa, bởi vì Ngài mới thực sự là Vua của Israel (x. 1Sb 28,4-5). Do đó, các vua phải trung thành với giao ước. Sự thất trung với giao ước không chỉ đem lại tai hoạ cho hoàng gia mà cho cả dân tộc nữa (x. 2Sb 36,14-21).
Tuy vậy, giữa cảnh lưu đày tại Babylon (khi không còn ngai báu và đền thờ nữa), các ngôn sứ loan báo rằng Thiên Chúa vẫn là Vua của Israel (x. Is 41,21; 44,6; Xp 3,15) và Ngài sẽ tái lập vương quyền (x. Ed 20,23; Ml 2,12-13; 4,7; Is 43,15; 44,6; Tv 146,10), rồi từ Sion, Thiên Chúa sẽ cai trị mọi dân tộc (Is 24,23; Ml 1,14; Dcr 14,9.16).
b) Vào thời của Đức Giêsu, người ta trông mong Thiên Chúa can thiệp để thiết lập vương triều của Ngài. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm khác nhau về bản chất của vương triều. Nói chung, người ta tin rằng Thiên Chúa sẽ can thiệp nhờ một Mêsia. Nhưng vị Mêsia đó sẽ như thế nào? Chúng ta biết rằng trong nguyên ngữ Do thái, Mêsia (meshias được dịch sang Hy lạp là Christos, Kitô) có nghĩa “kẻ được xức dầu”. Trong dân tộc Israel, có ba hạng người được xức dầu: vua, ngôn sứ, tư tế. Vì thế có ít nhất ba quan điểm về Mêsia; ngoài ra còn thêm quan niệm khải huyền nữa.
(i) Đối với đa số, đấng Mêsia sẽ là Vua thuộc dòng dõi Đavít (dựa theo 2Sm 7,1). Tin mừng thời thơ ấu được viết theo quan niệm này. Thật vậy, các tác giả Tin mừng cố gắng hội tụ mọi hy vọng của Israel vào con người Giêsu:
- Trong trình thuật Truyền tin, sứ thần Gabriel loan báo Người sẽ lên ngôi báu Đavít tổ phụ và sẽ làm vua nhà Giacob cho đến muôn đời (x. Lc 1,32-33).
- Trong thánh ca Magnificat, nữ tì Maria ca tụng Thiên Chúa và diễn tả niềm trông mong Ngài sẽ đến cứu thoát Israel (x. Lc 1,47-55).
- Trong thánh ca Benedictus, gương mặt Đấng Mêsia được diễn tả với những nét Cựu ước: Người sẽ là vị Cứu tinh giải thoát Israel khỏi tay kẻ thù để họ thờ phượng Thiên Chúa trong sự thánh thiện, công chính và bình an (x. Lc 1,68-79). Ơn cứu độ mà Người đem đến trước tiên là “giải thoát dân Người khỏi tội” (Mt 1,21). Người là “vinh quang của Israel”, nhưng Người cũng có vai trò phổ quát, “sẽ soi sáng tất cả những ai ngồi trong bóng tối”, là “ánh sáng chiếu soi muôn dân” (Lc 2,30-32), “vương quyền của Người sẽ vô cùng tận” (Lc 1,33).
Trong cuộc đời Đức Giêsu, nhiều lần dân chúng muốn tôn Người làm vua, khiến Người phải lẩn tránh (x. Ga 6,15). Các môn đệ cũng mong được như thế để được ngồi ngự bên tả và bên hữu của Người (x. Mc 10,37). Thậm chí sau khi Người đã sống lại, các môn đệ còn hỏi chừng nào Người sẽ khôi phục vương quốc Israel (x. Cv 1,6). Dù sao, như chúng ta đã biết, để tránh sự hiểu lầm theo nghĩa chính trị, Đức Giêsu không muốn được gọi là Kitô (Mêsia-Vua) và muốn giữ bí mật Mêsia (Mc 9,30). Quả thật Người là Vua nhưng theo một nghĩa hoàn toàn khác với nghĩa chính trị (x. Mc 15,26.32; Ga 18,37).
(ii) Các vị vua trong Cựu ước với tư cách là người thiết lập đền thờ, dâng của lễ và ban phép lành cho toàn dân, thì cũng giữ vai trò tư tế (2Sm 6,18; 1V 8,14). Các thánh vịnh về Mêsia Vua và Thượng tế (Tv 2,7; Tv 110,3) cũng được áp dụng cho Đức Giêsu. Người được gọi là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Melkisêđê (Hr 5,4-10). Người đã đến ngự giữa trần gian như Lều tạm (Ga 1,14). Trên núi Sion Người đã biến đổi thân xác mình thành Đền thờ cánh chung (Ga 2,19-22). Người vừa là tư tế, vừa là Bàn thờ (Hr 13,10), vừa là của lễ (Rm 3,25) đổ máu ra mà thiết lập giao ước vĩnh cửu (Mt 26,28; 1Cr 3,6; Gl 4,24.26; Hr 8,6-13...).
(iii) Một quan điểm khác cho rằng đấng Mêsia sẽ là ngôn sứ thời cánh chung. Đối với nhiều người, vào thời cuối cùng, sẽ xuất hiện một ngôn sứ ngang tầm cỡ như ông Môsê (dựa theo Đnl 18,15-18). Cũng có ý kiến cho rằng ông Êlia sẽ trở lại. Thật vậy, theo Tin mừng, dư luận đồng hoá ông Êlia với ông Gioan Tẩy giả (x. Mc 9,11-12) thậm chí với Đức Giêsu (Mc 8,28). Nhiệm vụ của vị ngôn sứ này là loan báo “ngày của Thiên Chúa” và chuẩn bị tâm hồn con người suy phục ý Chúa (dựa theo lời tiên báo của Ml 3,23). Trên thực tế, nhiều đoạn trong Tin mừng trình bày Đức Giêsu như “ngôn sứ thời cuối” (x. Ga 7,40-41), tuy không hoàn toàn theo nghĩa của văn chương khải huyền, như ta sẽ thấy khi so sánh giữa ông Gioan Tẩy giả với Đức Giêsu.
(iv) Ngoài ra, dựa theo Đaniel 7,13 dân Israel tin rằng Đấng Mêsia cũng là Con Người đến từ thiên giới để nhận lãnh một vương quốc vững bền và sẽ trị vì và xét xử muôn dân nước. Đức Giêsu đã từng gán cho mình tước hiệu Con Người, đặc biệt trước toà án Do thái, Người đã nhận mình là Đức Kitô và Con Người đó (Mc 14,62// Mt 26,63// Lc 22,69). Như vậy xét về không gian, vương quốc này vượt khỏi biên cương của Israel; xét về thời gian, nó mang tính cách trường cửu (x. Đn 2,44). Đó sẽ là thời chiến thắng của sự Thiện trên hết mọi lực lượng sự dữ.
Những quan điểm trên đây không những phản ánh nơi tư tưởng dân gian, nhưng còn trở thành chủ trương của vài khuynh hướng chính trị hoặc tôn giáo: Zêlốt, Biệt phái, Essênô, vv...
II. Những đặc tính của Vương quốc Thiên Chúa
Sau khi đã có một khái niệm về Vương quốc Thiên Chúa, chúng ta hãy tìm hiểu những đặc tính của nó, bắt đầu từ cuộc tranh luận giữa các nhà thần học Tin lành vào đầu thế kỷ XX.
--- ---A. Cuộc tranh luận về nội dung sứ điệp Đức Giêsu
Vào đầu thế kỷ XX, khi đi tìm lại “Đức Giêsu lịch sử” (Historical Jesus tách biệt khỏi “Chúa Kitô của lòng tin”, Christ of faith), các nhà phê bình Thánh kinh Tin lành khám phá ra chiều kích cánh chung của toàn thể cuộc đời Đức Giêsu, đặc biệt là nơi sứ điệp về “Vương quốc Thiên Chúa”. Trong bối cảnh tư tưởng của người Do thái đương thời, thuật ngữ “Vương quốc Thiên Chúa” (hay “Triều đại Thiên Chúa”) được hiểu về thời cánh chung, thời sau hết, nghĩa là tận thế. Thế còn Đức Giêsu hiểu thế nào về “Vương quốc Thiên Chúa”? Người có ý thức được thực tại cánh chung đã diễn ra nơi bản thân của mình hay không? Nhiều giả thuyết đã được đưa ra. Có người cho rằng Đức Giêsu loan báo Vương quốc Thiên Chúa sắp đến; có người cho rằng Vương quốc Thiên Chúa đã đến; có người cho rằng Nước Thiên Chúa vừa đã đến vừa chưa đến. Chúng ta có thể tóm các giả thuyết này vào năm điểm như sau:
Đức Giêsu loan báo thực tại cánh chung sắp tới. Thiên Chúa sắp sửa thiết lập triều đại, chậm lắm là sau cái chết của Đức Giêsu (consequent: kế tiếp, kèm theo). Tiếc rằng Người đã lầm. Người đã bị giết. Tình thế trước sau vẫn không thay đổi! Thế nhưng sau đó, các môn đệ được quy tụ lại và phao tin rằng Người loan báo Vương quốc Thiên Chúa bất tận trên thiên quốc chứ không phải là gần kề. Các tông đồ đã biến Đức Giêsu thành vị sáng lập một Giáo hội, với phẩm trật, phụng tự, luân lý. Đây là chủ trương của Albert Schweitzer, Martin Werner.
Đức Giêsu loan báo Vương quốc Thiên Chúa đã tới rồi (realized: đã được thực hiện). Sứ điệp nguyên thủy của Người được duy trì nơi Tin mừng Gioan. Nhưng nhiều người không hiểu được sứ điệp đó và họ xen vào những đoạn văn mang tính cách khải huyền nói đến cánh chung mai hậu. Đây là chủ trương của Charles Dodd.
Theo Karl Barth, sứ điệp cánh chung hệ tại việc Thiên Chúa vĩnh cửu đi vào lịch sử con người và dẫn đưa con người kết hiệp với vĩnh cửu. Những chi tiết về thời gian (trước / sau; đã / sẽ) không nằm trong bản chất cánh chung.
Theo Rudolph Bultmann, sứ điệp cánh chung cốt ở chỗ con người được kêu mời đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa bằng lòng tin. Những chi tiết khác đều là tùy thuộc. Đức Giêsu đến để kêu gọi con người tin nhận vào ơn cứu rỗi, chứ không phải để loan báo ngày tận thế. Đối với ông, thánh Phaolô là người hiểu chính xác nhất sứ điệp của Đức Giêsu: Ai tin thì được nên công chính, nghĩa là được cứu rỗi (Rm 5,1.9; 8,10; 1Cr 6,11). Đây là cốt yếu của cánh chung.
Theo chủ trương này, Vương quốc Thiên Chúa phần nào đã được khai mào nơi cuộc đời của Đức Kitô (lời giảng, phép lạ, cuộc tử nạn và phục sinh của Người). Tuy nhiên, Vương quốc ấy mới chỉ là giai đoạn khởi đầu (inaugurated) và còn chờ mong hoàn tất (consummated) vào cuối lịch sử. Đây là chủ trương của Oscar Cullman (đặt tên là anticipated eschatology: Cánh chung tiên ứng), Joachim Jeremias và cũng là quan điểm của Giáo hội Công giáo, thường được diễn ra qua công thức “rồi mà chưa” (déjà / pas encore; already / not yet).
Chúng ta sẽ trở lại với những ý kiến này trong phần lịch sử thần học. Ở đây, chỉ cần tóm lại các học thuyết vừa kể thành ba nhóm:
1/ Nước Thiên Chúa sẽ đến trong tương lai (sau Đức Giêsu);
2/ Nước Thiên Chúa đã đến rồi, trong tâm hồn những kẻ tin: ai tin thì sẽ được sống đời đời;
3/ Nước Thiên Chúa đã đến với Đức Giêsu nhưng còn ở giai đoạn khai mào, và sẽ được hoàn tất vào thời cánh chung.
--- ---B. Đức Giêsu với Vương quốc Thiên Chúa
Chủ đề căn bản của giáo huấn Đức Giêsu là Vương quốc Thiên Chúa, thể hiện qua lời nói và việc làm. Khác với ông Gioan Tẩy giả loan báo triều đại Thiên Chúa sắp đến, Đức Giêsu công bố rằng triều đại Thiên Chúa đã đến, tuy rằng triều đại Thiên Chúa sẽ hoàn tất trong tương lai. Như vậy, Triều đại (Vương quốc) Thiên Chúa mang hai chiều kích. Chúng ta hãy khảo sát các bản văn.
Khi xoay quanh một vấn đề “Triều đại (vương quốc) Thiên Chúa đã gần kề” (Mc 1,15), Đức Giêsu muốn loan báo về vương quyền cánh chung của Thiên Chúa đã bắt đầu ngay trong thời gian, mà không cần đến sự đảo lộn vũ trụ hay thay đổi các cơ chế chính trị nào cả, dù đó là cơ chế của Israel hay là của thế giới. Thật vậy, mở đầu Tin mừng Marcô chúng ta thấy ông Gioan Tẩy giả xuất hiện trong hoang địa với vai trò dọn đường cho Chúa đến (dựa theo Is 40,3). Ông quan niệm rằng Chúa sẽ đến để xét xử trần gian bằng “lửa” thịnh nộ (Mt 3,7-12). Vì thế ông mạnh mẽ kêu gọi, thúc giục dân chúng sám hối để đón chờ “Ngày của Chúa”. Còn Đức Giêsu chứng tỏ rằng triều đại của Thiên Chúa đã đến rồi, bằng lời giảng và việc làm của Người, nhưng theo một chiều hướng khác.
a) Bằng lời giảng
Những lời rao giảng đầu tiên của Đức Giêsu là “Thời kỳ đã mãn và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15). Phải chăng Triều đại Thiên Chúa “gần” chứ “chưa” đến? Vương quốc Thiên Chúa thuộc về tương lai, nằm bên kia thế giới hay đang hiện diện trong đời sống chúng ta? Đức Giêsu trả lời với nhóm Biệt phái: “Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này hay ở kia kìa’ vì này Triều đại của Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,20-21; x. Mt 12,28).
Triều đại Thiên Chúa xen lẫn hiện tại với tương lai. Bài giảng ra mắt của Đức Giêsu tại hội đường Nadarét còn rõ hơn nữa. Khi trích dẫn đoạn văn của Isaia nói về thời sau hết (Is 61,1-2), Đức Giêsu tuyên bố rằng: “Hôm nay những lời này được ứng nghiệm” (Lc 4,21).
Đức Giêsu loan báo triều đại đã đến, nhưng không hề đưa ra một định nghĩa về bản chất của thực tại đó, mà chỉ rao giảng bằng rất nhiều dụ ngôn, nhiều hình ảnh gần gũi quen thuộc, giản dị với cuộc sống của con người (gieo giống, thả lưới, mùa gặt, đám tiệc, hôn lễ...). Điều đó có thể giả định là các thính giả của Người hiểu nó là gì rồi và Người mở ra nhiều khả năng định nghĩa khác nhau.
b) Bằng việc làm
Đức Giêsu chứng tỏ triều đại Thiên Chúa đã đến qua các công việc Người thực hiện như lời các tiên tri loan báo. Khi ông Gioan Tẩy giả ngồi trong tù và cử hai môn đệ đến hỏi Đức Giêsu xem đã “tới thời” chưa, hay là còn phải chờ đợi. Ngài đáp: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe giảng Tin mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7,22-23).
Dĩ nhiên, đây là một lối trả lời theo “ám hiệu” mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu được, tức là những ai đã am tường những đoạn văn của Isaia nói về “Ngày ấy” (x. Is 26,19; 29,9-10.18-19; 35,5-6; 42,7), ngày Thiên Chúa can thiệp không những bằng việc tiêu diệt quyền lực của sự dữ để cho sự thiện và công lý ngự trị, mà còn khôi phục tình trạng nguyên tuyền cho con người. Đức Giêsu thực hiện lời tiên báo đó, nhưng không quan niệm triều đại Thiên Chúa như là sự khôi phục vương quốc Israel; Người có sứ mạng thực hiện triều đại đó qua các hành động chống lại sự dữ, sự chết và Satan, cụ thể qua các “phép lạ”:
- Phép lạ trừ quỷ. “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả là Triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11,20). Satan đã bị trục xuất khỏi thế giới loài người, bị mất địa vị (x. Lc 10,18).
- Phép lạ chữa lành các tật bệnh, người đau yếu, làm cho người chết được sống lại.
Tất cả các phép lạ Đức Giêsu vừa nói lên ơn cứu độ về mặt thiêng liêng và thể lý trong hiện tại, vừa là dấu chứng của Vương quốc Thiên Chúa mai hậu trong đó không còn bệnh tật, khổ đau, chết chóc nữa. Quyền lực của Thiên Chúa đang đến gần và đang ở trong Người qua việc xua đuổi ma quỷ, tha thứ tội lỗi, làm cho kẻ chết sống lại... (x. Lc 7,22-23). Chính sự mong chờ Nước Trời mà Người đã quy tụ quanh mình các môn đệ để họ vững tin. Cuối cùng, trong biến cố chịu chết của Đức Giêsu trên khổ giá, Mátthêu đã cho chúng ta thấy thời đại cánh chung đã khai mạc nơi Người (x. Mt 27,45.51).
Mặc dù nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã thiết lập vương quyền, tuy nhiên đây vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu, còn chờ được hoàn tất “vào ngày tận thế” (synteleia tou aionos: mãn thời gian Mt 13,39.40). Đây là chiều kích vị lai và chung cục của Triều đại Thiên Chúa được gọi là “chung cục”, nghĩa là đạt tới mục tiêu (telos: Mc 13,13 // Mt 24,13; Mc 13,7 // Mt 24,6; Lc 21,9; Mt 24,14).
Chiều kích tương lai được diễn tả qua những sự kiện sau đây:
- Phục sinh từ cõi chết. Ngày tận thế được đánh dấu bằng việc người chết được sống lại. Đề tài này mặc dù không thông dụng trong lời rao giảng của Đức Giêsu, nhưng khi cơ hội đến, nhất là trong một cuộc tranh cãi giữa nhiều khuynh hướng khác nhau trong Do thái giáo, Ngài đã khẳng định niềm tin này rất rõ ràng (x. Mc 12,18-27).
- Cuộc phán xét. Đạo lý của các ngôn sứ về “ngày của Giavê” đã ảnh hưởng đến các tác giả Tin mừng Nhất lãm (x. Mc 8,38; Mt 10,15; 11,12; 12,41; 19,48; 24,40; 25,31) và mang hai ý nghĩa trừng phạt và chiến thắng.
- Tình trạng chung cục của người tốt và kẻ gian ác: Sự phán xét để phân biệt kẻ lành người dữ; phần thưởng vĩnh viễn (x. Mc 9,43-38; 10,30) dành cho người lành (được vào bàn tiệc thiên quốc: Mt 22,1-10; Lc 14,16.24; Mt 8,11-12); hình phạt đời đời dành cho người dữ (x. Mt 5,22; Mc 9,43 tt). Những người tôi tớ trung thành sẽ được "vào trong Nước Chúa" (Mt 7,21-23), cùng với Đức Giêsu (Mt 25,34).
- Trời mới đất mới. Không chỉ có con người mới được phục sinh mà toàn thể vũ trụ cũng được tái sinh, phục hồi (2Pr 3,13) do liên đới với con người và với ơn cứu chuộc của Đức Kitô (Rm 8,19-23).
Những đề tài này sẽ được đào sâu trong phần thứ hai (hệ thống).
III. Những thái độ của con người đối với sứ điệp Vương quốc Thiên Chúa
Chính vì Triều đại Thiên Chúa mang hai chiều kích, cho nên đòi hỏi hai thái độ khác biệt về phía con người.
Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu công bố: “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15).
Hai thái độ căn bản mà Đức Giêsu kêu gọi nơi người đương thời là "sám hối" (hối cải, cải hoán), và “tin”.
a) Hối cải không chỉ là từ bỏ con đường bất chính và trở về với giao ước, nhưng còn là thay đổi não trạng. Vương quyền của Thiên Chúa là vương quyền của tình yêu, chứ không phải là của sức mạnh. Để đáng được nhận vào Nước Trời, cần phải chấp nhận tinh thần nghèo khó, khiêm tốn; chứ không phải kiêu căng hống hách, như chúng ta đọc thấy trong bài giảng trên núi của Mátthêu, và ngắn gọn hơn nữa, trong sứ điệp về các phúc thật (Mt 5,1-12).
b) Tin vào Tin mừng là chấp nhận lời giảng và bản thân Đức Giêsu: tin rằng Người là đấng thiên sai: không phải là một nhà cách mạng chính trị nhưng là một tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa. Tuy là một kẻ chọn con đường khiêm tốn phục vụ (Mc 10,45), nhưng Người có khả năng mang lại ơn tha thứ của Thiên Chúa (Mc 2,10) cũng như chiến thắng lực lượng ác thần (Mc 1,23; 5,8, ...).
Triều đại Thiên Chúa đã đến với sự hiện diện của Đức Giêsu ở giữa nhân loại và đặc biệt với cuộc tử nạn và phục sinh của Người, qua đó Thiên Chúa làm hoàn tất các niềm trông đợi của Israel. Tuy nhiên, đó mới chỉ chặng khởi đầu; Thiên Chúa sẽ thực hiện vương quyền trọn vẹn vào thời cánh chung.
Nói khác đi, Nước Thiên Chúa còn ở giai đoạn khởi đầu, và đang tăng trưởng dần dần cho đến lúc sung mãn. Nhiều dụ ngôn đã được thuật lại để diễn tả tình trạng ấy, chẳng hạn như dụ ngôn về người gieo giống: hạt giống được gieo sẽ đâm chồi nảy lộc, tăng trưởng đến lúc toàn vẹn (Mt 13,4-9), dụ ngôn về cỏ lùng (câu 24-30), về hạt cải (câu 31-32).
Trong thời gian chờ đợi, các môn đệ của Đức Giêsu được mời gọi hãy cầu nguyện, tỉnh thức, chờ đợi.
a) Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu xin cho Triều đại của Chúa Cha mau đến (Mt 6,19 // Lc 11,2).
b) Đức Giêsu khuyên nhủ các môn đệ hãy sẵn sàng, tỉnh thức:
- Lc 12,36-38: “Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn tiệc về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay”. Phúc cho những đầy tớ ấy (x. Mc 13,33-37).
- Sự tỉnh thức chờ đợi cũng bao hàm việc trung thành với bổn phận đã được uỷ thác, giống như những nén bạc cần được sinh lợi (Lc 19,11-27; Mt 25,14-30).
Như vậy, sự chuẩn bị tỉnh thức là thái độ cần thiết đang khi chờ đợi Triều đại Thiên Chúa đến. Biến cố ấy đôi khi cũng được diễn tả như là “Con Người đến trong vinh quang” (Mc 13,26; 14,62; Mt 25,31).
Thái độ này được đặt ra cho các môn đệ của Đức Giêsu xét theo cá nhân cũng như xét theo cộng đồng Hội thánh. Hội thánh có sứ mạng rao giảng ơn cứu độ của Đức Giêsu cho đến khi Người đến (Mt 28,19-20; Mc 15,15-20; Lc 24,47-49). Sách Tông đồ Công vụ cho ta thấy Hội thánh tiên khởi đã thực hành mệnh lệnh của Chúa như thế nào (Cv 1,8).
Thiết tưởng đó là lý do vì sao Tin mừng Nhất lãm ít nói đến hy vọng, nhưng lại chú trọng tới tin yêu và chờ đợi.
--------------------------------------------------------------------------
[1] Trong các sách Tin mừng, động từ được dùng trong Mátthêu chỉ dùng 1 lần (12,21) trích dẫn Isaia 42,4; Luca 3 lần (6,34, 23,8; 24,21) và Gioan 1 lần (5,45), nhưng theo nghĩa thông thường.
[2] Ngoài ra, Tông đồ Công vụ: động từ 2 lần, danh từ 8 lần; thư 1 Phêrô: động từ 2 lần, danh từ 5 lần; thư Hípri: động từ 1 lần, danh từ 5 lần.
[3] Có nhiều số liệu khác nhau về cách tính từ ngữ “Nước Chúa” hay “Nước Trời”. Ở đây chúng ta có thể theo số liệu sau: Marcô sử dụng từ basiléia 20 lần, Luca 46 lần và sách Công Vụ 8 lần. Mátthêu sử dụng “Nước Chúa” 4 lần và “Nước của các tầng trời” (hay “Nước Trời”) 34 lần. (Xem S. A. Panimolle, Regno di Dio, trong: “Nuovo Dizionario di Teologia Biblica”, San Paolo, Milano 1988, tr. 1296-1322).